Nguyễn Tôn Hiệt – Góp ý với ông Nguyễn Văn Dân về “huyễn tưởng”, “viễn tưởng”, và vài điều khác
19/07/2010 | 6:38 chiều | 13 Comments
Category: Chưa phân loại
Thẻ: Đạo văn > Tranh luận Nguyễn Tôn Hiệt - Ngô Tự Lập > Truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc
Hôm nay (19/07/2010), nhân đọc ý kiến của một độc giả dưới bài “Ngô Tự Lập không chỉ ‘kín đáo’ đạo văn của Brent Hayes Edwards, mà còn công khai đoạt văn của Alain Guillemin!” của tôi, tôi mới biết là ông Nguyễn Văn Dân có viết một bài liên quan đến vụ tranh luận này. Bài viết của ông Nguyễn Văn Dân có nhan đề “Thông tin thêm về truyện viễn tưởng (hay huyễn tưởng) của Nguyễn Ái Quốc” đăng trên trang Viet-studies của Trần Hữu Dũng.
Ở đoạn nhập đề, Nguyễn Văn Dân viết:
“Đọc mấy bài tranh luận giữa hai ông Ngô Tự Lập và Nguyễn Tôn Hiệt trên mạng phongdiep.net và viet-studies, tôi xin phép được cung cấp mấy thông tin để mọi người tham khảo.
Tôi xin nhắc lại ngay từ đầu: Tôi không tham gia tranh luận với hai người, mà chỉ đơn giản là cung cấp thêm thông tin.”
Đọc cái nhập đề này, tôi khá ngạc nhiên. Tôi chưa từng gửi bất cứ bài nào cho mạng phongdiep.net và Viet-studies, thì cớ sao lại có bài tranh luận giữa tôi và Ngô Tự Lập trên hai trang web đó! Tôi dạo quanh để quan sát thì mới bìết rằng mạng phongdiep.net đã đăng lại 3 bài lấy từ Tiền Vệ (có ghi rõ xuất xứ), và Viet-studies đã đặt 3 cái links của 3 bài ấy từ Tiền Vệ {(Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập (TV 15-7-10) – Ngô Tự Lập: Lần thứ ba và lần cuối với ông Nguyễn Tôn Hiệt (TV 16-7-10) — Nguyễn Tôn Hiệt: Ngô Tự Lập không thể tự bào chữa về việc đạo văn (TV 16-7-10)}
Đúng ra, ông Nguyễn Văn Dân nên theo những cái links đó để dò tới tận ngọn nguồn, đọc cho đầy đủ các bài của cuộc tranh luận, thay vì chỉ đọc 3 bài như vậy. Và đúng ra, ông Nguyễn Văn Dân cũng nên gửi bài “Thông tin thêm…” của ông đến Tiền Vệ (là nơi xuất phát và chứa đầy đủ các bài tranh luận), và talawas (là nơi đã gom đầy đủ các bài ấy thành một hồ sơ về cuộc tranh luận), để rộng đường dư luận, thay vì chỉ gửi đến hai trang web kia. Làm việc như vậy là bất cập, mặc dù ông Nguyễn Văn Dân lại nhắn nhủ trong bài của ông rằng:
“Tôi chỉ muốn đưa ra một lời nhắn nhủ rằng: nghiên cứu vấn đề gì cũng cần phải cố đi cho đến ngọn nguồn của nó, nếu không ta sẽ sa vào căn bệnh “phát hiện lại châu Mỹ”!
Dẫu sao tôi cũng cảm ơn lời nhắn nhủ của ông.
Sau đây, tôi sẽ bàn về những “thông tin” mà ông Nguyễn Văn Dân cung cấp.
1/ Ông Nguyễn Văn Dân viết:
Ở đây trước tiên có một vấn đề cần làm sáng rõ. Trong các cuốn sách tra cứu về lý luận văn học ở Việt Nam, ví dụ như cuốn sách Từ điển thuật ngữ văn học (nhiều tác giả; Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên), Nxb. Giáo dục, 1992; hay cuốn sách 150 thuật ngữ văn học (Lại Nguyên Ân biên soạn), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, có một mục từ “Văn học viễn tưởng”. Lại Nguyên Ân cũng là một trong những tác giả biên soạn cuốn Từ điển thuật ngữ văn học nói trên, cho nên tôi đoán ông cũng là người biên soạn mục từ “Văn học viễn tưởng” của cuốn từ điển đó.
Theo định nghĩa của hai cuốn sách này thì “Văn học viễn tưởng” là những tác phẩm văn học “lấy viễn tưởng làm phương thức xây dựng hình tượng và tổ chức cốt truyện. Viễn tưởng là một phương pháp miêu tả đặc thù, sử dụng những dạng hình tượng (…) trong đó những yếu tố của thực tại được kết hợp với nhau theo lối siêu tự nhiên, kỳ lạ, khó tin” (Từ điển thuật ngữ văn học, tr. 288). Còn trong cuốn sách của Lại Nguyên Ân, ông còn chua thêm cho thuật ngữ “Viễn tưởng” bằng hai từ nước ngoài: “fantasy” (tiếng Anh) và “fantastique” (tiếng Pháp).
