Phạm Thị Hoài – Bức tường ngôn ngữ
14/05/2010 | 12:00 chiều | 57 Comments
Category: Ngôn ngữ - Dịch thuật, Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: bức tường Berlin > Cộng hòa chuối > Elvis Presley > Việt Nam Cộng hòa nối dài
Khi nước Đức còn chia hai, bên Tây có C&A, chuỗi cửa hàng thời trang bình dân có mặt mọi nơi; bên Đông cũng có C&A, viết tắt của Cоветская Aрмия, gắn trên biển số xe Quân đội Xô-viết, tràn ngập mọi chỗ.
Bên Tây, Memphis đương nhiên là một khái niệm, vì Elvis Presley. Bên Đông không rock ‘n’ roll, không Memphis và Memphis Mafia, thì có Memfis (MfS), viết tắt của Ministerium für Staatssicherheit, cách miệng dân gọi Bộ An ninh Quốc gia, một vương quốc khổng lồ đóng kín trong một thiên đường xã hội chủ nghĩa khép chặt[1].
Bên Tây có ARD, hệ thống đài phát thanh và truyền hình quốc gia số 1. Bên Đông cũng có ARD, viết tắt của Außer Raum Dresden (ngoài khu vực Dresden), vì đài phương Tây đến địa phận Dresden là chết sóng. Miệng dân gọi khu vực này là “Thung lũng mù tin”[2].
Nhưng phi hành gia bên Tây là Astronaut, bên Đông là Kosmonaut[3]. Thực phẩm bên Đông bán trong Kaufhalle, bên Tây bán trong Supermarkt. Học trò bên Tây tốt nghiệp phổ thông trong Gymnasium, bên Đông trong Erweiterte allgemeinbildende polytechnische Oberschule. Người Đức bên Đông uống bia trong Gartenrestaurant, người Đức bên Tây uống bia trong Biergarten. Bên kia tập Aerobic, bên này tập Pop-Gymnastik. Bên này dùng Dederon. Bên kia dùng Nylon. Quần jeans bên kia, bên này là quần đinh tán[4]. Song gọi thế nào thì Levi’s cũng theo Elvis thành mặt “hàng cúi”[5] mà bên Đông khao khát mấy thập kỉ.
Thanh niên bên kia đi “nghĩa vụ quân sự”[6], thanh niên bên này đi “công tác danh dự”[7]. Bên kia gọi gián điệp là gián điệp. Bên này gọi gián điệp địch là gián điệp, gián điệp ta là “điệp báo viên của hòa bình”[8]. Bên kia gọi Bức tường Berlin là Bức tường Berlin, hay trần trụi là Bức tường[9]. Bên này chính thức gọi công trình xây dựng qua đêm ấy là Tường thành Tự vệ Chống Phát-xít[10]. Khi nó đổ, tên nó là Bức tường Berlin. Ngày 9 tháng Mười Một trần trụi là “Ngày đổ tường”[11].
Tiếng Đức bên Đông không có từ “cộng hòa chuối”. Chuối ở đó là “hàng cúi” đáng mơ ước, mỗi năm mậu dịch bán theo chỉ tiêu vào dịp lễ Giáng sinh. Nguồn ngoại tệ eo hẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được ưu tiên cho những nhu cầu quốc gia thiết yếu hơn là thỏa mãn nỗi thèm chuối của người dân. Dân Đông Đức có thể chờ trái cây nhiệt đới từ Việt Nam gửi sang, như trong bài hát “Miền Nam của em” phổ biến đầu những năm 70 của Hoàng Nguyễn[12]. Nhưng đầu những năm 80, khi tôi học tại CHDC Đức, “miền Nam của em” đã về với Việt Nam thống nhất từ lâu mà chính người miền Nam còn ăn bo bo cầm hơi, tôi không thấy một quả chuối Việt Nam nào tại Đông Đức. Quả chuối cong cong, vì 40 năm phải còng còng đi một vòng ngoài cõi Đông Đức, như lời một chuyện tếu, trở thành biểu tượng của một thế giới khác. Nỗi thèm chuối và nỗi thèm tự do khoác tay nhau cùng lớn. Một quốc gia trên trời dưới chuối, với người Đông Đức, không thể là một xứ tồi tệ.
Tiếng Đức bên Tây không có từ VEB, viết tắt của Volkseigener Betrieb (xí nghiệp sở hữu của nhân dân). Nhân dân bên Tây chỉ hiện diện trong thương hiệu xe hơi nổi tiếng Volkswagen là đã quá nhiều vinh dự. Ở bên Đông, nhân dân đứng ra bổ nghĩa toàn diện trong mọi khái niệm rường cột của tiếng Đức mới của những con người mới[13] với thế giới quan khoa học[14]: từ cộng hòa nhân dân (Volksrepublik) đến dân chủ nhân dân (Volksdemokratie) và chính quyền nhân dân (Volksregierung), từ nghị viện nhân dân (Volkskammer) đến mặt trận nhân dân (Volksfront), từ quân đội nhân dân (Volksarmme) đến công an nhân dân (Volkspolizei), từ đoàn kết nhân dân (Volkssolidarität) đến kiểm sát nhân dân (Volkskontrolle) và kẻ thù nhân dân (Volksfeind)… Nhưng cuộc nổi dậy của gần một triệu người bên Đông ngày 17 tháng Sáu 1953 thì bên Tây gọi là “khởi nghĩa nhân dân” (Volksaufstand), bên Đông gọi là “âm mưu đảo chính phản động” (konterrevolutionärer Putschversuch).
