Trần Kinh Kha – Suy xét về câu chuyện Lý Tống và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
23/07/2010 | 8:00 sáng | 16 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Hòa giải hòa hợp dân tộc
Thẻ: Đàm Vĩnh Hưng > Lý Tống
Câu chuyện Lý Tống và Đàm Vĩnh Hưng, tôi không suy xét về hành vi giữa con người với nhau trên khía cạnh luật pháp. Vì hành vi đó, đã có luật pháp phán xét.
Tôi cũng không suy xét những ngày qua các diễn đàn đã liên tục bình luận đúng, sai, hỉ, nộ, ái ố cho cả hai bên.
1. Ý nghĩ là gì?
Mà thực ra rất nhanh gọn chúng ta đều thấy rõ, nhận thức rõ ràng rằng: “35 năm trôi qua, vết thương trong lòng dân tộc Việt Nam đã không thể nào hàn gắn được cho đến hiện tại hôm nay và đến cả một thời gian dài, rất dài sau này…”
Hành vi và tổ chức hành vi của Lý Tống đã nói lên nỗi đau của dân tộc này (tôi nhấn mạnh, là tôi nói đến nỗi đau của dân tộc này, chứ không nói đại diện đồng bào hải ngoại hay quan điểm chống cộng, hoặc không chống cộng tại hải ngoại). Vì sao nên nỗi thế này cho dân tộc Việt Nam?
1. Thà chúng ta phân chia như Nam Hàn và Bắc Hàn rạch ròi hai miền giới tuyến và tất cả.
2. Thà chúng ta cũng hợp nhất như Đông Đức và Tây Đức sống chung dưới cùng một mái nhà và cùng tất cả.
3. Hoặc thà chúng ta không hề có Tổ quốc vì sự lưu vong, mà phải giành giật nhau hàng ngày như người Do Thái.
Đau đớn và oan nghiệt thay chúng ta đều không được như một trong ba trường hợp nêu trên. Chúng ta thống nhất được đất nước, có Tổ quốc, nhưng dân tộc chúng ta, những người anh em máu đỏ da vàng của chúng ta phải sống lưu vong.
Lưu vong,
Đó là cội nguồn của vấn đề, là tiền đề cho một nỗi đau không bao giờ chấm dứt. Và song song với sự lưu vong ấy là một từ mà chúng ta đã nhắc rất nhiều: “ý thức hệ”. Sự song song này vô tình mà đầy hữu duyên như âm và dương sẽ mãi sinh sôi, trường tồn không thể nào chấm dứt được. Các thế hệ hải ngoại, con cháu có đến đời thứ ba, đời thứ tư hay nhiều đời sau nữa, họ cũng sẽ không quên vì sự di truyền của kết quả song song ấy, dù thế hệ thứ nhất, thứ hai của họ có qua đời về với bên kia thế giới.
2. Sự không thể, cho dù đã được giá như…
Không thể nào xóa đi sự “lưu vong”, không thể nào tất cả những người anh em máu đỏ da vàng ở tất cả các thế hệ sẽ trở về hết, sống dưới cùng một mái nhà Việt Nam, đó là thực tế, thực tế của cuộc sống hàng ngày của con người vì miếng cơm manh áo, vì sự nghiệp bản thân, vì điều kiện nơi xứ người.
Chúng ta chỉ còn biết xóa nhòa “ý thức hệ”, để bẻ gãy sự song song oan nghiệt đó. Nhưng…
Hoàn toàn không thể. Và có thể mãi mãi là không thể.
Trừ phi, trái đất này ngừng quay, để chúng ta có thể sắp xếp lại lịch sử. Nhưng điều trừ phi đó cũng không đấng Cứu thế nào có thể làm được.
3. Nội tại
Có người nói rằng, khuyên rằng: Đảng Cộng sản nên thay đổi. Buồn cười và hão huyền quá. Kẻ chiến thắng là kẻ tàn nhẫn, đó là quy luật. Họ đã chiến thắng, thì không lý gì họ sẽ thay đổi con đường họ đã chọn và đã đổ bao nhiêu xương máu, cùng hàng trăm ngàn lý do khác…
Đấu tranh cho dân chủ, tự do? Kết quả rồi đấy! Từ hải ngoại, đến trong nước, có thay đổi được gì? Tác động được gì? Chỉ rung được vài cành cây nhỏ, rụng vài chiếc lá khô trong cái cây cộng sản bảo thủ và lì lợm đến mù quáng thì làm được gì?
4. Thế giới đang nhìn vào Việt Nam
Vâng, đúng vậy!
Hãy để những ánh mắt đó nhìn thẳng vào Việt Nam, giữa thời đại internet này.
Để người cộng sản tự mâu thuẫn và tự đánh người cộng sản. Họ gây nên cuộc chiến tranh Nam – Bắc vì muốn đẩy lùi chủ nghĩa tư bản, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân khiến họ sợ hãi đến hãnh diện như một đứa trẻ dỗi hờn mà hét toáng lên để tự khẳng định mình rằng: họ là tiền đồn phương Đông cho chủ nghĩa xã hội.
Nhân – Quả là quan hệ trong tất cả các học thuyết quản trị.
Hãy để những ánh mắt của chủ nghĩa tư bản đang sinh sôi phát triển kia nhìn vào họ.
