Lê Thị Thấm Vân – Những người đàn bà đến từ Hỏa tinh
20/02/2010 | 12:27 chiều | Chức năng bình luận bị tắt ở Lê Thị Thấm Vân – Những người đàn bà đến từ Hỏa tinh
Category: Sáng tác, talaFemina
Thẻ: Nữ quyền > thời hậu chiến
Cái chết của ông Alex là cái chết (được) dự đoán. Ông viết rõ trong chúc thư muốn được hỏa táng. Ba người đàn bà đứng dính vào nhau cạnh quan tài. Ba bà bận màu tang lễ. Bà quần đen. Bà áo khoác đen. Bà váy chùng đen. Tất cả phủ trùm gót nên không thể biết được những cặp giò giấu trong màu tang lễ kia, thời thanh xuân đẹp như thế nào?
Ông Alex nằm ngay đơ, mắt khép kín, sóng mũi thẳng, hai môi đóng chặt. Hình ảnh nhắc nhủ mọi người đang hiện diện rằng, họ là những người sống sót.
“Đêm qua tôi nằm mơ thấy mình là con đại bàng đang bay trong bầu trời lộng gió, đột nhiên cánh gãy cái rụp.” Ông Alex nói như thế với Mưa Ngâu khi ông còn thở. “Đấy là một cái chết tuyệt vời.” Vi xen vào.
Vi 19 tuổi, còn quá bé để hiểu ngọn nguồn sinh tử. Nhưng bố nàng, Hòa, đã qua đời, người sở hữu nửa phần tài sản viện dưỡng lão này mà nay mai Vi sẽ thừa hưởng. Mái tóc Vi vừa chấm vai, vú to, hông nở, hai mắt trong veo. Khi cười, lúm đồng tiền bên má phải hoắm lỗ sâu.
Trong viện dưỡng lão, chốn dung thân cuối đời của Mưa Ngâu, Tu Hú, Vạn Thọ. Ba người đàn bà đã trải nghiệm hầu hết mùi vị cuộc đời, ngoại trừ mùi vị chết của chính họ.
Sau cái chết là gì? Không ai biết được. Vi nhớ xem cuốn phim, cảnh ông cảnh sát bị tên cướp bắn một loạt đạn vào bụng, nhưng ông hụt chết vì trang bị áo giáp. Khi ông tỉnh dậy, có người hỏi: “Ông sợ chết à?” “Không hẳn,” ông cảnh sát trả lời. “Nhưng ý nghĩ mình không còn sống nữa nó buồn bã lắm!” Những người sống trong viện dưỡng lão này đã già, rất già. Vi thì trẻ, rất trẻ. Mẹ Vi đang tá túc trong chùa, và cũng đang già theo ngày tháng. Già thì có hàng triệu cái chán chường cùng muôn vàn giới hạn đi kèm. Sau cái chết là gì? Vi nhìn ông Alex nằm kia, tự hỏi. Vì nghĩ phải chăng chết là hết nên con người cầu mong có kiếp sau để được tiếp tục. Nhưng nếu có kiếp sau thì lại phải có quy luật. Có quy luật thì khổ đau vẫn tồn tại. Con người thường dính vào một thứ/điều gì đấy nên cầu mong có đời sau để đạt được. Để đạt được điều mình mong ước thì phải có người khác sống chung. Muốn hưởng giàu sang thì phải có người khác làm nhân công phục vụ mình. Muốn chơi tennis số một thì phải có nhiều người đánh đấu thua mình. Ý nghĩ có đời sau là do lòng tham mà ra. Sau cái chết có/là gì hở ông Alex? Còn tiếp tục những cái nắm tay? Nụ hôn nồng cháy? Thắng xe gấp vì tức giận? Ly rượu ngon? Cái kề vai cụ thể? Vị mặn chát mồ hôi hay nước dãi nhạt thếch ứa trong đêm hè xa xưa mà nỗi sợ hãi căng cứng sợi thần kinh chực đứt. Thân xác cụ Alex đang nằm kia, chốc nữa sẽ thiêu đốt như ước nguyện. Thân xác chỉ là vay mượn thôi mà. Mẹ Vi nhiều lần nói thế. Vi thấy nghĩa trang lúc nào cũng ma quái, lạnh lùng. Nghĩa trang không nên tiếp tục tồn tại. Xác chết nên đem thiêu rồi rải trong trời đất. Chuỗi tro lấp lánh xuôi theo vòng cong trong gió loãng bay. Nhắm chặt mắt, Vi thấy cụ Alex mỉm cười với nàng tuần trước ở dãy hành lang. Đúng đấy cụ Alex ạ, Vi nói khi đặt đôi môi lên trán cụ lần cuối. Thiêu vừa sạch vừa không tốn đất. Cát bụi trở về với cát bụi. Cụ ra đi thanh thản, nhé!
