Phạm Toàn – Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế!
26/10/2009 | 2:55 chiều | 13 Comments
Category: Văn hoá – Giáo dục
Thẻ: Báo cáo Harvard > Neal Koblitz
Nếu không nhờ báo VietNamNet có nhã ý tung lên mạng một bài viết của giáo sư Neal Koblitz chống lại bản báo cáo được gọi là của Đại học Harvard về thực trạng giáo dục đại học Việt Nam, thì có lẽ tôi đã quên nó mất rồi.
Quên nó đi, là vì đại học không thuộc lĩnh vực hoạt động của mình.
Ấy thế rồi có tác phẩm của giáo sư Koblitz, và tôi đã đọc kỹ nó tới ba lần. Đọc xong lần thứ ba thì tôi mỉm cười một mình vì chợt nhớ tới câu đùa của người Pháp “Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế”. Sự thể như sau, năm 1422, khi vua nước Pháp Charles VI băng hà, và vua Charles VII lên kế vị, người dân Pháp truyền nhau tin tức đó, nhưng qua cách báo tin cho nhau, bao nhiêu thế kỷ sau ta vẫn không thể quên nụ cười mỉm của cái dân tộc rất thích tiếu lâm đó.
Để phân tích bài viết của giáo sư Koblitz, thiết tưởng nên nhắc lại đôi chút về bản báo cáo vẫn được gọi tắt là “Báo cáo Harvard” về sự khủng hoảng của nền đại học Việt Nam hiện thời.
Người Mỹ có “sứ mạng” gì mà phải “báo cáo” cho người Việt Nam biết chuyện xảy ra ở nước Việt Nam? Họ chẳng có nghĩa vụ gì hết! Báo cáo đó chỉ cung cấp tình hình cùng những phân tích về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cho phía Hoa Kỳ trong Ủy ban Đặc nhiệm Song phương về Giáo dục Đại học (Higher Education Task Force). Cái một bên trong hai bên đó muốn bàn với bên kia điều gì, muốn “OK” hay khước từ những đề nghị vòi vĩnh của phía bên kia, thì phải nắm chắc tình hình bên ấy.
Họ đã “nắm bắt tình hình” những gì với nhau trước khi hai bên nhóm họp?
Nhìn tổng quát tình hình đại học Việt Nam, bản báo cáo cho rằng “khó có thể phóng đại hơn nữa về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng đại học Việt Nam đương thời”. Và theo họ, thì “Chúng tôi tin rằng, nếu không có những cải cách nhanh chóng và tận gốc dành cho giáo dục đại học, Việt Nam sẽ thất bại trong mục tiêu đạt tới các tiềm năng to lớn của mình”. Diễn nôm điều này là như sau: hễ bạn để hỏng nền đại học của mình, thì xin bạn đừng tính chuyện đổi mới nữa!
Đi vào chi tiết, bản báo cáo đó còn có gì nữa?
Có nhiều vấn đề. Có thể gộp chung các vấn đề lại để có một bản tóm tắt. Nhưng nghĩ rằng cách thức tốt hơn khi đọc một báo cáo là dùng sự cảm nhận đầy tinh thần trách nhiệm của mình mà vừa đọc vừa tự phán xét. Trên tinh thần đó, nghĩ rằng có thể nên dừng lại để cảm nhận về những “chuyện” sau đây.
Một là, hãy nhìn trước nhìn sau, trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu (như Tố Hữu dặn), xem ta đang đứng ở vị trí nào trong cuộc hội nhập? Những bản thống kê đã cho thấy rõ vị trí đó, và hãy nhớ đến lời cảnh báo trong báo cáo: “Các trường đại học Việt Nam tụt lại khá xa đằng sau ngay cả những láng giềng kém mở mang của mình.”
Hai là, “Đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam.” Bản báo cáo nêu ra một thí dụ về vụ tìm người làm của hãng Intel. Trong mấy chục năm qua, và cho đến tận hôm nay, hình như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mỏi cổ ngóng trông một lực lượng lao động đáp ứng đòi hỏi của họ. Điều này ai ai cũng thừa biết, không cần đến Đại học Harvard mới băt đầu sáng ra.
Ba là, những nguyên nhân của tình hình mà theo bản báo cáo, ít nhất có ba nét sau đây đáng chú ý cho ta xem xét giải quyết: sự thiếu quyền tự chủ của đại học; sự quản lý theo thói quen quan liêu kéo dài; sự thiếu trình độ của tầng lớp giảng sư vốn chủ yếu xuất thân từ lò đạo tạo Xô-viết.
