Hưởng ứng viết về khủng hoảng đạo đức – “Tai nạn” nghề giáo
25/03/2009 | 6:08 chiều | 2 Comments
Category: Chưa phân loại, Khủng hoảng đạo đức, Văn hoá – Giáo dục
Thẻ: Tiên học lễ hậu học văn
Lương thấp, bổng lộc không, là nguyên nhân chính làm sút giảm nghiêm trọng giá trị nghề giáo. Nhưng thôi không nói chuyện tiền bạc ở đây, chỉ xin ca cẩm chút xíu về những “tai nạn” nghề giáo thường ngày. Chắc rằng nhiều người sẽ bảo: “Ôi dào! Nghề nào mà chẳng gặp tai nạn!?”.
Tôi đang dạy tại một trường trung học phổ thông ở vùng ven đô thị, chứng kiến một bộ phận không nhỏ nam sinh tục tằn trong lời ăn tiếng nói, hỗn hào với thầy cô giáo thường xuyên. Không biết đồng nghiệp xử trí ra sao, chứ mỗi lần “dính đòn hỗn” của học trò, tôi nhớ ngay đến cái bảng to treo trước cổng trường: “Tiên học lễ, hậu học văn” mà lòng buồn thăm thẳm. Xin nêu một số ví dụ điển hình và thử tìm hiểu nguyên nhân:
Giờ ra chơi, học sinh túm tụm tán chuyện. Tôi ôm cặp băng ngang sân trường, nghe một nam sinh bô bô:
“Đ.M hồi nãy ảnh kiểm tra bài tao, hỏi tao trên trời dưới đất. Đ.M thằng cha đó.”
Ôi trời ơi! Không biết nam sinh ấy nói đến “thằng cha” đồng nghiệp nào? Học sinh đó có lời lẽ mất dạy thật, nhưng phải thừa nhận lỗi một phần ở giáo viên.
Một số nam sinh đang hút thuốc, giáo viên đi ngang nhưng không sợ. Thấy chướng, giáo viên nọ nhắc nhở:
“Tại sao các em hút thuốc ở đây?”
Một học sinh trong nhóm vứt mạnh điếu thuốc hút dở xuống đất, cáu lại:
“Gớm dữ ông, không cho hút thì thôi chứ làm gì gớm dzậy ông.”
Ôi, tôi chết mất. Học trò làm tôi kinh sợ quá. Sao ra đến nông nỗi này?
Một đồng nghiệp kể: Có một học sinh bị kỉ kuật nghỉ học một tuần, hết tuần em đi học lại. Tôi muốn kiểm tra xem trước khi đến lớp em có mượn vở bạn chép bài tuần qua không? Tôi gọi tên, học sinh đó đứng phắt dậy: “Thầy quá đáng, em vừa đi học lại, kiểm tra liền.” Dứt lời, em cầm cả tập sách lẫn vở đánh rầm lên bàn rồi bỏ ra khỏi lớp. Ôi! Nghề cao quí đây sao?
Đành rằng cần lấy đại cục làm chính, bỏ qua tiểu tiết. Nhưng những “tiểu tiết” kiểu này cứ liên tục xảy ra, nó bào mòn lòng yêu nghề ghê lắm. Cảm giác chung là buồn, bất lực hoặc thây kệ. Học trò lớp 11, 12 sắp thành nhơn cả rồi, chứ nhỏ dại gì đâu! Nguyên nhân nào các học sinh đó hỗn hào với thầy cô giáo? Tôi xin đưa ra một số nguyên nhân, tuy trong nghề, nhưng chưa chắc điều tôi nêu ra là đúng và đầy đủ:
1. Trừ học sinh giỏi sẽ vào đại học, rất đông học sinh còn lại thấy rằng, xã hội không tạo ra giá trị đúng mức của tấm bằng tốt nghiệp lớp 12, nếu vẫn còn tổ chức thi tuyển như kiểu lâu nay. Sự học càng ngày càng trượt “giá” như đồng tiền vậy. Tốt nghiệp lớp 12 chỉ coi như vừa thoát nạn mù chữ. Phụ hồ, bóc hạt điều, chạy bàn, may gia công v.v… đâu cần học hết 12. Học sinh có thể nghỉ học bất kì lúc nào: “Tôi sắp nghỉ học đây, tôi sợ gì thầy với cô”.