Cái định nghĩa về thuật ngữ “Văn học viễn tưởng” của hai cuốn sách này (như ông Nguyễn Văn Dân đã trích không đầy đủ trên đây) là cái định nghĩa sai từ căn bản ngữ nghĩa.
VIỄN 遠 là xa (như trong “viễn du”, “viễn chinh”…), là cái chưa xảy ra, thuộc về tương lai (như trong “viễn dụng”, “viễn hiệu”…).
Trong tiếng Anh, “truyện viễn tưởng” là “futuristic fiction”, hay “futuristic speculative fiction” (như thuật ngữ mà Brent Hayes Edwards đã dùng để nói về truyện “Con người biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc.
Trong Encyclopedia of Time, thuật ngữ “futuristic fiction” (truyện viễn tưởng) được giải thích như sau:
Futuristic fiction is most precisely defined as any narrative explicitly set in future time. It was to such writing that Félix Bodin first applied the term littérature futuriste in 1834.[1]
Trong văn học quốc tế, một trong những tác phẩm văn học viễn tưởng nổi tiếng nhất là cuốn tiểu thuyết Paris au XXe Scièle của Jules Verne. Cuốn này được sáng tác vào năm 1863, kể những chuyện sẽ xảy ra trong những năm 1960, tức là một thế kỷ sau! Và bây giờ so sánh với thực tế thì người ta thấy rất nhiều điều đã được Jules Verne tiên đoán chính xác trong cuốn ấy! Nhà văn Pháp Albert Robida (1848-1926) cũng nổi tiếng với bộ tiểu thuyết ba cuốn, Le Vingtième Sciècle (1883), La Guerre au Vingtième Sciècle (1887), và Le Vingtième siècle: La vie électrique (1890). Nhà văn Anh Herbert George Wells (1866-1946) cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng, Anticipations (1901), vẽ ra hình ảnh thế giới sẽ như thế nào vào năm 2000, tức là một thế kỷ sau! Vân vân và vân vân…
HUYỄN 眩 theo nghĩa gốc của hình chữ tiểu triện là “lừa dối”, vì nó có bộ “dữ” viết ngược, tức là hình ảnh đảo ngược trong gương của chữ “dữ” (“dữ” là “đưa cho ai một vật gì”). “Huyễn” vì thế có nghĩa là “gạt gẫm”, “giả vờ đưa cho, nhưng không có vật gì cả”. Vì thế trong sách Lục thao có viết: “Bất tường chi ngôn, huyễn hoặc lương dân” (Lời nói ba hoa, lừa dối dân lành).[2] Về sau, chữ “huyễn” bao hàm thêm các nghĩa “hoa mắt”, “chóng mặt”, “mê loạn”, “ảo hoặc”.
Trong tiếng Anh, “fantasy” (truyện huyễn tưởng) mang nội hàm khác với “futuristic fiction” (truyện viễn tưởng). Theo Literary Dictionary, “fantasy” được định nghĩa như sau:
fantasy, a general term for any kind of fictional work that is not primarily devoted to realistic representation of the known world. The category includes several literary genres (e.g. dream vision, fable, fairy tale, romance, science fiction) describing imagined worlds in which magical powers and other impossibilities are accepted. Recent theorists of fantasy have attempted to distinguish more precisely between the self-contained magical realms of the marvellous, the psychologically explicable delusions of the uncanny, and the inexplicable meeting of both in the fantastic.
Như thế hai cuốn sách mà ông Nguyễn Văn Dân dẫn ra đã định nghĩa sai về thuật ngữ “văn học viễn tưởng”. Với nội hàm “siêu tự nhiên, kỳ lạ, khó tin” thì phải dùng chữ “huyễn tưởng” mới đúng. Chữ “viễn tưởng” chỉ nên dành cho những tác phẩm văn chương kể ra những hình ảnh trong TƯƠNG LAI, chưa xảy ra, nhưng không hề mang tính “huyễn ảo” hay “huyễn hoặc”.
2/ Ông Nguyễn Văn Dân viết:
Song, trước đó mười năm, từ năm 1982, trong bài “Huyễn tưởng văn học – một hình thái nhận thức thẩm mỹ” (đăng trên tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 10 năm 1982), tôi – Nguyễn Văn Dân – đã viết về phạm trù mỹ học “le fantastique” trong tiếng Pháp (tương đương với “phantastikos” trong t. Hy Lạp, “phantasticus” trong t. Latin, “the fantastic” trong t. Anh, “fantastika” trong t. Nga). Và, sau khi phân tích những hạn chế của nhiều cách dịch, tôi đã đề xuất cách dịch sang tiếng Việt là “cái huyễn tưởng”. Cái huyễn tưởng này sẽ bao gồm nhiều sắc thái, trong đó có sắc thái huyễn tưởng khoa học – bao gồm thể loại giả tưởng khoa học và viễn tưởng khoa học.