~ ~ ~
Tu Hú không biết được ngày mai. Ngày mai là tương lai là thời sẽ tới. Những từ ngữ nghe xót lòng lẫn buồn cười, pha kịch tính. Bà già rồi, thì còn đéo gì ngày mai, tương lai, thời sẽ tới. Cánh cửa nhà dưỡng lão mở toang đón hai chân bà bước vào, sống nốt quãng đời trong này. Chấm dứt.
“Cựu” nữ quân nhân. Nhiều lần bà thắc mắc. Trong thời chiến, nam đi lính là nghĩa vụ, còn nữ phải xung phong, như bà? Bộ quân phục và những cái băng vệ sinh khâu bằng khăn trắng, đặt ở đáy quần lót, giáp cửa mình. Giặt, máu nhuộm đỏ thau. Máu từ trong thân thể bà cùng màu với máu kẻ thù và đồng đội. Máu đâu mà lắm thế? Phải ăn bao nhiêu thứ vào người mới đổ ra từng đấy máu. Sao đi cầu hay đi tiểu, bà chẳng hề thắc mắc, nhưng mỗi lần giặt băng vệ sinh, bà tự hỏi.
Tu Hú tham gia cuộc chiến Nam Bắc cắt chia ở vĩ tuyến 17. Cuộc chiến tự thâm tâm cô không cách chi định nghĩa cho đúng. Thời con gái cô ít bận tâm nhan sắc như các bạn gái trang lứa. Tu Hú đã sống thế nào ở tuổi trẻ thanh xuân tươi mát? Cô không nhu mì, dịu dàng, e ấp trong mắt mọi người. Có cần thiết không? Cô chẳng nao núng ai sẽ là người cưới cô. Cô già dần trong bộ quân phục. Những đôi bông tai xa lạ và màu son không đọng trên môi. Cô chẳng đơn giản trong mắt mọi người. Thậm chí họ coi cô như mối đe dọa. Ừ, nữ quân nhân! Thì sao? Cô chỉ thắc mắc sao cô không được đối xử bình đẳng như “thằng” con trai khoác áo nhà binh.
“Cựu” nữ quân nhân mỉm cười, thò tay vào họng tháo hàm răng giả, đặt nó trên bàn, “Đeo mày liền mấy tiếng hôm nay thế là đạt tiêu chuẩn rồi nhá!”
Bà từng nói với người tình trước khi quyết định rời bỏ ông vì không chịu được cái tính lăng nhăng, “Giá trị của của cái khoan không phải chính nó mà là do cái lỗ.” Hoặc, “Anh thử lấy ngón tay ngoáy lỗ mũi xem, ngón tay sướng hay lỗ mũi sướng?” Rồi bà phì cười cho cái tính hài hước của bà trước mọi thực tại gút mắc.
~ ~ ~
Ông Kính nằm bất động như thế đã mấy ngày. Trong hồ sơ lý lịch khai báo: vô gia cư. Ông Kính được chuyển từ nhà thương đến viện dưỡng lão này sau lần bị tai biến mạch máu não.
Trên tủ nhỏ, kê đầu giường ông Kính, là cái cặp da nâu xần xì đựng mấy bài thơ của Lê Thị Thấm Vân đã đăng trên internet. Những bài thơ sắp xếp không theo thứ tự ngày tháng. Những tờ giấy vàng ố, quăn góc, hoen màu mực copy. Lời nhắn viết tay nguệch ngoạc của ông là xin đừng để cái cặp thất lạc. Ông ở đâu thì nó ở đấy. Ông cũng yêu cầu rằng, khi ông chết, cặp da được hỏa táng cùng ông.
