Song Chi – Xã hội Na Uy trong cái nhìn của tôi
05/04/2010 | 6:00 sáng | 20 Comments
Category: Đời sống, Thế giới
Thẻ: người Việt ở Na Uy
Một sự tình cờ của số phận đã đưa tôi đến với đất nước Na Uy, quốc gia có diện tích lớn hơn Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 4,8 triệu, trong đó số người nhập cư từ các nước khác chiếm khoảng trên 10%. Và con số này vẫn đang tăng lên hàng năm.
Tại các thành phố của Na Uy bây giờ bạn có thể bắt gặp dân nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ như Chi lê, Brazil, Mexico… châu Âu như Ba Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha… châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… nhiều nhất là từ vùng Trung Đông của châu Á như Iran, Palestine, Afghanistan… Nghĩa là chẳng khác gì trên đất Mỹ. Ngay trong ngôi trường dạy tiếng Na Uy cho người nước ngoài mà tôi đang học, đã có thể đếm được khoảng gần 50 quốc tịch khác nhau của học sinh. Có lẽ ý thức được vấn đề dân số ít ỏi của mình trong khi đất đai khá rộng và tiền bạc, tài nguyên cũng không thiếu, chính phủ Na Uy đã mở rộng vòng tay đón dân nhập cư từ các quốc gia khác nhau đến Na Uy theo nhiều con đường khác nhau. Những năm gần đây thì số người từ các nước Trung Đông chiếm tỉ lệ rất cao.
So với các cộng đồng khác, người Việt ở Na Uy có khoảng gần 20 ngàn người, có mặt tại đất nước này từ sau năm 1975 với những đợt thuyền nhân bỏ nước ra đi may mắn được tàu Na Uy vớt hoặc vào trại tị nạn rồi chuyển đến Na Uy. Một cộng đồng cũng không phải là nhỏ nếu tính trên tỉ lệ dân số của Na Uy.
Na Uy là một đất nước yên bình. Cảm giác được an toàn có lẽ sẽ là cảm giác đầu tiên và chung nhất của những người dân nhập cư dù đến từ quốc gia nào khi chấp nhận chọn Na Uy làm tổ quốc thứ hai. Phải chăng đó là một trong những giá trị lớn nhất mà quốc gia này đem đến cho nhân dân của họ khi tạo ra một môi trường xã hội mà ở đó người ta có thể quên đi nhiều nỗi lo âu, sợ hãi? Nhìn khuôn mặt, dáng dấp người Na Uy trong đời sống hàng ngày cũng thấy toát lên vẻ bình an, không lo lắng không vội vàng, mà thật sự thì có gì phải lo lắng, căng thẳng? Từ khi còn là một đứa trẻ cắp sách đến trường, học sinh ở Na Uy hầu như không phải chịu áp lực về việc học hành – không có sự xếp loại hay phân biệt học sinh giỏi với học sinh kém, xã hội Na Uy quan niệm nên tạo cho trẻ em một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái, mọi đứa trẻ đều như nhau; nếu có một đứa trẻ học kém thì nhà trường sẽ cử giáo viên kèm cặp riêng những môn nào mà em bị kém chứ không bắt em học sinh đó phải học một lớp khác; thầy cô hay nhà trường không bị áp lực vể thành tích để ép các em phải học; bố mẹ các em cũng không ép…Trong suốt cuộc đời một người Na Uy họ cũng không phải lo lắng nhiều hay chịu nhiều sức ép từ xã hội. Gần như mọi thứ đều được nhà nước lo toan, đảm bảo; đi học thì được miễn phí cho đến hết trung học, nếu học tiếp đại học thì vay tiền ngân hàng sau này đi làm trả, khi có công ăn việc làm thì coi như khỏi phải lo cho tuổi già hay lúc đau yếu, còn nếu không có việc thì vẫn có trợ cấp thất