Bên Đông không sử dụng những thuật ngữ do bên Tây sáng tạo như “bức màn sắt” và “chiến tranh lạnh”. Bên Tây nhất định gọi chệch tên những phát minh của bên Đông như “nền kinh tế kế hoạch” thành “nền kinh tế chỉ huy”, “nhà nước công nông” thành “nhà nước độc tài”…
Từ vựng bên kia không có “cảnh giác cách mạng”, “lập trường giai cấp”, “phòng cán bộ”, “đại học công nông”, “anh hùng lao động”… “Trợ cấp thất nghiệp” không có trong từ vựng bên này, nơi chính thức không có nạn thất nghiệp. “Nhà nước pháp quyền”[15] cũng sặc mùi phương Tây. Để chỉ luật pháp xã hội chủ nghĩa, bên Đông có hẳn một khái niệm riêng, không thể dịch sang bất kì một ngôn ngữ nào mà giữ được nguyên sự độc đáo của nó: sozialistische Gesetzlichkeit.
Từ 1880, quyển từ điển Duden là kim chỉ nam cho toàn cõi Đức ngữ, từ Vương quốc Đức sang Cộng hòa Weimar rồi Đệ Tam Đế chế Quốc xã, cho đến khi bức tường ngôn ngữ chia nó thành Duden bên này và Duden bên kia.
Duden bên Tây, trụ sở đặt tại Mannheim, định nghĩa Kosmopolitismus đơn giản là “tinh thần công dân thế giới”. Định nghĩa của Duden bên Đông, trụ sở đặt tại Leipzig, phức tạp hơn nhiều: “Hệ tư tưởng khoác áo ‘tinh thần công dân thế giới’… nô lệ hóa các dân tộc, phục vụ tham vọng quyền lực của đế quốc Anh-Mỹ” (lần xuất bản năm 1951); “Tinh thần công dân thế giới, cách tư duy cho rằng công dân trước hết là một thành phần của toàn bộ nhân loại” (lần xuất bản năm 1957, khi khí hậu Đông Âu gặp kì “tan băng” sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô), và “Tinh thần công dân thế giới, hệ tư tưởng phi khoa học của giai cấp tư sản đế quốc” (lần xuất bản năm 1967, khi băng tan mười năm trước lại đóng cứng trong chiến tranh lạnh).
Ngày 3 tháng Mười 1990, nước Đức thống nhất. Bức tường ngôn ngữ không đổ trong một đêm, nhưng không đầy một năm sau Duden Đông, Duden Tây hợp nhất trong lần xuất bản thứ 20 năm 1991 thành Duden Thống nhất.[16]
*
35 năm sau Chiến tranh Việt Nam, chúng ta biết gì về giới tuyến ngôn ngữ trong tiếng Việt của hai thập kỉ Nam Bắc phân tranh 1954-1975?
Tiếng Việt hai miền dường như đã được coi là thống nhất ngay trong ngày mà xe tăng, con dấu và từ vựng của người chiến thắng phía Bắc tiến vào tiếp quản quốc gia không còn tồn tại của kẻ chiến bại phía Nam. Cũng như văn học hai miền thống nhất ngay trong ngày mà những tác phẩm quan trọng nhất của văn học miền Nam bị đưa vào danh sách cấm và các tác giả của chúng bước vào trại cải tạo. Song cho đến hôm nay, sự khác biệt giữa tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia vẫn tiếp tục tồn tại. Ở trong nước, nơi Việt Nam Cộng hòa chỉ là một quá khứ không đáng trưng bày ngay cả trong một viện bảo tàng, vĩ tuyến 17 không còn đóng một vai trò nào trong bản đồ ngôn ngữ chính thống của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nữa. Nhưng trong cộng đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại, còn được gọi là “một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài”[17], nơi quá khứ được giao cho sứ mệnh giữ chặt chìa khóa căn cước của cộng đồng, bức tường ngôn ngữ chưa đổ.
Cách đây không lâu, trò chuyện với một phụ nữ từ miền Nam ra đi, tị nạn tại một vùng miền Tây nước Đức, tôi vô tình nói câu “Cứ dùng thoải mái” và gặp phản ứng dữ dội. Bà trách mắng tôi “ăn nói như cán bộ cộng sản”, theo bà là những người “luôn miệng dùng từ thoải mái, cái gì cũng thoải mái, mà có cái gì được thoải mái đâu”. Tôi có dịp nghĩ về những trầm tích ngôn ngữ bất ngờ trong mình, dù không thấy bản thân từ thoải mái này có tội tình gì tới mức phải đuổi ra khỏi lãnh thổ ngôn ngữ của bất cứ phía nào. Hay từ âm mưu mà phía bên kia đặc biệt ưa viết giễu theo cách phát âm miền Bắc là âm miu: tội duy nhất của nó là phía bên này, với tinh thần “cảnh giác cách mạng cao độ”, thường xuyên sử dụng. Nhưng là người sinh trưởng ở phía bên này, chẳng phải tôi cũng từng dị ứng không kém với những từ cũng hoàn toàn vô tội như Bắc Việt thay vì miền Bắc, Nga Sô thay vì Liên Xô đó sao? Bên này viết Xô Viết, Xô-viết. Bên kia viết Soviet, Sô-viết. Phần lớn báo chí và sách tiếng Việt tại hải ngoại cho đến nay không theo những quy định chính tả phổ biến trong nước. Chính tả đã không còn chỉ là phép lịch sự với ngôn ngữ.