Mùi của riêng em
Con người trừu tượng như lịch sử
màng trinh hư ảo chẳng là em
anh mãi đi tìm.
Con cá hanh giẫy chết với cái bụng rỗng.
Sự vắng mặt của em đêm nay giữa những người bạn
bởi vắng mặt nên luôn là sự thèm khát,
và không hề mất.
Em, với nhiều quá khứ mà chính em cũng không thể nhặt nhạnh
nhớ hết được.
cánh chuồn chuồn rất mỏng
chiêm bao đã là thơ
Nhưng làm sao em điều khiển được sự bất hạnh thành điều tốt lành?
Trong giấc mơ, ngôn ngữ khắc trên da thịt em nằm trải dài nối hai đầu kinh giới.
ý nghĩa luôn đổi thay
lịch sử cũng thế
giới hạn và chọn lựa
của quá nhiều người.
Trong giấc mơ
mùi máu mùi nước mắt mùi hơi thở nồng nàn của em di chuyển không tiếng động theo đường gân trong thân thể anh.
Mộng dữ hay lành nằm ngoài tầm kiểm soát của ký ức
biến đổi liên tục
như lạ mùi và khác mùi
nhưng,
anh luôn nhận ra múi của riêng em. Em yêu.
(… …)
Cho giấc mơ chung
Anh bảo,
về đây với anh
anh sẽ đưa em đến (… …)
nơi anh đã sống đời thật
ấp ủ từng cơn mộng
mơ về sự bất tử suốt thời mới lớn
(ôi, tưởng tượng ngày mai, một ngày mai…)
Tay trong tay
ta loanh quanh những con đường nhỏ
lá rạp
ngoằn ngoèo, chưa hằn dấu xe
những nóc nhà tranh bạc lá
những đống rạ luôn ẩm mùi đêm
đáy giếng sau nhà cất giữ những viên sỏi như lưu giữ thời gian
hộ gian
vòm cây cao che khuất mảnh trời
bụi hoa dại tìm cách ẩn mình
những đứa bé hĩm/dái hồn nhiên trò chuyện cùng đất-đá-cỏ-hoa-lá-bùn
những người đàn bà luôn giấu mặt
những người đàn ông với ngón chân tòe
sấm sét tạt ngang cũng phải cố nén.
Anh bảo,
về đây với anh
anh sẽ đưa em đến (… …)
nơi không có
xe cộ, người muôn phương nườm nượp dọc phố Cannery Row
Steinbeck của em ấp ủ dậy thì con gái
thủ thỉ kể anh nghe từng cục gạch vuông vức thế nào
những khung cửa sổ đổi màu phải có giấy phép
kẹo sô-cô- la em ngậm tan dần giữa kẽ răng, trên đầu lưỡi anh thèm mút chặt trong đêm để tự nuôi mình
tự dỗ dành sáng mai ta còn khả năng thức dậy
hoa dọc lề phố đổi thay theo mùa
biển ướp lạnh cánh tay trần em giơ cao bảo anh liếm sạch giọt nước lăn chảy ở góc tối phi trường
(ôi, cùng nguồn thần linh tuôn từ khe lách của riêng em
giờ luân lưu trong thân thể anh
suốt dọc cuộc đời)
(… …) của anh
chỉ mình em là khách
quý.
Mơ
1. Rơi
Giữa căn phòng sàn gỗ sần mốc trống hoác trong căn nhà ông bà bảo trợ tôi từ camp Pendleton cuối thu 1975 kê cái nôi mây. Tiếng sơ sinh lúc oe oe lúc thút thít.
Từ hành lang tối, sâu hút vọng tiếng: “Làm sao biết được con chúng ta thuộc về thế giới này?”
Thằng bé, đầu đội đĩa trứng cút trong bức tranh treo trên tường ra lệnh tôi bằng tròng mắt lửa: “Chị lại đây với em!”
Nắm chặt trong tay peanut butter & jelly sandwich nhũn mềm của bà bảo trợ làm cho mỗi sáng mang đến trường ăn trưa, tôi khẽ bước tới, bước tới, bước… thình lình hụt chân.
