Trương Nhân Tuấn – Lịch sử tranh chấp chủ quyền “l’enclave Pak-lung” cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân (phần 1)
06/04/2010 | 1:11 sáng | 1 phản hồi
Category: Lịch sử, Quan hệ Việt-Trung, Vấn đề Biển Đông
Thẻ: tranh chấp chủ quyền
Như mọi người đều biết, đường biên giới hiện nay giữa tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây thuộc Trung Quốc là sông Bắc Luân (còn gọi là sông Ka Long). Thị xã Móng Cái (thuộc tỉnh Quảng Ninh) của Việt Nam ở bờ hữu ngạn, bờ tả ngạn là thành phố Đông Hưng của Trung Quốc. Ngày xưa, người Hoa gọi Đông Hưng là Đông Hưng Nhai và Móng Cái là Mang Nhai. Nhai có nghĩa là “bờ sông”. Móng Cái, tên do người Pháp gọi trại đi từ Mang Nhai, thực ra có tên Việt là Hòa Lạc[1]. Phía bắc của Đông Hưng là mũi Bạch Long (trên bản đồ 1 ghi là “cap Pak-lung”). Mũi này là một doi đất nhô ra biển theo hướng nam, (có thể là một chi nhỏ của rặng Thập Vạn Đại Sơn, lúc chấm dứt ở biển), cong lại về phía tây nam, tương tự mũi két, tạo thành vịnh, ngày xưa mang tên Việt là vịnh Vạn Xuân[2] (trên bản đồ 1 ghi là Oan-Xuan). Từ bờ ra đến giữa vịnh Vạn Xuân có ba đảo, kế cận nhau, có tên Vu Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vĩ (trên bản đồ ghi Van-Mie tức Vạn Mỹ, Mi-Shan tức Mi Sơn, Tham-Kat?). Ba đảo hiện nay hầu như đã dính liền lại với nhau, nối với đất liền (khi triều thấp) trở thành bán đảo, nay tên là An Nam Thôn, còn gọi là Kinh Đảo, ở tọa độ (kinh độ 108°08’ Đông, vĩ độ 21°32’5 Bắc). Thôn thuộc huyện Giang Bình, thành phố Đông Hưng, khu tự trị Choang tỉnh Quảng Tây. Dân số ở đây đều có gốc Việt khoảng trên 20.000 người, được Trung Quốc gọi là tộc Kinh (vì thế gọi nơi này là Kinh Đảo), một trong số 55 chủng tộc của Trung Quốc.
Thật là một ngạc nhiên, vì sao lại có một nhóm dân tộc Việt lại sống trên đất Trung Hoa? Theo một tài liệu của Việt Nam thì “người Kinh di cư sang đất Trung Quốc vào năm Lê Hồng Thuận thứ 3 đời Lê Tương Dực, – tương đương niên hiệu Minh Vũ Tông, Chính Đức thứ 6, tức năm 1511”.[3] Theo tài liệu này thì đất An Nam Thôn thuộc Trung Quốc và người Việt chỉ “di cư” sang đó.
Nhưng thực ra đất đó nguyên thủy có phải là đất của Trung Quốc hay không? Địa chí Trung Hoa nói như thế nào và địa chí Việt Nam nói ra sao? Sau khi tham khảo ta sẽ thấy vấn đề không hề giản dị để kết luận như vậy.
Nhân gần đây người Việt xôn xao quanh vụ tế lễ Mã Viện, trong đó có điệu vũ “Hai Bà Trưng hầu Mã Viện”, tại các làng người Việt chung quanh Đông Hưng, Trung Quốc, trong đó có đề cập sơ lược về dân tộc Kinh sinh sống ở vùng này. Người viết trình bày lại ở đây một số dữ kiện lịch sử, hy vọng soi sáng lại một mảng lịch sử về chủ quyền của nước nhà hầu như đã bị bỏ quên theo thời gian.
