Nguyễn Chính – Nhà thơ Việt Phương
03/02/2010 | 6:55 sáng | 2 Comments
Category: Tạp văn, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Cửa mở > Việt Phương
Nghe tin nhà thơ Việt Phương “được” vào Hội Nhà văn, tản mạn đôi dòng.
Trước hết, xin nhắc lại một kỷ niệm nhỏ. Cuối 1988, Nhà thơ của Nhân Dân, tác giả Cửa mở đến Nha Trang. Tôi và anh Trần Chấn Uy được đi đón ông ở Biệt thự Cầu Đá, xưa là nơi nghỉ của Hoàng đế Đảo Đại, khi nhà vua đến Nha Trang. Gần bảy giờ tối, xe chúng tôi đến cổng biệt thự, thì thấy nhà thơ Việt Phương cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đi bộ xuống. Chúng tôi lễ phép chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vì đã được báo cáo từ trước, nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gật đầu “Ừ, Phương đi đi”. Khác với hình dung của tôi, nhà thơ Việt Phương rất giản dị, dáng cao, to, tóc cắt cao, giọng nói ấm, sáng. Từ văn học, nghệ thuật, đến chính trị, kinh tế, khoa học, rồi thời sự trong nước, quốc tế v.v… vấn đề nào cũng được anh trình bày, mạch lạc, khúc chiết và đặc biệt là rất hấp dẫn. Anh nói “vo” mà vẫn logic chặt chẽ, cuốn hút người nghe. Tôi còn nhớ mãi buổi anh nói chuyện ở Hội trường Thành ủy TP. Nha Trang. Anh nói về chủ đề “cất cánh của nền kinh tế” Việt Nam. Đến nay, sau hơn hai thập kỷ, khi hai từ “hội nhập” đã thành câu cửa miệng của các nhà chính trị, các nhà kinh tế và việc quan hệ với phương Tây, với Mỹ, vào WTO rồi, mới thấy dự báo như thần của anh lúc ấy, rằng: “Thời đại ngày nay, là thời đại mà các quốc gia đều phải chịu ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau. Các nền kinh tế đều phải đan xen, giao thương với nhau. Tự lực cánh sinh bây giờ, là tự tử đấy”. Và, “Muốn cất cánh, phải có vốn lớn, có công nghệ cao, những thứ này lấy ở đâu?” Anh dừng lại nhìn khắp hội trường, rồi chỉ tay nói tiếp “Chỉ có thể lấy được ở phía bên kia kìa, phía trời Tây ấy…” Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Sáng hôm ấy, cử tọa rất đông, các hàng ghế đều kín chỗ ngồi…
Trong buổi nói chuyện về văn học, về thơ ở Sở Văn hóa – Thông tin Phú Khánh (cũ), khi anh ngồi nghỉ, để lấp chỗ trống, các anh ở Hội Văn nghệ tỉnh giới thiệu tôi lên đọc thơ. Tôi đã đọc bài “Cánh cửa”, mà tôi đã viết kính tặng anh trước đó và đã được nhà thơ Giang Nam giới thiệu trong chùm thơ của tôi trên tạp chí Cánh Én:
Cánh cửa
Anh Việt Phương ơi!
Từ trên ấy đỉnh cao
Những năm sáu mươi đã nhìn thấu cuộc đời
Đen như chì
Trắng như vôi
Đỏ như máu đỏ
Đá hóa vàng lại hoàn là đá
Vàng là vàng muôn thủa với trần gian
“Bùn có vấy tận chín tầng mây bạc”[1]
Thì nắng, mưa trời đất vẫn xoay vần
Cửa đóng?
Phải lấy búa mà đập tan ổ khóa
Cho những chị Dậu, anh Pha được đón ánh mặt trời
Cửa mở?
Phải mở toang cho bốn bề lộng gió
Như muôn kiếp người hằng khao khát, anh ơi!
Vậy mà gần 20 năm sau (2005), bài thơ này trong tập thơ Giọt nắng của tôi vẫn còn bị Nxb Hội Nhà văn loại khỏi bản thảo khi duyệt in.