nghiệp với thời hạn khá là… ưu ái; nếu lập gia đình và có con thì đứa con đó mới sinh ra đã được nhà nước phụ một tay chu cấp v.v… Môi trường sạch, thực phẩm sạch, tỉ lệ tai nạn giao thông thấp (chủ yếu vì dân số ít nên xe cộ không phải chen lấn nhau gây ra tai nạn!), bệnh tật cũng ít (ngoài lý do môi trường và thực phẩm sạch vừa nói trên, ở Na Uy các bác sĩ rất hiếm khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc nặng đô, thuốc kháng sinh lại càng khó khăn, còn nếu mua thuốc ở các hiệu thuốc thì luôn luôn phải có toa bác sĩ nên có lẽ đó cũng là một trong những lý do giúp người Na Uy ít bệnh). Xã hội ổn định. Người dân cũng không có những nỗi lo về việc không được nói điều này không được viết điều kia chỉ trích chính quyền hay không được phép tụ tập, lập đảng v.v… Sống trong một xã hội như vậy nên nhìn chung tính cách của người Na Uy hiền lành, lương thiện, tử tế, không phức tạp. Xã hội thế nào con người thế ấy (hay ngược lại – như con gà và quả trứng chẳng biết cái nào có trước vậy!).
Có một vài mẩu chuyện nhỏ mà tôi sẽ kể ra đây như những ví dụ về tính cách lương thiện, tử tế của người Na Uy. Con gái tôi mua một chiếc điện thoại di động cũng khá đắt tiền, nhưng một thời gian sau chỗ cắm để sạc điện trên chiếc điện thoại bị lờn, không sạc được. Vì vẫn đang trong thời hạn bảo hành nên con bé mang ra cửa hàng. Đầu tiên người ta đổi cho cháu một cái giống hệt để xài tạm trong thời gian họ giữ máy để sửa chữa. Đúng hẹn khi con bé đến, họ thông báo không sửa được và đền cho cháu một cái y hệt nhưng mới toanh. Một vài lần khác cũng tương tự như vậy với những món hàng khác mà tôi đã mua về, đã xé bao ra dùng thử không được, mang ra họ vẫn trả lại đủ tiền.
Hay một lần hai mẹ con tôi mua vé xe bus từ Oslo về Kristiansand (giá vé khoảng gần 60 USD/người) , chẳng biết loay hoay thế nào rớt mất hai cái vé, khi bước lên xe trình bày với người tài xế, ông ấy liền bảo “Tôi tin chị. Chị cứ lên xe đi, không sao”.
Tính tôi vốn lơ đãng, ra đường không quên cái này thì cũng quên cái kia. Có lần tôi mua một mớ mỹ phẩm, bỏ quên luôn tại cửa hàng, ngày hôm sau ra họ vẫn còn giữ đó, nhưng như thế vẫn chưa đủ, tôi xách cái túi vừa lấy lại đi sang một cửa hàng khác mua một cái áo và lại… bỏ quên ở đây, đi một lúc sực nhớ quay lui, lại lấy lại lần thứ hai!
Và còn rất nhiều những ví dụ khác.
Một cô giáo dạy tiếng Anh mà tôi quen, vốn là người Malaysia lấy chồng Na Uy cũng kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà chị đã từng lấy làm ngạc nhiên dù sống ở Na Uy nhiều năm. Như một lần con gái chị về nhà và kể con nhường hết phần ăn trưa cho một bạn người nước ngoài học cùng lớp vì bạn không mang theo thức ăn, chị hỏi nhường hết vậy con lấy gì ăn, cô bé hồn nhiên trả lời: nhưng cô giáo dạy vậy mà, cô bảo nên nhường cho bạn khi bạn không có.
Ngay từ nhỏ, người Na Uy đã được dạy những điều tử tế, dạy sống lương thiện, dạy trước tiên hãy tin vào người khác nếu muốn người khác tin mình, cũng như không phân biệt, kỳ thị chủng tộc, màu da… nên trong cuộc đời người dân Na Uy nói chung đã sống như vậy.