Hãy để chủ nghĩa tư bản tự làm nốt phần Quả của nó, mà nó đã từng bị khựng lại trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc trước đây. Và sự khựng lại, không có nghĩa là dừng cho tất cả.
Do đó, chúng ta vẫn sống. Sống để lo cho hậu thế con cái chúng ta tốt hơn từ thể chất đến tinh thần. Chúng ta có thể dạy chúng tất cả. Nhưng đừng bao giờ dạy chúng hai danh từ cho đến hết cuộc đời chúng ta nhắm mắt xuôi tay, đó là: Dương Văn Minh và Hồ Chí Minh.
© 2010 Trần Kinh Kha
© 2010 talawas
Bình luận
16 Comments (bài “Trần Kinh Kha – Suy xét về câu chuyện Lý Tống và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”)
1 2 Trang sau »
@ Trần Kinh Kha
Chào bác Kha,
Bác càng “điểm chỉ” để giúp cho tôi ngộ, tôi lại càng ngố thêm vì những tin tức bác mớm ra nó làm tôi liên tưởng đến một bà vú vừa nhai vừa mớm cơm cho đứa bé con. Bác Kha ơi, phản hồi của Bác không thay đổi được cái nhìn của tôi về những gì bác viết (bài chủ và phản hồi nói về hai ông Minh).
Và tôi nghĩ thế cũng tạm đủ giữa tôi và bác, để chúng ta đừng làm mất thì giờ của các độc giả khác trên diễn đàn talawas. Chúc bác luôn vui mạnh.
Ha ha,
Anh Tri Ngộ mến,
Vì reply bài viết diễn đàn này chỉ có 5000 chữ, chứ nếu là 500.000 ngàn chữ thì Kha này sẵn sàng bỏ thời gian viết bài hầu chuyện anh.
Người đứng đầu và phát động cuộc chiến tranh Nam – Bắc, kẻ cuối cùng kết thúc cuộc chiến bằng lệnh đầu hàng. Xét tương quan về logic đầu – cuối thì tôi cũng không có gì là sai cả.
Anh viết dài lấy tên bút danh là Tri mà chưa Ngộ.
Tôi “điểm chỉ” cho anh “ngộ” vài điểm thôi nhé :
1. Nhắc chuyện chính ủy Bùi Văn Tùng, anh quên mất ngày ấy tại dinh Độc lập, còn một người mang hàm Đại tá, Phó Tổng Biên tập báo Quân đội phía Bắc Việt là ông Bùi Tín à ?
Nhưng không một tư liệu nào nhắc đến Bùi Tín, hay nói khác hơn là Bắc Việt dấu nhẹm đi chuyện đó. Anh không thấy vô lý khi cơ quan tuyên truyền báo chí Bắc Việt mà không có một mống nào tại Dinh Độc lập ngày ấy à ? Có đấy, anh liên hệ ông Bùi Tín mà hỏi xem nhé.
Hỏi ông Bùi Tín cho chính xác câu mà đầu tiên ông Dương Văn Minh mở lời là gì ? Có phải là câu : “Em tôi đang ở đâu, chú ấy có khỏe không, khi nào tôi gặp được chú ấy ?” (ám chỉ ông Dương Văn Nhật, em ruột của ông Minh đang trong hàng ngũ Bắc Việt)
Đấy, chua cay là thế đấy. Tướng, Tổng thống, dâng giang sơn, đầu hàng rồi câu đầu tiên là hỏi em ruột mình ? Hỏi để làm gì ? Hỏi để ngầm khoe em tôi cũng ở bên Cách mạng đấy nhé, gia đình tôi cũng có thân nhân Cách mạng đấy nhé, nhớ lưu ý chi tiết này mà nhẹ tay xử án với tôi nhé.
Chưa đủ nhục hả anh Tri Ngộ ? Mất giang sơn hơn gần 20 năm quân dân miền Nam đổ bao xương máu chống giặc một cách yếu hèn. Rồi đầu tiên là hỏi thăm gia quyến của mình, lo cho cái mạng của mình.
Anh tự đánh giá ông Minh tháng ngày 1975 ấy đi nhé.
2. Nói chuyện đánh nhau, rồi đi trại cải tạo. Anh dùng từ Bộ Chính trị.
Xin thưa, anh dùng từ chung chung quá.
Anh có biết lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất một người là Tổng Bí Thư mà là người miền Trung không ?
Thưa anh, ông Lê Duẩn, người gốc Quảng Trị đó anh.
1968, Lê Duẩn chẳng phải bác ý kiến tướng Giáp về chiến tranh du kích thay vào đó là tổng tiến công trên toàn mặt trận, mà còn phủ quyết ý định của ông Hồ bằng câu nói xanh rờn : “Phải đập một cú thật mạnh để tung tóe mọi khả năng chính trị. Nếu chiến dịch Mậu Thân thất bại, tôi xin từ chức”
1968 thất bại, ông Duẩn có từ chức không ? Ai dám cách chức ông ? Thậm chí sau đó, ai dám đủ quyền cách chức Đại tướng Bắc Việt đầy chiến công là tướng Hoàng Cầm tại chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 ngay tại mặt trận ?
Nói chuyện lừa quân dân miền Nam đi học cải tạo 10 ngày, anh nên quay ngược thời gian để hỏi ông Duẩn ? Nếu không, hãy tìm thêm tư liệu mà đọc. Còn nếu anh tệ hơn nữa, có cần tôi cho địa chỉ để anh liên lạc với con trai Lê Duẩn đang sống ở Hà Nội để làm cữ bia hơi vỉa hè, lạc rang nghe nói cho nó rõ không ?
