Cao Dao – Thử đề nghị một cách dịch thuật văn bản triết học
14/08/2010 | 4:00 chiều | 37 Comments
Category: Ngôn ngữ - Dịch thuật, Tư tưởng
Thẻ: Ludwig Wittgenstein
Dịch thuật, hay chuyển ngữ, không phải chỉ là cầm cây bút, hí hoáy một chút, thì chữ (của một hệ ngôn ngữ này) sẽ chuyển sang chữ (của một hệ ngôn ngữ khác).
Đơn giản chỉ là vì: người ta không thể lùa một đàn bò vào một cái chuồng trâu thì chúng sẽ biến thành những con trâu. Bò thì vẫn cứ là bò, trâu thì vẫn cứ là trâu. Còn cái chuồng thì người ta muốn sao cũng được, chỉ có điều gọi là chuồng bò mà nhốt trâu thì không đúng (true), và chuồng trâu lại nhốt bò thì cũng hẳn là sai (false). Cũng như thế, khi tất cả mọi người đều gọi là “bò”, mà chỉ riêng một người gọi là “trâu”, nhưng trong trường hợp này, chưa biết ai (số nhiều) đúng, hay ai (số ít) sai. Đúng và sai chỉ được thẩm định trên cơ sở duy nhất của cái mà người ta không thể biến đổi nó khác đi (trừ phi người ta là Tôn Ngộ Không, nhưng ở đây tôi không nói đến chuyện phù phép), đó là con bò hay con trâu thấy được, sờ được, thương nó được hay ăn món bít-tếch được, như là một đối tượng (object). Còn cái chuồng là một hình thức (form) mà người ta có thể định đoạt rộng, hẹp, vuông, tròn, tùy thích.
Trong trường hợp này thì đối tượng mà chúng ta đang nói đến là đối tượng của dịch thuật một văn bản nói chung. Đối tượng ở đây chính là một hệ kí hiệu ngôn ngữ trong một trạng huống (state of affairs) bị hạn định bởi một chủ thể (subject), cũng tức là hạn định của một thế giới. Người ta không thể đơn giản lồng một thế giới này vào một thế giới khác, như úp một cái rá vào một cái nồi, hay cho hành hẹ vào chung với dưa cà, thì có ngay một món buổi chiều. Vì đơn giản: dịch thuật, không phải là câu chuyện nhà bếp.
Nhưng nếu đối tượng đó lại là một văn bản triết học (cái cao nhất và sâu nhất của ngôn ngữ), thì sao? Câu trả lời đương nhiên là: việc đầu tiên phải làm là phải xác định rõ ràng minh bạch cái gì là “triết học”, mà cái gì là dưa cà hành hẹ…
(Phần dẫn nhập này dùng những hình tượng bình dị cốt để gợi ý một cách tổng quát về toàn bộ nội dung của bài viết này, tôi không hề có ý ám chỉ, hoặc muốn làm tổn thương đến bất kỳ một ai, hay bất kỳ điều gì tương tự…)
1. Cần và thiết yếu phải minh xác lại một số khái niệm sẵn có
Nếu người ta gõ cửa một căn nhà, thì đương nhiên việc đầu tiên phải biết chủ nhà là “ai”, gõ cửa “triết học” thì cái “triết học” đó, nó là cái gì, như thế nào, tại sao gọi nó là “triết học”.
1a. “Triết học” – “哲學”: nguyên ngữ trong tiếng Hy Lạp gồm “philos” (愛 – ái, yêu thương) + “sophos” (知 – tri, tri thức, trí tuệ). Vậy “philosophia” là “yêu thương tri thức”, thuật ngữ này tự nó đã có ý nghĩa nhất định: một môn học khởi xuất từ niềm yêu thương, khát khao tri thức của con người”, được sử dụng trong các tác phẩm của Platon và Aristote.
Từ “triết học” với chữ “triết” (哲): người khôn ngoan, người hiền trí. Với quan niệm phương Đông, thì sự “khôn ngoan, hiền trí” của từ “triết” (哲) được đặt căn bản trên sự khôn ngoan, hiền trí trong việc đối nhân xử thế, cái đạo lý giữa con người với nhau giữa trời đất, chứ không hẳn dựa trên căn bản “tri thức”, cái biết về sự vật nói chung. Có sự dị biệt trong mục đích luận giữa Đạo học, tâm học, tôn giáo và triết học:
1b. “Tâm học” và “tôn giáo“: Thật ra, Tâm học ở phương Đông trong nhiều trường hợp được xem là tôn giáo, lẽ ra phải viết là “tông giáo” (宗教) – với chữ “tông” (宗) gồm bộ “miên” (宀): mái nhà và chữ “thị” (示): thần Đất, bảo cho biết, đồng thời cũng tượng hình cái bàn. “Tông” mang ý nghĩa: lễ vật trên bàn thờ dưới mái nhà, để dâng lên thần thánh, mong nhận được ban phước và sự minh thị của thánh thần. Ý nghĩa này khá tương đồng, có thể chấp nhận được trong một số trường hợp với religion = re (lập lại, tái) + ligio (kết hợp), với ý nghĩa: tái kết hợp với Thượng đế. (Trong một số trường hợp khác thì “tông giáo” không phải là “religion”.)
Cả tâm học và “tôn” giáo đều đặt mục tiêu tối hậu vào sự toàn thiện nhân cách của cá nhân, không phải là “tri thức”. “Triết” hay “hiền triết”, hay người khôn ngoan, hiền trí của Đông phương, không phải là kẻ chỉ “biết tri”. Người chịu trách nhiệm về điều này đầu tiên ở Trung Quốc có lẽ là Lão tử, người đã xác lập một trong những ý nghĩa nền tảng cho chủ thể tư duy trong nền văn hóa này: “Đạo khả phi thường Đạo”, Đạo (cái Chân lý phổ quát) là cái không thể biết, không thể nói, chỉ có thể trực quan được nó, ai tu người đó chứng thôi. Mục đích luận trong sự hoàn thiện nhân cách này dẫn đến sự thành lập một chủ thể tư duy với tư cách như là một cá thể, đặc trưng Đông phương (Oriental Individuum), nó hạn định một thế giới quan Đông phương. Chỗ khác biệt này là dị biệt thuộc về nền tảng so với “triết học”, cái truy cầu một tri thức phổ biến, thỏa đáng với tất cả mọi người, và là cái có thể truyền đạt được một cách minh bạch rõ ràng.
Như vậy, so sánh giữa a và b, chúng ta thấy có hai điểm lệch xa trong mục đích luận trong thuật ngữ “triết học”: Một chất điểm nội tại sâu thẳm ở bên trong, “Tâm” (心), và một chất điểm nằm xa ngoài vô tận, “Idea” – thực tại tại hoàn hảo nằm trong vô hạn của Platon. Thuật ngữ này có lẽ đã được đặt ra ngay từ buổi đầu tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, các học giả Trung Quốc (hay Nhật Bản?) đã gán cho nó. Ngày nay đã trở thành một từ thống nhất trong quyển vực Đông Á, không còn cách nào hơn là phải chấp nhận hai hệ kí hiệu bất tương xứng này.
Chúng ta bị rơi vào trạng huống bị buộc phải chấp nhận nó, như là một mệnh đề cho một mệnh đề khác thuộc về đối tượng là “philosophia”. Ngay từ điểm xuất phát, người Đông phương đã thất bại trong việc đề xuất ra những kí hiệu trong mệnh đề “triết học” của mình.
Thật ra, cái philosophia của tiền-Aristote không quá lệch xa với tâm học của Đông phương như chúng ta tưởng. Chúng ta tìm thấy sự trùng hợp lạ lùng giữa dụng ngữ “doxa” của Platon và “dosa” của hệ phái tư tưởng Sàmïkhya (Số Luận) của Cổ đại Ấn Độ, một hệ phái lâu đời nhất cùng với Upanishad và có những dụng ngữ được sử dụng trong Upanishad. Cả “doxa” của Platon và “dosa” của Sàmïkhya đều có nghĩa là “cái bất xác”, và nhiều căn cứ khác nữa cho thấy đã có giao thoa giữa hai nền văn hóa Cổ đại này (nếu có dịp, sẽ trình bày ở một bài khác, ở bình diện tỉ giảo văn hóa luận). Tuy nhiên không thể nói Platon “đạo văn”, Platon chỉ sử dụng những “chất liệu” từ bên ngoài để thiết lập một hệ thống tư tưởng triết học của riêng ông, đó là cái gì chỉ có Platon mới có. Ngay cả người Ấn cũng không thể dùng thuật ngữ “dosa” (có thể là nguyên mẫu của “doxa”) để chuyển dịch “doxa” của Platon. Đó là hai kí hiệu ngôn ngữ của hai cấu trúc luận lý khác nhau, dù không khác xa nhau lắm.
Tuy nhiên, đến Aristote, người đã thiết lập một hệ thống triết học thực thụ nghiêm mật và khổng lồ, với một cấu trúc luận lý trong suốt nghiêm nhặt, thì chỗ giao thoa giữa tâm học và triết học bị đoạn lìa, Đông là Đông, Tây là Tây, đôi khi gặp nhau một chút, bắt tay một cái, rồi lại ngoảnh mặt đi ngay. Từ đây, không dễ dàng gì cho phương Đông tiếp cận được “philosophia”, cái cao nhất và sâu nhất của văn hóa phương Tây, và ngược lại, phương Tây cũng không dễ dàng gì tiếp cận với cái ỡm ờ, có vẻ như thế nhưng không phải như thế của văn hóa phương Đông được nữa. Bởi vì:
1c. Metaphysica: với “meta”: siêu vượt lên và “physica” bao hàm ý nghĩa về những tự nhiên học (như toán học, vật lý học, động vật học, thiên văn học…), xuất phát từ “phusis”: tự nhiên, tự nhiên tính.
Aristote đã gọi môn học này bằng nhiều cái tên “cái học của về nguyên nhân thứ nhất” (Metaphysica cuốn 2), “cái học về thực tại tự nó”, “triết học đầu tiên và tiên quyết” (Metaphisica cuốn 4, phần 1), “cái học đầu tiên” (Ibid.) hay “cha của mọi môn học”.
Những cách gọi này đều hàm ý về một triết học có tính cách tiên khởi và quyết định cho những khoa học tự nhiên khác như vật lý học, động vật học, thiên văn học… “Giờ đây, nếu những thực thể thiên nhiên là những sự vật tồn tại đầu tiên, thì vật lý học phải là một khoa học đầu tiên của mọi ngành khoa học. Nhưng nếu có một thực thể khác hơn, là tồn tại đầu tiên, nó biệt lập và bất động, thì tri thức con người phải là cái gì khác hơn và tiên quyết hơn là vật lý học, và nó (philosophia) phổ biến bởi vì nó là cái có trước.” (“Now if natural substances are the first of existing things, physics must be the first of sciences; but if there is another entity and substance, separable and unmovable, the knowledge of it must be different and prior to physics and universal because it is prior.” (Metaphysica cuốn 11, W. D. Ross đọc giải từ tiếng Hy Lạp.)
