talawas blog

Chuyên mục:

Trường Lam – Bác Hồ của chúng ta

24/03/2010 | 6:10 sáng | 30 Comments

Tác giả: Trường Lam

Category: Lịch sử
Thẻ:

Cùng tác giả:Chuyện ở sân sau: Về ông nội và cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Về bài ký ‘Chuyện ở sân sau’”, “Tản mạn về những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xem thêm: Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” của Hồ Chí Minh đến “Luận cương Chính trị” của Trần Phú – Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ (phần 1) (và phần 2) của Đào Phan.

____________

Lời tác giả: Trước khi cầm bút viết về Bác Hồ, tôi xin nói đôi chút về mình và vì sao mà tôi viết: Sinh ra trong một gia đình có nghiệp nho gia nhưng bố tôi mất sớm. Năm ấy mẹ mới 24 tuổi, tôi lên 4. Mẹ ở vậy nuôi tôi và em trai (ra đời sau cha mất 16 ngày). Hôm nay tôi đã là người “cổ lai hy” và mẹ tôi tròn 90 tuổi…

Chi họ nhà tôi có thể coi là chi có truyền thống học hành. Định cư ở Thanh Khê (Thanh Chương, Nghệ An) từ nửa cuối thời Hậu Lê, đến triều Nguyễn mới chỉ có vài chục gia đình nhưng đã có 5 ông cử nhân, khá nhiều tú tài… Trước đó, có cụ không qua thi cử vẫn được vua mời ra làm quan đến hàng tứ phẩm hoặc được phong tước Hầu…

Ngày bé tôi ốm yếu, chỉ thích luẩn quẩn nghe mọi người nói chuyện đông tây, kim cổ. Đặc biệt là nghe chú Hồ Sĩ Thanh và bác Hồ Sĩ Huề ngồi dịch gia phả của cụ Hồ Sĩ Tạo soạn bằng chữ Hán ra Quốc ngữ, trò chuyện với nhau. Đầu óc non nớt của tôi không hiểu nhưng tôi nhớ như in. Sau này tôi mới nghiệm ra, nói: “Thủy đáo từ đường, Hồ gia vi vương” hay “Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” là nói chuyện gì. Chuyện cha con ông Phó bảng qua thăm cụ Phủ là nói về những ai… Biết tôi hay hóng chuyện, mẹ dặn: “Nghe là nghe vậy thôi. Biết đâu để đấy kẻo vạ vào thân con nhé!” (Mẹ tôi người họ Phan, một dòng họ khoa bảng ở xã Võ Liệt). Lời mẹ dặn tôi nhớ không quên.

Đến nay, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tôi thấy khó mà giữ được như lời mẹ. Tôi muốn thổ lộ những gì nghe được, biết được, thấy được, đọc được… với mọi người để cùng suy ngẫm về sự đúng sai. Vậy là tôi cầm bút.

*

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1891 ở làng Chùa, tên chữ là Hoàng Trù. Đó là một làng quê thuần phác Việt Nam. Nhà thờ họ Hoàng ở Hoàng Trù còn lưu đôi câu đối:

Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ

Chung Tự hùng thanh chấn ức niên

Có nghĩa là: Chính khí của Hoàng Trù và Vân Hội truyền từ ngàn xưa. Tiếng vang của Chung Sơn và Tự Thủy động đến ức năm (Hoàng Trù và Vân Hội là 2 làng có đông con cháu họ Hoàng sinh sống. Chung Sơn là ngọn núi có 3 đỉnh, Tự Thủy là đầm nước cạnh làng). Nói về Chung Sơn, danh sĩ Nguyễn Thiếp có câu:

Chung Sơn tam đỉnh hình vương tự

Kế thế anh hùng vượng tử tôn

Vậy có thể nói rằng Hoàng Trù là đất thiêng, là “địa linh” ắt sẽ sinh “nhân kiệt”.

Ông Hoàng Đường là một tú tài, song gia đình vẫn gắn chặt với ruộng đồng. Làng Hoàng Trù xưa êm đềm và tĩnh lặng. Sau lũy tre, lũ trẻ theo đòi nghiệp bút nghiên cất giọng ê a. Đường làng quanh co với những bờ tre rì rào gió thổi, những lối nhỏ hai bên mềm mượt cỏ xanh, ngoằn ngoèo bò ra cánh đồng… Những thửa ruộng sâu đầy ắp nước, lúa tốt bời bời, rền rĩ tiếng ếch nhái. Từng đàn cá rô, cá diếc lượn lờ, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đầu cá quả nhô lên, đen trĩu, lặng lẽ giương mắt nhìn. Ngày ấy cậu bé Công lăn lê, bò toài bên vệ cỏ, rình chộp những chú cào cào để anh trai và các bạn câu cá rô ron. Tiếng cười reo như pháo ran khi cánh diều ai đó vút bay hay một chú cá được giật lên. Có một lần chú cá tuột xuống, lưỡi câu nhọn sắc của anh Phương móc vào tai bé Công. Lưỡi câu có ngạnh, cả tốp mầy mò mãi mới gỡ được, máu chảy tóe loe khiến bọn nhỏ sợ xanh mang. Anh Khơm vò nát nắm lá phân xanh đắp vào tai cho cầm máu và dỗ em nín lặng kẻo bố mẹ mắng…

Chẳng ai ngờ vết sẹo ở tai lại thành một kỷ niệm tuổi thơ theo Bác đi khắp thế gian. Năm 1945, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là cậu Công ngày nào, bà Thanh nhìn ảnh nửa tin nửa ngờ. Năm 1946 bà ra Hà Nội thăm cho rõ thực hư. Bà sờ tai cụ Chủ tịch rồi cười: “Đúng thật rồi! Vết sẹo ngày bé còn đây lạc vào đâu được!”

Ngày 16/6-1957 về thăm quê, bạn già gặp gỡ, Bác sờ tai mình nói với ông Phương: “Cậu giật câu móc vào tai mình, cái sẹo còn đây. Nhớ không?” Và cả hai cùng cười.

Thế đấy! Có những kỷ niệm tuổi thơ mãi mãi đồng hành cùng ta cho đến hết cuộc đời.

Làng Hoàng Trù thơ mộng và thanh bình xưa còn không? Đâu những con đường xóm nhỏ mến yêu? Đâu gốc đa cổ thụ trước cổng nhà rì rào gió thổi và xanh ngời bóng lá? Gốc đa đó ngày xưa Bác từng bám lấy những rễ dài, đu mình vào không gian hoặc chơi trò trốn tìm quanh những hốc mấu xù xì. Ôi! Đời người và tuổi thơ êm đềm đâu phải ai cũng may mắn có được?…

Hoàng Trù xưa đầm ấm và thơ mộng nay đang dần biến mất. Đáng lẽ phải bảo tồn nguyên dáng vẻ xưa (như xây chợ Đồng Xuân hiện đại mà vẫn giữ nguyên vẻ mặt bên ngoài). Ở đây, người ta biến cổng nhà ngoại của Bác thành một cái chợ cùng những công trình bê tông che lấy tất cả.

Bảo tồn đâu chả thấy, chỉ thấy mất đi. Thật đáng buồn!

*

Vậy là Bác Hồ “chôn nhau, cắt rốn” ở làng Chùa chứ không phải ở làng Sen như lâu nay một số người ngộ nhận. Lớn lên cũng vậy! Vẫn gắn bó với làng Chùa.

Biết bao nhiêu lời thơ, câu hát, đoạn văn đã ca ngợi làng Sen, quê hương Bác Hồ? Làm vậy khiến tôi lại nhớ ngày cụ Phó bảng vinh qui, hai làng suýt chém nhau để giành quyền đón rước (ông Phó bảng đâu thiết tha gì với làng Sen?). Bọn chức sắc tổng Lâm Thịnh xử cho làng Sen thắng cuộc và buộc làng phải mua cho quan tân khoa một ngôi nhà, cấp ruộng đất để cột chân ông lại…

Trước đây tôi nói gia đình cụ Phó bảng không ở làng Sen là vậy. Một nho sĩ là gà trống nuôi con, cái gì chả phải nhờ bên ngoại, ở làm sao được?

Năm 1902 ba cha con sống ở nhà thờ họ Lê (bên chân cầu Rộ thuộc Thanh Chương). Năm 1903 chuyển qua chợ Rộ rồi lại chuyển tiếp vào nhà ông Hàn Kháng (họ Phan). Nhà cụ Hàn nay là vị trí nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Võ Liệt. Qua năm 1904 ít lâu, bà đồ An ốm nặng, ba cha con phải về chăm nuôi. Bà đồ mất… Thì giờ đâu mà ở làng Sen? Và căn nhà lợp rạ sau ba năm cũng đã dột nát. Đầu 1905 cụ Phó bảng vào Kinh, mang hai con trai đi theo.

Hai lần về thăm quê (lần đầu từ 14 đến 16 tháng 6-1957. Lần hai từ 8 đến 10/12-1961) tại làng Sen, Bác cũng chỉ thoáng qua, hệt như ngày bé đã từng qua lại… Và đúng ra, khu Di tích Kim Liên phần chính phải ở làng Chùa. Làng Sen chỉ là một kỷ niệm buồn!

Việc ba cha con cụ Phó bảng ở Thanh Chương mới đây đã được cụ Phan Tố Đức, cán bộ lão thành cách mạng, từng đi tù với cụ Hồ Tùng Mậu, viết gửi nội san họ Hồ Nghệ An. Tôi đâu dám đơn sai.

Ba mươi mấy năm làm rể làng Sen, tôi để ý hỏi kĩ bao điều. Mẹ vợ tôi, bà Nguyễn Thị Thiu (em ruột cụ Nguyễn Sinh Chiểu, lão thành cách mạng, chị ruột cụ Nguyễn Sinh Hiểu, nguyên là giám đốc quốc doanh chiếu bóng Nghệ An. Cả ba cụ đều đã qui tiên) cũng kể cho tôi đôi điều bà biết được. Còn thì gặp ai già cả quanh vùng tôi đều gợi ý, tìm hiểu, thu thập thông tin để biết được càng nhiều càng tốt.

Làng Sen cũng hệt như làng Chùa: Các công trình bê tông đã che lấp gần hết dáng vẻ xưa. Trước đây hình như Bác từng nói: Bác đâu phải địa chủ mà chiếm nhiều đất… vậy mà bây giờ xem ra lại nghiệm!

*

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con yêu của giống nòi, là anh hùng dân tộc, là thiên tài, là vĩ nhân…

Có biết bao sách báo đã và đang viết về Bác Hồ và có lẽ rất lâu nữa người ta vẫn còn phải trở trăn tìm hiểu. Không nói tới những bài viết của kẻ xấu, của thù địch với dụng ý bôi nhọ, những người sinh sau đẻ muộn cần tin vào những đâu?

Tất nhiên là tin vào sự thật. Những bài viết như chắt ra từ máu của những người đạo đức trong sáng, sống mẫu mực, dũng cảm và ngay thẳng thì cái họ viết ra chắc chắn là thật. Ta có thể hoàn toàn tin tưởng họ.