*
Cũng cách đây không lâu, trong một tiệm ăn Việt Nam ở Đông Berlin tôi được chứng kiến tiếng Việt ngày nay của một thanh niên miền Bắc trạc ba mươi. Anh hét vào điện thoại như sau:
“Đây. Nghe được chưa? Ông ở đéo đâu mà địt mẹ ồn thế? Địt mẹ lại Sài Ghềnh! Ngồi với thằng đéo nào? Vào mẹ nó phòng VIP mà gọi. Địt mẹ Đông Dương đéo có chất lượng sống, chỗ đéo nào cũng ồn đéo chịu được. Địt mẹ tôi nói nhanh đây này. Ông hỏi cái thằng chủ đất chứ hỏi đéo gì con mặt lồn… Thôi tút mẹ nó đi, địt con mẹ nó. Hợp đồng nó ký địt mẹ với thằng đéo nào thì mặc con buồi nó, mình đéo cần biết, ông hiểu chưa? Đéo cần quan tâm. Địt mẹ tiết kiệm nơ-ron thần kinh, ông hiểu chưa? Đụng vào cầu của mình thì địt mẹ đời nó ra cám, đéo gì mà lo. Địt mẹ cần thì bơm mẹ nó đầu kia thêm mấy lít. Địt mẹ làm đéo gì nhau… Hả? Địt mẹ tôi đéo đồng ý. Địt mẹ đéo nghe được. Ông giao lưu chỗ đéo nào mà đéo có phòng VIP? Địt mẹ tí tôi gọi lại.”
Một tiếng Việt thống nhất trong và ngoài nước[18], phi giới tuyến, phi ý thức hệ.
Người thanh niên ấy sinh ra sau chiến tranh. Có thể anh cũng theo thói quen, gọi người Việt bên Tây là Kiều và dành chữ Cộng mình cho người Việt bên Đông, nhưng câu chuyện tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia đối với anh là hoàn toàn xa lạ.
© 2010 Phạm Thị Hoài
© 2010 talawas
[1]Về Memfis Mafia, các cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức sau này đều đồng loạt quả quyết rằng mình không biết gì hết, rằng sau mỗi cuộc họp tối cao, Erich Honecker và Erich Mielke kéo nhau ra một góc để bàn riêng chuyện đó. Đến lượt mình, Honecker lại quả quyết rằng Stasi là chuyện của bố già Erich kia, chứ Erich này không can dự.
[2]Tal der Ahnungslosen
[3]Theo tiếng Nga космона́вт. Nhiều từ tiếng Nga được du nhập vào Đông Đức: Brigade (бригада) chỉ một đội sản xuất, Datsche (дача), Subbotnik (субботник)…
[4]Niethose
[5]Bückware, chỉ loại hàng cấm hoặc khan hiếm, phải giấu kĩ dưới đáy, dưới gầm, phải cúi xuống để lấy.
[6] Wehrpflicht
[7] Ehrendienst
[8]Kundschafter des Friedens
[9]Berliner Mauer hay die Mauer
[10]Antifaschistischer Schutzwall
[11]Tag des Mauerfalls
[12]“Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi. Chú ơi chú, bao giờ bao giờ, cho em hái dứa hái dừa hái xoài đào khoai, gửi sang Đông Đức, tặng bạn của em.”
[13]Der neue Mensch, một trong những thuật ngữ đặc trưng của hệ thống tuyên truyền và giáo dục tại CHDC Đức
[14]Die wissenschaftliche Weltanschauung, chỉ chủ nghĩa Marx-Lenin
[15]Rechtsstaat
[16] Einheitsduden
[17] Tên một tác phẩm của sử gia Tạ Chí Đại Trường, 1993
[18] Đám học trò trong video clip quay cảnh một nữ sinh đánh bạn tại Vườn hoa Con Cóc, Hà Nội, hồi đầu tháng Ba năm nay cũng sử dụng loại tiếng Việt này.
“Tôi xin ghi lại một vài câu mà chú tôi “ghi” được sau biến cố 30/4/1975…”
(pngan76).
Nói ra mang tiếng lắm “nhời”
Không nói bứt rứt đứng ngồi không yên.
Nói rằng “ghi”, dám không tin
Nhưng thấy có chút không “gin” chế vào !
Tôi xin ghi lại một vài câu mà chú tôi “ghi” được sau biến cố 30/4/1975:
Địt mẹ xưởng đẻ hôm lay đông quá đẻ gì mà đẻ nắm thế chật cả xưởng, nàm mình luôi nợn không kịp!
Dân miền lam ló ngu không chịu được, ló chế cái quạt mát thì co mát mà chạy theo ló vất vả quá, ló cứ xoay đi xoay nại nàm mình bò theo ló suốt đêm ngủ đéo được tí lào!
