Phạm Thị Hoài – Bức tường ngôn ngữ
14/05/2010 | 12:00 chiều | 57 Comments
Category: Ngôn ngữ - Dịch thuật, Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: bức tường Berlin > Cộng hòa chuối > Elvis Presley > Việt Nam Cộng hòa nối dài
Khi nước Đức còn chia hai, bên Tây có C&A, chuỗi cửa hàng thời trang bình dân có mặt mọi nơi; bên Đông cũng có C&A, viết tắt của Cоветская Aрмия, gắn trên biển số xe Quân đội Xô-viết, tràn ngập mọi chỗ.
Bên Tây, Memphis đương nhiên là một khái niệm, vì Elvis Presley. Bên Đông không rock ‘n’ roll, không Memphis và Memphis Mafia, thì có Memfis (MfS), viết tắt của Ministerium für Staatssicherheit, cách miệng dân gọi Bộ An ninh Quốc gia, một vương quốc khổng lồ đóng kín trong một thiên đường xã hội chủ nghĩa khép chặt[1].
Bên Tây có ARD, hệ thống đài phát thanh và truyền hình quốc gia số 1. Bên Đông cũng có ARD, viết tắt của Außer Raum Dresden (ngoài khu vực Dresden), vì đài phương Tây đến địa phận Dresden là chết sóng. Miệng dân gọi khu vực này là “Thung lũng mù tin”[2].
Nhưng phi hành gia bên Tây là Astronaut, bên Đông là Kosmonaut[3]. Thực phẩm bên Đông bán trong Kaufhalle, bên Tây bán trong Supermarkt. Học trò bên Tây tốt nghiệp phổ thông trong Gymnasium, bên Đông trong Erweiterte allgemeinbildende polytechnische Oberschule. Người Đức bên Đông uống bia trong Gartenrestaurant, người Đức bên Tây uống bia trong Biergarten. Bên kia tập Aerobic, bên này tập Pop-Gymnastik. Bên này dùng Dederon. Bên kia dùng Nylon. Quần jeans bên kia, bên này là quần đinh tán[4]. Song gọi thế nào thì Levi’s cũng theo Elvis thành mặt “hàng cúi”[5] mà bên Đông khao khát mấy thập kỉ.
Thanh niên bên kia đi “nghĩa vụ quân sự”[6], thanh niên bên này đi “công tác danh dự”[7]. Bên kia gọi gián điệp là gián điệp. Bên này gọi gián điệp địch là gián điệp, gián điệp ta là “điệp báo viên của hòa bình”[8]. Bên kia gọi Bức tường Berlin là Bức tường Berlin, hay trần trụi là Bức tường[9]. Bên này chính thức gọi công trình xây dựng qua đêm ấy là Tường thành Tự vệ Chống Phát-xít[10]. Khi nó đổ, tên nó là Bức tường Berlin. Ngày 9 tháng Mười Một trần trụi là “Ngày đổ tường”[11].
Tiếng Đức bên Đông không có từ “cộng hòa chuối”. Chuối ở đó là “hàng cúi” đáng mơ ước, mỗi năm mậu dịch bán theo chỉ tiêu vào dịp lễ Giáng sinh. Nguồn ngoại tệ eo hẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được ưu tiên cho những nhu cầu quốc gia thiết yếu hơn là thỏa mãn nỗi thèm chuối của người dân. Dân Đông Đức có thể chờ trái cây nhiệt đới từ Việt Nam gửi sang, như trong bài hát “Miền Nam của em” phổ biến đầu những năm 70 của Hoàng Nguyễn[12]. Nhưng đầu những năm 80, khi tôi học tại CHDC Đức, “miền Nam của em” đã về với Việt Nam thống nhất từ lâu mà chính người miền Nam còn ăn bo bo cầm hơi, tôi không thấy một quả chuối Việt Nam nào tại Đông Đức. Quả chuối cong cong, vì 40 năm phải còng còng đi một vòng ngoài cõi Đông Đức, như lời một chuyện tếu, trở thành biểu tượng của một thế giới khác. Nỗi thèm chuối và nỗi thèm tự do khoác tay nhau cùng lớn. Một quốc gia trên trời dưới chuối, với người Đông Đức, không thể là một xứ tồi tệ.
Tiếng Đức bên Tây không có từ VEB, viết tắt của Volkseigener Betrieb (xí nghiệp sở hữu của nhân dân). Nhân dân bên Tây chỉ hiện diện trong thương hiệu xe hơi nổi tiếng Volkswagen là đã quá nhiều vinh dự. Ở bên Đông, nhân dân đứng ra bổ nghĩa toàn diện trong mọi khái niệm rường cột của tiếng Đức mới của những con người mới[13] với thế giới quan khoa học[14]: từ cộng hòa nhân dân (Volksrepublik) đến dân chủ nhân dân (Volksdemokratie) và chính quyền nhân dân (Volksregierung), từ nghị viện nhân dân (Volkskammer) đến mặt trận nhân dân (Volksfront), từ quân đội nhân dân (Volksarmme) đến công an nhân dân (Volkspolizei), từ đoàn kết nhân dân (Volkssolidarität) đến kiểm sát nhân dân (Volkskontrolle) và kẻ thù nhân dân (Volksfeind)… Nhưng cuộc nổi dậy của gần một triệu người bên Đông ngày 17 tháng Sáu 1953 thì bên Tây gọi là “khởi nghĩa nhân dân” (Volksaufstand), bên Đông gọi là “âm mưu đảo chính phản động” (konterrevolutionärer Putschversuch).