Bản đồ 1: Nguồn Dr Paul Néis, Sur les Frontière du Tonkin, trong tập Le Tour du Monde 1886-1887. Có thể tham khảo tại: http://collin.francois.free.fr
1. Đường biên giới lịch sử theo sử liệu Trung Quốc
Biên giới tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam hiện nay với thành phố Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây[4], Trung Quốc đã được phân định khá sớm và khá chính xác.
Theo Ðại Thanh nhứt thống chí 大清一統志[5], dẫn từ địa chí thời Minh: Phục Ba tướng quân Mã Viện đã dựng dưới chân ngọn Phân Mao một trụ đồng vào năm 43 trước TC để đánh dấu biên giới hai nước Việt-Trung. Từ chân ngọn núi này, vào năm 74, quân Hán vượt biên giới, qua châu Tiên Yên, vào chiếm Việt Nam[6]. Theo Đại Nam nhứt thống chí và Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư Địa Chí) của Phan Huy Chú, dẫn từ sách Dư địa kỳ thắng của Trung Hoa: ranh giới Nam và Bắc thuộc vùng biên giới trấn An Quảng xưa có núi Phân Mao[7].
Như thế biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được xác định bằng ngọn núi Phân Mao. Núi này chính xác ở đâu?
Theo Đại Thanh nhất thống chí : Phân Mao Lĩnh 分 茅 嶺 ở về phía Tây huyện đường Khâm Châu, cách 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam. Cũng theo tài liệu này, núi Phân Mao ở động Cổ Sâm, cách Khâm Châu 300 dặm về phía tây. Theo Gia Khánh trùng tu nhứt thống chí (tức bộ sách địa dư đời vua Gia Khánh nhà Minh), núi Phân Mao ở về phía Tây Khâm Châu. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi: núi Phân Mao ở về phía tây lộ Hải Đông, cách khoảng 300 dặm. Nơi đây có kim tiêu, quen gọi là cột đồng Mã Viện. Tương truyền trên đỉnh núi Phân Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh hưởng của khí hậu và địa thế, ngọn cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân Mao, nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: Cột đồng Đông Hán do Mã Viện dựng ở động Cổ Lâu thuộc Châu Khâm.[8]
Như thế, sử liệu Trung Quốc và Việt Nam cùng thống nhứt ở hai điểm: 1/ biên giới hai nước là núi Phân Mao, nơi có trụ đồng Mã Viện. 2/ vị trí của núi Phân Mao: núi Phân Mao thuộc động Cổ Sâm, huyện Khâm Châu. Khâm Châu hiện nay trên bản đồ ghi là Quizhou, cách Móng Cái khoảng 120km về hướng đông bắc.
Ðại Thanh nhứt thống chí mô tả địa lý Khâm Châu như sau:
Huyện Khâm Châu 嶔州, thuộc phủ Liêm Châu 廉州俯 (xưa thuộc tỉnh Quảng Ðông, nay thuộc Quảng Tây). Biên giới Việt Nam cách huyện đường 300 dặm theo hướng Tây và cách 240 dặm theo hướng Tây Nam. Dân chúng sống ở Liêm Châu gồm có dân tộc Dao 搖 và dân tộc Choang (Tchoang)[9].
Theo bản đồ các nhà truyền giáo Jésuites, tọa độ Khâm Châu: vĩ độ 21° 54’ và kinh độ 106° 07’ 45’’, cách phủ Liêm Châu 180 dặm về phía Tây thiên Bắc.[10]
Huyện Khâm Châu có các rặng núi ở kế cận hay ở trên vùng biên giới Việt-Trung:
Rặng núi La Phù Sơn 羅桴山, cách huyện Khâm Châu 65 đến 95 dặm theo hướng tây bắc. Rặng núi Thập Vạn Sơn 十萬山, cách huyện Khâm Châu 200 dặm về phía tây bắc. Rặng núi này là ranh giới giữa huyện Khâm Châu với châu Thiên Tư. Châu Thiên Tư cách dải núi nầy 80 dặm. Có đến cả trăm con suối bắt nguồn từ Thập Vạn Sơn (là phần nối dài của rặng Ba Dương Lĩnh 筢羊嶺). Dải núi Ba Dương Lĩnh giáp châu Tư Lăng 陵州 ở phía Tây, dải núi này có tới hơn 400 đỉnh, cao thấp chập chùng. Sông Ná Lãng (Ná Lãng Giang 那浪江), cũng như sông Minh Giang 明江 thì cùng bắt nguồn tại đây[11].