@ Vâng, tôi sẽ về học lại lịch sử theo như yêu cầu của anh. Học để tốt cho tôi là đầu tiên và sau này tôi có thể “điểm chỉ” cho anh “ngộ” ra nhiều hơn nữa.
Bài viết hay, giá như đừng có phần cuối.
Đúng, dân tộc ta mãi vẫn chưa tìm được cách hàn gắn vết thương sau 35 thống nhất. Điều này cũng thể hiện ngay trên diễn đàn.
Theo quan điểm nhà Phật, dân tộc ta có cộng nghiệp hận thù rất nặng, nên lúc sinh thời đã có sẵn tính hận thù này rồi, chỉ cần gặp duyên (cơ hội) là bộc lộ ngay.
Từng cá nhân, hãy tu tập để chuyển nghiệp của chính mình trước. Đối với dân tộc, hãy tạo điều kiện hội nhập với thế giới để giúp dân tộc chuyển cộng nghiệp. Đừng hy vọng đổi thay nhanh chóng một dân tộc có nghiệp chướng nặng như dân tộc ta.
Nói như Trần Kinh Kha (TKK) thì tất cả những oan khiên của cuộc chiến VN tương tàn (55-75) là lỗi của hai ông Minh. TKK đưa ra hai vị tiêu biểu là Hồ Chí Minh và Dương Văn Minh.
Theo tôi cái nhìn này vừa thiển cận vừa nguy hiểm vô cùng vì nếu mình nhìn sai, mình đang vô tình lên án bừa bãi những người đã khuất.
Đây nhé, Hồ Chí Minh chết vào năm 1969, mà theo các sách của các vị đại tướng Bắc Việt (một số giờ đã chết và một số đã về hưu, những Văn Tiến Dũng, Đồng Sỹ Nguyên, Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn v.v…) thì chiến lược tổng phản công và xâm chiếm miền Nam (hoặc dùng theo chữ của các bác miền Bắc là tổng phản công và giải phóng miền Nam) là hoàn toàn do Bộ Chính trị Trung Ương của Đảng Cộng sản Việt Nam phân tích, nghiên cứu và thực hiện. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ: trong quyển sách dầy hơn 200 trang của đại tướng Lê Trọng Tấn (tựa là Đại Thắng Mùa Xuân 1975), tên Hồ Chí Minh chỉ được nhắc đến có hai lần ở những trang 196 và trang 212 vì chiến dịch tấn công miền Nam mang tên là chiến dịch Hồ Chí Minh!
Rồi đến vụ đánh lừa dân quân miền Nam ra trình diện học tập (10 ngày thôi nhé), chính sách tù cải tạo (cải tạo chỉ là một danh từ hoa mỹ mà thôi, thật ra phải dùng chữ tù khổ sai mới đúng) đã được Bộ Chính trị trung ương của ĐCSVN nghiên cứu rất kỹ càng và ra lệnh áp dụng, một chính sách vô cùng tàn bạo được chuẩn bị và thi hành không có sự góp mặt của Hồ Chí Minh (đã chết và di chúc hình như không đả động gì đến sự trả thù ghê gớm này).
Riêng ông Dương Văn Minh thì việc tác giả TKK trút hết nguyên do sự thất thủ miền Nam lên đầu ông tướng này thì quả là ngây thơ, nếu không nói là “kém văn hoá”. Dĩ nhiên là chúng ta không đủ dữ kiện để hiểu thêm là tại sao lúc đó ông tướng này lại chịu đứng ra lãnh đạo một chính quyền không còn gì nhiều trong tay để rồi 3 ngày sau phải nhục nhã đọc những câu đầu hàng do chính ủy Bùi Văn Tùng, viên chỉ huy đoàn thiết giáp của Bắc quân đang ở dinh Độc Lập lúc đó, thảo soạn (tức là ông không làm cũng không được). Giờ phút chót đó, không ai có thể làm gì được nữa để cứu vãn tình hình miền Nam vô cùng bi đát. Những uẩn khúc của ông Dương Văn Minh chắc sẽ có ngày chúng ta được học hỏi thêm. Chỉ ghi thêm những điều đã biết ở đây là những lệnh rút quân cũng như bỏ những vùng chiến lược là do ông Nguyễn Văn Thiệu ban hành. Ông Minh là một người thừa kế bất đắc dĩ. Việc ông có là người anh hùng đã cứu vãn tình thế miền Nam (tránh thêm đổ máu vô ích) và cứu thành phố Sài Gòn (thoát khỏi cảnh bị tàn phá bởi quân đội Bắc Việt) trong giờ thứ 25 hay không có thể sẽ được những sách vở và hồi ký sau này chứng minh thêm (biết đâu con cháu ông Minh sẽ có ngày tiết lộ thêm).
Nói tóm, ông Trần Kinh Kha nên về học lại lịch sử VN và đừng vội vàng lên án dựa trên cái nhìn thiển cận của mình.
