Iran, mùa Hè xanh (2)
22/06/2009 | 12:05 sáng | 5 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Thế giới
Thẻ: Ahmadinejad > Bầu cử > Iran > Khamenei > Khăn che tóc > Larijani > Neda > Rafsanjani > Shia
Truyền thông quốc tế có lẽ thiên vị phụ nữ hở tóc và thanh niên Facebook nên không để ý đến đúng mức quần chúng nông thôn và lao động tại Iran. Có khả năng nào là ông Ahmadinejad thực sự thắng cử như có chuyên gia của khu vực và một cựu nhân viên CIA cao cấp trong vùng đặt câu hỏi? Thăm dò duy nhất do Tây phương thực hiện (1000 cử tri phỏng vấn qua điện thoại) trước bầu cử cho ông Ahmadinejad thắng, ngay tại quê hương Azeri của đối thủ Mousavi. Điều mọi người đồng ý, là hai ứng cử viên suýt soát nhau, nếu có thắng thật ở vòng đầu thì Ahmadinejad cũng chỉ được 51% chứ khó mà 63% như công bố của Bộ Nội vụ.
Một tài liệu được chống đối lưu truyền cũng khó tin là thực thụ. Đây là thư mật Bộ trưởng Nội vụ gửi cho lãnh đạo Khamenei để thông báo kết quả . “Tài liệu” này cho biết
Mousavi: 19.075.623 (49,9%)
Karoubi: 13.387.104 (35%)
Ahmadinejad: 5.698.417 (14,9%)
Rezai: 38.716 (0,1%)
Và được ai đó “Ký thay Bộ trưởng”
Con số hai ứng viên ôn hoà chiếm 32 triệu phiếu (85%) này khó tin, cũng như việc “ký thay” trên một tài liệu quan trọng ở mức này. Ngay cả việc viết lên công văn cũng đã đáng nghi, lẽ ra ông bộ trưởng phải đến gặp Khamenei và kéo ra một góc khuất ngoài vườn ghé vào tai nói nhỏ.
Thế nào, thì cử tri ủng hộ ông “Happy New Year” Ahmadinejad cũng nhiều hơn là 5.7 triệu. Họ thô kệch, họ đen đủi và không bắt mắt nhưng đó là những người sẵn sàng lấy thân để dọn bãi mìn, nếu đến lượt họ nghĩ là họ bị cướp phiếu thì họ cũng sẽ không để cho yên. Thì họ bảo thủ, đàn bà phải che tóc đội khăn lên đầu. Nhưng thí dụ, năm 1981 tại Hy Lạp, khi bà Bộ trưởng Văn hóa Melina Mercouri mặc quần vào Quốc hội, các đại biểu đã đứng dậy bỏ đi để phản đối một phụ nữ không mặc váy!
Vào thời vua Reza cha trước thế chiến thứ nhì, ông bắt đàn bà không được đội khăn. Công an đứng đường thấy ai vi phạm là tịch thu khăn che tóc che mặt của họ, nhiều người xấu hổ, tốc váy lên để che đầu mà đi về nhà tuy như thế hở mông. Ở Tây phương thì lại ngược, nếu công an tịch thu váy của phụ nữ trên phố hẳn là ai có khăn quàng sẽ dùng làm váy tạm mà thôi.
Khăn che đầu, tự nó, chẳng phải là cái xấu. Có những cô những bà, những ông những cậu thích thế. Họ cho đó là lễ giáo, là truyền thống, là chống nắng, giữ da mặt da người, có người thấy đó là quyến rũ, là phất phới thêm duyên. Chỉ xin là đừng có bắt ai cũng phải thế.
Tôi có bận phải vào trường bay Tehran vào lúc 4 hay 5 giờ sáng. Nhân viên an ninh trực rất ít ỏi và tuy đã có nạn cướp tàu nhưng ở Tehran chưa có cổng kiểm tra vũ khí. Đó là cuối thời của chế độ Shah (con), và dưới áp lực của đường phố, ông đã cho phụ nữ ăn mặc truyền thống trở lại để chiều dư luận bảo thủ. Nhờ ơn trên nào đó, nên tôi may mắn được hai nữ công an quấn khăn trên tóc và kiểm tra khắp người tôi bằng những ngón búp măng. Đây là một kỷ niệm khó quên, cho đến giờ nhiều đêm nhớ lại vẫn làm tôi trằn trọc và nếu tôi bịa đặt thì xin cho tôi xuống địa ngục của đạo Hồi.