Dải núi Vương Quang Sơn 王光山, cách huyện đường Khâm Châu 170 dặm về hướng tây bắc, chắn ngang rặng Thập Vạn Sơn.[12]
Ngọn Mặc Mạt Sơn 墨抹山 cách Khâm Châu 100 dặm về hướng Tây Nam. Sông Phụng Hoàng bắt nguồn tại đây[13].
Huyện Khâm Châu có các cửa ải và cửa biên giới thông thương sang Việt Nam:
Ải Ná Tô 那蘇隘 (hay Na Tô Ải), ở phía Tây Nam huyện Khâm Châu.
Ải Nhẫm Quân 稔均隘, cách ải Ná Tô 70 dặm về hướng Ðông Nam.
Ải Ná Long 那隆隘 (hay Na Long Ải), cách ải Ná Tô trên 10 dặm về phía Ðông.
Cả ba ải này đều thông thương sang Việt Nam[14].
Huyện Khâm Châu có các con sông, suối ở kế cận hay ở trên đường biên giới:
Sông Thiếp Lãng (Thiếp Lãng Giang 貼朗江), cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam[15]. Theo Ðại Thanh hội điển đồ, quyển 122, tờ thứ 26, sông nầy bắt nguồn từ những ngọn núi về phía Tây Bắc huyện Khâm Châu.
Như thế, theo sử liệu của Trung Hoa, biên giới ngày xưa của hai nước Việt-Trung đi qua núi Phân Mao thuộc động Cổ Sâm, đi qua các cửa ải Ná Tô, Nhẫm Quân, Ná Long cuối cùng theo (hay đi dọc theo) Thiếp Lãng Giang ra đến biển.
Xác định lại đường biên giới này là xác định vị trí núi Phân Mao, các cửa ải ghi trên và sông Thiếp Lãng trên các bản đồ hiện nay.
Tuy mục đích bài này là tìm hiểu biên giới lịch sử vùng Quảng Ninh, nhưng chỉ tập trung ở vùng cận biển, nơi có các đảo mà dân Việt sinh sống ở đó. Do đó công việc sẽ là xác định vị trí của sông Thiếp Lãng. Sông này ở đâu?
Con sông kế bên của sông Thiếp Lãng, gọi là sông Ngư Châu 漁州, ở về phía phía Ðông. Cả hai sông Ngư Châu và Thiếp Lãng đều theo hướng Nam chảy ra biển[16].
Sông Phòng Thành 防城江 (Phòng Thành Giang), cách Khâm Châu 150 dặm về hướng Tây Nam. Sông bắt nguồn từ rặng Thập Vạn Sơn, chảy về hướng Nam, trở thành sông Ngư Châu ra biển[17].
Xét bản đồ 2, sông Phòng Thành (ghi là Fong tcheng kiang), tức là sông Ngư Châu ở gần biển, bắt nguồn từ Thập Vạn Sơn (trên bản đồ ghi Tche Oan Chan), thì ở về phía bắc Phòng Thành (ghi là Fang-tcheng trên bản đồ). Con sông chảy phía nam sông Phòng Thành bắt nguồn từ Phân Thủy Sơn (ghi trên bản đồ là Fenn chouei chan), vì thế phải là sông Thiếp Lãng. Sông này ở phía nam Phòng Thành.
Như thế, biên giới Việt-Trung, vùng cận biển, là sông Thiếp Lãng, tiếp giáp với huyện Phòng Thành của Trung Hoa ở phía nam.
Trên bản đồ hiện nay, ta thấy Phòng Thành ở phía bắc của mũi Bạch Long, cũng như ở phía bắc vịnh Vạn Xuân và các đảo Vu Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vĩ. Phòng Thành cách Móng Cái khoảng 60km.
Ta có thể kết luận, theo tài liệu của Trung Hoa, mũi Bạch Long cũng như các đảo này thuộc về Việt Nam.
