Floyd Whaley – Một kiểu trợ giúp khác: phát tiền mặt
20/03/2010 | 6:34 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Floyd Whaley – Một kiểu trợ giúp khác: phát tiền mặt
Category: Đời sống, xã hội
Thẻ: Oxfam ở Việt Nam > trợ giúp người nghèo
Phạm Văn dịch
Lời người dịch: Tổ chức Oxfam đã làm một việc rất nhỏ có lợi thiết thực cho dân nghèo tại Hà Tĩnh. Trong khi các vấn đề như chính trị, lãnh thổ, văn hoá… là mối quan tâm lớn, chúng tôi tin rằng nhiều người Việt trên thế giới và trong nước không chỉ nói suông và cũng có thể làm những việc mang lại lợi ích cụ thể nhưng ít được phổ biến vì nhiều lý do. Chúng tôi lược dịch bài viết này với hy vọng sẽ được biết thêm về các chương trình trợ giúp phát triển do người Việt thực hiện ở khắp nơi.
Ở miền trung Việt Nam, tổ chức viện trợ Oxfam của Anh quốc đã làm một việc bất thường đối với giới trợ giúp phát triển quốc tế: Oxfam đưa tiền mặt cho người nghèo.
Từ giữa năm 2006, Oxfam đã đưa trợ giúp tiền mặt một lần cho 550 gia đình nghèo ở An Lộc, một làng trồng lúa thuộc tỉnh Hà Tĩnh trên bờ biển miền trung Việt Nam.
Tiền được phát vô điều kiện, ngoại trừ không được dùng để mua rượu, ma túy hay cờ bạc, và gia đình phải đồng ý báo cáo trong thời gian ba năm đã sử dụng thế nào số tiền ấy. Món tiền có khi lên tới 375 đô la, hơn phân nửa lợi tức trung bình hàng năm của một hộ nghèo trong làng.
Chương trình này là một dạng khác với các chương trình “trao tiền có điều kiện” ngày càng phổ biến, theo đó các tổ chức phát triển cấp tiền mặt dựa trên việc làm, hay với điều kiện tham gia vào một sinh hoạt có lợi cho xã hội như đi học hay tới bệnh xá, hay đồng ý dùng tiền vào một mục đích nào đó, như xây nhà hay mở một cơ sở kinh doanh. Ngược lại, “trao tiền vô điều kiện” – như Oxfam đang thử – là chi tiền mặt mà không đòi hỏi điều kiện gì như trên.
Điều gì xảy ra khi người nghèo nhận gần phân nửa lợi tức hàng năm mà không bị ràng buộc?
Bản đánh giá chương trình này của Oxfam cho thấy các hộ dùng tiền để cải thiện nguồn lương thực của gia đình và lợi tức nói chung, nhiều người nuôi bò để tạo thu nhập lâu dài cho gia đình.
Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, và bình đẳng nam nữ trong làng được cải thiện, vì phụ nữ góp phần kiểm soát tiền. Theo đánh giá sơ khởi, đáng kể nhất là tỉ lệ nghèo giảm gần một phần tư trong hai năm, từ 65,1% năm 2006 xuống 40,2% năm 2008. Các vị đầu làng cho rằng tỉ lệ giảm này trực tiếp nhờ số tiền mặt phát ra.
Giám đốc Oxfam tại Việt Nam, Steve Price-Thomas nói: “Chúng tôi cảm thấy người nghèo rõ ràng có quyền quyết định cách tiêu tiền. Có cách nào hay hơn là đặt tiền vào tay họ và để họ quyết định?”
Dự án này khác với quan điểm truyền thống về trợ giúp phát triển. Một nghiên cứu của Oxfam về chương trình này ghi nhận: “Cách làm chuẩn của các dự án phát triển là để các chuyên viên đưa ra cách kiếm sống thích hợp, hơn là trao quyền cho các hộ gia đình lựa chọn nhiều cách khác nhau.”
Báo cáo cho biết chương trình cũng cắt giảm chi phí quản trị và tham vấn, và thách đố trực tiếp “niềm tin của các tổ chức trợ giúp phát triển về khả năng của người nghèo dùng tiền mặt một cách thông minh và hợp lý.”
Price-Thomas chỉ ra rằng tuy cách phân phát trợ giúp là bất thường, chương trình thật ra là hình ảnh thu nhỏ của việc trợ giúp phát triển trên thế giới.
Ông nói: “Đây là trợ giúp ngân sách ở tầm mức gia đình. Trợ giúp ngân sách gia đình có cùng luận điểm như trợ giúp ngân sách quốc gia.”
Tuy nhiên, những người chỉ trích việc đưa tiền mặt trực tiếp nói rằng nó không ảnh hưởng tới nguyên nhân cốt lõi của nghèo đói, như sự thiếu kém trong giáo dục và hạ tầng cơ sở cần thiết để sinh ra đầu tư tạo nên việc làm.
Nhiều người khác nói rằng phát tiền mặt không là chuyện mới – ở Mỹ và Âu châu gọi là “trợ cấp xã hội” (welfare), và nên cẩn thận trong các nước đang phát triển để khỏi nuôi dưỡng lệ thuộc dài hạn. Những người chỉ trích nói làm việc là con đường ra khỏi nghèo đói được chấp nhận nhất, và phát không tiền là một cách đáng ngờ nếu muốn tạo ra việc làm và xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Price-Thomas bác bỏ ý kiến so sánh số tiền mặt phát cho các gia đình nghèo là trợ cấp xã hội.
Ông nói: “Tiền trợ cấp ở Mỹ và Âu châu là những món tiền nhỏ dài hạn. Đây là món tiền lớn phát một lần, các gia đình được biết trước nhiều tháng để họ có thể có kế hoạch cho nó và tránh ý niệm lộc trên trời rơi xuống.”
Ông cũng nói chương trình Oxfam không nhằm thay thế các chương trình phát triển hiện có. Ông nói: “Trong trường hợp đặc thù của chương trình này, cuộc sống rất nhiều gia đình đã thay đổi tốt hơn, và thay đổi đó ba năm sau vẫn thấy rõ. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ hết lo về các dịch vụ giáo dục và sự tham gia của phụ nữ vào chính trị và nhiều lãnh vực khác của trợ giúp phát triển. Đây là một công cụ tốt, nhưng không độc nhất.”
Hàng tỉ đô la trợ giúp phát triển hàng năm có lẽ sẽ khó bao giờ chuyển tới người nghèo mà không có điều kiện, nhưng chương trình Oxfam đáng được các tổ chức phát triển truyền thống nghiên cứu kỹ hơn.
Nguồn: Floyd Whaley, “A different kind of aid: hand out money”, The New York Times, 15/3/2010. http://www.nytimes.com/2010/03/15/opinion/15iht-edwhaley.html
Bản tiếng Việt © 2010 Phạm Văn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Floyd Whaley – Một kiểu trợ giúp khác: phát tiền mặt”)