Vũ Huy Quang – Tiến trình hình thành Đệ Tứ Quốc tế
01/09/2009 | 1:03 sáng | 1 phản hồi
Category: Lịch sử, Thế giới
Thẻ: Đệ Tứ Quốc tế > Stalin > Trotsky
Phong trào Đệ Tứ Quốc tế là phong trào cách mạng xã hội, bắt nguồn từ Hiệp hội Cộng sản (Communist League) của Marx – Engels, của Hiệp đoàn Quốc tế Lao động (Đệ Nhất Quốc tế), của Đệ Nhị Quốc tế; của Đảng Bolshevik của Lenin và của Quốc tế Cộng sản.
Đệ Tứ Quốc tế khởi đầu từ 1923, tại Nga Xô-viết.
1. Tả Đối lập
Thọat kỳ thủy, khi bàn cãi về đường lối đấu tranh trong Đảng, nếu có những ai có ý kiến khác, những người ấy vẫn được bảo lưu ý kiến mình. Đó là chuyện bình thường trong Đảng Bolshevik lúc mới thành lập để có tinh thần tập thể lãnh đạo trong Đảng. Bàn cãi tha hồ, nhưng nếu mãi mà không hòa giải được, Lenin bảo, “Như vậy, nên họp thành các nhóm đối lập”. (Bukharin lập nhóm Hữu Đối lập, Right Opposition, Trotsky lập nhóm Tả Đối lập, Left Opposition).
Cách mạng tháng Mười thành lập được Nhà nước Lao động, nhưng còn bị cô lập trước các đế quốc. “Không có cách mạng Âu châu nổi lên,” Lenin tuyên bố,”chúng ta sẽ tàn”. Lịch sử xác định câu đó, nhưng theo cách riêng của nó: Thối nát hiện ra ngay trong cốt lõi của tân chế độ – của chính cái Đảng đã lãnh đạo cuộc cách mạng, đoạt vinh quang.
Chính Trotsky ý thức được vấn nạn tham nhũng trong Đảng. Cuộc chiến đấu với tham nhũng trong Đảng Bolshevik bắt đầu từ 1923.
Ngày 8 tháng Mười cùng năm, Trotsky gửi thư lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Viện Kiểm soát Trung ương, tố cáo việc quyền phê bình của các đảng viên trong Đảng đang bị tê liệt.
Đó là tài liệu thành văn đầu tiên. (Đảng Bolshevik cũng từng lên tiếng như thế từ 1902, khi đảng viên đồng thuận biểu quyết về quyền phê bình, quyền đối chất công khai trong nội bộ Đảng.).
Khởi đầu, chỉ là phê bình để giải quyết các vấn đề tổ chức Đảng. Sau rồi, cuộc đấu tranh chuyển sang đủ mọi vấn đề, như chiến thuật, chiến lược… để tiến hành cách mạng. Ngoài Nga, đối lập từ nhiều nhóm thuộc Quốc tế Cộng sản cũng lên tiếng, phát biểu chống đường lối Stalin trong đủ vấn đề khác nhau. Nhưng mối liên hệ giữa những người đối lập với nhau và với các nhóm đối lập Nga vẫn chưa thành hình. Mỗi nhóm đối lập phê bình chính sách của Stalin trong một vấn đề. Họ chưa đồng nhất. Tính đoàn kết chưa có giữa họ với nhau. (Nhóm có vai quan trọng sau này đối với Tả Đối lập Nga lại là Đảng Cộng sản Mỹ, mãi 1928 mới xuất hiện, một cách muộn màng.)
2. Quốc tế Tả Đối lập
Sự cố kết trong hàng ngũ Tả Đối lập Quốc tế chưa được đặt thành vấn đề, cho đến khi Trotsky bị trục xuất khỏi Nga, đến Thổ, tháng Hai 1929.
Hội nghị Quốc tế Tả Đối lập đầu tiên diễn ra ở Paris, 1930.