Tôi không chắc tôi là người đầu tiên viết về chủ đề này, nhưng quả thực tôi chưa phát hiện thấy có bài nào viết trước tôi. Nhưng có một điều tôi có thể khẳng định rằng tôi là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “huyễn tưởng”. Hiện tại cũng có nhiều người đồng ý với cách gọi của tôi. Nhưng cũng có người dùng thuật ngữ khác, đó có thể vì họ không được đọc bài viết của tôi (hoặc cũng có thể họ không đồng ý).
Cảm ơn ông Nguyễn Văn Dân. Ông đã viết rất đúng về khái niệm “huyễn tưởng” trong văn học. “Cái huyễn tưởng” (le fantastique) ấy là nội hàm thẩm mỹ của loại truyện huyễn tưởng (fantasy), chứ không phải là nội hàm của loại truyện viễn tưởng (futuristic fiction).
3/ Ông Nguyễn Văn Dân viết tiếp:
Ở đây, nội dung của khái niệm “viễn tưởng” của một số người ở Việt Nam về sau cũng giống với nội dung của khái niệm “huyễn tưởng” trước đó của tôi, khác nhau chỉ là tên gọi. Và trong bài viết nói trên, tôi đã khẳng định rằng thủ pháp huyễn tưởng trong văn học Việt Nam hiện đại có nguồn gốc từ cái huyễn tưởng trong loại truyện truyền thuyết bình dân phi thần thánh như các truyện được sưu tập trong bộ Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú từ thế kỷ XV. Cái thủ pháp đó về sau đã được thể hiện trong truyện ngắn cổ điển Việt Nam như các truyện trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI.
Đến năm 1984, trong bài viết của tôi nhan đề: “Triển vọng của thể loại huyễn tưởng khoa học” (đăng trên tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 9-1984), tôi lại khẳng định rõ thêm rằng thủ pháp huyễn tưởng đã được sử dụng trong truyện ngắn những năm 20 của Nguyễn Ái Quốc.
Thưa ông Nguyễn Văn Dân, nội dung của khái niệm “viễn tưởng” của một số người ở Việt Nam về sau giống với nội dung của khái niệm “huyễn tưởng” trước đó của ông, VÌ HỌ HIỂU SAI VÀ DÙNG TỪ SAI. Phần ông, ông đã hiểu đúng.
Nhưng khi ông nói “thủ pháp huyễn tưởng đã được sử dụng trong truyện ngắn những năm 20 của Nguyễn Ái Quốc”, thì ông có đúng, nhưng cũng có sai.
Ông đúng, nếu ông gọi truyện (“Les lamentations de Trung-Trac”) của Nguyễn Ái Quốc là truyện “huyễn tưởng”, vì theo như Brent Hayes Edwards nhận xét, truyện ấy kể những điều mộng mị, ma quái, huyễn hoặc.
Ông sai, nếu ông gọi truyện “L’Enfumé” của của Nguyễn Ái Quốc là truyện “huyễn tưởng”. Vì trong truyện “L’Enfumé” không hề có “huyễn tưởng” mà chỉ có “viễn tưởng”. Trong truyện ấy Nguyễn Ái Quốc đã hướng về TƯƠNG LAI, mơ về TƯƠNG LAI, và hư cấu ra những gì sẽ xảy ra một cách hiện thực ở châu Phi trong TƯƠNG LAI. (Có người cho rằng đó là “tính tiên tri”. Tôi thì cho rằng đó là một dạng ước mơ về một tương lai thành công. Nhưng ở đây ta không cần tranh cãi về điểm này.)
4/ Ông Nguyễn Văn Dân viết tiếp:
Như vậy, thứ nhất: tuy tôi không dùng thuật ngữ “văn học viễn tưởng” mà dùng thuật ngữ “văn học huyễn tưởng” vì thấy thuật ngữ này chính xác hơn và hay hơn, nhưng nội dung của sự việc đã cho thấy rõ rằng trước khi có bài viết của Hayes Edwards về truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc rất lâu, tôi đã khẳng định rằng trong số các truyện của Nguyễn Ái Quốc, đã có những truyện thuộc loại “văn học huyễn tưởng” [hay “viễn tưởng” theo cách nói của những người khác]. Thứ hai: ngay từ năm 1984, tôi đã cho thấy cái huyễn/viễn tưởng đã tồn tại trong văn học cổ điển Việt Nam, còn đến văn học Việt Nam hiện đại thì người đầu tiên sử dụng nó là Nguyễn Ái Quốc.