Phần tôi, ai muốn quấn gì thì quấn, tất nhiên là ai muốn tụt gì thì tụt, tốc gì thì tốc, miễn là tự nguyện (hay nghe theo lời đường mật nào đó). Và nhất định là nữ công an quấn khăn rờ rẫm khắp người vẫn ấn tượng hơn là nữ công an đầu trần đứng nhìn bạn đi qua cổng kiểm soát vũ khí.
Bộ tham mưu của ứng viên Mousavi bị cô lập, báo chí nước ngoài bị giới hạn đi lại, tin đồn nhiều hơn tin thật nhưng chưa cấm được di động, nhắn tin và internet. Hình như ông Mousavi có xuất hiện, phát biểu (?) ông sẵn sàng hy sinh và trở thành liệt sĩ tử đạo.
“Liệt sĩ” là từ mang âm vang đặc biệt trong Hồi giáo Shia. Trong cuộc tranh chấp kế thừa ông, năm 680, cháu ngoại của Thiên sứ Mohammad là Husayn cùng gia đình và tùy tùng bị tàn sát trong trận Kerbala bởi quân của giáo chủ chính thống Yazid (Sunni). Hàng năm các liệt sĩ này được người Shia tưởng niệm trong lễ Achoura, tín đồ diễn hành tự đánh bằng roi đến chảy máu để khỏi quên. Để trở thành liệt sĩ , hàng ngàn Vệ binh Cách mạng Pasdaran và Thanh niên Basiji đã dùng thân để dọn bãi mìn mở đường cho quân đội trong chiến tranh chống Iraq. Lời gọi hay lời hứa trở thành liệt sĩ (nếu có thật) ở đây chẳng phải đùa.
Một số từ vựng Iran để tiện theo dõi các video, như ở đây, khi một người đàn ông vừa thu hình công an đánh đập phụ nữ vừa phát biểu về hướng các chiến sĩ này :
Pedar sag: Bố mày là chó! (0:26, sau tiếng hét của ông)
Harumzada: Đồ khốn nạn !(0:49; 1:00; 1:54; 3:08 và 3:15, 3:20 giọng nữ; 3:45…)
Quen thuộc hơn và dễ nhận là “Maghbar” (sát, tận diệt, đả đảo…) Như trong thập niên 70 “Maghbar Shah!”, thập niên 80 “Maghbar Amrica!” (America), và hiện nay “Maghbar dictador!” (độc tài), “Maghbar Khamenei!”
Hòa thượng Rafsanjani vẫn im lặng, sau khi con gái ông lên tiếng trước công chúng phê bình cuộc bầu cử. Tin đồn là ông đang họp ở Qom với Đại Hòa thượng Sistani (người Iran nhưng ngụ tại thánh địa ở Iraq).
Truyền thông lề phải cho hay Hội đồng Chuyên gia (tức “Thượng viện” của Iran) do Rafsanjani làm chủ tịch “mạnh mẽ ủng hộ phát biểu hôm thứ sáu của Lãnh tụ Tối cao Khamenei về cuộc bầu cử” . Sau khi xem kỹ lại, đây chỉ là ủng hộ do Phó Chủ tịch Hội đồng một mình đứng ký chứ không phải là của Hội đồng! Ông Phó này đang nhòm ngó chức Chủ tịch của Rafsanjani và không dịp này thì còn dịp nào!
Trong tường trình cho tờ New York Times, Roger Cohen nhận định là khi phải đập bàn và lên giọng, Hòa thượng Khamenei đã đánh mất hào quang của lãnh đạo thần quyền. Ông tả cảnh sau đây:
“Vị chỉ huy công an Iran mặc sắc phục xanh tiến về ngõ Bệnh viện Kornak với hai tay giơ lên và nhóm nhỏ của đơn vị ông ở cạnh bên. “Tôi thề với Thượng đế”, ông la to về phía đòan biểu tình đang đối diện “Tôi có con, tôi có vợ, tôi không muốn đánh đập ai hết, làm ơn đi về đi!”
Một người đàn ông đứng cạnh tôi ném về phía ông một cục đá. Ông vẫn không nao núng và tiếp tụng phân giải với quần chúng. Có tiếng hô của biểu tình “Về theo chúng tôi! Về theo chúng tôi!” Đơn vị công an này thoái lui về phía đường Cách Mạng, nơi có nhiều đám lớn đang tiến lui trước Thanh niên Basiji cầm gậy và Cơ động sắc phục đen trên xe máy”.
