Trương Nhân Tuấn – Góp ý với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về bản kiến nghị 7 điểm
22/11/2009 | 5:00 sáng | 13 Comments
Category: Vấn đề Biển Đông
Thẻ: Quan hệ Việt-Trung
Tôi có đọc bản “Kiến nghị khẩn cấp với Quốc hội: Không tổ chức dân quân tự vệ biển” của TS Cù Hà Huy Vũ và có 7 ý kiến về 7 điều kiến nghị như sau:
1. TS Cù Huy Hà Vũ viết: “Điều 71 Hiến pháp ‘Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm’, Nhà nước có nghĩa vụ phục vụ nhân dân trong đó có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng của nhân dân. Do đó, việc Nhà nước thành lập dân quân, tự vệ biển, tức trang bị vũ khí cho ngư dân để họ tự bảo vệ mạng sống của mình trong trường hợp bị người nước ngoài tấn công trên biển, không gì khác hơn là một sự thoái thác nghĩa vụ bảo vệ tính mạng của nhân dân đã được Hiến pháp quy định cho Nhà nước.
Điều 71 Hiến pháp xác định về “Quyền” (bất khả xâm phạm về thân thể) của dân và “Quyền” này được được “pháp luật” bảo hộ.
Ở đây TS Cù Huy Hà Vũ lẫn lộn “quyền dân” với “nhân dân”, lẫn lộn “pháp luật” với “nhà nước”.
Điều 44 Hiến pháp ghi: “Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.”
Điều này cho thấy TS Cù Huy Hà Vũ không có căn cứ khi khẳng định “Nhà nước thành lập dân quân, tự vệ biển… là một sự thoái thác nghĩa vụ bảo vệ tính mạng của nhân dân đã được Hiến pháp quy định cho Nhà nước”.
2. TS Cù Huy Hà Vũ viết: “Thành lập dân quân, tự vệ nói chung, dân quân, tự vệ biển nói riêng, là vượt quá Hiến pháp. Điều 77 Hiến pháp quy định: ‘Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân’. Như vậy, khác với thời chiến trong đó toàn dân có nghĩa vụ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên bên cạnh lực lượng vũ trang chính quy có tổ chức dân quân, tự vệ, ‘nghĩa vụ quân sự’ duy nhất của công dân trong thời bình là phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội được cụ thể hóa tại Luật Nghĩa vụ quân sự, đồng nghĩa công dân ‘tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân’ không thể là phục vụ trong một tổ chức quân sự nào khác ngoài quân đội dù đó là bán vũ trang như dân quân, tự vệ.”
TS Cù Huy Hà Vũ cũng hiểu sai về hiệu lực của điều 77 Hiến pháp. Nếu điều 71 Hiến pháp định nghĩa về “quyền” của người dân thì điều 77 định nghĩa về “nghĩa vụ” của người dân. Người dân phải có “nghĩa vụ” bảo vệ tổ quốc và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Nếu “quyền” của người dân có hiệu lực thường trực thì “nghĩa vụ” của người dân cũng có hiệu lực thường trực. Điều 77 Hiến pháp không hề nói đến nghĩa vụ quốc phòng thời bình hay thời chiến như TS Cù Huy Hà Vũ đã nói ở trên.
Điều 45 Hiến pháp ghi như sau: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”
Cụm từ “sẵn sàng chiến đấu” cần được hiểu như là một tư thế chuẩn bị thường trực, bất cứ lúc nào.
Điều 46 Hiến pháp: “Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu trên cơ sở kết hợp xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Do đó việc thành lập Dân quân tự vệ không hề vượt qua Hiến pháp như TS Cù Huy Hà Vũ nói.
Các kết luận khác trong điều 2 của LS Cù Huy Hà Vũ do suy diễn trên các điều sai, (cũng như ở điều 1) như thế cũng sẽ sai, hoàn toàn không có giá trị.
3. TS Cù Huy Hà Vũ viết: “Khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển không phải là chức năng của ngư dân.”
Điều 77 Hiến pháp đã định nghĩa rõ rệt nghĩa vụ người dân: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.”
