talawas – Giới thiệu bài viết của Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi về cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn
26/10/2009 | 1:00 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở talawas – Giới thiệu bài viết của Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi về cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn
Category: Lịch sử, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Nguyễn-Khoa Toàn > vai trò của văn nghệ sĩ và trí thức
talawas – Giới thiệu lại một bài viết về một trí thức Việt Nam giữa những biến chuyển chính trị xã hội lớn lao tại Việt Nam trong thế kỷ 20 – Cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn thuộc dòng họ Nguyễn-Khoa ở Huế, chúng tôi mong cung cấp thêm tư liệu về đề tài đang được quan tâm: Trí thức và thời cuộc.
____________
Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi – Một trăm năm sau: Cụ Mai Trang Nguyễn Khoa-Toàn (1898-1965)
Lời Toà soạn Ngày Nay. Năm nay là đệ bách chu niên sinh nhật của một trong những nhân vật văn học, chính trị và mỹ thuật của Việt Nam, sanh trưởng và nổi danh từ xứ Huế: Cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn, sanh năm 1898.
Vào dịp này, cũng xuất thân từ đất Thần Kinh, nhà văn Hoàng Liên – tác giả nhiều sách và thi tập, trong đó có tác phẩm Ánh sáng và Bóng tối được nhắc nhở đến nhiều trong năm qua – thử tìm thấy ý nghĩa của hành trình sống mà nhân vật này đã đi qua vào lúc giao thời của hai nền văn minh Đông Tây ở nước Việt và, tiếp theo, vào thời gian ngay sau Đệ nhị Thế chiến, lúc Quốc gia Việt Nam phải tranh đấu một lúc trên hai mặt trận, chống tân thực dân Pháp và chống cộng sản Việt Minh.
Thiết tưởng cũng nên ghi qua ở đây: Cụ Nguyễn-Khoa Toàn cũng là thân-sinh của GS Nguyễn-Khoa Phồn Anh, một cây bút chủ lực của Ban Biên tập Ngày Nay từ những ngày đầu khi tờ báo ra mắt ở Houston cách đây đã hai thập niên.
Trương Trọng Trác
Chủ bút Ngày Nay
Trên thế giới, không một dân tộc nào, dù lớn dù nhỏ, lại không tự hào về quá khứ của mình và không trân trọng bảo tồn những gì liên hệ đến lịch sử. Trong từng giai đoạn con người có nhu cầu xây cất dinh thự, đền đài, lăng tẩm, tạc tượng đồng, dựng bia đá… để ghi nhận và lưu lại cho hậu thế những nhân vật và những biến cố lịch sử. Riêng tại nước ta, đi đâu cũng gặp nhiều kiến trúc do dân chúng hay do chính quyền dựng lên để tưởng nhớ, thờ phụng và tri ân những bậc tiền nhân đã dày công kiến tạo giang sơn: anh hùng, liệt nữ, văn quan, võ tướng, văn nhân, thi sĩ… đều được tôn sùng với niềm hãnh diện chính đáng. Trong một quốc gia, lòng thành kính ghi ơn ấy là một mẫu số chung, một chất keo bền vững có tác dụng gắn bó mọi tầng lớp nhân dân và liên kết chặt chẽ các thế hệ với nhau.
Với cảm nghĩ đó, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm sinh của Cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn, tôi bùi ngùi tưởng nhớ một nhà giáo dục, học giả, họa sĩ – đồng thời là một nhà chính trị và ngoại giao – được nhiều thức giả ngưỡng mộ, nhất là tại Đất Thần Kinh.
Kể từ thời Trung và Cận đại, vùng đất Phú Xuân là nơi giao lưu của hai nền văn minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ, nơi tập họp của nhiều dòng di dân từ Trung Hoa và Đông Nam Á, Tây Á và Tâu Âu đến. Qua nhiều thế kỷ, người Việt đã thiết lập ở đó một thủ phủ chính trị và văn hoá: Phú Xuân trở thành một điểm hội tụ tinh hoa Việt tộc.
Trong khung cảnh của Phú Xuân, mỗi khu vực lại có những đặc tính rõ nét: Kim Long không giống An Cựu, Nam Giao khác với Gia Hội hay Bao Vinh, và nhiều thi nhân ca ngợi sắc thái riêng biệt của Vĩ Dạ.