Không những vậy mà ló còn ngu thế lày thì hết chịu được, cái bồn sứ trắng tinh vậy mà ló ị vào đấy, mình nà mình rửa mặt còn không hết lửa! Ló ngu, ló trét cứt vào đấy! Ngu thế!Mình phải thông minh, mình nhét cái nổ nại thật kĩ, đổ lước vào mà rửa rau, rửa mặt! Văn minh nà phải thế!
Phải công nhận nà cái của bọn đế quốc ngon ở chỗ lày! Ló xài cái ghế mà mình đốt nò cả tuần vẫn còn nửa bốc, ngoài kia ghế mình xài xong nà chỉ có giỏi nắm thì đốt lửa buổi nà hết nhẵn, ghế của ló mình đốt nên lấu mì cả hơn tuần, đã thật!
Địt mẹ con đĩ miền lam, ló bắt mình bú nồn ló, mình điên gan mình nhét cả cây súng nục vào, ló van xin trối chết, ha ha… Ló ngu thật, phải lói nà bú âm hộ! Ló kém văn hóa thật! Hế hế! Nó còn đòi bú cái dương vật của mình, mình bảo nhột chết đi được, ló bảo mình bú ló, ló bú nại mình, mình chửi mả mẹ mày chứ ông nà cán bộ mà bắt ông bú âm hộ à! Chán cho cái dân lam mất văn hóa quá!
Anh Trương Thái Du thân mến,
Theo tôi tiếng Việt của người Việt ở nước ngoài là một câu chuyện khác, rất thú vị, nhưng nằm ngoài đề tài của bài viết này.
Tôi không có đủ thông tin để kết luận về chất lượng tiếng Việt của các thế hệ sau trong những gia đình người Việt thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau ở nước ngoài. Hơn nữa, như mọi ngôn ngữ, tiếng Việt cũng có nhiều cấp độ. Không thể so sánh chất lượng giữa tiếng Việt bình dân và tiếng Việt bác học chẳng hạn.
Tôi cũng không cho rằng trách nhiệm quan trọng nhất của cộng đồng Việt kiều – bất kể trí thức, bình dân, thành đạt hay kém thành đạt hơn – là bảo tồn văn hóa Việt.
Ngoài ra, sử dụng được tiếng Việt không đồng nghĩa với bảo tồn văn hóa Việt. Chúng ta biết một số người nước ngoài không biết tiếng Việt nhưng có những đóng góp vô giá trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Việt. Chúng ta cũng biết vô số người Việt sử dụng tiếng Việt thành thạo nhưng đã và đang tàn phá nhiều mảng quan trọng trong văn hóa Việt.
Thưa anh Trương Nhân Tuấn
Tên hành chính của “Gulf of Tonkin” hay “Golfe du Tonkin” theo cách gọi chính thức hiện nay của Việt Nam là Vịnh Bắc Bộ. Mời anh xem:
http://www.bando.com.vn/ShareVS/Hanhchinh/HCVN_2007.asp
Tòa soạn talawas có trách nhiệm biên tập các địa danh trong bài đăng trên talawas theo cách gọi chính thức này.
Để so sánh: chúng tôi cũng luôn sửa lại tên South China Sea hay Nam Hải, hay Nam Trung Quốc Hải, v.v… thành Biển Đông, theo cách gọi chính thức của Việt Nam.
Việc đánh giá cách gọi tên như thế nào là đúng đắn nhất nằm ngoài thẩm quyền của chúng tôi.
@ nguyen mai linh (NML)16/05/2010 lúc 1:50 sáng
PH của bác NML hay quá!
Những ngày tháng đầu tiên sau 30.4.75, tôi rất ngỡ ngàng và có ít nhiều “phản cảm” với một số những ngôn ngữ mới “nhập cảng” (= nhập khẩu) từ các anh em cán bộ, bộ đội Miền Bắc. Nào “đảm bảo” (trong khi Miền Nam nói là “bảo đảm”, ngược chiều nhau 180 độ). Nào là “đột xuất” , “đỉnh cao trí tuệ” nghe mạnh mẽ nhưng cục mịch làm sao. Tôi có ý nghĩ mấy ông ở Miền Bắc hình như cái gì cũng muốn thật “mạnh mẽ, quyết liệt” nên hay dùng chữ Đ, đ. trước (đảm, đột, và …ĐẢNG luôn luôn đứng trước Nhà Nước, Nhân dân !!).
Tuy vậy khi nghe chữ “ăn theo” thấy cũng ngồ ngộ, hình tượng và bảo đảm Việt Nam 100%, không ăn theo chút chữ Hán nào nên lại có cảm tình với chữ này. Vì vậy đọc PH của bác NML, tôi thấy thích chí nên xin được “ăn theo” PH của bác vậy.
