Hoàng Ngọc-Tuấn – Cuộc khởi nghĩa của bloggers ở Cuba
15/04/2010 | 6:04 sáng | 3 Comments
Category: Báo chí - Truyền thông, Chính trị - Xã hội, Thế giới
Thẻ: Cuba > sự đoàn kết của bloggers
Trong bài “Văn hoá blog: Cuộc khởi nghĩa của đám đông”, Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra những lập luận để giải thích vì sao các chính quyền độc tài lại sợ các blogs. Rồi anh viết: “Mà sợ cũng phải. Bạn có đồng ý vậy không?”
Tất nhiên tôi đồng ý.
Chúng ta đã thấy những phản ứng sợ hãi của các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian gần đây. Họ đã bắt giam và điều tra hàng loạt bloggers, như chúng ta đều biết. Nhưng có lẽ ít người trong chúng ta lưu ý rằng ở Cuba — một “nước xã hội chủ nghĩa anh em” đang cùng Việt Nam thay nhau “canh giữ hoà bình cho thế giới” — chính quyền Castro cũng hoảng hốt không kém đối với các bloggers.
Thứ Sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2010, Policía Nacional Revolucionaria [Công An Nhà nước Cách mạng] đã thình lình xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương khác nhau để vây bắt hàng loạt bloggers.
Trước hết, họ đến bắt blogger Claudio Fuentes Madan ngay tại tư gia của anh. Claudio Fuentes Madan là một hoạ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia độc lập — trước kia, anh là một giáo sư sinh vật học, nhưng đã quyết định rời bỏ nghề dạy học. Anh bị công an đưa đến nhiều địa điểm khác nhau quanh thành phố La Habana và bị tra hỏi liên tục, chủ yếu về những người bạn của anh và về gia đình của anh. Cuối cùng, anh bị chở đến một bệnh viện ở ngoại ô La Habana và bị buộc phải đo huyết áp để công an xem thử anh có nói dối hay không!
Kế đến là blogger Silvio Benítez Márquez, người cầm đầu của Partido Liberal [Đảng Tự Do], một tổ chức chính trị bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Cuba. Anh cũng bị bắt tại tư gia và bị giam suốt ngày hôm ấy.
Ngay sau đó, blogger Katia Sonia — một thành viên của tổ chức Mujeres y Madres Anti-represión por Cuba [Phụ nữ và các bà mẹ chống áp bức ở Cuba] — bị đưa đến sở công an để điều tra về bản thân và về người chồng của chị (ông là một mục sư).
Tiếp theo, người trẻ nhất là blogger William Retureta, mới 18 tuổi, cũng bị công an đẩy vào trong một chiếc xe ô-tô trong lúc cậu đang tản bộ trên phố. Công an chở cậu đi lòng vòng quanh thành phố La Habana và liên tục hăm doạ cậu, rồi đem cậu về một đồn công an, làm hồ sơ, rồi thả. Cậu bị cảnh cáo phải bảo các bạn của cậu tránh xa góc đường 23 và Avenida de los Presidentes ở khu El Vedado, nơi thường có nhiều thanh niên tụ tập.
Đến 6 giờ chiều, blogger Yoani Sánchez (một blogger nổi danh nhất ở Cuba, với blog Generación Y) cùng chồng, Reinaldo Escobar — một nhà báo độc lập — và Teo Escobar, đứa con trai 14 tuổi, đang ngồi trên taxi đi đến một bữa tiệc sinh nhật thì bị bắt. Nhiều xe công an chặn đường, buộc họ phải bước ra khỏi taxi. Một nhóm công an mặc thường phục vây quanh họ, không ngớt đe doạ và thoá mạ họ với mục đích khiêu khích cho họ nổi nóng, trong khi có một công an chĩa máy quay phim về họ để thu hình. Sánchez và chồng đã phải cố gắng giữ ngôn ngữ và thái độ rất mực ôn hoà để tránh mắc bẫy, vì biết rằng bất kỳ một lời nói nóng nảy nào cũng có thể trở thành bằng chứng để bị kết tội. Hồi tháng 11 năm 2009, Yoani Sánchez đã từng bị 3 nhân viên công an mật đẩy vào trong một chiếc xe ô-tô, trong đó, chúng thay phiên nhau đánh đập chị rồi xô chị ra ngoài đường và lái xe biến mất. Đó là một kinh nghiệm đáng nhớ. Reinaldo Escobar xin các nhân viên công an cho biết tên, thì bọn chúng không trả lời. Cậu Teo Escobar bực mình, nói: “Những kẻ hèn nhát mới không dám cho biết tên!” nhưng vì cậu chỉ 14 tuổi nên không có vấn đề gì. Sau đó, công an trả tự do cho gia đình Yoani Sánchez.