Vĩ Dạ nguyên là một vùng đất phù sa, do hai phụ lưu của Hương Giang – sông Vân Dương và sông Như Ý đắp nên. Theo chân chúa Nguyễn Hoàng, những di dân Thanh Nghệ đã biến mảnh đất hoang vu đầy lau sậy thành một vùng dân cư sầm uất. Một thời gian sau nữa, đất này trở nên nơi định cư của nhiều dòng họ lớn. Trên dải đất tươi mát dọc sông Hương, những thôn xóm trù phú được tạo lập với những mái nghiêm lâu ẩn hiện sau những hàng cây cổ thụ, những cành hoa rực rỡ. Rồi theo chiều dài của lịch sử, Vĩ Dạ không ngưng hiến cho Tổ quốc những người con xuất sắc, từ những công thần văn võ, những bậc chân tu, cho đến những nhà văn hóa, những nghệ sĩ trong các lãnh vực văn thơ, âm nhạc và hội họa.
Họa sĩ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn sinh trưởng trong khung cảnh văn vật, quí phái và thơ mộng ấy. Ngoài sự tiếp xúc với những văn nhân nghệ sĩ của đất Thần Kinh hay từ phuơng xa đến viếng kinh thành Huế và “thôn Vĩ,” Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn đã thừa hưởng những điều kiện địa lợi thích hợp để phát huy tài năng và khơi động nguồn cảm hứng. Thiên nhiên Vĩ Dạ, con người Vĩ Dạ, đó đây đã để lại những dấu ấn rõ rệt trong những áng văn hay những họa phẩm của Cụ. Thêm vào đó, Cụ được nuôi dưỡng un đúc trong các triết thuyết Khổng học và Phật giáo theo truyền thống của một đại tộc đời đời gồm nhiều văn quan, võ tướng, những nhà khoa bảng hay những nhà sư đạo hạnh. Nền giáo dục ấy, cộng với tinh hoa Âu học mà Cụ hấp thụ trong tuổi tráng niên, sẽ giải thích chiều hướng hoạt động giáo dục, chính trị hay nghệ thuật của Cụ. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được cái phong thái nho nhã, lịch thiệp và hấp dẫn của một nhà ngoại giao, văn học và mỹ thuật.
Nhưng không phải lúc nào Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn cũng làm chủ được những điều kiện khách quan thuận tiện để sử dụng khả năng và hoạt động như ý muốn. Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, hoàn cảnh chính trị và xã hội không mở rộng triển vọng và phạm vi hoạt động cho các tầng lớp thanh niên hiếu học Việt Nam. Chính phủ bảo hộ thời bấy giờ chỉ muốn trước hết đào tạo và hướng dẫn công chức “bản-xứ” phục vụ một chính quyền chịu lệ thuộc đế quốc. Để đạt mục đích ấy, một số ít ỏi phân khoa đại học được thiết lập tại Hà Nội, chung cho cả ba nước Đông Dương. Vì hồi ấy thích ngành giáo dục (có lẽ cũng vì muốn nối nghiệp phụ thân: Cụ thân sinh Ngũ Phong Nguyễn-Khoa Đạm nguyên là Viện trưởng Quốc Tử Giám ở Huế, viện có trọng trách giáo huấn thanh thiếu niên trong Hoàng tộc), người thanh niên xuất sắc Nguyễn-Khoa Toàn dự thí, đuợc tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm, và tốt nghiệp vào năm 1923.
Sinh năm 1898 – đến nay vừa đúng một thế kỷ – Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn trưởng thành khi ngành Hán học tại nước ta bắt đầu suy tàn và chế độ thi cử cổ truyền cáo chung với khoá Thi Hương cuối cùng năm 1918. Về mặt chính trị, vào thời ấy, sau khi phong trào Đông kinh Nghĩa thục bị chính quyền Pháp dập tắt năm 1908, vua Duy Tân cương quyết khởi nghĩa. Tiếp theo là những hoạt động cách mạng của Cụ Phan Bội Châu, Cụ Phan Chu Trinh, rồi cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc dân Đảng. Những biến động chính trị ấy gây tiếng vang làm trăn trở tâm tư của thanh niên trí thức mang nặng ưu tư về tiền đồ Tổ quốc.