“Có gì thì chỉ hỏi họ cho vui thôi, vì các ông các bà ấy có cái tài dùng „xảo thuật“ đấy! (Các bác không nghe Nhà nước nói à?!) Họ đéo mà tùy người nghe (đọc) mới thấy bị đéo.” (Hoàng Linh Vương)
@bác Hoàng Linh Vương,
Nhân thấy bác nhắc đến “xảo thuật” của “các ông các bà ấy”, tôi nhớ đến câu “định nghĩa” nhà văn viết tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Ngọc: “Cho nên, theo tôi công việc của nhà tiểu thuyết chính là làm cái trò ảo thuật này: dựng nên một thế giới đa chiều bằng toàn những phương tiện chỉ tuyệt đối hạn chế có hai chiều. Ai không biết làm được cái trò ảo thuật đó thì không thể trở thành nhà tiểu thuyết. Và mỗi nhà tiểu thuyết đều có cái thuật riêng của mình, mỗi cuốn tiểu thuyết đều có cái thuật riêng của nó để chơi cái trò huyền ảo đó.”(trích từ bài “Nguyên Ngọc – Ðôi điều về chuyện dịch”, trên talawas bộ cũ tại link này: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=28&rb=07). Và vì nhà văn NN nói về chuyện dịch thuật, nên tôi liên hệ ngay nó(chuyện dịch thuật) với “bức tường ngôn ngữ”. Một nhà văn, ngoài việc phải thông thạo cái “trò ảo thuật này”, họ còn phải “vượt qua” được những “bức tường ngôn ngữ” (hay nói rộng ra là những “bức tường trí tuệ”) mới có thể sáng tác nên những tác phẩm để đời được. Và cái hệ quả là: nếu các nhà dịch thuật văn học cũng muốn có được một bản dịch cho “ra hồn”, thì cũng phải “nhảy theo” các nhà văn, tức là cũng phải nhuần nhuyễn cái “trò ảo thuật này” và “vượt qua” được những “bức tường ngôn ngữ”. Còn nếu không, họ (những dịch giả) chỉ cho ra đời những cái “xác” của nguyên tác, thậm chí, tồi tệ hơn nữa là “sự huỷ diệt nguyên tác” như trường hợp của nhà văn Phan Ngọc khi dịch tác phẩm “Mỹ học” của Hegel sang tiếng Việt, mà nhà văn Phạm Thị Hoài đã nói rõ trong bài “Phạm Thị Hoài – Sấm Hegel”, cũng trên talawas bộ cũ, tại link này: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=36&rb=07. Thế mới thấy, trong chuyện “văn chương chữ nghĩa”, biết được “danh tính” của “bức tường ngôn ngữ” chưa đủ, mà còn phải biết được cả “xảo thuật” “vượt tường” nữa. Quay lại trường hợp của Phan Ngọc, tôi nghĩ ông này định “nhảy cóc” qua “bức tường ngôn ngữ”, nhưng không “qua nổi” vì chưa nắm vững “xảo thuật”, thế mới xảy ra “nông nỗi”!)
Chuyện ngôn ngữ nước ta thì có lắm điều để bàn để nói. Nhất là sự khác nhau trong cách dùng từ giữa hai miền Nam Bắc. Gởi cho các bác cái bài sau đọc cho vui
http://bsdk77.110mb.com/baiviet/tiengbactiengnam.htm
Sau năm 1975, một số từ lạ theo đoàn quân chiến thắng du nhập vào Nam, thoạt đầu nghe rất chói tai, nhưng xài riết cũng quen thấy không còn lạ nữa và đôi khi dùng nó một cách vô thức, nhập tâm lúc nào không hay. Chẳng hạn Ngụy, nhất trí, đăng ký kết hôn v.v.. Rồi dùng để nói thời VNCH, người ta hay nói hồi Ngụy, đồng ý thì nói là nhất trí. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, lại nảy thêm một số từ lạ từ sự giao dịch với các nước ngoài nhất là các nước chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Trung quốc, và một số từ ngày trước 75, được Việt hoá sau 75, quay trở lại, góp vào kho tàng ngôn ngữ đa dạng của dân tộc Việt. Đó là chuyện thuần tuý ngôn từ của người Việt
Vài ngày trước đây, một cô bạn gọi điện thoại tới tôi, giọng bức xúc
– Ông ơi! Tụi Tàu đang chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của mình, chắc là mất nước nay mai quá.
Trong lòng thầm nghĩ, chắc mẹ này hết chuyện suy nghĩ, giờ sao xoay qua chuyện chính trị, nước non. Cái chuyện đất nước là chuyện của đàn ông. Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách. Thất phu ở đây là đàn ông, chứ không phải dành cho các bà đâu nhé. Cái thói trong Nam khinh Nữ trong người chưa gột rửa hết sau hơn hai chục năm xa xứ. Nhưng nghĩ lại thì cũng cảm thấy xấu hổ, thẹn với lòng, khi mình cũng đâu có làm được gì khi nhìn cảnh biển đảo bị xâm chiếm.
– Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Mình ở ngoài này, thân lo chưa xong, lo chi chuyện ngoài tầm tay với.
Cô ta lại tiếp
– Thôi ông ơi! Lo mà học tiếng Tàu đi là vừa, mai mốt về Việt Nam, người ta sẽ nói tiếng Tàu không còn ai biết nói tiếng Việt cả đâu.
Nghe xong câu này thì giựt mình thiệt, vì nước mất thì có lẽ tiếng cũng mất thôi. Công lao bốn ngàn năm duy trì tiếng Việt của cha ông chẳng lẻ một sớm một chiều lại bị đồng hoá bởi tiếng Tàu. Nhưng nghiệm lại, sự nhạy cảm về vấn đề duy trì, bảo vệ tiếng mẹ đẻ thì nam giới có lẽ thua nữ giới. Có thể vì thế mà người ta hay nói tiếng mẹ đẻ mà không bao giờ nói tiếng cha đẻ chăng?