Kết thúc bản báo cáo, gây hoảng hồn hơn cả là cái kết luận mang tính khuyến nghị quá ư thật thà của nó: “Cải tổ toàn bộ cung cách điều hành của chính quyền là chìa khóa để cải tiến nền giáo dục đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, cải tổ các học viện giáo dục đào tạo ở bất cứ nơi đâu cũng là một tiến trình lâu dài. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng Việt Nam phải xây dựng một học viện đào tạo đại học mới, mà ngay từ đầu đã có cơ chế điều hành tốt nằm trong DNA của nó“.
Điều rất thú vị, ấy là bạn đọc Việt Nam ở trong và ngoài nước hình như đều chấp nhận bản báo cáo Harvard, các thảo luận đều như thể cùng quy tụ vào những nguy cơ được nêu ra từ đó.
Và điều cũng rất thú vị, ấy là người duy nhất lên tiếng phản đối bản báo cáo Harvard lại là một người nước ngoài – hơn thế nữa, một người Mỹ, hơn thế nữa, một người Mỹ có tiếng tăm.
Bài phân tích của giáo sư Koblitz thì dài, tốt nhất là nên đọc từ đầu chí cuối, còn ở đây ta chỉ nên phân tích những vấn đề chính yếu.
Vấn đề thứ nhất, ta thấy một Koblitz gần gụi, thân thiện vô cùng với Việt Nam: ông sang Việt Nam từ năm 1978 khi đất nước ta vẫn còn bị Mỹ cấm vận. Là người Mỹ am hiểu đất nước, ông lưu ý cảnh báo giúp ta rằng “Vào những năm sáu mươi, hàng triệu người Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong số đó không chỉ là bao gồm những người không có học thức mà đáng tiếc là còn có cả một số giáo sư của Harvard và các trường đại học khác, họ đã đến Washington để nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nội các của Kennedy và Johnson.” Ông khuyên chúng ta chớ có tin vào các báo cáo loại đó, nhất hạng là khi tác giả lại từng là Thủy quân Lục chiến đánh nhau ở chiến trường Việt Nam nữa. Dĩ nhiên, ông không rơi vào “chủ nghĩa lý lịch” thô thiển. Ông còn cung cấp cho chúng ta về quá trình học hành bậc đại học và trên đại học của các tác giả bản báo cáo Harvard tiếng tăm và tai tiếng kia! Hóa ra, họ không đáng tin vì chưa có học vị Ph.D., và theo Koblitz, học vị của họ còn “thua cả bậc candidate Liên Xô” – tức bậc Phó tiến sĩ (nay đều thành Tiến sĩ cả rồi).
Về vấn đề thứ nhất ông Koblitz nêu ra, tôi chỉ dám rụt rè hỏi lại như sau: ngộ nhỡ những nội dung báo cáo của những cựu Thủy quân Lục chiến kia, của những con người ít học kia, mà lại gần với sự thật, mà những gì họ vạch ra lại đáng cho người Việt Nam chúng tôi suy nghĩ, thì có vì cái quá khứ của mấy người viết báo cáo đó mà gạt bản báo cáo đi không? Giữa chân lý và lý lịch, ta chọn cái gì? Hay là giáo sư Koblitz chỉ cho các cựu binh Mỹ được phép kéo đàn và lau nước mắt bên các tượng đài?
Vấn đề thứ hai, đó là lập luận của Koblitz về việc phải hiểu rõ lịch sử Việt Nam thì hãy giơ tay phát biểu. Suốt mấy trang dài, tác giả Koblitz kể từ năm 1978 khi Việt Nam còn bị cấm vận ông đã tới thăm và kính phục giới trí thức Việt Nam; ông biết rành rọt lịch sử như được gửi ở những tấm bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám; ông hiểu rõ tội lỗi của người Pháp đối với nền đại học Việt Nam; ông nhắc nhở các nhà viết báo cáo Harvard không nhớ kể ra tội ác diệt chủng của người Mỹ khi ném bom Việt Nam; và bảng lảng trong bài viết của Koblitz là lòng luyến tiếc Liên Xô hùng mạnh một thời về mọi mặt (dĩ nhiên là hùng mạnh cả trong việc đào tạo chuyên gia cho Việt Nam).