Bên Đông không sử dụng những thuật ngữ do bên Tây sáng tạo như “bức màn sắt” và “chiến tranh lạnh”. Bên Tây nhất định gọi chệch tên những phát minh của bên Đông như “nền kinh tế kế hoạch” thành “nền kinh tế chỉ huy”, “nhà nước công nông” thành “nhà nước độc tài”…
Từ vựng bên kia không có “cảnh giác cách mạng”, “lập trường giai cấp”, “phòng cán bộ”, “đại học công nông”, “anh hùng lao động”… “Trợ cấp thất nghiệp” không có trong từ vựng bên này, nơi chính thức không có nạn thất nghiệp. “Nhà nước pháp quyền”[15] cũng sặc mùi phương Tây. Để chỉ luật pháp xã hội chủ nghĩa, bên Đông có hẳn một khái niệm riêng, không thể dịch sang bất kì một ngôn ngữ nào mà giữ được nguyên sự độc đáo của nó: sozialistische Gesetzlichkeit.
Từ 1880, quyển từ điển Duden là kim chỉ nam cho toàn cõi Đức ngữ, từ Vương quốc Đức sang Cộng hòa Weimar rồi Đệ Tam Đế chế Quốc xã, cho đến khi bức tường ngôn ngữ chia nó thành Duden bên này và Duden bên kia.
Duden bên Tây, trụ sở đặt tại Mannheim, định nghĩa Kosmopolitismus đơn giản là “tinh thần công dân thế giới”. Định nghĩa của Duden bên Đông, trụ sở đặt tại Leipzig, phức tạp hơn nhiều: “Hệ tư tưởng khoác áo ‘tinh thần công dân thế giới’… nô lệ hóa các dân tộc, phục vụ tham vọng quyền lực của đế quốc Anh-Mỹ” (lần xuất bản năm 1951); “Tinh thần công dân thế giới, cách tư duy cho rằng công dân trước hết là một thành phần của toàn bộ nhân loại” (lần xuất bản năm 1957, khi khí hậu Đông Âu gặp kì “tan băng” sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô), và “Tinh thần công dân thế giới, hệ tư tưởng phi khoa học của giai cấp tư sản đế quốc” (lần xuất bản năm 1967, khi băng tan mười năm trước lại đóng cứng trong chiến tranh lạnh).
Ngày 3 tháng Mười 1990, nước Đức thống nhất. Bức tường ngôn ngữ không đổ trong một đêm, nhưng không đầy một năm sau Duden Đông, Duden Tây hợp nhất trong lần xuất bản thứ 20 năm 1991 thành Duden Thống nhất.[16]
*
35 năm sau Chiến tranh Việt Nam, chúng ta biết gì về giới tuyến ngôn ngữ trong tiếng Việt của hai thập kỉ Nam Bắc phân tranh 1954-1975?
Tiếng Việt hai miền dường như đã được coi là thống nhất ngay trong ngày mà xe tăng, con dấu và từ vựng của người chiến thắng phía Bắc tiến vào tiếp quản quốc gia không còn tồn tại của kẻ chiến bại phía Nam. Cũng như văn học hai miền thống nhất ngay trong ngày mà những tác phẩm quan trọng nhất của văn học miền Nam bị đưa vào danh sách cấm và các tác giả của chúng bước vào trại cải tạo. Song cho đến hôm nay, sự khác biệt giữa tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia vẫn tiếp tục tồn tại. Ở trong nước, nơi Việt Nam Cộng hòa chỉ là một quá khứ không đáng trưng bày ngay cả trong một viện bảo tàng, vĩ tuyến 17 không còn đóng một vai trò nào trong bản đồ ngôn ngữ chính thống của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nữa. Nhưng trong cộng đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại, còn được gọi là “một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài”[17], nơi quá khứ được giao cho sứ mệnh giữ chặt chìa khóa căn cước của cộng đồng, bức tường ngôn ngữ chưa đổ.
Cách đây không lâu, trò chuyện với một phụ nữ từ miền Nam ra đi, tị nạn tại một vùng miền Tây nước Đức, tôi vô tình nói câu “Cứ dùng thoải mái” và gặp phản ứng dữ dội. Bà trách mắng tôi “ăn nói như cán bộ cộng sản”, theo bà là những người “luôn miệng dùng từ thoải mái, cái gì cũng thoải mái, mà có cái gì được thoải mái đâu”. Tôi có dịp nghĩ về những trầm tích ngôn ngữ bất ngờ trong mình, dù không thấy bản thân từ thoải mái này có tội tình gì tới mức phải đuổi ra khỏi lãnh thổ ngôn ngữ của bất cứ phía nào. Hay từ âm mưu mà phía bên kia đặc biệt ưa viết giễu theo cách phát âm miền Bắc là âm miu: tội duy nhất của nó là phía bên này, với tinh thần “cảnh giác cách mạng cao độ”, thường xuyên sử dụng. Nhưng là người sinh trưởng ở phía bên này, chẳng phải tôi cũng từng dị ứng không kém với những từ cũng hoàn toàn vô tội như Bắc Việt thay vì miền Bắc, Nga Sô thay vì Liên Xô đó sao? Bên này viết Xô Viết, Xô-viết. Bên kia viết Soviet, Sô-viết. Phần lớn báo chí và sách tiếng Việt tại hải ngoại cho đến nay không theo những quy định chính tả phổ biến trong nước. Chính tả đã không còn chỉ là phép lịch sự với ngôn ngữ.