Cụ Hoàng Tùng, cụ Sơn Tùng, cụ Vũ Kỳ… thì nói dối để làm gì? Họ đâu mưu cầu lợi ích riêng hay thăng quan tiến chức như kẻ khác? Những kẻ có cả đống đô la giấu diếm ở ngân hàng nước ngoài hoặc đùn cho con cháu đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, sàn nhảy, sân gôn… để hốt bạc cùng những kẻ ăn theo, bản thân họ cũng không tin ở chế độ mình, ta không thể coi họ là thật thà và lời họ nói lại càng phải cân nhắc kĩ. Quan điểm cá nhân tôi là vậy.

*

Những ngày xa xưa trên con đường thiên lý Bắc Nam, cứ khoảng năm dặm có một đoản đình, mười dặm có một trường đình, khách bộ hành lê đôi chân mệt nhoài vào những quán đó nghỉ ngơi, ăn uống rồi tiếp tục đi. Quan lại hay kẻ giàu sang ngồi cáng có phu khiêng. Cái cảnh “cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” của cụ Nguyễn Du miêu tả chắc cũng từ những chuyến đi như thế. Ta không thể quên bài thơ: “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan trên con đường đó:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái da da

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

Với đôi chân leo dốc mệt nhoài mà thi sĩ vẫn viết nên bài thơ xứng đáng để đời. Giữa trời, non và nước bao la, cảnh vật đơn sơ, đượm buồn cùng nỗi lòng bồi hồi, cảm khái được nhà thơ ghi lại thật tài tình. Và ta lại nhớ tới vợ chồng cụ Sắc cùng hai con trai lần đầu đi bộ vào Kinh để cụ Nguyễn theo học trường Quốc Tử Giám (1895).

Cũng tại con đèo này, cậu Khiêm ngồi ôm đôi chân phồng rộp cùng đôi dép mo cau đã mòn vẹt qua mấy buổi đi bộ. Cậu Công lên 5, nhong nhong trên lưng cha, bởi còn quá bé, đã xuất thần đọc nên hai bài thơ khẩu khí, một bài ngắm núi, một bài ngắm biển, dấu hiệu của một nhà thơ lớn sau này:

Núi cõng con đường mòn

Cha thì cõng theo con

Núi nằm ì một chỗ

Cha đi cúi lom khom

Đường bám lì lưng núi

Con tập chạy lon ton

Cha siêng hơn hòn núi

Con đường lười hơn con

Và:

Biển là ao lớn

Thuyền là con bò

Bò ăn no gió

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước

Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn

(Theo cụ Sơn Tùng, trích trong Tất Đạt tự ngôn)

Lớn lên, Bác đi khắp bốn phương trời, làm báo, viết kịch, viết văn, làm thơ… tự tìm đường cứu nước, hoàn thiện dần văn hóa ứng xử, văn hoá giao tiếp. Tập Ngục trung nhật ký chứng minh Bác là một nhà thơ lớn, cùng với thơ làm trong kháng chiến chống Pháp, thơ Xuân mỗi khi Tết đến Xuân về trong những ngày đánh Mỹ, thành kim chỉ nam cho toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta hăng hái xốc tới… đã thể hiện đầy đủ tầm vóc của một nhà văn hoá lớn.

*

Ngày còn học phổ thông, thầy Đào Tưởng Lục, giáo viên dạy sử nổi tiếng của chúng tôi dạy rằng: Chính sử được viết ra theo ý chí của nhà cầm quyền và phục vụ cho mục đích thống trị của họ. Dã sử mới thể hiện cách nhìn của đa số nhân dân lao động. Nó được viết ra bởi người lao động hoặc những trí thức sống gần dân…

Tôi nhớ mãi lời thầy và càng ngày càng nghiệm thấy đúng. Ngày 3-2-1930 (bà Vera ở Nga nói là ngày 6/1) Bác Hồ triệu tập các nhóm cộng sản ở trong nước bí mật tới Hồng Kông thống nhất lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam, cử ông Trịnh Đình Cửu làm Tổng Bí thư và viết chính cương đầu tiên: Đoàn kết các giai tầng xã hội Việt Nam chống đế quốc, sau mới làm cách mạng thế giới…

Tháng 10-1930 ông Trần Phú từ Liên Xô về, gạt Bác Hồ và ông Trịnh Đình Cửu ra, phủ định chính cương 3-2 của Bác, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương với “Luận cương chính trị” do Stalin sai Paven Alếch Xanđrovích Míp vẽ ra, bầu Ban Chấp hành mới không có Bác Hồ tham gia.

Tôi không được học và cũng không được đọc hai bản “Luận cương”, nhưng theo cụ Sơn Tùng: Chính cương 3-2-1930 của Bác Hồ đến nay vẫn nguyên giá trị. Ngày ấy Quốc tế Cộng sản đòi phải thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Bác Hồ cho rằng: sự phát triển của ba nước không đồng đều, Việt Nam đông dân, có giai cấp công nhân, có thể thành lập đảng để lãnh đạo nhân dân đánh Pháp. Đó là điều kiện lịch sử của Việt Nam. Lào, Miên chưa có điều kiện thành lập đảng, lấy tên Đảng Cộng sản Đông Dương là lấy nước lớn áp đặt lên nước nhỏ, vậy là không đúng…

Bản “Luận cương” của ông Trần Phú gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn An Ninh là “bọn” này “bọn” nọ lôi kéo thanh niên… Viết như vậy không chỉ xúc phạm đến các cụ, những nhà yêu nước chân chính mà còn xúc phạm đến cả đồng bào ta.

Bác của chúng ta đã sớm bộc lộ một tài năng chính trị sáng suốt vậy đấy!

*

Bác Hồ thật sự là nhân cách của người cầm quyền kiểu mới, suốt 24 năm làm nguyên thủ quốc gia mà không tha hóa. Khi chết đi, ngoài ngôi nhà sàn, Bác không có gì khác cho riêng mình. Tình cảm của Bác đối với mọi tầng lớp đồng bào là vô cùng sâu nặng, đặc biệt là đối với cụ già và trẻ em.

Chắc rằng những ngày cuối cùng của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã để lại trong lòng Bác một vết thương đau chẳng thể mờ phai: Bố đi coi thi ở Thanh Hóa, anh trai đi theo, xong tạt về quê bốc mộ họ suốt ba tháng trời. Ở Huế, mẹ sinh em, đau ốm, chết không để lại một bát gạo hay một cắc bạc nào. Bác Hồ bấy giờ mới 10 tuổi, bế em đi xin sữa và em cũng héo khô trên tay mình. Hai cái tang đổ xuống đầu một đứa bé 10 tuổi. Đời người có nỗi đau nào hơn thế? Vậy nên Bác dành nhiều tình thương yêu cho cụ già và em nhỏ cũng chẳng có gì là lạ?

*

Quan hệ của Bác với ông Trần Phú như đã trình bày ở trên, còn quan hệ với Tổng Bí thư thứ hai là Hà Huy Tập cũng không tốt đẹp hơn. Năm 1935 Hà Huy Tập làm văn bản báo cáo với Đệ tam Quốc tế rằng chính Nguyễn Ái Quốc đã gây ra sự mơ hồ về giai cấp cho các chiến sĩ cách mạng Đông Dương. Bởi vì hồi đó “Chính cương” của Bác đề ra: Đảng phải tranh thủ cả tiểu, trung và đại địa chủ cùng thanh niên trí thức, tư sản yêu nước để chống đế quốc… Ban Chấp hành Trung ương kết tội Bác là mơ hồ, cải lương…

Đại hội VI Quốc tế Cộng sản chỉ có một mình Nguyễn Văn Tạo là người Việt Nam nhưng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp là đại biểu chính thức tham dự. Trước đó, tại Đại hội V, Bác được Manuisky đề xuất đặc cách làm đại biểu chính thức. Ban Bí thư Chấp nhận nhưng Bác từ chối vì mình không phải là đại biểu được Đảng Cộng sản Pháp bầu. Bác chỉ đến để đóng góp vào báo cáo về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội mà thôi…

Tiếng bom Phạm Hồng Thái nổ ở Sa Diện, Quảng Châu làm chấn động cả nước Pháp, Bác Hồ đề đạt với Ban Bí thư Quốc tế cộng sản và Bộ Phương Đông xin được về Quảng Châu hoạt động. Cả hai nói đồng ý nhưng Bác vẫn phải chờ đợi trong im lặng. Đảng Cộng sản Pháp cũng chẳng hồi âm nên Bác đành phải loanh quanh ở Moskva… Về sau Nguyễn Ái Quốc được bổ sung vào Bộ Phương Đông và về Trung Quốc hoạt động, mọi chi phí do Bộ Phương Đông chu cấp. Tháng 9-1924 Bác đi Quảng Châu và cho đến 1927 cũng không được đồng tiền nào của Bộ Phương Đông chu cấp! Sau đó bác sang Thái Lan…

Sau Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, quan điểm dân tộc và thuộc địa của Bác Hồ bị phê phán dữ dội. Stalin tỏ vẻ khó chịu nhất là vấn đề này. Ông ta cũng coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương. Việc Bác bị bắt ở Hương Cảng rồi nhờ ông Loseby mà được xử trắng án, được thả ra cũng khiến Liên Xô nghi ngờ là Bác hoạt động hai mang! Stalin không hiểu được là tại sao lại có những người như Loseby?

Bác ở lại Liên Xô, công tác ở Ban Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản nhưng không được giao nhiệm vụ cụ thể nào mà chỉ được nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Công việc nghiên cứu xong đâu vào đấy cả Bác xin được bảo vệ thì lại không được trả lời. Năm 1938 Bác xin về nước.

Đại hội Quốc tế Cộng sản lần VII, Bác không có tên trong danh sách đoàn đại biểu Đảng ta mà chỉ là dự thính. Ông Lê Hồng Phong và bà Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức.

*

Tôi không được rõ mối quan hệ giữa Bác với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Chỉ thấy nói năm 1938 Bác từ Liên Xô về qua Trung Quốc. Cuối 1938, Bác công tác tại phòng “Cứu nguy Dân tộc” thuộc văn phòng đại diện Bát lộ Quân ở Quế Lâm (Trung Quốc) với tên là Hồ Quang, hàm thiếu tá. Năm 1939 Bác về Côn Minh để tìm cách nối lại liên lạc với các đồng chí trong nước.

Quan hệ giữa Bác và ông Trường Chinh có vẻ “êm đềm” hơn, mặc dù ông Trường Chinh không tán thành việc Bác tuyên bố “giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là việc làm trên danh nghĩa để tránh mũi nhọn của bọn Lư Hán, Tiêu Văn sang ta là để tiêu diệt Đảng Cộng sản. Nếu không làm được thì bọn họ sẽ bị Tưởng Giới Thạch tiêu diệt!

Năm 1952, Mao và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Bác chủ trương hãy làm giảm tô, giảm tức trước. Cải cách uộng đất để sau. Bác nói: mình đã nói để kháng chiến xong đã mới tiến hành cải cách ruộng đất. Họ cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách của ta, chứ không theo họ…

Đoàn cố vấn Trung Quốc trong cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn, họ muốn qua cải cách để “sửa” lại Đảng ta. Ông Trường Chinh đồng ý làm cải cách ruộng đất. Làm thí điểm, trước hết họ chỉ đạo đánh vào bà Nguyễn Thị Năm (tức Cát Thành Long). Gia đình bà Năm có con trai làm trung đoàn trưởng dưới trướng tướng Văn Tiến Dũng. Trong tuần lễ vàng kháng chiến, bà đã hiến cho cách mạng 100 lạng vàng. Bà từng nuôi các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… trong những năm tháng bí mật. Bản thân bà Năm công tác trong Hội Liên hiệp Phụ nữ từ 1945 cho tới 1953. Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cánh hoa”. Người ta phớt lờ ý kiến Bác và cứ thế họ làm…

Ai phải chịu trách nhiệm trước những sai lầm này? Rồi còn chiến dịch đánh Nhân văn Giai phẩm nữa… Lịch sử sau này chắc cũng còn nhiều việc phải xem xét. Rất may là Đảng đã phát hiện sớm những sai lầm này và cho cuộc cải cách ruộng đất sớm dừng lại. Nếu không, đất nước ta chắc đã tan hoang như bãi chiến trường và dân tộc ta phải gánh chịu một nỗi đau không đáng có!

