Iran, mùa Hè xanh (1)
21/06/2009 | 12:15 sáng | 7 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Chưa phân loại, Thế giới
Thẻ: Ahmadinejad > Bầu cử > Iran > Mousavi
Đôi ta chỉ có một mùa Hè thôi
(Ca từ Phạm Duy)
Trước hết, nếu tựa loạt bài này là “Màu tím Ba Tư” thì còn gì bằng, nhưng màu này lại không là màu của phong trào đằng sau ứng cử viên bị cướp ghế tổng thống, ông Mousavi, và đang mượt mùa Hè của quốc gia u ám này.
Xin nói qua về một số ngộ nhận thường thấy về thành phần “Trục của tội ác” này, từ ngày được cụm từ rất đắt này gắn liền với Iraq và Bắc Triều Tiên. “Trục” thì vẫn mỗi người một vẻ, và “tội ác” chung chỉ là không ưa Mỹ. Tehran không chuyên chế cộng sản chủ nghĩa và gia đình như Bình Nhưỡng, không chuyên chế quốc gia chủ nghĩa và độc tài cá nhân như Baghdad (của Saddam Hussein). Iran là một chế độ thần quyền, đa đảng trong chừng mực được cho phép, có bầu cử cho đến giờ được coi là còn đáng để thức dậy mà đi bỏ phiếu, một quyền dù có giới hạn của công dân hơn là một bổn phận phải thi hành nếu không muốn bị cắt sổ gạo.
Cao nhất trong chế độ này, thì là… Trời chứ sao, và vì đấng này ở xa cho nên mọi việc được khoán cho Lãnh tụ Tối cao từ Cách mạng 1979 lật đổ đế chế thân Tây phương của Shah (vua) Reza Pahlavi, vị thứ nhất là Đại Hòa thượng (Grand Ayatollah) Khomeini 1979-1988, kế nghiệp bởi Đại Hòa thượng Khamenei (1988 đến nay). Lãnh tụ Tối cao được Hội đồng Chuyên gia gồm 86 thày tu chỉ định. Chủ tịch Hội đồng chuyên gia là Hòa thượng Rafsanjani.
Cử tri toàn quốc thì được bầu tổng thống trực tiếp (Ahmadinejad). Ông đứng đầu hành pháp, chức thủ tướng đã bị bãi bỏ. Quốc hội (Majlis) do cử tri các đơn vị bầu lên (Chủ tịch Larijini).
Tư pháp tối cao là Ủy ban Bảo vệ, gồm 6 thày do Lãnh tụ Tối cao chỉ định và 6 vị khác do Quốc hội chỉ định.
Lực lượng quân sự gồm thành phần Quân đội (tức thành phần biết lái chiến đấu cơ và điều chỉnh pháo chính xác) và Vệ binh Cách mạng (Pasdaran) là lực lượng “hồng hơn chuyên”. Trực thuộc Pasdaran là phong trào bán quân sự Basiji (Thanh niên Tiền phong), thời chiến tranh dùng để mở đường bãi mìn (chân cứng hơn mìn) và hiện nay để đàn áp quần chúng chống đối ở những nơi hay những khi mà công an chùn tay.
Tuy râu cũng lem nhem và trông nhác nhác, về dân tộc, người Iran, Ba Tư hay là Farsi không phải là người Ảrập trừ thiểu số ở miền Nam. Ngược lại người Farsi có mặt rải rác ở nhiều quốc gia Ảrập trong khu vực. Họ thuộc dòng Indo-Aryan chung gốc gác với người Âu chứ không phải semitic (Ảrập, Do Thái).
Hiềm khích Farsi-Ảrập là một trong những căn nguyên của chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Trong chiến tranh làm thiệt mạng 1 triệu người này Liên Xô và Hoa Kỳ cũng như khối Ảrập đứng về phía Saddam Hussein. Iran là nạn nhân của võ khí hóa học Iraq (máy chế tạo Đức, chuyên gia Anh và thuốc, trực thăng rải thuốc của Mỹ). Năm 1988, hải quân Mỹ bắn hạ chuyến bay dân sự IR655 của Iran Air chở 290 hành khách.
Israel lại là nước ủng hộ Iran ngầm trong cuộc chiến (vũ khí “Iran-Contra”). Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn của ta.Trước cách mạng, Israel lại cũng thân với chế độ Shah.
Tuy nhiên, bất bình của người dân Iran với Hoa Kỳ từ việc CIA lật đổ Thủ tướng Quốc gia Chủ nghĩa Mossadegh (1953) khi ông dám quốc hữu hoá kỹ nghệ dầu hỏa. Sau đó, Hoa Kỳ ủng hộ Shah hoàng cho đến khi ông bị quần chúng đuổi đi.