Chính sách của Tả Đối Lập trong Quốc tế Cộng sản lúc ấy, vẫn như hồi 1923 là giữ quyền phê bình công khai trong Đảng, để Đảng tự cải cách. Dù bị trục xuất bởi phe đương quyền, nhóm Trotskyist Nga vẫn tự coi họ còn thuộc về Quốc tế Cộng sản. (Comintern). Mục đích của họ vẫn chỉ là cất tiếng, hầu thuyết phục toàn thể đảng viên thấy quan điểm của họ là đúng, Họ vẫn (theo truyền thống) chỉ mong chiếm đa số, lấy biểu quyết, để tổ chức thi hành đúng đắn đường lối cách mạng. Đấu tranh như thế, đối với các nhóm đối lập trong Đảng, vẫn theo truyền thống Bolshevik trước đây.
Tài liệu chính trị mang tính đề cương, nhan đề, “Quốc tế Tả Đối lập – Nhiệm vụ và phương pháp” (The International Left Opposition – Its Task and Methods) do Trotsky viết, tháng Chạp 1932 (khi từ Copenhagen về Prinkipo) sau khi họp với 30 lãnh tụ trong Quốc tế Tả Đối lập, rất rành rẽ, trong chương “Lập nhóm – Chứ không lập đảng”:
“Với tai họa lịch sử, là nếu Nhà nước Nga Xô sụp đổ, chắc chắn sẽ kéo theo Đệ Tam Quốc tế. Cũng vậy, chiến thắng của phát-xít bên Đức kèm sự tan rã của vô sản Đức sẽ không còn cho Quốc tế Cộng sản sống còn, với cái chính sách tàn hại của Quốc tế Cộng sản.”
(Lời tiên đoán này linh nghiệm tới mức ngay năm sau, 1933, Hindenburg, đứng đầu Cộng hòa Weimar, được đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ dồn phiếu cho, gọi Hitler đến, trao quyền lập Nội các.)
3. Mặt trận Thống nhất (United Front – Front Unique)
Để đương đầu với phát-xít, nhiều năm trước đó Trotsky đã cảnh báo và chỉ ra cách đối phó. Ông nêu ra những tai họa trước mắt, “Nếu phát-xít thắng, không những chỉ tai hại cho Lao động Đức, mà còn cho Nga Xô, cho các phong trào lao động, cho Âu châu, và cho toàn thế giới.”
Theo Trotsky, chỉ còn cách lập Mặt trận Thống nhất, là: “Các Đảng Lao động thống nhất lại, Cộng sản phải liên hiệp với Dân chủ Xã hội. Được như vậy, sẽ từ thế bị động chuyển thành chủ động.”
Đảng Cộng sản Stalinist tại Đức – vẫn coi Stalin là lãnh tụ thiên tài – nhìn đảng Dân chủ Xã hội với con mắt nghi kị, thù hằn. (Stalin bảo, “Kẻ thù trước mắt là Đảng Dân chủ Xã hội, không phải là phát-xít”.) Khi Hitler lên cầm quyền, Đảng Cộng sản Đức còn ngớ ngẩn, không ý thức được họa phát-xít, vẫn ung dung,”Sau phiên họ, sẽ đến phiên ta” (Tháng Tám, 1931).
Càng ngày Hitler càng trâng tráo. Vụ phóng hỏa Tòa Quốc hội Reichstag cho y cơ hội xiết chặt nền cai trị. Các trụ sở Lao động Đức bị phá vỡ hàng loạt.
Lập tức, Trotsky phản ứng. Ông viết ngay một bài luận nhan đề “Thảm nạn của vô sản Đức”, đề ngày 14 tháng Ba, 1933. Ý chính bài đó là tại Đức, Đảng Cộng sản đã thất bại trước nhiệm vụ lịch sử, số phận của nó đối với cách mạng đã chấm dứt. Vì thế, “Chúng ta biết rằng, không thể cải cách được Đảng Cộng sản Đức hiện nay nữa, mà phải thành lập một Đảng Cộng sản Đức mới”.