Trong những ngày trước, đã có ghi nhận trên các video là công an sắc phục xanh cây đậm có vẻ kém hăng say với nhiệm vụ hơn là cơ động đồ đen, có lúc ngăn đánh đập. Ngay cơ động, cũng có lúc làm rào cản Thanh niên Basiji, không cho đến gần biểu tình. Thành phần này hung bạo nhất, vào nhà xe hay tận các hộ, các hàng quán đập phá. Họ có vẻ côn đồ nhưng cũng có những em 15 tuổi cầm gậy gộc đằng sau đàn anh mà lo ngại ra mặt. Ngược lại, biểu tình được thiện cảm của dân chúng các phố, một thanh niên kể lại là khi bị công an vây anh đã gửi đại di động cho một quán ngay đó để ngày hôm sau đến lấy lại (di động thu hình bị công an tịch thu và tiện tay đánh luôn người chụp ảnh ).
Ủy ban Bảo vệ (“Tối cao Pháp viện”) cho hay sẽ kiểm tra 10% các phiếu theo kiểu thăm dò.
Chủ tịch Quốc hội Larijani ngày 21 phát biểu là đa số quần chúng không tin vào kết quả đã được công bố , rằng cần phải tôn trọng ý của đa số này và ông “ước gì vài thành viên Ủy ban Bảo vệ đừng thiên vị một ứng viên tổng thống nào đó”. Phát biểu này là trên truyền hình quốc gia!
Trong khi đó, gia đình của cựu ngoại trưởng Yazid cho biết là công an đã đến bệnh viện bắt ông mang đi đâu không ai biết mặc dù ông đang điều trị. Ông Yazid tuần trước còn là cố vấn của Khamenei nhưng phê bình kết quả của cuộc bầu cử.
Thiếu nữ bị bắn chết trong khi đứng cạnh cha trên đại lộ Karekar được biết tên là Neda (“Lời gọi”) . Người ta nuôi con khôn lớn và xinh đẹp không phải để nằm dãy hai chân chết trên một viả hè, một con mắt trợn và một con mắt tím ngắt vì máu trào từ miệng tràn ra che nửa mặt. Neda giờ nằm trong một danh sách dài tạI Iran, một danh sách rất dài trên thế giới, từ Bắc Kinh, Trung Quốc đến Rangoon, Myanmar và Quang Châu, Nam Triều Tiên v.v. và rất tiếc, còn dằng dặc những v.v.
Bình luận
5 Comments (bài “Iran, mùa Hè xanh (2)”)
Truyện Iran sẽ còn nhiều kỳ, mà hấp dẫn nữa đã có đại giáo chủ lại còn có giáo chủ với hội đồng chuyên gia, lại còn phân chia giáo chủ khăn đen (con cháu sứ giả Mohamet) với giáo chủ xuất thân bình dân, lại có bầu cử tổng thống nữa.
Nhân chuyện Karbala, tôi có nhớ tới chuyện mấy tu sĩ đi truyền giáo ở Việt Nam thời nhà Nguyễn. Một hôm được tin có mấy tu sĩ với giáo dân bị lính triều đình vây trong một cái làng trong bưng. Lính Pháp được điều đến cứu viện, nhưng những tu sĩ cấp cao quanh đó không chịu điều thuyền bè chở lính vào giải vậy. Sau sĩ quan Pháp dọa sẽ đưa mấy ông này ra tòa án, thì mới có thuyền bè. Sau khi giải vây xong, sĩ quan có hỏi mấy ông tu sĩ cấp cao sao lại gây khó dễ cho việc cứu đồng đạo. Mấy ông tu sĩ cấp cao trả lời thản nhiên, nếu lính pháp đến chậm vài ngày thì chúng tôi sẽ có thêm vài vị thánh tử vì đạo cho xứ này. Ôi vinh quang thay chúa cứu thế. Quay sang Karbala, ôi vinh quang thay Hussein, con cháu của Mohamet!
Thiển nghĩ cái đám độc giả Hòa Hỏa mà ông ngại, có lẽ gần với mấy ông tu sĩ cấp cao trong chuyện trên hơn là mấy sư thầy cưỡi xe ga đeo đồng hồ vàng chóe ở Hà Nội. Tôi chắc rằng nếu có cầm thánh giá, tràng hạt hay Mashaba thì điều họ tụng niệm sẽ không phải Jesus, Allah, hay Phật từ bi đâu, mà thường là tự do, dân chủ, tự do tín ngưỡng… và tất nhiên là càng nhiều USD càng tốt.
[…] Đỗ Kh. gọi mùa hè này là mùa hè xanh ở Iran. Tuyệt hay. Màu xanh của cọ trên nền sa mạc: Dấu hiệu của sự sống. Cũng là màu của niềm tin ở cái miền đất cằn cỗi đó trên hành tinh này. Khi chọn màu này, những người biểu tình đã làm một cuộc hoán vị và hoán nghĩa ngoạn mục. […]
Xin ghi nhận ý của Voland là nếu từ Mollah có thể diễn dịch dễ dàng là giáo sĩ nói chung thì các tước của Hồi giáo Shia (Hồi giáo Sunni thì lại khác) như Hodjatoleslam, Ayatollah, Grand Ayatollah, Imam khó thể hiện bằng Đại đức, Thượng tọa, Đại Hòa thượng (hay Đại lão Hòa thượng) hay Giáo Hoàng, vì các từ Công giáo (là chức, như Giám mục, Tổng Giám mục…) lại càng khó tương đương.
