Người Trung Quốc nói về chiến tranh Triều Tiên
10/07/2010 | 7:00 sáng | 2 Comments
Category: Thế giới
Thẻ: Chiến tranh Triều Tiên > Kim Nhật Thành > Mao > Stalin
Lời người dịch: Người Trung Quốc đã nói “toạc móng heo” về cuộc chiến tranh diễn ra ở Triều Tiên cách đây 50 năm. Bao giờ thì họ cũng sẽ nói “toạc móng heo” như thế về cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1975)?
____________
Một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của các phương tiện thông tin đại chúng rằng Stalin, người muốn dựng lên chính quyền thân Liên Xô ở bán đảo Triều Tiên và Kim Nhật Thành, người muốn thống nhất đất nước, chính là những người gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên cách đây 50 năm.
Tờ Hoàn Cầu dẫn lời ông Shen Zhihua – giám đốc trung tâm nghiên cứu lịch sử chiến tranh lạnh có trụ sở tại Thượng Hải và là giáo sư sử học ở trường Đại học Phương Đông – khi ông này đưa ra những nhận xét như trên, trên cơ sở những tài liệu mật được công bố sau khi Liên Xô tan rã.
“Kim Nhật Thành khẩn khoản xin Stalin và Mao Trạch Đông cho phép dùng vũ lực để đánh chiếm miền Nam. Ban đầu cả hai người đều lưỡng lự vì Liên Xô không muốn gây căng thẳng với Mĩ, còn Trung Quốc thì đang tập trung cho việc tái thống nhất nước mình”, ông Shen nói như thế. “Nhưng cuối tháng Giêng năm 1950, Stalin đột thay đổi quan điểm và chấp thuận kế hoạch quân sự chống miền Nam của Kim Nhật Thành. Ông ta còn cho gọi Kim Nhật Thành đến Moskva để tiến hành những cuộc thảo luận bí mật. Cuối cùng, trong những cuộc thảo luận diễn ra vào tháng 4, Stalin đã duyệt kế hoạch khai chiến của Kim Nhật Thành”.
“Stalin đồng ý với quan điểm cho rằng Mĩ sẽ không can thiệp hoặc không kịp can thiệp của Kim Nhật Thành”, ông Shen khẳng định như thế. Nhưng Stalin nhắc đi nhắc lại rằng Liên Xô sẽ không giúp nếu Mĩ can thiệp và “ông ta đã tìm cách đẩy trách nhiệm sang cho Mao”.
Shen nói rằng ngày 13 tháng 5 năm 1950 Kim Nhật Thành đến Bắc Kinh để thuyết phục Mao. Mao “nghi ngờ tuyên bố rằng Moskva đã chấp thuận kế hoạch của Bắc Triều Tiên” và đề nghị Nokolai Roshchin, đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh, xin Stalin xác nhận chuyện ấy. “Stalin trả lời rằng ông ta đã chuẩn thuận kế hoạch của Kim Nhật Thành, nhưng nếu Trung Quốc không đồng ý thì họ sẽ phải bàn bạc lại và Trung Quốc và Triều Tiên sẽ tự đưa ra quyết định cuối cùng”. Vì vậy mà Mao không còn lựa chọn nào khác, ông ta đành phải đồng ý với quan điểm chung của Moskva và Bình Nhưỡng và nói thêm rằng “nếu Mĩ tham chiến thì Trung Quốc sẽ gửi quân giúp Bắc Triều Tiên và các đơn vị có thể được chuyển ngay đến biên giới Trung-Triều”.
Tại sao Stalin lại thay đổi quan điểm? Shen nói rằng nhà độc tài phải trả lại tuyến đường sắt Changchun và cảng Đại Liên (sau khi hết hạn thuê là 30 năm) sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và muốn có một tiền đồn ở Viễn Đông bằng cách thiết lập chế độ thân Liên Xô trên bán đảo Triều Tiên, nơi ít nhất sẽ có ba hải cảng không bao giờ bị đóng băng thông ra Thái Bình Dương.
Các phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc ít khi nói một cách thẳng thừng như thế về các vấn đề lịch sử nhạy cảm. Ở Trung Quốc, quan điểm vẫn giữ thế thượng phong cho rằng Nam Triều Tiên, dựa vào sự giúp đỡ của Mĩ, đã khơi mào cuộc chiến.
Nguồn: http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2010/06/18/2010061801127.html
Bản tiếng Việt © 2010 Phan Đằng Giang
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
2 Comments (bài “Người Trung Quốc nói về chiến tranh Triều Tiên”)
„Toạc móng heo“?
Tôi không có được bản tiếng Anh; Trong phiên bản tiếng Nga (theo link dẫn, nhờ dịch) có 13 bình luận (Commentar), xin dẫn 2 ý cho là thú vị:
* Mao tự giải quyết những vấn đề của (đất nước) mình và luôn coi Stalin như mối đe dọa hiện thực. Cho nên ta không thể nói Mao không muốn tham chiến ở Triều Tiên.
* „Ở Trung Quốc, quan điểm vẫn giữ thế thượng phong cho rằng Nam Triều Tiên, dựa vào sự giúp đỡ của Mĩ, đã khơi mào cuộc chiến.“ – Nghĩa là ban đầu thì mấy hoạt náo viên tự do (liberastky Clown) đưa ra quan điểm của mình ở Tàu; Sau đó các nhà báo tán phát đi.
Dưới „móng“ tuyên truyền và chính trị, chân „heo“ rất khó bị „toạc“. Tài liệu thú vị; nhưng cũng chỉ để tham khảo, và nhất là để hiểu rõ thêm người nói ra nó.
Cảm ơn dịch giả.
[…] Người Trung Quốc nói về chiến tranh Triều Tiên Người Trung Quốc nói về chiến tranh Triều Tiên […]