Riêng với tôi, chỉ cần nhìn tình cảnh Việt Nam hiện nay thì người ngu lắm cũng phải nhìn thấy là chính sách độc đoán đảng trị đang được tiếp diễn ở VN mà ba chữ “độc lâp hạnh phúc tự do” vẫn còn là một chiêu bài giả dối. Chính ra phải gọi nhà cầm quyền VN hiện nay là NGỤY mới đúng (ngụy đây là ngụy trang, đội lốt đằng sau một chủ nghĩa lỗi thời để… vơ vét).
“Nói như vầy thì thiếu rồi, phải bổ sung rằng:
“Kẻ chiến thắng là kẻ tàn nhẫn, đó là quy luật trong bầy đàn của loài dã thú.
Nguyễn Trãi chiến thắng nhưng không giết tù binh. Đó mới là chính trị của kẻ đại trí. Cộng sản Việt Nam chiến thắng rồi độc quyền thống trị, giành bổng lộc (cướp bóc tài nguyên), đàn áp dân lành, buôn bán lãnh thổ rừng núi của Tổ Tiên. Đó là sự áp đảo của bản năng dã thú đối với lương tâm con người và trí óc thông tuệ”
Vâng,
Nếu anh nói thế thì Bắc Việt người ta cũng phản pháo trong những trận VNCH đánh thắng, tù binh Bắc Việt cũng bị cho vào chuồng cọp, tù chính trị đày mút xứ ra Côn Đảo, thảm sát Mỹ Lai …
35 năm trước chúng ta đã thua đau Bắc Việt trên trận chiến tuyên truyền và lý luận, thì hôm nay xin đừng hở sườn để họ đọc diễn đàn này và tiếp tục cười cho vì lưu ban trình độ.
Quote:
Kẻ chiến thắng là kẻ tàn nhẫn, đó là quy luật.
Nói như vầy thì thiếu rồi, phải bổ sung rằng:
“Kẻ chiến thắng là kẻ tàn nhẫn, đó là quy luật trong bầy đàn của loài dã thú.
Nguyễn Trãi chiến thắng nhưng không giết tù binh. Đó mới là chính trị của kẻ đại trí. Cộng sản Việt Nam chiến thắng rồi độc quyền thống trị, giành bổng lộc (cướp bóc tài nguyên), đàn áp dân lành, buôn bán lãnh thổ rừng núi của Tổ Tiên. Đó là sự áp đảo của bản năng dã thú đối với lương tâm con người và trí óc thông tuệ.
Tôi không tin rằng ông Lê Tùng Châu có vấn đề gì đó bất bình thường ở kỹ năng đọc và viết khi tham gia một diễn đàn như Talawas này.
Chỉ xin nhắc tác giả TKK:
– Nói như ông “trả lời một phần nhỏ” – tức là giải thích cho luận điểm những gì ông viết ra, tôi thấy nó không mới và không bổ ích VỚI SỐ ĐÔNG! Ông có thể nói như thế với vợ con, bạn bè hay đảng (nếu ông có một đảng chính trị đang hoạt động)… nghĩa là riêng tư, nội bộ. Và cứ theo cái lối ông nói như trong ý kiến – có vẻ như để dẫn giải – thì cũng có hàng trăm hàng triệu cá nhân hàng chục chính đảng khác, nhóm khác trưng ra luận điểm tương ứng với mỗi đơn vị ấy! Tóm lại, chỉ là riêng tư, không ích gì, và cũng chẳng cần phải quan tâm! (ai rảnh hưỡn giờ mà đi quan tâm cái lý riêng của người khác!)
– Còn tại một diễn đàn chung cho người Việt với tất cả những nhu cầu bức thiết, đau thương, oan khốc, sinh tử… của cả một cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam chúng ta như thế, thì ta đừng quên cái tâm điểm đồng quy nhất thiết phải tụ hội ấy, khi nói lên một ý kiến mà lại là ý kiến xuất phát từ diễn biến của cả một cộng đồng. Đau là cả dân tộc đau. Sáng là cả dân tộc sáng. Nhục là cả dân tộc nhục. Vậy nên ta nói cái gì, ta đừng chỉ nghĩ đến ta mà phải nghĩ đến 85 triệu người VN. Tôi tin ông đã hiểu tôi muốn nói gì. Tôi không dám rườm lời thêm nữa kẻo sợ đụng chạm không hay.
– Nhưng kể cũng vui khi ông lập luận về Hồ Chí Minh. Ông nói “Chính bản thân ông – HCM – cũng rất đau khổ” vì “nhận viện trợ nơi các nước XHCN” – cộng sản Nga, Tàu -, hay “chọn tất cả các phương án mà bất chấp hậu quả, nếu ông giành thắng lợi.”, rồi “Vì ông thừa biết XHCN là thế nào, ông thừa nhận thức điều đó” và “Dù ông biết mình vì chọn con đường giải phóng mà ông phải chọn một chủ nghĩa mà ông không hề mong muốn.
Tôi giàu tưởng tượng, cứ nghĩ rằng, giá mà tôi học hỏi được phương pháp luận của ông đặng bào chữa cho 1 kẻ giết người, rằng, biết giết người là ác là phạm tội sát nhân trời không dung đất không tha nhưng vì cần tiền quá nên phải “chọn bất chấp hậu quả”, chọn 1 con đường “thừa biết nó là thế nào”, một quyết định mà mình “không hề mong muốn” v.v… thế là huề cả làng ông nhỉ, và vẫn phây phây được người “kính trọng”, “ngưỡng mộ”. Cám ơn ông!