Nói như vậy không có nghĩa xã hội Na Uy là một xã hội hoàn hảo. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Xã hội Na Uy, có thể gọi là một mô hình xã hội chủ nghĩa khá lý tưởng dù theo chế độ quân chủ lập hiến, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. “Tính chất xã hội chủ nghĩa” coi trọng sự bình đẳng đôi khi lại là một sự cào bằng, làm giảm đi nỗ lực cạnh tranh trong mỗi con người. Thực vậy, người Na Uy có thói quen chấp nhận, bằng lòng với những gì mình có, ít khi muốn đua tranh với người khác hay vươn lên hơn nữa. Khác hẳn với xã hội Mỹ nơi con người phải “cày như trâu”, phải cạnh tranh không mệt mỏi, phải vươn lên không ngừng để có một ngày mai tốt hơn ngày hôm qua, hôm nay và để không bị đào thải. Chính điều đó tạo ra sự tiến bộ không ngừng của xã hội Mỹ, còn các xã hội Bắc Âu nói chung trong đó có Na Uy bị cái sức ỳ vì không có tính cạnh tranh dữ dội như vậy. Và khi đời sống hiền lành, bằng phẳng quá thì con người cũng đơn giản. Không biết có chủ quan, phiến diện không nhưng đôi khi tôi cứ nghĩ, nếu là người làm văn hóa nghệ thuật ở Na Uy thì không biết tôi sẽ sáng tác về cái gì (!). Rất là khó bởi trong cuộc sống có xung đột, mâu thuẫn xã hội gì nhiều đâu, chỉ trừ sáng tác về nỗi cô đơn của con người hay tình yêu chẳng hạn, vốn là những đề tài muôn thuở!
Nhìn chung, với một người thích cuộc sống an phận, không lo nghĩ nhiều thì Na Uy là một thiên đường, còn những ai thích một cuộc sống nhiếu tính cạnh tranh, nhiều cơ hội khác nhau… thì chưa chắc đã cảm thấy phù hợp với Na Uy.
Nhưng dẫu sao, một xã hội mà điều tốt, sự tử tế, lương thiện là phổ biến còn cái ác, sự không tử tế là chuyện hiếm hoi, một xã hội mà con người tin nhau, và tin vào điều tử tế, đó là một xã hội lành mạnh, là giấc mơ mà tôi đang mơ cho Việt Nam – đất nước tôi, dân tộc tôi.
© 2010 Song Chi
© 2010 talawas
@ bạn Lê Quốc Trinh: Xin cám ơn bạn đã đem đuốc tới để tôi kịp thời nhận ra mình đã sai lầm: nhìn sợi dây thừng “họ” (dân Việt Nam sống dưới chế độ CS) thành con rắn (đảng CSVN)! Vô Minh là thế đó: từ cái “tưởng” sai lầm kéo theo một số PH (hành động) lệch lạc. Cũng thành thật xin lỗi bạn và quý độc giả talawas vì đã phí mất thì giờ của các bạn.
Chào bạn Trung Nu Hoang,
Tôi đã viết một đoạn văn khá rõ ràng:
“Hơn nửa thế kỷ nay, dân ta đã bị lường gạt quá nhiều, sống cảnh trên đe dưới búa, niềm sợ hãi thấm nhuần trong máu cho nên đành cắn răng chịu đựng số phận yếu ớt mỏng manh như ngày hôm nay, họ biết hết đấy, nhưng cơn ác mộng chiến tranh tương tàn vẫn còn ám ảnh họ, chúng ta buộc phải thông cảm điều này”…
__________________________________
Tôi dùng chữ “họ” đâu có ý ám chỉ các ông đảng viên hay tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN. “Họ” là đại đa số người dân lao động, trí thức bị o ép phải sống trong bầu không khí ngột ngạt hơn nửa thế kỷ nay, họ cắn răng chịu đựng, nỗi đau này còn thấm thía hơn những tầng lớp trẻ tuổi sinh sau đẻ muộn chưa thấm mùi vị CS, “họ” là những người có thể đang cùng thế hệ với chúng ta, nghĩa là đã trải qua hai cuộc chiến để thấy hết những trò đạo đức giả bỉ ổi của CS.