*

Thời kỳ ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư là thời kỳ đất nước ta phải vượt qua nhiều biến cố to lớn nhất. Trước hết là công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và nông thôn. Vấn đề thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Bác nói: “Việc xây dựng hợp tác xã phải hết sức tự nguyện, không ép người ta”. Đằng này họ lùa dân vào các hợp tác xã tất, ai không vào sẽ bị phân biệt đối xử, con cái học hành  khó khăn, không cho lý lịch để thoát ly… Dân vào hợp tác xã gần như vào trại lính, đi làm theo hiệu kẻng, không biết sáng tạo là gì. Các vị chủ nhiệm thuộc bần cố nông, chả biết gì là khoa học kỹ thuật, lo cho họ chưa xong thì lo được cho ai? Kết quả nền nông nghiệp nước nhà tụt hậu hàng chục năm vậy mà đi đâu cũng hô hào làm ăn lớn, làm chủ tập thể!

Ông Hoàng Tùng xếp nỗi đau thứ 7 của Bác Hồ chính là vào thời kỳ này. Ông Lê Duẩn muốn qua mặt Bác nhưng Bác không quan tâm. Người trọn đời vì dân vì nước ai thèm kèn cựa địa vị mà làm gì?

Tết Mậu Thân (1968) tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, Bác và tướng Giáp không tán thành nhưng bị thiểu số. Bác và tướng Giáp chủ trương tập kích rồi rút nhanh để bảo tồn lực lượng. Ông Duẩn và đa số quyết tâm tổng tấn công. Để tránh tổn thất cho lực lượng ta, Bác hỏi tướng Giáp xem phải làm thế nào? Tướng Giáp nói: Chỉ còn cách đánh mạnh ở giới tuyến để kéo bớt địch ra. Chuẩn bị vào trận, họ cho tướng Giáp đi chữa bệnh ở Hungari, Bác Hồ đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Kết quả địch phải mang ra giới tuyến 4 sư đoàn. Johnson tuyên bố phải tử thủ Khe Sanh. Ông Lê Duẩn đã đề nghị Bác cho đánh trận này, nếu không thắng ông ta sẽ từ chức, nếu thắng Bác phải cách chức tướng Giáp. Kết quả cả ba đợt tổng tiến công và nổi dậy đều không đạt được mục tiêu đề ra… Nhưng ông Duẩn im lặng.

Tấn công đợt 1 không bắt được Martin và Thiệu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng! Đợt 2 cũng không kết quả, đợt 3 đã bị kẻ địch phản công cho tơi tả. Bộ đội tinh nhuệ của ta hy sinh biết bao nhiêu? Những hố chôn tập thể đã khui lên ở Quảng Ngãi, ở Bình Định cùng nhiều nơi nữa nói lên điều đó. Và còn bao nhiêu xác chiến sĩ ta bị kẻ địch vùi lấp chưa tìm thấy?

Ông Lê Duẩn phớt lờ lời hứa của mình còn Bác Hồ thấy đất nước đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nên cũng để yên…

Ngày ấy, giáp Tết, Bác đang điều trị ở Trung Quốc, Bộ Chính trị mời về để thông qua việc tổng tiến công và nổi dậy 1968. Máy bay về sân bay Gia Lâm được thông báo hạ cánh theo phương vĩ lệch 15o. Nếu xuống ắt sẽ tan xác. Ông Vũ Kỳ đồng ý cho người lái hạ cánh theo trí nhớ và máy bay đáp xuống an toàn. Ông Kỳ thở phào nhẹ nhõm. Mọi người yên vị trong máy bay và Bác vẫn ung dung hút thuốc.

Lát sau mới thấy ông Duẩn, ông Lê Đức Thọ rồi ông Đồng tới đón! Chắc là họ định đón Bác ở một địa điểm khác.

Những tì vết của ông Duẩn và một số ông lớn khác thì còn nhiều. Ông Duẩn “lúc sinh thời là một thanh niên yêu nước. Người ta kính mến, khi ở trong Nam chiến đấu cũng đáng kính. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam, đám thầy dùi tự nhiên lại mạ ngọc mạ vàng lên lịch sử cá nhân ông là không đúng. Họ bịa chuyện sở dĩ có chiến thắng miền Nam là nhờ có nghị quyết 15: Có nghị quyết 15 do anh Ba Duẩn từ trong Nam ra, triệu tập Hội nghị Trung ương chỉ ra đường lối kháng chiến miền Nam lúc đó”.

Bác Hồ đang sống mà họ dám nói thế. Mà chính ông Duẩn cũng muốn thế!

Tạp chí Lịch sử Đảng số 4-1990 ghi rõ: Tác giả Nghị quyết 15 là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp… Dù cho có người viết sách ca ngợi họ đến đâu rồi cũng có ngày được lịch sử phán xét. Có thế mới giúp những người đang sống hiểu rõ vàng, thau. Giúp những thế hệ mai sau không bị nhầm lẫn… Tôi chỉ ghi ít chuyện giữa ông Duẩn và Bác Hồ mà thôi. Những việc của ông làm sau khi Bác mất thì mọi người đã rõ và những giọt nước mắt ông khóc ngày lễ tang Bác là thật hay giả đây?

*

Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn cao hơn các vị Tổng Bí thư mấy cái đầu và mặc dù họ cư xử với Bác thế nào Bác vẫn luôn đặt quyền lợi của Đảng của dân tộc lên trên hết… Sự kiện lịch sử càng đứng xa càng thấy rõ: Cái đúng, cái ưu, cái sắc bén luôn luôn thuộc về Bác Hồ.

– Căn cứ vào đâu mà từ 1941, Bác nói năm 1945 cách mạng Việt Nam hoàn thành?

– Căn cứ vào đâu mà giữa lúc khói lửa của cuộc đại chiến đang mù mịt, Bác nói năm 1945 Chiến tranh Thế giới kết thúc? Trong khi Bác chỉ có chiếc radio ọp ẹp bên hông còn Stalin, Churchill, Roosevelt… có đầy đủ mọi nguồn thông tin, các cố vấn đông đảo… họ lại nói năm 1946 Chiến tranh Thế giới mới kết thúc?

– Căn cứ vào đâu mà từ 1950, Bác nói năm 1954 ta chiến thắng giặc Pháp?

– Căn cứ vào đâu mà 24/4-1957 Bác nói tại Nam Định: “Làm kinh tế thì phải khoán, khoán là ích chung lợi riêng, thì mới kích thích được sản xuất”? (Sau đó ông Kim Ngọc, bí thư Vĩnh Phúc làm theo lời Bác thì bị tiêu diệt.)

– Căn cứ vào đâu mà từ 1960, Bác ghi: “15 năm nữa thì sự nghiệp thống nhất nước nhà hoàn thành”?

– Căn cứ vào đâu mà trong Di chúc, Bác viết: Chiến tranh chống Mỹ còn kéo dài mấy năm nữa… còn Bộ Chính trị lại gạch bỏ cụm từ “mấy năm nữa” và cho là còn kéo dài? Vậy mà ông Lê Duẩn còn dám đến ký chứng kiến vào Di chúc, thực tế là giám sát Bác. Những ngày cuối đời Bác còn bị một thứ “thần trùng” bên cạnh khống chế. Họ gạch bỏ mấy vấn đề liền trong Di chúc, sửa lại ngày Bác ra đi…

Ngày nay Liên Hợp Quốc còn coi Bác Hồ là người đầu tiên mở đường đối thoại và tiến hành đối thoại tìm kiếm hòa bình (Đối xử với bọn Tiêu Văn và ký Hiệp định Sơ bộ 6/3-1946 với Pháp).

Khi cách mạng mới thành công, Bác đã kêu gọi diệt giặc đói, diệt giặc dốt thì bây giờ UNESCO mới đặt ra chương trình cứu đói, tổ chức xóa nạn mù chữ.

Bác Hồ phát động trồng cây gây rừng từ 1960, ngày nay UNESCO mới đặt ra chương trình cân bằng sinh thái, trồng cây gây rừng.

Với Bác Hồ của chúng ta chỉ có một chữ “thiên tài” mới nói lên được tất cả. Bác của chúng ta thông hiểu học thuyết Mác-Lênin (nhưng học thuyết Mác là từ thực tiễn Châu Âu. Châu Âu chưa phải là cả thế giới, Châu Á và nước ta có đặc điểm riêng). Bên cạnh đó Bác còn là người của Phật học, của Nho học, của Lão học, của học thuyết Tôn Trung Sơn… Kết hợp chặt chẽ với truyền thống dân tộc và văn hoá Việt Nam. Thông hiểu ngần ấy thứ mới tạo nên một tầm vóc Bác Hồ và điều đó đâu phải là đơn giản.

*

Những năm gần đây có nhiều người nói hoặc viết rằng Bác Hồ có con… Đối với cá nhân tôi và có lẽ là của đông đảo người dân Việt Nam ta, đó là điều đáng mừng. Một con người kiệt xuất mà từ giã cõi đời không để lại cho hậu thế tí di duệ nào khiến ai chẳng cảm thấy đau lòng? Chúng ta không nên thần thánh hóa Bác Hồ. Hãy để Bác mãi mãi vĩ đại mà giản dị giữa lòng dân tộc, giữa những tâm hồn Việt Nam, trong sự kính yêu của những người dân Việt Nam. Bác Hồ là lãnh tụ là nhà văn hoá lớn song Bác cũng là một con người với những tình cảm riêng tư bình thường mà giản dị.

Ngày Bác qua đời, Mao “bạo chúa” còn ngự trị trên đất nước Trung Hoa. Cả hơn một tỉ dân Trung Quốc phải cúi đầu phủ phục trước ông ta… vậy mà cụ Quách Mạt Nhược dám gửi đôi câu đối viếng, đặt Bác Hồ lên trên tất cả, trên cả ông Mao. Đó là một hành động dũng cảm (Trước đây khi Lev Landau bị vu là gián điệp Đức, viện sĩ Kapitsa cũng đến trước Stalin đòi phải thả ngay, nếu không ông sẽ bỏ Viện) Các nhà khoa học thường trung thực và dũng cảm vậy đó. Xin phiên âm đôi câu đối của cụ Quách Mạt Nhược: “Chí khí tráng sơn hà, Ái Quốc, anh hùng duy hữu nhất minh tinh quang vũ trụ, Á Âu, hào kiệt thị vô song”. Đây là đôi câu đối ca ngợi Bác Hồ chính xác, đầy đủ và khó có ai có thể viết được hay hơn.