Như thế, theo Hiến pháp, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là của “ngư dân”, cũng như của mọi người dân Việt Nam (không phân biệt không gian, thời gian, tuổi tác, nghề nghiệp v.v…). Các chi tiết, thí dụ: bảo vệ như thế nào, sẽ là nội dung của luật Dân, Quân Tự Vệ sẽ được Quốc hội thông qua. Các chi tiết khác (tuổi tác, nghề nghiệp…) đã được định nghĩa theo bộ luật Quốc phòng.
TS Cù Huy Hà Vũ có những nhận xét về tuyên bố của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng về việc ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của nước mình.
Tôi đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Đăng Trừng: “Nếu không tổ chức khai thác đánh bắt (hải sản) liên tục trên vùng biển của ta thì dần dần trong thực tế, chúng ta sẽ mất chủ quyền trên vùng biển của mình.”
TS Cù Huy Hà Vũ có thể có ý kiến khác nhưng tôi cho rằng đó là sai lầm.
Tôi nghĩ, nếu TS Cù Huy Hà Vũ có đọc các tin tức liên quan đến việc Trung Quốc ngang ngược cấm đánh cá trên biển Đông, trong đó Việt Nam có chủ quyền một phần, thì TS Cù Huy Hà Vũ sẽ nói khác.
Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc áp dụng cho tất cả các nước bao quanh biển Đông (như Phi, Mã Lai, Việt Nam, Nam Dương…) nhưng không nước nào chấp nhận lệnh cấm này. Nếu ngư dân Việt Nam không đánh cá (ngay trên vùng biển cấm, trong thời gian cấm) thì ngư dân Việt Nam chấp hành lệnh cấm của Trung Quốc. Như thế Việt Nam gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
4. Cứu hộ trên biển (hay trên bờ, trên sông v.v…) không phải là một “hoạt động nhân đạo” như TS Cù Huy Hà Vũ nói mà là một “bổn phận” của mọi người. Nhờ vào các điều ước quốc tế định nghĩa về nghĩa vụ này mà phần lớn người Việt Nam vượt biên đã được các tàu thuơng mại thế giới cứu vớt. Dĩ nhiên, việc cứu hộ trên biển đòi hỏi một kỹ thuật nhứt định, không phải ai cũng có thể làm được. Do đó việc huấn luyện là điều cần thiết. Nhưng không phải việc này chỉ dành cho “hải quân và cảnh sát biển” như TS Cù Huy Hà Vũ đã viết.
5. TS Cù Huy Hà Vũ cho rằng: “Tự vệ biển rất dễ trở thành ‘ngòi nổ’ cho chiến tranh xâm lược lãnh thổ của Việt Nam trên biển.” Tôi thấy điều này không thuyết phục.
Chiến tranh dễ dàng bùng nổ nếu có sự đụng độ trực tiếp giữa “quân đội” với “quân đội”. Quân đội (hải quân) của Việt Nam không đáng kể đối với quân đội Trung Quốc. Đụng độ là Việt Nam lấy trứng chọi đá, sẽ mất cả đảo lẫn biển. Việt Nam không dại gì đem trứng chọi đá.
Trong lúc Trung Quốc ngang ngược hàng năm ra lệnh cấm đánh cá, thường xuyên bắn giết, bắt cóc đòi tiền chuộc, ăn cướp vật dụng cùng thuyền bè của ngư dân Việt Nam, ngay trên vùng biển của Việt Nam. Việt Nam phải làm gì?
Theo tôi, việc thành lập đội ngũ dân quân tự vệ biển là một bước đi thông minh, một mặt giữ chủ quyền của tổ quốc (là nghĩa vụ của mọi người), mặt khác tránh chiến tranh trên bình diện lớn với Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả là, nếu có đụng độ, phía Việt Nam có thể chụp lấy các cơ hội này để đưa tranh chấp biển Đông ra trước một tòa án quốc tế. Đây là một giải pháp lý tưởng nhất cho Việt Nam vì ít tốn kém (xương máu) và thuận lợi (Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và căn bản pháp lý chứng minh chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa).