Nhưng nghi vấn cũng đặt liền ra: vì sao biên giới lịch sử, lý ra từ một con sông ở kế cận huyện Phòng Thành, cách Móng Cái đến khoảng 60km về phía đông bắc, hôm nay lại lùi về phía Việt Nam, cho đến con sông Bắc Luân? Khoảng cách lui về khoảng 60km.
Vụ mất đất này do người Việt Nam làm mất hay do Pháp làm mất trong vụ phân định biên giới 1887?
2. Địa chí Quảng Ninh theo Việt sử
Hãy tìm hiểu vì sao vùng đất rộng lớn từ biên giới cũ (sông Thiếp Lãng Giang như đã xác định qua Thanh sử) đến biên giới hiện nay là sông Bắc Luân, chiều rộng khoảng 60km, lại bị mất về Trung Quốc.
Phương Ðình địa dư chí của Nguyễn Văn Siêu mô tả tỉnh Quảng Ninh như sau:
“Tỉnh Quảng Yên tiếp giáp tỉnh Quảng Ðông, Trung Hoa. Ðất này xưa gọi là châu Giao Chỉ, nhà Lương gọi là Hoàng Châu Ninh Hải quận, đến nhà Tùy gọi là Ninh Việt quận. Nhà Ðường gọi là Lục Châu, Ngọc Sơn quận. Ðời nhà Minh, nhà Tiền Lê gọi là Triều Dương trấn, đến đời nhà Lý đổi thành Vĩnh Yên châu. Sang đời nhà Trần thì đổi thành Hải Ðông lộ. Thời Minh thuộc thì đổi thành châu Tĩnh An thuộc phủ Tân An. Sang thời Lê gọi là An Bang thuộc Ðông Ðạo. Theo Lê sử, năm thứ 10 của triều Quang Thuận chia bản đồ làm 12 thừa tuyên, An Bang gồm có 1 phủ, 3 huyện và 3 châu. Sách Thiên Nam Dư Hạ chép: An Bang thừa tuyên có 1 phủ và 7 châu huyện. Phủ là phủ Ðông Hải. Ba huyện là Hoành Bồ, An Hưng và Chi Phong. Bốn châu là Tân An, Vạn Ninh, Vân Ðồn và Vĩnh An. Tạp Trú của Nguyễn Thiên Tích chép: hai phủ, tám huyện, sáu châu: Phủ Hải Ðông gồm 3 huyện 4 châu là Hoa Phong, An Hưng, Hoành Bồ, Vân Ðồn, Tân An, Vạn Ninh, Vĩnh An. Phủ Dương Tuyền gồm 5 huyện, 2 châu: Hoành Cừ, Vân An, Hoa Nha, An Hóa, An Phố, Như Tích, Chiêm Lãng. Mạc Ðăng Dung nộp hai châu Như Tích, Chiêm Lãng cho nhà Minh thuộc vào Khâm Châu. Sau khi nhà Lê trung hưng, chúa Trịnh Thanh Vương cầu riêng với nhà Minh, phong cho là phó quốc vương mới dâng đất 3 huyện thuộc phủ Dương Tuyền, nay chỉ còn một phủ, 3 huyện, 3 châu mà thôi.”[18]
Ta thấy Quảng Ninh đã thay đổi tên rất nhiều lần trong lịch sử (cũng như một số đất đai tỉnh này nhiều lần trao đổi với Trung Hoa). Nhưng điều đặc biệt của địa chí Việt Nam là, kể cả bộ địa chí Đồng Khánh[19] vừa mới xuất bản, ghi chép rất sơ lược, nếu không nói là không ghi chép gì cả, về biên cương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Như thế người Việt Nam sẽ rất khó khăn để chứng minh một vùng đất nào đó của mình, nếu chỉ dựa vào địa chí nước nhà, một khi có sự tranh chấp đất đai với Trung Hoa!