Được biết, trước khi nghỉ hưu anh Việt Phương làm việc ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Chiến lược. Anh vẫn làm thơ, nhưng không phổ biến. Có lần, tôi được một người bạn đọc cho nghe một bài thơ chưa phổ biến của anh, nói về đề tài quan lại, trong đó có câu:“Vẫn còn mũ áo xênh xang gớm. Cũng là đóng nốt một vai hề”. Không biết anh muốn nói đến bọn quan lại của thời nào. Nhưng khẩu khí và tầm trí tuệ, thì quả là rất “Việt Phương”, rất đáng kính nể.
Cuối tháng 1/2010, nghe tin Việt Phương – Nhà thơ của Nhân Dân mới “được” kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi đã ở tuổi ngoài bát tuần. Sau phút ngạc nhiên, suốt buổi chiều tôi cứ vương vấn mãi một câu hỏi rất khó tự trả lời “Sao thế nhỉ?” Và, được biết anh lại có tập thơ Cửa đã mở, có lẽ muốn tiếp nối với “cửa mở” hồi thập niên 1960. Tôi đã làm và xin kính gửi đến Nhà thơ Việt Phương của Hội Nhà văn Việt Nam bài thơ này:
Cửa đã mở?
Kính gửi Nhà thơ Việt Phương
Của Hội Nhà văn Việt Nam
Cửa đã mở?
Chạy từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông
Lại chui vào đóng sập
Hũ nút văn chương
Hũ nút mắm, muối, tương, cà, hũ nút…
Tối như đêm
Đen như mực Tàu
Đỏ như đít khỉ
Thâm như váy rách đàn bà…
Cửa hai cánh bản lề gỉ sét
Cánh phù thủy
Cánh ma chơi
Chốt hãm, then cài
Thật, giả? khôn lường
Trâng tráo thò lò sáu mặt
Cửa đã mở!
Quái chiều hôm, nắng hay vàng?
Liêu xiêu bóng mẹ nhập nhòa, áo rách, lưng còng suốt mấy thời trận mạc
Loang lổ ngôn từ như gấm, như hoa nhuộm máu cùng nước mắt
Cửa đã mở!
Chào kỷ nguyên văn minh, thế giới văn minh
Laptop, internet, màn hình LCD…
Đồng hành cùng cối xay gió, dây thòng lọng và giá treo cổ…
Lu mờ rồi Eroxtrat!
Cần gì phải đốt đền!
Phát ngôn như tâm thần, chính khách như tâm thần, quỳ gối, khom lưng…
Kẻ nổi tiếng nhan nhản chính trường, nghị viện…
Cửa đã mở!
Muôn trượng đỉnh cao
Chót vót đỉnh cao
Chói lọi đỉnh cao
Mù lòa thần thánh
Thì ta hỡi phải mắt nhìn tám hướng![2]
Cùng chọn tìm một hướng mặt trời lên.
Nha Trang 01/02/2010
© 2010 Nguyễn Chính
© 2010 talawas
[1] Ý thơ Việt Phương
[2] Ta đứng đây mắt nhìn tám hướng (thơ Tố Hữu)
Bình luận
2 Comments (bài “Nguyễn Chính – Nhà thơ Việt Phương”)
Hồi 1977-1978, tôi cũng được một vài cán bộ ở Viện Khoa học Xã Hội (Viện Goethe cũ) hí hửng khoe hai câu thơ đó và nói là của một trí thức lớn của Đảng, bí thư của TT Phạm Văn Đồng tên là Việt Phương.
Có lẽ Việt Phương cũng nhất trí với PVĐ về công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958?
Sau 30.4.75, tôi thường được các bà con “cán bộ” thuộc giới kỹ thuật từ miền Bắc vào, đọc cho nghe một số bài thơ của Việt Phương, với những câu như (nhớ đại khái, có thể không đúng hẳn):
“trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”
với vẻ mặt thích thú, nhưng không giấu được nụ cười “biếm nhẽ” cho rằng xã hội TA (CS nói chung) là ưu việt trong khi tình trạng hủ hóa, tiêu cực nhan nhản bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ. Đúng là “đồng chí” Việt Phương này rồi, phải không thưa tác giả Nguyễn Chính?