Dưới chế độ kiềm chế của chính quyền thực dân, thanh niên thức thời cố gắng tìm một hướng đi, một phương thức hoạt động và đấu tranh thích nghi cho mỗi cá nhân. Riêng giáo sư Nguyễn-Khoa Toàn đã chọn đường đi trong lãnh vực giáo dục và văn hóa. Trong hoàn cảnh khó khăn, với tư cách một nhà giáo, một viên chức cao cấp tại Bộ Giáo dục, với nỗ lực không ngừng Cụ đã thu lượm được nhiều thành tích có ảnh hưởng sâu rộng. Trong mục đích nâng cao dân trí, Cụ sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ dùng một phương pháp giảng huấn mới mẻ rất hữu hiệu giúp những người thất học có khả năng viết và đọc tiếng mẹ đẻ trong thời gian rút ngắn để nhanh chóng thâu nhận những kiến thức phổ thông. Cùng mục đích ấy, Cụ biên soạn các sách giáo khoa đầu tiên về môn Công dân Giáo dục. Ngoài ra, để phát huy và giới thiệu văn hóa dân tộc Cụ cộng tác với nhiều tạp chí tầm vóc, biên soạn những bài khảo luận nghiên cứu có giá trị, bằng Việt văn và Pháp văn, về lịch sử và văn học nước nhà. Nhận rõ vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước, Cụ đứng ra thành lập Quốc anh Đoàn, để huấn luyện thanh niên Việt về mặt thể dục và hướng dẫn về mặt tinh thần, với chủ tâm tạo ý thức sâu đậm về quốc gia dân tộc trong thế hệ mới. Tất nhiên công cuộc này gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền bảo hộ, vì nó tranh thủ ảnh huởng của một phong trào tương tự do chính quyền này phát động, thường được gọi là “Phong trào Thanh niên Ducoroy” (mang tên viên sĩ quan Pháp điều khiển), có ý đồ thu phục tinh thần và tiềm năng thanh niên toàn quốc.
Cũng trong khuôn khổ phát huy văn hóa dân tộc, Cụ cùng một số thân hữu chủ trương thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, nhưng chính quyền Pháp lo ngại và chỉ chấp thuận cho thành lập một tổ chức gọi là Hội Phật học Trung-Việt mà thôi, để hạn chế mọi hoạt động trong mục tiêu nghiên cứu giáo triết cũng như trong giới hạn địa danh.

Cụ Nguyễn-Khoa Toàn, lúc đang tạc tượng Đức Phật Thích Ca, pho tượng đúc đồng, hiện đang được thờ giữa chính điện Chùa Từ Đàm, Huế
Công vụ cùng những công tác trên không làm Cụ giảm say mê sáng tác trong ngành hội họa và điêu khắc. Trong giai đoạn này, tranh vẽ của họa sĩ phản ảnh cuộc sống đặc thù của xứ Huế, ghi lại thiên nhiên hài hòa và con người thanh lịch của Thủ đô văn hóa và chính trị. Những bức tượng do Mai Trang sáng tạo có tánh cách tôn giáo như tượng Phật Thích Ca (được đúc đồng và đặt thờ tại chính điện Chùa Từ Đàm ở Huế) và tượng Quán Thế âm Bồ tát. Tôn giáo và triết học là nguồn cảm hứng giúp họa sĩ tạo nên nhiều họa phẩm xuất sắc khác. Cũng khoảng thời gian này họa sĩ đoạt giải khôi nguyên Arts Décoratifs de Paris.
Trong thời Đệ nhị Thế chiến, tình hình chính trị ở Việt Nam đột ngột biến chuyển. Quân đội Nhật chớp nhoáng đảo chánh và lật đổ bộ máy bảo hộ của Pháp ở Đông Dương. Đến khi Thế chiến chấm dứt, thế cuộc tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho sự tranh đấu của dân tộc và, riêng đối với Cụ Nguyễn-Khoa Toàn, đã đưa Cụ thẳng vào địa hạt chính trị, giúp Cụ thực hiện hoài bão lớn lao nhất của con dân đất Việt: một quốc gia hoàn toàn độc lập và thống nhất. Liền sau khi Thế chiến chấm dứt, để góp phần tiến hành cuộc bình định và ổn định tình hình kinh tế và xã hội miền Trung, Cụ tham gia thành lập Hội đồng Tham nghị và Hội đồng Chấp chánh ở Trung phần. Để chóng tái vãn an ninh trật tự và dần dần thay thế quân đội Viễn chinh Pháp, Cụ gấp rút thành lập Bảo quốc Quân, lực lượng quân sự đầu tiên ở Trung phần và cũng là một hạt nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc lâm thời, Cụ lại kiêm giữ chức vụ Tỉnh trưởng Thừa Thiên và Đốc lý Thành phố Huế, nơi phát khởi mọi công trình xây dựng cho cả miền Trung thời đó.