Về tôn giáo, tuy là Hồi nhưng Iran thuộc hệ phái thiểu số và ly khai Shia. Ngoài Iran ra là chính, hệ phái Shia có mặt ở Lebanon, Iraq, Syria, Bahrein, Yemen Saudi… và Trung Á, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ ở dưới dạng thiểu số và nhiều biến thái. Shia ở Iran thuộc ngành “12 Imam” (Twelver Shia).
Đây là hai hệ phái lắm lúc thù nghịch. Và thù nghịch từ đầu, đương nhiên, nếu không đã chẳng có ly khai (người Shia cho rằng Thượng đế chỉ định con rể của Thiên sứ Mohammad làm khalif thừa kế và theo người Sunni thì chức giáo chủ này phải được bầu lên). Iran là đàn anh của người Shia Afghanistan (Hazara) phải địch với Taliban (Sunni). Khi Taliban phá hai tượng Phật ở Bamyan, họ không đàn áp Phật giáo mà là đàn áp người Hazara Hồi giáo Shia. Năm 1998, Taliban giết sạch nhân viên ngoại giao của Lãnh sự quán Iran tại Mazar. Năm 2001, khi Hoa Kỳ khởi binh đánh Afghanistan, các vị trí đóng quân của Taliban bị họ ném bom là nhờ do tình báo Iran cung cấp. Osama bin Laden là kẻ thù của Iran.
Về văn hóa, dĩ nhiên là Iran đặc thù, chí ít từ đời Đại đế Cyrus 25 thế kỷ trước. Từ khi có Hồi giáo, ký tự Ảrập được dùng và ngôn ngữ có nhiều từ vựng gốc Ảrập. Trong một đoạn phim tài liệu Mỹ, tôi có thấy phóng viên Hoa Kỳ chào mọi người bằng chữ “salaam” (Ảrập). Ông được nhắc ba lần là “khush amadeed” mà vẫn không để ý. Đây tựa như là ông này sang bên ta mà “vấn an tiểu thư” thay vì “em có khỏe không”.
Về chủ nghĩa, Iran có chống Mỹ cũng không phải là vì họ cộng sản! Các đảng phái cộng sản ở Iran giờ vẫn bị cấm đoán. Khi các thày tu lên nắm quyền, họ đã tận diệt các phong trào tả phái thế tục, từ trốt kít đến xã hội, quốc gia. Vô tín, vô thần (nếu cha mẹ là người Hồi) tại Iran được coi như là từ đạo (apostat), một tội chết chứ chẳng đùa.
Nhưng ngay trong chủ nghĩa thần quyền, chữ Shia kia cũng có ba bảy đường. Cho nên thế mới có chuyện.
Đằng sau ông Mousavi, là ôn hoà đủ loại và đủ mức độ, chưa nói đến ôn hoà cơ hội và cơ hội kinh tế, cái này thì còn lôi kéo được cả bảo thủ! Các đại gia muốn mở cửa làm ăn xuống đường cạnh lao động chật vật với lạm phát, cực tả cách mạng vung tay hô hào cạnh thày tu bất mãn, tụ tập dưới một màu xanh.
Về phía chính quyền, có dấu hiệu phân hoá. Tại Quốc hội, một số đại biểu lên diễn đàn hỏi ai cho phép Thanh niên Basiji và công an thường phục tấn công sinh viên tại cư xá Đại học Tehran và đòi làm cho ra lẽ, trừng trị các phần tử này. Lời qua tiếng lại thành xô xát, các đại biểu xông vào dùng tay dùng chân để đối đáp lẫn nhau. Các đại biểu khoe nghề võ này lại cùng với nhau trong một đảng cầm quyền!
Sau khi truyền hình quốc gia báo về cuộc diễn hành để tang, mạng bán chính thức Press TV còn thông báo lịch xuống đường (thứ bảy 19.6) của Hội Tu sĩ Đấu tranh!
Ứng cử viên về ba (1,8%), ông Rezai cũng đòi kiểm phiếu nhưng bị từ chối. Ông này là bảo thủ, Trần Đăng Khoa của chế độ khi năm 27 tuổi đã làm tư lịnh của Vệ binh Cách mạng (1981-1997).