Đến đây tôi muốn nói rằng: Tôi hoàn toàn không muốn kể công để tự nhận rằng mình là người đầu tiên phát hiện ra Nguyễn Ái Quốc là cha đẻ của văn học huyễn/viễn tưởng Việt Nam hiện đại. Bởi lẽ tôi không cho rằng đây là một phát hiện ghê gớm, vì tôi tin rằng ngoài tôi ra rất có thể đã có nhiều người cũng đã “phát hiện” ra cái điều quá ư hiển nhiên này. Vì điều này không phải là khó nhận ra, bất cứ một người làm văn học sử nào cũng có thể nhìn thấy, chẳng cần đến mức phải sang tận Hoa Kỳ mới phát hiện ra.
Rất tiếc, ở đây ông Nguyễn Văn Dân đột nhiên lại từ bỏ cái kiến giải đúng đắn của ông về “cái huyễn tưởng”! Ở đây, ông bắt đầu nhùng nhằng, gượng gạo đồng hoá “huyễn tưởng” và “viễn tưởng”. Ông cố tình ghép hai nội hàm khác nhau vào thành một thứ gọi là “huyễn/viễn tưởng”!!!
Ông nói ông “hoàn toàn không muốn kể công”, nhưng ông lại làm một điều rất đáng tiếc, vì nó làm hỏng cả cái kiến giải đúng đắn mà ông đã có từ năm 1982. Tôi không biết ông làm thế vì động cơ gì. Thật uổng.
5/ Ông Nguyễn Văn Dân kết luận:
Cuối cùng tôi muốn nói rằng ông Hiệt cũng không nên quá khắt khe với ông Lập. Ông Lập đã trích dẫn ý ông H. E., mặc dù không ghi chú ngay sau cân dẫn, nhưng có ghi ở đầu đoạn trích là “theo ông Hayes Edwards” và có đề tài liệu tham khảo ở cuối bài, thì cũng có thể chấp nhận được. Cách làm này quả thực là chưa chuẩn xác. Nhưng đây lại là một cách làm khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam, kể cả các GS cũng mắc phải. Họ cho rằng chỉ cần làm như thế là đúng, chứ trong thâm tâm họ không nghĩ đó là “đạo văn”. Về điều này chính tôi cũng đã có lần viết bài phê phán (vào năm 2001) và cũng đã nhận được không ít những phản ứng không bằng lòng.
Thưa ông Nguyễn Văn Dân, tôi không hề “khắt khe” để làm gì cả. Nếu Ngô Tự Lập là một nhà báo vớ vẩn thì tôi đâu có mất thì giờ để phê phán. Ngô Tự Lập cũng không phải là một người chỉ được đào tạo ở Việt Nam. Anh ta đã từng được đào tạo trong những trường đại học lớn ở Pháp và Mỹ. Nếu Ngô Tự Lập không sành sõi các nguyên tắc chính quy để viết essay, thì anh ta đã không thể tốt nghiệp từ những trường đại học ấy. Đáng lẽ anh ta phải làm gương cho học giới ở Việt Nam, chứ sao lại vi phạm những lỗi lầm giống như họ! Nên nhớ rằng Ngô Tự Lập đã viết “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” dưới dạng bài essay nghiên cứu học thuật, có đánh số chú thích ở trong bài và có bản chú thích ở cuối bài. Ở những trường đại học của Pháp và Mỹ, nếu một sinh viên năm thứ nhất nộp hai bài essays như hai bài của Ngô Tự Lập, thì chắc chắn sẽ bị giáo sư khiển trách nặng nề hay đem ra hội đồng kỷ luật về tội plagiarism (đạo văn).
Thưa ông Nguyễn Văn Dân, tôi kính trọng sự thẳng thắn của ông khi ông viết bài phê phán những hiện tượng sai trái trong học thuật. Tôi mong rằng: không vì “những phản ứng không bằng lòng” của “không ít” những người ấy mà ông phải từ bỏ sự thẳng thắn cần thiết của một nhà nghiên cứu khoa học.
19/07/2010
© 2010 Nguyễn Tôn Hiệt
© 2010 talawas
[1] Encyclopedia of time, ed. Samuel L. Macey (London: Taylor & Francis, 1994), trang 235.
[2] Xem Tìm về cội nguồn chữ Hán / In Search of the Origins of Chinese Characters Relevant to Vietnamese, tác giả Lý Lạc Nghị, biên soạn: Jim Waters, dịch giả: Nguyễn Văn Đổng (Hà Nội: Thế Giới, 1997), trang 299.