Năm 1948, trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Tham nghị Trung phần, cùng các đại diện đảng phái quốc gia Cụ đi Hongkong để hiệp thảo với các nhân sĩ Trung Nam Bắc, dưới sự chủ tọa của cựu Hoàng đế Bảo Đại, về nỗ lực của cả ba miền đồng thanh thương thảo với Pháp quốc, cũng như đối phó với âm mưu của Việt Minh đang thất thế muốn cầu hoà và nhân nhượng với đế quốc Pháp để dễ bề lấn lướt các đảng phái quốc gia.
Sau đó, Cụ là thành viên phái đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp để tái lập thống nhất và độc lập cho quốc gia. Tiếp theo, Cụ tham gia phái bộ Việt Nam ký Hiệp định Hạ Long với Pháp, công nhận nền độc lập và thống nhất của Quốc gia Việt Nam.
Cũng trong năm ấy, Cụ tham gia chính phủ trung ương đầu tiên của Quốc gia Việt Nam độc lập, giữ chức vụ Tổng trưởng Giáo dục và Thanh niên, kiêm Nghi lễ. Tức thời Cụ triệu tập Đại hội Giáo giới Toàn quốc để thảo luận và đặt nền móng cho một chương trình giảng huấn phổ cập thay thế chương trình giáo dục cũ từ thời Pháp thuộc.

Bìa một tập hội họa ở Pháp in hình màu chụp bức họa sơn dầu khổ lớn “Exode” của Mai Trang với bút thuật Hán tự điêu luyện của chính họa sĩ
Dù công vụ bề bộn, Cụ không hoàn toàn sao nhãng hội họa. Cũng trong năm 1948, Cụ mở một cuộc triển lãm tại Hà Nội, trình bày hơn 30 họa phẩm chọn lọc, gồm tranh sơn dầu, tranh bột mầu, tranh vẽ than và tranh thủy mặc Á đông.
Năm 1951, Cụ được bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Bangkok (Vương quốc Thái Lan). Trong 5 năm đại diện cho quốc gia ở lân bang, Cụ đã thành công trong việc vận động chính phủ Hoàng gia Thái Lan thay đổi chánh sách, từ bỏ sự kiểm soát khắt khe đối với Việt kiều (từ Bắc Việt sang lánh nạn chiến tranh từ thời Pháp thuộc, đa số định cư tại miền đông bắc Thái Lan) vì chính phủ Thái lo ngại họ có thể làm nội gián cho cộng sản Bắc Việt. Ngoài ra, Cụ thực hiện nhiều đợt hồi hương kiều bào và đảm bảo cho họ có công ăn việc làm tại quê hương. Giao hảo giữa hai nước đuợc cải thiện đậm đà nhờ tài ngoại giao khéo léo cũng như tư cách uyên bác của Cụ trong nhiều lãnh vực.
Cuộc sống trên đất người cũng gợi xúc động sâu xa trong tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ. Tuy thời giờ rỗi rảnh rất eo hẹp, Cụ vẫn cố gắng sáng tác: những bức tranh sơn dầu mô tả bãi bể, chùa chiền, con người và sanh hoạt xã hội của xứ Thái, được giới thưởng ngoạn địa phương, cũng như báo chí và những nhà phê bình mỹ thuật, hết lời ngợi khen trong một cuộc triển lãm tại Bangkok.
Sau 37 năm phục vụ trong công quyền và chính trường, Cụ hưu trí năm 1955 và từ đó dành toàn thời gian cho hội họa, một ngành mỹ thuật mà Cụ ưa thích và đeo đuổi từ thuở thiếu thời suốt cho đến năm 1965, là năm Cụ từ trần.