2. Học sinh đến trường luôn trong tâm thế bị giáo viên đàn áp. Một ví dụ thôi chứ nhiều lắm những ví dụ: Qui định trong một tiết học phải có 5 phút kiểm tra bài cũ. Rất nhiều lí do để giáo viên không muốn bỏ qua qui định này. Thứ nhất tôi làm đúng qui chế để không ai nói gì tôi. Thứ hai khi kiểm tra bài cũ học sinh, giáo viên tự thấy mình như quan tòa, tha hồ quát nạt, chê bai, hạch sách (rất nhiều học sinh phải bỏ học vì những giáo viên như thế). Thứ ba tìm cách co lại tiết dạy, để lẩn tránh chuyên môn nghèo nàn cùng sự biếng nhác của mình.
3. Giáo viên không biết rằng học sinh đang kính mình theo qui chế trường học, theo lễ giáo xưa cũ mà ngộ nhận học sinh kính trọng mình theo nghĩa của chữ “thầy”, nên phần lớn không thấy được vốn hiểu biết của mình chẳng có gì đáng kính đối với học trò. Bên cạnh đó (lại phần nhiều) giáo viên có một đời sống nhạt nhẽo, vô vị cùng với sự suy tôn vật chất tầm thường, thiếu hẳn nét thanh cao cần thiết.
4. “Cái Tôi” của học sinh trong nhà trường bị triệt tiêu tối đa. Đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên đăng kí các chỉ tiêu thi đua về học lực, hạnh kiểm của học sinh với những con số cao ngất, trong lúc đối tượng (học sinh) cần đạt chỉ tiêu đề ra là con người, chứ đâu phải sản phẩm của một nhà máy. Trong thư gởi Bộ trưởng bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, ông Phó Toán (talawas ngày 15/7/2006) viết về những người soạn sách giáo khoa: “Trong ba năm làm việc với họ, tôi chưa bao giờ thấy họ đề ra tiêu chí viết cho học sinh dễ học, mà là viết cho Hội đồng thẩm định duyệt, viết cho người ta không chê là kém“. Trong nhà trường cũng vậy, kể cả cán bộ quản lí lẫn giáo viên chưa bao giờ tồn tại ý nghĩ “Làm gì để học trò của mình thấy nhẹ nhàng khi đi học?”. Họ chỉ nghĩ đến cuối năm: Trường đạt tiên tiến, xuất sắc; cán bộ, giáo viên là những lao động giỏi, là chiến sĩ thi đua.
Tôi là giáo viên và đang còn đi dạy, nhưng tôi sẵn sàng chỉ ra những nguyên nhân như vậy. Thiết nghĩ mọi người chẳng ngại ngùng gì mà góp thêm ý kiến. Mỗi người góp một chút lòng thành, chứ đừng cho rằng: “Có nói cũng đâu thay đổi được gì!”
© 2009 Phùng Hi
© 2009 talawas blog
Bình luận
2 Comments (bài “Hưởng ứng viết về khủng hoảng đạo đức – “Tai nạn” nghề giáo”)
Cái suy thoái đạo đức của giáo viên lẫn học sinh chỉ là một phần trong cái thoái hóa đạo đức trầm trọng, thê thảm toàn bộ xã hội. Gốc rễ mục ruỗng thì ngọn làm sao tươi tốt?
Ở trong một môi trường vô đạo đức mà không có những hiện tượng như tác giả Phùng Hi đã kể mới là lạ. Chỉ toàn là lý tưởng “lớn” của những kẻ dối trá, đầu môi chót lưỡi, nói một đàng làm một nẻo. Ngay tiêu chuẩn được gọi “người đạo đức” nhất nước (?) theo kiểu XHCN cũng chỉ nhằm tạo ra những kẻ sẵn sàng làm những điều phi luân nhất.
Như vậy ai cũng biết cái gốc rễ đó xuất phát từ đâu lẽ nào tác giả PH là một nhà giáo mà không thấy? Hoặc biết nhưng mà ngại? Sống ở một xã hội mà người đạo đức lương thiện không giống ai thì chúng ta có một xã hội tha hóa, giả dối như hôm nay.
Đã biết khủng hoảng đạo đức xuất xứ từ đâu thì đừng đem đờn ra mà gảy cho tai trâu nghe, “Có nói cũng đâu thay đổi được gì!” là cái chắc.
Hay là phải phân biệt và định nghĩa lại giữa “đạo đức cách mạng” và đạo đức phi cách mạng? Loại đạo đức nào thích hợp với xã hội loài người hơn?
Học sinh mất dạy mới là học sinh. Bởi vì nó mất dạy nên cần được dạy (đi học). Đã là thầy giáo mà còn mất dạy mới đáng nói. Các bạn có tin có thầy giáo hành xử như côn đồ, nói năng như các bà hàng cá ngoài chợ không?