Không ai muốn đổ máu. Nhưng nếu phải đổ máu vì một chính nghĩa thì sẽ có nhiều người sẵn sàng. Quá khứ đã chứng minh ở các trận đại chiến thế giới. Nếu các nước đều ích kỷ, nếu người dân các nước đều hèn nhát, có lẽ thế giới hiện nay còn nằm trong ách thống trị bạo ngược của quân phiệt Nhựt (ở Châu Á) hay Đức Quốc Xã (ở Châu Âu). Theo tôi, nếu xảy ra xung đột ở biển Đông, chưa chắc Việt Nam sẽ cô đơn.
Lịch sử Việt Nam cũng có nhiều thí dụ về các cuộc chiến bảo vệ độc lập và chủ quyền tổ quốc, tôi không nhắc lại. Do đó nhận định của TS Cù Huy Hà Vũ ở điều 3: “Trong mọi tình huống không thể biến ngư dân thành ‘người đóng thế’ cho hải quân, biến sinh mạng của họ thành ‘thuốc thử’ chủ quyền quốc gia!” hoàn toàn không có ý nghĩa.
6. TS Cù Huy Hà Vũ viết: “Lực lượng dân quân tự vệ không thể là lực lượng tác chiến trên biển.”
Nếu không vi phạm hiến pháp thì tại sao không? Nhắc lại điều 77 Hiến pháp: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”.
7. TS Cù Huy Hà Vũ viết: “Lập dân quân, tự vệ biển để bảo vệ sinh mạng của ngư dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là làm mất uy tín của quân đội.”
Truyền thống quốc phòng của Việt Nam luôn là dân quân quốc phòng, tức là dân là quân mà quân cũng là dân. Như thế làm gì có việc “làm mất uy tín quân đội”?
Kết luận
Tôi nghĩ là dự luật “Dân Quân tự vệ” không hề là một “sản phẩm ‘bệnh hoạn’” như TS Cù Huy Hà Vũ đã nói. Trái lại, đây là một bước đi cần thiết của Việt Nam, cho phía Trung Quốc biết rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình. Dự luật “Dân Quân tự vệ” là bước đầu. Tôi cũng nghĩ phía ngoại giao của Việt Nam chỉ có thể làm việc thành công nếu có một sách lược quốc phòng hữu hiệu đi song song.
Tôi thấy TS Cù Huy Hà Vũ đã đóng vai đối lập khá xuất sắc, nhân danh bảo vệ môi trường Việt Nam kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ khai thác Bô Xít. Tôi hy vọng sẽ đọc TS Cù Huy Hà Vũ một sách lược (không bệnh hoạn và) hữu hiệu khác nhằm bảo vệ chủ quyền biển và đảo. Đây là việc đương nhiên của phe đối lập. Khi mình chống (hay chê) một chính sách của nhà cầm quyền thì mình phải có một chính sách (mà mình nghĩ là) hữu hiệu hơn.
Cá nhân tôi là người Việt tị nạn cộng sản, dĩ nhiên không ưa đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, nhưng không phải bất kỳ thứ gì của nhà nước này đưa ra tôi đều chống, nhất là những biện pháp (theo tôi là hữu hiệu) nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Cuối cùng tôi nghĩ, đây là một chủ đề hết sức nhạy cảm. Tôi nghĩ mọi người nên suy nghĩ thật kỹ khi có ý kiến.
Pháp quốc, 20 tháng 11 năm 2009
© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog
Bình luận
13 Comments (bài “Trương Nhân Tuấn – Góp ý với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về bản kiến nghị 7 điểm”)
Các bạn làm sao tranh cãi với nghịch lý của Ông Trương Nhân Tuấn đưa ra được, chỉ mất công thôi. Bởi vì vấn đề ông đưa ra rất lạ.
Đây nhé: Ông ta tự nhận “Cá nhân tôi là người Việt tị nạn cộng sản, dĩ nhiên không ưa đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam,”
Mà lại đi bên vực cho Hiến Pháp Nhà nước XHCN để chống lại LS Cù Huy Hà Vũ, 1 trong những người đang đấu tranh chống lại sai trái của nhà nước VN.
Vậy là thế nào?