Trở lại dữ kiện Mạc Ðăng Dung đầu hàng nhà Minh. Việc “nộp” đất của họ Mạc đã có những ý kiến khác nhau. Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình địa dư chí phản biện lại Tạp trú của Nguyễn Thiên Tích về việc “nộp đất” của Mạc Ðăng Dung như sau:
“Nay xét sách Dư Ðịa Kỷ Thắng thì trại Như Tích ở phía Tây Khâm Châu 160 dặm cách châu Vĩnh An của Giao Chỉ 20 dặm, giữ trên đỉnh núi cao, thế rất hiểm trở, trước đặt trại để quản hạt 7 động. Sách Thông Chí chép: Phía Tây châu Khâm có Như Tích, Cát, Chiêm Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Thời La. Bẩy động (đến) đầu nhà Tống đều đặt động trưởng, niên hiệu Hồng Vũ nhà Minh mới đặt chức Tuần Tư ở Như Tích để thống hạt cả, đất ấy phía bắc giáp hai sông Ðông, Tây, phía Nam giáp Giao Chỉ. Năm thứ 14 hiệu Vĩnh Lạc lại đặt thêm chức Vỹ Ðào Tuần Tư, năm thứ 2 niên hiệu Tuyên Ðức, các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm, Cát làm phần phụ vào nước Giao Chỉ, năm thứ 19 niên hiệu Gia Tĩnh, Mạc Ðăng Dung cầu hòa, giả lại đất 4 động cho nhà Minh. Năm thứ 21 tri châu là Lâm Hy Nguyên vạch định bờ cõi, nhưng chỉ còn Chiêm Lãng, Thời La 2 châu mà thôi. Quốc sử chép: Vua Lê Ðại Hành năm thứ 3 niên hiệu Ứng Thiên, người đất Triều Dương (nay là Vĩnh Yên) là lũ Văn Dũng làm loạn, trốn sang trấn Như Tích thuộc châu Khâm nhà Tống, thế thì mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An, mới có từ niên hiệu Thuận Thiên nhà Lê (Tuyên Ðức nhà Minh), nhà Mạc giả lại nhà Minh, là giả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót vậy.”
Nhưng theo Ðại Việt thông sử của Lê Quí Ðôn (bản dịch của Trúc Viên Lê Mạnh Liêu, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1973): Năm Canh Tý, sợ nhà Minh đem quân đánh (về tội cướp ngôi nhà Hậu Lê), Mạc Ðăng Dung mật sai người hối lộ viên tướng giữ Châu Liêm là Trương Nhạc, yêu cầu xin cắt đất nộp nhà Minh và tự bỏ đế hiệu. (Mạc Ðăng Dung lên ngôi từ 1527 đến 1529 thì nhường ngôi cho con là Mạc Ðăng Doanh). Viên tham chính nhà Minh là Vạn Ðạt sai Lương Ngọc Phụ đem tờ sức Mạc Ðăng Dung phải đích thân đến cửa quan nộp đất, dựng mốc, bỏ đế hiệu đã tiếm xưng và vâng lĩnh lịch theo ngày tháng của Trung Quốc. Tháng 11 (năm ấy), Mạc Ðăng Dung vận áo trắng, tự quấn dây vào cổ, dẫn cháu họ là Văn Minh, cùng bọn bầy tôi là Nguyễn Như Quế, Ðỗ Thế Khánh, Ðặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tông, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất và Bùi Vĩnh Trí (các người này cũng tự quấn tua sợi vào cổ) đến chực ở cửa Nam Quan. Vạn Ðạt dựng sẵn mộc mạc phủ ở gần đấy, truyền lệnh mở cửa quan. Mạc Ðăng Dung do cửa quan bên tả bước ra quì gối, hướng mặt về phương Bắc, dâng tờ biểu hàng và địa bạ (sổ) ghi chép thổ địa quân dân trong nước, tình nguyện nộp các động[20]: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc châu An Quảng và châu Vĩnh An (của nước ta), để lệ thuộc vào Khâm Châu. Trong tờ hàng biểu có đoạn: Thủ thần Khâm Châu tâu xưng: hai đô Như Tích, Chiêm Lăng và bốn động Tư Phiêu (đoạn trên ghi là Tư Lẫm), La Phù, Cổ Lâm (trước ghi là Cổ Sâm), Liễu Cát, là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các đất ấy lệ thuộc vào Khâm Châu.”[21].