Về việc này, tôi chỉ xin nói nhỏ như sau: giáo sư Koblitz biết quá nhiều, duy chỉ có một điều ông chưa biết, đó là câu tục ngữ “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Sao ông không nêu câu hỏi: chuyên gia đào tạo từ Liên Xô giỏi vậy, sao họ không chịu phát huy tác dụng, để nền đại học Việt Nam ốm yếu đến thế? Sao ông không hỏi để biết tâm tư người Việt Nam đương thời, để thấy họ cũng xì xụp vái lạy ở Văn Miếu, nhưng họ cũng không bao giờ còn có thể quay lại cảnh đi học chỉ để có mũ cao áo dài và tên tuổi không nằm ở thành tích trong công việc mà chỉ còn là hàng chữ li ti trên tấm bia đá nặng trịch.
Vấn đề thứ ba, giáo sư Koblitz nói về những cái xấu của đại học Mỹ, trong đó có hai điều rất hấp dẫn: trình độ toán của sinh viên Mỹ quá dấm dớ (có dẫn chứng đầy đủ), và nhiều trường cao đẳng (và có thể đại học) Mỹ có thể (và đã) qua Việt Nam chỉ cốt kiếm lợi nhuận chứ không mong họ có ích gì cho việc xây dựng nền đại học nước này. Ông cũng cảnh báo mọi người về việc nước Mỹ thu hút chất xám của loài người, nên Mỹ mới giỏi và tiếp tục giỏi như ngày nay.
Về chuyện này, thiết nghĩ chỉ cần nhắc nhở giáo sư khả kính về bài báo ông viết năm 1981 là đủ, bài “Toán học với tư cách công cụ tuyên truyền” (Mathematics as Propaganda), trong đó ông cảnh báo cách dùng sai lệch công cụ toán học vào khoa học xã hội. Thì ở đây ta thấy lặp lại chính điều ông cảnh báo: chuyện sinh viên Mỹ học dốt toán chẳng ăn nhập gì với chuyện nền đại học Việt Nam rệu rã hết! Và nếu muốn lập luận theo phép tương đương, ta có thể vào trang web của trường Đại học Washington và dùng ngay các ý kiến của sinh viên đánh giá giáo sư Koblitz trong các tháng 9 và 10 năm 2009 này; rồi ta sẽ thấy ở đó những kết quả trái ngược nhau chan chát!
Vấn đề quan trọng bậc nhất không phải là tranh cãi xem ông giáo sư Koblitz và bản báo cáo Harvard cái nào đúng cái nào sai. Vấn đề quan trọng nhất hạng là cái tai của người lắng nghe những lời phê phán. Chúng tôi ở trong chăn đã lâu, xin có một lời khuyên giản dị với giáo sư như sau thôi: nước chúng tôi có quá nhiều người tốt bụng rồi, xin ông giáo sư không cần giúp đỡ thêm về mặt này nữa.
Hà Nội, 24-10-2009
(Bài cũng đăng trên Tuần Việt Nam ngày 26/10/2009)
Bình luận
13 Comments (bài “Phạm Toàn – Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế!”)
Kính bác Phùng Tường Vân.
Vào xem ở đây, hình như ở dưới bảng structure có nói, không biết có đúng thật thế không? (wiki mà):
http://en.wikipedia.org/wiki/Education_in_Japan#Kindergarten_and_nursery_school
Học sinh tiểu học lớp 1 viết nghiên cứu?
Độc giả minhthanh viết:
“…ngạc nhiên đến sững sờ khi nghe đứa con gái còn học lớp 1 của tôi tự chọn một đề tài nghiên cứu tự do trong mùa nghỉ hè là “Tự quan sát tất cả các loại xe chạy ngoài đường và viết báo cáo nêu lên sự khác nhau về chức năng của từng loại xe đó, có thể tham khảo tư liệu từ ý kiến cha mẹ, anh chị, sách trong thư viện, tham quan các viện bảo tàng dành cho thiếu nhi, tư liệu trên Internet”.
Lớp 1 tiểu học, theo tôi hiểu là năm học đầu tiên sau lớp mẫu giáo (kindergarten) hoặc giả hệ thống giáo dục Nhật Bản có lối gọi khác?