Bình luận
13 Comments (bài “Nguyễn Tôn Hiệt – Góp ý với ông Nguyễn Văn Dân về “huyễn tưởng”, “viễn tưởng”, và vài điều khác”)
Trích Tổ quốc ăn năn , Nguyễn Gia Kiểng ( http://thongluan.org/vn/modules.php?name=Downloads&d_op=viewdownload&cid=6 )
“Về lễ phép, phải nói rằng người Á Đông rất vô lễ, nhất là những dân tộc chịu ảnh hưởng Khổng Giáo. Người phương Tây đi qua mặt một ai đều xin lỗi, nhận của ai món đồ nào đều cảm ơn …, … Ngay cả giữa các đối thủ với nhau, họ cũng tỏ ra trang nhã. Wellington đánh bại Napoléon I, nhưng khi Napoléon bị cầm tù và chết trên đảo Sainte Hélène ông cũng tới đó nghiêng mình kính cẩn. Ngược lại, các tướng Trung Hoa ra trận thì chửi nhau, bắt được địch thủ thì đối xử tàn tệ. Quan Vân Trường được coi là bậc thánh, nhưng khi Lưu Bị giới thiệu đứa con nuôi là Lưu Phong thì hỏi Lưu Bị ngay trước mặt Lưu Phong: “Anh đã có con rồi, nuôi giống con tò vò này làm gì?” ; bắt được tướng địch là Vu Cấm thì nói: “Tao giết mày cũng như giết giống chó ngựa thôi”. Tập quán Á Đông đối với kẻ trên, kẻ thắng thì khúm núm, đối với kẻ dưới, kẻ bại thì thô lỗ. Đó không phải là lễ theo nghĩa đúng và đẹp của nó.” (trang 293, chuơng 3)
“Chúng ta không thể thảo luận với nhau một cách bình tĩnh và tương kính, hễ khác ý kiến là phải dùng những lời lẽ hận thù, hằn học, là thấy cần phải tiêu diệt nhau. Chúng ta coi tranh luận có nghĩa là hạ bệ người trước mặt, làm cho hắn mất uy tín và bị lên án nếu được” (trang 295, chương 3).
Nguyễn Gia Kiểng không chỉ học được cách làm việc của phương Tây, nhưng điều quan trọng là ông thấy được cái tinh thần, hồn vía, phong thái của nó.
Tôi cho rằng nhiều người ở đây lạc đề khi chú ý quá nhiều đến tiểu sử cũng như từ ngữ xưng hô thay vì tập trung vào các luận điểm và lập luận trong bài viết.
Không lẽ các vị dễ bị 2 ông Ngô Tự Lập và Trương Thái Du dắt mũi đi như thế ư?
Thưa quý vị,
*
Về nguyên tắc, tôi đồng ý với ông Nguyễn Tâm Bảo và ông Lê Anh Dũng về hành văn trong tranh luận. Đã có nhận xét về sự „thuận tiện“ dùng nickname trên diễn đàn ảo là internet; Tuy nhiên tôi nghĩ dù thế nào thì cũng nên lấy tư cách và phong cách văn hóa Việt làm nền tảng. Thực chất là khi ai đó viết bài hoặc phản hồi 2-3 lần thì đã có thể xác định tư cách và phong cach của người đó. Trả lời một bạn „chat“, tôi có viết:
Diễn đàn ảo, nhưng con người thì thực,
Là trò chơi, nhưng cũng chính cuộc đời;
Muốn lời ta đến với trái tim người,
Chỉ có con đường khởi từ tim ta vậy!
Nick không phải nơi ẩn nấp an toàn cho những gì không lành mạnh và ngôn từ thiếu phong nhã bao giờ cũng tàng chứa ý tứ thiếu tôn trọng đối tác. Tôi khá dị ứng với kiểu trình bày „chẳng phải Ngô, chẳng phải ta“ như „@TV,“ nên có lần giả đò hỏi: „Bác vội quá chăng?“, „Hình như bác hơi bức xúc?“ độ 2-3 lần để chờ được câu viết sau dễ lọt tai hơn. Múc và nhắp một gáo nước nơi „ao ta“: „Lời nói không mất tiền mua… „ thấy không phải nhạt nhẽo hay vô bổ.
*
Thấy khung cảnh phân tuyến fan (Tôi thực chưa biết nhiều về 2 ông Hiệt, Lập nên không thể nhận là fan của ai; Chỉ dựa trên những gì được đọc mà „ý kiến“ thôi.), tôi có nghĩ đến Hồ Xuân Hương và Cao Bá Quát [ Tiền Quát bất tri ], nhưng sợ dài nên không dám chế thêm ra để góp vui. Lại cũng sợ mang tiếng „phá rối đêm (nick) vui“ nên xin dừng nơi đây.
Thân mến.
Ông Nguyễn Tôn Hiệt viết: “Ngô Tự Lập cũng không phải là một người chỉ được đào tạo ở Việt Nam. Anh ta đã từng được đào tạo trong những trường đại học lớn ở Pháp và Mỹ.”
Theo như trên mạng, ông Ngô Tự Lập tốt nghiệp tại Illinois State University (ISU) năm 2006.