Trở lại phần 1, Đại Thanh nhất thống chí cho thấy núi Phân Mao thì tọa lạc ở động Cổ Sâm. Cụ Nguyễn Văn siêu viết, “nhà Mạc giả lại nhà Minh, là giả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót vậy.” Nếu động Cổ Sâm của nhà Minh và Mạc Ðăng Dung trả đất này lại cho họ, thì Cổ Sâm tiếp giáp đường biên giới. Nhưng đường biên giới hiện nay cách động Cổ Sâm và núi Phân Mao rất xa, đến khoảng 60km. Nếu không có các biến cố mất đất khác sau này để giải thích việc “lùi” vị trí núi Phân Mao thì cụ Nguyễn Văn Siêu khó có thể biện luận được cho Mạc Đăng Dung!
Về biên giới cận biển, cụ Nguyễn Văn Siêu viết: “Châu Khâm phía Ðông Nam giáp bể có núi Ô Lôi, lại có dãy núi Phân Mao giáp An Bang nước ta. Ô Lôi, Thanh Hoa, An Hải vốn thuộc quận Hợp Phố. Ðời Lưu Tống là Việt Châu, đời Ðường là Lục Châu. Quận Ngọc Sơn thuộc An Nam đô hộ, sau khi nhà Ðinh dựng nước, Ô Lôi mất vào Châu Khâm.[22]
Nếu vậy thì biên giới nước ta ở đây phải tiếp cận với một trái núi mang tên Ô Lôi, ở cận biển. Núi này ở phía đông nam Khâm Châu. Vị trí núi này ước lượng là ở vùng chung quanh huyện Long Môn hay Phòng Thành. Điều này phù hợp với Đại Thanh nhất thống chí viết ở phần 1.
(còn tiếp)
© 2010 Trương Nhân Tuấn
© 2010 talawas
[1] Theo thống kê năm 1891 của Cao ủy Bắc Kỳ, Hải Ninh gồm có hai châu Hà Cối, Tiên Yên. Châu Hà Côi gồm có các tổng Ninh Hải, Vạn Ninh, Hà Môn, Bát Trang. Châu Tiên Yên có các tổng Hà Thanh, Đôn Đạt, Kiến Duyên, Hậu Cơ, Bắc Lăng. Vạn Xuân là tên một làng thuộc tổng Vạn Ninh (gồm có các làng Vạn Xuân, Xuân Lạng, Xuân Ninh, Ninh Dương, Vạn Ninh, Đoan Tĩnh, Phục Thiên và Hòa Lạc. Hòa Lạc là tên nguyên thủy của Móng Cái).
[2] Xem ghi chú 1.
[3] GS.TS Kiều Thu Hoạch (Viện Nghiên cứu văn hoá) trong “Truyện Kiều dân gian hoá trong tộc người Kinh ở Trung Quốc – Tiếp cận từ góc nhìn nhân loại học văn hoá”.
[4] Ngày xưa tỉnh Quảng Đông giáp giới với Việt Nam ở vùng Khâm Châu. Sau này Trung Quốc thay đổi quản lý hành chánh, vùng Khâm Châu trở thành phụ thuộc khu tự trị Choang, tỉnh Quảng Tây.
[5] Bản dịch của ông Devéria, Ðại Thanh nhứt thống chí 大清一統志 (500 quyển, in năm 1764 theo lệnh của vua Càn-Long), trong quyển La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphiquêt ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois), do l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris năm 1886.
[6] Đại Thanh nhất thống chí, tờ 8 và tờ 15, sđd.
[7] Sử liệu về biên giới ta Và Tàu từ đời nhà Lý cho tới đầu thời Pháp thuộc. Tác giả Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng. NXB Mai Hiên, PO BOX 1061 Campell, CA, 95009, không đề năm xuất bản.
[8] Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, trong bài “Từ cửa Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao”.
[9] Đại Thanh nhất thống chí. Sđd.
[10] Devéria. La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphiquêt ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois), do l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris 1886.