Mấy bác cứ tin vào CS là bán nhà, Trung cộng nói đàng làm nẻo, Việt cộng nói vậy chứ không phải vậy. Mục đích An dân là chính, nếu thật sự muốn trang bị vũ khí thì phải mua súng phóng tên lửa, B.41, Súng xuyên giáp sắt… tàu trang bị động cơ cao tốc, giống như trang bị của cướp biển Somali thì bố thằng nào dám lai vãng vùng biển đông.
Cho Mỹ thuê vịnh Cam ranh đề phòng Trung cộng nổi điên làm càn.
Các bác ơi xin tha cho ngư dân chúng em nhờ.
Các bác muốn thành lập “Dân quân tự vệ biển” hẳn muốn ngư dân chúng em dùng tầu gỗ húc nhau với tầu sắt của đối phương, dùng súng AK choảng nhau với đại bác đạn đạo tầm xa, với tên lửa có hướng dẫn bằng tia lê-dơ của địch? Bùm một phát chúng em về chầu ông bà, thân xác làm mồi cho cá, tội nghiệp chẳng còn miếng xương vụn mang về cho vợ con thờ.
Vũ trang cho chúng em, bọn nó nhân cớ đó cũng leo thang vũ trang cho ngư dân nó. Chúng nó đông phát ớn, các bác còn hãi huống hồ chúng em.
Các bác đang ăn no ngủ kỹ nệm ấm chăn êm trong đất liền cớ sao lại bày trò này ra để làm khổ thêm bọn chúng em. Bọn em đã nghèo lại vất vả vì cuộc sống nguy hiểm dông bão sóng gió ngoài khơi, kiếm tiền nuôi vợ con, tay chân quen kéo lưới cầm chài nay bắt vác AK, mang thêm trọng trách bảo vệ sơn hà. Nặng nề quá! Hải quân của các bác ở đâu?
Trong đất liền dân biểu tình chống xâm lăng biển thì các bác thẳng tay đàn áp, bắt bớ tù đày bây giờ lại bày ra tự vệ biển chống xâm lăng là cớ làm sao? Bộ các bác ở không lĩnh lương dân đóng góp chẳng có việc gì làm rồi nghĩ quẩn? Hay là các bác đang lo bởi đất nước có mệnh hệ nào chúng nó sẽ đập đầu rắn trước tức là các bác, sau đó sẽ đến thân phận nô lệ nghìn năm của chúng em… Đàng nào thì chúng em cũng khổ cả.
Một lần nữa trăm lậy, nghìn lậy các bác tha cho ngư dân chúng em nhờ!
họ lập dân quân tự vệ biển
lách nhiệm vụ bảo vệ sơn hà
đem đẩy ngư dân vào chỗ chết
xuẩn động vô cùng lãnh đạo ta
Ông Trương Nhân Tuấn có suy nghĩ kỹ chưa khi lên tiếng chấp thuận ý kiến vũ trang cho ngư dân?
Đây là một cái bẫy do người phương Bắc ngầm gài và ông Tuấn đã cố tình dụ dỗ mọi người vào tròng. Thưa ông Tuấn, một xã hội tiến hoá là một tổ chức có phân công rạch ròi, mỗi người gánh vác chuyện của mình theo khả năng, chức vụ để phối hợp chung và cùng nhau sản xuất, không có chuyện người này xen lấn làm chuyện người khác, gây nên tình trạng hỗn độn mất trật tự, vô chính phủ.
Nếu ngư dân cầm súng lên thay thế hải quân để tự vệ thì quân đội biên phòng có thể bỏ tay súng ra khơi chài lưới đánh cá thay thế dân thuyền chài được không? Ngư dân mất bao nhiêu thời gian để học tập chịu huấn luyện mọi thao tác sử dụng vũ khí, biết dùng radar để theo dõi, biết bắn ngư lôi, biết phóng hoả tiễn, biết bắn đại bác? biết quan sát nhận xét phân biệt tàu chiến của địch của ta, của các nước khác?…Ngược lại, các chiến sĩ hải quân sẽ cần bao nhiêu năm để thực tập cách quan sát và dự đoán bầy cá thuộc loại gì, mùa nào đánh bắt hải sản nào, với tất cả những phương tiện nghèo nàn thô sơ, nhưng kinh nghiệm cha truyền con nối?