*

Tôi là người sinh sau đẻ muộn lại sống ở nông thôn, giữa vùng đồi núi, mọi nguồn thông tin đều thiếu thốn, muốn tìm tòi nghiên cứu cũng chẳng biết tìm đâu, chỉ đọc và nghiền ngẫm những bài nói, bài viết của lớp người đi trước, tin tưởng hoàn toàn ở họ bởi mục đích của họ là tốt đẹp là trong sáng mà thu thập, gạn chắt lấy đôi chút cho mình…

Tôi viết ngắn gọn vậy thôi, có gì không đạt cũng mong được mọi người tha thứ. Cuối cùng, xin mượn lời cám ơn nhà văn Sơn Tùng của Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục – ngành Giáo dục Đào tạo ngày 11/4-2001 thay cho lời kết:

“Đã đến lúc sự thật phải trả về cho sự thật, lịch sử phải trả về cho lịch sử với giá trị nguyên bản đích thực của nó, dầu biết rằng sự thật nói ra có cực kỳ gai góc, nhưng vẫn có giá trị hơn rất nhiều so với lời nói, nhận định sai lạc, giả dối, giá lạnh, không có hồn… nhưng sự thật đó quang minh chính đại phù hợp với lý tưởng của con người và đặc biệt sự thật đó phù hợp với lương tâm của chúng ta.”

Những ngày đầu xuân Canh Dần

© 2010 Trường Lam

© 2010 talawas

Bình luận

30 Comments (bài “Trường Lam – Bác Hồ của chúng ta”)

  1. Phùng Tường Vân viết:

    ” Hợp tác xã: “Dân vào hợp tác xã gần như vào trại lính, đi làm theo hiệu kẻng, không biết sáng tạo là gì. Các vị chủ nhiệm thuộc bần cố nông, chả biết gì là khoa học kỹ thuật, lo cho họ chưa xong thì lo được cho ai? Kết quả nền nông nghiệp nước nhà tụt hậu hàng chục năm vậy mà đi đâu cũng hô hào làm ăn lớn, làm chủ tập thể…” Sự ngu muội trong chính sách, trong quản lí kinh tế, đi ngược lại qui luật phát triển của nhân loại đã đưa đất nước tụt hậu hàng mấy chục năm so với những nước kề cận lân bang, tội tày đình này ông Hồ và Đảng CSVN đã một lần nào nhận trách nhiệm trước nhân dân?” (Trâu Mạnh Dũng)

    Ngày nay, trên phạm vi cả nước, quyền hạn lớn thì ăn cướp, quyền hạn nhỏ thì ăn cắp, sách nhiễu…, cái căn ấy thật ra có từ thời hợp tác xã. Còn nhớ bà con nông dân miền Bắc vào những năm tháng ấy sợ hãi nhất là chuyện thay đổi các chủ nhiệm Hợp Tác Xã, một sự sợ hãi có cơ sự giống như trong câu chuyện cổ “Cầu cho bạo chúa sống lâu” vậy. Bà con bảo : “Ấy cái ông cũ, ông ấy ăn no rồi, ông ấy có cơ ngơi nhà ngói ao cá rồi ông ấy xuống, ông sau lên, lại theo nếp ông trước, lúa chắc thì ông gạt cho nhà mình cùng con cái quyến thuộc, lúa lép ông gạt cho xã viên…cho nên muốn ông no rồi ông ngồi lại là vì vậy, ông nào lên sau cũng ăn bạo hơn ông trước.” Cái nông nỗi “vi mô” ở nông thôn cùng khổ nó đến như vậy, chẳng biết “Bác Hồ của Trường Lam Tiên Sinh” có biết cho chăng ?

  2. Lê Thị Thấm Vân viết:

    “Sài Gòn falls. Giải phóng miền nam. Đất nước hoà bình. Miền nam thất thủ. The war is over! Việt Nam thống nhất. No more killing! Lịch sử (chẳng) lỡ lầm đã được chứng minh.

    Từ ngày Bí Vàng ra đời dưới giàn bí, hôm nay mới có người lạ ngang nhiên xông vào nhà, cầm theo ảnh Hồ Chí Minh, chẳng nói chẳng rằng, lấy búa đóng chặt đinh, treo ngược ảnh Bác ngay trên vách, giữa nhà. Cái vách độc nhất che nắng đỡ mưa. Trong ảnh, hai tai Bác vểnh, một uy nghi, một hoành tráng. Người lạ dí ngón trỏ vào mũi Bí Vàng, dõng dạc, “Tàn tích Mỹ Nguỵ. Sanh ra bởi kẻ thù. Mi phải kính yêu Bác Hồ như…” Ông ngáp, rồi tiếp, “Bác Hồ, tay lãnh đạo ưu việt, dẫu ngủ giấc ngàn thu, hắn vẫn sáng suốt, tài tình lèo lái nhân dân đạt được mục tiêu, bằng hồn.” Nói xong, người lạ rút trong túi ra cái hộp đựng mấy điếu thuốc. Bí Vàng nhón chân liếc, điếu Vàm Cỏ, điếu Sông Cầu, điếu Thủ Đô, điếu Phù Đổng. Còn Salem, Mallboro, Camel, Pallmall… đã bỏ của chạy lấy người. Chỉ trong vòng ba cái đằng hắng, hai cái giụi mắt, một cái hắt xì, Bí Vàng biến thành con của Kẻ Thù + Kẻ Thù. Người lạ vừa ra khỏi cổng, bà ngoại tới xoay mặt ông Hồ vào vách. Mảnh giấy dán sau ảnh ông Hồ ghi hàng chữ Kỷ Niệm Ngày Giải Phóng 30/4/75. Bà quay người nhìn thẳng vào mắt Bí Vàng, “Đó là một ngày không thể quên, cháu ạ.” Rồi ngoại lững thững bước ra vườn với cái lưng khòm hơn một nửa so với ngày hôm qua. Mớ rau trong thúng rũ héo. Rau chia sẻ ngày vui đại thắng của Bác bằng cách tự tử tập thể. Suốt ngày mắt Bác cứ dán chặt vào ngươi Bí Vàng. Bí Vàng tập thói quen mỗi đêm, tự đấm thùm thụp vào ngực, “Mi là kẻ thù. Mi là con của kẻ thù. Mi là kẻ phạm tội. Mi là sản phẩm của quân xâm lược. Mi là thứ tàn dư đế quốc Mỹ. Mi là kẻ thù của nhân dân.” Hàng cau rất cao, phải nằm mới thấy được. Khoai sắn vùi trong đất, phải ngồi mới nhổ được. Còn lá trầu luôn quẹt vào háng Bí Vàng, chỉ đứng mới hái được.
    ….
    Bộ đội Bắc xuôi Nam hiện thực —– Cậu khờ khạo đến độ chân thật. “Bác Hồ khả kính, vị cứu tinh dân tộc, luôn phù hộ ông cha ta.” Cậu lẩm bẩm. Vào được trong Nam, cậu bị lạc đạn. Chẳng biết viên đạn được chế tạo từ Liên Hiệp Quốc hay Liên Xô mà găm ngay bắp đùi cậu, suýt nát dái. Cậu ráng lết đến vườn nhà Bí Vàng, rồi vật người ra như thể nằm vạ. Bí Vàng là người khám phá ra cậu đầu tiên, liền vội chạy gọi ngoại. Bà cháu gồng sức lôi cậu vào trong nhà. Máu cậu bết đặc sân. 3 ngày sau, bà cháu lại lôi cậu ra ngoài ngõ để ông bà Dậu, hành nghề nhổ răng, đồng thời là công an khu vực, chặt phứt cái đùi của cậu. Cả xóm kéo đến tham dự đông hơn giết chó. “Sao không để cho nó chết quách.” Ai đó nói. “Tiên sư mày thằng bộ đội. Cái nồi ngồi trên cái cốc.” Giọng khác chì chiết. “Bác cùng chúng cháu hành quân… ca đi, hát đi, hò reo đi…” Người nữa cố nói bằng nửa con mắt. Cuối cùng, mọi người tan hàng. Nước dãi nước trầu nước mắt nước đái nước mũi cùng máu mủ đờm mồ hôi tuôn rơi thấm đất, lan qua sân, rồi tràn vào tận sàn nhà Bí Vàng. Cậu giờ chỉ còn một chân, và trở thành người thứ ba trong nhà.

    Đất nước thống nhất rồi bà con ơi! Bác Hồ, vị cứu tinh dân tộc, đấng cứu thế, người yêu nước thương nòi. Chúng ta phải suy tôn Bác Hồ. Đảng Cộng Sản chuyên chính. Nhà nước vinh quang, Nambắctrung viết thành một chữ. Mỗi sáng, Bí Vàng đứng ngắm mặt Bác như ngây như dại. Bác mạnh mẽ, quyết liệt, uy nghi, đầy ắp nhiệt tình. Nhiệt tình đến độ, giả như nửa đêm tướng Giáp đến rủ Bác đi đánh ghen dùm, Bác sẽ hăng hái phóc người dậy, quên cả xỏ dép râu, đội nón cối. Đi. Hai tai Bác vểnh cao, má hóp, mắt sáng, miệng lúc nào cũng sắp cười hay vừa cười xong. Nụ cười cực kỳ sung mãn. Vầng hào quang toả sáng từ làn da khô rang, cái bụng lép xẹp trông mới đáng yêu làm sao! Bí Vàng ưa lấy ngón trỏ thấm nước bọt rồi thoa đều quanh lỗ rốn Bác, chạm được sống lưng Bác, cùng những mảnh xương vụn trật khớp của Bác.

    Bác ngồi câu cá, trẻ con trong xóm tranh nhau lặn sâu dưới ao móc cá lòng tong vào lưỡi câu của Bác. Bao quanh Bác bao giờ cũng là đàn cháu ngoan cổ quàng khăn đỏ. Cả nước gọi Hồ Chí Minh bằng Bác, xưng gì Bác cũng vuốt râu cười xoà. Lần thứ ba trong đời, ngoài bà ngoại, cậu, giờ đây Bí Vàng có thêm ông Hồ gọi Bác xưng cháu một cách vô tư. Sáng nào ngủ dậy Bí Vàng cũng hồ hởi phấn khởi không cần lý do chính đáng. Bác luôn hiện diện với vẻ hoành tráng không ai được phép so bì. Bác sống cả trong quần chúng. Bác dạy rằng “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phong kiến Bảo Đại đã gục ngã. Đế quốc Mỹ đã bị đánh bại. Chuyên chính vô sản Cộng Sản Muôn Năm. Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết! Hình Bác Hồ lộng kiếng treo ngoài chợ, mỗi khi thằng Phước (giả) khùng đi ngang, ngó, cười khì, rồi hô to, “Bảng đỏ sao zàng. Bỏ đảng zào sang!”

    (trích tiều thuyết ‘Bóng gãy của thần tích’)

    xem tiếp:
    http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7328

  3. trau manh dung viết:

    Bác Hồ của bác Trường Lam (tiếp)

    Đến đây, để tiếp tục, em xin được phép trích những thông tin và nhận định từ bài viết của bác:

    3/ Quỵ lụy, rập khuôn: “Năm 1952, Mao và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất…”. Là nguyên thủ quốc gia có chủ quyền mà hèn kém quỵ lụy để cho một tên goi là bạo chúa Mao trạch Đông, một tên là đồ tể khát máu vô tiền khoáng hậu Statin gọi đến thì đến, sai khiến đem cái chính sách tàn độc ngu muội hủy diệt nhân phẩm, sức sống, chà đạp nền đạo lý muôn đời của dân tộc Việt thi “Bác Hồ của bác” sao gọi là dũng, sao là trí, và sao gọi là nhân?