Ở nước ngoài bao nhiêu năm, tôi nhận thấy trong các gia đình nếu các bà mẹ không ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ, thì con cái sẽ không bao giờ chịu học hoặc nói tiếng Việt. Chính sự nhạy cảm về duy trì ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ của người dân Việt mà ít nhất có ba cử chỉ và hành động đầy bức xúc của ba người phụ nữ, một là Phạm Thị Hoài, người viết bài này, người bạn tôi, một người phụ nữ vô danh đang bức xúc về việc đánh mất tiếng Việt trước sự xâm lăng của Tàu và vợ tôi, một người luôn luôn quyết tâm duy trì tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt gia đình, và trong việc cố gắng dạy con học tiếng Việt gần như mỗi ngày.
@ Bác Trương Đức và các bác cả tin khác:
Các bác đừng „tin“ vào các ông bà nhà văn nhà thơ như ông nhà thơ Trần Dần, ông nhà văn Tuân Nguyễn v.v…, kể cả bà nhà văn Phạm thị Hoài cũng thế!
Có gì thỉ chỉ hỏi họ cho vui thôi, vì các ông các bà ấy có cái tài dùng „xảo thuật“ đấy! (Các bác không nghe Nhà nước nói à?!) Họ đéo mà tùy người nghe (đọc) mới thấy bị đéo.
Nhưng ở đây bác Trương Đức có lý! Tôi đọc mà không cảm thấy bị đéo 🙂
Bức tường ngôn ngữ thật kinh hoàng.
Đôi khi (và rất thường xuyên) người ta nói khác đi “kẻ thù” như để khẳng định lập trường, hoặc biểu thị sự chống đối.
Tôi nghĩ, đó là lý do chính để rất nhiều người sử dụng một lớp từ kiểu như A Phú Hãn, Kim Đại Trọng, Bá Linh… một cách thường xuyên, để tỏ rõ sự đối lập với “ngôn ngữ Cộng sản Hà Nội”.
Điều trớ trêu (not chớ trêu) là, khi sử dụng loại từ ấy, người ta lại (vô hình trung) trở thành đồng minh với một thứ “Cộng sản” khác, đó là các vị ở Trung Nam Hải (Nếu không là đồng minh với Trung Nam Hải thì cũng hiển hiện căn tính – hoặc quán tính – nô lệ Trung Hoa, ở đây là nô lệ ngôn ngữ).
Cách đây vài hôm, Talawas có dẫn một bài viết dưới thời VNCH, khẳng định chủ quyền “Tây Sa là của VN”. Nội dung lời khẳng định thì quý báu, nhưng cách định danh, e rằng, có hơn một nửa đã ngả theo Trung Quốc rồi.
Ôi!
“Một tiếng Việt thống nhất trong và ngoài nước[18], phi giới tuyến, phi ý thức hệ.
Người thanh niên ấy sinh ra sau chiến tranh. Có thể anh cũng theo thói quen, gọi người Việt bên Tây là Kiều và dành chữ Cộng mình cho người Việt bên Đông, nhưng câu chuyện tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia đối với anh là hoàn toàn xa lạ.”(Phạm Thị Hoài)
Tôi đang “trầm ngâm suy ngẫm” những triết lý về đời của Nhà Phật, của Đức Chúa Trời, thì… “bỗng nghe vần “đéo” vút lên cao”! Thế là tôi liền “bật phím” viết đôi dòng này, cũng mong góp một chút “chẳng cũng sướng sao” với các bác!:):
Tuy bài viết này chỉ liên hệ “Bức tường Berlin” với “bức tường ngôn ngữ”, nhưng tôi còn thấy được một bức tường khác mà có lẽ nhà văn Phạm Thị Hoài cố tình không muốn nói “toạc móng heo” ra ở đây, tôi xin gọi đó là “bức tường trí tuệ”. Đó là bởi vì chị Hoài đã “hé” ra ở câu kết của bài viết: “nhưng câu chuyện tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia đối với anh là hoàn toàn xa lạ.”. Đó là bởi vì, theo tôi nghĩ, có một “bức tường ngôn ngữ” (và nói rộng ra là “bức tường trí tuệ”) vô hình ở giữa anh thanh niên nọ với cái gọi là “sự phát ngôn cho có văn hóa”. Về điều này, chắc tôi cũng chẳng cần phải nói thêm mà làm gì, mà xin bàn tiếp về cái ý nghĩa sâu xa của “bức tường ngôn ngữ” bởi chính cái sự “vô hình” của nó!