Đêm 17-18.6, quần chúng kéo nhau lên mái nhà, sân thượng mà hô “Allahu Akbar!” (Thượng đế vĩ đại) Ở phương Tây, nghe câu này thì tưởng là quyết tử sắp rút chốt bom người nhưng trong lịch sử Hồi giáo, đây cũng là tiếng gọi chống cường quyền và áp bức, độc tài, ý là “Thượng đế thì trên cả ông nữa đó cha nội”. Câu này năm 1979 được dùng phản đối Shah Reza. Chiến thuật truyền thống này được sử dụng song song với Twitter, tựa năm 1979 ông Khomeini đã sử dụng băng cassette để giảng kinh cho trong nước từ nơi ông lưu vong tại Pháp.
Màu xanh của ông Mousavi cũng khéo chọn vì đó là màu của Hồi giáo, các thày không cấm đoán được. Thành thử ra tại Iran ngàn nay mới có chuyện Che Guevara màu xanh.
- (tại Paris)
Trạm The Pirate Bay (Sweden) là trạm để tải nhạc, phim, phần mềm về miễn phí (lậu) cũng nổi hứng đổi logo sang màu xanh và đổi tên thành The Persian Bay! Phong trào Màu xanh để ủng hộ dân chủ tại Iran bắt đầu xuất hiện ở nước ngoài.
Giám đốc tình báo Mossad của Israel nhận định là đối với quốc gia ông, phe đối lập Iran tệ hại hơn là Ahmadinejad!
Ngày lễ thứ sáu, chính quyền huy động quần chúng nghe giảng lễ, dùng xe để đưa cả chục ngàn người đếnTehran. Ông Khamenei tuyên bố kết quả bầu cử là nhất định thắng rồi với cách biệt 11 triệu lá phiếu, tuy ông chưa hủy lệnh kiểm tra lại. Ông Khamenei gắn liền số phận ông với số phận của đệ tử Ahmadinejad bằng phát biểu ủng hộ này trong khi ở vị trí thần quyền của ông, ông đã có thể đứng ở trên xa vời trung lập. Giờ có lẽ đi đến phải đánh đổ cả Lãnh tụ Tối cao thay vì đánh đổ một tổng thống. Vì vậy mà Khamenei còn có cả lời ngon ngọt với Rafsanjani (“Không nên phê bình Rafsanjani vì gia đình ông ta làm bậy, nào có phải ông ta”). Năm 2003, tạp chí Forbes là tạp chí Mỹ chuyên ước lượng tài sản của các tỉ phú cho rằng Rafsanjani là một trong những người giàu nhất thế giới. Dầu thế nào, con trai ông cũng làm TGĐ công ty khí đốt Iran.
Ngày thứ 7 sẽ là ngày quyết định, chưa thấy Mousavi phát biểu gì.Đại diện của ông ở nuớc ngoài, đạo diễn Makhmalbaf cho biết các cố vấn của Mousavi đã bị bắt giữ, ông Mousavi bị cấm không được phát biểu nhưng có lẽ là ông Mousavi chỉ đang cắn cọ suy tư đó thôi và còn phân vân trước khúc quanh này chứ ai mà cấm được ông. Ứng viên Karoubi thì đã lập tức nhắc lại yêu cầu phải tổ chức bầu cử mới trong một thư ngỏ gửi Ủy ban Bảo vệ.
Một phút giải trí, đây là clip trao đổi thượng đỉnh giữa Ahmadinejad và Medvedev, vào dịp mới đây (6.2009, Shanghai Cooperation Organization tại Ekaterinburg) và không phải là dịp Tết, Tết Tây, Tết lịch Nga, Tết Norooz, Tết Nguyên đán hay là Tết Congo.
Medvedev: How are you?
Ahmadinejad: Yes. Và nghĩ ra, Happy new year!
Medvedev: Happy new year to you!
A, mà tại sao lại không là Happy Birthday nhỉ?
Phút giải trí thứ nhì, bên trong các hộ trung lưu, đây là một Party ở Iran.
Phút thứ ba, phim tuyên truyền của chính quyền về các nữ công an đặc nhiệm ninja, áo trùm đu giây, gỡ bom và đánh võ bắt cướp.
Còn ở đây là các chiến sĩ này thi hành công vụ “đạo đức” là kiểm tra trang phục của phụ nữ trên đường phố. Vi phạm là mặc áo ngoài bó sát người, quần ống chân ngắn (lòi cổ chân), hở…tóc trước hay là sau khăn choàng đầu v.v. Chiến dịch hè thông lề thoáng tháng 5.2008 phạt 40.000 người Thủ đô. Nặng thì được mời về đồn làm việc, ở đây quần chúng đánh tháo cho một cô “hở hang” chạy thoát.
Không đùa là khi Basiji nổ súng vào phản đối. Con số tử thương tại công trường Azidi là 8?, tại Đại học Tehran là 7? Có tổ chức đưa ra con số 32, kể cả các nơi khác trong nước (như Shiraz lại 7 người khác).