    4/ Phát hiện sai lầm sớm! “Rất may là Đảng đã phát hiện sớm những sai lầm này và cho cuộc cải cách ruộng đất sớm dừng lại”. “không may là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm 49 năm sau mới gọi là được phục hồi”. Ba năm CCRĐ và 49 năm truy bức tất cả phành phần bất đồng chính kiến cả hai vụ việc đã dìm chết tinh hoa của đất nước 4 ngàn năm hun đúc, đã lôi dân tộc Việt trở về với thời đại hoang dã, có đời sống gần với con vật nhất. Nhưng tại sao phải để lâu chừng ấy lmới sửa sai, mới phát hiện? Đó chính là do chính sách độc quyền độc đoán, một mình một chợ, đi “lề phải” chẳng chịu để ai mách bảo cho nên mới ngu lâu như vậy! Ai giành phần trách nhiệm đây, nếu không phải là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng độc quyền lãnh đạo của ông ta?

    5/ Hợp tác xã: “Dân vào hợp tác xã gần như vào trại lính, đi làm theo hiệu kẻng, không biết sáng tạo là gì. Các vị chủ nhiệm thuộc bần cố nông, chả biết gì là khoa học kỹ thuật, lo cho họ chưa xong thì lo được cho ai? Kết quả nền nông nghiệp nước nhà tụt hậu hàng chục năm vậy mà đi đâu cũng hô hào làm ăn lớn, làm chủ tập thể…” Sự ngu muội trong chính sách, trong quản lí kinh tế, đi ngược lại qui luật phát triển của nhân loại đã đưa đất nước tụt hậu hàng mấy chục năm so với những nước kề cận lân bang, tội tày đình này ông Hồ và Đảng CSVN đã một lần nào nhận trách nhiệm trước nhân dân?

    6/ Tổng nổi dậy năm Mậu Thân (1968): “Ông Lê Duẩn đã đề nghị Bác cho đánh trận này, nếu không thắng ông ta sẽ từ chức, nếu thắng Bác phải cách chức tướng Giáp.. Tấn công đợt 1 không bắt được Martin và Thiệu! Đợt 2 cũng không kết quả, đợt 3 đã bị kẻ địch phản công cho tơi tả. Bộ đội tinh nhuệ của ta hy sinh biết bao nhiêu? Những hố chôn tập thể đã khui lên ở Quảng Ngãi, ở Bình Định cùng nhiều nơi nữa nói lên điều đó. Và còn bao nhiêu xác chiến sĩ ta bị kẻ địch vùi lấp chưa tìm thấy?” Là nguyên thủ quốc gia, nắm vận mệnh con dân mà để thuộc hạ lạm quyền, đem hàng trăm ngàn sinh mệnh thanh niên coi như cỏ rác đi nướng vào canh bạc đỏ đen quyền lực, thì “Bác Hồ của bác” sao gọi là nhân, là uy, là trí?

    7/ Tranh giành, thao túng quyền lực: Đọc hết bài của bác biết được những thông tin động trời chia rẽ tranh giành, thao túng quyền lực trong chốn thâm cung của chế độ CS Bắc Việt, và gần như “Bác Hồ của bác” kèn cựa ghim thù với hầu hết các TBT ĐCSVN, không hiểu bác Trường Lam bắn tin này ra có phải vì mục đích chạy chữa những sai lầm của “Bác Hồ của bác” mà đỗ lỗi cho ĐCSVN hay không? Còn nếu không thì lạ quá, cả 3 triệu đảng viên và cả nhân dân Việt Nam đều được nhồi nhét là Bác Hồ lãnh đạo Đảng, Đảng lãnh đạo nhân dân, Bác và Đảng là một, vậy té ra chỉ là nói ngoa, tuyên truyền lừa dối?

    8/ Đặc danh cho Bác Hồ: Cũng dựa vào thông tin từ bài viết của bác, và với sự uyên thâm của bác, em xin bác tặng cho Bác Hồ của chúng ta một đặc danh cho xứng tầm, cao hơn hoặc bằng bác “Mao bạo chúa”. Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, là 3 anh em vô sản, cùng một chí hướng đưa thế giới này tiến lên xã hội chủ nghĩa, tiến lên thế giới đại đồng, bác Mao là bạo chúa, bác Stalin là tên đồ tể khát máu khét tiếng có một không hai, tất cả mọi chính sách đường lối của 2 bác Mao và Stalin làm nghèo đất nước và bần cùng hóa nhân dân đều được bác Hồ triệt để rập khuôn áp dụng tại Việt Nam không dám sai trật, kết quả nhân dân cả 3 nước có đời sống ở tận đáy của xã hội, người không ra người, ngợm không ra ngợm, vậy danh xưng nào tương xứng với bạo chúa và đồ tể khát máu? Em xin bác.

    Chào đoàn kết,
    Trâu Mạnh Dũng
    Hà Nội, tháng 3, 2010

  4. trau manh dung viết:

    Bác Hồ của bác Trường Lam

    Đã đến lúc sự thật phải trả về cho sự thật, lịch sử phải trả về cho lịch sử với giá trị nguyên bản đích thực của nó,...”

    Đúng vậy, thưa bác Trường Lam, nhưng ngay cái tựa đề bài viết, “Bác Hồ của chúng ta” thì bác vội quá, chưa phân biệt đâu là đúng đâu là sai bác đã vội vơ đũa, em xin bác, lần sau bác cứ viết thoải mái, chửi cũng được, ca ngợi cũng được, nhưng xin bác đừng dùng cụm từ “chúng ta” kéo tất cả chúng em vào, nó không sòng phẳng với người đọc, thí dụ như em, em khoái cái quyết liệt của bác, kiên quyết vá lấp, che chắn, hô hào, tranh đấu, biện giải để ca tụng cho bằng được Bác Hồ của bác. Bác Hồ của bác là thiên tài, là vĩ nhân, là anh hùng dân tộc, là người không chịu trách nhiệm trong chương trình cải cách ruộng đất, không chủ trương truy bức nhóm Nhân văn Giai phẩm, là người hy sinh, sống độc thân cả cuộc đời mình cho dân tộc cho đất nước… vân vân và vân vân… Riêng em, em cũng công nhận Bác Hồ của bác rất giỏi, tài năng nhiều thứ nhưng thưa bác Trường Lam, bây giờ khoa học tiến bộ và với những thế hệ máy tính siêu tốc, thông tin được chia sẻ và dễ dàng được xác định, người ta có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng “Bác Hồ của bác” có thể chỉ là của riêng bác, nhất định không là “Bác Hồ của chúng ta”.

    Đây, em chẳng nói ngoa với bác, bên vợ em hơn 200 người, dòng họ lớn lắm ở Thanh Hóa, năm 1955 tiến hành cải cách ruộng đất, cả họ hàng nằm trong diện bị qui chụp là “trí phú địa hào”, và tất nhiên là được “đào tận gốc, trốc tận rễ”, 25% trong số đó bi chôn sống, xử tử, hoặc bí mật thủ tiêu, 75% còn lại sống dở chết dở, điên loạn căm hận thù ghét nhau, cái hậu quả của nó sâu nặng cho đến tận bây giờ, gần 60 năm trôi qua, vẫn không nuốt trôi được, bác Trương ạ, cứ như hạt sạn trong cơm, cố mà nuốt, chứ chả dám nhai, cô vợ em hậu duệ còn sót lại của trong 200 người đó, hiền hậu đảm đang, sinh sau đẻ muộn, nhưng em cũng lo lắm không biết lên cơn điên lúc nào.

    Còn bên em, ở trong Nam, sau ba mươi tháng tư bảy lăm, nào cha, nào anh, bên nội bên ngoại được cách mạng ưu ái gởi đi học tập, Gia Trung Gia Lai, K 34, An Lão, Kim Sơn, Quảng Ninh, Thanh Cẩm… cải tạo công thương nghiệp, tịch thu gia sản, đẩy đi kinh tế mới, một số chết ở rừng thiêng nước độc, số mất tăm nơi biển khơi, con cái lớn lên không được đi học, đi làm vì lí lịch ngụy quân, ngụy quyền, tư sản…

    Bác Trường Lam, tất cả những khổ nhục đó, chẳng phải chỉ dành cho mỗi đại gia đình em mà oan khiên đó đã và đang giáng không ít thì nhiều trên đầu cả dân tộc này. Em thề với bác, với Đảng CSVN là em không ghim thù, em cố quên hết những gì đã qua, gia đình em tập trung căm thù giặc dốt, giặc nghèo, giặc bất công, giặc tham nhũng, giặc độc đoán độc quyền hiện tại mà thôi!

    Đất nước tụt hậu, đạo đức băng hoại, bị nước nhỏ khinh nhờn, bị người anh em phương Bắc ức hiếp, bắt ngư dân ta tù đày phạt vạ, lấn đất chiếm biển mà Đảng và chính phủ miệng hến cúi mặt thì còn nỗi nhục nào hơn? Vì ai nên nỗi? Đảng CSVN hay Bác Hồ của bác, hay cả hai chịu trách nhiệm trước anh linh tổ tiên, trước hồn thiêng sông núi, trước thế hệ hôm nay và mai sau?

    Bác, em và tất cả con dân nước Việt có trách nhiệm trả lại con người thật của Bác Hồ, đừng tiếp tục giát vàng, đông lạnh, cũng như thôi đừng bôi tro trát trấu nữa.
    Bây giờ em với bác cùng xem khi nào Bác Hồ là Bác của bác, khi nào là Bác của em và khi nào là Bác của chúng ta nhé?

    1/ Bác Trường Lam bảo Bác Hồ không là người chỉ đạo “cải cách ruộng đất”, không nhúng tay vào việc làm vô cùng tàn ác này, thưa bác, ai cũng biết CCRĐ đã gây nên thảm họa và hậu quả của nó khủng khiếp như thế nào, ông nhà văn Trần Mạnh Hảo, người chứng kiến CCRĐ ở miến Bắc nước ta và thảm họa diệt chủng ở Campuchia thời Pon-Pốt Ieng-Sary cho rằng cái độ tàn ác phi nhân của cả hai là một chín một mười. Bác Trường cũng thừa biết CCRĐ từ đâu ra, là điều kiện ắt có và đủ phải có để tiến nhanh lên XHCN theo lời dạy của ông tổ CS Các-Mác, ở VN Bác Hồ và Đảng Lao Động nóng lòng tiến lên XHCN đã vận dụng đỉnh cao trí tuệ kết hợp đủ độ khát máu của Stalin và Mao bạo chúa. Sách thì của Liên Sô, còn cố vấn thì mời chuyên gia thổ địa cải cách Trung Quốc để tiến hành 5 đợt CCRĐ trên toàn miền Bắc từ tháng 12/1953 đến tháng 7/1956, không ai khác chính Bác Hồ của bác là người chủ động rước của nợ đó về, để minh chứng xin gởi bác bút tích chữ Nga của “Bác Hồ của bác” gởi Đ/c Stalin báo cáo tiến trình CCRĐ ở miền Bắc nước ta, mời bác link vào đây: http://www.rusarchi ves.ru/evants/exh…tnam1/ 22.shtml (Nguồn: Cục lưu trữ quốc gia Nga).