Việt Nam nay đã trưởng thành độc lập, trở lại hình thức chiến tranh nhân dân là tự lùi bước trở về một xã hội vô chính phủ, vô tổ chức. Chính phủ nào không đủ sức bảo vệ nổi người dân vô tội thì hãy tự động từ chức ngay, thoái vị đi, nhường chỗ cho những người có tài biết lèo lái con thuyền quốc gia.
Về bài Trương Nhân Tuấn-
Ông Dương Danh Huy viết: “Điều mà bác Trương Nhân Tuấn cho là quan trọng hơn cả lại không có cơ sở, hay đơn giản là sai”.
TQ đã báo cáo trước LHQ họ có chủ quyền trên vùng biển nằm bên trong đường chữ U chín khúc, và tuy có nước phản đối, nhưng không đủ sức bác bỏ dứt khoàt quan điểm của TQ. Bây giờ nếu họ bắt giữ hay bắn chìm tàu đánh cá (hay tàu dân sự) VN có vũ trang trên biển cả không nhân chứng, và vu cáo là có thái độ thù nghịch hay cướp bóc tàu đánh cá TQ trong vùng, hoặc nổ súng trước khi bị chặn lại, thì VN không khiếu nại gì được , dù ở thẩm quyền nào, mà chỉ để cho TQ có dịp chứng tỏ họ thật sự có chủ quyền ở những nơi đó (hay ít ra họ “hành hiệp” bắt bọn thủy khẩu gốc VN để giữ an toàn thủy lộ quốc tế). Tôi không biết chuyện vũ trang tàu dân sự trên vùng biển quốc tế có phù hợp với luật lệ quốc tế hay không, nhưng những tàu đánh cá VN có vũ trang nếu vô tình đi lạc hay cố ý đi vào hải phận các nước khác (để đánh cá), như Mã, Thái, Indo, Phi, khi bị bắt giữ chắc sẽ gặp nhiều rắc rối hơn về pháp lý.
Ông Trương Nhân Tuấn làm việc hơi thừa khi cố bác bỏ lập luận của ông Cù Huy Hà Vũ nêu trong kiến nghị. Xin hãy để cho nhà nước VN làm chuyện đó, vì họ có đội ngũ đông đảo cán bộ, chuyên gia luật pháp, rảnh rỗi và cũng phải nhân là có khả năng làm công việc được trả lương, đưa ra những lý cớ từ thế rất mạnh của chính quyền để bác bỏ kiến nghị của một thường dân cô đơn như ông Hà Vũ.
Một cách khái quát nhất, tôi cho rằng, Hiến pháp Pháp luật Việt Nam còn đang trên đường hoàn thiện (ban hành- thực thi- điều chỉnh). Do vậy, những phân tích của CHHV hay của bác TNT đều có nhưng căn nguyên nhất định. Nhưng một điều không thể phủ nhận được là “Dân quân tự vệ trên biển” là loại hình lực lượng vũ trang hoàn toàn mới cả về mô hình và kinh nghiệm thực tiễn. Trong bối cảnh rất nhạy cảm này, đem mô hình “Dân quân tự vệ trên biển” là một thể nghiệm là cực kỳ nguy hiểm.
Trong chiến tranh nhân dân, lực lượng dân quân du kích có tác dụng tích cực khi phối hợp với lực lượng chủ lực tiêu hao sinh lực địch, gây mối hoang mang lo ngại cho phía địch từ bất cứ đâu (nhưng cũng đã phải trả giá bằng những trận càn, tàn sát dân thường man rợ – nhưng vụ như vụ Sơn Mỹ, chiến dịch “Phương Hoàng vồ mồi” có thể là một minh chứng). Tuy vậy, trong cuộc chiến tranh giữ nước, một mất, một còn chuyện xảy ra là có thể chấp nhận được.
Trong bối cảnh hiện tại, trong khi phía “lạ” tỏ ra rất ngang ngược, hung hăng; giải pháp hạn chế hay giải quyết xung đột trên biển chưa có chủ trương cụ thể; quân đội, cảnh sát biển của Việt Nam chưa làm gì để bảo vệ ngư dân có hiệu quả. Vậy thì, việc thành lập “Dân quân tự vệ trên biển” chỉ như hình thức “thí mạng cùi”.
