“Phiếu của tôi đâu?”
17/06/2009 | 1:00 sáng | 1 phản hồi
Category: Chính trị - Xã hội, Thế giới
Thẻ: Ahmadinejad > Bầu cử > Iran > Mousavi
Quyết định của Lãnh đạo Tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, ra chỉ thị cho Ủy ban Bảo vệ (Guardian Council, tức “Tối cao Pháp viện”) phải điều tra kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là một bước nhân nhượng đòi hỏi của quần chúng. Chỉ thị này đã khiến nhiều trăm ngàn người đổ xuống đường phố Tehran (200.000 theo phóng viên tại chỗ của tờ Time) và ứng viên Mousavi, người đệ đơn đi kiện, xuất hiện lần đầu trong các cuộc biểu tình.
Đoàn diễn hành được công an để mặc và đứng ở ngoài xa trông chừng và chẳng hiểu có cười duyên nháy mắt hay không mà khiến các cổ động viên của ông Mousavi khi đi ngang lực lượng an ninh lại hô to khẩu hiệu khó tin và siêu thực là “Cám ơn, cám ơn công an!” Bên lề cuộc diễn hành chính, một nhóm nhỏ tấn công trụ sở của một tổ chức trực thuộc Vệ binh Cách mạng và toan đốt trụ sở này bị phía bên trong nổ súng, gây thiệt mạng cho 7 người . Đêm Chủ nhật 14, công an và thường phục cũng đã tràn vào cư xá Đại học Tehran do 3.000 sinh viên trấn giữ để đập phá. Trong đêm (hoặc không rõ, đêm trước?) ứng viên về chót Karroubi (dưới 1%) cũng đã đột xuất xuống đường trước sự ngạc nhiên (và hoan hô) của quần chúng. Cựu Chủ tịch Quốc hội Karroubi thuộc thành phần ôn hòa, năm 2005 về ba và từng kiện bi cướp phiếu trong cuộc bầu cử trước.
Ngoài ra, phản đối đã lan đến các thành phố khác, Esfahan, Marshad, Shiraz và Ardibil là khu vực dân tộc Azeri (sát biên giới Azerbaijan). Ông Mousavi là người Azeri nhưng kết quả ngay tại nhà ông đã cho ông về sau Ahmadinejad, tựa như Texas mà ồ ạt dồn phiếu Al Gore! Việc Bộ Nội vụ nhanh chóng tuyên bố kết quả cũng đáng nghi ngờ (40 triệu phiếu phải đếm bằng tay). Nếu phân tích xã hội không sai thì ông Mousavi phải thắng, nhờ giới trẻ tham gia kỷ lục (tuổi trung bình ở đây là 27), phiếu của phụ nữ và của thành phố (thành phố là 65% dân số của cả nước) cũng như các phiếu trước đây từng dồn cho người ủng hộ ông là cựu Tổng thống “đổi mới” Khatami. Theo một phụ tá của Mousavi tại Pháp, Bộ Nội vụ đã cho ông biết là ông thắng (ông Mousavi tuyên bố thắng cũng rất sớm, khi phòng phiếu chưa đóng), nhưng sau đó xin cho nói lại và đổi lời, ấy chết tôi lộn tên.
Phải nhắc, Mousavi không phải là nhà cách mạng lưu vong lén lút trở về nước để lật đổ chế độ hay xuất thân từ phong trào chống đối quần chúng, sinh viên. Ông không phải là Mir Hossein Ilich hay Davidovich và biến động hiện nay cũng không phải là Thiên Iran Môn. Ông là cựu Thủ tướng vào thời vị lãnh đạo hiện nay, Giáo chủ Khamenei, đang giữ chức Tổng thống. Phe nhóm của ông nói rộng nắm nhiều thế lực then chốt, đáng kể là đồng minh Rafsanjani. Ông này là giáo sĩ, cựu Tổng thống và hiện Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia (Assembly of Experts) là một tổ chức cao hơn quốc hội trong chế độ thần quyền (tạm ví như “Trung ương Đảng”). Hội đồng Chuyên gia chỉ định Lãnh đạo Tối cao (“Tổng Bí thư”) và chính Rafsanjani là người có thể đe dọa vị trí của ông Khamenei. Trong cuộc biểu tình rầm rộ ăn mừng chiến thắng của Ahmadinejad, các khẩu hiệu công kích ông Rafsanjani là chính, các bích chương nhắc nhở thành tích nhũng lãm của gia đình tai tiếng của ông, nhằm chặn đường lên thay thế Khamenei. Quần chúng phản đối thì còn một con bài khác là Giáo sĩ Montazeri, một thời được coi là thừa kế của chính ông Khomeni (người lãnh đạo lật đổ đế chế, không phải ông Khamenei) nhưng sau đó từng bị chính quyền giam giữ tại gia (1997-2003) vì phát biểu bậy bạ.