*
Cũng cách đây không lâu, trong một tiệm ăn Việt Nam ở Đông Berlin tôi được chứng kiến tiếng Việt ngày nay của một thanh niên miền Bắc trạc ba mươi. Anh hét vào điện thoại như sau:
“Đây. Nghe được chưa? Ông ở đéo đâu mà địt mẹ ồn thế? Địt mẹ lại Sài Ghềnh! Ngồi với thằng đéo nào? Vào mẹ nó phòng VIP mà gọi. Địt mẹ Đông Dương đéo có chất lượng sống, chỗ đéo nào cũng ồn đéo chịu được. Địt mẹ tôi nói nhanh đây này. Ông hỏi cái thằng chủ đất chứ hỏi đéo gì con mặt lồn… Thôi tút mẹ nó đi, địt con mẹ nó. Hợp đồng nó ký địt mẹ với thằng đéo nào thì mặc con buồi nó, mình đéo cần biết, ông hiểu chưa? Đéo cần quan tâm. Địt mẹ tiết kiệm nơ-ron thần kinh, ông hiểu chưa? Đụng vào cầu của mình thì địt mẹ đời nó ra cám, đéo gì mà lo. Địt mẹ cần thì bơm mẹ nó đầu kia thêm mấy lít. Địt mẹ làm đéo gì nhau… Hả? Địt mẹ tôi đéo đồng ý. Địt mẹ đéo nghe được. Ông giao lưu chỗ đéo nào mà đéo có phòng VIP? Địt mẹ tí tôi gọi lại.”
Một tiếng Việt thống nhất trong và ngoài nước[18], phi giới tuyến, phi ý thức hệ.
Người thanh niên ấy sinh ra sau chiến tranh. Có thể anh cũng theo thói quen, gọi người Việt bên Tây là Kiều và dành chữ Cộng mình cho người Việt bên Đông, nhưng câu chuyện tiếng Việt phía này và tiếng Việt phía kia đối với anh là hoàn toàn xa lạ.
© 2010 Phạm Thị Hoài
© 2010 talawas
[1]Về Memfis Mafia, các cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức sau này đều đồng loạt quả quyết rằng mình không biết gì hết, rằng sau mỗi cuộc họp tối cao, Erich Honecker và Erich Mielke kéo nhau ra một góc để bàn riêng chuyện đó. Đến lượt mình, Honecker lại quả quyết rằng Stasi là chuyện của bố già Erich kia, chứ Erich này không can dự.
[2]Tal der Ahnungslosen
[3]Theo tiếng Nga космона́вт. Nhiều từ tiếng Nga được du nhập vào Đông Đức: Brigade (бригада) chỉ một đội sản xuất, Datsche (дача), Subbotnik (субботник)…
[4]Niethose
[5]Bückware, chỉ loại hàng cấm hoặc khan hiếm, phải giấu kĩ dưới đáy, dưới gầm, phải cúi xuống để lấy.
[6] Wehrpflicht
[7] Ehrendienst
[8]Kundschafter des Friedens
[9]Berliner Mauer hay die Mauer
[10]Antifaschistischer Schutzwall
[11]Tag des Mauerfalls
[12]“Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi. Chú ơi chú, bao giờ bao giờ, cho em hái dứa hái dừa hái xoài đào khoai, gửi sang Đông Đức, tặng bạn của em.”
[13]Der neue Mensch, một trong những thuật ngữ đặc trưng của hệ thống tuyên truyền và giáo dục tại CHDC Đức
[14]Die wissenschaftliche Weltanschauung, chỉ chủ nghĩa Marx-Lenin
[15]Rechtsstaat
[16] Einheitsduden
[17] Tên một tác phẩm của sử gia Tạ Chí Đại Trường, 1993
[18] Đám học trò trong video clip quay cảnh một nữ sinh đánh bạn tại Vườn hoa Con Cóc, Hà Nội, hồi đầu tháng Ba năm nay cũng sử dụng loại tiếng Việt này.
@Tôn Văn:
Hôm nay mới diện kiến được phản hồi tiếp của bác. Xét ra câu văn này cũng không ổn:
“Sie werden zurechtkommen”
zurecht là 1 tính từ, có nghĩa là đúng đắn, chính xác. Nó không phải là Präposition (giới từ) để có thể đặt trước Verb (động từ) như những giới từ: hin, hinein, auf, an, ab, … để kết hợp với động từ kommen để tạo ra từ có nghĩa.
Ta nên viết chính xác hơn là:
Sie werden zurecht kommen.
@Trần Văn Tích:
Tôi nghĩ bác hỏi như vậy là làm khó bác Tôn Văn rồi. Tôi cho rằng bác Tôn văn viết thừa chữ “r” ở chữ “zur” và quên viết 2 chữ “zu” và “recht” liền nhau thôi.