Từ hồi tráng niên, và ngay trong giai đoạn cực thịnh của nền đô hộ Pháp, Cụ luôn luôn ấp ủ kỳ vọng xây đắp một Việt Nam thống nhất độc lập. Các tên mà Cụ đặt cho hàng con trai của Cụ đã bộc lộ hoài bão đó. Thừa hưởng truyền thống yêu nước và phục vụ sơn hà của một đại tộc (trong lịch sử, có hai vị tiên tổ được phong Tước Khai quốc Công thần, một vị Tước Thái tử Thiếu bảo và rất nhiều vị Tước Hầu hoặc Tước Công), lại thêm chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo và Khổng giáo đồng thời thấm nhuần văn học Tây phương, con người Cụ kết hợp hài hòa tinh hoa của hai nền văn hóa Đông – Tây.
Riêng trong phạm vi mỹ thuật, từ bút thuật chữ Nho nhuần nhuyễn đến kiến thức mỹ thuật vững chắc do công trình nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật Âu lẫn Á, họa sĩ Mai Trang có biệt tài uyển chuyển bước từ tranh thủy mặc bình dị và thanh thoát đúng sắc thái Á châu, đến những bức chân dung linh động với màu sắc phong phú của thời đại Phục hưng ở Âu châu. Bất luận xét qua môn phái nào, mọi họa phẩm Mai Trang đều hàm chứa chất thơ mộng bàng bạc trong đường nét, ánh sáng và màu sắc. Hơn nữa, những họa phẩm ấy luôn đượm tinh thần Việt rõ rệt. Đề tài được chọn lựa đủ bộc lộ điều ấy: một đồi thông ở Huế với những ngôi mộ bên đường, một con hói miền Trung màu lục sẫm len lỏi giữa những hàng tre già, một con lạch ở Chợ Lớn với những đụn rơm trên bờ, những bức chân dung thiếu nữ với nét đặc thù của dòng giống Việt…
Việt tính trong hội họa Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn cũng biểu lộ trong đời sống hàng ngày. Có lần, biết Cụ sắp đi Đà Lạt, một người bạn họa sĩ trẻ tuổi góp ý kiến: “Cụ lên trên đó, Cụ gắng ở chơi lâu lâu để có thì giờ vẽ cảnh đẹp của Đà Lạt.”
Cụ trầm ngâm đáp: “Cảnh Đà Lạt đẹp, đẹp lắm: nền trời xanh, mây trắng xốp, hàng tùng bách cổ kính, đồi núi chập chùng, biệt thự xinh xắn: trông cũng hấp dẫn lắm chứ. Nhưng tôi vẫn ngại… Tôi chỉ ngại là khi vẽ xong, tranh sẽ giống như tranh vẽ phong cảnh bên Âu châu. Có bao sắc thái Việt nữa đâu!”
Cũng giống như vậy, khi một thân hữu thi văn của Cụ ở Pháp cảm thấy tình hình ở Việt Nam có chiều trở nên bất ổn và biên thư mời Cụ sang tạm lánh ở Nice, Cụ phúc đáp: “Bạn có thể nào tưởng tượng tôi sống xa đất nước tôi được ư?”
Năm nay, cũng là một con dân đất Thần Kinh, tôi không khỏi tưởng nhớ người xưa, một nghệ sĩ đa tài, một nhà trí thức và nhân sĩ tiêu biểu cho một thế hệ sống trong niên kỷ đầy trắc trở, một giai đoạn đầy biến chuyển giao thời.
Sau những thăng trầm của quê hương trong mấy thập niên gần đây, để củng cố niềm tin vào tương lai, thiết tưởng chúng ta nên tìm những dịp quay nhìn lại quá khứ và tìm hiểu di sản tinh thần của những bậc tiền bối đã từng là chứng nhân lịch sử.
Có thể vì khiêm tốn, các bậc tiền bối không thích trực tiếp nhắn gửi cho chúng ta một thông điệp. Thông điệp đó, chính chúng ta sẽ tìm thấy, ngay trong tâm khảm chúng ta.
Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi
San Francisco, tháng Mười 1998
Nguồn: Ngày Nay số 398 — ngày 1 tháng 10 năm 1998
Bình luận
Không có phản hồi (bài “talawas – Giới thiệu bài viết của Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi về cụ Mai Trang Nguyễn-Khoa Toàn”)