ISU là một trường có khá đông sinh viên với một số chương trình đào tạo Masters và PhD, nhưng đây không phải là môi trường chuyên về nghiên cứu nhiều [Từ trang Quick Facts của ISU (http://www.admissions.ilstu.edu/facts/): It is a residential university that emphasizes undergraduate study.]
Xin ghi thêm: Vào khoảng năm 1986, chúng tôi có mời GS Nguyễn Đình Hòa- Giám đốc Trung tâm Việt Học- The Center for Vietnamese Studies- từ trường Southern Illinois University at Carbondale (SIUC) về nói chuyện tại trường University of Illinois at Urbana-Champaign (UIUC). Đề tài nói chuyện của GS Hòa là cuốn tự điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ de Rhodes (1652). Để chuẩn bị giới thiệu đề tài của GS Hòa chúng tôi có tìm kiếm về các tác phẩm Tây phương viết về Việt Nam trong thế kỷ 17 tại hệ thống thư viện các trường đại học công lập tại bang Illinois. Kết quả là tìm được khá nhiều tác phẩm nhất là tại UIUC (thư viện trường này lúc đó đứng hạng thứ 3 tại Mỹ, sau Thư Viện Quốc Hội và thư viện trường Yale) và SIUC. Cũng có 1 số sách tại các đại học khác trong Illinois. Riêng tại ISU, chúng tôi thấy chỉ có hai cuốn: Một bản dịch tiếng Anh (1966) của cuốn hồi ký của de Rhodes (1653), và một bản in lại (1931) cuốn hồi ký của Dampier (đến VN năm 1688). Tạp chí Thế Kỷ 21 có đăng lại bài viết của chúng tôi năm 1990.
Khi tranh luận tôi thiết tưởng nên xưng hô một cách tôn trọng, ngang hàng dù đối tượng lớn tuổi hay trẻ hơn mình. Dùng một cách xưng hô thiếu tôn trọng là ít nhiều cố ý đi lạc ra khỏi mục đích chính của tranh luận nghiêm túc là đánh đổ đối phương bằng luận điểm, và chỉ bằng luận điểm. Muốn tranh luận nghiêm túc, những yếu tố gây nhiễu không cần thiết cần được loại bỏ.
Rõ ràng là bài viết này được viết chủ yếu bằng tiếng Việt, không phải là tiếng Anh, nên cách xưng hô cũng được hiểu trong tiếng Việt, không phải tiếng Anh. Trong tiếng Việt, ta không gọi người mà ta tôn trọng là “anh ta”, “hắn” …
Tôi nhận thấy ông Hoàng Ngọc Tuấn và là ông Nguyễn Tôn Hiệt trong bài này, thường hay hạ thấp đối tượng bằng cách này hay bằng cách khác, một cách dư thừa ra khỏi những luận điểm chính của cuộc tranh luận; và điều này mang một đóng góp âm cho những bài viết có giá trị của ông.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14495&rb=0106
http://www.talawas.org/talaDB/showThu.php?res=14663&rb=12
“Stanley Fish, dean of College of Liberal Arts and Sciences at the University of Illinois in Chicago, từng nhận xét:
“Academics like to eat shit, and in a pinch, they don’t care whose shit they eat.” (Các học giả thích ăn cứt, và trong quẫn bách, họ không cần biết mình ăn cứt của ai.)
(S. Fish, “There’s No Such Thing As Free Speech, and it’s a Good Thing, Too”, New York: Oxford UP, 1994)”(Nguyễn Đình Đăng)
Hôm nay tôi đọc được cái PH này của bác Đăng mà thấy “tỉnh” cả người! Tôi cứ suy nghĩ mãi tại sao “Các học giả thích ăn cứt”, “cứt” ở đây là cái gì? Tôi suy nghĩ tiếp, con người ta đã ăn thì phải ỉa, và như vậy, khi nói “văn chương sách vở” là “món ăn tinh thần”, thì sau khi “ăn” cái “món ăn tinh thần” đó, con người ta phải “ỉa” ra không gì khác là “cứt tinh thần”. Và suy ngược lại, “văn chương sách vở” chẳng qua cũng là “cứt tinh thần”, hay nói gọn lại là “cứt”, của ai đó. À, thì ra “cứt” là ở đây đây, phải chăng ông Stanley Fish muốn nói về cái “cứt” này?
Ở đây, có một thực tế là, chúng ta thường nói “mày nói như cứt, thối không chịu được”, mỗi khi thấy thằng bạn của mình phát biểu “cù lần”, hay lý luận… “điêu tàn”!
Ông Lê Anh Dũng có lẽ quen nói “anh ấy” nên thấy khó chịu khi nghe “anh ta”? Tiếng Anh vậy mà tiện vì từ ông thánh đến kẻ đạo văn đều gọi là “he”.