Như thế, nếu chúng ta có thể dịch với một cái tên tương đối sát nghĩa với Metaphysica, thì đó phải là “siêu tự nhiên học”, hay “siêu tự nhiên khoa học” với ý nghĩa: một môn học vượt lên trên tất cả các khoa học tự nhiên khác, cái có tính cách tiên khởi và quyết định cho tất cả các môn khoa học này. Nói cách khác, đó là “môn học phản tỉnh tất cả các tri thức của con người (trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên – Người viết) và thống nhất chúng lại một cách thỏa đáng” (“Tetsugaku Nyumon”, Níhida Kitaro).
Như thế thì thuật ngữ mà chúng ta thường sử dụng để nói về môn học này là “siêu hình học” không nói lên một ý nghĩa có tính cách “triết học” nào cả. Người ta lại thất bại trong việc đề xuất những kí hiệu cho một mệnh đề, một mệnh đề tiên khởi của triết học. Chữ “hình” (形) ở đây, với tất cả ý nghĩa khả hữu của nó (hình dạng, hình thể, hình tượng, dạng tướng…) đều không tương quan gì với “physica” cả. Ở Việt Nam đã có người từng đề nghị dùng chữ “thể” (體): cái có một mô thức nhất định, cái có nội hàm một tính chất nhất định, để thành “siêu thể học” (Phạm Công Thiện), nghe có vẻ dễ chịu hơn một chút. Tuy nhiên, chữ “th” (體) này, trong tương quan đối phản với chữ “dụng” (用) – cái biểu lộ ra bên ngoài – nếu có tương quan gì với triết học, thì chỉ có thể tương quan với khái niệm “bản chất, bản thể”, chỉ là một trong những khái niệm được Aristote thiết lập trong Metaphysica thôi (xem Metaphysica cuốn 5, phần 4, Aristote), nó không có thẩm quyền và khả năng biểu thị cho chính Metaphysica.
Các học giả Nhật Bản từ thời Minh Trị cho đến bây giờ, hầu như 100% thống nhất gọi là “hình nhi thượng học” (Keiijougaku – 形而上学), điều này có vẻ lại càng tồi tệ hơn, nếu không nói thẳng là hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vì ý nghĩa “hình nhi thượng”, “hình nhi hạ” của Khổng Tử hoàn toàn chẳng dính dáng gì với triết học cả, hai hệ thống này hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ vì một hình thức giống nhau nào đó trong ngữ nghĩa, mà bê chúng ra từ một hệ thống ngữ nghĩa này nhét vào hệ thống ngữ nghĩa kia, thì có khác gì lùa những con bò vào chuồng trâu, rồi bảo chúng là trâu? Trong các đề xuất kí hiệu tiên khởi này, dưa cà hành hẹ được nhét cả vào trong triết học.
“Một mệnh đề xác định một chỗ trong không gian luận lý. Sự tồn tại trong không gian luận lý này được xác chứng duy chỉ bởi chính sự tồn tại của những yếu tố cấu thành bởi sự tồn tại của mệnh đề có ý nghĩa đó.” (Luận khảo luận lý triết học, 3.4, L. Wittgenstein)
Xuất phát từ một tên gọi cơ bản như thế, thật không lạ gì khi người Nhật cũng cùng một cách như thế, dịch chữ “mind” trong tiếng Anh là “tâm” (心) theo đúng nghĩa mà cái “tâm” trong Đông phương học sử dụng. Vào thập niên 80 và 90, đã xuất hiện một số tác-dịch giả trẻ mạnh dạn đề nghị và dịch từ này bằng cách phiên âm “maindo” (マインド), chứ không dịch nghĩa. Lý do đơn giản: “mind” không phải là “tâm”, cái bao hàm tất cả những hiện tượng thuộc về tâm lý học và là đối tượng mà khoa học này quan tâm, chứ không phải là đối tượng của triết học (mặc dù trong một cách thế nào đó, triết học có thể có tương quan với tâm lý học). “Mind” trong truyền thống triết học phương Tây là cái gì chỉ thuộc vào lý tính (ration), phản tỉnh triết học (philosophical insights) là hành vi lý tính thuần túy đối với toàn bộ tri thức của con người, nó không hề dính dáng gì đến hỉ, nộ, ái, ố hay những xung động thần kinh có tính cách tự phát, hay một bản năng thầm kín nào cả. Thật lạ lùng khi cuốn tự điển về Wittgenstein xuất bản năm 1999 (nhà xuất bản Daishukanshoten) do GS Makoto Yamamoto và GS Hiroshi Kurosaki chủ biên, cùng với sáu vị giáo sư khác của các đại học nổi tiếng của Nhật Bản, đều thống nhất với nhau chuyển ngữ “mind” là “tâm”. Điều đáng ngạc nhiên là các giáo thụ (professors) này là những giáo sư chuyên ngành về Wittgenstein. Các vị này đều đồng tâm hợp lực úp cái rá vào cái chậu, người ta phải nghiêng mình trước cái sức mạnh của quán tính nhà bếp này.
Trong một bối cảnh nhập nhòa giữa tâm học và triết học như thế, thật không ngạc nhiên khi ngay tại giảng đường của Đại học Tokyo, một đại học thuộc “top” của Nhật Bản, giáo sư Suzuki dùng Luận văn tập (trên mười cuốn sách) của ông làm tài liệu giảng dạy cho các môn sinh cấp trên đại học, trong đó ông diễn giải khái niệm “A priori” của Kant đồng nghĩa với “bẩm sinh” (tiếng Nhật: sinh đắc – 生得 – seitoku = innate, angeboren) trên bình diện sinh vật học. May mà Kant đã chết rất lâu trước khi nghe tin này.
Điều này có nguyên nhân sâu xa: nó kế thừa từ cách dịch thuật đã có từ lâu không chỉ ở Nhật Bản, mà cả quyển vực Đông Á: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Đại Hàn và cả Việt Nam. Trước thập niên 40, hầu như các văn bản triết học ở Nhật đều thống nhất với cách dịch “A priori” là “Tiên thiên” (先天) một cách mơ hồ, đánh đồng ý nghĩa với “bẩm sinh”, “sinh đắc” nói trên. Cuốn Triết học Kant của Trần Thái Đỉnh xuất bản ở Việt Nam trước 1975, cũng vô tình kế thừa cách dịch thuật này. Nishida Kitarō (bạn thân của Daisetsu Suzuki, tác giả của Thiền luận – Essays of Zen), người đã mở ra một trường phái triết học riêng cho Nhật Bản, gọi là “Trường phái Kyōto”, cũng dùng khái niệm “Tiên thiên” này. Mãi sau thập niên 50, người Nhật mới bắt đầu nhận ra sự lủng củng này, đó là một sai lầm căn bản khi nói về Kant, và chuyển dịch nó thành “Tiên nghiệm”: không dựa vào kinh nghiệm, chỉ nội tại trong lý tính, chứ không phải là cái sinh ra đã vốn có, như có bốn chân hai cái sừng và một cái đuôi. Hai ngàn năm trước, Aristote đã xác minh một cách giản khiết một điều tương tự: “Protera, Priora“,- cái có trước (chỉ đơn giản là có trước, cái tiên quyết), chính là cơ sở của “A priori”. Vậy mà hơn hai ngàn năm sau vẫn cứ có người nhầm tưởng trâu là bò.
Tôi viết ra những điều này không phải là để phủ nhận những sách triết học ở Nhật Bản, một trong những quốc gia tiền phong trong việc tiếp cận triết học, là nơi có thể nói loại sách này nhiều nhất Á châu hiện nay, trong đó có những công trình dịch thuật rất hay và nghiêm túc (và lại buộc phải có thể nói thêm cho chắc: bên cạnh vô số những rá úp vào nồi…). Dẫn chứng những điều này, tôi chỉ muốn nói: công việc tiếp cận với cái gọi là triết học của các nước phương Đông nói chung vốn là một con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu, trượt lên trượt xuống, chứ không phải chỉ đơn giản đọc một câu thần chú “Metapha!”, là cánh cửa sẽ tự động mở ra thênh thang. Trên con đường mòn này, những người đi trước mở đường để lại những dấu vết cho những người đi sau lần mò theo đó mà đi, và chính họ cũng để lại không ít hoa tàn cỏ dại, làm lạc lối những người đi sau…
Bởi vì sợ bị lạc đường, nên tôi phải đánh dấu cho rõ ràng tại những vị trí chính yếu, để từ đó có thể định hướng mà đi, tức là: cần một sự minh xác rõ ràng minh bạch một số khái niệm cơ bản thường được sử dụng một cách khái quát nhất trong lớp phân loại cơ sở:
1d. Luận – 論 – Logic: nói về. Khi “nói về” bất kỳ một đối tượng nào, của bất kỳ dạng thức nào, cũng luôn luôn nội hàm trong đó một cấu trúc luận lý, một cái khung trong suốt để xác chứng cho ý nghĩa của những gì đang nói về. Tuy nhiên, không nhất thiết cấu trúc luận lý này phải được thiết lập thành một hệ thống nghiêm nhặt: người ta có thể luận một cách có hệ thống, hay luận một cách không có hệ thống, tức là luận khơi khơi. Người ta có thể luận về bất kỳ cái gì trên đời: vũ trụ luận, khoa học luận, văn hóa luận, Luận ngữ, luận về trâu hay bò, mưa hay nắng… Luận chỉ là luận về một chủ đề (subject), trong đó nội hàm những đối tượng và những thuộc tính thuộc về chủ đề đó, và cách luận như thế có thể là đúng hay sai, nghĩa là nó luôn luôn bao hàm hai khả năng: 1. Luận và 2. Phản luận.
1e. Thuyết – 說 – hypothesis: giả thuyết. Một giả thuyết (khoa học, hay bất kỳ dạng giả định điều kiện cách-conditional nào trong cách nói thông thường) luôn luôn bao hàm những khả năng:
– Khả nghiệm: có thể kiểm chứng trên thực tế, hay trên thực nghiệm.
– Khả chứng: có thể chứng minh được bằng luận lý, hay bằng chứng cứ cụ thể. Như thế, thì một giả thuyết cũng nội hàm một khả năng đối lập của nó:
– Khả năng phản chứng: chứng minh ngược lại. Bất kỳ một giả thuyết khoa học, dù chính xác hay không chính xác, cũng luôn luôn bao hàm một khả năng song hành với giả thuyết đó: là “khả năng phản thuyết” (trường phái triết học Vienne).
Giả thuyết khoa học chỉ có giá trị tương đối trong một quá trình nhiều giai đoạn lặp đi lặp lại: 1. đặt giả thiết, 2. kiểm chứng trên thực nghiệm, 3. chứng minh, 4. phản thuyết, 5. tái kiểm chứng bằng thực nghiệm… và cứ như thế (theo John Dewey). Giá trị của một giả thuyết khoa học được xác chứng là “đúng” trong một quá trình lặp đi lặp lại như thế, cho đến khi nào có một giả thuyết khác chứng minh một điều ngược lại.