Thêm tí nữa, tôi cứ tự hỏi, ông có thể ngây thơ nói tới chữ giải phóng vậy, chứ ông Hồ thì làm gì? Ông ta biết tỏng ông ta làm gì ấy chứ lị – như chính ông TKK đã nói ở trên đấy-!
Và thực tế sau 75 ở VN, ai giải phóng ai hả ông?
Giải phóng nói ở đây nghĩa là cộng sản Hà Nội đã tạo “điều kiện” cho mấy triệu đồng bào phải liều mình vượt biển (nếu lấy xương người VN chết trên biển Đông mà chất lên thì cao như 1 ngọn núi) mà lưu vong ở ngoại quốc bây giờ ấy à, hay giải phóng gì? thiệt tình tôi chưa hiểu ý ông!
Tôi xin trả lời một phần nhỏ trong bài viết của tôi :
1. Dương Văn Minh (hay còn gọi là tướng Big Minh, vì thân hình to cao). Khi cuộc đảo chính 1.11.1963, ông được chọn đứng đầu Hội Đồng Quân Nhân, dù ông biết là người Mỹ sắp đặt cuộc đảo chính này. Tuy ông không hề thích người Mỹ, nhưng vẫn nhận chức vụ ấy. Vì sao ? Vì ông mang tinh thần một người quốc gia chân chính. Ông cho rằng dù đảo chính, thì cũng chính tay người Việt làm, người Việt chết dưới họng súng người Việt, chứ không phải từ viên đạn được bắn ra từ trong tay người Mỹ. Đó là điều đau khổ và dằn vặt lớn nhất trong cuộc đời ông vào 1963 thủa ấy.
Thế mà, khi từ đại tướng trở thành một nguyên thủ lãnh đạo quốc gia, ông ra lệnh đầu hàng lời một bài hát đầy đắng cay : “bỗng dưng tiếng loa lệnh truyền buông thả, còn gì nửa đời cung kiếm ngang trời”
Một quân nhân phải bảo vệ Tổ quốc của mình đến hơi thở cuối cùng, một lãnh đạo quốc gia phải bảo vệ quốc dân của mình, đánh bật những kẻ thù nào xâm chiếm lãnh thổ của mình, dẫn dắt quốc dân của mình đến con đường sống.
Điều đó, không thể Dương Văn Minh không biết. Và thế trận 1975, Dương Văn Minh càng không thể không biết mình nhậm chức khi đất nước rối loạn.
Thế mà, ông nhậm nhức để làm một điều đầy sỉ nhục, không xứng đáng với bất kỳ lý do nào biện minh cho một quân nhân mang hàm Đại Tướng, và càng là sự khốn nạn cho một người ở cương vị Tổng Thống.
Hãy nhìn cuộc chiến Campuchia, người ta sẵn sàng rút vào rừng sâu để kháng chiến khi gặp thất bại. Hãy nhìn một Bắc Triều Tiên kiên cường và sẵn sàng hy sinh cả một dân tộc để chống kẻ thù, bảo vệ quốc dân của mình.
Đó mới là chiến đấu, là Tướng, là Chủ tịch, là Tổng thống một quốc gia, mà quốc gia đó đã có quốc kỳ riêng, được xác lập trên bản đồ thế giới, được Liên Hợp Quốc công nhận.
Còn nếu không, xin đừng viện dẫn bất kỳ lý do gì cả. Nếu viện dẫn, hãy đừng nhậm chức, nếu viện dẫn hãy tự rút súng bắn vào đầu mình để bảo tròn khí tiết.
Do đó, Dương Văn Minh không xứng đáng là một cái tên để nhắc đến, nếu không muốn nói là đáng nguyền rủa.
Quý vị có gì tự hào, khi người ta cười vào mặt một hàng ngũ tháo chạy. Và còn phỉ nhổ tệ hơn vào một người mang hàm Đại tướng, là Tổng thống dâng hai tay giang sơn cho kẻ thù gần 20 năm đã chiến đấu (1955-1975)
Đó là vết ô nhục suốt đời mà Bắc Việt nghìn thu vẫn còn tự hào mãi mãi.
Và đó là nỗi uất hận muôn đời của người lưu vong.
2. Hồ Chí Minh, tôi kính trọng ông vì ông là người mang tinh thần quốc gia, Hiến pháp 1946, ông đều lấy từ Anh, từ Mỹ dù ông được đào tạo dưới môi trường XHCN Mác – Lê.
Nhưng ông nhầm lẫn và cũng không còn con đường lựa chọn nào khác bằng cách phải chọn Cách mạng XHCN để thống nhất Bắc – Nam, vì ai sẽ viện trợ cho ông ngoài các nước XHCN ?
Chính bản thân ông cũng rất đau khổ điều này. Và ông đã theo đuổi quan điểm nhất quán là : nhận vũ khí Nga – Tàu, nhưng không cho lính Nga – Tàu trực tiếp cầm súng chiến đấu cho cuộc chiến tranh Nam – Bắc.
Vì ông hoàn toàn cảnh giác mẹo “mượn đường diệt Quắc” của Nga – Tàu, ông sẽ mất cả hai miền Nam – Bắc, nếu Nga – Tàu tham chiến và dành thắng lợi.
Dành tự do, độc lập của một nước thuộc địa là quá khó, và càng khó gấp vạn lần khi dành từ tay Pháp – Nhật, rồi đến Mỹ. Và ông đã chọn tất cả các phương án mà bất chấp hậu quả, nếu ông dành thắng lợi.