Bình luận
7 Comments (bài “Iran, mùa Hè xanh (1)”)
So sánh chuyện ở Iran hiện nay với Thiên An môn năm xưa hãy dành cho lịch sử, hay thời gian đủ dài, nhìn lại để thấy rõ hơn. Nếu những người phản kháng ở Iran hành động có tổ chức, hay phối hợp thì mừng cho họ. Nhưng tôi vẫn ngờ điều này, và còn nhớ ở Thiên An môn ký giả quốc tế quan sát, tường thuật đầy đủ, dễ dàng hơn.
TT Obama mấy hôm nay khá dè dặt, hay “mềm” so với thái độ của Hạ và Thượng nghị viện Mỹ, cũng vừa lên tiếng ở toà Bạch ốc:” Chính phủ Iran phải hiểu rằng thế giới đang nhìn họ. Chúng tôi thương tiếc mỗi một mạng sống vô tội bị mất đi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Iran hãy ngừng những hành vi bạo lực và bất công chống lại chính nhân dân mình.”
Mỹ chắc chắn không thể làm được gì trong lúc này để cứu người dân Iran đang bị đánh đập, bị bắn chết ngoài đường phố, nhưng rõ là thế giới đã nghe được tiếng kêu cứu của họ.
Moussavi, người thất cử tổng thống, cho biết sẵn sàng “tử vì đạo” (martyrdom). Trong đám đông dã có tiếng hò hét chung đòi giết giáo chủ tối cao (“Death to Khamenei!” ).
CNN gọi đây là HomeInvasion,”nội xâm”, khác với ngoại xâm thời Iran đánh nhau với Saddam Hussein,vừa đưa lên màn hình cảnh làn đạn lửa bay trong đêm đen, với nhiều tiếng kêu la thảm thiết.
Dường như người dân Iran đã bị chế độ độc đoán áp bức đến hết mức chịu đựng, phải liều mình bật dậy để đi lên.
Hòa Nguyễn:”với tiếng vang vọng ra thế giới sẽ không lớn, lâu dài bằng”.
Thế giới thì chưa biết đến đâu, nhưng vang vọng đã đến Trung Quốc! Theo “South China Morning Post” (Hong Kong), chính quyền đã đề nghị truyền thông trong nước đừng nói đến những sự cố tại Iran, sợ người Trung Quốc biết đến lại chạnh lòng.
Ở Việt Nam thì thế nào?
Hòa Nguyễn: “cuộc biểu tình ở Iran không được tổ chức, chưa có tầm mức của Thiên An môn, TQ, nên sẽ bị đàn áp nhanh chóng, dễ dàng hơn, với tiếng vang vọng ra thế giới sẽ không lớn, lâu dài bằng.”
Tôi lại không nghĩ thế, Thiên An Môn do quần chúng tự phát, không có tổ chức và lãnh đạo. Iran ngược lại, hơi bị nhiều lãnh đạo và tổ chức. Mousavi còn sống và ứng cử tổng thống à nhe, chí ít là 32 % cử tri ủng hộ, đây không phải là nhân dịp tưởng niệm ngày giỗ Hồ Diệu Bang. Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ (“Thượng viện”) Rafsanjani, Chủ tịch Quốc hội Larijani là những người quyền thế. Cựu Tổng thống Khatami, cựu Chủ tịch Quốc hội Karoubi là những người uy tín. Bên ngoài họ ra, tổ chức MEK là tổ chức không thể chặt chẽ hơn được và cuồng tín sau lưng bà Maryam Rajavi. Các đảng phái thế tục, nào quốc gia, nào cộng sản đều tham gia chống đối vào dịp này cùng với quần chúng tự phát.
Trong những ngày liên tiếp, 200.000 rồi nửa triệu rồi một triệu, ước tính du di và bù trừ thế nào thì ở một thủ đô 13 triệu dân số cũng là tầm mức.
Còn tổ chức tồi, lãnh đạo ấp úng và tự phát hỗn loạn, thành công hay thất bại lại là chuyện khác và chưa biết được.
Nếu để ý nghe các video, “Maghbar Dictador!” rất dễ đoán ra. Đích ta đo, ta đuya gì đó tiếng Iran là… “độc tài”. Còn có cả “Maghbar Khamenei!” (xin miễn dịch nghĩa). Trước đây, câu cho là “xóa nước Israel khỏi bản đồ” của Ahmadinejad, nếu để ý nghe cũng đoán được từ “rêzim” là “chế độ” (regime) chứ không chỉ quốc gia.
thiếu nữ bị bắn vỡ ngực chết
oan khiên bởi viên đạn thù hằn
tôi tự hỏi những kẻ bắn giết
có bao giờ họ biết ăn năn
Cám ơn Đỗ Kh. đã cho bạn đọc talawas biết thêm về sự phi lý tàn nhẫn của bạo lực.