Thế nhưng xét toàn diện, đối với các đảng cộng sản mọi nơi, đặc biệt với Đảng Bolshevik Nga và với Quốc tế Cộng sản, Trotsky vẫn đề ra chương trình là cải cách (reform).
Cho nên vừa muốn không bỏ Quốc tế Cộng sản, vừa biết tai hại của nó, vừa còn lưu luyến tình cảm với đồng chí cũ, qua bao nhiêu biến động thời cuộc, người cộng sản khắp thế giới lúc ấy, phải đấu tranh theo phương sách nào?
4. Thành lập các đảng cộng sản mới và lập Đệ Tứ Quốc tế
Ngày 20 tháng Bảy, để chặn trước những dư luận chống việc thành lập mới, Trotsky viết bài, “Không thể ở cùng trong một Quốc tế có Stalin, Manuilsky, Lozovsky & Co. được.”
Việc xướng xuất thành lập Đệ Tứ Quốc tế cũng trùng hợp với sự thay đổi chỗ ở của Trotsky. Từ Thổ, ông qua Marseille, Pháp, cư ngụ trong khu St-Palais. Bản dịch của ông viết, vừa công bố thì các lãnh tụ Bỉ, Đức, Pháp, Ý… đều đến họp. Họ bàn về chủ đề chính, là làm sao lập được Tân Quốc tế Cộng sản, và tổ chức các đảng cộng sản mới…
Lại cũng có những phê bình của những người còn bất bình về đường lối tàn độc của Stalin đối với cách mạng, “Sao bây giờ mới nghĩ đến chuyện này?”, và “Sao không sớm hơn?” Trotsky không muốn bình luận sâu chuyện này, chỉ tóm tắt,”Đây là việc của các sử gia”. Khi bàn thảo về Nga Xô-viết thì toàn thể các nhóm Tả Đối lập đồng thuận, “Các đảng cộng sản mới sẽ thiên về chuyện võ trang, nổi dậy… Còn chương trình đấu tranh của các nhóm đối lập vẫn chỉ là sửa đổi (cải cách) nội bộ Đảng và các phong trào lao động”.
Tuy nhiên, Trotsky đi xa hơn, (tháng Tư 1933):
“Nếu bọn quan liêu Stalinist nhất định đưa Liên Xô xuống vực thẳm, thì chính chúng ta phải thành lập Đệ Tứ Quốc tế.”
Nhưng vẫn còn vấn đề: Làm sao bỏ được chương trình cải cách Đảng Bolshevik, đồng thời vẫn cải cách được hết thảy các Nhà nước Lao động toàn thế giới? Làm sao có Đệ Tứ Quốc tế, trước lúc Stalin tiêu diệt xong Nga Xô-Viết?
5. Cải cách hay tân lập?
Đề tài về Liên Xô, là đề tài nhức đầu nhất đối với Trotsky. Trước khi viết bài tháng Bảy, 15, ông tuyên bố bằng lời trong một buổi họp ở Prinkipo: “Tháng Tư, chúng ta ủng hộ chương trình cải cách tại mọi xứ, trừ Đức, nơi chúng ta muốn có Đảng Cộng sản mới. Nay chúng ta phải có chương trình đối xứng (symmetrical), tức là, có Đảng Cộng sản mới khắp thế giới, trừ Đảng Bolshevik Nga, chúng ta chỉ cải cách.” (Câu này, theo Jean van Heijennoort, bí thư của Trotsky[1] chưa có trong văn kiện chính thức, chỉ phát biểu bằng lời.)
Tuy nhiên, vẫn chưa đến kết cục.
6. Cách mạng xã hội và cách mạng chính trị
Có giải đáp chuyện này là có đáp án cho hai khúc mắc trên. Bằng cách lập Đệ Tứ Quốc tế.