Biết mình mâu thuẫn và sai sót, vì thế trong di chúc của mình, ông tuyệt nhiên không hề viết một dòng nào là xây dựng nước Việt Nam trở thành nước XHCN. Ông chỉ viết, xây dựng Việt Nam đàng hoàng, to đẹp hơn, ai cũng có cơm ăn áo mặc, và được học hành.
Vì ông thừa biết XHCN là thế nào, ông thừa nhận thức điều đó. Đến chết, di chúc của ông vẫn mang một tinh thần của người quốc gia sâu thẳm trong ông.
Dù ông biết mình vì chọn con đường giải phóng mà ông phải chọn một chủ nghĩa mà ông không hề mong muốn.
Hồ Chí Minh là con người công – tội, ông đầy mâu thuẫn trong chính ông.
Do đó, tên ông không nên được nhắc đến cho những người muốn làm chính trị, muốn khuynh đảo giang sơn, để nhìn thấy sự sai lầm, đầy mâu thuẫn trong ông.
3. Nếu phải làm một cuộc chiến, một cơ đồ chính trị thì đừng nên nhắc đến tên một kẻ đã đầu hàng, hay một kẻ đầy vết thương lòng mâu thuẫn. Vì họ cũng chỉ là một sai lầm của thời đại. Của chính bản thân họ. Của chính sự manh nha của thời cuộc lúc bấy giờ.
4. Trước đây, tôi từng viết một bài, có nhắc : nếu có mắng chửi, chỉ trích cả hai bên cho hả giận, thì khi bình tĩnh : vui lòng hãy tôn trọng nó, vì nó đã là quá khứ, đã là lịch sử một phần không thể tác khỏi mảnh đất hình chữ S này, dù phía bên này hay bên kia.
5. Lời cuối cho những ai tranh đấu mà thích biểu tình : Quý vị tự cho mình thông minh, tài giỏi – thay vì lo củng cố lực lượng và củng cố thì quý vị đi biểu tình. Nếu tôi là Cộng Sản, tôi rất thích Quý vị biểu tình, để tôi thọc sâu, xé lẻ, đánh tận ổ, xem Quý vị kiên cường cỡ nào.
Không ai tắm hai lần, trên một dòng sông. Một mưu kế không sử dụng quá hai lần. Cộng Sản thành công là nhờ biểu tình. Họ là bậc thầy về biểu tình. Quý vị đấu tranh ngây thơ thật.
Trần Kinh Kha viết :” Có người nói rằng, khuyên rằng: Đảng Cộng sản nên thay đổi. Buồn cười và hão huyền quá. Kẻ chiến thắng là kẻ tàn nhẫn, đó là quy luật. Họ đã chiến thắng, thì không lý gì họ sẽ thay đổi con đường họ đã chọn .
Muốn nói là quy luật từ thời Chiến Quốc khi Kinh Kha thất bại trong mưu hành thích Tần vương ?
Trần Kinh Kha :” Đấu tranh cho dân chủ, tự do? Kết quả rồi đấy! Từ hải ngoại, đến trong nước, có thay đổi được gì? Tác động được gì “.
Mỗi người làm mỗi việc, khi có thể làm được gì. Nhưng tình trạng vẫn thấy ù lỳ như thế, vì VN hiện nay có được mấy người như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…, để mong sớm có kết quà tốt hơn. Không thể chờ sung rụng xuống đúng ngay miệng mình.
Dù sao vẫn hy vọng. Vì ước muốn dân chủ, tự do vẫn chưa chết trong lòng nhiều người VN. Họ vẫn đang theo nhiều phương cách khác nhau, dù thường quanh co khi không thể trực diện, để đạt tới mục đích chung.
Đồng ý với một người đọc: đặt hai tên Hồ Chí MInh và Dương Văn Minh bên cạnh nhau rất vô lý, phi lịch sử. Chỉ vì họ cùng có cái tên (đẹp)là “Minh”? Bài này của người mượn tên Kinh Kha nhưng có giọng (triết và tối) của Nguyễn Hữu Liêm. Chút cảm khái về cái tên Kinh Kha nghe bi hùng:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn
Kinh Kha ngày xưa tuy thất bại, nhưng nhà Tần sau cùng bị diệt vong.
Theo thiển ý của tôi, cả Đàm Vĩnh Hưng cho đến Lý Tống cũng chỉ là hai nạn nhân thật tội nghiệp của một cuộc chiến tương tàn.
Có một hôm tôi gặp một bà tâm lý gia người Nhật lớn tuổi. Bà kể cho tôi về kinh nghiệm chữa bệnh của bà. Bà nói ngay cả những đứa trẻ con của những bố mẹ người Nhật bị xô đuổi vào trong những trại tập trung ở Mỹ (và Canada) trong thời đệ nhị thế chiến, ngày nay, mặc dù bố mẹ các cháu không than thở gì, vẫn mang nặng một tâm tư mặc cảm và có nhiều cháu bị bệnh tâm thần vì những gì bố mẹ cháu sống qua. Việc chữa bệnh của bà là bà làm sao cho những đứa trẻ bị “bệnh” đó được nói chuyện thật nhiều với bố mẹ chúng. Qua vài cuộc (séance) hàn huyên với sự hiện diện của bà, hầu như 90% các em khỏi bệnh và lớn lên bình thường.