Cũng như trí tuệ(hay tri thức) là thứ “vô hình”, ngôn ngữ của con người cũng mang tính “trừu tượng”, bởi con người dùng nó trong quá trình tiếp thụ “trí tuệ”(hay tri thức). Và có thể nói rằng quá trình tiếp thụ tri thức là quá trình “vượt” qua những “bức tường ngôn ngữ” và những “bức tường trí tuệ”. Tôi lấy ví dụ như việc học ngoại ngữ, hay nghiên cứu tìm hiểu đạo lý của một tôn giáo nào đó, nói “trắng” ra, chính là một sự “vượt tường”, (về sâu xa, cái việc những độc giả trong nước “vượt tường lửa” để vào được talawas cũng là một cái sự “vượt tường”!). Và cũng vì sự tồn tại một cách “vô hình” của “bức tường ngôn ngữ” ấy, mà tôi chưa được “thuyết phục” cho lắm bởi nhận định của bác Hoàng Linh Vương là “Tôi cho rằng ngôn ngữ có „thần“. Từ ngữ có nghĩa tốt thì toát ra „thánh thần“ còn từ ngữ có nghĩa xấu thì toát ra „tà thần“.”. Tôi thì nghĩ thêm rằng, cái “thần” của ngôn ngữ còn phụ thuộc vào chúng ta đang ở phía nào của “bức tường ngôn ngữ”. Tôi xin lấy ví dụ ở ngay trong bài này: nếu ở “phía bên kia bức tường ngôn ngôn” cùng với anh thanh niên nọ, thì đúng thật, “từ ngữ có nghĩa xấu thì toát ra „tà thần“” như bác HLV đã nói. Nhưng nếu chúng ta đã ở “phía bên này bức tường ngôn ngữ” với… nhà thơ Trần Dần chẳng hạn, thì cái từ có ý nghĩa “tục” là “con cặc” lại chẳng toát ra „tà thần“ tí nào trong câu phát biểu nổi tiếng của ông như sau: “Nắm, nắm cái con cặc!”. Hoặc như cái câu “buột miệng chửi thề” của nhà văn Tuân Nguyễn trong bài “Tưởng Năng Tiến – Chợt nhớ ông Tuân Nguyễn”: “Có ngại cái con cặc. Đù mạ…!” cũng không mang bóng dáng “tà thần” gì cả.
Cuộc sống của chúng ta được “bao bọc” bởi “những bức tường”, không phải ai cũng “nhìn thấy” được tất cả “những bức tường” ấy. Và vì thế, việc “định danh” chúng là rất quan trọng trong cuộc sống. Lần trước, trong một cuộc phỏng vấn ở Đại học Berkeley, nhà văn Phạm Thị Hoài đã chỉ ra một bức tường, “bức tường suy nghĩ”: “Nhiều người thường hỏi tôi: “Ở Việt Nam có được tự do viết không?” Câu trả lời là: “Ở Việt Nam có tự do muốn viết gì thì viết. Nhưng chị coi tầm nghĩ luôn luôn là tầm viết”. Vì thế câu hỏi, theo tôi, phải là: “Ở Việt Nam có được tự do nghĩ không?””(trích Buivanphu’s Blog – “Phạm Thị Hoài: văn học “Hậu đổi mới” là thời kỳ hoàng kim của tự kiểm duyệt”). Và lần này, chị lại cho biết thêm một bức tường nữa, “bức tường ngôn ngữ”. Xin cám ơn tác giả rất nhiều!
Thưa chị Hoài, tôi nghĩ trong văn hóa cũng có “bức tường ngôn ngữ”. Cụ thể là ở nhiều gia đình trí thức Việt kiều thành đạt, các đời con cháu họ đều nói tiếng Việt rất tệ. Tất nhiên là có nhiều lý do như ít thời gian “luyện tiếng”, mải lo “hòa nhập” xứ người.v.v… Như vậy nếu cho rằng ngôn ngữ là sợi dây rốn của một con người văn hóa, thì lớp người ít học hành và thành đạt hơn lại là đội ngũ bảo tồn văn hóa chủ yếu trong cộng đồng Việt kiều. Điều này cũng đúng với Hoa kiều trên khắp thế giới, đặc biệt là ở VN.
Bài viết của Phạm Thị Hoài luôn đặt ra nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng đáng để suy gẫm. Ở đây nói về sự tiến (thoái) hóa của ngôn ngữ Việt. Coi bộ tiếng mình sắp thành tiếng… Đức ! Người ta nói tiếng Đức để… chửi lộn (xổ tiếng Đức = chủi thề) vì cách phát âm tiếng Đức rất mạnh, (cho dầu hai người Đức đang nói chuyện yêu đương nhưng người ngoại quốc nghe như là đang chửi lộn).
Tôi chỉ có một góp ý nhỏ về việc sử dụng Bắc Việt, Bắc Kỳ, Bắc Phần hay Miền Bắc?
Cá nhân tôi luôn viết Vịnh Bắc Việt để chỉ «golfe du Tonkin» (nhưng luôn bị BBT Talawas sửa lại thành Vịnh Bắc Bộ). Tôi không hề có ý nghĩ phân biệt ngôn ngữ địa phương mà chỉ cố gắng dịch cho đúng một danh từ quốc tế.
Điều đáng tiếc là hiện nay VN sử dụng từ «vịnh Bắc Bộ – golfe du Beibu». Mà tên «vịnh Bắc Bộ – golfe du Beibu» theo tôi là đến từ phía Trung Quốc, trong vùng này họ còn có các địa danh thuộc Trung Quốc như «Bắc Hải».
Hiện nay đang có nỗ lực vận động (rất đáng khâm phục) của nhiều trí thức VN về việc đổi tên «biển Hoa Nam» thành «biển Đông Nam Á».
Tại sao «golfe du Tonkin» không chịu viết thành «vịnh Bắc Việt» mà đổi ra thành «vịnh Bắc Bộ»?