Hôm nay đọc Bê Ba Xu, thấy đường link một ông họ Phạm. Bê Ba Xu cũng quote (trích) được những câu khiến ai đó đỏ mặt:
– GS. Neal Koblitz: ‘Thường cái xấu nhất của Mỹ lại được xuất khẩu nhanh nhất’
– Mỹ luôn dẫn đầu trong lĩnh vực quảng cáo và marketing – marketing không chỉ về hàng hóa tiêu dùng mà còn về các vấn đề văn hóa và ý thức hệ.
– Nhiều người Việt Nam không tin Trung Quốc. Họ cũng nên có thái độ thận trọng tương tự như vậy đối với Hoa Kỳ.
Tôi tâm đắc với câu nhận xét của anh Hoàng Trường Sa:
“Tôi xuất thân từ Viện Đại học Sài Gòn, và theo sự hiểu biết của mình, trước năm 1975, Đại học Sài Gòn không quá tệ khi so sánh với các Đại học ở Đông Nam Á (như Đại học Chulalongkorn của Thái Lan chẳng hạn). Ngày nay thì khác hẳn. Có lẽ lý do chính yếu là dưới chính sách quản lý theo kiểu xã hội chủ nghĩa, giáo dục Trung và Tiểu học quá yếu kém và bất cập, cộng với việc Đại học không có quyền tự trị và ngân sách eo hẹp đã dẫn tới tình trạng ngày hôm nay. Để giải quyết vấn nạn Đại học nói riêng, và Giáo dục VN nói chung, cần phải thay đổi TOÀN DIỆN đất nước mới được. Nói cách khác, chỉ khi nào CHÍNH TRỊ ĐÚNG, thì tất cả mọi lãnh vực khác (văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, quốc phòng v.v…) mới đúng được. Bởi vì, như người CSVN nói rất chí lý, chính trị là thống soái.”
Theo tôi thì muốn thay đổi hệ thống giáo dục VN bây giờ thì không chỉ thay đổi hệ thống chính trị mà còn phải thay đổi cả tư duy và đạo đức sống của người Việt hiện tại, phải thay đổi tư duy học làm quan cũng như trả lại đạo đức sống của dân tộc trước năm 1945.
Một anh bạn của tôi là giáo sư đại học ở Nhật nhận xét, sinh viên VN du học ở Nhật rất giỏi ở các kỳ thi nhập học, ở trình độ đại học họ học rất xuất sắc so với sinh viên Nhật, nhưng khi vào đến cao học hay vào các phòng nghiên cứu đòi hỏi phải tự phát minh tìm tòi ra các công thức hay phát kiến mới thì sinh viên VN thua sinh viên Nhật do không còn công thức để học vẹt nữa và nói chung là cái bệnh không có tư duy độc lập để nghiên cứu. Tư duy giáo dục kiểu VN bây giờ chỉ đào tạo ra những con robot biết ăn cơm với những chương trình kiến thức đã được cài sẵn chứ không có tư duy của một con người biết suy nghĩ một cách độc lập.
Muốn có tư duy độc lập để nghiên cứu, người Nhật đã đào tạo con em họ từ lớp mầm non. Học sinh tiểu học ở Nhật ngay từ lớp 1 đã được cho học các bài tập học thiên về quan sát, tự nghiên cứu với đề tài tự do mà các em bé thích tìm hiểu hơn là nặng nề kiến thức học vẹt như kiểu VN. Tư duy có được từ sự tự quan sát , tự tìm hiểu sẽ giúp đứa bé có một ý tưởng thay đổi và cải tiến tốt hơn một vấn đề nào đó. Cha của tôi là một giáo sư chuyên ngành về Cơ khí , mấy năm trước khi đến Nhật du lịch đã ngạc nhiên đến sững sờ khi nghe đứa con gái còn học lớp 1 của tôi tự chọn một đề tài nghiên cứu tự do trong mùa nghỉ hè là “Tự quan sát tất cả các loại xe chạy ngoài đường và viết báo cáo nêu lên sự khác nhau về chức năng của từng loại xe đó, có thể tham khảo tư liệu từ ý kiến cha mẹ, anh chị, sách trong thư viện, tham quan các viện bảo tàng dành cho thiếu nhi, tư liệu trên Internet”. Cha tôi phải than rằng “Đào tạo con nít như thế này thì không trách người Nhật họ giỏi hơn mình,cái đề tại này đưa học sinh trung học ở VN không biết tụi nhỏ có biết đường tự tìm hiểu không chứ chưa nói là tự viết báo cáo”.