@Tôn Văn:
Nguyên bản là như này: http://www.textlog.de/21158.html
Trong khổ thứ 2, chữ “Noth” là ko đúng vì nó ko có nghĩa gì trong tiếng Đức, và chữ đúng là “Not”, nghĩa là nạn, sự cấp bách.
Tôi dịch lại nghĩa nguyên nhé, còn việc bác văn vẻ nó lại như nào mà giữ đúng nghĩa thì tùy bác.
Gửi Göthe
Cái chưa mất
Chỉ là ngụ ngôn.
Chúa tể của điều nghi kỵ
Là trò ngụy biện văn hoa
Vòng xoay của thế gian, thứ đang lăn,
Thoáng vẽ nên cái mục đích theo kiểu:
Nạn – , là thứ mà kẻ thù đặt tên,
Kẻ ngu ngốc gọi nó là trò chơi…
Trò chơi của thế gian, thứ thống trị đó, nó
Hòa lẫn sự tồn tại và sự vinh hiển: –
Điều ngu ngốc vĩnh cửu đó
Hòa tan chúng ta vào!…
Cảm ơn Bác Tích về việc chỉ lỗi.
Khi trình bày đã chủ quan mà không tra cứu chính tả.
Động từ ghép „zurechtkommen“ nghĩa là „đến đúng cái chỗ mong muốn“; Đúng theo sách thì phải/xin sửa như sau:
Sie werden zurechtkommen
=
(Với cách nói như vậy, cuối cùng) họ cũng hiểu được nhau (như mong muốn của hai bên).
Trân trọng,
Tôn Văn
Ông/Bà Tôn Văn,
Recht là das thì làm sao lại zur Recht được?
ĐÔI DÒNG CẢM TẠ
1
Thưa Chị Hoa Bất Tử,
Thưa Anh Trương Sỏi!
Mặc dù có chút bận vướng đời thường, tôi vẫn luôn cánh cánh về sự lưu tâm của quý Anh, Chị đối với phản hồi trước của tôi trong chuyên mục „ngôn ngữ, dịch thuật“ này. Bỗng nhiên cảm khái mà lẩy:
Nợ … „phản hồi“ chưa trả cho ai,
Khối „phản hồi“ thác xuống tuyền đài (không, hay chưa có internet) chẳng tan!
Vậy xin nhờ gửi nơi đây ít dòng như lời cảm tạ.
2
Ngôn ngữ (được định nghĩa là công cụ của tư duy) có hai đặc điểm: Một là nó SỐNG (nhớ lời Thày Bùi Phụng: Ngôn ngữ là sinh ngữ); Hai là có sự PHÂN TẦNG.
– Vì nó sống nên có tử ngữ và cũng có những chữ mới nảy sinh mà bất cứ tử-sinh nào cũng do duyên hợp; Nghĩa là một hoàn cảnh tạo ra ngôn ngữ (cách nói) đó. Đọc bài của chị Đoan Trang, (thứ Tư ngày 1 tháng Tư 2009) đến câu: „Gớm, làm gì đến; Các bác cứ ĐỖ TƯƠNG lên quá thể“ – Tôi thật thấy lý thú và … xúc động: Tôi đã sống qua cái thời gian sinh ra thứ ngôn ngữ – kiểu nói này. Đó là thời gian „nhà chính trị làm thơ, nhà thơ làm kinh tế; Thống chế … đặt vòng; …“. Ông Tố Hữu lên làm thủ tướng với những đổi tiền, bù gi(đ)á vào lư(ơ)ng, … hỗn loạn, bế tắc! Trên các chuyến xe vé tháng „Ba Đình“ (máy IFA đóng vỏ thành xe khách) từ Nghĩa Đô về Cửa Nam – La Thành – Đuôi Cá, cậu thanh niên (tên Long „quánh“?) cứ ghé vào mặt tôi mà đưa ra những chữ mới bằng cách ghép các tên phố Hà Nội vào một ý nào đó: „Trông em (Nguyễn Thượng) Hiền quá!“, „Gớm, làm gì mà Cao Bá Quát (nói giá cao) dữ thế?“, etc. – Ngôn ngữ của bế tắc, trì trệ, dài giòng, vô nghĩa, tạo phản ứng, … đã thành di sản!
– Ngôn ngữ phân tầng cũng là thực tế cuộc sống. (Chữ này tôi có được khi tham khảo tài liệu computer, phần ngôn ngữ lập trình, từ thuật ngữ „language-level“). Sự phân tầng dẫn tôi đến hình ảnh cái cây và ngộ ra rằng cây đại thụ ngôn ngữ Truyện Kiều phủ trùm văn hóa Việt vì nó đủ tầng nhánh trùm che cho mọi thân phận cuộc đời! Nhưng sự phân tầng – Cây ngôn ngữ cũng dẫn đến hình ảnh khác; Đó là cách coi dịch thuật như một HÀNH ĐỘNG (định viết TRÒ CHƠI, nhưng ở đây thực sự là nghiêm túc!) CỦA KHỈ. Khi lượm một trái nào từ cây ngôn ngữ khác, khỉ (tức là con người chúng ta) thường với trái ngang tầm. Muốn có trái cao hơn hoặc thấp hơn đều phải tốn hao nhiều nỗ lực. Người lao động hợp tác với 3 tháng học tiếng cùng thời gian lao động chỉ có thể dùng tiếng Đức với động từ ở thể không chia; Nhưng họ hiểu nhau (Sie kommen alle zur Recht) vì họ tự biết mình cần gì và, nhất là, họ đều cần có nhau!…
Cuộc sống!