Ngư dân không thể tiếp tục là nạn nhân của các cuộc tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia. “Dân quân tự vệ trên biển” chỉ có thể là lực lượng “thêm vào” “bổ sung” hay góp phần vào việc giải quyết tranh chấp chứ không thể là “Át chủ bài” kiểu giời ơi này được.
Góp ý với CHHV, bác Tuấn có vẻ như muốn chứng tỏ hiểu biết “ai hơn ai”, chứ không phải muốn tìm một giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam.
Hòa hợp hòa giải, nên có ngay trong hàng ngũ trí thức (trong nước và hải ngoại), dựa trên sự đồng thuận quan điểm, bổ sung cho nhau đi đến một giải pháp tích cực cho vấn đề xung đột, tranh chấp lãnh hải hiện nay.
Về “Dân quân tự vệ biển”, bênh và chống.
Xin được rất văn tắt.
1/Tôi chưa từng thấy một văn bản hiến pháp nào mà các điều khỏan lại dài dòng, rất nhiều từ ngữ vô bổ, sặc mùi “tuyên giáo” như hiến pháp nước CHXHCN ViệtNam, nó chứng tỏ những ai tham dự việc soạn thảo hiến pháp ấy hoàn toàn bất cập về Luật Học nói chung, Luật Hiến Pháp luật nói riêng.
2/ Tuy nhiên, phản bác thậm chí đi kiện cái nhà nước ấy trong quyết định thành lập “dân quân tự vệ biển” trên những lập luận là nó vi hiến thì cũng là “trật lấc” luôn!
3/ Như thế cũng không có nghĩa là việc thành lập những tổ chức dân quân tự vệ biển là hợp lý, hữu hiệu, thực tế…trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải (đảo, biển) và quyền hành nghề trên lãnh hải của mình của ngư dân Việt Nam nếu không muốn nói là nó cũng “bá láp”,”tầm phào” không kém;”dân quân tự vệ biển” nếu có thì chống trả không nổi ngay cả với những tổ chức cướp biển, hải tặc quốc tế chứ đừng nói đến hải lực hiện đại của người Tầu, hỡi ơi ngay đến cả hải lực của cái quân đội “khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng” kia cũng sẽ chỉ là mục tiêu thực tập tác xạ cho các hạm đội “lạ”, nói gì đến tự vệ với dân quân, ông bà ta có câu “chuông khánh còn chả ăn ai, huống hồ mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre” chính là để nói đến cái thực tại đáng cười ra nước mắt này đấy ạ ! Ngoaị trừ khi các “chiến lược gia” của quân ta, những người đã có cái sáng kiến “dân quân tự vệ biển” ấy có cái “tầm” cao viễn là khiến cho kẻ thù của ta chúng tức cười quá mà vỡ bụng lăn ùm xuống biển mà chết sạch thì không kể !Ngả nón luôn !
Nhưng quan trọng hơn cả là, nếu có đụng độ, phía Việt Nam có thể chụp lấy các cơ hội này để đưa tranh chấp biển Đông ra trước một tòa án quốc tế.
Điều mà bác Trương Nhân Tuấn cho là quan trọng hơn cả lại không có cơ sở, hay đơn giản là sai.
Chẳng có cơ sở nào để cho rằng đụng độ với dân quân sẽ là cơ hội để chụp để đưa tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế.
Bác Trương Nhân Tuấn đề nghị một số điều khá lạ:
Thềm lục địa thì bảo là khỏi đăng ký vì HSTS có đầy đủ EEZ rồi.
Trong khi nguy cơ là Trung Quốc chiếm đoạt, lấn lướt trên biển thì ru ngủ rằng trừ khi Trung Quốc tính toán sai lầm, họ sẽ không đánh chiếm các đảo TS còn lại.
Tranh chấp Biển Đông thì bảo chờ ngày Trung Quốc văn minh lên họ sẽ chịu ra Toà, Toà sẽ xử VN thắng HSTS, cho VN thêm đầy đủ EEZ.