Hình như ở VN mọi người có vẻ sính “đẳng cấp” Harvard quá nhỉ.
Tôi thấy trước mắt ngay đây ba người cũng học từ Harvard ra: ông Bush con, ông Obama và bà Michelle vợ ông, và có nghe khoe rằng ông PTT và bộ trưởng GDDT nhà ta cũng qua được “Khóa Đào tạo Chuyên gia Thẩm định dự án đầu tư” ở Harvard.
Trong ba người Mỹ tôi cũng thấy phẩm chất cũng không ai giống ai, cũng Harvard đấy mà ông Bush con nhà giàu bởi sợ rách việc nên ra trường vẫn ấm a ấm ớ làm gaffe (blunder) dài dài nếu không có ai sau lưng rỉ tai. Ông PTT nhà ta chắc cũng mọt đống sách nhẹ kí của ông Bush để lại nên hai ngày một tháng cũng mắc bệnh hoang tưởng.
Thí dụ khác ở xứ ta: khối kẻ là “con cháu bác Hồ” hay “chí ít” là học tập gương của ông mà rồi ra có làm được gì đâu ngoài những trò lưu manh gian xảo trộm cắp bốc cứt vất.
Đúng là Mỹ nếu Harvard làm được thì ở đây họ cũng làm được (chứ sao?):
http://www.nytimes.com/2009/10/24/education/24baby.html?em
Cái câu trên này chính xác là: “le Roi est mort, vive le Roi!”
Wiki cũng nói như sau :
http://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Roi_est_mort,_vive_le_Roi!
Và theo đường dẫn “snowclone” máu giễu phát huy hoành tráng ở đây tôi được thấy câu này mà tôi chịu nhất: “Le Beaujolais nouveau est arrivé.” Nhưng chắc phải chờ mấy tuần nữa mới kêu bạn gởi qua cho (The third Thursday in November).
Tôi nghĩ như ông Hưng Quốc họ mang mác này ra là để “đôi bên đồng có lợi” vòi tiền thầy mà “đút túi” thôi.
Báo cáo của Harvard gồm hai phần:
Phần đầu phân tích nguyên nhân khủng hoảng GD Đại Học VN. Nói chung đều là những điều “kinh điển”: quản lý kém, thiếu minh bạch, không có tự chủ và không có tự do. Mặc dù đề cập đến những vấn đề kinh điển như vậy, thì báo cáo Harvard vẫn có những hạn chế như Koblitz đã chỉ ra.
Tôi nghĩ Koblitz hơi quá đáng khi đề cập đến lý lịch “thủy quân lục chiến” của Vallely. Nhưng Koblitz có lý khi phê phán Vallely đã có những đánh giá chủ quan và nhận xét một cách miệt thị về những nhà khoa học Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô và Đông Âu cũ.
Nhận xét có tính miệt thị và chia rẽ của Vallely là những người được đào tạo ở Liên Xô và Đông Âu thường nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong các trường Đại học, và thường đố kỵ những người trẻ hơn được đào tạo ở Mỹ và Tây Âu.
Tôi không rõ Valley căn cứ vào đâu để đưa ra nhận xét này? Tất nhiên do yếu tố lịch sử nên các vị trí giáo sư, chủ nhiệm bộ môn, thường được nắm giữ bởi những người được đào tạo ở Liên Xô và Đông Âu. Còn những người được đào tạo ở Mỹ và Tây Âu thì … đa số còn chưa về nước, làm sao mà bị kèn cựa?
Phần thứ hai, cũng là phần quan trọng nhất của các báo cáo, là phần kiến nghị các giải pháp. Kiến nghị của Vallely là Việt Nam phải chi tiền để xây một trường đại học đẳng cấp cao theo mô hình của Mỹ, do Mỹ thiết kế. Kiến nghị này có lẽ hợp ý với một nhóm trí thức đỉnh cao trong nước đang mong mỏi có một trường đại học đỉnh cao xứng tầm với tài năng của họ.
Nếu giá trị của một báo cáo nằm chủ yếu ở phần kiến nghị giải pháp thì, theo ý kiến chủ quan của một sinh viên là tôi, báo cáo của Harvard thật không có gì đáng giá. Nó chẳng đưa ra được một ý tưởng gì hay ho để giúp nâng cao nền giáo dục Đại học nói chung.