Mặt khác, mùa Hè 1933, có sự bàn cãi về chuyện phân biệt giữa chính trị – xã hội: Không chỉ những người Stalinist làm tàn hại Đức, mà họ còn làm phát sinh các chương trình kinh tế của Hitler, Roosevelt, cùng với các Công ty Liên doanh (Corporations) của nhà nước tư bản Ý, đồng nổi dậy khắp nơi là chủ trương “Lý thuyết về chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Trotsky làm sáng thái độ của ông đối với Liên Xô[2], trong bài nghị luận, “Bản chất giai cấp trong Nhà nước Xô-viết”, ghi ngày 1 tháng Mười, 1933. Nội dung, bác bỏ việc lọai trừ viễn cảnh có thể loại thải bọn quan liêu ăn bám một cách êm thấm, đồng thời quyết tâm thực thi thực hiện Tân Quốc tế Cộng sản.
Bây giờ phải làm sao?[3] Nếu chỉ liên minh các Tả Đối lập thì vẫn là khối liên minh các Tả Đối lập, thành viên trong Quốc tế Cộng sản đương thời. Như thế thì vẫn chỉ là khối liên kết cho những người bị Stalin khai trừ.
Đành phải có Quốc tế mới.[4] Đến năm 1938 mới có Đệ Tứ Quốc tế.
________
Viết thêm
Những người lên án chủ nghĩa Mác đã cố tình quên hay không hề biết sự kiện Stalin đi ngược chủ nghĩa Mác: Chính Stalin tàn sát đảng viên Bolshevik và các đồng chí của Lênin. Ngay đến Nikita Khrushchev, tại Đại hội Đảng XX, 1956, cũng phải nhìn nhận “Hiến pháp Nga” năm 1936 chỉ là “Hiến pháp Stalin” và thừa nhận là “Nga Xô chưa thực hiện được chế độ xã hội chủ nghĩa – Giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.”
Đệ Tứ Quốc tế coi những tố cáo chủ nghĩa cộng sản chính là tố cáo đường lối Stalin.
8/2009
__________
Tham khảo
The Prophet Outcast của Issac Deutscher; Fourth International số tháng Tám, 1944, của Jean van Heijenoort; Hồ sơ Đệ Tứ Quốc tế I & II của Tủ sách Nghiên cứu; Phong trào quốc gia và tranh đấu giai cấp ở Việt Nam của Anh-Văn và Jacqueline Roussel; Lênin, con người và sự nghiệp của Nguyễn Văn Liên v.v.
© 2009 Vũ Huy Quang
© 2009 talawas blog
[1] Jean van Heijenoort (1912-1986), bí thư của Trotsky từ 1932 tại Prinkipo, theo Trotsky qua Pháp, Na Uy, rồi Mễ. Lãnh tụ của Đệ Tứ Quốc tế tại Mỹ trong Thế chiến 2. Sau từ bỏ sinh hoạt chính trị (nguồn: http://bolshevik.org/history)
[2] Từ 26/1 đến 10/2/1934: Đại hội Đảng XVII, khai mào chính sách sùng bái Đảng. Sùng bái Đảng là sùng bái lãnh tụ. Là cản ngăn mọi sáng kiến lao động, mọi phát biểu chống chuyên chính Đảng. Là khống chế mọi mặt tư tưởng, và tạo giai cấp ăn bám – Quan liêu mới. Sau đó, là tàn sát quy mô: 98 người trong số 139 nhân viên chính thức và dự khuyết của Trung ương Đảng bị bắt và xử bắn. 1108 đại biểu (trong số 1956 đại biểu) bị bắt và bị kết tội phản cách mạng.
[3] Để đối phó với chủ nghĩa Stalin: Nếu giải tán tất cả các đảng, thì có giải tán luôn đảng Bolshevik không – trong khi đảng này đã bị Stalin tiêu diệt gần hết? Đại đa số các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đều bị tàn sát dưới nhiệm kỳ Stalin: từ 1918 đến 1921 tổng số là 31 thành viên. Có 8 người chết vì tuổi tác hoặc bệnh tật là Sverdlov, Lenin, Noghin, Dzerzhinsky, Artem, Kollontai, Stalin và Stushka. Một người bị bọn phản cách mạng sát hại là Uristky. Một người bị Stalin đẩy đến chỗ tự sát là Tomsky. Mười chín người bị phái Stalin khủng bố là Zinoviev, Kamenev, Eudokimov, Smirnov, Trotsky, Radek, Serebryakov, Rakovsky, Byelegorodov, Radzutak, Bobnov, Preobrazhensky, Rykov, Bukharin, Milyutin, Krestinsky, Sokolnikov, Smilga và Berzin. Một người bị phái Stalin khủng bố nhưng còn sống là Stasova. Một người mất tích (1938) không để lại dấu vết là Murano. Chỉ một người còn sống, có chức vụ, là Andreyev.