Vâng, và bỗng nhiên tôi lại nhớ đến câu thơ của một nhà thơ nữ Việt Nam (Nguyễn Thị Minh Khanh?):
Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui,
Những ngày vui sao bỗng bùi ngùi…
3
Kết lời cảm tạ, xin gửi quý Anh, Chị một bản dịch chưa chắc đã nên gọi là hoàn thành (thật ưng ý):
An Goethe
Friedrich Nietzsche (1844-1900)
Das Unvergängliche
Ist nur dein Gleichnis!
Gott der Verfängliche
Ist Dichter-Erschleichnis…
Welt-Rad, das rollende,
Streift Ziel auf Ziel:
Noth – nennt’s der Grollende,
Der Narr nennt’s – Spiel…
Welt-Spiel, das herrische,
Mischt Sein und Schein: –
Das Ewig-Närrische
Mischt uns – hinein!…
Gửi Gớt
Rằng điều vương vấn trong ta,
Chỉ là miệng thế, chỉ là dụng ngôn!
Ngả nghiêng đàn hát thi nhân,
Cũng do con tạo xoay vần mà nên…
Sát na luân thế chuyển vần,
Chẳng qua như giấc mộng xuân đương thì:
Chán nhàm bao chuyện thị phi,
Thánh rằng cuồng nộ, ngu si rằng đùa…
Vênh vang nhân thế cuộc cờ,
Là thân là ảnh, tỏ mờ đổi thay: –
Trăm năm câu chuyện khóc cười,
Túi càn khôn cuốn con người vào trong! …
Thật nhiều trân trọng,
Tôn Văn
Postskriptum:
InternetCafe hôm nay nghỉ cả! Tha thẩn trên đường [Nguyễn Bính: Tha thẩn đường chiều …; S.H. xác nhận: nhiều khi những ý (cả to lẫn nhỏ), / Chợt đến lúc đi đường.], nghĩ thêm được mấy ý; Xin ghi lại:
Nhiều người kêu ca rằng ngày nay là thời bằng cấp rởm; Thực ra đã có cuộc chuyến biến thời thế quan trọng: Trong chiến tranh, những người cách mạng với „khí tiết của người cộng sản như bông hoa trước ngực, hương thơm muôn thuở“ (Bất Khuất, Nguyễn Đức Thuận) và quyết tâm „nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng“ đã làm nên nhiều kỳ tích. Hiện thực „chính trị kiêm thơ, thơ trùm kinh tế“ là hệ lụy của nó khi chuyển từ chiến tranh (vận động) sang hòa bình (xây dựng). Cuộc sống đã phê phán và con người đã công/thừa/chấp nhận. Thôi thì ban đầu cứ dùng tạm (những) cái … chưa được thật và chờ cho „lượng đổi, chất đổi“ vậy. Vấn đề quan trọng là: Cuộc sống xác nhận TRI THỨC LÀ ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN mà bác Hà Sỹ Phu không còn cần chứng minh thêm. Các (nhà) trí thức cứ yên tâm (với tiến trình lịch sử) mà phát biểu ý kiến của mình. „Nói phải củ cải cũng nghe“ – dân gian nói thế; Và ta hy vọng rằng các vị đương chức ngày nay không phải (tất cả) đều chỉ là … „củ cải“!
Có thể ghép lời cho dễ nhớ:
Trí thức, nếu ai không hiểu,
Sẽ không lớn nổi … thành NGƯỜI!
Hy vọng thật nhiều!
Tôi lặng lẽ ngồi trong một góc nhâm nhi ly rượu đỏ với cuốn sách cũ vừa mua được từ chợ từ thiện hồi chiều. Cái không gian của nhà hàng Việt nhỏ này như vô tận qua những đám đông người Việt hầu hết là đàn ông đã gián tiếp cho biết quán này làm món nhậu ngon.
Bất chợt anh bạn tôi bước tới ngồi xuống lặp lại lời xin lỗi quen thuộc vì lỡ chuyến xe điện nên đến trễ và tôi mỉm cười như thường lệ thay vì chửi thề. Gần như theo thời khóa biểu mỗi thằng gọi một món nhâm nhi với chai rượu đỏ mang theo của mình (BYO), rồi ăn dậm thêm một món nữa với cơm trắng. Hai đứa đối thoại pha tiếng Việt lẫn tiếng Anh, nhưng Anh nhiều hơn Việt.
Chúng tôi trao đổi qua lại về đời sống, công việc và vài chuyện tầm phào ngồi lê đôi mách (gossip). Thình lình cả hai cùng im lặng và lắng nghe bàn bên cạnh rất tiêu biểu cho một bữa nhậu của đàn ông Việt là khi mọi người đều giành nhau nói.