Bắc Bộ, đối với người VN có thể dễ dàng hiểu là «Bắc Việt», nhưng trước một người nước ngoài, «Bắc Bộ» có thể hiểu khác và hoàn toàn không dính dáng gì với «Tonkin» tức Bắc Kỳ.
Tôi còn nhớ bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc: «Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ…» Hai chữ Bắc Kỳ ở đây dễ thuơng làm sao! Nhưng khi nghe câu «Bắc Kỳ ăn cá rô cây…» thì (những người miền Bắc) thấy sốc.
Ngôn ngữ thay đổi ý nghĩa tùy nơi tùy lúc.
Hương Âm Vô Cải
@Thanh Nguyễn.
Ngày xửa, ngày xưa, người ta không được đi trên “đường Kách Mạng”, không được “giải phóng” cho nên thơ Hạ Tri Chương mới có hai câu sau :
Thiếu tiểu ly hương lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi…
(Xa quê hương từ ngày còn thơ ấu, già mới trở về/ Tiếng làng không thấy đổi thay gì, chỉ có ta là đầu tóc bạc phơ…)
Ngày nay, nhờ “kách mạng”, nhờ “thống nhất” sau “giải phóng” chỉ mới 35 năm mà ngôn ngữ dân tộc thay đổi “quý hóa” hãi hùng như vậy đó. Chẳng cũng sướng sao !
NGÔN VỚI CHẢ NGỮ
Bài viết này phang (oánh) ngay vào tiềm thức của tôi (người bắc), để rồi luận ra ngôn ngữ từ góc cạnh khác nó như thế này:
Tôi cho rằng ngôn ngữ có „thần“. Từ ngữ có nghĩa tốt thì toát ra „thánh thần“ còn từ ngữ có nghĩa xấu thì toát ra „tà thần“. Nghe đến chữ „thiên đường“ thì tự nhiên thấy nó lung linh lắm, còn nghe về chữ „địa ngục“ thì ôi thôi nó tối tăm làm sao (Muốn biết thêm thì hỏi các ông bà nhà văn nhà thơ).
Đã từ lâu rồi, người Việt Nam chúng ta phải thành thực công nhận với nhau rằng miền bắc có Hà Nội là cái nôi văn hoá. Mạnh dạn mà nói không bốc phét (sạo) thì chủ yếu ngôn ngữ của miền bắc hình thành văn hóa Việt. Tốt có, nhưng đàng hoàng mà nói thì xấu không phải không. Bối cảnh lịch sự lại còn a tòng (a dua) nữa nên cái ảnh hưởng của ngôn ngữ của miền bắc này vào mọi miền đất nước hơi „bị“ cao nếu không nói là khủng khiếp (dễ sợ). Đúng là „số hưởng“!
Ít chục năm ngăn cách, sau ngày toàn thắng (mất nước), đối với những người sinh sống trong nam -kể cả „bắc kỳ di cư“- được nghe một số từ ngữ đặc chủng từ cái nôi mà có lúc lạnh gáy (dễ sợ), lại có lúc nóng gáy (nực gà).
Thí dụ điển hình như „diễn biến hòa bình“! Đúng ra là một cụm từ được dùng để diễn tả một nỗ lực tránh xung khắc, làm thuận hòa để con người an lành sống chung với nhau (cá nhân tôi hiểu như thế, và nó là điều tốt!) Thế nhưng nó đã được „động não“ thế nào mà bây giờ ai nghe đến cũng phải hiểu rằng nó ám chỉ một sự quấy nhiễu, một điều không nên làm. Nếu thêm chữ „âm mưu“ ở đằng trước nữa thì nó cực kỳ (rất) phản động.
Lại có những từ tự nhiên làm cho người ta vui như tôi được nghe các anh bộ đội thường nói: “hôm nay đồng chí đi ngoại giao (xin) được bó rau muống về cho đơn vị đấy à…“ v.v…
Nhưng lại có những từ ngữ phản cảm không thể chấp nhận được như dụng cụ trang trí đóng phim được gọi là „đạo cụ“. Gọi như thế thì nghĩa „vừa quốc vừa xẻng“ mà chả thấy tí minh tinh điện ảnh nào. Mất hẳn cảm giác mỹ thuật rồi. Thế sao mà nom (dòm). Ai thì tôi không biết chứ tôi vẫn chưa thể quen cái từ „đạo cụ“ này.
Mới đây, trên talawas lại có bài viết đề cập đến những từ „tiêu chuẩn“ và „tiêu chí“. Một cách rất sượng sùng „tiêu chuẩn“ được xử dụng cho cái nghiã khác (Hộ nhà tôi được tiêu chuẩn 2 lạng thịt lợn…), còn „tiêu chuẩn“ -đúng nghĩa- thì có khi lại được thay thế bằng „tiêu chí“. Chúng ta vẫn gọi „tiêu chuẩn quốc tế“ để chỉ một định mức nhất định của quốc tế về một lãnh vực nào đó. Phải thế không hay là tôi lại sai mất rồi?!
Hay là lại có ai đó đang nói ở đây cũng phải gọi là „tiêu chí quốc tế“? (Nếu là „tiêu chí quốc tế“ thì nó lại có nghĩa riêng của nó). Đúng không thưa các bác?! Rõ khổ!
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 35 năm của sự “thống nhất xuống cấp”
Cảm ơn chị Hoài về câu chuyện thú vị.