Về bài viết của Koblitz: điểm yếu của bài viết này là đã sử dụng thủ pháp “tấn công cá nhân” như việc nêu “lý lịch” và chuyện bằng “bằng cấp” của tác giả để hạ giá trị bản báo cáo. Nếu theo thủ đoạn này thì ông Phạm Toàn chắc không đủ tầm để phản bác Koblitz, vì hình như (tôi không chắc chắn lắm) là ông Phạm Toàn chưa có bằng Tiến sĩ thì phải. Cũng vậy, Nguyễn Tâm Bảo chỉ là một sinh viên có học lực trung bình thì không đủ tư cách để phản bác bài viết của một nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn.
Tuy nhiên bài viết của Koblitz lại có những điểm rất hay, mà có lẽ ông Phạm Toàn vì thành kiến nên bỏ qua. Chẳng hạn Koblitz nêu ra những mặt tiêu cực trong xã hội Việt Nam sau Đổi mới: sự hạn chế của văn hóa Việt trong việc phân biệt nam-nữ, vấn đề dumping, chủ nghĩa thực dụng, v.v.
Các kiến nghị của Koblitz, theo chủ quan của tôi, thì hợp lý và có ích hơn là kiến nghị của Harvard. Kiến nghị của Harvard có vẻ như để phục vụ lợi ích của Mỹ nhiều hơn, dưới danh nghĩa là giúp đỡ Việt Nam. Kiến nghị của Koblitz khách quan và tốt bụng hơn.
Không rõ ông Phạm Toàn đại diện cho ai mà nói với Koblitz rằng: “nước chúng tôi có quá nhiều người tốt bụng rồi, xin ông giáo sư không cần giúp đỡ thêm về mặt này nữa.”
Tôi, một sinh viên, thì lại nghĩ rằng chúng tôi cần nhiều những người bạn tốt như Koblitz chứ chẳng cần nhiều những nhà văn nghiệp dư hay những nhà nghiên cứu giáo dục nửa mùa, càng không cần lời khuyên của những ông “thực dân kiểu mới” luôn tỏ ra muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng thực tế luôn đặt lợi ích của nước họ lên hàng đầu.
Câu “Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế” theo tôi, đánh giá rất đúng thực trạng không chỉ giáo dục mà còn ở nhiều mặt khác của xã hội Việt Nam. Còn khôi hài ư, theo tôi là có. Theo đòi tiếng tây được dăm năm tôi nhận ra một điều, sự khôi hài của dân Pháp đôi khi phải suy ngẫm mới hiểu được (cũng có thể do vốn tiếng Pháp của tôi là nghiệp dư nên phải “ngẫm” mới thấy hay được.)
Mấy bài về giáo dục thì tôi nghi là có thể đang dùng để lobby cho 400 triệu USD vay của WB đây.
“Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế” bác Phạm Toàn viết vậy. “Nhà vua chết rồi. Hoàng đế vạn tuế” bác Nguyễn Tâm Bảo viết vậy. Cái khác nhau giữa 2 vế là dấu phẩy và dấu chấm nên mỗi người nghĩ mỗi cách.
Tôi chỉ lạm bàn về nội dung hai bài viết và tác dụng của nó.
“Ai cũng biết” là hiện tại nền giáo dục Việt Nam “có vấn đề” nhưng giải quyết được là “cả một nan đề”! Đẳng cấp đại học miền Bắc và miền Nam trước năm 1975 “ai cũng biết” là chênh lệch nhau thấy rõ! Chỉ việc các Ngài cán bộ cứ tìm đốc tờ cũ còn kẹt lại (ở miền Nam) để trị bệnh thì rõ! Thành phần “lương sư hưng quốc” ngày nay, qua phản ảnh báo chí do Đảng lãnh đạo, thì “ai cũng biết” chuyện luân thường đạo lý đảo lộn ra sao! Vào được đại học thì trời ơi đất hỡi mà ra trường lại thất nghiệp, chẳng mấy ai dám mướn! Trong lúc thành phần đang lãnh đạo chính phủ đều “sớm sâm banh, tối sữa bò”, nhà cửa, xe cộ, gái giếc tiền hô hậu ủng! Họ là những ai? Thưa, là công trình giáo dục và đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” đấy!
“Cả một nan đề” để giải quyết vấn nạn giáo dục mà “ai cũng thấy” là Đảng thật sự run sợ phản biện của trí thức (IDS, nhóm Bauxite chẳng hạn!) cho nên tạm thời Đảng cứ hô khẩu hiệu “Đổi Mới”, “Cải Tổ”… Hô khẩu hiệu để thỏa mãn ước vọng chung cho người Việt Nam. Thỏa mãn cho mặc cảm Việt Nam với láng giềng. Là phương thức trấn an.. từ từ..