1f. Học – 學 – Logy-Science: Dù là Luận hay Thuyết, một khi đã được thiết lập thành một hệ thống có tính hữu cơ, với những yếu tố cơ bản và những thành phần kết hợp trong một tương quan thống nhất, với cái này bổ sung cho cái kia, thì gọi là Học-Science. Với những tính cách khác nhau như đã đề cập ở 1a, 1b, và 1c, cần và thiết yếu phải phân định rõ ràng giữa:
– Khoa học-Scienes: như là một Thuyết, phải được xác chứng bởi những điều kiện như ở 1e.
– Triết học: bản thân nó cũng là một khoa học-science, nhưng là một khoa học tiên quyết cho tất cả những ngành khoa học khác, như đã xác định ở 1c. Đó là một cái học tiên quyết đặt ra những nền tảng phán đoán chuẩn xác, và thống nhất tất cả những điều kiện tri thức của con người. Mọi ngành khoa học khác đều phải dựa trên những thành tựu triết học, để có thể xác định và tiến hành cho mình một phương pháp luận riêng biệt, trên cơ sở phán đoán chuẩn xác mà triết học đã đề ra. Nói cách khác: triết học là phương pháp luận nền tảng cho tất cả mọi phương pháp luận khác, tự nó là “một thực thể bất động làm nguyên nhân cho những cái động khác” (Aristote).
“Triết học nhằm mục đích vào sự minh bạch luận lý của tư tưởng. Triết học không phải là một hệ thống lý thuyết, mà là một nguyên động. Một tác phẩm triết học bao hàm những giải minh căn để.” (Luận khảo luận lý triết học“, 4.112, Wittgenstein).
Bản thân khoa học không thể đứng ngoài triết học, cái làm nền tảng căn để của nó, nếu nó muốn có một cơ sở đúng đắn để tiến hành phương thức thăm dò đặc thù của nó. Nếu không thì đó chỉ là Luận, một cách khơi khơi không có cơ sở nào, không có gì bảo đảm cho nó khỏi luận lòng vòng. Người ta có thể luận về con bò như là một con trâu, và ngược lại. Cũng như người ta có quyền luận lòng vòng về Khổng Tử hơn suốt hai ngàn năm nay mà chưa chắc hiểu Khổng Tử muốn nói gì. Hai ngàn năm lùi lũi theo sau đuôi một con trâu do chính mình vẽ ra, mà cứ nghĩ nó là con bò. (Chú thích cần thiết: Tôi không nhập cùng một duộc giữa Khổng Tử và trâu, tôi chỉ phân loại theo đúng tiêu chuẩn phân loại những cách luận giải dai dẳng về trâu và bò, mà không hề quan thiết đến cái gì là “bò”, mà cái gì là “trâu”, trâu bò lẫn lộn…). Điều này không những chỉ trong Nho học, mà cả Đạo học, Dịch học, cũng điều như thế, những luận giải cái này xen lẫn với cái kia, rồi cái kia xen lẫn với cái nọ… (chẳng hạn: với Kinh Dịch, chỉ riêng tên gọi của một quẻ “Ký Tế” (既濟) đã có ít nhất 12 ý nghĩa khác nhau để Vương Bật, Trịnh Huyền, Hồ Viện, Du Diễm, Chu Hi, Trình Di… là những học giả hàng đầu của Trung Quốc trong mỗi thời đại, mỗi người giải một “ý nghĩa” khác nhau, trên cơ sở đó luận giải khác nhau, ông này gọi là “trâu” và luận giải theo cách trâu, ông kia gọi là “bò” và luận giải theo cách bò, không ai có thể thẩm định được là bò đúng hay trâu đúng…).
“Không có triết học thì tư tưởng, như nó vốn như thế, là cái gi mờ mịt và bất minh: Nhiệm vụ của triết học là làm cho nó trở nên minh bạch và vạch cho nó những đường biên rõ nét.” (Sđd., 4.112)
“Triết học đặt ra giới hạn cho bầu không khí quá nhiều tranh cãi của khoa học tự nhiên.” (Sđd., 4.113).
Như thế, từ chính điểm xuất phát đã được minh định rõ ràng và khúc chiết bởi Aristote, triết học vẫn cứ tiếp tục khẳng định chính nó một cách hiển nhiên (như là một mệnh đề toán học, mà không như là một mệnh đề toán học). Tự nó tự minh (sefl-evident), mà không cần đến sự trợ giúp của một khoa học nào (nó là cha, chứ không phải là con, như ý nghĩa xác định ở c). Như vậy, phương pháp luận đặc thù của triết học không phải là phương pháp luận khoa học (khả nghiệm, khả chứng, khả phản chứng). Khả tính và phương pháp luận duy nhất của triết học là: Khả tính phản tỉnh triết học (Posibility of philosophical insights). Khả tính này nội hàm hai khả năng:
1f1. Triết học, với tư cách là một cái học tiên quyết (First Science), có khả năng phản tỉnh từ tất cả mọi tri thức khoa học, tức là, tất cả mọi tri thức con người ta có thể có được về thế giới, trong đó con người tồn tại. Nó đề xuất những tiền đề có tính nền tảng và nguyên lý cho bất kỳ một nguyên tắc khoa học nào và cũng chính nó thống nhất lại tất cả những tri thức trong mọi ngành khoa học lại. Nó xác định ý nghĩa đầu tiên và cơ bản nhất cho việc thành lập những ý nghĩa khác: cái gì là “con trâu”, cái gì là “con bò”. Việc tiếp theo của các ngành khoa học là xác định: như thế nào là bò, và như thế nào là trâu, thịt bò bít-tếch khác với thịt trâu nấu phở như thế nào.
1f2. Triết học, với tư cách là một thực thể đầu tiên (“First Substance“, Aristote), tự nó có khả tính phản tỉnh chính nó. Chỉ có triết học mới có thể phản tỉnh được triết học và phản tỉnh của nó là phản tỉnh có tính cách biện chứng (dialectic). Như thế, một mệnh đề triết học chỉ có thể giải quyết, phát triển, kế thừa hay bị thanh toán gọn gàng bởi một mệnh đề triết học khác. Chỉ có một mệnh đề triết học mới có khả năng và thẩm quyền phản tỉnh lại một mệnh đề triết học. Các mệnh đề khoa học không với được tới đó, để có thể xầm xì gì được. Bò và trâu không có khả năng định đoạt về cái chuồng của chúng.
Đến đây, có lẽ công việc dọn dẹp đã tạm đủ, chúng ta đã có thể đi thẳng vào vấn đề chính: về công việc dịch thuật một văn bản triết học.
2. Thử đề nghị một cách dịch thuật văn bản triết học
Thiết định một tra vấn triết học (philosophical problem) là thiết định một cái gì đụng tới toàn thể cấu trúc của triết học, nó không liên can đến việc tra vấn “nhiều” hay “ít”, bất kỳ một tra vấn triết học nào, cũng đều chạm tới nền tảng của nó, tức là chạm đến toàn bộ cấu trúc triết học từ điểm xuất phát cho đến thời điểm của tra vấn đó. Người ta muốn sửa một chữ trong triết học trong khi tra vấn, thì có nghĩa là, trong câu trả lời của mình, phải sửa lại toàn bộ những chữ khác đã được thiết lập trong triết học.
“Mệnh đề chỉ có thể xác định một vị trí trong không gian luận lý: tuy nhiên, toàn thể không gian luận lý đã phải được thiết định bởi nó.” (Sđd. 3.42)
Lý do: đó là cái gì ở cấp độ nền tảng (cái nằm ở sâu nhất) và là cái gì thống nhất tất cả những cái khác (cái ở tầm cao nhất) trong trong toàn bộ động tác tri thức của con người. Một mệnh đề triết học không đồng đẳng với mệnh đề của khoa học tự nhiên.
“Triết học nhằm mục đích vào sự minh bạch luận lý của tư tưởng. Triết học không phải là một hệ thống lý thuyết, mà là một nguyên động. Một tác phẩm triết học bao hàm những giải minh căn để.” (Sđd., 4.112)
“Triết học không phải là một trong những khoa học tự nhiên. (Thuật ngữ “triết học” phải có nghĩa là một cái gì hoặc ở trên, hoặc ở dưới, chứ không đồng đẳng với các khoa học tự nhiên.)” (Sđd. 4.111)
Tính bất đồng đẳng giữa triết học và các khoa học đem lại sự bất đồng đẳng giữa những thuật ngữ triết học và những thuật ngữ của khoa học tự nhiên, mặc dù rằng:
2a. Trên bình diện ngôn ngữ có thể đó là hai khái niệm có vẻ giống nhau về phương diện ngữ nghĩa, nhưng hoàn toàn khác nhau trong cấu trúc luận lý của toàn bộ hệ thống. Ý nghĩa không nằm trong hình thức của khái niệm, mà nó được định lập bởi cấu trúc luận lý của hệ thống. Ví dụ: như trường hợp đã dẫn ở phần 1c, sự khác nhau giữa thuật ngữ triết học “a priori” và thuật ngữ “bẩm sinh” của sinh vật học. Một cái nói về tính tiên quyết (có trước – Protera, Priora) nội hàm trong lý tính, còn cái kia nói về cái sinh ra vốn có của mỗi cá thể sinh vật. Hai cái khác nhau này, thuộc về hai cấu trúc luận lý hoàn toàn khác nhau về cấp độ cũng như về tính cách: “A priori”, như là căn cứ phán đoán lý tính, nó định ra những phạm trù tiên quyết của lý tính đối với kinh nghiệm, qua đó Kant giải minh về một khả tính của nhận thức. Cái mà Kant thiết lập định ra một cơ sở phán đoán trong nhận thức luận khoa học (episthemology) cận đại, nó cũng chính là cơ sở phán đoán cho tất cả mọi ngành thuộc mọi lĩnh vực khoa học, cận đại cũng như hiện đại. “Bẩm sinh” chỉ là một khái niệm đơn lập trên bình diện sinh vật học và trong cách nói thông thường, và ý nghĩa của nó được hạn định trong phạm vi cá thể. Hai khái niệm này thuộc về hai hệ thống luận lý hoàn toàn khác nhau về cấp độ, và thuộc về hai thế giới hoàn toàn khác nhau về tính cách.
Cũng như thế đối với “mind” và “tâm” (心 – citta). Chữ “mind” đã được chuẩn bị bởi cả một hệ thống bản thể luận (ontology) của Aristote và một truyền thống lý tính của văn hóa Tây phương hơn hai ngàn năm. Chữ “tâm” đã được Đạo học, tâm học và Phật học của Ấn Độ và Trung Hoa súc tích cho nó cả một thế giới vô hạn, và vô số những diễn giải về nó hơn suốt hai ngàn năm. Người ta không thể đếm hết được vô số những ý nghĩa phụ thuộc của hai khái niệm này. Không thể chỉ vì mở tự điển ra tra một ý nghĩa gần giống mà có thể vội vàng úp chúng vào nhau như úp cái rá lên cái nồi được.
Những cái “trông có vẻ giống nhau” hay “từa tựa như nhau”, hay nói rộng hơn một chút “những cái mài mại giữa cái này và cái kia”, tức là cái mà Platon gọi là “cái bất xác – doxa”, nghĩa là cái trung gian (tometaxy) giữa cái có (to on) và cái không có (to me on), ngay từ buổi sơ khai, nó đã được xác định rõ ràng và đã bị loại ra khỏi cuộc chơi triết học rồi.
2b. Hai khái niệm đều xuất phát từ một gốc và ý nghĩa giống nhau, nhưng lại sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: “Dynamis”, một từ Hy Lạp cổ với nguyên nghĩa là “năng lực” (power) được Aristote triển khai thành khái niệm về “Khả tính” (Posibilty), đồng thời nó cũng được sử dụng mà Platon đề cập trong Quốc gia luận (Politica 587D) như là một thuật ngữ toán học “a x a x a”, tức là a3, cái mà ngày nay gọi là “lũy thừa”. Mặc dù được viết giống nhau và hiểu theo nghĩa thông dụng như nhau, nhưng một cái nói về một khả tính trong triết học và một cái nói về một khả tính trong toán học. Điều này cũng giống như “Doxa” của Platon và “Dosa” của Ấn Độ (như đã dẫn ở 1c).
“Để có thể chấp nhận một hình tượng bởi kí hiệu của nó, chúng ta phải quan sát cái cách kí hiệu được sử dụng như thế nào với ý nghĩa.” (Sđd. 3.326)
“Một mệnh đề xác định một chỗ trong không gian luận lý. Sự tồn tại trong không gian luận lý này được xác chứng duy chỉ bởi chính sự tồn tại của những yếu tố cấu thành bởi sự tồn tại của mệnh đề có ý nghĩa đó.” (Sđd., 3.4)
“Mệnh đề phải thông tri một ý nghĩa mới thông qua cách biểu trưng cũ. Một mệnh đề thông báo cho chúng ta một trạng huống, và như thế, nó phải gắn kết một cách thiết yếu với trạng huống ấy. Sự gắn kết đó, một cách chuẩn xác, là hình tượng luận lý. Một mệnh đề minh thị một cái gì đó, chỉ ở trong chừng mực nó là một hình tượng.” (Sđd. 4.03)
“Khi chuyển dịch một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác, chúng ta không tiến hành bằng cách dịch thuật mỗi mệnh đề của ngôn ngữ này sang mệnh đề của ngôn ngữ khác, mà chỉ bằng cách chuyển dịch những yếu tố cấu thành của mệnh đề.” (Sđd. 4.025)
v.v…
Trên đây là những giải minh của Wittgenstein về ngôn ngữ nói chung. Chúng ta ta có thể tiến hành cách miêu tả trình thuật một sự vật, hay chuyển dịch một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác, trên bình diện ngôn ngữ. “Trên bình diện ngôn ngữ”, nghĩa là chúng ta có thể sử dụng những nguyên tắc nền tảng trên đây để nói hay viết hay suy nghĩ, hay dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác (như dịch một văn bản thuộc các thể loại văn học…), thông qua công cụ duy nhất là ngôn ngữ, và cũng là cái hạn định thế giới chúng ta. Tuy nhiên, những mệnh đề này của Wittgenstein chưa hề đề cập đến việc chuyển dịch chính chúng sang một ngôn ngữ khác, tức là chuyển dịch một mệnh đề triết học sang một hệ thống ngôn ngữ khác. Nó lại càng không đơn giản như lùa đàn bò vào chuồng trâu, bởi vì: cái chuồng này là chính “triết học”.
2c. Thiết định một câu hỏi: Làm thế nào để chuyển dịch một văn bản triết học, từ một hệ thống ngôn ngữ này sang một hệ thống ngôn ngữ khác? Câu hỏi này, tự nó cũng là một tra vấn triết học, hay là một tra vấn có tính cách triết học. Việc chuyển dịch này không còn nằm trong bình diện của ngôn ngữ học, ý nghĩa luận (semantic) hay các khoa học tương quan, những thứ này đã bị loại ra khỏi sân chơi triết học. Chẳng những nó đòi hỏi chúng ta phải nâng cấp ngôn ngữ đến một cấp độ khác (cao hơn hay sâu hơn), mà một cách tất nhiên, nó đòi hỏi đến cái mà chúng ta đã đề cập ở 1d2, đó là: Khả tính phản tỉnh triết học (Posility of Philosophical Insights). Một mệnh đề triết học chỉ có ý nghĩa trong phương pháp luận đặc thù của triết học.
Đương nhiên, khi nói về hay chuyển dịch một mệnh đề triết học, thì ý nghĩa của việc nói về và chuyển dịch ấy, chân xác hay không chân xác, chỉ được xác chứng chỉ duy nhất bởi chính phản tỉnh triết học. “Chỉ duy nhất”, bởi vì chúng ta không còn có thể lập luận dựa vào bất kỳ một khoa học nào (vốn đẳng cấp thấp hơn nó, hay chỉ nằm hời hợt bề mặt phía trên nó, bị nó quyết định). Ngay từ trong định nghĩa đầu tiên (1c), nó đã được liệt vào đẳng cấp tuyệt đối, cái thứ nhất, cái tiên quyết, vậy thì chẳng có cái nào khác có thể lay động được nó, chỉ có nó tự quyết về bản thân nó mà thôi. “Ý nghĩa” của văn bản triết học không thuộc về ngôn ngữ bình thường hay ngôn ngữ thông dụng của các ngành khoa học nữa (chúng ta có thể thấy rải rác trong Luận khảo, Wittgenstein thường nhắc đến nhóm từ “cả trong ngôn ngữ thông thường” như ở 4.011… Điều này cho thấy rõ ràng ông đã tách nó ra khỏi lĩnh vực của một mệnh đề triết học).
Như thế, người ta không thể tiến hành dịch thuật một văn bản triết học mà không có chút phản tỉnh nào về nó. Bởi vì: nếu thế, thì đơn giản sẽ không xác định được cái mình dịch ra là đúng hay sai, và cái gì mơ hồ giữa đúng và sai (không thể tồn tại trong một văn bản triết học. Điều này không thể lầm lẫn với văn học, cái mà tính phong phú được được đặt trên cơ sở của những mơ hồ bất xác này). Chân xác, hay không chân xác, trong một cách nhất định, biểu lộ qua những tính chất của thuật ngữ:
2d. Thuật ngữ triết học
Một văn bản triết học, nó đòi hỏi tính minh bạch (clara) và tính biện biệt khúc chiết (distincta). Đây là truyền thống khởi xuất từ cốt lõi căn để của nó. Trong Luận khảo chúng ta thấy trong phong cách viết rõ ràng và đôi khi rất bình dị của Wittgentein. Ông nhiều lần phải sử dụng đến những dụng ngữ La-tinh, chỉ có cách này mới khiến ông tách riêng được ý nghĩa đang nói về khỏi những ý nghĩa thông thường, có thể đem lại ngộ nhận, như ở 4.123, ông đã sử dụng thuật ngữ “eo ipso” (tự nó), mà không dùng “itself”, để tránh những ngộ nhận có thể xảy ra với “thing itself” (sự vật tự nó) của triết học cận đại. Ông đứng ngoài lập trường của triết học cận đại, và không muốn dính dáng đến nó. Thật tình không thể mời một con trâu-tự nó hay một con bò-tự nó vào mâm cơm chén rượu, để hàn huyên tri kỉ tri bỉ dưới trăng được.
Một văn bản triết học đòi hỏi tính tự minh (self-evident), cũng xuất phát từ cốt lõi căn để của nó. Tự minh, là tự nó làm sáng tỏ chính nó, mà không cần đến một luận giải khoa học nào khác, lại càng không thể chấp nhận một cách luận giải “trương tam lý tứ” thông tục nào. Nếu như người ta có thể phản tỉnh được một văn bản triết học đến mức độ mà người ta không còn cần đến những thuật ngữ triết học nữa (“Nghĩa là người ấy đã vứt đi cái thang, sau khi đã lên bên trên nó“, Luận khảo, 6.54), thì người ta có thể nói về nó bằng một ngôn ngữ nguyên sơ, thoạt giống như một ngôn ngữ “thông thường”, nhưng phải bảo đảm là những cái mà người ta nói ra một cách có vẻ “thông thường” ấy, phải bao hàm tất cả những ý nghĩa nội hàm trong văn bản triết học, việc này cũng chính là một phản tỉnh có tính cách triết học. Người ta cũng có thể làm một bài thơ thoạt xem có vẻ ngớ ngẩn, như Bùi Giáng đã làm, nhưng đọc bài thơ có vẻ ngớ ngẩn thơ dại ấy, sao lại cứ bàng bạc cái vóc dáng khổng lồ của Wittgenstein, thì đó là điều mà Wittgenstein đã nhấn mạnh ở Khai từ và cuối cùng ở Luận khảo, đó chính là điều ông muốn nói. Như thế, không ai có thể trách móc được điều gì, cả trên bình diện triết học (Philosophia) và thi học (Poetica), kể cả người đó là Aristote. Nhưng người ta không thể dịch thuật một văn bản triết học bằng một ngôn ngữ thông tục phàm phu thùng bất chi thình, con cà con cuống. Lý do: đơn giản chỉ là vì cái đó đã bị loại ra khỏi triết học hơn hai ngàn năm trước rồi (1f), ngọn bút của Platon đã không chừa một chỗ nào cho các sophists lẻn vào để ăn nói mơ hồ được.
Làm cách nào để cho một thuật ngữ triết học được: 1. Minh bạch, 2 Khúc chiết biện biệt, 3. Tự minh? Câu trả lời duy nhất: Chẳng có một cách nào cả. Chẳng có một phương pháp luận nào khác, ngoại trừ chính cái cách mà triết học tự thể hiện mình ra: Khả tính phản tỉnh triết học (Posibility of Philosophical Insight). Những gì đọc được từ một văn bản triết học, nếu người ta phản tỉnh càng sâu, hay càng cao, thì mỗi chữ viết ra cũng có chiều sâu và chiều cao như thế. Mỗi chữ cũng đều có tính cách tự minh của nó, không cần gì đến những luận giải dài dòng mà nó được cao hơn hay sâu hơn. Có ngồi nhâm nhi dưa cà hành hẹ dưới trăng thì cũng không thể nào nhồi nhét ánh trăng vào hành hẹ dưa cà được. Ánh trăng là ánh trăng, dưa cà hành hẹ là hành hẹ dưa cà.
Người ta có thể nói về hành hẹ dưa cà suốt năm này qua tháng nọ, nhưng mà người ta không thể nói được về ánh trăng, cái chờn vờn ở trên cao nhất và ở khắp mọi nơi, cái soi sáng cho tất cả mọi ý nghĩa của tất cả mọi thứ trên đời, cái xác định ý nghĩa căn để cho tất cả mọi ý nghĩa khác, cũng chính là khả tính phản tỉnh triết học, cái đã được giải minh hơn hai ngàn trước: “Thực thể đầu tiên” (First Substance), “Cái không thể định nghĩa được” “Cái bất động làm nguyên nhân cho những cái động” (Metaphysica, Aristote) và hơn hai ngàn năm sau, lại được giải minh khúc chiết một lần nữa như là một trong những “cái không thể tư tưởng được“, “cái không thể nói được” (Tractatus, Wittgenstein). Đến đây, đã là “đường biên giới hạn của tư tưởng” rồi, vượt qua nó thì chỉ còn là những “cái vô nghĩa“. Thôi, thì quay lại đi thôi.
“Chiều chiều ra đứng ơ, Tây ơ lầu ờ Tây, Tây lầu ờ Tây ơ…“
(Dân ca Nam bộ)
Thôi, thì đành phải quay trở lại thôi, hãy cùng nhau nói những điều bình thường của nhân sinh, “cái có thể nói được” – tôi và bác, đôi đũa chén cơm, dĩa mắm cọng hành, hãy cùng nhau nói chuyện tâm tình một nắng hai sương, bờ ruộng bờ ao chân lấm tay bùn, con cá rô cá diếc:
2f. Dịch thuật nói chung, là một thăm dò về một đối tuợng, tính cách của nó không khác với tính cách của một khoa học thực thụ nào: tiếp cận với đối tượng mà nó thăm dò. Khoa học chỉ được thiết lập trên cơ sở của một giả thuyết với những giả thiết, kiểm chứng, chứng minh, phản chứng, tái kiểm chứng (như đã viết ở 1e). Đó là một quá trình lặp đi lặp lại, càng lặp đi lặp lại, càng tiến được gần hơn đối tượng ấy. Cũng như thế đối với cách viết nói chung, càng viết càng tẩy xóa, càng viết lại, lại càng tẩy xóa, người ta càng hiểu rõ hơn, cái mình viết ra. Dịch thuật không phải là công việc đơn giản như vào một nhà hàng ngoắc tay gọi bít-tếch một cái, tức thì có ngay người chạy mang đĩa bít-tếch ra tận bàn cho. Mà nếu đó là dịch thuật một văn bản triết học, thì người ta lại phải tra vấn đến tận nơi nữa kia: đĩa bít-tếch đó là thịt trâu, hay là thịt bò? Triết học, nó không bao giờ bỏ qua những cái thuộc về nền tảng và cơ sở, nó rượt cho đến kỳ cùng, đến chỗ nào không còn chạy được mới chịu thôi: Rủi như ăn nhằm một món bít-tếch không có mùi vị thịt bò, mà là thịt trâu, cũng như, nếu đó không phải là nhà hàng nhà bếp, mà là một giảng đường đại học, thì thật là nhiêu khê: sinh viên cưỡi bò (mind) vào lớp để nghe giảng về Wittgenstein, một chặp sau lại cỡi trâu (tâm) đi ra, như Lão Tử phiêu bồng. Các triết gia phương Tây và các bà nội trợ không mang tạp dề phương Đông, lại phải một phen trố mắt kinh ngạc: con em của các bà các mợ các thím ba dì bảy, cho đi thụ giáo triết học, bỗng nhiên râu tóc bạc phơ, khẩu khí phiêu phiêu, chừng như sắp sửa thành tiên, như Trang như Lão, ngờ mình là bươm bướm, chực bay vào cõi mộng, lại chừng như loạng choạng, sắp sửa té xuống hầm, đất dưới chân không còn là đất thó, trên đầu mưa gió dửng dưng, buổi sáng đi buổi tối về hờ hững… Thôi, thì thà ở nhà mở mồm nói chuyện trâu, chuyện bò, con gà, con vịt gần gũi xóm giềng, còn hơn. Rá cơm, chén rượu, đĩa xôi, cái giếng, cái gàu, con đê, bờ cỏ, lũy tre, con nước… vẫn còn nhiều điều vô hạn đang mong chờ người ta nói đến…
“Thấy cô ơ tang tình mà gánh nước ơ..
Cô đang tưới cây ngô đồng ờ ơ…”
3. Humour triết học
Nói về triết học, người ta không thể không nói về humour triết học. Cũng như nói về một thảo nguyên mênh mông, nguời ta không thể không nhắc đến một cơn gió thoảng.
Humour triết học không phải là trào lộng, trào phúng, hí lộng, tự trào, châm biếm, hài hước, hóm hỉnh, dí dỏm, bỡn cợt, black jokes… hay một cái gì đại loại như thế. Lý do: đối tượng của triết học không phải là những đối tượng cá biệt. “Humour” triết học chỉ có trong triết học hay những gì có tính cách triết học, tức là không thể biến nó thành một khái niệm thông thường, không thể dịch được. Người Nhật gọi nó là “Yumua”, người Trung Hoa gọi nó là “U-mặc” (幽默), tức chỉ phiên âm chứ không dịch nghĩa. Người Việt, một học giả Hán văn uyên bác, từng nhận giải thưởng về biên khảo ở Sài Gòn trước 1975, khi tìm thấy từ này trong các văn bản Hán văn ở Hồng Kông, ông rất thích và thường xuyên sử dụng nó trong Cái dũng của thánh nhân với ý nghĩa từ ngữ “U mặc” (幽默) = “im lặng sâu xa”, để nói về các vị thánh nhân như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Mạnh… Ông không ngờ đó chỉ là một từ phiên âm, với một ý nghĩa hoàn toàn khác, xa tít tận trời Tây. Điều này cũng thật là “u-mặc”: các vị mà con người ta lúc nào cũng muốn nâng cấp (update) lên hàng “thánh nhân” nọ tha hồ hóa bướm, hóa rồng. Mà không biết tự chính những vị “bị” cho là “thánh nhân” ấy, có hề muốn mình biến thành bướm, thành rồng, thành hạc, thành rùa gì đó không?
Humour triết học là cơn gió thoảng của lý tính thổi vờn qua tất cả mọi cái trên đời, mà không dừng lại ở một cái gì cả.
Ngay cả khi Platon kính cẩn viết về Socrates, vị ân sư đã chết một cách bi tráng và tuyệt đẹp của mình, với một thái độ tôn kính vô hạn, thì ngọn bút của Platon không nhằm vào bản thân Socrates, một đối tượng cá biệt với những thuộc tính ngẫu nhiên (dù là những thuộc tính đáng kính nhất của một nhân cách trác tuyệt nhất), nói theo cách giản đơn của Aristote: đó chỉ là một “thực thể thứ nhất”, “không thể định nghĩa được“, cũng tức là, một trong những “cái không thể nói được” mà Wittgenstein nói đến. Platon chỉ nêu ra một chân lý sừng sững lồng lộng giữa trời xanh, mà cái biểu tượng, cũng tức là cái kí hiệu biểu thị “Socrates” đó, chỉ là một cái cớ, một điểm tựa có chất điểm hay không có chất điểm, để mà ông biểu trưng ý nghĩa về cái chân lý lồng lộng ấy, một thực tại lồng lộng gió thoảng (“IDEA”).
Cùng một cách như thế, ngọn bút của Platon lần đầu tiên thổi vào văn hóa phương Tây một cơn gió thoảng nhẹ nhàng, “một cơn gió lạnh đối với ai cảm thấy lạnh, không lạnh đối với ai không cảm thấy lạnh” (Platon), tưởng chừng như nó chỉ chợt đến chợt đi, thoảng qua như chỉ là một ngọn gió thoảng qua tình cờ, ấy vậy mà nó nhè nhẹ đằm đằm thổi luồn qua tất cả mọi thứ (không chừa thứ gì) trong nền văn hóa phương Tây suốt hơn hai ngàn năm qua, không chịu dừng lại. Bởi vỉ: đó là cơn gió lý tính, trong đó không tồn tại cái ngẫu nhiên. Đó là một cái hé môi mỉm cừời của Chân lý, một Chân lý không có điểm dừng. Một cái mỉm môi cười bất tận và “bất động” của nàng Mona Lisa Trí tuệ, cả bầu trời rung rinh trong đôi mắt.
Ngay từ buổi đầu tiên của triết học người ta đã được học cách “yêu thương tri thức” cùng với một cách mỉm cười long lanh, Platon cười sảng khoái mà đối sầu vô hạn, Aristote mỉm cười kín đáo mà ánh sáng của trí tuệ rung rinh trong từng mỗi chữ ông viết. Bẵng đi một hồi lâu từ La Mã đến suốt thời Trung cổ, con người ta không còn cười được nữa. Đến các triết gia cận đại thì họ lại còn nghiêm trang hơn, luận tới, luận lui, về sự vật và sự vật-tự nó. Mãi đến đến sau Đệ nhất Thế chiến, sau khi đã hít thở đầy phổi khói lửa bom đạn, người ta lại giật thót mình, bắt đầu nhìn lại chính mình để hỏi “Ồ, tại sao?”, thì lại gặp được cái humour triết học ở Wittgenstein, một nụ cười Hy Lạp chính cống, chẳng thua gì người Hy Lạp cổ đại, một nụ cười ở giữa cách cười của Aristote và Platon:
“Phương pháp luận đúng đắn trong triết học, có lẽ thực sự theo cách thức sau: Không nói cái gì ngoài cái có thể nói được, tức là, những mệnh đề của khoa học tự nhiên, tức là, cái mà không có gì để làm với triết học cả, và rồi, khi nào có ai đó chăng, muốn nói điều gì có tính cách siêu hình, thì chỉ rõ cho hắn ta thấy rằng: hắn đã thất bại trong việc đề xuất những kí hiệu nhất định cho mệnh đề của hắn. Mặc dù, có lẽ sẽ không thỏa mãn được cho người khác – người không cảm thấy rằng chúng ta đang dạy dỗ cho anh ta triết học – thì phương pháp này có lẽ là phương pháp duy nhất nghiêm mật đúng đắn.” (Luận khảo luận lý triết học, 6.53).
Wittgenstein đã nói thế, thì trên đời này, AI (không miễn trừ tôi, người đang viết bài này, còn chưa dứt hết chữ), lại còn dám bạo gan liều mạng đưa ra một đề nghị về “phương pháp dịch thuật một văn bản triết học”, mà về cái triết học ấy, “hắn đã thất bại trong việc đề xuất những kí hiệu nhất định cho mệnh đề của hắn“. Tất cả nội dung của bài viết này, không phải là để đề xuất ra một cái gì vớ vẩn (nếu không gọi là vớ vẩn thượng hạng) như thế, mà chỉ là cố gắng nói ra điều có thể nói được, trong phạm vi của những gì mà một con người bình phàm có thể nói được. Đó là: 1. Không thể lùa đàn bò vào chuồng trâu, rồi bảo chúng là trâu; và 2. Dưa cà hành hẹ thì không phải là “triết học”.
Bởi vì:
“Những gì không thể nói được sẽ được minh định bởi sự biểu thị rõ ràng khúc chiết những gì có thể nói được.” (Luận khảo luận lý triết học, 4.115, Wittgenstein)
Kết luận
Toàn bộ bài viết này, từ chữ đầu của cái tiêu đề, cho đến chữ cuối cùng tôi sắp viết xong, tức là toàn bộ nội dung bài viết, tự chính nó cũng chỉ là một cố gắng tập tành “humour”. Cứ tưởng rằng mình có thể bắt chước kiểu Wittgenstein, “humour” một chút chơi cũng chẳng hề gì, ấy vậy mà “humour” triết học nó “lạnh” hơn tôi tưởng: nó thổi luồn vào trong dọc theo xương sống, làm thắt lại cả ruột gan, chừng như muốn chảy cả nước mắt ra nữa kia …
7/31/2010
© 2010 Cao Dao
© 2010 talawas
Bình luận
37 Comments (bài “Cao Dao – Thử đề nghị một cách dịch thuật văn bản triết học”)
« Trang trước 1 2 3 Trang sau »
@ Bác Trương Đức’
Trước tiên, xin minh định: các khoảng cách “Sàigòn-Huế-Hà Nội” và “trái đất- sao Hỏa” đúng ra phải được viết là “Sàigona-Huếa-Hànộia” và “tráia đdất-saoa Hoả”. Tức là chúng ta phải chịu khó ê a chút chút khi bàn về “triết” dể cac khoảng cách trên được đặt trong phạm trù triết học hay siêu hình học, không phải phạm trù hình học hay địa lý nữa. Sau khi minh định được điều này, tôi nghiệm ra rằng các vấn đề bác đặt ra đều đến từ cái sai phạm trù “tiêna khởi” các khoảng cách trên. Bây giờ, nếu chúng ta chỉnh lại phạm trù của các “khoảnga cách” trên (xin bác lưu ý tôi cố ý thêm cái trung tố a giữa ‘khoảng cách) thì ta thấy rằng cái đó tuy xa mà gần đấy còn cái nọ tuy gần mà xa đấy! “Hữua duyên thiêna lý năng tươnga ngộ / Vôa duyên đốia diện bất tươnga phùng” của triết học nó ngồa ngộ vậy đó, nó u mặc chút vậy đó bác!
Từ đó, khi tôi nói “thật là khiêm nhường” không có nghĩa là không đáng kể, không quan trọng theo ý nghĩa bình thường. Triết lý cho cái “bánh xe” là một thí dụ điển hình trong phản hồi trước của tôi.
Khiêm nhường trong đó mang ý nghĩa là triết gia hiếm khi tạo lập được các đột phá tư tưởng (philô. breakthough) khả dĩ có thể cho vào danh sách các thành tựu triết học kinh thiên động địa cần thiết cho sự phát huy trí tuệ và tâm thức con người. Trong hai ba thế kỷ gần đây chúng ta thấy có “duy vật biện chứng pháp sử quan” của Marx khá kinh thiên nhưng chỉ làm động đậy thế giới theo khuynh hướng xấu đưa đến hậu quả tai hại cho đến ngày nay. Vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với điều bác nói “triết học là một bộ môn “nền tảng” cho khoa học”. Bởi vậy, từ quan điểm đó của bác ta có cái hệ luận : các giai cấp thống trị nào giới hạn quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, quyền tự do quảng bá tư tưởng đều đang là những bức tường ngăn cản bước tiến của dân trí và sau đó là làm chậm tiến dân sinh.
Bác nói “99.99% những vật “nhân tạo” (do con người “làm” ra) đều có “đường tròn” . Bác làm tui giật mình, ngăm nghía cái vdu đương xài coi nó có cong không, nếu nó không cong tui đem ra shop đòi tiền lại. Đo hoài đo quỹ với cây thước đặc biệt dành cho draftman thì thấy nó thẳng băng, xem cái tag thì cả thước lẫn vdu đều có hàng chữ “Made in Nước Lạ”. Hèn chi! Nếu cả hai đều mang tag có hàng chữ “Made in Heaven” thì tui ra shop mắng vốn và đòi tiền lại rồi đó!
Tui càng băn khoăn hơn nữa khi đọc “vậy thì cái 0.01% còn lại là “cái thẳng” chứ gì? Cái đó là cái gì nào? Vâng, tôi xin trả lời, đó là cái “tư duy” của con người”. Tư duy của con người thì rất nhạy, trong một sát na hay nửa nanosecond thôi tôi có thể tiến nhanh tiến thẳng (tiến tới hay lui tùy ý) cảnh ta đang đi giữa trời muà thu Mát-cơ-va lãng mạn, nhưng rồi khi về nhà nghe tin tức trên đài phải giật mình thay đổi cái tư duy vì tin tức cho biết trời Mát-cơ-va đang hơi bị nóng bất bình thường và hàng trăm người già cả phải lìa đời\. Toát mồ hôi nên tôi đành cho cái tư duy quẹo qua vùng biển Địa-Trung-Hải cho chắc ăn trong hoang tưởng.
Ngoài ra, quan niệm ‘Tư duy của con người thì bao giờ cũng “thẳng”’ có thể chỉ đúng khi thời gian ngừng lại. Xin được nói thêm: Nếu ta thêm vào chiều thời gian để định tâm, định thần, định hướng (thí dụ việc định hướng xhcn) thì nhiều lúc ta tưởng tư duy thẳng nhưng sự thật là nó cong vòng! Thế mới là rắc rối!
Về việc cho rằng “tư duy tất cả mọi người đều “đi thẳng” đến “chân lý” tôi xin bàn thêm: trên đời có quá nhiều “chân lý” trong cái “trường” tư tưởng rất là “hoành tráng” phải không, và con người lại có quyền tự do lựa chọn, chấp nhận, từ bỏ trong dòng thời gian đang trôi chảy và trong cái không gian và thể xác giới hạn cho nên với vận tốc siêu ánh sáng của tư duy cái tư duy nó sẽ chạy lòng vòng giữa các cái gọi là “chân lý”. Thật là “rối răm” như tơ lòng. Tơ lòng thòng nó lòi ra/ Nếu không khéo gỡ ăt là rối beng! Tội nghiệp mấy ông triết gia hạng nhẹ như Đào Nguyên với những tơ tưởng (không phải tư tưởng gì đâu nhe!) vi vu vớ vẩn vu vơ vờ vịt, cho đến các triết gia tầm cỡ với các tư tưởng hạng nặng như Trần Đức Thảo, JP Sartre, Nietzsche… đa số mấy chả đều cần “gỡ rối tơ(a) lòng” thôi!
Để kết, tui xin u mặc cái dẫn dụ nhanh như Mercedes và chậm như Trabant của bác chút chơi nha. Các lãnh tụ ta đang lái xe Trabant ì à ì ạch lên dốc để tiến đến thiên đường kinh tế thị trường định hướng xhcn thì chiếc Trabant bỗng chuyển sang từ chối chạy tiếp vì hết …xăng. Các lãnh tụ bèn hè nhau cải cách đổi mới, cởi …áo, cởi quần dài mặc xà lỏn ra đẩy tới cây xăng. Tại đây thì móc túi ra kiếm tiền đổ xăng thì giá xăng lên 100000% rồi, tiền gom lại chỉ đủ mua 1 lít xăng pha dầu hôi thôi. Các lãnh tụ năn nỉ và có vài đại gia da vàng, da đen, da trắng qua đường tội nghiệp cho vài xấp giấy xanh có hoa-sinh-tông để đổ xăng. Các lãnh tụ mừng quá, đổ đầy bình xăng, xong lại còn mua thêm trăm lít để trong xe rề-giẹt nữa chớ. Lên xe tiếp con đường đang đi xuống dốc phon phon, rồi lại lên đèo, rồi …ngừng. Nhìn nhau các lãnh tụ họp bàn đấu đá lung tung và cuối cùng tìm ra chân lý mới: cái xe Trabant hơi bị nhiều xăng nên hơi bị nặng khiến cho cái đầu máy kéo lên dốc không xuể.
Hy vọng là tui không bị ném đá u đầu sau cái u mặc này trên talawas. Hết phản hồi.
@bác Nguyên,
‘a priori’: ‘atiên quyết’ (Cao Dao), hay ‘atiên khởi’ theo Đào Nguyên.
Như vậy từ điển hay các sách triết học thêm nhiều chữ khởi đầu với tiền tố (préfix)”a” quá. Để phân phối đều hơn các từ triết trong từ điển hay các sách triết hong nầy xin đề nghị:
‘a priori’: ‘tiêna quyết’ (Cao Dao), hay
‘a priori’: ‘tiêna khởi’
Tức là thay vị trí tiền tố (préfix)”a” sang ‘trung tố’ (‘middle’), tận dụng tính chất “kép” thường có trong của các từ triết học.
@Trương Đức nói lúc 6:07 chiều 18/08/2010
– Bác nói “chân lý”: nhiều “chân” quá bác ơi cho nên khi đọc nhiểu triết gia từ hồi họ còn nhỏ mới tập suy tưởng, tư duy đến khi họ già thì tư tưởng cũng thẳng thành cong cong. Bởi thế ta có cái goi là “đổi mới tư duy” đó! đó!
Thay đổi chút để làm giàu tiếng Việt
Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta đồng ý là trong dịch thuật Việt ngữ cũng như nhiều ngôn ngữ Đông phương khác lắm lúc không diễn tả hết được những từ người Tây phương dùng mô tả tư tưởng Tây phương. Lý do chính là người Đông phương chưa từng kinh qua các quá trình các hoàn cảnh sinh hoạt hay tư duy của người Tây phương nên chưa có các từ tương xứng để chuyển dịch. Điều này cũng đúng khi các dịch giả Tây phương phiên dịch các tác phẩm Đông phương. Việc chuyển dịch từ “humour” của Tây sang “u mặc” là thí dụ điển hình mà tác giả Cao Dao nêu lên trong bài. Nếu dịch giả dừng lại khi chạm trán các từ như vậy thì phải nói thêm nhiều điều chung quanh từ đó, thí dụ như trong quyển ‘Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, triết gia Phạm Công Thiện phải dùng tới mấy trang sách để nói về chữ ‘tragique’ của Tây phương khi dùng nó để nói về triết lý ‘bi tráng’ trong tác phẩm của Hemingway. Điều này không có gì sai nhưng chúng làm chậm lại nhịp suy nghĩ của người đọc nếu muốn hiểu rõ và không muốn hiểu lầm những gì tác giả muốn tải trong tác phẩm. Hơn nữa, khi nói chuyện để trình bày các vấn đề tư tưởng triết học trước công chúng, các triết gia phải dông dài, nhiều lúc sanh ra khệnh khạng hầu tránh hiểu lầm nơi người nghe. Thú thật nhiều khi nghe mấy triết gia nói chuyện nghe phát chán, mặc dầu đọc sách mấy ổng viết thì rất khâm phục sự uyên bác, rốt ráo. (Phải chăng đây là lý do các triết gia thâu mình lại, nhiều con người lãng tử lại cô đơn trong đời sống, và thường im lặng trong các ‘hố thẳm của tư tưởng’ của nhân loại? Bi đát thay!).
Trong các trường hợp dịch các từ tư tưởng triết học khó khăn như trên, xin đề nghị thêm một tiền tố (préfix) cho chúng để ý nghĩa của chúng không phải là các ý nghĩa thông thường mà là những ý nghĩa triết học. Thí dụ như để phân biệt ‘a priorí’ (bẩm sinh?) và ‘a priori’ (tiên quyết) ta có thể dịch ‘a priori’ là ‘atiên quyết’ trong đó prefix “a” hàm ý từ này mang ý nghĩa triết học và độc giả phải truy cập các từ điển hay các sách triết học để hiểu nó).
“Từ bánh xe tròn đơn giản ta quay ngược về môn triết học đầy gai góc, ta lại thấy tư tưởng triết học của con người về luận lý, đạo đức, triết lý đã tiến được bao xa từ Tây sang Đông trong mấy ngàn năm qua, từ Aristotle, Platon, Khổng, Lão đến Wittgenstein (theo tag của bài chủ này)? Câu trả lời là: thật là khiêm nhường nếu chúng ta xem qua các tư tưởng vừa ít ỏi vừa xa xưa được tham khảo trong bài chủ.”(Nguyên)
@bác Nguyên,
Nói về “tiến được bao xa thì thường dẫn đến vấn đề “thời gian” và “vận tốc”. Mà khi nói về “thời gian” và “vận tốc”, thì lại “dính dáng” đến “hệ qui chiếu” và “trường” hay “không gian”. Tức là nó liên quan đến mọi thứ trên đời (thế giới, vũ trụ) này. Nói triết học từ xưa đến nay có kết quả “thật là khiêm nhường” như bác Nguyên đã phát biểu, thì tôi nghĩ, hơi bị… “vội vã” đấy. Tôi vẫn “thích” trích dẫn Albert Einstein, ông phát biểu: “Người làm khoa học là triết gia tồi (The man of science is a poor philosopher)”. Tức là, những nhà khoa học, hay “đám khoa học kỹ thuật “đồ đệ” của triết học”, sẽ còn “khướt” mới “đuổi kịp” những “triết gia giỏi”! Không phải tôi muốn “đánh giá thấp” những nhà khoa học, nhưng theo thiển nghĩ của tôi, triết học như là một bộ môn “nền tảng” cho khoa học. Với triết học, con người đã “đến” được những thứ xa vời vợi, xa hơn… sao Hỏa, như là “Đấng Sáng Tạo”, “Nguồn Gốc”, hay “đơn giản” như là “Tự Do”, “Nô Lệ”, v.v… Còn khoa học thì cùng lắm chỉ “phát hiện” ra là: “chỉ ánh sáng là có vận tốc lớn nhất và không thay đổi”, còn mọi thứ khác đều thay đổi và, đương nhiên, chuyển động với vận tốc “bé” hơn vận tốc ánh sáng. Bác Nguyên nói: “những vật nhân tạo (con người làm ra) 99.99% là đều có đường (đoạn) thẳng hết ráo, thí dụ như tv, nhà, phòng, cửa, bàn, ghế, sách vở, giấy…, ngay cả những vật giết người như tên, nòng súng đủ loại… đều có đường thẳng”, thực ra là không được chính xác cho lắm, mà phải nói ngược lại, nghĩa là 99.99% những vật “nhân tạo” (do con người “làm” ra) đều có “đường tròn”. Đó là bởi vì, như ở PH trước tôi có nói, không có “đường thẳng”, cái “đoạn thẳng” mà bác nêu ví dụ (tv, nhà, mũi tên, nòng súng,…) chỉ là “đoạn tròn” của một “vòng tròn” có đường kính rất lớn, như trong Thuyết tương đối của Albert Einstein đã “giải thích”. Và như thế, bác Nguyên sẽ hỏi tôi là, vậy thì cái 0.01% còn lại là “cái thẳng” chứ gì? Cái đó là cái gì nào? Vâng, tôi xin trả lời, đó là cái “tư duy” của con người. Tư duy của con người thì bao giờ cũng “thẳng”. Từ tư duy của một đứa trẻ vừa đến tuổi cắp sách đến trường, qua tư duy của một nhà khoa học, đến tư duy của một triết gia, tất cả đều “đi thẳng” đến “chân lý”. Vậy tại sao có sự khác nhau nếu mọi người cùng “đi thẳng” đến “chân lý” và khoảng cách đến “chân lý” là như nhau? Sự “khác nhau” giữa họ là do cái “vận tốc” của tư duy của họ khác nhau. Những vị như Đức Phật, Chúa Giê-su, Thánh Alah,… tôi nghĩ, xét cho cùng, họ là những “triết gia giỏi” bởi vì họ tư duy “nhanh” hơn người thường. Nói đến đây, tôi lại phải xin “mượn” toán lý để “giải thích” với bác về cái sự “nhanh” của tư duy của họ như thế này: Như ngày nay chúng ta đã biết chắc rằng, thế giới (vũ trụ) của chúng ta là hữu hạn và đang giãn nở, tức là mọi thứ đều thay đổi, kể cả không gian và thời gian. Cái thời gian trên Quả Đất này của chúng ta, nếu chỉ so với thời gian của… Sao Hỏa thôi chẳng hạn, là đã có sự khác nhau (Tiện đây, mời các bác đọc thêm bài này để hiểu rõ hơn về sự thay đổi của Thời gian). Còn nếu so với thời gian của một “Đấng Sáng Tạo” nào đấy của “Cõi Vĩnh Hằng”, thì… “eo ơi” sao mà “chậm” thế. “Bốn ngàn năm văn hiến” của chúng ta chỉ bằng cái “chớp mắt” của “Đấng Sáng Tạo”! Những vị “triết gia giỏi” đã biết cách “tăng tốc” (thay đổi thời gian) cho tư duy của họ, và họ đã “đến gần chân lý” hơn chúng ta. Không nói đâu xa, tôi có thể lấy ví dụ “minh chứng” cho điều này là trường hợp của Karl Marx, ông đã “đi đến” được “Chủ Nghĩa Cộng Sản” bằng cái tư duy “nhanh như Mercedes” của ông, nhưng những người CS thì cứ muốn “theo” ông bằng được, trong khi tư duy của họ “chậm như Trabant”, thế mới “xảy ra sự cố CNCS” ở các nước XHCN Đông Âu cũ trước đây, và còn “rơi rớt” lại ở VN, TQ như hiện nay!
Mẹ thì tròn và con thì vuông (Tục ngữ VN nói vậy mà). Đúng quá xá ể! Ai ai đều như vậy hết mà bác Nguyên!
Vốn là một phần tử của một dân sự talawasien thích đùa, xin lỗi, thích u mặc tui cũng thấy miếng bò beef steak của CTBL khiêu gợi hấp dẫn hơn lực Niu-tong bèn xin chia sẻ cùng các bác PHV một vũ trụ của riêng mình, đó là: con người từ lúc còn trong lòng mẹ cho đến lúc chào đời, sống, sinh hoạt và lớn lên, làm việc đều nằm trong một vũ trụ cong vẹo, không thẳng (như các dẫn chứng hữu hạng của bác Trương Đức, bác Bạch Phát Gia và down to earth vô hạng của bác hoang trieu), nhưng một điều lạ lùng là nhìn quanh ta thấy lạ vì ai ai cũng sống trong và làm việc với những vật nhân tạo (con người làm ra) 99.99% là đều có đường (đoạn) thẳng hết ráo, thí dụ như tv, nhà, phòng, cửa, bàn, ghế, sách vở, giấy…, ngay cả những vật giết người như tên, nòng súng đủ loại… đều có đường thẳng. Cái duy nhất mà con người chế ra từ thời xa lơ xa lắc cho đến bây giờ vẫn còn khoái xài và sẽ xài hoài hoài hoài hoài… cho đến ngày tận thế lại có hình tròn. Cái đó không phải là mặt trăng hay mặt trời hay trái đất mà con người thọ hưởng từ thiên nhiên đâu, mà đó là cái bánh xe đủ loại từ nhỏ trong máy móc đến bự như bánh xe bò, xe tăng… Từ bánh xe tròn đơn giản ta quay ngược về môn triết học đầy gai góc, ta lại thấy tư tưởng triết học của con người về luận lý, đạo đức, triết lý đã tiến được bao xa từ Tây sang Đông trong mấy ngàn năm qua, từ Aristotle, Platon, Khổng, Lão đến Wittgenstein (theo tag của bài chủ này)? Câu trả lời là: thật là khiêm nhường nếu chúng ta xem qua các tư tưởng vừa ít ỏi vừa xa xưa được tham khảo trong bài chủ. Vậy chớ liếc sang đám khoa học kỹ thuật “đồ đệ” của triết học thì có thể nói chúng tiến xa như đã vượt được đoạn đường từ trái đất đến Hoả tinh, trong khi triết học tiến chậm tiến yếu tiến từ từ tiến thủng thỉnh trên quốc lộ 1 từ Sài Gòn ra Huế vẫn chưa đến Hà Nội. Nhưng, không có cái bánh xe đầu tiên của con người đó thì bây giờ chưa chắc có cái xe đạp để di chuyển nữa chớ đừng nói chi chuyện space shuttle, tàu bay tàu bò lên thăm chị Hằng. Cái điều lạ nữa là trước khi chào đời người ta nằm trong bụng mẹ bầu bĩnh ấm áp, nhưng khi lìa trần lại chế ra cái hòm có những đường thẳng giao nhau rồi chui vô đó nằm trong lạnh lẽo. Buồn ơi ta chào mi nhé!
“Thấy nhiều bác chắc chắn giỏi toán ở đây viết: “đường thẳng tự nó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ“.
Mong được giải thích thêm cho rõ.(Hòa Nguyễn)
@bác Hòa Nguyễn,
Nhân đọc được lời PH này của bác, và tự thấy mình là một trong “nhiều bác chắc chắn giỏi toán ở đây” (có điều, chắc chắn không “giỏi bằng” gs NBC thôi, vì nếu “giỏi bằng” thì đã được/bị cái ông gì đấy… sờ đùi rồi, nên tôi xin “thử đề nghị một cách giải thích” như thế này:
Hôm trước tôi có đọc được một PH rất hay của bác Đào Nguyên, trong đó có đoạn “Khi một triết gia bị bí vì không thể hiện được hết các đường bay diễm ảo của trí tuệ qua ngôn ngữ thì người dùng toán lý.”. Điều này rất “khớp” với trường hợp của chúng ta, tức là chúng ta phải “dùng” toán lý để “giải thích” triết học, hay nói một cách “văn vẻ” như bác Đào Nguyên là “thể hiện các đường bay diễm ảo của trí tuệ”. Có một khái niệm này, xin bác HN cần “nắm bắt” được, đó là khái niệm “vô hạn”. “Vô hạn” không có, mà chỉ có “Hữu hạn”! Theo Albert Einstein, thế giới (vũ trụ) của chúng ta là “hữu hạn” và đang nở (Tiện đây xin “viện dẫn” câu danh ngôn của ông: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên. (Only two things are infinite, the universe and human stupidity, and I’m not sure about the former.”). Tức là mọi thứ đều “hữu hạn”. Bác HN có thể hình dung cái sự hữu hạn của thế giới như thế này: bắt đầu bằng cái sự hữu hạn của “đám mây” các hạt electron xung quanh hạt proton và hạt neutron, rồi “phình” ra to lớn hơn, to lớn hơn, cứ thế, mãi mãi…, và chúng ta tưởng rằng là đến “vô tận”, nhưng vẫn là sự hữu hạn, không phải sự vô hạn. Ngay khi chúng ta viết nói tưởng tượng suy ngẫm về “vô hạn”, tức là chứng tỏ nó “hữu hạn”. Và như thế, chính vì không có “vô hạn” nên “đường thẳng” cũng không có, mà “tự nó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ”. Cái “đường thẳng” mà bác nêu ví dụ (đường chân trời, tia nắng) chỉ là “đoạn thẳng” do con mắt của chúng ta “tưởng tượng” ra mà thôi.
Bác Hoà Nguyễn ơi!
Về “đường chân trời” bác nói:
Mấy chả đặt ra các “rối rắm” sau:
1. Có trời à? Trời mặt ra sao? Có mặt mới có chân (chưn, cẳng) chứ! Tui sờ chưn trời như PTT Nguyễn thiện Nhân sờ đùi người ta được không?
2. Tui mua đôi vớ “zin” made in France (not China) muốn air mail hay email cho “chân trời” mang vô chưng diện, không biết bao lâu “trời” nhận được đây?
Thanh Nguyễn nói rồi: “làm cho thiên hạ “đin kai đau” đó là công việc của Triết học”, và tui nói là “đường chân trời” là “đường đi không tới” mà.
@Hòa Nguyễn
Ánh sáng truyền theo đường thẳng. Tia laser là ánh sáng có độ phân kỳ rất thấp, nghĩa là nó ít bị tỏa rộng ra khi đi được một khoảng xa. Chiếu một tia laser tới mặt trăng thì thấy nó thẳng băng. Tuy vậy, nó không thực sự thẳng, chỉ vì độ cong thấp nên tưởng là thẳng. Ánh sáng không có khối lượng nên theo nguyên lý, nó không bị tác động của lực hấp dẫn, nghĩa là không bị mặt trời hút. Tuy nhiên tia sáng đi ngang mặt trời vẫn bị cong, theo thực nghiệm vào năm 1919 tiến hành nhân dịp có nhật thực. Einstein giải thích rằng đó là do không gian bị biến dạng. Không gian vũ trụ là không đồng nhất, chỗ nào mật độ vật chất thấp thì không gian cong ít, chỗ nào mật độ cao thì không gian cong nhiều. Không gian gần mặt trời bị biến dạng cong nhiều vì mặt trời là nơi mật độ vật chất cao, nên ánh sáng đi qua đó bị cong theo không gian. Cho nên dù cho ánh sáng truyền theo đường thẳng, nhưng trong vũ trụ nó vẫn bị cong, và không có gì thật sự là đường thẳng trong vũ trụ, bởi lẽ không gian bị cong dưới tác động của vật chất.
@ Hòa Nguyễn
Quan niệm về đường thẳng trong thiên nhiên ra đời vì cái vũ trụ quan giới hạn nếu không muốn nói là sai lầm của con người thuở đó. Ngày nay, với các phương tiện hiện đại, đường thẳng không bao giờ có thật trong thiên nhiên, từ đường chân trời đến đường ánh sáng. Điều này không phủ nhận sự hữu ích của cái vũ trụ quan xa xưa bị nhiều giới hạn về đường thẳng đó trong sự tiến hóa và khám phá về khoa học kỹ thuật của nhân loại trên nhiều phương diện từ đo đạc đất đai xa xưa đến xây dựng cao ốc, chế tạo máy móc… đến việc định lượng trong các ngành khoa học nhân văn xã hội như các phép hồi quy tuyến tính (linear regression). Đã nói triết là khoa học của mọi khoa học mà lị! Hy vọng quan niệm “bò bíp tết” này là thịt bò chớ không phải là thịt trâu. Tui dốt toán và không thích nó từ nhỏ nhưng bị khêu gợi (khiêu khích?) bởi phản hồi của CTBL nên “phản phản hồi” thôi, mong rằng nó không “phản khoa học” hay “phản cảm”, “phản lý tính” v.v…
Thấy nhiều bác chắc chắn giỏi toán ở đây viết: “đường thẳng tự nó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ“.
Mong được giải thích thêm cho rõ. Dường như câu viết đó muốn nói con người không tìm thấy trong thiên nhiên cái gì gọi là đường thắng. Nhưng đường chân trời, là chỗ tiếp giáp giữa mặt biển với bầu trời, trong con mắt loài người không là đường thẳng sao? Đường chân trời cũng cho cái ấn tượng đường thẳng kéo dài tới vô tận từ cả hai đầu.
Hồi còn nhỏ, khi chưa biết tính cộng, tôi cũng thấy tia sáng mặt trời lọt từ một lỗ rất nhỏ ở trên mái nhà đi xuống tới mặt đất theo một đường thẳng băng. Nhưng ý niệm về đường thẳng dài vô hạn thì chắc phải mấy ông Hy Lạp chuyên vượt biển mới có được.
Đề nghị “a priori”: “tiên khởi”
Lý do: “tiên quyết” mang nội hàm lý tính nhưng không nói lên được tính khởi thủy, tính ban đầu của lý tính.
Thí dụ: Hình học Euclide đặt nền tảng trên điều kiện tiên khởi là sự hiện hữu của cái gọi là ‘đường thẳng’ = Khởi đi từ sự hiện hữu của đường thẳng ta suy ra được các định đề, định lý, hệ luận tạo nên nên môn hình học Euclide.
Nếu thay ‘tiên khởí’ bằng ‘tiên quyết’ trong thí dụ trên e rằng bò đã thành trâu vì đường thẳng tự nó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ và tự nó chẳng định ra được những phạm trù tiên quyết gì cả nhưng khởi đi từ nó triết gia mới thiết lập các căn cứ và cơ sở cho phán đoán lý tính và định ra những phạm trù lý tính cho hình học Euclide. Ban đầu không nơi nào trên thế gian có đường thẳng cả cho đến khi ta chấp nhận là đường thẳng hiện hữu và đây là điều kiện tiên khởi (a priori). Theo Wittgenstein vì điều tiên khởi không là “cái có thể nói được” nên “đã thất bại trong việc đề xuất những kí hiệu cho mệnh đề của hắn”. Và dĩ nhiên cái “khái niệm về sự hiện hữu của đường thẳng” cũng chẳng phải là điều ‘tiên quyết’, tức là tự nó chẳng định đoạt gì cả trong cái ‘hậu sự” của hình học Euclide (a posteriori). Triết gia chỉ nên tự trách lấy mình mà thôi khi dấm dớ đề ra điều kiện tiên khởi về ‘sự hiện hữu của một đường thẳng’ trong thiên nhiên.
@Đào Nguyên
Cong thành thẳng
Cho ta hình học phẳng
Xìu thành cứng
Tịnh tiến, vị tự, đối xứng?
Xẹp hóa phồng
“Siu” hình học không gian rất tĩnh,bất động
Ba,bốn, năm, sáu, bảy, tám chín, chục …chiều
Ôi, ma phương và ma trận
Trong thế gian lao xao dao động
Lằn tên mũi đạn gắn vào các điểm và đường sẽ chạy rông
Vì trong “siu” không gian vét-tơ mọi vật lưu thông
Vì không gian vét-tơ linh động
Ta bèn luận và thuyết ra động học
Có động tất biến động
Biến động tất chia rẻ, lạc bầy
Lạc bầy ta đi tìm bầy
Tìm bầy triết ra tập hợp
Cho chắc ăn tìm đúng bầy
Ta triết ra thống kê xác suất
Thống kê xác suất đã đời mà còn vô lộn phòng (lộn chuồng, lộn đàn, lộn bầy, lộn lề…) lộn xộn
Ắt xài tới cái fuzzy lộn tùng phèo
Vừa chào đời giữa thế giới đầy chaos em ơi!
Nhưng hãy nắm tay thăng tiến tiến thẳng
Theo con đường hồi quy tuyến tính
Cùng nhau lên hay xuống thiên đường (xhcn) cũng tùy theo cái hướng mũi tên lằn đạn em ơi!
Và còn nhiều nhiều điều đáng nói nữa phản hồi viên của tôi ơi!
Tác tạo bài vè cho cô/bà hiểu và nhớ bài trên. Hiểu thì hiểu nhưng đừng “chết” liền dùm kẽo tôi mang tội với trời, đất và người trong một thế giới chao đảo điên cuồng rồ dại khi xìu khi cứng khi đổi mới khi hồi cựu lung tung xèng hay lung tung xà bần trên mạng ảo hiện đại ngày nay, vì có thơ rằng
‘..Lúc cứng đẩy (người) ta vào chủ thuyết (chủ nghĩa, chủ ngục, chủ đạo (chích))
Khi xìu xoay lưỡi múa mồm loa (mồm to, mép dãi)
Đổi mới bộn bề trông rất tục (lụy, tằn, tỉu..)
Tư duy (nó) thum thủm khoái làm trò…’
Dầu sao đời vẫn đẹp như bông nở sớm mai…Xin đừng ’Mignonne! Mignone! Allons voir si la rose, qui ce matin se meurt’ thì ‘đau xót lòng gan của mấy con gà’ đang bị cúng.
Theo cách chiết tự của ông Nguyễn Duy Cần về “cái tay cầm rìu” theo Hán tự mà ông Hòa Nguyễn dẫn lại thì có thể hiểu về Triết học là tìm cách nói/chẻ những vấn đề đơn giản bằng những ngôn ngữ hết sức rối rắm hoặc động thái rất là phức tạp. Đoạn trích từ bài chủ của Đào Nguyên là một ví dụ cho sự rối rắm và phức tạp đó.
Thiết nghĩ, làm cho thiên hạ “đin kai đau” đó là công việc của Triết học.
Mèng! Vậy sao! Cám ơn ông hoang trieu, gì chứ chuyện cong thành thẳng, xìu thành cứng, xẹp thành phồng thì tui thấy hà rầm à!