Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas
28/10/2010 | 4:53 sáng | 13 Comments
Category: 9 năm talawas, Chính trị - Xã hội
Chị T. ơi,
Phải nói một lời chia tay với talawas, nhưng ba câu hỏi Hoài đặt ra đánh đố người ta thì người khác đã trả lời nhiều quá và trả lời nào cũng thâm thúy cả, nên tôi đành thay vào đó bằng lá thư phúc đáp chị mà tôi biết dầu có mượn đăng công khai chị cũng không nỡ giận tôi và chắc bà chủ talawas cũng vui lòng dành cho một chỗ để tôi thổ lộ tâm tình với chị và cả với người tình talawas của không phải chỉ riêng tôi trong suốt chín năm qua.
Những lời chị viết cho tôi ngắn gọn mà sao xúc ₫ộng thế. Chị là một phụ nữ đẹp và vị tha. Đó là điều quý giá nhất ở phái đẹp trong quan niệm cố hữu của tôi. Vì thế, tôi quý chị ngay trong những ngày mới đến San Jose đầu tháng tháng 9 năm 2001, và cảm xúc này ở lại trong tôi suốt 10 năm nay mỗi khi nghĩ về chị. Gặp lại nhau cũng tại San Jose trong những ngày giữa tháng 10 này tôi càng thấy rõ điều mình đinh ninh đã không lầm. Chị viết trong thư: “Mấy hôm nay nhìn lại mình trong gương tôi chợt nhận ra, tôi đã không yêu tôi tí nào, tôi đã phí phạm thì giờ… Hy vọng sẽ gặp lại anh tại Hà Nội, lúc ấy tôi đã đòi lại được nụ cười rạng rỡ ngày xưa“.
Những gì chị nói không sai bởi với một con người vị tha thì sống cho người khác và cả cho những giấc mộng không tưởng rằng mình có thể xây dựng một sự nghiệp làm đẹp cuộc đời bằng trái tim nhiệt huyết, đó là bản năng tự nhiên mà chị. Chị đừng vận vào mình về những thất bại mà mình đã vấp. Cứ nhìn cho khắp mà xem trong cả một thế hệ chúng ta ai là người không thất bại đâu, chỉ có người dạng này người kiểu khác mà thôi. Nói gì lớp chúng ta, trẻ trung, xinh đẹp và giọng hát quyến rũ đến như TM mà chẳng mang một khuôn mặt rười rượi về sự tan vỡ mơ hồ đang không tránh khỏi đấy sao? Chị cầu mong cho tôi: “Thân chúc anh thành công trên đường tranh đấu đầy cam go này, Tôi tin anh sẽ thành công“. Lời chúc ấy đối với tôi cao quá. Thú thật, về một phương diện nào đó mà ví von, chúng tôi cũng đang làm những việc cầm chắc thất bại trong tay như chị đấy. Chúng tôi cũng chỉ muốn đòi lại nụ cười rạng rỡ cho một đất nước vốn rất hiền hòa chứ có làm gì bạo liệt đâu. Vậy mà khi cái ác đã công nhiên được chính danh trong bấy nhiêu năm bằng một triết lý ngó như cao thâm “ác cho mục tiêu thiện” thì thực hành điều thiện thiên tính là đối đầu với cái ác-thiện nhân tạo này mất rồi. Một giấc mơ không tưởng như thế mà chúng tôi vẫn cứ lao đầu vào mà không hề nghĩ đến thất bại, bởi lẽ sống của đám người có chút lương thức làm sao mà làm khác được hở chị, nếu không thì mình đâu còn là mình nữa. Có điều trong tình thế hôm nay, khi chúng tôi trước sau chỉ là những ông K đơn độc đứng trước LÂU ĐÀI như F. Kafka từng thủ thỉ kể cho mình từ nhiều thập niên trước, và đi quanh ngả nào thì trước mắt cái lâu đài vẫn cứ hiện ra sừng sững, một kiểu lâu đài ma mà mình tưởng đã nhìn thấu mọi ngóc ngách ma quỷ của nó song rốt cục nó vẫn cứ là một thực thể bất khả giải, chị thử nghĩ, để vững tâm cho được mà không hốt hoảng, phải biết tự chủ đến như thế nào. Trong tôi bao giờ cũng có một lời nhắc thầm lặng: mi hãy nhớ cái limite mà mi phải dừng và cứ giẫm chân qua lại trên đó đủ để gây một áp lực thức tỉnh cho ma nó sợ chứ đừng có hùng hổ và bồng bột khoa đuốc lên làm một ngọn đuốc sống tự đốt cháy mình trong phút chốc. Ai chê ai khen tôi vẫn cứ phải nghiêm túc nhắc nhủ mình như vậy tuy không dám nói là bỏ ngoài tai mọi sự phẩm bình.