    (còn tiếp)

  5. Hoà Nguyễn viết:

    Ông/ bà Đỗ Anh Thơ nói:
    “Còn chuyện về ông Hồ Sĩ Tạo, bà Hà Thị Hy ( Đèn) thì người đầu tiên đưa ra là ông Sơn Tùng, người biết cách hư cấu của một nhà văn. Những chi tiết này Sơn Tùng đưa ra đầu những năm 1970. Hồi đó trong khi cả miền Bắc tiếc thương Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn… “.

    Cả hai ông Trường Lam và Đỗ Anh Thơ đều nói quá vắn tắt về điểm này, và tuy ông Sơn Tùng được cho là nhà văn biết cách hư cấu khi viết truyện, nhưng tôi tin ông ấy không dám “dựng” lên chuyện này ở miền Bắc vào năm 1970. Trong bài chủ ông Trường Lam lại nóí:” “Cụ Hoàng Tùng, cụ Sơn Tùng, cụ Vũ Kỳ… thì nói dối để làm gì?”. Vẫn là chuyện tồn nghi, tôi xin chép tài liệu sau của ông Trần Quốc Vượng.

    Ở ngoài này người ta biết chuyện ông Hồ Chí Minh có thể thuộc dòng dõi họ Hồ, và chính xác hơn gọi ông Hồ Sĩ Tạo bằng ông nội (ruột) qua bài viết “Lời Truyền Miệng Về Dân Gian” của ông Trần Quốc Vượng, trong cuốn “Trong Cõi” (ghi in lần thứ nhất năm 1993, tại nhà xuất bản Trăm Hoa, ở thành phố Garden Grove, tiểu bang California, Mỹ). Phần về gia thế ông Hồ, theo truyền khẫu, được in từ trang 252 đến trang 259 trong sách dẫn trên. Theo ông Trần Quốc Vượng kể ông cử nhân Hồ Sĩ Tạo ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỷnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có thời gian dạy học tại nhà họ Hà ở làng Sài, huyện Nam Đàn. Cô con gái trong nhà là Hà Thị Hy (còn gọi là cô Đèn) có nhan sắc và giỏi ca múa, có thai với ông Hồ Sĩ Tạo. Nhưng vì ông Tạo đã có vợ, nên cô Hà Thị Hy được gia đình gả cho ông Nguyễn Sinh Nhậm ở làng Sen (Kim Liên), là nông dân, tuổi đã cao, góa vợ. Ông Vượng viết ” Cô Hy ôm bụng về nhà chồng, có cưới có cheo cẩn thận” (viết thế là hơi khinh bạc), chỉ ít tháng sau bà Hy sinh con trai được ông Nhậm đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc .Theo ông Trần Quốc Vượng, người dân làng Kim Liên đồn rằng ” Nguyễn Sinh Huy không phải thuộc dòng họ Nguyễn Sinh làng này, mà là con của một người khác: ông đồ Nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo”.(sách trang 253). Vài năm sau, ông Nhậm qua đời, bà Hy cũng mất (vậy mà lời dồn đãi về họ sống quá lâu sau đó). Ông Nguyễn Sinh Sắc lúc đó còn bé sống với người anh cùng cha khác mẹ không được tốt, may có ông Tú Hoàng Xuân Đường, người làng Chùa (Hoàng Trù) sót thương , đem về làm con nuôi cho ăn học. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, ông đồ họ Hoàng lại gả cho con gái đầu lòng tên Hoàng Thị Loan mới 13 tuổi. Ba người con đầu của họ đều sinh ở làng Chùa. Ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân năm 1894, được nhận vào trường Quốc Tử Giám ở Huế (ông Vượng cho nhờ ông Hồ Sĩ Tạo gửi gấm). Ông Nguyễn Sinh Sắc đổi tên là Nguyễn Sinh Huy từ đó. Năm 1901, bà Hoàng Thị Loan chết, ông Nguyễn Sinh Huy đưa hai đứa con về làng Chùa gửi mẹ vợ nuôi. Cùng năm ông Huy thi Hội đậu Phó Bàng (tương đương Phó Tiến sĩ, và sau này trong một lá đơn bằng tiếng Pháp gửi bộ Thuộc địa Pháp, ông Nguyễn Tất Thánh nói cha mình đỗ bằng “sous doctor”, ghi chú này của ông Vượng), Theo thề thức triều đình, ông Huy khi “bái tổ vinh quy” phải về quê nội, và đó là lần đầu tiên Nguyễn Sinh Côn , sau là Hồ Chí Minh, theo cha về làng Sen. Họ ở tại làng Sen 3 năm, đến nâm 1904 ông Huy vào Huế làm việc ở bộ Lễ, rồi năm 1907 ông bị đổi đi làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.

  6. Bắc Phong viết:

    thân thế Bác có nhiều dấu hỏi
    vì những tình tiết quá ly kỳ
    bởi vậy qua các nhà ngoại cảm
    hồn Bác mà cũng bị hoài nghi

  7. Đỗ Anh Thơ viết:

    Những chuyện thêu dệt

    Đọc bài viết của Trường Lam năm trước và đến bài này tôi không khỏi có nhiều điều nghi vấn. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu mãi mãi được dân tộc Việt Nam và thế giới tôn là có trí tuệ siêu phàm trong lịch sử thì đâu cần phải do dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi rồi liên quan đến sấm ký bịa đặt thô thiển “bò đái…”, cũng như từng có lời huyên truyền hồi đầu 45 là “ông có hai con ngươi…”, là thánh nhân trời chỉ định xuống giúp đất nước kiểu như “Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần“!

    Liên quan đến họ Hồ Quỳnh Lưu ta chỉ có một tài liệu đáng tin cậy là trong thư điếu văn khi cụ Hồ Tùng Mậu bị máy bay Pháp bắn chết ở thị trấn Còng, Hồ Chủ tịch có câu đại ý là “… tôi với chú vừa là đồng chí vừa là anh em…” Còn chuyện về ông Hồ Sĩ Tạo, bà Hà Thị Hy ( Đèn) thì người đầu tiên đưa ra là ông Sơn Tùng, người biết cách hư cấu của một nhà văn. Những chi tiết này Sơn Tùng đưa ra đầu những năm 1970. Hồi đó trong khi cả miền Bắc tiếc thương Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, lớp người như chúng tôi khao khát muốn có thêm thông tin về đời tư ông Hồ. Có lần Sơn Tùng còn nói với tôi là ông ta còn giữ được ba lá số tử vi của anh em ông Hồ do một bà là công tôn nữ nào đó giao lại. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh xin, nhưng ông không đưa. Ông Hà Huy Giáp lúc đó là Viện trưởng, đã cử cán bộ đến nói cho chúng tôi biết là những điều đó chưa có chứng cứ xác thực.

    Tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh bi che giấu và thêu dệt quá nhiều, do cả hai phía, nhằm thần thánh hóa hoặc để bôi nhọ thanh danh. Có lẽ ta không bao giờ có thể đọc được những dòng tán dương lẫn chỉ trích khách quan như kiểuTư Mã Thiên đối với Lưu Bang, vì các nhà viết sử thời đại này chỉ có đại loại như Trần Quốc Vượng dựa theo Sơn Tùng để khẳng định dòng họ Hồ mà thôi.

    Nói chung tôi hoan nghênh bài viết của Trường Lam nhưng bộ lọc của đầu mình tiếp nhận được đến đâu còn cần có luận cứ khoa học cần phản tư, cũng giống như ta đọc những tài liệu khác từ phía bên kia.

    Đỗ Anh Thơ

  8. nguyen mai linh viết:

    Nhiều chuyện về ông Hồ dưới dạng truyền miệng, thoạt nghe thì khối người nể phục. Một chuyện tuyên truyền về chính kiến độc lập của ông Hồ đối với Tàu như sau: Mao Trạch Đông thừa lúc nước ta nhộn nhạo, mặt Nam thì đánh Mỹ Ngụy, mặt Bắc thì lệ thuộc vào Tàu, đã cho dựng tượng mình ngay tại cửa hữu nghị, sừng sững hiên ngang tay chỉ về hướng Nam. Ông Hồ nhìn và hiểu ngay ý đồ đen tối của người anh em phương Bắc, liền cho dựng một bức tường với hàng chữ: Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do. Ôi sao mà bác thông thế, không làm mất lòng Mao, lại có ý răn dạy ngược lại. Tôi không biết ở cửa hữu nghị còn dấu vết bức tượng và bức tường ngăn chặn đó không? Hay chỉ là chuyện bịa để thần tượng hoá lãnh tụ, nhưng qua những việc xảy ra có chứng cớ như vụ công hàm Hoàng sa, Phạm văn Đồng ký, thì chính phủ VNDCCH, ông Hồ làm chủ tịch, đã đi ngược lại với việc gìn giữ chủ quyền độc lập của dân tộc, mà chỉ muốn vác súng, vũ khí đạn dược của Tàu đi đánh đi, giết, đi chiếm miền Nam ruột thịt, mà quên đi chính Tàu mới là kẻ thù cần phải ngăn chặn, chính Tàu mới là kẻ thù nguy hiểm cạnh sườn mình.

    Ngày xưa môi hở răng lạnh
    Ngày nay răng cắn dập môi

  9. dnanhthodo62@gmail.com viết:

    Những chuyện thêu dệt

    Đoc bài viết của Trường Lam năm trước và đến bài này tôi không khỏi có nhiều điều nghi vấn! Bởi vì Chủ tịch Hồ chí Minh nếu mãi mãi được dân tộc VN và thế giới tôn là có trí tuệ siêu phàm trong lịch sử thì đâu cần phải do dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi rồi liên quan đến sấm ký bịa đặt thô thiển “ bò đái..” cũng như từng có lời huyên truyền hồi đầu 45 là “ông có hai con ngươi…” là thánh nhân trời chỉ định xuống giúp đất nước kiểu như “ Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần “!

    Liên quan đến họ Hồ Quỳnh Lưu ta chỉ có một tài liệu đáng tin cậy là trong thư điếu văn khi cụ Hồ Tùng Mậu bị máy bay Pháp bắn chết ở thị trấn Còng , Hồ chủ tịch có câu đại ý là “… tôi với chú vừa là đồng chí vừa là anh em…” . Còn chuyện về ông Hồ Sĩ Tạo, bà Hà thị Hy ( Đèn) thì người đầu tiên đưa ra là Sơn Tùng , một thương binh bị chấn thương sọ não đi đâu có một sĩ quan dìu và để ngăn ông ta đỡ ba hoa. Sơn Tùng có nhiều hoang tưởng và biết cách hư cấu của một nhà văn. Những chi tiết này Sơn Tùng đưa ra đầu những năm 1970. Hồi đó trong khi cả miền Bắc tiếc thương chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, lớp người như chúng tôi khao khát muốn có thêm thong tin về đời tư ông Hồ. Có lần Sơn Tùng còn nói với tôi là ông ta còn giữ được ba lá số tử vi của anh em ông Hồ do một bà là công tôn nữ nào đó giao lại. Viện Bào tàng HCM xin, nhưng ông không đưa. Ông Hà Huy Giáp lúc đó là Viện trưởng, đã cử cán bộ đến nói cho chúng tôi biết là những điều đó chưa có chứng cứ xác thực.