Phản biện của hai bản báo cáo Harvard và Neal Koblitz thì “ai có tai hãy nghe”. Của “từ trời rơi xuống” chẳng tốn một xu teng nghiên cứu mà không biết chắc lọc thì chỉ có người điên! Cái khó lớn nhứt là Đảng rất sợ mất quyền vì Đảng bao giờ cũng “ưu việt”. Ưu tiên thuộc về Đảng, còn thảm họa cho đất nước cứ từ từ “sửa sai”. Trên tiến trình nầy thì “ai chết nấy chịu”!
Các vị đang ở chóp bu chỉ biết “hồng” có mấy ai biết “chuyên”?
@Lê Văn
Cái câu ấy “thiệt tình” nó là “Đi dzô đi ra cũng thằng cha lúc nãy”, nói cái ý nhàm chán cứ thấy cái mặt ấy thò ra thì có cái lối nói ấy…cũng như ngày xửa ngày xưa cũng có cái câu”Cứ đi ra đi dzô là hết năm chăm…”cũng tỏ cái ý mệt mỏi nhưng lại là “diện” khác!
(Nhớ Đại Học Xá Minh Mạng!)
Xin đồng ý “chăm phần chăm” với bạn đọc NTB.
1.
Câu cửa miệng của người Pháp, “Le roi est mort, vive le roi” có gì là tiếu lâm? Cũng chỉ như người Việt bây giờ nói: “Đi ra đi vào cũng cái thằng ấy”!
2.
“…phần phê phán sự yếu kém của giáo dục Đại học Việt Nam thì chỉ là những điều mà hầu như ai cũng biết” (NTB)
Xin thêm. Ai cũng biết, nhưng không ai nói ra. Không ai nói ra, vì nhà nước không muốn nghe. Nhà nước không muốn nghe vì nhà nước đã có kế hoạch rồi…
Tóm lại ĐH Havard chỉ làm chuyện “ruồi bu”!
“The King is dead. Long live the King”. Câu này có gì là tiếu lâm đâu? Đó chỉ là câu tuyên bố rằng nhà vua đã chết, và ngai vàng ngay lập tức có chủ mới. Vế sau “Long live the King” là để tung hô vị vua mới chứ không phải là giễu cợt vị vua cũ vừa chết như ông Phạm Toàn hiểu.
Bài viết của Koblitz có lẽ cũng có ích trong việc cảnh giác một số người Việt có tính “mê Mỹ” thái quá. Có khi mới nhìn thấy tiêu đề có chữ “Harvard” thì đã cho “báo cáo” là một cuốn cẩm nang tuyệt diệu rồi.
Hoa Kỳ là một cường quốc về mọi mặt: quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v. Nền giáo dục của Hoa Kỳ thì rõ ràng rất đáng khâm phục và học hỏi. Thế nhưng không phải mọi lời khuyên của các “chuyên gia” Hoa Kỳ dành cho các nước nghèo đều có giá trị.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ đã từng rao giảng và dạy dỗ các nước nghèo là phải cải tổ kinh tế theo đơn thuốc “Washington consensus” thì kinh tế mới tăng trưởng nhanh, mới có cơ hội hết nghèo. Bây giờ chắc chỉ còn vài người mê Mỹ thái quá mới còn tin vào những lời khuyên này.
Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Các “chuyên gia” của Hoa Kỳ bao giờ cũng lấy nền giáo dục của Hoa Kỳ làm mẫu mực và muốn các nước nghèo bắt chước theo một cách mù quáng.
Về “Báo cáo Harvard”: phần phê phán sự yếu kém của giáo dục Đại học Việt Nam thì chỉ là những điều mà hầu như ai cũng biết. Thực tế mà nói những điều này, sửa đổi một chút, thì hoàn toàn có thể dùng cho những báo cáo về giáo dục của các nước đang phát triển khác.
Đề nghị chủ chốt trong “báo cáo Harvard” là Việt Nam cần phải xây một trường Đại học đẳng cấp quốc tế, theo mô hình Mỹ, và do các trường Đại học Mỹ xây dựng:
“We have suggested to the Vietnamese government that it assemble a consortium of American universities to build a research college, initially providing undergraduate training and slowly launching graduate programs.”