Còn tập đoàn lãnh đạo và đa số đảng viên ĐCS VN à, trận tuyến Internet này chính xác là mặt trận dân tộc đấy, đúng nghĩa đích thực là “chiến tranh nhân dân” đấy, nhưng là một trận chiến giữa hai phe: một bên giả dối nguỵ tạo, tuyên truyền một chiều và một bên trung thực, rõ ràng minh bạch, dân chủ tự do phát triển dân trí và khôi phục dân khí.
Sự thật là thế, những người trí thức chỉ biết sống và hành động theo sự thật.
@ Lê Quốc Trinh (LQT): Xin lỗi bạn, tôi dùng chữ “chưa thuyết phục” thiếu chính xác chăng ?! Ý tôi muốn nói là: tôi có chỗ “chưa hoàn toàn đồng ý” với lập luận của bạn, có nghĩa là lập luận của bạn chưa được thuyết phục lắm. Người ta vẫn thường dùng chữ này không phải với nghĩa “đen” như bạn nghĩ, thuyết phục để theo… một đảng phái, tôn giáo nào.
Tôi chỉ “không hoàn toàn” đồng ý với bạn ở điểm bạn viết: “cơn ác mộng chiến tranh tương tàn vẫn còn ám ảnh họ”. (Họ ở đây, theo văn cảnh là đảng CSVN). Theo tôi nghĩ, nếu họ còn nghĩ được như thế thì phúc cho nước nhà, cho dân tộc mình quá. Là những người CS theo chủ thuyết Marxít Leninít, lấy bạo lực cách mạng và đấu tranh giai cấp làm phương tiện chiếm đoạt chính quyền, duy trì quyền lực với bàn tay sắt theo một thể chế độc tài, đảng trị, tôi nghĩ họ không nao núng trước việc phải hy sinh mạng sống của… người khác (!) để giữ chặt vị trí lãnh đạo của đảng CS. Đó là những điều rất rõ ràng mà nhiều người Việt Nam đã từng trải nghiệm. Tôi có suy nghĩ có vẻ là thiếu “thực tế”, đó là những lời trong bài quốc ca của họ sặc mùi khói lửa chiến tranh, ngập ngụa xác quân thù và bầy nhầy máu me (nào là: tiến mau ra sa trường, cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước, hoặc: đường vinh quang xây xác quân thù …) mà theo thi hào Nguyễn Du thì: “Một lời là một vận vào khó nghe” (Truyện Kiều). Ý tưởng trong bài quốc ca đó sẽ chiêu tập nên thù hận, chiến tranh liên miên. Chẳng thế mà: vừa hết 30 năm tương tàn, lại thi hành nghĩa vụ quốc tế Cămpuchia, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc với TQ. Toàn là … anh em XHCN với nhau cả đấy chứ có phải bọn đế quốc nào đâu?