Nghĩ lại thì chiến tranh VN tàn khốc và khủng khiếp hơn nhiều và phương pháp trị liệu “những vết thương trong lòng dân tộc VN” (để mượn lời tác giả TKK), theo tôi, sẽ không đơn giản và đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Cách hay nhất là phải làm cho vết thương đừng rỉ máu nữa, trước khi đi đến việc chữa trị. Và việc này thì nhà nước VN là người cầm cái đuôi của cái gậy đánh baseball (baseball bat). Và theo chiều hướng hiện tại thì tình cảnh này buồn cả dạ và ông TKK có lý do để bi quan.
Toàn bài của tác giả Trần Kinh Kha vẫn toát lên một ý bi quan, bi quan một cách thực tình, chứ không phải vờ dỗi hờn.
Tôi nghĩ khác. Mọi sự việc sự vật không bao giờ dừng. Phi bất biến.
“Để người cộng sản tự mâu thuẫn và tự đánh người cộng sản”, viết câu đó là tác giả đã ngầm công nhận một bàn cờ tàn, ngay nơi người cộng sản VN. Nếu không có gì thay đổi hết, họ cứ thắng thế ngồi xổm hoài trên dân tộc, thì sao lại thế, phải không? Những chỉ dấu cho thế cục tàn của họ ngày càng đến nhiều và dồn dập, và như tất cả chúng ta đều đã thấy ở Đông Âu trước đây 20 năm…, súng đạn nào, bạo lực nào có thể cứu nổi những chế độ bạo thiên nghịch địa như vậy mà ta nói bi quan là “không bao giờ”????
Ngoài ra, có thể đa số mọi người dễ quên cái Lý “phản phục” – Lão Tử, hay luật “phản lực” của vật lý sau này. Theo đó, khi ta tác động một lực vào một đích điểm nào đó, thì ta sẽ nhận lại một lực có cường độ tương đương.
Tôi nhìn chuyện anh Lý Tống làm lâu nay (chứ không riêng vụ đánh ĐVH) và nhận rõ nguyên do, theo chiều hướng bị “luật phản phục” ấy chi phối chứ không lý giải bi quan tuyệt vọng như ông Trần Kinh Kha để rồi cho là “vết thương trong lòng dân tộc Việt Nam đã không thể nào hàn gắn được”.
Những gì ta nhận là một phản ánh trung thực những gì ta đã làm. Ta yêu người, người yêu ta. Ta trọng người, người trọng ta. Ta hại người, người hại ta. Ta thù người, người thù ta. Không thể khác được.
Tôi không bi quan bởi tôi nghĩ là chưa, chứ không phải là không hàn gắn được.
Chỉ bằng cách dừng bàn tay tội ác lại, người cộng sản sẽ lập tức, đặt một gạch nối cho hòa giải.
Người cộng sản hãy dừng gây thù thì sẽ ngừng chuốc oán.
Nhà cửa, tài sản, đất đai… cho đến đời sống, tín ngưỡng, Tự Do, Nhân Quyền, triển vọng tương lai… của tất cả người dân Việt hai miền họ chưa trả lại mà còn toan tính lấn thêm, lừa gạt thêm, thì sao mà hòa cho được?
Những lập luận khác, cũng chỉ là cảm tính mà thôi. Tôi, riêng tôi thôi, càng không nghĩ như tác giả. Hồ Chí Minh có tội quá nhiều với đất nước. Dương Văn Minh và các Tổng thống hai thời cộng hòa ở miền Nam trong hai nươi năm không làm gì nên tội, chẳng bao tội, chẳng thấm gì so với tội ác giết người, đẩy xô cả xứ sở vào chỗ tương tàn của cộng sản Bắc Việt. Nói như tác giả, hóa ra đánh đồng oan. Và không trung thực. Nói chuyện sử là rạch ròi, sòng phẳng, không nên nhập nhằng tùy tiện!
Qua sự kiện này, mọi người Việt đều thất vọng, thất vọng quá chừng. Đất nước ta đang trên đường đi đến một quá trình tạm gọi là sự giữ gìn bản địa còi cọc, di thực và tạo giống lai… mà tất cả ba quá trình đó đều đang diễn ra như những lứa tằm đa hệ lai lưỡng hệ, độc hệ… chín xôi đỗ cho ra những tổ kén con vàng, con trắng, con xanh… nghĩa là F1 không ra F1 nên đến F2, F3 kết cục sẽ là như thế nào không cần một nhãn quan xa, ai ai cũng có thể tiên liệu được. Thương thay cho cha ông ta đã ra công gìn giữ non sông gấm vóc này! Cái họa này do đâu? Do những chủ nghĩa cực đoan nào? Dân tộc ta đang bên miệng hố, ta phải nâng tầm cao trí tuệ để có sự chọn lọc từ cả ba phía: bản địa, di thực và lai. Tiêu chí chọn lựa duy nhất, sợi chỉ xuyên suốt là lòng yêu Tổ quốc mà suy cho cùng do chính chúng ta và kẻ thù từ nhiều phía đã đang làm cho nó hết sức mong manh. Than ôi!