“Lãnh tụ tối cao” Ali Khamenei có vai trò cùng quyền lực như Đặng Tiểu Bình hay cao hơn, và cuộc biểu tình ở Iran không được tổ chức, chưa có tầm mức của Thiên An môn, TQ, nên sẽ bị đàn áp nhanh chóng, dễ dàng hơn, với tiếng vang vọng ra thế giới sẽ không lớn, lâu dài bằng. Nhưng sau biến cố này, Iran phải khác trước.
Ngô Nhân Dụng trong bài xã luận trên Người Việt viết:
“Khái niệm Dân Chủ được thấy qua những hình ảnh mà báo chí tường thuật. Một khẩu hiệu được hô lên nhiều lần trong các cuộc biểu tình vừa qua là “Tiêu diệt kẻ độc tài!” Không cần nêu tên kẻ độc tài đó là ai. Một người biểu tình đã nói với phóng viên, “Chúng tôi không phải là đàn cừu! Họ không thể dối trá với chúng tôi mà nghĩ là chúng tôi sẽ im lặng mãi được!” Ðó là lời của một phụ nữ 30 tuổi, chủ tiệm sách ở trung tâm Teheran. Nói rõ hơn, một ông 64 tuổi phát biểu, “Họ đã sỉ nhục chúng tôi và sỉ nhục óc phán đoán của chúng tôi!”
…..
“Làn sóng Dân Chủ đang dâng lên ở Iran sẽ gây tiếng vang khắp thế giới, không phải trong lúc này mà còn trong hàng chục năm tới. Những quốc gia còn đang sống trong những chế độ Dân Chủ nửa vời sẽ ý thức rõ hơn họ phải tranh đấu đòi cho được tự do dân chủ đầy đủ. Các nước còn sống dưới ách độc tài sẽ thấy họ phải thức dậy và đứng lên. Ðó là lý do những người Dân Chủ ở Việt Nam theo dõi những diễn biến từ Iran sẽ thấy những điềm hy vọng. Một làn sóng dân chủ tự do mới có thể đang trào lên trên thế giới.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96580&z=7
Ngày 20.6, mặc dù có lệnh cấm đoán, quần chúng vẫn xuống đường tại Iran. Từng nhóm tại Thủ đô Tehran, vài ngàn, trực diện Thanh niên Xung phong Basiji của chế độ và công an.
Máu đã đổ trên phố vào hôm nay khi Thanh niên Basiji nổ súng vào quần chúng.
Bệnh viện thủ đô nhận 20 (?) ngườI thiệt mạng và 200 bị thương. Một số sứ quán nước ngòai mở cửa đón người bị thương và kêu gọI bác sĩ, nhân viên y tế đến giúp vì vào viện thành phố thì bị công an biết lý lịch.
Youtube đã gỡ xuống các video “bạo lực”. Đây là đường dẫn từ Facebook của người sử dụng Hamed Rad http://www.facebook.com/video/video.php?v=89928823259&ref=nf,
cho thấy một thiếu nữ tử thương vì trúng đạn. Xin người xem cảnh giác, và cảnh giác ngay cả trước khi xem ảnh ở đây http://breakfornews.com/KarekarAveShooting090620.htm .
Hamed Rad viết:
“19:05 ngày 20.6, tạI đại lộ Karekar, góc cắt ngang đường Khosravi và Salehi (Tehran).
Một thiếu nữ đang với cha cô đứng nhìn biểu tình phản đối bị một basiji nấp trên mái nhà dân nhắm bắn.
Xạ trường quang đãng và y không thể bắn hụt. Nhưng y lại nhắm thẳng vào tim. Tôi là bác sĩ nên vội đến cứu cô.
Nhưng sức đạn mạnh đến nỗi đã phá tan phía trong lồng ngực của cô gái và cô từ trần dưới 2 phút sau.
Biểu tình diễn ra cách đó một cây số trên lộ chính và một số người biểu tình chạy tránh hơi cay về phía đường Salehi.
Phim này do một ngườI bạn đứng ở cạnh tôi thu hình.
Xin cho thế giới được biết đến.”
Bài này lẽ ra phải nằm bên mục talaCu chứ.
Oh putain, this is too much Đỗ K. ơi! (Xin lỗi).
“Ai đi quậy”, tôi vẫn phục văn tếu táo của Đỗ Kh.