Bây giờ thì bác TNT lại tưởng là đụng độ với dân quân là một cơ hội mà Việt Nam có thể chụp để đưa tranh chấp ra toà án quốc tế.
1. Võ trang thuyền chài đánh cá của ngư dân VN là một quyết định sai lầm: theo tôi đây là một quyết định không khôn ngoan và cũng không có trách nhiệm từ phía nhà cầm quyền dù quyết định này theo đúng hiến pháp. Mình chỉ cần lấy một tỉ dụ nhỏ: nước Mỹ không đủ sức bảo vệ người dân ở Los Angeles vì cướp bóc băng đảng và cho phép người dân được toàn quyền võ trang và tự vệ, chẳng cần đợi lâu, một tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra ngay tại LA. Thêm vào đó, nhà nước VN phải huấn luyện ngư dân để họ biết cách sử dụng súng ống và đặt hoàn toàn tin tưởng nơi họ, nghĩa là tin tưởng là họ sẽ dùng súng ống trong trường hợp tự vệ chứ không dùng súng ống để đi cướp bóc người khác. Nhưng chuyện quan trọng nhất là nhà nước đang đưa ngư dân vào chỗ chết: súng ống ngư phủ dùng làm sao mà mạnh bằng súng ống trên các tàu chiến của TQ? Và TQ sẽ được dịp tha hồ nói dối trong khi bắn giết ngư dân mình: ngư dân VN đã tấn công họ trước nên họ phải tự vệ bắn lại. Nói chung vấn đề võ trang ngư dân là một việc không đơn giản. Một việc mà nhà nước VN có thể làm là đưa tàu chiến đi quanh hải phận VN để bảo vệ tàu đánh cá ngư dân. Tuy nhiên, VN chưa đủ sức mạnh về hải quân. Tàu chiến quá ít. Thế thì phải cấp tốc trang bị hải quân VN, cấp tốc gửi thủy thủ đi học để được đào tạo ở ngoại quốc, như ở Mỹ, hoặc Ấn Độ hoặc Pháp, cấp tốc mua độ 5 hay 10 tàu chiến. Không cần tàu chiến to, nhưng cần nhiều tàu chiến nhỏ để cho thấy sự có mặt và tính quyết định giữ bờ cõi và bảo vệ nhân dân mình. Ngoài ra mình cũng có thể (hà hà cái này lại còn nhạy cảm hơn): cứ mỗi lần ngư dân bị bắt và bị đàn áp ngoài khơi một cách bất hợp pháp, mình lại chụp vài ông Tàu Cộng ở Tây Nguyên làm con tin và mình đưa ra điều kiện là khi họ thả ngư dân thì VN thả con tin công nhân TQ đang khai mỏ bô xít.
2. Trên bình diện dài hạn, nhà nước VN phải có thay đổi lớn. Thay đổi căn bản vẫn là: tiến tới dân chủ đa nguyên càng sớm càng tốt. Đã đến lúc Đảng Cộng Sản VN phải khôn ngoan rút lui, để cho người dân có tiếng nói nhiều hơn.
Hay là tất cả cũng chỉ là vấn đề dân trí. Dân trí ra sao thì nhà nước ra thế. Dân trí cao thì đã không có những đảng viên bất tài đang độc đoán cai trị VN và đang đưa VN vào tình trạng nguy biến hiện nay.
Thối lừng Đông Hải !
Vậy thì cái quân đội “Khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng” ấy lúc này ở đâu và làm gì, mà lại đẩy dân ra biển để hứng đạn nhỉ? Tôi xin lỗi phải thốt lời bất nhã nhưng nội cái tên gọi “dân quân, tự vệ biển” nghe nó đã thối lừng Đông Hải lên rồi!
Xin phép được góp ý đôi điều thực tế về việc tổ chức dân quân tự vệ biển.
1- Những điều nêu trong bản Hiến pháp của VN người dân có được hưởng đầy đủ chăng hay chỉ có bổn phận phải bảo vệ tổ quốc lúc lâm nguy?
2- Hải quân và cảnh sát biển hay biên phòng trang bị hiện đại và chuyên nghiệp hơn dân quân, có chế độ lương bổng đàng hoàng. Dân quân dẫu có súng đạn cũng chỉ có thể đối đầu với ngư dân lạ hay cướp biển mà thôi. Dân quân đánh nhau với hải quân địch khác nào trứng chọi đá, sẽ thiệt hại cao.