    Tư liệu về chủ tịch Hồ Chí Minh bi che dấu và thêu dệt quá nhiều, do cả hai phía ,nhằm thần thánh hóa hoặc để bôi nhọ thanh danh. Có lẽ ta không bao giờ có thể đọc được những dòng tán dương lẫn chỉ trích khách quan như kiểuTư Mã Thiên đối với Lưu Bang, vì các nhà viết sử thời đại này chỉ có đaị loại như Trần Quốc Vượng với cái mác giáo sư, dựa theo Sơn Tùng để khẳng định dòng họ Hồ mà thôi. Nay ông ta đã đi xa, kể ra ta cũng không nên nhắc lại chuyện đền Cẩu Nhi hay chuyện huyền bí của tử vi để tán vợ…mà khẳng định mọi lời nói của ông đều đúng.

    Nói chung tôi hoan nghênh bài viết của Trường Lam nhưng bộ lọc của đầu mình tiếp nhận được đến đâu còn cần có luận cứ khoa học cần phản tư, cũng giống như ta đọc những tài liệu khác từ phía bên kia./.

    Đỗ Anh Thơ

  10. 1mitee viết:

    Trong bài của Sông Lô nói về Vũ Hoàng Chương thẩm định hai câu thơ bất hủ của Tố Hữu
    http://vietnamlibrary.informe.com/v-ho-ng-ch-ng-s-ng-l–dt3661.html
    có đoạn: “… nó chẳng khác nào như một người VN nói mình là người yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào, với gần mấy mươi năm lưu lạc xứ người, bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước… nỗi nhớ nước thương nhà luôn canh cánh bên lòng, thế mà khi về lại, vừa nhìn thấy ngọn núi quê hương, vừa nhìn thấy dòng sông đất nước đã vội vàng đặt cho những cái tên của “ông tây bà đầm” tận đẩu tận đâu ấy. Với cách hành xử của một con người như vậy lẽ nào bảo đó là người VN truyền thống, là người VN đúng nghĩa? Theo tôi nếu là một người VN chân chính, đúng nghĩa khi rơi vào trường hợp này sẽ không hành xử như vậy, còn nếu làm như vậy mà bảo đó là hành động của người yêu nước chân chính thì quả là mỉa mai…!!!”

    Tôi nghĩ là Vũ Hoàng Chương đã ám chỉ Hồ Chí Minh trong đoạn này. Hơn nữa, ông Trương Lam nghĩ gì khi trong di chúc, Hồ Chí Minh nói là đi gặp Các Mác, Lê Nin mà không nói đi gặp tổ tiên, cha ông? Chỉ có người cộng sản cuồng tín (hay chân chính) mới có lối suy nghĩ “lập trường” như thế thôi.

    Đúng là trước khi chết, Hồ Chí Minh vẫn trung thành với chủ nghĩa cộng sản nên mới biểu lộ ý muốn khi chết sẽ “quay đầu về núi Các Mác, suối Lê Nin.”

  11. Lê Văn viết:

    Chỉ tiếc là ông Hồ không sống đến thêm 20 năm nữa để tác giả có thể viết là “Bác” cũng đoán trước được ngày tàn của để quốc cộng sản Liên Xô luôn cho tiện! (Tôi không dám đòi hỏi quá đáng, để bắt bác Hồ tiên đoán ngày tàn của chế độ CSVN!).

  12. TOTE viết:

    Tôn Văn nói: “Đây là đề tài quan trọng và lý thú; Vậy xin có thêm một “còm“ (Comment)”
    TOTE nói: “Đây là đề tài quan trọng và lý thú; Vậy xin có thêm hai links.”
    Xin mời xem cho vui:
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110347&z=75
    http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=157124

  13. Tôn Văn viết:

    THIÊN TÀI

    Đây là đề tài quan trọng và lý thú; Vậy xin có thêm một „còm“ (Comment) nữa.

    1
    Tôi đồng ý với ý kiến ông Huy Nam (25/03/2010, 3:46). Từ „cái thuở ban đầu“ (Diễn đàn 2001-2008), Ban Biên tập đã công phu đăng lại những trao đổi của cụ Phan Khôi và một nhà sư như những khuôn mẫu tranh luận; Rồi „thẻ vàng“ (1 lần, không có „thẻ đỏ“) – Cung cánh sinh hoạt tri thức, do đó, như đã định hình. Nay, qua tuổi „dậy thì“ (Cũng hiểu là „cái THỜI còn phải DẬY“), các phản hồi viên đã tự uốn nắn nhau giữ cho … sạch đẹp, đỡ chút công sức cho người chủ trì. Tôi hiểu tinh thần ông Huy Nam như vậy.

    2
    Trong phản hồi trước, tôi nghĩ „tư liệu và sự kiện là quan trọng và hứng khởi là cần thiết“ là muốn thông cảm với tình cảm của tác giả. Không cho là tiểu tiết, nhưng tôn trọng thì hơn.

    3
    Từ sơ khai đến văn minh, con người không thể bỏ qua thời kỳ „thần thoại, thần linh, thần thánh“. „Thiên tài“ là cái những người bình thường như ta chưa nghĩ đến mà họ nghĩ ra. Khi bạn tập trung thần lực vào một đối tượng, đến một lúc nào đó, những dữ liệu đầy đủ cho phép dùng ngoại suy thì bạn sẽ có những ý tưởng vượt thời gian. Lấy 2 thí dụ: Khi làm Tổng thống USA, Bill Clinton nói: Nước Mỹ cần chuẩn bị tư thế sống trong hoàn cảnh Hoa Kỳ không còn giữ vai trò Số Một; Nước Mỹ ngày nay chính là như thế. Ông Đặng Quốc Bảo nói: Đảng (Cộng sản Việt Nam) cần nghiên cứu và chuẩn bị cho một tình thế „tế nhị“ (Đa nguyên Dân chủ)…

  14. Nguyễn Việt Thanh viết:

    Theo những gì cụ Trường Lam viết, hóa ra các “thánh tông đồ” của bậc “giáo chủ” cũng “đồng sàn dị mộng”, ôm mộng soán đoạt, tranh bá đồ vương từ khi bá nghiệp chưa thành!

    “Với Bác Hồ của chúng ta chỉ có một chữ “thiên tài” mới nói lên được tất cả. Bác của chúng ta thông hiểu học thuyết Mác-Lênin (nhưng học thuyết Mác là từ thực tiễn Châu Âu. Châu Âu chưa phải là cả thế giới, Châu Á và nước ta có đặc điểm riêng). Bên cạnh đó Bác còn là người của Phật học, của Nho học, của Lão học, của học thuyết Tôn Trung Sơn… Kết hợp chặt chẽ với truyền thống dân tộc và văn hoá Việt Nam. Thông hiểu ngần ấy thứ mới tạo nên một tầm vóc Bác Hồ và điều đó đâu phải là đơn giản.” (Trường Lam)

    Cụ Trường Lam sùng kính Bác Hồ là quyền của cụ. Tôi và nhiều người, tôn trọng “tín ngưỡng” của cụ cũng như của bất kỳ ai, miễn là tín ngưỡng ấy vô hại, không ảnh hưởng, xâm phạm đến đồng loại, và không bắt buộc người khác cũng phải chiêm bái “linh ảnh” của mình.

    Với cùng lý do như thế, không thể đi hạch tội những ý kiến trái chiều, mà đúng ra- những phê phán hợp lý cần phải được tôn trọng, như anh Phạm Hồng Sơn nói “Các ý kiến, quan điểm, khen hay chê, ca ngợi hay phê phán về mọi vấn đề kể cả về Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đều không vi phạm pháp luật. Trái lại, mọi sự ngăn cấm, cưỡng bức hay dọa nạt người khác có ý kiến về các vấn đề đó đều là sự vi phạm pháp luật.”

  15. Hoà Nguyễn viết:

    Xin giới thiệu bài viết sau đây của ông Nguyễn Hưng Quốc tại blog riêng trên VOA :

    Bệnh sùng bái lãnh tụ

    http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/Benh-sung-bai-lanh-tu-03-22-10-88828802.html

    Trích :
    Ngày trước, lúc Hồ Chí Minh còn sống, việc thần thánh hoá ông được sử dụng như một nhu cầu để đoàn kết đảng, nhà nước và xã hội, để nâng cao lòng tự hào dân tộc, để khích động tinh thần của quần chúng, và cũng để nô lệ hoá quần chúng. Sau này, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ, lý tưởng cộng sản đã tan tành, bảng giá trị cách mạng bị lung lay, các huyền thoại về độc lập và tự do trở thành thoi thóp, đảng Cộng sản biến hình ảnh “Bác Hồ” thành tư tưởng Hồ Chí Minh, ở đó, vai trò của ý thức hệ nổi bật hơn vai trò của hình ảnh; tính duy lý được đề cao hơn quan hệ gia đình hay thân tộc. Nhưng tôi sợ là họ không thành công. Hồ Chí Minh chỉ là một người hành động. Ông không có khiếu về lý thuyết. Ông biết điều đó và thừa nhận điều đó ngay từ thời kháng chiến chống Pháp lúc tuyên bố mọi vấn đề quan trọng đã được Stalin và Mao Trạch Đông nói hết rồi, ông không còn gì để thêm cả. Từ những cuốn sách hay những bài phát biểu đơn sơ và đơn giản của ông, khó có ai có hy vọng xây dựng nên được một hệ thống tư tưởng mạch lạc, sâu sắc và có sức thuyết phục