Nhân nhượng của Khamenei là vì đe dọa từ phía này đang đợi tình thế trên đường phố gây rối đủ chín mùi. Trong guồng máy dân sự, chưa hẳn đương kim tổng thống đã nắm nhiều dao đằng chuôi hơn là phe Mousavi. Ông Ahmadinejad có thể dựa vào Vệ binh Cách mạng (“Thanh niên Tiền phong”, “Thanh niên Cộng sản”), đưa đàn em du thử nước ngoài là Hebzbollah của Lebanon để dẹp biểu tình (theo tin đồn hoang mang, cũng như tin 16 chỉ huy cao cấp của Vệ binh Cách mạng mới bị bắt giữ chẳng hạn). Nhưng trước hết ông dựa vào quần chúng hàng chục triệu tin tưởng ông, nông dân và lao động được chính sách của ông nâng đỡ, yêu mến tác phong trong sạch của Ahmadinejad, ngưỡng mộ vung tay bài Tây phương của ông và say sưa với chủ nghĩa dân tộc (Iran không có rượu nên lấy chủ nghĩa này “Dzô! Dzô!” thay thế, 100%! 110% và 1000 lẻ 1%!) Không thể coi nhẹ yếu tố này, ở Iran 2.500 năm văn hiến thì cũng vậy thôi, nhắc đến khai thác dầu hỏa bởi Hoa Kỳ hay Anh Quốc là ai máu cũng sôi.
Trộm nghĩ, nếu Việt Nam có một nhà chính trị hiên ngang và ngạo nghễ trước bá quyền; trong sạch và cương quyết trước tham nhũng; nâng đỡ nông thôn và vỗ về lao động; kính trọng tôn giáo và truyền thống ; đề cao vai trò làm vợ và làm mẹ của phụ nữ; lại cấm họ ăn mặc hở hang khi ra đường thì anh hùng áo gió vải và chân dép Biti’s này ăn đứt 63% phiếu mà không cần gian lận! 37% còn lại, hẳn là những người thích xem kết quả thi hoa hậu hơn là đọc và nghiền ngẫm “Hịch tướng sĩ”. Iran quả là lạ thật, như Montesquieu từng phải hỏi, làm sao mà người ta lại có thể là người Farsi.
Biện pháp nhờ Ủy ban Bảo vệ “xét lại” ít ra cũng kéo dài thời gian trong khi hai phe đếm lại lính. Ông Mousavi cương quyết hơn là ông Gore năm 2000 và tuyên bố chỉ có giải pháp là hủy bỏ cuộc bầu cử cho nên không biết là Ủy ban có cứu được Ahmadinejad như Tối cao Pháp viện Mỹ từng làm với George W. Bush trong chuyện phiếu quyết định ở bang Florida. Nếu ông Mousavi thắng thì Iran sẽ bước thêm một bước và Mousavi sẽ là một nhà cầm quyền “bản lề” như thủ tướng cuối cùng của đế triều Pahlavi (1979), ông Shapur “Kerensky” Bakhtiar (bị Hebzbollah ám sát khi lưu vong ở Pháp). Việc đếm lại này hẳn sẽ lôi thôi, Ủy ban vừa cho biết chỉ sẽ xét những trường hợp và đơn vị có vấn đề rõ rệt.
Nếu ông Ahmadinejad thắng, thì sẽ có thêm đổ máu chăng và nhất định là phong trào chống đối cũng như phong trào đàn áp sẽ không dừng lại ở đó. Ngày thứ ba 16, cả hai phe đều tổ chức xuống đường, có tin là cựu Phó Tổng thống Abtahi (chống đối) mới bị bắt. Thế nào thì Iran cũng đã nhúc nhích được đôi chút trên con đường tự làm chủ của quần chúng. Những người từng được cầm lá phiếu thay đổi và vung nắm tay trên phố sẽ không bao giờ quên lúc (ờ thì mong manh) họ nắm vận mệnh của chính mình và của đất nước. Và dù sao thì cuộc bầu cử qua tại nước nghịch với Mỹ này cũng đã cho thấy là mức dân chủ tại đây cao hơn là tại những nước thân tín với Hoa Kỳ ở trong khu vực, như là Saudi, như là Jordan, như là các tiểu quốc vùng Vịnh, như là Ai Cập, Morocco.
Tin tức, hình ảnh và video được cập nhật ở blog live dưới đây của Nico Pitney
http://www.huffingtonpost.com/2009/06/13/iran-demonstrations-viole_n_215189.html
Bình luận
1 phản hồi (bài ““Phiếu của tôi đâu?””)
Đỗ Kh. đang ở đâu ta
Mà sao em thấy rất là Iran*
Thật vậy. Loạt phóng sự rất sôi động về bầu cử ở Iran vừa qua làm người đọc có cảm giác như tác giả đang có mặt ở Tehran vậy.
Chạnh lòng lại nghĩ, ước gì ngày nào Việt Nam mình có một cuộc bầu cử dân chủ vừa phải, theo kiểu Thái Lan hay Iran thì cũng là tốt quá rồi. Gì chứ, với dân ta, cái cảnh hàng chục vạn dân chúng cùng xuống đường để phản đối một kết quả bầu cử mà họ cho là gian lận vẫn là câu chuyện trên trời, có chờ đến Tết Congo cũng chẳng có. Mà cứ mãi mãi cái cảnh Đảng cử dân bầu, mọi kết quả đều đã biết trước, chẳng chút kịch tính nào như cả hơn nửa thế kỷ qua thì cũng thật chán muốn chết đi được.
_____
* Thơ Trần Đăng Khoa:
Ông Lê nin ở nước Nga
Mà sao em thấy rất là Việt Nam