Tôi cho rằng đề nghị này là nhảm nhí. Ấn Độ đã có những trường Đại học tầm cỡ quốc tế trước Trung Quốc, đào tạo ra nhiều khoa học gia và kỹ sư có trình độ cao. Phần đông chọn làm việc ở Mỹ. Trong khi đó Ấn Độ vẫn có tỷ lệ mù chữ và tỷ lệ nghèo cao khủng khiếp. Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm hơn Trung Quốc. Sự bất bình đẳng trong xã hội cũng cao hơn. Mặc dù có một số trường Đại học và Viện nghiên cứu lớn, nền giáo dục Đại học nói chung vẫn khủng hoảng trầm trọng.
Bậc Trung học ở Việt Nam cũng đã có những trường chuyên, lớp chọn, để đào tạo “gà nòi”, năm nào cũng đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Thế nhưng các trường chuyên này không hề có tác dụng giúp thay đổi chất lượng giáo dục ở bậc Trung học nói chung, và giáo dục ở bậc Trung học vẫn khủng hoảng triền miên. Thế thì một trường Đại học đẳng cấp cao cũng sẽ chẳng có tác dụng gì đối với cả nền giáo dục Đại học nói chung. Có chăng nó sẽ trở thành nơi tụ tập cho một số trí thức hãnh tiến muốn có một trường Đại học “tương xứng với tài năng” của họ. Và rồi cũng lại trở thành vườn trẻ cho con cái của giới thượng lưu mới, khỏi phải đi du học xa nhà.
Bài này của tác giả Phạm Toàn viết quá hay. Tôi thích nhất là cái đầu đề Nhà Vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế ! rất dí dỏm và hợp với nội dung trong bài của tác giả.
Càng đọc và ngẫm nghĩ, càng thấy tác giả phân tích rất đúng và thuyết phục. Giữa hai quan điểm đối chọi như nước với lửa của báo cáo của Đại học Havard và của giáo sư Koblitz, tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của tác giả Phạm Toàn rằng báo cáo của Đại học Havard là gần với thực tiễn của nền Đại học VN trong nước hơn báo cáo của giáo sư Koblitz.
Nói ra e nhiều người nghĩ tôi bi quan và nói xấu đất nước, nhưng sự thật là tôi thấy bản báo cáo của Đại học Havard đưa ra nhiều bằng chứng rất thuyết phục về sự yếu kém đến thảm hại của các trường Đại học trong nước hiện nay. Tôi thấy ý kiến của giáo sư Koblitz mang nhiều tính chủ quan và cảm tính, đọc thấy không ổn chút nào cả.
Điều tôi buồn nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực, VN ta không có nổi một Viện Đại học nào ngang hàng với họ. Tại sao mà trong hơn 30 năm qua, tình trạng Đại học nước ta đã tụt dốc đến như thế? Tôi xuất thân từ Viện Đại học Sài Gòn, và theo sự hiểu biết của mình, trước năm 1975, Đại học Sài Gòn không quá tệ khi so sánh với các Đại học ở Đông Nam Á (như Đại học Chulalongkorn của Thái Lan chẳng hạn). Ngày nay thì khác hẳn. Có lẽ lý do chính yếu là dưới chính sách quản lý theo kiểu xã hội chủ nghĩa, giáo dục Trung và Tiểu học quá yếu kém và bất cập, cộng với việc Đại học không có quyền tự trị và ngân sách eo hẹp đã dẫn tới tình trạng ngày hôm nay. Để giải quyết vấn nạn Đại học nói riêng, và Giáo dục VN nói chung, cần phải thay đổi TOÀN DIỆN đất nước mới được. Nói cách khác, chỉ khi nào CHÍNH TRỊ ĐÚNG, thì tất cả mọi lãnh vực khác (văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, quốc phòng v.v…) mới đúng được. Bởi vì, như người CSVN nói rất chí lý, chính trị là thống soái.
Ông giáo sư Koblitz chắc chắn không chịu tỵ nạn khỏi nước Mỹ để qua sống ở Liên Xô trước kia. Và bây giờ thì chắc chắn ông ta cũng không chịu tỵ nạn khỏi nước Mỹ để qua sống ở Việt Nam, Trung Quốc, Cuba hay Bắc Hàn.
Bao nhiêu đó là đủ để chúng ta đánh giá ông là người như thế nào.