Thật sự không hiểu tại sao lại có Dương Văn Minh ở câu kết luận. Như là một biểu tượng cho sự đầu hàng? Biểu tượng gì khi hầu hết các lãnh đạo miền Nam đã an toàn đâu đó ngoại trừ Saigon. Con rắn không bị chặt đầu, cái đầu chỉ tự động bỏ đi mặc cho thân thể muốn ra sao thì ra. Chính ông Dương Văn Minh đã cứu vãn miếng vải cuối cùng của danh dự cái-gọi-là Việt Nam Cộng hòa vào lúc chả còn gì cả. Nếu ví miền Nam là cái tàu đang chìm, ông là người chỉ huy tuyên bố “Abandon Ship!” và chấp nhận chết theo con tàu thay cho bộ sậu chỉ huy chính đã chạy thoát thân từ lâu. Ai nhìn lại cũng có thể thấy ngày miền Nam sụp đổ rõ nhất ở quyết định di tản Tây Nguyên, và ta nghe lại kiểu giải thích “Trên bảo dưới không nghe” từ cuốn sách mới nhất về ông cựu Tổng thống miền Nam cũ. Và tại sao ông Dương Văn Minh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những quyết định thiếu suy xét từ đám lãnh đạo, có thể đánh giá, tồi dở? Trong cuộc đi dẹp dân Gaulois nổi loạn, Ceasar cuối cùng vây được toàn bộ chỉ huy cuộc nổi loạn trong thành. Sau nhiều ngày bị vây hãm, lương thực thiếu thốn, bộ chỉ huy quân nổi loạn/kháng chiến quyết định đuổi hết phụ nữ và con trẻ ra khỏi thành làm mồi cho quân La Mã để giữ lương thực cho những người còn khả năng chiến đấu. Tôi nghĩ ông Dương Văn Minh đã không đủ nhẫn tâm tử chiến bằng mọi giá vì ông nhìn ra chỉ có người dân là nạn nhân lãnh đủ hậu quả từ những ngông cuồng của giới lãnh đạo. Người Saigon sẽ mang ơn ông vì chuyện này. Vả lại lý do gì phải đổ máu để bảo vệ danh dự hão huyền của những kẻ đã cao bay xa chạy từ ngày 25? Hay lấy lý do của Sean Hannity. Cuối cùng anh chàng này cũng thú nhận G. W. Bush mắc rất nhiều sai lầm, nhưng Obama là người kế nhiệm, vì vậy phải sửa chữa những sai lầm đó. Còn ở đây, không ai có lỗi ngoại trừ ông Dương Văn Minh. Ôi, phải chi dân ta thật thà cỡ Sean Hannity!
Gần đây tôi nghe 1 thứ lý luận kinh khủng khi 2 chế độ được đem ra so sánh, “Giữa 2 cái xấu, cái xấu ít hơn là cái tốt”, nó phần nào giải thích những tâm sự về sự thiếu vắng hẳn một lựa chọn cả ở 2 miền Nam và Bắc. “Phần nào” vì giữa 2 cái xấu, cái xấu ít hơn vẫn là cái xấu, chưa bao giờ là cái tốt. Chỉ chấp nhận được hệ luận là giữa 2 cái xấu, sẽ vô lý khi thay cái xấu này bằng cái xấu kia. Tôi chỉ nói cho bản thân nhưng tôi từ chối việc phải chọn lựa giữa 2 cái xấu, hệ quả là 2 lần vượt biên; lần thứ nhất ra khỏi VN, lần thứ 2 ra khỏi Cộng đồng (ý của ông Phạm Quang Tuấn) VN. Mỗi lần đều để lại một số chấn động về tâm lý nhưng vẫn xứng đáng, giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của dân chủ: một sự chọn lựa khác xứng đáng hơn.
Tôi kể thêm 2 chuyện về ông Dương Văn Minh; trong cuốn “Mùa Hè Đỏ Lửa” của nhà ký giả/nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả kể lại ông đi trực thăng thị sát chiến trường và động viên binh lính ngay lúc chiến sự gay cấn nhất. Có thể tôi thơ ngây, nhưng đó là những hình ảnh đẹp trong cuốn sách. Chuyện thứ 2 (hầu như) tôi có thể làm minh chứng. Một đại úy kế toán/kiểm toán bên quân nhu từ chối nhập một số lượng lớn gạo vì khi kiểm tra, ông ta phát hiện gạo ẩm làm nặng thêm, không giữ được lâu và không đúng tiêu chuẩn như điều kiện ban đầu. Thượng cấp trực tiếp đưa ông ra tòa án binh vì bất tuân thượng lệnh trong thời chiến, tòa xử phạt tù nhưng giảm tội vì bên quân nhu. Ông Dương Văn Minh nghe chuyện đã bảo lãnh cho ông đại úy đó ra. Ông đại úy quân nhu đó là cha tôi.
Vài giọt hơi cay cũng làm nên … lịch sử
Đọc xong bài “luận” này tôi bần thần, toát mồ hôi hột. Không chừng hai nhân vật Lý Tống, Vĩnh Hưng, qua vụ hơi cay này, sẽ đi vào lịch-sử-vẻ-vang-dân -tộc như bỡn!
Vài giọt hơi cay mà khiến cho “thế giới đang nhìn vào Việt Nam” thì còn gì bằng! Hơi cay này chắc phải kết tụ từ “khí thiêng sông núi” qua 4000 năm sử lịch của “dòng giống Lạc Hồng”.
Mà thế giới họ nhìn cái gì nhỉ? Họ cũng rỗi hơi thế sao?