“Tao nhớ thời tao đi dậy học, thằng nhóc chạy lại mét: ‘thầy ơi thầy, nó chửi con đụ má’, thằng nhóc nọ con của cán bộ miền Bắc vào nói: ‘con không có chửi nó đụ má, nếu con có chửi thì con phải chửi nó địt mẹ cơ’.”
Anh bạn tôi cười và giải thích thêm: “À, người Bắc còn chửi thề ‘đéo mẹ’ cùng nghĩa với ‘địt mẹ’, nhưng có khi đùng chữ ‘đéo’ nghĩa là ‘không’ và dùng chữ ‘đếch’ thay cho chữ ‘đéo’ trong câu để nghe đỡ tục tĩu hơn.” Tôi lại nhớ đến bài viết này của bà Phạm Thị Hoài và tủm tỉm cười nói: “Có thể nói chung là chửi thề cho hoạt bát”, rồi dừng lại không nói thêm. Tôi trầm ngâm và liên tưởng đến “Chủ Nghĩa Tư Bản Đỏ định hướng Chủ Nghĩa Xã Hội Đen” tại Việt Nam, hay nói một cách khác là một nền kinh tế mafia ở Việt Nam đã chuyển biến quá nhiều sâu bọ để thành người. Những người trí thức có khả năng nhìn thấy được vấn đề vừa đá bóng vừa thổi còi trong kinh tế (ínsider trading) của đảng viên ĐCSVN cầm quyền thì bị tù dài hạn dưới danh nghĩa nhà dân chủ muốn lật đổ chính quyền, điển hình là Trần Huỳnh Duy Thức.
Tôi mở cuốn sách cũ, “Shadows and Wind: A view of Modern Vietnam” của Robert Templer, ngay phần giới thiệu của chương 1 và đưa anh bạn đọc:
“Two great wars have passed and the medals now shine only during ceremonies. The great feats of the past have now been catalogued away in libraries where we can view them from a distance and in perspective. As doubt and boredom set in, our appetite for achieving heroic deeds has diminished and in this vacuum we now turn to half-baked entertainment instead. Money now holds the key to success and around me everyone dances around the money axis”
Pham Thi Hoai
The Crystal Messenger
Tôi nói thêm: “A true classic of Young Hoài, viết cuốn sách The Crystal Messenger năm đó có 28 tuổi sau khi du học ở Đức về. Xã hội Việt Nam xài chung một ngôn ngữ của đồng tiền, consumerism, not socialism”.
Phùng Tường Vân viết:
“Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… sở dĩ có những lời tàn tệ với Kiều chẳng qua là vì không ưa thái độ cả chính trị lẫn văn học của Phạm Quỳnh mà ra cả đấy thôi chứ nếu không thì tôi nghĩ hai vị cũng không nặng lời với một nhân vật tiểu thuyết như thế.”
—————–
Nhờ có đọc mấy quyển sách của GS Nguyễn Văn Trung, nên tôi hiểu được đôi chút về vấn đề này. Và cũng nhờ đó nên tôi còn biết thêm được vài câu tuyên bố xanh rờn của Phạm Quỳnh mà bây giờ không thấy những người bênh vực ông ta nhắc đến. Nhưng cái biết đó bất quá cũng chỉ là thú vui riêng của một người đọc sách. Vì trái với trường hợp của một số tác nhân khác trong lịch sử VN thời cận đại, PQ không còn có một ảnh hưởng chính trị nào sau khi đã khuất núi. Bây giờ không có ai muốn noi gương hay phục hồi tinh thần Phạm Quỳnh cả.
@Trần Lâm .
Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… sở dĩ có những lời tàn tệ với Kiều chẳng qua là vì không ưa thái độ cả chính trị lẫn văn học của Phạm Quỳnh mà ra cả đấy thôi chứ nếu không thì tôi nghĩ hai vị cũng không nặng lời với một nhân vật tiểu thuyết như thế. Đến như thái độ của Tản Đà mới là đặc biệt : Ông bỏ công chú giải, phẩm bình Truyện Kiều (Vương Thuý Kiều Chú Giải Tân Truyện) khá công phu, độc đáo, bản Kiều của Tản Đà có những lời bình chú ngắn mà thú vị, ở đây người đọc thấy rõ chất thi sĩ nhiều hơn chất học giả, tuy nhiên ông lại có một bài vịnh Kiều khi gẩy đàn dưới trướng Hồ Tôn Hiến thì, hỡi ơi, khắc nghiệt, châm biếm đau đớn, hơi bất công, “tan nát đời hoa” lắm :
Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn
Hai hàng nước mắt hai làn sóng
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan
Tổng Đốc ví thương người bạc mệnh
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan
Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ
Hồn có nghe chăng mấy tiếng đàn .
Choáng váng !
Người xưa nói “Ta hồ ! Văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ” (Hỡi ôi ! Câu chuyện văn chương, một tấc lòng mà lưu lại đến ngàn năm) quả có đúng phải không ạ .
Phùng Tường Vân viết:
1/ Bổ túc : Câu “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” nằm trong Bài diễn văn Phạm Quỳnh đọc tại Hội Quán Hội Khai Trí Tiến Đức ngày 8/12/1924, nhằm ngày giỗ cụ Tiên Điền. Nguyên văn Bài diễn văn này sau được đăng lại trong tạp chí Nam Phong số 86 .