Nhớ lại những ngày được cơ quan chức năng thăm hỏi, tối đến, trở về nhà, anh Phạm Toàn hầu như hôm nào cũng đến, tôi tìm một chai vang cất trên tủ tường, lôi xuống mở ra, vợ tôi thấy thế lặng lẽ đi rang một mớ lạc để vào trong cái khăn mặt để giữ nóng rồi lui ra, mặc cho hai anh em ngồi trầm ngâm nhìn vào bóng tối và cứ ngồi như thế cho tới quá nửa đêm lúc nào không biết nữa. Những thời khắc không bao giờ quên được đó câu thơ của Trần Tử Ngang sao mà cứ chập chờn như một ám ảnh: “Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Độc sảng nhiên nhi lệ hạ” (Trước, không thấy người xưa / Sau, người sau đâu thấy / Nghĩ trời đất thật vô cùng / Riêng mình đau mà lệ chảy). Quả thật, cả tôi và Toàn không ai nói với ai nhưng đều mường tượng trước mặt mình đoạn đường còn đi được quá ngắn mà bầu trời thì tối đen. Tuy nhiên, sau mấy tiếng đồng hồ nằm thiếp đi, sáng mai thức dậy ánh mặt trời rọi vào mắt lại có sức cứu rỗi mình. Ý thức mất đi và vô thức sống lại. Lại bình thản lên xe đi đến một nơi nào đấy để tiếp tục trả lời những câu hỏi như đã được lập trình sẵn và bỗng nhiên lại cảm thấy phấn chấn vì đã quên hết cái giới hạn sinh học ngắn ngủi của đời người thân phận trong hai thằng tôi cụ thể mà suốt đêm hôm qua cùng ngồi thao thức. Thì ra mới biết, mỗi chúng ta sống và hoạt động được là nhờ QUÊN. Nghĩ về Hoài – một người bạn quen biết từ đầu những năm 80 thế kỷ trước đến nay – hình như Hoài cũng đã dấn thân trong triết lý “quên” suốt từ khi đứng ra chủ trương talawas, để rồi sau 9 năm thì bỗng như có một tia sáng rọi vào đầu làm cho nàng chuyển “quên” thành “nhớ” và đấy chính là lúc sinh mệnh talawas chợt điểm. Hoài chấm dứt talawas để lại một sự đơn độc không thể bù lấp cho nhiều người bạn đã từng nhìn Hoài mà dấn bước, đã quen có trong tâm lý cái cảm giác phải có bạn bầu trong cuộc đi vô định, cuộc hành xác vất vả cực nhọc này mà đằng chân trời đã lấp ló một tia sáng nào chưa hay vẫn là một ảo ảnh trên sa mạc? Hình như vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi ấy kể cả những người bặm trợn nhất.
Về chị, một trái tim phụ nữ dịu dàng và nồng thắm, những vấp váp trong tình cảm và đời sống là chuyện thường. Như đã nói với nhau tối hôm chia tay, chị hãy làm lại, trở lại với MÌNH. Chắc chắn ngày gặp lại nhau, tôi lại tìm thấy ở chị một khuôn mặt trẻ trung như trước hay hơn trước. Hy vọng chị cũng nghĩ về tôi như vậy.
Hai đêm ở nhà vợ chồng bạn NHL chúng ta hát và ngâm thơ đến 2 giờ sáng là hai đêm tuyệt diệu không một ai thờ ơ không thấy lòng trẻ lại, nó khiến tôi cứ bồi hồi nghĩ đến cái đêm cuối tháng 9 năm 2001 chúng ta hát thâu đêm trước lúc tôi về lại Boston. Tôi lại có thêm nhiều bạn mới TT, M, TM, TA… cũng là nòi tình vì yêu nhạc tiền chiến, say thơ tiền chiến. Đó là một hạnh phúc đối với tôi.
Chị hãy giữ lấy chiếc khăn lụa 10 năm trước như hôm gặp nhau chị đã quàng nó mặc dù nó đã sờn, và đừng bao giờ quên người bạn của chị ở tận bên kia bán cầu lúc nào cũng cầu mong cho chị hạnh phúc.
© 2010 Nguyễn Huệ Chi
© 2010 talawas
Bình luận
13 Comments (bài “Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas”)
Kính thưa các Anh Chị,
Từ trước đến nay tôi vẫn thường đọc Talawas. Như phần lớn những người VN ở hải ngoại tôi đọc để đừng quên, đọc để tiếp tục buộc mình suy nghĩ về vận mạng của một đất nước mà tôi đã rời xa từ hơn 35 năm nay, tôi đã có nhiều lần trở về VN để thăm lại gia đình bạn bè và để sống lại những kỷ niệm ngày xưa nhưng càng trở về VN thường xuyên thì càng làm cho tôi nhận thức được một cách rõ ràng những vấn đề mà đất nước đang và sẽ phải đương đầu trong tương lai.