@ Tôn Văn (TV): Xin cám ơn bạn đã chỉ cho những điểm (có thể) sai lầm trong PH của tôi để giúp tôi có dịp giải bày rõ hơn nhận thức của mình. Tôi nghĩ cai trị một nước “độc tài đảng trị dễ dàng hơn so với một nước Dân chủ, Tự do” là vì: Ở các nước độc tài, Quốc Hội chỉ có nhiệm vụ “gật đầu”, làm con dấu (rubber stamp) như người ta thường ví von. Đại đa số đại biểu QH đều thuộc “phe ta”, được “cơ cấu” trong cuộc bầu cử “phường chèo” nên mọi chính sách, chủ trương của NN đều chắc chắn sẽ được thông qua (xem lại vụ Bauxite VN thì rõ, QH chưa họp, chưa biểu quyết mà VPQH cho biết sẽ được thông qua!). QH đó không chấp nhận ứng cử tự do, mà 100% do MTTQ giới thiệu, sau khi đã sàng lọc, chọn những “gà nhà” của đảng. Là đảng viên, ai dám bỏ phiếu chống lại các chủ trương, chính sách của đảng? Mặc dù đôi lúc cũng có những màn thảo luận, bàn cãi “đóng tuồng” sôi nổi để đưa lên Tivi để QH khỏi ngượng với nhân dân (có ít hiểu biết và suy nghĩ) ở trong nước. Không như ở các nước DC/TD đôi khi dự luật của CP đưa ra QH bàn cãi (thực sự) rồi có thể bị bác bỏ vì thiếu đa số. Lâu lâu lại có màn biểu tình phản đối NN, Chính phủ việc này việc khác, khá đau đầu cho các nhà lãnh đạo chính phủ phải dung hòa, giải quyết các mâu thuẫn này. CP/ NN Tự do, Dân chủ khó dùng biện pháp mạnh như TQ đã dùng trong vụ Thiên An Môn, vì chắc chắn sẽ bị các đảng đối lập lên án nặng nề và lo sợ bị mất điểm trong các cuộc bầu cử về sau.
2- Về điểm ..” họ bỏ từ lâu rồi” (nói về đảng CSVN), tôi thấy bạn nói rất đúng, chả thế mà nhiều người đã gọi đảng CS bây giờ là đảng Mafia. Tuy vậy, xem ra trong thực tế, họ vẫn còn cương quyết duy trì XHCN cho bằng được (diễn văn mới đây của TBT Nông Đức Mạnh); nhiều bằng chứng khác là hiện nay, các Tổng Công Ty ngày càng được NN/VN phát triển to lớn hơn để làm chỗ tựa cho đảng CS. Họ vẫn chưa chịu bỏ Điều 4 HP năm 1992 và vẫn chưa chịu cắt cái đuôi lòng thòng… cơ chế thị trường theo “định hướng XHCN”. Đảng CS từ lâu được ví như con kỳ-nhông, ở cành lá xanh thì nó hóa màu xanh, ở cây lá vàng thì nó hóa màu vàng, thực thực hư hư, khó tin được cái nhìn nào đúng, cái nhìn nào sai. Cái nhìn của tôi là như thế, xin trình bày để bạn rõ. Tất nhiên, có thể sai lạc khi nhìn màu sắc con kỳ nhông này.
Thưa bác Huy Nam, tôi có đọc câu đó và đã đọc thật kỹ. “Một sự tình cờ của số phận” tự nó không hàm ý may mắn hay bất hạnh nếu không có từ “được” hay “bị” theo sau. Chúng ta có thể nói “Một sự tình cờ của số phận đã đưa tôi đến với đất nước Niger”. May mắn hay không là do người đọc, trong đó có tôi, suy diễn rồi gán cho cụm từ đó thông qua sự cảm nhận chủ quan của mỗi người khi đọc toàn văn bản.
Bác Đỗ Trí viết: “Suốt bài viết của SC từ “may mắn” xuất hiện một lần duy nhất khi tác giả nói về những người vượt biên được tàu Na Uy vớt, còn không một câu nào trong bài viết gợi ý tác giả cảm thấy may mắn khi định cư ở Na Uy như NTB cảm thấy, trái lại là đằng khác.”
Xin bác vui lòng đọc kỹ lại bài viết của Song Chi, mở đầu với “Một sự tình cờ của số phận đã đưa tôi đến với đất nước Na Uy…” . Ý kiến ông NTB chỉ nhắc lại nhóm chữ “Một sự tình cờ của số phận … “