Giật mình thức giấc, tôi thấy tôi đang rơi.
2. Phóng
Xe lửa vun vút. Ruộng muối trắng toát bên ngoài ô cửa sổ nứt rạn.
Trong toa cuối, hàng trăm hũ mắm, dưa chua, cà muối được xếp đều trên kệ như những lọ đựng dược thảo trong tiệm thuốc Bắc ở phố Tàu San Francisco.
Qua tấm gương phản chiếu, ba thiếu nữ khác màu da trần truồng đang tự mơn trớn. Cô da vàng đang thủ dâm bằng ngón tay giữa.
Lọ chứa thai nhi sáu tháng tuổi cuộn cong người đặt trên kệ cũng đang đút ngón tay giữa vào mồm mút chùn chụt, chùn chụt, chùn chụt…
Choàng tỉnh, tôi thấy tôi đang phóng người ra khỏi toa xe lửa đang chạy với cái lưng ướt đẫm.
3. Bay
Trên chiếc phà khổng lồ đang vượt biên giới từ Puttengarden, Đức quốc đến Roeby, xứ Đan Mạch. Người đàn bà ôm cây cột. Người đàn ông ôm người đàn bà.
“Anh yêu em.” Tiếng sóng vỗ.
“Tình yêu là điểm yếu của phụ nữ, là thứ khiến họ dễ dàng đánh mất mình nhất.” Người đàn bà thầm thì.
Gió lồng lộng. Phà cao năm tầng. Sứa bám thành đàn như thạch dừa lềnh bềnh giữa lòng nước. Khăn quàng cổ người đàn bà phất phơ như phướn lượn.
“Tai trái anh chứa âm nhạc. Tai phải anh chứa tiếng khóc than. Cõi trần này chứa độc dược hay cam lộ hả m?” Người đàn ông thầm thì trong tai tôi, lưỡi ướt và hơi thở sốt.
Tôi dang hai tay, co hai chân, bay vút vào không gian.
Cánh cửa
Bên trong và bên ngoài. Thế giới của tôi hay không phải? Cắt chia cánh cửa bởi con ngươi mục ruỗng. Điều đã biết, chưa biết, không thể biết. Cánh cửa lôi tôi đi hay tôi trì giữ? Là biểu trưng bản sắc hay vói người nhìn lui? Cánh cửa vạch định thế giới tôi đang thuộc về đâu. Nhận diện gặp gỡ và đánh mất. Là xung đột (âm ỉ) mãnh liệt liên tục.
Cánh cửa hình thành bởi những vết sẹo, những nếp nhăn, những sợi tóc đổi màu, những mùa trứng rụng, những hơi thở hụt, những đêm mất ngủ, cùng vết thương không bao giờ lành. Những cái vắt người đẫm chất lỏng đè ngang bụng, nằm cạnh, nằm trên, nằm dưới, nằm sấp, nằm ngửa chồng chéo/chất không ngoài mục đích (được) xâm nhập. Vỏ hành tây lẫn hành ta trộn lộn cùng da rắn cái. Cánh cửa không có chỗ dành cho đức hạnh.
Cánh cửa chứa bao bí ẩn đe dọa. Là nỗi sợ hãi bám sát trên từng cơn thống khoái. Cánh cửa là rào cản bóp nghẹt đồng thời khơi mở cuộc đối thoại. Có lúc cánh cửa đột nhiên biến mất, rồi tái diễn ngỡ ngàng.
Cánh cửa xua tan bóng tối, đánh đổ sức chịu đựng.
Tôi sờ cánh cửa. Cánh cửa là tôi và tôi là cánh cửa. Không trong/ngoài. Không phân loại. Thời gian trải dài hay thâu ngắn như sợi thun quấn quanh cổ tay thủa tóc được mẹ buộc nơ hồng, ngồi thõng chân mút cây kẹo bạc hà trên xích đu ở vườn sau nhà Đà Lạt.