3- Dân quân có thể tác chiến hữu hiệu trên bộ nhờ điều kiện địa hình, thời tiết: dễ dàng liên lạc, tiếp tế, tải thường, ẩn nấp… Nhưng trên mặt biển thì khác hoàn toàn. Với thuyền bè thô sơ, trang bị yếu kém, dân quân tự vệ biển không thể tác chiến như trên bộ, thí dụ đánh du kích hay phục kích tiêu hao lực lượng địch như trên đất liền.
4- Khi kẻ thù vừa tham vừa nham hiểm thì họ sẽ tìm đủ mọi cách gây hấn để tạo ra một cuộc chiến tranh nếu họ muốn.
5- Quan trọng nhất cũng là thực tế nhất là nhà nước VN hay nói đúng là ĐCSVN đã đoàn kết được dân tộc trong và ngoài nước như thế nào để chống ngoại xâm một cách hiệu quả nhất. Dân tộc VN đã từng hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, nhưng để bảo vệ một chế độ thối nát như hiện nay thì cần gãi đầu suy nghĩ thêm… Và kẻ thù của chúng ta cũng hiểu rõ nếu đánh sẽ đánh khi đất nước ở vào lúc chính quyền ươn hèn và dân tộc ta phân hóa nặng nề nhất.
Chúng ta còn mang nặng ý nghĩ thuần lý. Luật pháp, hiến pháp hay cái gì khác nữa cũng nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn tánh mạng và tài sản của mọi người. Nghĩa vụ hay trách nhiệm của mỗi người cũng chỉ để phát huy mục tiêu này mà thôi. Muốn tránh làm tổn hại đến một người một cách không cần thiết thì nhà nước phải tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ của mình một cách an toàn và hiệu quả nhất. Tôi không đồng ý việc nhà nước thành lập lực lượng dân quân tự vệ biển vì:
– Họ là những ngư dân thuần tuý thì không thể sử dụng vũ khí thành thạo, chuyên nghiệp và đúng lúc, đúng nơi. Không có khả năng bảo trì, bảo dưỡng, quản lý vũ khí theo quy trình nghiêm ngặt như của quân đội được. Điều gì sẽ xảy ra nếu vũ khí không được bảo trì, bảo quản và sử dụng đúng mục đích của nó.
2- Lực lượng vi phạm vùng biển không phải là những dân quân, mà là hải quân chuyên nghiệp. Với vũ khí, khí tài tối tân hiện đại. Với chiến hạm trang bị các loại hỏa tiễn có sức công phá ghê gớm, các loại súng cộng đồng hạng nặng. Đem dân quân tự vệ đối đầu với một lực lượng như vậy là tự sát thê thảm và không có kết quả gì cả ngoài mất tất cả. Con người và vũ khí.
3- Trên thế giới, chưa ai đen dân đi làm bia đỡ đạn cả. Quân đội đâu rồi mà thời bình thì phải chi trả chi phí khổng lồ để duy trì, còn thời chiến lại đi sau lưng dân quân tự vệ? Tại sao bắt một anh ngư phủ cầm súng, còn chiến binh thì đi trấn áp biểu tình? Ai sẽ chỉ huy được lực lượng dân quân này? Họ liên lạc với nhau bằng gì? Khi bị thương, ai sẽ là người cấp cứu họ? Hết đạn dược, hư súng ống, ai là người tiếp tế cho họ? Nếu họ chuyên tâm vào quân sự thì thì giờ đâu để đánh bắt cá? Nếu chạm địch mà bị thương vong hay thiệt hại tài sản thì ai giám định, đền bồi? Nhà nước này đang thực hiện một chính sách ngu xuẩn như khi đưa một lũ trẻ con ra trận. Nội chuyện chăm sóc cho chúng không thôi cũng đã là chuyện khó rồi, đừng nói chi là biểu chúng làm nhiệm vụ ngăn quân thù lực lưỡng và bảo vệ biên cương! Tôi xin can bác họ Trương!