Tiếng Việt thì ông ta, ông ấy, anh ta, anh ấy, hắn, gã, thằng ấy, nó, tùy chuyện mà dùng sao cho thích hợp. Anh ta với anh ấy tôi nghe cũng không khác nhau lắm.
Ông Lê Anh Dũng bảo: “Tôi thấy khó chịu vì cách ông Nguyễn Tôn Hiệt (Hoàng Ngọc Tuấn) gọi ông Ngô Tự Lập là “anh ta”.”
Không biết ông Dũng này muốn nói gì đây? NTH viết cho bạn đọc (và cho ông NTL) thế thì nên gọi làm sao? “anh ta” hay “tên này”? Rồi còn nũa tại sao phải để tên HNT trong ngoặc? Cần tra khai lý lịch?
Vấn đề chính là nội dung của vấn đề liên quan tới các bài viết của NTL kia mà!
Trong PH tới bài “Vì sao ít trí thức Việt Kiều về nước làm việc” ông Bảo đã lấy câu nói của Adam Smith, triết gia t.k. XVIII:
“It is not from the benevolence of the butcher, the brewer, or the baker that we expect our dinner, but from their regard to their own self-interest. We address ourselves, not to their humanity but to their self-love, and never talk to them of our own necessities but of their advantages”,
và thay các từ “butcher, the brewer, or the baker” bằng “intellectual, the scientist, or the artist”, từ “dinner” bằng “cultural and scientific advancements”, và từ “necessities” bằng “cultural needs” nhưng không chú thích là ông “lẩy” Adam Smith.
Còn trong PH tới bài này, ông Bảo đố ông Hiệt có biết ông Bảo đã “đạo văn” của ai khi viết trong câu: “Nếu ai hỏi vì sao những trận bút chiến của người Việt lại khốc liệt như vậy, thì cũng đành trả lời là ‘because the stakes are too small’ “.
Văn đó bị “đạo” từ Wallace Stanley Sayre (1905 – 1972) được Charles Philip Issawi i(1916 – 2000) nhắc tới vào năm 1973 như sau:
“In any dispute the intensity of feeling is inversely proportional to the value of the stakes at issue.” (Trong mọi cuộc tranh cãi cường độ của cảm giác tỉ lệ nghịch với giá trị của quyền lợi trong vấn đề tranh cãi).
Wall Street Journal cũng trích dẫn Sayre như sau: “Academic politics is the most vicious and bitter form of politics, because the stakes are so low.” (Chính trị trong học thuật là dạng chính trị đồi bại và cay đắng nhất vì quyền lợi quá thấp). Về sau định luật Sayre (Sayre’s Law) này tương truyền từng được nhiều người lặp lại trong đó có Henry Kissinger và vài người khác.
Stanley Fish, dean of College of Liberal Arts and Sciences at the University of Illinois in Chicago, từng nhận xét:
“Academics like to eat shit, and in a pinch, they don’t care whose shit they eat.” (Các học giả thích ăn cứt, và trong quẫn bách, họ không cần biết mình ăn cứt của ai.)
(S. Fish, “There’s No Such Thing As Free Speech, and it’s a Good Thing, Too”, New York: Oxford UP, 1994)
Tôi thấy khó chịu vì cách ông Nguyễn Tôn Hiệt (Hoàng Ngọc Tuấn) gọi ông Ngô Tự Lập là “anh ta”.
Tôi thấy cách xưng hô như vậy không thích hợp trong một cuộc tranh luận và làm nhiễu ý tưởng.
Ông Nguyễn Tâm Bảo càng viết kiểu này thì càng hạ thấp ông Ngô Tự Lập. Chính ông Ngô Tự Lập phải thừa nhận:
“Bài viết mới nhất của Nguyễn Tôn Hiệt, nhan đề “Ngô Tự Lập không chỉ ‘kín đáo’ đạo văn của Brent Hayes Edwards, mà còn công khai đoạt văn của Alain Guillemin!” sẽ rất công bằng và chính xác, nếu không có một uẩn khúc. Uẩn khúc đó là…”
Ông Nguyễn Văn Dân một học giả ở Hà Nội cũng nhận xét về cách viết bài của ông Ngô Tự Lập:
“Cách làm này quả thực là chưa chuẩn xác. Nhưng đây lại là một cách làm khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam, kể cả các GS cũng mắc phải… Về điều này chính tôi cũng đã có lần viết bài phê phán (vào năm 2001)…
Các ý kiến của ông Nguyễn Tâm Bảo chứng tỏ ông Bảo xem rẻ hay không biết tôn trọng học thuật.
“Nếu ai hỏi vì sao những trận bút chiến của người Việt lại khốc liệt như vậy, thì cũng đành trả lời là “because the stakes are too small”. Đố ông Hiệt biết tôi vừa “đạo văn” của ai đấy.”