Tôi nằm ôm cánh cửa lắng nghe lời ru trong tiếng guitar xa ngái. Tiếng sóng vỗ vọng theo bước chân đầu tiên chạm cát bờ biển Songkhla vào mùa xuân xa lắc. Những người đàn ông đến với tôi mang theo trong họ biết bao cánh cửa. Họ mở miệng hoặc câm nín. Ôi những xáo trộn, những phân ly, những hệ lụy, những cơn thoát xác, những cuộc đổi đời. Cái tước đôi thân thể. Chúng tôi cùng lên tiếng, chia chung thảm họa và ước vọng không dự tính. Cú lừa bịp trắng trợn. Cú thúc vào hạ bộ bất ngờ. Cánh cửa, nơi diễn những vở kịch phi lý không tiếng cười, không nước mắt. Cánh cửa mở ra đóng lại mạnh mẽ hay khẽ khàng, chở che cùng phá hoại.
Khi mắc kẹt giữa cánh cửa, tôi tự khắc phục hoặc dỗ dành tôi.
Cánh cửa đong đưa giữa lãng quên và gợi nhớ. Mong ngóng và xóa bỏ. Xây dựng và hủy diệt. Là di sản hay gánh nặng? Là ám ảnh thường xuyên. Là thương nhớ triền miên. Là ngồi bó gối, mở trừng mắt trước sự tước đoạt quyền tham dự. Buộc nhìn vào thời-đã-qua trong cơn phẫn nộ trên những tuyến du hành giữa đi và về tiêu phí thời gian gần một ngày trong đời.
Tôi đứng nhìn xác tôi phơi khô trên cánh cửa với nửa con ngươi mục ruỗng.
thương
(tặng tuấn em)
những mảng thịt trên người chị bị lóc
từng mảng, từng mảng một
xe cộ rền vang ngoài kia
tiếng rú gào
của những kẻ bị thiêu sống
chị úp mặt lên lưng
trần
ai
hít mùi lạ rồi thân rồi chia lìa
quả cấm
cứng
nghẹn cuống họng
chị
đành nhai lưỡi mình
9:30 am điện thoại reng
1:30 pm
chị quờ quạng níu
kẻ vô hình
chị rơi
rơi
rơi
… chìm sâu
tinh cầu mồ hóng
cát sông Hằng như vừng rang tí tách
như tiếng em gọi chị
hay mẹ gọi chị.
em, ám ảnh cái chết
chị kìm nén từng cơn ho thắt orgasm thời thiếu nữ
“lạc quan nhưng không nông cạn
cứng rắn nhưng không tàn nhẫn
tỉnh táo nhưng không lạnh lùng”
à…à… ơi…
ru em
chị ru
chị ngày cơn gió nồm chướng
lạ
cứ vật vờ bên hông nhà
trong đêm
chị ngồi đếm ngược những hạt mưa xuyên trăng
em thì thút thít
khuôn mặt mẹ rách bươm như cửa mình sau cơn sinh đẻ
giờ đang đầu thai xứ sở nào?
ngàn lá sồi đồng rũ liệt trong gió
“chị ơi, giữ chặt tay em”
Những con chữ
Nối dài ký ức
nối dài trí tưởng
nối dài mộng
hai ta.
Đợi chờ,
cũng là cách sống
dẫu em chẳng phải là con cá nục cần thời gian để biến thành mắm.
Những con chữ nối lòng
qua biển sông núi đồi kinh lạch
hàng loạt mộ phần không tên
khu xóm chỉ vài nóc nhà ủ ấm người đàn bà vô sinh mà
cội nguồn hạnh phúc tựa ống máng không trương nở không co thắt
không khe hở.
Những con chữ đưa môi ta sát gần nhau hơn.
Những con chữ
như khoảng trống trong ngày rỗng.
Những con chữ động não
những con chữ vực hồn
những con chữ quất roi
da vào mặt
nhưng cũng chính những con chữ cho ta sống khi không cần tới.
Ôi, những con chữ rồi cũng chết thôi mà.
Nguồn: trích đoạn rời trong phần ba/cuối của tiểu thuyết những người đàn bà đến từ hỏa tinh, Anh Thư sẽ xuất bản.
Xem phần 1 đã đăng: http://damau.org/archives/4395
Và phần hai: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7874
© 2010 Lê Thị Thấm Vân
© 2010 talawas
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Lê Thị Thấm Vân – Những người đàn bà đến từ Hỏa tinh”)