2/ Đính chính : Bài hát nói có 4 câu được trích dẫn :
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai…
là của Nguyễn Công Trứ chứ không phải của Ngô Đức Kế .
————————
1/ Trong những phản ứng của sĩ phu VN đối với Bài diễn văn do Phạm Quỳnh đọc tại Hội Quán Hội Khai Trí vào ngày giỗ thứ 100 của Nguyễn Du, phản ứng của Huỳnh Thúc Kháng có lẽ là gần tinh thần của bài hát được trích ở trên nhất. HTK gọi Vương Thúy Kiều là con đĩ Kiều…
Xem phóng ảnh:
http://docs.google.com/View?id=dwcmrfd_126d82w4qhs
Theo GS Hồ Tài Huệ Tâm, con gái Hồ Hữu Tường, thì trong giai đoạn đó VTK là một biểu tượng chung cho tập đoàn trung gian bản xứ An Nam chứ không phải chỉ riêng cho Phạm Quỳnh:
“Moreover, Kieu, the high-born girl whose love for her family had led her into prostitution, had become a symbol of elite collaborationism and treason.”
Xem:
http://docs.google.com/View?id=dwcmrfd_128g8f3ncd2
Xem thêm bức hí họa dưới đây:
http://docs.google.com/View?id=dwcmrfd_130d8r4w8c7
2/ GS Tâm còn cho biết thêm một điều lý thú về kỹ thuật né tránh kiểm duyệt của văn sĩ VN thời Pháp thuộc:
“As the French authorities suspected, the patriarchal family often served as a stand-in for the colonial regime in contemporary fiction.”
(Ghi thêm: Trung gian bản xứ là thuật ngữ do Vũ Ngự Chiêu tạo ra. Có dư luận cho rằng chế độ CS tại VN hiện nay là một tập đoàn TGBX của Trung Quốc.)
Không biết đề tài “bức tường ngôn ngữ” này có phải cần chẻ ra một phân tích khác nào nữa không vì đầu mối cũng khá hấp dẫn. Tôi chỉ kể ở đây cái chuyện của tôi, cái phần tôi nhạy trong ngôn ngữ là cái âm giọng.
Tôi có những người bạn nói tiếng Pháp ở đủ mọi vùng Marseille, Lyon, Bordeaux, Toulouse, Lille, Lorient, Montréal, Québec, Genève, Lausanne, Alger, Liège, Bruxelles nên khi giọng nói ai đó là tôi nhận ra ngay vùng sinh đẻ và sống của họ. Những thứ này thời nay không là một “bức tường” gì lớn cả, nhưng hồi nhỏ tôi có một ông thầy gốc Marseillais và tôi nhớ mãi ông kể chuyện ông bị kỳ thị (racisme như chữ ông đã dùng lúc đó vào những năm 60) vì là dân Marseillais. Tôi có cái tài nho nhỏ là nói tiếng Việt giả Lào và Cam Bốt (qua giọng) với những người bạn gốc ở những nơi đó, tôi giả cả tiếng chó sủa và mèo kêu đến nỗi có lần có con vùng chạy đi kiếm tông phang mặt vào tấm kiếng trong vì không thấy, trò này rất ăn tiền với tụi trẻ con nít lắm lắm.
Theo kiểu giải thích của tôi thì âm giọng có đến từ môi trường sống là thứ ăn uống, đất đai, nước và gió chỗ nơi người đó sinh sống, nói chung không chính xác khoa học lắm thì cũng là cách sống.
Giọng nói “chuẩn” của một xướng ngôn viên trên đài truyền hình Pháp làm ta rất khó nhận ra họ là người vùng nào, trong khi đó ở Việt Nam hiện thời thì túi bụi. Có lần nằm mơ màng buổi sáng ở Hà Nội, nghe tiếng người nói “chơn chớt” từ đài truyền hình tôi cứ tưởng đang ở bên Tàu, sau đó mang ra nhại làm trò với con cháu thì nó nói đúng thế thật.
Tôi nghĩ “bức tường” nếu có ở một số người Việt Nam đi từ cái phản ánh của đời sống (cả xưa và nay) nên nhiều khi cũng gây phản cảm. Riêng tôi thì không thấy đó là một trở ngại gì cả vì đã có thời gian tôi nghe các cô các bà ở Hà Nội, ở Huế, ở Cần Thơ giọng nào cũng ngọt như mía lùi, đã lắm.
Tôi nhận thấy nhiều chỗ trên nhận xét của ông Trần Văn Tích trên các ngữ/bối cảnh tôi rất đồng ý.
Nhân dịp gửi phản hồi mới, tôi xin được trình bày lại một ý kiến trong phản hồi trước cho rõ hơn. Đó là trường hợp “nội nhân” tỏ ra phần nào dị ứng với hai chữ “thoải mái”. Đúng ra thì ý tôi muốn nói là dị ứng với cách dùng hai chữ “thoải mái” một cách thoải mái. Đương nhiên nói như vậy chỉ là một nhận xét khách quan; thực tế đã xảy ra như thế, ngoài ý muốn của người nghe và nhất là không hề ngầm ý phê phán.