Tôi rất sửng sốt khi được biết Talawas sẽ ngừng hoạt động trong một ngày gần đây.
Tuy là rất tiếc vì phải bắt đầu lại công việc tìm đọc các web site khác nhưng trái lại, khác hẳn với phần lớn các ý kiến trình bày ở đây tôi lại có một phần hy vọng. Trong những khu rừng già người ta luôn luôn thấy dưới bóng những cây cổ thụ là cả một vùng trống vì không có những cây con mọc, Talawas là một cây cổ thụ trên mạng Internet trong cộng đồng Việt Kiều (yêu nước và không yêu nước!) Ngày mai nếu cây cổ thụ này vì một lý do nào đó đổ xuống thì đây chính là cơ hội thuận lợi cho bao nhiêu cây khác mọc lên để thay chỗ đứng nầy, đây sẽ là một cơ hội cho những ý kiến, những đóng góp bùng lên, là cơ hội để cho những cuộc tranh luận thêm phần sôi nổi.
Một ngọn đuốc, và nhiều ngọn đuốc khác, đã được đốt sáng trong đêm trường từ 9 năm qua. Đốt lên một ngọn đuốc là khó, việc này BBT Talawas và nhà văn Phạm Thị Hoài đã làm được thì việc giữ cho ngọn đuốc này và bao nhiêu ngọn đuốc khác tiếp tục soi sáng trong đêm trường có phải là một việc không làm được hay sao? Nếu thực sự là một việc không làm được thì “thật là đáng thương cho đất nước VN và giới trí thức VN thật là đáng trách” (đoạn này xin trích dẫn từ một bài trên Talawas).
Cảm ơn những công lao của BBT Talawas và 9 năm đứng mũi chịu sào của Chị Phạm Thị Hoài.
[…] Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas — (talawas) – Chúng tôi cũng chỉ muốn đòi lại nụ cười rạng rỡ cho một […]
[…] Thưa Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, […]
[…] Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas (*) […]
[…] – Sau đây là một số hình ảnh do bạn đọc gửi đến Bauxite Việt Nam. – 17:20 – Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas — (talawas) – Chúng tôi cũng chỉ muốn đòi lại nụ cười rạng rỡ cho một […]
[…] 28/10/2010 | 4:53 sáng | 6 phản hồi […]
Kính gởi GS Nguyễn Huệ Chi,
Đọc bài viết này của GS, nước mắt cháu cứ chảy ra liên tục tự nhiên và không thể kiềm nén. Cháu quyết định viết những dòng này. Bài viết đầu tiên trên Talawas, và có lẽ cũng là bài cuối cùng. Phải nói là cháu đã tính viết mấy lần sau khi đọc một số bài trả lời phỏng vấn của các cô, chú về 3 câu hỏi của BBT Talawas trong thư từ giã, nhưng cứ lần khần cho đến lá thư này của GS, cháu đã quyết định viết những dòng này.
Đọc từng dòng trong lá thư của GS, cháu không ngừng rơi lệ, đó là những giọt nước mắt của người đang chứng kiến cảnh chia tay rơi lệ của những người tri kỷ, của người cảm thấy sự nhỏ bé của mình trước những nhân vật vĩ đại, đáng kính, của người cảm thấy mình vô vọng, vô dụng trước một vấn đề trọng đại. Cháu đã khóc vì tưởng tượng hình ảnh của người những ông K đang chiến đâu oanh liệt trong vô vọng trước tòa LÂU ĐÀI, cháu cũng khóc vì tưởng tượng đến GS và nhà giáo Phạm Toàn ngồi bên nhau cùng chai rượu trong bóng tối, và cháu đã khóc vì tưởng tượng đến cảnh những người dân phải khổ cực thế nào trong “cơn lũ bùn đỏ” như đang xảy ra ở Hungary với mức độ trầm trong hơn.
Trong những cảm xúc đó, có cả cảm xúc của nguời ganh tị với GS khi GS có những người bạn thật tuyệt vời, những người tri kỷ. Và đặc biệt nhất là cảm xúc mãnh liệt trong niềm tin là thư kiến nghị của GS và mọi người sẽ dừng được dự án Boxit ở VN.
Kính chúc GS mạnh khỏe.
————————————————-
Kính gởi cô Hoài,
Mặc dù không được hỏi, nhưng tôi xin mạn phép được trả lời 3 câu hỏi của Talawas, vì tôi thấy 3 câu hỏi này rất thú vị. Hi vọng được sự quan tâm và lượng thứ.