[4] Tháng Năm 1943: Để làm hòa với đồng minh, Stalin tuyên bố giải tán Quốc tế Cộng sản. Sách lược của Stalin (đối với cách mạng, và đối với tư bản) thời ấy là “chung sống hòa bình”. Chủ trương: “Chủ nghĩa xã hội trong một xứ”. Khẩu hiệu: “Liên Xô là thành trì của chủ nghĩa xã hội. Bảo vệ Liên Xô là bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Khi Liên Xô sụp đổ, các nhà chống cộng tăng cường lý luận, là điều dĩ nhiên. Điều này – vì không biết Stalin là người chống cộng trước họ – vẫn là nền tảng cho các nhà ý luận chống cộng hiện nay: 1/ Chủ nghĩa cộng sản đã được thể hiện ở Liên Xô. 2/ Liên Xô sụp đổ, vì thực hiện “chủ nghĩa sai trái” của Mác-Lênin. 3/ Đó là điều (theo họ), đã đươc lịch sử xác quyết.
Bình luận
1 phản hồi (bài “Vũ Huy Quang – Tiến trình hình thành Đệ Tứ Quốc tế”)
Tất nhiên những người ủng hộ Marxism cũng quên – cho nó tiện – tòa nhà đường Lubianka nổi tiếng từ thời Lenin, Beria chỉ nối tiếp truyền thống của chủ trước là Felix Dzershinsky. Hệ thống Gulag bắt đầu từ Lenin, tới Stalin chỉ mở rộng ra.
Nhận định của Zinoviev – và của nhiều người khác, Stalin không phải là Stalin khi chưa là Stalin. Nói nôm na, trước khi là tổng xì Liên Xô, Stalin hoàn toàn vô danh. Nhưng cái tính cách bình thường đến bất bình thường (extraordinarily ordinary), một số không tuyệt đối, lại nổi bật trong môi trường này, và hệ thống độc tài sản phẩm của Marxism đã làm nên Stalin. Khốn nạn thay, Stalin lại là người làm lộ rõ hết các nghịch lý (tưởng là không tồn tại) trong Marxism. Vì vậy để làm lý tưởng Marxism vẫn là chân lý, biện pháp khử trùng lại được xài. Voila, Stalin phản bội Marxism.
Nghịch lý lớn nhất của Marxism nằm ở chữ chuyên chính vô sản. Dịch kiểu mot-à-mot từ “dictatorship of the proletariat” tức “độc tài của giai cấp (có thể hiểu, nhà nước) vô sản”. Độc tài trong bản chất dẫn đến cái chuyên chính vô sản (thường vẫn dùng), không phải chuyên chính vô sản chỉ là cái búa bất đắc dĩ mới dùng. Còn (ai hiểu) độc tài (là độc tài) tức hiểu sai Marxism. Thật ra độc tài theo Marxism không phải là độc tài mà là tất cả những gì khác chứ không phải độc tài. Thế cũng đủ vui!
Ông Đặng Quốc Bảo không sai khi nói ai lên cũng trở thành độc tài. Miếng bả đỉnh chung ai kềm giữ được, kể cả những ông thánh. Đây là chỗ dành cho mẫu người CS, có người sẽ nói, hay nói đúng hơn, cho ý nghĩ không tưởng về một loại người 10 phân vẹn 10. Stalin không làm đúng Marxism vì, you guess it, (vậy) Stalin không phải người CS chân chính.
Nghe quen quá há!
Phải như Lữ Phương, cứ chối béng Marx là tác giả của một loạt văn kiện có vui hơn không!