Các thày Shia này không cầm côn đi quyền Thập bát La hán. Nhưng nếu Karbala trường hận là một chuyện thì Karbala tràng hạt lại một chuyện khác. Masbaha là một vật Hồi giáo dùng trong khi đọc kinh cầu nguyện, thày nào cũng phải có và thông dụng với tín đồ ngay cả trong khi đang ngồi café đánh tric-trac.
http://en.wikipedia.org/wiki/Masbaha
Thật ra cũng xin thú nhận là khi dùng các từ Phật giáo này, nào có sợ các Ayatollah mà chỉ ngại có các độc giả Hòa Hỏa.
Mà thế lại hóa hay, chả có ai ở Việt Nam hỏi phiếu của tôi đâu, cũng chả có ứng cử viên nào kì kèo hay kiện cáo vụ phiếu bầu gian lận hay không, chuyện ồn ào biểu tình đánh lộn vì phiếu bầu ở Việt Nam như một giấc mơ xa.
Thêm nữa về cái vụ dùng từ của tác giả, giáo sĩ đạo hồi mà gọi là hòa thượng, thì tôi nghĩ ngay đến một ông trọc đầu mặc áo cà sa và tay lần tràng hạt, mà theo tôi biết đạo hồi gọi cái đám đó là ngoại đạo, thứ dân có lẽ chỉ đứng ngang với mấy con khỉ làm xiếc hay lừa nuôi để thồ hàng. Nhập gia thì tùy tục, người ta gọi người tu hành thế nào thì mình gọi vậy, lạm dụng kiểu chơi chữ, nhất là với đám người lấy chân dọn mìn thì không phải là cách đùa vui đâu.
Iran hôm qua mặc áo gió của công nhân vệ sinh, ngày mai sẽ mặc áo gì chưa ai biết, nhưng chắc chắn một điều là sẽ không phải bikini, đồ lót hiệu triumph sẽ vẫn mặc dưới lớp áp choàng đen!
Nhắc đến cái khăn của phụ nữ đạo Hồi, tôi nhớ đến chuyện chính phủ Pháp cách đây mấy năm có định ban hành luật cấm đeo cái khăn đó tại trường học vì cho rằng như vậy là một kiểu bất bình đẳng, nhưng kết quả lại bị dân đạo Hồi ở Pháp biểu tình phản đối tơi tả vì vi phạm tự do lựa chọn trang phục.
Ở phương Tây nếu phụ nữ đi ngoài phố mà bị tịch thu váy, chỗ này tôi tin chắc ông đã nhầm, thì sẽ chả có cô nào lấy khăn quàng thay váy đâu, các cô sẽ cứ thế tiếp tục đi nếu là ở Pháp, còn ở Đức thì sẽ lột sạch những cái còn lại ghé vô chỗ anh họa sĩ góc phố để anh ta bôi trét ít màu lên người rồi đi tiếp, cái đó là nghệ thuật đấy,cấm hiểu lầm. Hồi chính phủ Đức quyết định thu học phí đại học, mặc dù chả nhiều nhặn gì lắm, đã có nhiều đoàn biểu tình của nữ sinh viên không mặc bất cứ gì trên người, và cầm tấm biển”Đã đóng học phí”, cảnh sát phải tới can thiệp bằng những cái chăn. Không biết ở Iran người ta can thiệp bằng gì?
Mà dân Iran cũng lắm chuyện, phiếu bầu chẳng qua là mẩu giấy, thêm bớt một vài phiếu cũng chả chết ai, mà không đi bỏ phiếu càng đỡ mất thời gian. Hồi còn trước ở Việt Nam mỗi kỳ bỏ phiếu bầu, nhà tôi cử một người đi bỏ phiếu giùm cả nhà, còn ứng cử viên thì chả cần biết ai với ai, cứ đánh dấu đại, vì đằng nào cũng chả biết vị đó mặt mũi thế nào, chỉ cần ông tổ trưởng dân phố không dẫn cái đoàn thanh niên bê thùng phiếu đến tận nhà, vận động làm nghĩa vụ công dân là được, vì tỷ lệ người đi bỏ phiếu ở Việt Nam là chỉ tiêu thành tích của địa phương.