Tôi phân biệt trong phản hồi của tôi hai “chủng loại”: Việt-Bắc và Việt-Nam. Tôi tưởng BS Nguyễn Lê Hiếu thừa sức tự phân loại mình: anh chỉ có thể là Việt-Nam thôi, anh Hiếu ạ. Tôi kể thêm trường hợp hai phụ nữ người Âu mà tôi cũng xếp vào hai chủng Việt-Bắc và Việt-Nam. Có người sau khi đọc phản hồi gọi điện thoại yêu cầu tôi giải thích rõ hơn. Âu cũng là dịp để tăng thêm dữ kiện nhằm giúp BS Hiếu tự phân loại. Bà Irina Zisman là người Nga, bà Penelope Faulkner là người Anh; cả hai bà cùng nói tiếng Việt rất sõi, hơn nữa, nhị vị còn có tác phẩm xuất bản bằng Việt ngữ. Bà Irina Zisman được biết đến nhiều qua hai tập Bút ký, bà Penelope Faulkner – còn có bút hiệu Ỷ Lan – là tác giả “Quê nhà” viết về quê hương Việt Nam. Nói chuyện với hai vị nữ lưu này, chúng tôi thấy rất rõ dấu ấn văn hoá khác biệt do hai chế độ chính trị từng ngự trị trên đất nước chúng ta lưu lại trên tâm thức hai bà (chứ không phải khác biệt vì bà Zisman nói giọng Bắc còn bà Faulkner nói giọng Trung). Như vậy, tôi không có ý nói về cách phát âm của từng vùng, ở Việt Nam cũng như ở Đức. Để phân biệt Việt-Bắc với Việt-Nam, tôi chú ý đến cung cách sử dụng từ ngữ, đến lề lối vận dụng tư duy, đến thể thức trình bày luận cứ v.v… và thấp thoáng đằng sau, dẫu rằng có khi vô cùng mờ nhạt, là quan điểm chính trị. Sự chú ý phân biệt này thường không đòi hỏi nhiều cố gắng, nghe nói một lúc là nhận ra liền. Tất nhiên cũng có trường hợp không dứt khoát, thiếu rõ ràng; nhưng phần nhiều thì nhận ra được.
Đọc cách phân tích của bs Trần Văn Tích, tôi thắc mắc mình gốc bắc di cư vào nam từ thuở cuối trung học 1954 sau tỵ nạn ở Hoa kỳ 1975 thì được/bị xếp vào thành phần Việt-Bắc hay Việt-Nam? Chúng tôi gặp bạn mới hay cũ, thỉnh thoảng có người hỏi họ Bắc hay Nam, chúng tôi nhiều khi không biết. Có lẽ vì không để ý. Riêng những bạn người Trung, khi họ gặp lại người Trung thì mở máy nói giọng Trung, nhận ra ngay. Còn lúc thường, lắm khi nói cũng không thấy khác giọng bắc hay giọng nam. Thành ra cái phân biệt Bắc-Nam có khi cũng là vấn đề phản xạ, mình chủ ý bới ra thì thấy nhiều, quét nhiều thì thấy rác?
Bs Tích viết ty nạn, tôi cũng dùng kiểu đó. Bên nhà họ có nghị định của nhà nước nên các văn thư chính phủ theo, nhưng bên ngoài, khi theo khi không. Riêng tôi, còn “cổ điển/hủ” đi xa hơn bs Tích, tôi viết tỵ-nạn (có gạch nối). Chắng qua là thuở nhỏ, học “Việt-Nam văn-phạm” của Trần-Trọng-Kim (điều 8/418) rồi có lúc gặp thầy Nghiêm-Toản nhấn mạnh vào tiếng ghép trong quốc ngữ (Việt nam văn học sử trích yếu). Đến nay, “quen mất nết đi rồi”. Nhưng talawas không thích gạch nối, muốn thuần nhất trên mạng mình, ra chỉ thị phải bỏ, nên nhập gia tùy tục, các phát biểu của tôi trên talawas không còn có gạch nối, khác với bài in nơi khác.
Ngoài vấn đề Nam Bắc, có lẽ cũng còn vấn đề thế hệ, vấn đề sinh ngữ biến thể (sau khi tôi rời Hà-nội 1954 và Sài-gòn 1975), chưa kể đến phát âm từng địa phương (Thái bình, Phát diệm hay Quảng nam, v.v.) Cái ngộ là có một số “bậc trưởng thượng” nói là giọng này giọng nọ mới chuẩn. Về vấn đề này, nhân Phùng Tường Vân nhắc đến Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế/Nguyễn Công Trứ, tôi cũng muốn nhắc một câu của Phạm Quỳnh về ý kiến cho rằng tiếng Thăng Long mới là chuẩn: “Nếu nói rằng vì (tiếng) Bắc, Trung, Nam kỳ không giống nhau mà cần phải hợp làm một thì thiết tưởng chưa được xác đáng lắm, sự không giống đó chưa chắc đã là phải mà sự hợp nhất kia mới lại vô bằng, vì ….lấy gì làm bằng cớ, bắt tiếng nào làm đúng hơn tiếng nào mà đặt làm mẫu?”
Đến đây thì phản hồi/biện đã ra ngoài giọng Bắc-Nam và đi xa mục đích của bài viết nguyên thủy về Bức tường.