1 2
  • talawas - Lời tạm biệt

    Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam... đọc tiếp >>>

  • Phản hồi mới nhất của độc giả

    talawas blog: Cảm ơn tất cả! Tạm biệt và mong ngày ...
    Trung Thứ: Trích: „Ngoài ra, việc duy trì nhóm khởi...
    Hà Sĩ Phu: LỜI TẠM BIỆT: Buông lơi “một...
    Phùng Tường Vân: Dục Biệt Nhung Dục (Trung Đường) có ...
    Hoài Phi: Chỉ còn vài phút thôi là talawas chính th...
    Hà Sĩ Phu: @ixij Bạn ixij đã gõ đúng chỗ tôi c...
    P: Kính gửi hai bác Lê Anh Dũng và Trung Thứ...
    Hoangnguyen: Không biết những dòng chữ này còn kịp ...
    Trần Quốc Việt: Dear Talawas, Thank you! You're gone now but I ...
    Nguyễn Ước: Xin lỗi. Tôi hơi bị nhớ lầm vài chữ t...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Thời giờ cũng đ...
    Trần Quốc Việt: Hành trang rời Talawas: Live Not By Lies ...
    Hoà Nguyễn: Qua bức thư hết sức nhã nhặn, lịch s...
    Trần Việt: Ôi, nếu được như bác Hữu Tình hình du...
    ixij: Không được tham gia trả lời 3 câu hỏi ...
    Lâm Hoàng Mạnh: Đốt Lò Hương Cũ. Mượn thơ của Th...
    P: Cũng xin góp thêm một bài mới biết :D ...
    Lê Tuấn Huy: Xin gửi anh VQU, TV và những người quan t...
    Khiêm: Cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo đã thực hi...
    Phùng Công Tử: Bị bắt cũng đáng! Vào blog của CoigaiDoL...
    Phùng Công Tử: Nô lệ của văn hóa Trung Quốc: Đi hỏ...
    classicalmood: Bài viết có một số điểm tích cực nh...
    Thanh Nguyễn: Đọc những con số thống kê trong bài vi...
    Phùng Tường Vân: Vĩ Thanh tiễn chị Hoài Thế sự mang ...
    Tiêu Kiến Xương: ĐBA mượn lời ông bác nông dân: "Nói gì...
    dodung: "Sóng lớp phế hưng coi đã rộn......
    Camillia Ngo: Chín năm, một quãng đường dài, Bóng ng...
    Camillia Ngo: Một dân tộc u mê, hèn kém tột độ mớ...
    Thai Huu Tinh: Thưa các bác Trần Việt, Quốc Uy, Tuấn H...
    Phùng Tường Vân: " Thứ nhất, nói mọi thứ đều thối ná...
    Nguyễn Ước: Tôi không vào được Phản hồi bên bài C...
    Tôn Văn: Tiếp theo „Lời tạm biệt“ Câu hỏi...
    Trần Việt: Công bằng mà nói một cách ngắn gọn, Gs...
    Phùng Công Tử: Và gần đây tôi cảm thấy hơi phiền hơ...
    Bùi Xuân Bách: Việc talawas ngừng hoạt động tuy có là ...
    Nguyễn Chính: Gửi chị Phạm Thị Hoài và Ban Biên tập...
    Lê Tuấn Huy: Việc cảnh giác, tôi đã nói đến. Tôi t...
    vuquocuy: - Tác giả Lê Tuấn Huy đã phát hiện rấ...
    Hạnh Đào: Hơn tuần nay, tôi ngần ngại không muốn ...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Lê Anh Dũng: Bravo ý tưởng tuyệt vời của Arthur, ...
    Thanh Nguyễn: Chào chị Hoài, Cảm ơn tâm huyết và nh...
    Thanh Nguyễn: Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn...
    Hà Minh: Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, (al...
    P: Xin có lời cảm ơn gửi đến những ngư...
    Nguyễn Đình Đăng: Tôi lợi dụng chính phản hồi của mình ...
    Arthur: Có nên đề nghi BBT Talawas chơi/hát lại b...
    Phùng Tường Vân: Tôi xin kể thêm truyện này, nghe cũng lâu...
    Hà Sĩ Phu: @ Nam Dao Đây là bài “bình thơ chơi” v...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Cám ơn bác về nhã...
    Trần Việt: Đồng ý với ông Lê Tuấn Huy. Tuy chỉ c...
    Trầm Kha: CÓ THẾ CHỨ! THẾ MỚI 'TIỀN VỆ' CHỨ!...
    Phùng Tường Vân: Hết xảy ! (http://www.talawas.org/?p=26665#co...
    Hoàng Ngọc-Tuấn: Xin thông báo cùng quý vị: Để tiếp n...
    Dương Danh Huy: Cảm ơn bác Phùng Tường Vân và Lâm Hòan...
    Phùng Tường Vân: Đôi lời thưa thêm với bác D.D.Huy, Xin...
    chuha: Mỗi người có một "gu" ăn phở. Riêng t...
    Trương Đức: "Chị Hoài ơi, chị Hoài ơi Niết Bàn nà...
    Phùng Tường Vân: Thưa Bác Dương Danh Huy Xin vội vã trìn...
    Dương Danh Huy: À, có điều tôi muốn nhắc các bác: K...
    hlevan: “Le coeur a ses raisons que la raison ignore” ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Lâm Hòang Mạnh &...
    Phùng Tường Vân: CẨN BẠCH Nhận biết được giới hạ...
    Le Van Hung: Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chún...
    Đinh Minh Đạo: Tin TALAWS sẽ ngừng hoạt động làm tôi n...
    Lê Quốc Trinh: Cám ơn tác giả Phạm Hồng Sơn, Nếu c...
    Le Van Hung: "Giáo dục, giáo dục và giáo dục (có l...
    classicalmood: Vậy thì quyết định đóng cửa Talawas, n...
    VanLang: "Merda d’artista" vẫn đang được trưng b...
    Khiêm: Bác Phùng, Một người quen cho biết xếp...
    Nguyễn Đăng Thường: Đập phá & xây dựng “Đạp đổ t...
    Tonnguyen147: Bác Phùng Tường Vân, Người ta không ...
    Hoà Nguyễn: Hôm nay có tin đại biểu Quốc hội Việt...
    Hoà Nguyễn: Báo Người Việt hôm nay đăng toàn văn l...
    Trung Nu Hoang: @ Tạm Biệt talawas. Với lòng quý mến ...
    Tonnguyen147: Bác Trung Thứ và các bác ơi, Chủ Nh...
    VanLang: Đầu thập niên 90 Việt Nam lạm phát phi ...
    Nam Dao: Trình với cả làng Thể ý Trưng Nữ Ho...
    Lâm Hoàng Mạnh: Nâng cốc, cụng ly ... hết váng đầu Nh...
    Hoà Nguyễn: Cứ tưởng nếu khách ngồi bàn chuyện ho...
    Nam Dao: Anh thân mến Quí trọng những việc an...
    Thanh Nguyễn: Talawas trước giờ lâm chung mà vẫn đau ...
    Phùng Tường Vân: Chiếc Cân Thủy Ngân ..."Cứ xét theo ...
    Trung Nu Hoang: Nếu nhà văn Phạm Thị Hoài và BBT Talawas...
    Bắc Phong: bác bị váng đầu thèm uống rượu cứ ...
    Lê Thị Thấm Vân: Ngân trong "là con người", một trích đo...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Tôi xin chia sẻ thê...
    Canuck: Bác Nguyễn Phong, Tui thấy đây là vấn...
    Nguyễn Đình Đăng: Bravo! Như một minh hoạ cho bài này mờ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Tôi đã set up hai...
    Phùng Tường Vân: @Nguyên Phong (http://www.talawas.org/?p=26665#c...
    Nguyễn Phong: Tôi thấy các bác hơi lạc quan và ảo tư...
    Thuận: Chỉ còn ít giờ nữa, Talawas sẽ đóng c...
    Trương Đức: "Nửa ấy… “nói chung là”: nửa dưới...
    Trầm Kha: talawas ơi! oan ức quá! Oan ức quá! Em ...
    Canuck: Tui cám ơn Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập Ta...
    Trầm Kha: bác vạch lẹ quá! em há hốc hà lá nho ...
    Trầm Kha: thường thì bác Thường siết... hết bế...
    pham duc le: Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Phong, nhưng...
    booksreader: Au plaisir de vous revoir, "một mô hình hoạt...
    Bach Phat Gia: Tôi là độc giả của talawas đã mấy nă...
    Lề Trái: Trong việc tẩm bổ chỉ xin Gia Cát Dự đ...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trầm Kha, bác Đào Nguyên, Xin ...
    Lê Thượng: Nói rằng "So với thảm họa môi trường ...
    Anh Dũng: @1mitee: 1. Muốn SỐNG tới mức "cụ" nh...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng "...phải nghe lời cái dạ dày,...
    Trầm Kha: “Khi cầm cuốn Kinh thánh, tôi đọc với...
    Đào Nguyên: @ bác Nguyễn Phong Tôi đồng thanh tương ...
    Hoà Nguyễn: Sau chuỗi cười khá thoải mái do ông Gia ...
    1mitee: @Anh Dũng "Cả ông Marx, ông Hồ Chí Minh,...
    Bùi Văn Phú: Bạn Trung Nu Hoang ơi, Bạn có khả năng...
    Thái Hữu Tình: Bài vừa mới ra lò, mấy anh (cả mấy ch...
    Canuck: Trong đời tui, có 3 lần / hoàn cảnh xảy...
    Phùng Tường Vân: Lời đề nghị khẩn khoản của tôi Nh...
    Thái Hữu Tình: 1/ Bài nghiên cứu này của ông MTL càng ch...
    Nguyễn Phong: Thực ra ở hải ngoại hiện nay thì có m...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: 1. Cái bạc triệu (VNĐ) c...
    Dương Danh Huy: Bác Hòa Trước hết tôi cảm ơn về l...
    Louis: Trong phút giây chia tay người tình ảo, b...
    Đào Nguyên: Từ lâu ngưỡng mộ bác, biết bác thích ...
    Trầm Kha: Ha ha ha! Bác Trương Đức ơi, Bác "đả t...
    Lê Quốc Trinh: LÊ QUỐC TRINH - LỜI GIÃ BIỆT Thân m...
    vantruong: Thôi thì trước khi giải tán tụ tập tal...
    Đào Nguyên: @Anh Dũng "... - Không có đủ sản phẩm ...
    VietSoul:21: Tôi không nghĩ tài chánh là vấn đề (ch...
    Hoàng Trường Sa: Talawas ơi Ta giã biệt em Như giã từ cu...
    Hoàng Trường Sa: Bauxite Việt Nam: hãy cứu ngay chữ tín! (...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: Thực ra Marx có nói, nói n...
    Lâm Hoàng Mạnh: Chỉ còn vài 28 giờ, Ta Là... Gì sẽ ngh...
    Le Van Hung: Kính thưa các Anh Chị, Từ trước đế...
    Phùng Tường Vân: Bi giờ sắp đến giờ lâm biệt Xin Gia T...
    Hoàng Trường Sa: EM ĐI RỒI Em đã đi rồi thế cũng xong...
    Nguyễn Đăng Thường: Chia tay phút này ai không thấy buồn? Nh...
    Trung Nu Hoang: Tôi cũng có nghe kể chuyện một "học gi...
    peihoh: Tôi không được hỏi ba câu hỏi của tal...
    peihoh: Anh Lại Văn Sâm ơi! Dịch giùm câu này: "...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng Mác nói nhiều về lợi nhuận,...
    Hoà Nguyễn: Ông Huy viết : Điều tôi nói hoàn toàn kh...
    Trương Đức: Đọc cái câu này: "2030: định mệnh đã ...
    Đào Nguyên: Tôi cũng có đọc những câu chuyện với ...
    Camillia Ngo: Nguyễn Khoa Thái-Anh nói "Vũ Huy Quang là m...
    Dương Danh Huy: Bác Hoà Tôi cũng thấy thú vị khi đọ...
    Thanh Nguyễn: Giữa cái lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế n...
    Thanh Nguyễn: Nếu vì lý do tài chính mà talawas đóng c...
    Thanh Nguyễn: Oh, Thank you Trầm Hương! We all have our h...
    Hà Minh: Một truyện ngắn quá hay, cảm ơn tác gi...
    Nguyễn Việt Thanh: Trên Talawas bộ cũ, có lần nhà văn Phạm...
    Anh Dũng: Ông Đào Nguyên nói đến "duy lợi". Nhưng...
    Hoàng Trường Sa: BRING ME HAPPINESS Đừng đi Đừng đi Đ...
    Lê Anh Dũng: (tiếp) Nhưng chính nhờ Tin Lành VN như...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Trong cảnh talawas ch...
    Đào Nguyên: Lời ông Vũ Huy Quang làm tôi nhớ tới l...
    Đào Nguyên: @ Nguyễn Khoa Thái Anh Trước khi chiéc thu...
    Trương Nhân Tuấn: Trích : « Người Việt hải ngoại vẫn th...
    Hoàng Trường Sa: Bô xít Việt Nam : Truyền thông Mỹ sắp n...
    khonglaai: Không ngờ anh Bách còn giỏi cả tiến...
    khonglaai: Nếu có giải thưởng talacu thì tôi ti...
    Phùng Tường Vân: Chúc nhau chân cứng đá mềm Chúc nhau an ...
    khonglaai: “Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn ...