Nguyễn Hữu Liêm – Phật Ngọc hòa bình: Trong niềm tin và biểu tượng
02/10/2010 | 2:56 sáng | 57 Comments
Category: Tôn giáo
Thẻ: Phật Ngọc
Where could man, scorched by fires of the sun of this world, look for felicity, were it not for the shade afforded by the tree of Emancipation?
(Ở nơi nào mà con người, vốn đang bị đốt cháy bởi ngọn lửa trần, có thể tìm ra hoan lạc, nếu không phải là dưới bóng cây Giải thoát?)
Vishnu Purana
San Jose, thứ Sáu, 1 tháng 10. Hôm nay, tôi đi tham dự lễ đại lễ bế mạc sau 15 ngày đón tiếp Phật Ngọc đến với vùng đất Bắc California. Hai tuần nay, đã bao lần tôi cùng với cha mẹ, vợ con, bạn hữu, đã đến tham dự nơi tràn ngập niềm hoan lạc này. Bước đến vào khu vực bên ngoài lễ đài, mỗi lần như thế, tôi mới cảm nhận được một không khí lễ hội hồn nhiên, chân thành của quần chúng Phật giáo. Ở chốn đây, như là một cõi bình an cho tâm hồn, mang đầy những nét gần gũi của con người Việt Nam. Tất cả những phong cách, ngôn từ chất đầy những nét bình dân, là của một truyền thống tôn giáo rất gần gũi với tâm hồn thôn dã của những xóm làng từ những thế kỷ trước. Của tôn giáo và con người, của tâm hồn và biểu tượng, cõi tâm nào thì thế gian ấy.
Đây là nơi của nhân gian nhiều náo nhiệt đón tiếp một biểu tượng linh thiêng đầy an tĩnh, của tâm thức hồn nhiên gặp ý niệm đạo lý siêu việt, của cá nhân hữu hạn ngước mắt chiêm ngưỡng đường nét cho biểu tượng vĩnh hằng.
Không ai, trong nhiệt tình mà tôi suy diễn, mà không có tìm ra chút hoan lạc khi đến nơi này. Tôi nói với ông chủ đất Đỗ Vẫn Trọn rằng, với tất cả những niềm hoan lạc của hàng ngàn người cộng lại, tất cả sẽ trở nên một dòng sông nước ngọt to tát, như một luồng gió Nồm từ biển Đông lớn lao, chúc lành cho mảnh đất và cộng đồng này. Tôi tìm đến để bắt tay chúc mừng những anh em trong ban tổ chức, những người bạn Phật tử đã quen biết từ lâu. Một Nguyễn Hồng Dũng, giáo sư đại học, với giọng xướng kinh chủ lễ thật điêu luyện và chân thành. Một Nguyễn Văn Chót, một nông dân cắt cỏ, với thân hình gầy nhỏ nhưng chắc nịch như chiếc đinh sắt không thể rỉ rét, cùng với nhiều anh chị huynh trưởng Phật tử của làng Hải Nhuận, Thừa Thiên. Họ đã “ăn chay nằm đất” suốt cả hai tuần qua ở trong căn nhà công nghệ này để lo cho chương trình. Tôi gặp lại thầy chủ lễ Minh Tuyên – một tu sĩ trong áo vàng trông oai nghiêm như con sư tử lớn. Gặp thật nhiều các sinh viên triết học của tôi với câu chào, “Em chào Thầy. Thầy còn nhớ em không Thầy?” Suốt 12 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên vùng San Jose đã đi qua lớp học của tôi. Các em bây giờ đã tốt nghiệp đại học, ra đời, lập gia đình, thành công trong xã hội. Dĩ nhiên là tôi có được những niềm an vui.
Tôi dẫn đứa con gái út, Jennifer, vào Phật đài. Nó là đứa thiếu nữ ngỗ nghịch, cứng đầu, nhưng lại có cơ duyên với Phật, đã phát nguyện ăn chay trường suốt hơn năm năm nay. Khi nhìn lên tượng Phật Ngọc, Jennifer lập tức đứng lại, cúi đầu, đảnh lễ và niệm Phật ngay. Không dễ gì mà một đứa con gái tuổi 15 ở Mỹ này lại có được một tấm lòng thành chiêm bái và một thái độ nghiêm túc như thế. Em đòi tôi cho được ở lại đến nửa khuya, khi Phật tử đã ra về hết, để em leo lên đến tượng đài, đụng bàn tay vào Ngọc Phật. Chưa bao giờ tôi thấy Jennifer với khuôn mặt ngời lên một niềm hoan lạc như thế cả.
Ở thế kỷ này, những đứa trẻ vị thành niên cần biểu tượng – những biểu tượng cao quý, hiện thân của một khả thể cao vời và to lớn của con người, để các em phục tùng và điều hướng nhân cách về chân trời sáng hơn. Khi phụ huynh và xã hội đã tạo nên những biểu tượng anh hùng thế gian hôm trước, để rồi hạ bệ xuống ngày hôm sau, thì tuổi trẻ ngày nay đang khao khát những hình ảnh siêu thoát vĩnh hằng. Tượng Phật Ngọc là hiện thân, là biểu tượng, của cái đẹp, trong tinh hoa cho khả thể vô hạn đó. May và đẹp thay rằng trong một cộng đồng di cư nhiều nhiễu nhương như ở San Jose này, có những đứa con trẻ đã tìm ra một giá trị chân lý sáng ngời.
Trong cõi tồn tại của sỏi đất, thì Ngọc là sự kết tinh cao nhất sau hàng tỉ năm tiến hóa. Đến cõi người thì Phật là hiện thân tối hậu của vươn thoát. Tượng Phật bằng Ngọc kết hợp của hai đầu tiến hóa, của con người đến từ sỏi đá, từ thô thiển đến thanh thoát. Nó nhắc nhở những ai đến chiêm bái, trong ý thức và trí tuệ, rằng chuỗi hành trình đó, dù là viên miễn, nhưng không phải là bất tận và vô vọng. Trầm luân trong bao nhiêu ức tỷ kiếp luân hồi, từng thời quán vọng tưởng cá nhân qua vô vàn dạng thể hiện thân, cuối cùng cũng sẽ phải chấm dứt bằng phút giây giác ngộ và giải thoát.
Nhưng ở đây, đứng giữa hai cõi của kim Ngọc và của Phật thân, những tâm hồn đang lớn – mà tất cả người Việt là những tâm hồn đang học làm người lớn – và những tâm tư đang dằn vặt khổ đau với cuộc đời, thì tượng Phật Ngọc với hào quang chiếu sáng, từ đèn điện chiếu tỏa, hay là hiển hiện của lòng thành từ niềm tin chân chất, tất cả đều là có thật. Chân lý bao giờ cũng được phân chia ra thành từng cõi, từng mức độ, với nhiều màu sắc và thể tướng tuỳ theo tâm cơ của kẻ có, hay chưa có, trí tuệ và lòng thành.
Vì là Phật Ngọc phải được hiện thân vào cõi người, như là, và chỉ là, của biểu tượng, nên nó phải vướng vào những câu chuyện thế gian. Như một cây Bồ Đề cao lớn, rễ cây của nó phải đi qua sỏi đá, bùn lầy, ẩm ướt, tối tăm để tìm nhiên liệu cho sức sống trong không gian. Sẽ phải có, và đã có, chắc chắn, về những câu chuyện, sự thật cũng có, thêu dệt thêm cũng nhiều, suy luận ra không thiếu, về động cơ của chương trình Phật Ngọc và những cá nhân liên đới. Nhưng nên nhớ rằng: Kinh doanh, danh tiếng, ngã mạn là hướng bên ngoài của thể tướng. Những kẻ nào mang đầy vọng tâm, ngã kiến, sẽ chỉ thấy được bóng tối sau lưng Phật Ngọc. Những điều đó không phải là quan tâm chính trong chuyến hành trình biểu tượng linh thiêng cho quần chúng Phật tử. Khi cộng trừ phúc lợi đã làm xong, những ai có nhìn kỹ mới thấy rằng đây là một câu chuyện thật tốt lành.
Riêng tôi, với người thân, và các đồng hương đã tham dự và chiêm bái Phật Ngọc thì trong tiếng kinh chân thành, trong niềm tin cao vút, trong những cảm nhận từ bi, từ những phút giây hoan lạc, chúng tôi đã tìm ra một nguồn ánh sáng thanh cao tỏa sáng từ một biểu tượng tuyệt đẹp và oai nghi. Hạnh phúc thay cho những ai chiêm nghiệm được Phật Ngọc đang ngồi đó tĩnh tọa dưới gốc cây Giải thoát xanh ngời.
© 2010 Nguyễn Hữu Liêm
© 2010 talawas
Bình luận
57 Comments (bài “Nguyễn Hữu Liêm – Phật Ngọc hòa bình: Trong niềm tin và biểu tượng”)
« Trang trước 1 2 3 4
Critical Thinking có thể hiểu và dạy nhưng áp dụng trong thực tế đời sống là một vấn đề khác.
Ông Liêm về VN để tham dự phiên toà của ông LCĐịnh vói tư cách là môt quan sát viên độc lập và cá nhân, chúng ta không đòi hỏi ông sẽ lên tiếng, vì ông không có tư cách cũng như có cơ hội gì để phát biểu trong phiên tòa này. Điều này chúng ta có thể hiểu được. Lấy thí dụ về VN vói tư cách chính thức của một vị dân biểu Hoa kỳ như DB Ánh mà còn bị áp lực không được họp báo hay tuyên bố một điều gì thì sư im lặng của ông Liêm có thể chấp nhận được. Bài viết tường thuật của ông nêu lên ý kiến của mình về phiên tòa này trên diễn đàn là một việc làm đáng khâm phục.
Nhưng sự im lặng ra đi của ông Liêm trong buổi tiệc Tết ỏ Cali có thể là vấn đề để thảo luận. Không ai áp lực để ông phải tới buổi tiệc này vì bất cứ lý do gì, chỉ vì tìm vui xuân mà ông tới và ông đã ra đi không hạnh phúc. Ông bị tẩy chay trước đồng nghiệp là ngưòi cùng ngôn ngữ và tư duy với ông. Không thảo luận về sự khác biệt chính kiến, ai đúng ai sai, ít nhất chúng ta hy vọng là ông sẽ thể hiện caí dũng khí của mình trước đồng hương. Cali là môi trường tự do để ông thảo luận, trình bày quan điểm của mình, ông có thể sử dụng critical thinking làm vũ khí. Đáng tiếc là cái dũng của ông đi vắng khi mà ông có đủ critical thinking để dạy mà lại không muốn hay không dám sử dụng, đặc biệt là không ai áp lực ông phải ra đi mà không lập luận trong một môi trường tự do.
Âm vang của tiếng còi hụ, dù ngắn ngủi, nhưng còn vang động trong ông, đem lại cho ông hạnh phúc. Chúng ta xin chia vui cùng ông, cho dù chúng ta có thể có bất đồng chính kiến. Thế còn cái lắc đầu và cái ánh mắt khinh bỉ của đồng nghiệp trong không khí vui xuân đã không để lại trong ông một chút vang động nào, dù là rất mơ hồ, không là một đề tài cho ông suy tưởng, đó là vấn đề mà chúng ta in chia buồn cùng ông. Cô đơn và xa lạ trong một môi trường thân thuộc là một đề tài trong văn học và triết học quen thuộc. Ông cũng chưa dùng critical thinking để diễn đạt lên ngòi bút, có lẽ là ông chưa nhớ hết hay đã vội quên, đó là một thất vọng cho chúng ta, những ngưòi quan tâm theo dõi sinh hoạt của ông.
Chúng ta tạm suy đoán rằng có lẽ âm vang tiếng còi hụ còn sống mãi trong ông và cầu chúc ông hạnh phúc với âm vang này.
Chị Tracy,
Hào quang của Phật Ngọc tự thân nó tỏa sáng. Ai thấy được thì thấy, ai không thấy thì cứ bảo là không.
Ông Nguyễn Hữu Liêm thấy được hào quang này, khiến ông cảm động mà viết nên lời tâm sự. Trước ánh sáng vô chấp, đại từ bi của Phật Ngọc. Tự ông NHL sẽ được quán chiếu và sẽ thấy được việc ông làm.
Tôi nghĩ rằng NHL không quảng cáo Phật Ngọc. Và tôi không có ý tranh luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, ai có cơ hội, thì đừng vì NHL mà mất đi một dịp thưởng lãm Phật Ngọc.
Ai quảng cáo cho Phật Ngọc thì tôi có thể tin nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Liêm quảng cáo thì phải xét lại vì qua những bài viết của ông, tôi không thấy được cái Critical Thinking như ông đã từng vể VN rao giảng cho cán bộ tại Quảng Nam. Ông ta là luật sư, không dám cất lên tiếng nói bảo vệ sự tự do cho người dân trong nước , đi dự buổi ra tòa của LS Định mà không dám cất lên 1 tiếng phản đối, dư thính như một con cừu non cho dù ông có quốc tịch Mỹ thì họ có dám làm gì đến ông. Cái hào nhoáng được đón tiếp như môt vị khách cao sang đã làm mờ lương tâm của LS Liêm thì làm tôi nghi ngờ về cái ánh hào quang do tượng Phật ngọc đã mang lại cho ông ấy.
Ông Liêm về VN được xe công an “hụ còi” hộ tống một lần mà gây cảm hứng cho ông viết một tác phẩm để đời
Trở lại Mỹ, ông Liêm đứng trước tượng “Phật Ngọc, ông Liêm đã tìm ra một nguồn ánh sáng thanh cao tỏa sáng” và “giải thoát”, ông cũng viết quá hay.
Trở lại Việt Nam dạy học ông cũng viết quá hay.
Độc giả cũng quan tâm chờ đợi sáng tác mới của ông diễn tả nỗi bất hạnh, xa lạ với đồng hương, đồng nghiệp khi bị mời ra khỏi bàn tiệc cũa hội luật gia hôm tết vừa rồi.
Chúng ta cùng hy vọng ông sẽ cho chúng ta có dip so sánh cảm giác khi ông đi xe còi hụ, khi ông bên Đức Phật và khi ông lặng lẽ ra đi trước sự coi thường của đồng hương. Nhiều cảm giác chắc ông sẽ viết hay hơn Ngưòi Xa Lạ của Albert Camus.
Phật Ngọc tiếp tục sẽ có mặt ở Nam California.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=121677&z=1
Tin mừng cho các Phật tử vùng Little Saigon, Santa Ana và Los Angeles.
Ông Liêm về VN được xe công an “hụ còi” hộ tống một lần và được đứng hát “Tiến quân ca” (cờ pha máu chiến thắng) tại Hội nghị Việt kiều thì cảm thấy cực khoái như “một dòng điện kundalini chạy dọc theo sống lưng”.
Trở lại Mỹ, ông Liêm đứng trước tượng “Phật Ngọc” và “trong tiếng kinh chân thành, trong niềm tin cao vút, trong những cảm nhận từ bi, từ những phút giây hoan lạc,” ông Liêm “đã tìm ra một nguồn ánh sáng thanh cao tỏa sáng” và “giải thoát”.
Ông đổi màu hay quá. Có lẽ ông theo đạo Kỳ nhông giáo! Hoan hô.
Trích: “Hạnh phúc thay cho những ai chiêm nghiệm được Phật Ngọc đang ngồi đó tĩnh tọa dưới gốc cây Giải thoát xanh ngời.”
Ngọc thì cũng chỉ phiến là đá vô tri vô giác. Phật là Phật mà đá là đá. Nếu chiêm nghiệm về …. “Phật Ngọc” hay Phật đá mà hạnh phúc thì mối phúc đó ở đâu mà ra? Nó nhờ phật hay tại nhờ đá quý hay chỉ là do con người tự huyễn hoặc? Nếu nguồn hạnh phúc đến từ Phật thì đâu hệ tại khối vất chất kia? Nếu nguồn hạnh phúc bắt nguồn từ khối vật chất quý giá ấy thì chẳng phải chiến tranh, cướp bóc diễn ra triền miên trong suốt dòng lịch sử loài người cũng chỉ vì sự mưu cầu một loại hạnh phúc đó sao?
Sau một bài dài giòng, kết luận “lời chỉ trích giống giọng điệu CS”. A hà, nón cối CS lại được đặt lên đầu. Đây đúng là tinh thần Phật Giáo chân chính hay sao? Hãy tự vấn lương tâm, trước khi buông một lời ác độc, nói như tiếng dân gian “Ngậm máu phun người “.
Tracy viết :” Có những người tự nhận mình là hữu thần, sau đó tự khen mình là người hữu thần nhân đạo, từ tâm hơn người vô thần .
Lẽ ra tôi không có ý kiến gì, vì không biết chắc câu trên nhắm vào ai. Và nếu phải góp ý cho “phải lễ” tôi xin ráng nói sao cho vừa đủ thôi.
Trước hết, nếu ai cho tôi theo đạo Phật, hay khi tôi tự cho mình theo đạo Phật, thì tôi đều không nhận mình là người hữu thần hay vô thần. Đạo Phật phủ định cả hai thuyết duy vật (vô thần) và duy tâm (hữu thần), theo cách hiểu của tôi.
Hội nhân đạo hay thiện nguyện, hay từ thiện ” Bill and Melinda Gates” thành lập từ 2007 tính đến nay đã giúp cho cả thế giới hơn 28 tỳ USA. Tuy là nhiều nhưng ông Gates lại giàu nhất thế giới, nên nếu tính tỷ lệ tiền ông cho và tiền ông có, thật ra không cao lắm. Một người VN chỉ dư được $100 mà cho người đáng giúp $10 thì tỷ lệ có và cho cao hơn ông. Một người Mỹ ngoan đạo được nhà thờ Tin Lành kêu gọi đóng góp cho từ thiện là 1/10 lợi nhuận. Tất nhiên, cái mức cao như thế là lý tưởng, không mấy người làm đưọc, nhưng vẫn có người đóng cao hơn mức đó. Gates vẫn là người có lòng nhân đạo đáng mọi người khâm phục, nhưng hằng năm với mức thu nhập chừng 50 tỷ USD (năm 2006 là 46 tỷ) Bill Gates chỉ tặng (donate) thêm cho quỹ nhân đạo nói trên chừng 1 tỷ mỗi năm. Về đời sống cá nhân của Bill Gates, tôi không tò mò tìm hiều thêm ông ấy là vô thần hay không (chỉ biết qua báo chí, Gates làm được rất nhiều tiền, và ham mê đánh bạc từ nhỏ), nhưng đa số người Mỹ đi nhà thờ và cho mình thuộc vào một hội thánh nào đó. Dù thế nào, hội “Bill and Melinda Gates” có thể chịu ảnh hưởng tinh thần của hội từ thiện United Way (cũng giúp nhiểu về giáo dục, y tế) mà mẹ Bill Gates khi còn sống là chủ tịch (chairperson). Hội United Way lại bắt nguồn từ Charity Organization Society do các người trong nhà thờ thành lập từ năm 1887. Tôi lướt vội thấy thế.
Chuyện về người VN là điều tôi muốn nói ở đây(còn về anh Mỷ Bill Gates trên chỉ là cần phải nói vài lời), và cái ý trong phản hồi trước của tôi nói về người Việt hải ngoại, là nếu họ theo tôn giáo nào thì có phải đóng góp nhiều hơn người “vô thần” không. Cũng đáng là đề tài lý thú dành cho các nhà báo, các nhà xã hội học VN ở hải ngoại. Tôi không làm được sự nghiên cứu chính xác, nên chỉ nói cách dè dặt. Nhưng trên các TV, báo, đài ngoài này, mỗi khi trong nước cần được giúp đỡ về gì, như thiên tai, nghèo đói, bệnh tật, thì các nhà thờ, chùa, thánh thất đều lên tiếng kêu gọi và tổ chức quyên góp, sau đó báo cáo số tiền quyên được cho mọi người biết ( tôi thật ra không theo dõi hằng ngày truyền thông ngoài này để biết nhiều). Các hội đoàn khác cũng có quyên thu, nhưng dường như được ít hơn, và cũng khó tỗ chức việc đem tiền về VN giúp đỡ tận tay các nạn nhân. Nhà thờ, chùa làm việc đó dễ hơn. Có một chuyện có thể khiến nhiều người không tán đồng với ý trên, là tổ chức quyên tiền để giúp các lính cũ VNCH bị thương tật hiện còn sống trong nước (nhiều người không thể lao động mưu sinh), số tiền quyên được thường lên tới khoản 1 triệu USD (năm nay mới chừng 700 ngàn, nhưng có năm trên 1 triệu), không thể nói tổ chức quyên tiền đó dính dáng gì tới tôn giáo. Nhưng chẳng biết có tình cờ hay không mà những người đứng ra tổ chức như Nam Lộc, Việt Dũng, Trúc Hồ, cô Diệu Quyên… đều là người công giáo. Riêng nhạc sĩ Vũ Thành An, bây giờ là thầy 6 (?) của nhà thờ công giào, gần như kêu gọi mỗi ngày trên đài TV Việt ngữ, xin mỗi người cho chỉ $5 để giúp các cụ già ở VN không con cháu có gạo ăn trong một tháng. Cái nhiệt tình của họ có bắt nguồn từ tình cảm tôn giáo không?
Tôi ghi thêm chút ý nghĩ về người VN chiêm bái tượng Phật Ngọc ở San Jose. Trước hết là tỏ lòng kính Phật (tượng là biểu tượng). Kế là tán thưởng việc có người (Phật tử) bỏ ra số tiền lớn để làm tượng Phật Ngọc. Ông Nguyễn Hữu Liêm tán thán cái gíá trị của “chất ngọc” hơi quá (cho là kết quả của sự tiến hoá hàng triệu năm), nhưng người theo đạo Phật ở các nước đều muốn, khi có thể, tạc tượng đá thay cho tượng đất, tượng gỗ(dễ hư hoại), và để tăng thêm phần tôn kính (gọi làm trang nghiêm sự thờ phượng) họ cũng làm tượng đồng thay cho tượng đá, và ở vài nơi khi có khả năng họ còn dùng chất liệu vàng (như ở Thái, Miến). Ở Thượng Hải (TQ) có tượng tạc bằng đá ngọc lấy từ Miến Điện. Nếu người đến chiêm bái bỏ tiền để cúng dưòng hay mua quà kỷ niệm, thì một số có thể cho để được phước, nhưng nhiều người khác có thể chỉ nghĩ để giúp ban tổ chức trang trải các chi phí, và dùng trong việc xây chùa dành cho tượng Phật Ngọc sau này.
Ngoài ra, vài lời chỉ trích trong đề mục này tôi có cảm giác phản ánh lý luận và cả giọng điệu, lời lẽ chống tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản trong nước đã có từ lâu. Nhiều quan điểm bài xích tôn giáo, tín ngưỡng đã được nghe, đọc từ trường lớp, đài, sách báo ở VN, tại cả hai miền Nam Bắc, tưởng chừng đã quên mất, nhưng thật ra vẫn còn đó, ít ra trong tiềm thức, và được cho là ý tưởng đương nhiên đúng, không cần xét lại.
Thân chào bác TriNgộ,
Cám ơn những hồi âm chia sẻ của bác. Tôi thầm nghĩ có lẽ bác hơi bi quan khi nhìn vào đống kinh sách Nhà Phật chất cao như núi chứa chất những điều bí hiểm, câu văn mập mờ và thất vọng khi nhìn thấy tình trạng tăng lữ chạy theo vật chất hiện nay. Đó là lý do tại sao Ngài Cồ Đàm không bao giờ vỗ ngực tự xưng Giáo Chủ một Đạo Giáo có uy tín, nếu Ngài làm thế thì sẽ có đổ máu liển miên vì thánh chiến trong nội bộ Phật Giáo.
Nếu bác thử bước qua lãnh vực khoa học mà nhân loại chung sức đóng góp trí tuệ từ cả ngàn năm thì sẽ thấy Đạo Phật không khác, ví dụ:
– Không hề có hình ảnh tôn thờ, tôn vinh và tôn sùng cá nhân. Chỉ có lòng kính trọng những người có công lao bồi đắp, phụng sự nhân loại;
– Không hề có chuyện mê tín dị đoan. Phương pháp giáo dục có căn bản, mạch lạc, lý luận vững chắc đi từ định đề, định nghĩa, định lý và những hệ luận để con người nắm bắt cách suy luận rõ ràng. Quan sát phân tích luôn luôn trung thực, bản chất Vô Ngã. Căn bản là Giác Ngộ sự thật;
– Phương pháp giáo dục của người Tây Phương trọng về chất lượng, học và thực hành đi đôi, hiểu cho thật rõ, cặn kẽ, thấm sâu vào tâm, tuyệt đối không có chuyện học thuộc lòng, từ chương, học để lấy bằng cấp, khoa bảng giống như VN hiện nay;
– Người đi sau tiếp nối sự nghiệp người đi trước để tiếp tục khai phá vũ trụ và phục vụ nhân sinh, cải thiện cuộc sống, môi trường;
Chúng ta học hết ba cấp bậc (Tiểu, Trung và Đại học) có bao giờ chúng ta tôn sùng hay tin tưởng tuyệt đối vào thầy cô nào đó, chúng ta chỉ có lòng tôn kính xem họ như những người đi trước tận tuỵ cho công tác giáo dục giúp chúng ta khai triển trí tuệ.
Mến chào bác,
@Lê Quốc Trinh
Cám ơn sự góp ý của anh.
Chỉ trong vấn đề quy y tam bảo thôi tôi cũng thấy mình khá hốc hác. Tôi rất thích chữ “quay về nương tựa” thay vì chữ “quy y”.
1. quay về nương tựa Phật (vị Thầy chỉ đạo hay còn gọi là người đưa đường chỉ lối) : hốc hác thứ nhất vì Ngài đã ra đi,
2. quay về nương tựa Pháp (con đường tu theo Phật dạy) : hốc hác thứ hai vì có cả trăm vạn bài kinh mà bài nào cũng thâm sâu khó hiểu, biết tu theo kinh nào cho đúng. Thiền tông thì đặt căn bản trên Kinh Tứ Niệm Xứ và Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Tịnh Độ thì chuyên tụng Kinh A Di Đà. Mật Tông thì chuyên niệm chú vân vân và vân vân…
3. quay về nương tựa tăng (đoàn thể của những người tu, nhất là đoàn thể tăng sĩ) : hốc hác thư ba vì chân tăng (Thầy giỏi) thì đếm trên đầu ngón tay mà tăng tu sai đường thì hình như khá đông.
Bàn thêm cho vui vậy thôi. Thân chào và trân trọng.
Có những người tự nhận mình là hữu thần, sau đó tự khen mình là người hữu thần nhân đạo, từ tâm hơn người vô thần. Rồi lại quàng thêm một câu, tôi chỉ đoán là như thế, không chắc. Nếu việc không chắc đừng nêu ra để tự khen mình và chê bai người khác . Ai cũng biết Bill Gate là người vô thần, ai đã cho tiền vào các công việc từ thiện nhiều hơn vợ chồng ông ta? Angelina Jolie là người hoạt động xã hội, mỗi lần có tai họa ở đâu, vợ chồng cô ta tặng cả triệu đô la , cô ta là người vô thần, từ bỏ đạo Do Thái, từng đến các trại tị nạn của người Palestine. Làm ơn đừng mang cái tôi của mình ra khen nhiều quá , nhất là nó không hề dính dáng vào việc tranh luận trong topic này.