Hoá ra lực lượng biện hộ Ngô Tự Lập rốt cuộc đổ dồn vào khai thác chiêu này. Xin ông Nguyễn Tâm Bảo chứng minh hộ cho trong suốt các bài ông Nguyễn Tôn Hiệt phê bình ông Ngô Tự Lập ở đâu có một đoạn trích gồm 6 chữ (như ông làm ở trên) để rồi kết tội ông Ngô Tự Lập đạo văn vậy? Không chứng minh được việc này thì ông đang đóng góp lớn lao vào “công cuộc làm xấu thêm diện mạo” của Ngô Tự Lập (vì anh ta có những kẻ ủng hộ là những kẻ không có khả năng lý luận mà chỉ có khả năng cãi cùn).
“Hai bài viết của ông Ngô Tự Lập đăng trên báo Tiền Phong và CAND, đều là những trang báo phổ thông dành cho độc giả thông thường. Đa số độc giả của hai tờ báo này không đọc được tiếng Pháp hay tiếng Anh, càng không hề biết đến những ông Tây Guilliman hay Edwards viết gì về Nguyễn Ái Quốc. Thế mà ông Lập cũng trích dẫn khá đầy đủ. Như thế theo tôi – một độc giả bình thường – là thích đáng rồi.”
Ông Nguyễn Tâm Bảo có lẽ không biết rằng những bài viết của ông Ngô Tự Lập cũng đã được đăng trên “Viet-studies” (Nghiên cứu Việt) của ông Trần Hữu Dũng và không khác một câu, một chữ nào. Hoá tra “Nghiên Cứu Việt” của Trần Hữu Dũng cũng một loại hòm hòm phổ thông như Tiền Phong và CAND. Cám ơn ông vì phát hiện này.
Đọc loạt bài của ông Nguyễn Tôn Hiệt tôi vừa thấy thích thú vừa thấy khó chịu. Thích thú vì học được thêm vài điều thú vị. Khó chịu vì thấy tác giả sử dụng những điều nhỏ nhặt để tấn công hạ nhục người khác một cách say sưa.
Nếu ai hỏi vì sao những trận bút chiến của người Việt lại khốc liệt như vậy, thì cũng đành trả lời là “because the stakes are too small”. Đố ông Hiệt biết tôi vừa “đạo văn” của ai đấy.
Hai bài viết của ông Ngô Tự Lập đăng trên báo Tiền Phong và CAND, đều là những trang báo phổ thông dành cho độc giả thông thường. Đa số độc giả của hai tờ báo này không đọc được tiếng Pháp hay tiếng Anh, càng không hề biết đến những ông Tây Guilliman hay Edwards viết gì về Nguyễn Ái Quốc. Thế mà ông Lập cũng trích dẫn khá đầy đủ. Như thế theo tôi – một độc giả bình thường – là thích đáng rồi.
Hơn nữa những quan điểm, nhấn mạnh là quan điểm, của ông Lập đánh giá về vị trí của Nguyễn Ái Quốc trong mảng văn học Pháp ngữ của người Việt thì chỉ là MỘT QUAN ĐIỂM, một ĐÁNH GIÁ CHỦ QUAN, chứ không phải là một phát kiến độc đáo gì cả. Nó có thể là quan điểm của Gulliman, của Ngô Tự Lập, hay của bất cứ một nhà nghiên cứu nào đồng thuận với hai ông này. Người khác có thể có những đánh giá khác.
Chẳng hạn tôi viết: “Darwin được coi là cha đẻ của học thuyết tiến hoá…” thì liệu ông Nguyễn Tôn Hiệt có buộc tội tôi là đạo văn không, vì hàng ngàn người khác cũng viết vậy trong những bài viết của họ.
Tóm lại, hai bài viết của ông Lập không phải là hai công trình nghiên cứu, mà chỉ là hai bài báo thông thường giới thiệu “nhà văn Pháp ngữ” Nguyễn Ái Quốc đến công chúng, trong đó ông Lập đã trích dẫn công trình của những nhà nghiên cứu người Pháp có cùng QUAN ĐIỂM với ông Lập.
Tuy nhiên vấn đề buộc tội một học giả có tên tuổi lại không phải là chuyện nhỏ. Nó liên quan đến uy tín và danh dự. Ông Ngô Tự Lập là một nhà văn, một học giả có tên tuổi và địa vị. Còn ông Nguyễn Tôn Hiệt là ai?
Giá như talawas giới thiệu tiểu sử của tác giả để độc giả có thể biết được người đó có thẩm quyền phán xét người khác hay không thì tốt quá.
Một trong những mặt tiêu cực của Internet là cung cấp phương tiện cho một số người tấn công và xúc phạm người khác, nhất là những người có địa vị và danh vọng cao hơn mình. Có gì “khoái lạc” hơn là hạ thấp danh dự và uy tín người khác, vì đó là cách dễ nhất để tự nâng mình lên. Cái gọi là “sự đời” của ông Tôn Văn là như vậy.