Yoani Sánchez & Reinaldo Escobar
Khi đoàn xe công an vừa rời khỏi, Yoani Sánchez lập tức bước vào xe taxi và dùng Twitter từ điện thoại di động để gửi tin cho các bloggers khác ở Cuba. Với sự tiếp tay đắc lực của blogger Claudia Cadelo de Nevi (chủ trang blog nổi danh “Octavo Cerco”), chỉ trong chốc lát, một làn sóng hỗ trợ của bloggers từ khắp nơi trên thế giới cuồn cuộn nổi lên, và ngay trong đêm đó, hàng trăm tờ báo từ nhiều quốc gia đã loan tin về vụ bắt bớ này.
Không hề nao núng, mặc cho công an ngày đêm rình rập và đe doạ, một nhóm bloggers phản kháng ở Cuba, trong đó có Yoani Sánchez, Reinaldo Escobar, Claudia Cadelo de Nevi, và Katia Sonia, đã cùng lập chung một trạm internet mệnh danh là Voces Cubanas [Những tiếng nói từ Cuba]. Từ ngày thành lập đến nay, con số bloggers cùng tham gia đã tiếp tục tăng lên và hiện nay đã có hơn 30 blogs góp mặt trên Voces Cubanas. Họ đoàn kết và tin tưởng nhau, vai kề vai cho một cuộc đấu tranh chung. Tôi tin tưởng rằng Voces Cubanas sẽ thật sự trở thành một sức mạnh phản kháng của đám đông, một cuộc khởi nghĩa của những bloggers yêu tự do ở Cuba.
Đến chừng nào thì các bloggers phản kháng của Việt Nam mới có thể đoàn kết và tin tưởng nhau đủ để thực hiện một trạm internet chung như thế?
© 2010 Hoàng Ngọc-Tuấn
© 2010 talawas
Bình luận
3 Comments (bài “Hoàng Ngọc-Tuấn – Cuộc khởi nghĩa của bloggers ở Cuba”)
“Đến chừng nào thì các bloggers phản kháng của Việt Nam mới có thể đoàn kết và tin tưởng nhau đủ để thực hiện một trạm internet chung như thế?”
Tôi thấy bloggers Việt Nam cũng có những liên kết nhất định. Mức độ “nhất định” này do sự tin tưởng giữa các bloggers không cao. Lý do rất đơn giản ở chỗ không ít những bloggers cũng “phản kháng” nhưng lại đặc trách công tác tung ra những thông tin thất thiệt để làm nhiễu.
Ngoài số blogger “phản kháng” như thế, nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy có cả một đội ngũ hùng hậu đặc trách công tác “ném đá” các blogs bằng đủ mọi chiêu thức. Mục tiêu chính của họ là làm trệch chủ đề chính mà chủ blog muốn đưa ra.
May một điều, đặc tính của những blogger “phản kháng” và đội ngũ “ném đá” quá rõ. Bởi thế, độc giả rất dễ nhận ra vàng và thau trong mớ hỗn độn ấy. Đây cũng là một điểm hay theo tôi nghĩ, vì nó giúp cho độc giả dễ dàng xác định giá trị của những điều chủ blog muốn chia sẻ.
PS: “phản kháng” trong ngoặc kép này là loại “phản kháng” cò mồi và có mục đích cụ thể trong ngôn ngữ và trong nội dung blog.
đến khi đàn áp bloggers
tư tưởng dân chủ lan vô dân rồi
vấn đề sớm muộn mà thôi
cao trào đối kháng khắp nơi blogging
Công an mặc đồ thường dân, tụ tập thành một đám xông vào nhà bloggers, không xưng tên, thẳng tay đập phá đồ đạc, hành hung, bắt nhốt bloggers không cần án lệnh, không lập biên bản, hay chặn bắt bloggers giữa đường để đánh hội đồng, cướp đoạt phone di động, máy chụp ảnh, rồi tẩu tán.
Đây là những hành vi côn đồ mà công an của các chính quyền cộng sản Tàu, Việt, Cuba đang thi hành. Một chế độ sắp tới ngày tàn thì mới có thể hành động hèn nhát dơ bẩn như vậy. Và điều này chứng tỏ sức mạnh của các blogs phản kháng.