[11] Đại Thanh nhất thống chí, sđd, quyển 364, tờ 3.
[12] Đại Thanh nhất thống chí, sđd, quyển 364, tờ 5.
[13] Nt.
[14] Đại Thanh nhất thống chí, sđd, quyển 348, tờ 10.
[15] Đại Thanh nhất thống chí, sđd, quyển 348, tờ 9.
[16] Ðại Thanh hội điển đồ, Devéria, sđd, q 122, tờ 26.
[17] Ðại Thanh nhất thống chí, sđd, q 348, tờ 9.
[18] Phương- Ðình Ðịa-Dư Chí, Nguyễn Văn Siêu, nxb Văn-Hóa Thông-Tin, năm 2001, tr 395.
[19] Bộ địa chí này người viết mới được tham khảo ở Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa http://hoangsa.org/forum/content/, (trân trọng cám ơn các bạn) nhưng thiếu phần bản đồ. Bộ địa chí này có thể được thành hình từ tháng 7 năm 1886, sau khi Pháp mở cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam. Pháp đặt giải thuởng 1.000 đồng cho những ai nghiên cứu viết thành sách nói về cương vực của nước Việt Nam cũng như phong tục của người Việt Nam. Hoàng Hữu Xứng được triều đình chỉ định làm việc này. Thời gian này cũng đang xảy ra công trình phân định biên giới (1885-1887) giữa Pháp và nhà Thanh về biên giới giữa xứ Bắc Kỳ và các tỉnh Hoa Nam. Việc phân định biên giới, vì lý do an ninh, đã phải phân định trên bản đồ. Có thể vì lý do này mà Pháp mới đặt giải thuởng để người Việt Nam viết về địa chí nước Việt Nam với hy vọng sử dụng vào việc phân định. Nhưng kết quả chỉ rất khiêm nhượng, vì tất cả các bản đồ phân định đều do phía người Hoa đưa ra. Bộ địa chí được thành hình vào tháng 4 năm 1887, mang tên Cương giới vựng biên, với 1 bức họa đồ.
[20] Các động cho là Mạc Ðăng Dung cắt cho Trung Hoa có một số điểm không thống nhất. Ðại Việt sử ký toàn thư chép 6 động thuộc châu Vĩnh An là Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương và La Phù. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì ghi 5 động là Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Xung (Cổ Sâm), Liễu Cát và La Phù. Theo Việt Hoa thông sứ sử lược của Bế Lãng Ngoạn (Quốc Học Thư Xã, Hà-Nội, 1944) thì ghi Tê Phù (thuộc Thiếp Lãng), Kim Lặc, Cổ Lâm, Liễu Cát, La Phù (thuộc Như Tích).
[21] Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng, sách đã dẫn.
[22] Phương Đình địa dư chí, sđd, tr 187.
Bình luận
1 phản hồi (bài “Trương Nhân Tuấn – Lịch sử tranh chấp chủ quyền “l’enclave Pak-lung” cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân (phần 1)”)
Trước hết xin bày tỏ lòng trân kính trước những nghiên cứu của ông Trương Nhân Tuấn.
Sau đây tôi xin có một kết luận nho nhỏ thế này.
Báo Trung Quốc đưa tin “đoàn văn công từ Việt Nam” sang biểu diễn thì liệu có thể kết luận:
1. Báo Trung Quốc xuyên tạc. Nếu là như vậy thì chính phủ VN sao không lên tiếng, mà chỉ một vụ con con ấm ớ như Google hay McAfee thì lại lên tiếng. Thế là sao?
Ông TNT có công nhận với tôi ở đây rằng VN chỉ giỏi làm công tác của một cái loa phường mà tác dụng chính là làm ngứa tai thiên hạ không?
2. Báo Trung Quốc nói sự thật, và thêm bài này của ông Trương Nhân Tuấn thì liệu chăng TQ “đánh tiếng” để “trả lại đất” cho VN, theo đúng “bài bản” của TQ, ở đâu có người TQ thì đó là đất TQ. Nếu là như vậy sao VN lại “nhún nhường” quá thế?