1 – 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay:
– Sự bất ổn định xã hội. Xã hội đựơc hình thành bởi tập hợp các gia đình, gia đình được hình thành bởi các cá nhân. Người VN phần đông hiện nay không còn giữ được “Ngũ Thường”: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín. Do thiếu những chuẩn mực này, người Việt đang làm cho xã hội VN trở nên phân hóa và không định hướng.
– Sự phát triển kinh tế không kèm theo việc bảo vệ con người và môi trường, thiếu tầm nhìn xa.
– Giáo dục yếu kém, dẫn đến đào tạo ra những con người không có năng lực, thiếu khả năng và sự quan tâm vừa đủ đến xã hội và môi trường xung quanh, đất nước.
– Sự yếu kém sức mạnh nội lực quốc gia trong việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ và ngọai giao.
– Sự thiếu dân chủ dẫn đến cuộc đấu tranh khốc liệt đòi quyển dân chủ.
2 – Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng.
Câu này cháu đánh giá là hay nhất. “Cái bẫy” nằm ở 2 chữ “tuyệt đối”. Chẳng có gì là tuyệt đối, kể cả thời gian và không gian. Vì vậy, trong 24 tiếng ngắn ngủi. Tôi vẫn làm việc như bình thường (8-10 tiếng) ở cương vị của người lãnh đạo cao nhất. Sáng sớm, tôi dùng quyền “tuyệt đối” để yêu cầu họp quốc hội khẩn cấp, và yêu cầu các đại biểu tham gia đầy đủ.
Mục đích của buổi họp là lấy biểu quyết thông qua có trưng cầu dân ý hay không về việc thay đổi thể chế dân chủ, đa đảng, như kiểu Mỹ.
Việc biểu quyết sẽ tiến hành trước khi kết thúc ngày làm việc. Mọi việc tiếp theo sẽ tùy vào sự quyết định của những “đại diện nhân dân” đó.
3 – Dự đoán.
Có vẻ các thành viên nhìn vấn đề hơi bi quan.
Theo tôi, năm 2020, VN sẽ xuất hiện người đủ tài đức để lãnh đạo đất nước đi vào con đường dân chủ, phát triển. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ phải giải quyết do những tồn đọng của quá khứ.
2030, phát triển ngang tầm Hàn Quốc hiện tại, tiếp tục giải quyết những tồn đọng còn lại.
Chúc cô Hòai mạnh khỏe và luôn lạc quan tiếp tục những công việc trong tương lai.
Ban Chủ Nhiệm,
Tui thấy Ban Chủ Nhiệm đã có archive plan, nhưng thiếu sót một điều là không/chưa có transition plan. Để tui giải thích như sau:
– ở blog này, có nhiều người đóng góp bài mới, phản hồi bài cũ, một số rất nổi tiếng, v.v. Bây giờ Talawas đóng cửa, mấy người contributors này đi đâu? Dĩ nhiên là sau cùng họ cũng có chỗ đi, nhưng nếu ra đi trong trật tự thì vẫn tốt hơn là trong hỗn loạn, không có plan.
– ở blog này, có nhiều độc giả. Bây giờ Talawas đóng cửa, mấy người này đi đâu?
Từ nay đến 3/11/2010 chỉ còn có mấy ngày, tui đề nghị Ban Chủ Nhiệm liên hệ với, đánh giá các blog(s) khác, và đề nghị (recommend), công bố một blog nào để thay thế talawas. Dĩ nhiên là ai đi đến đâu là quyết định cá nhân, nhưng nếu có transition plan, có recommendation thì vẫn hơn.
Các ông/bà contributors có thể không lo, không cần, nhưng job của quản lý, chủ nhiệm là phải lo, phải plan, các Bác ạ .
[…] chắc bà chủ talawas cũng vui lòng dành cho một chỗ để tôi […]
[…] ———– TIN NỔI BẬT (BREAKING NEWS 24/7) # – 17:20 – Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas — (talawas) – Chúng tôi cũng chỉ muốn đòi lại nụ cười rạng rỡ cho một […]
[…] Bàn chuyệnTalawas ngưng hoạt động (VOA). – Nguyễn Huệ Chi – Lá thư giã từ talawas — […]
[…] Lá thư giã từ talawas […]
Đúng là VN vẫn còn thiếu nhiều người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như các bác Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, chị Hoài, vv và ..vv. Tôi không đồng ý rằng việc các bác đang làm là “cầm chắc thất bại” ngược lại tôi cho rằng những việc những người “cầm đèn” đã làm và đang làm đã gặt hái rất nhiều kết quả, đó chính là sự nhân bản của những ý kiến phản biện có thể nếu không có sự khơi mào của những người này, đã không xuất hiện, và chừng mực nào đó, tiếng đàn cũng làm động lòng … lũ trâu: vậy đó chính là thắng lợi