trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
23.5.2002
Quốc Việt
Ðồng tính luyến ái hay là hôn nhân đồng giới
 
Thiên nhiên quả thật là muôn màu muôn vẻ. Và ý kiến của con người về nó cũng vậy. Một người có thể lấy thiên nhiên làm ví dụ để cho rằng con người là thiển cận, độc đoán và ích kỷ. Người khác lại có thể viện đến thiên nhiên để chứng minh rằng con người đã tiến hoá vượt bậc như thế nào. Tại sao cây cải ấn là lưỡng tính, con người lại không? Tại sao con gà có thể có quan hệ tình dục với tất cả anh em, bố mẹ của chúng, con người lại không? Có thật đúng là quan hệ tình dục gần gũi về huyết thống sẽ sinh ra những đứa con quái thai, hay cái quái thai đó chỉ là những ám ảnh đạo đức. Nhân bản vô tính có làm thoái hoá gen? Nguy cơ mắc bệnh tình dục cao hơn của những người đồng tính luyến ái (ĐTLA) trong một xã hội dân trí thấp có là mối đe doạ cho nền y tế công cộng ở một nước nghèo? Cái gì có thể biện giải cho các cấm đoán đối với các hành vi tính dục của mỗi công dân, khi mà nguyên nhân của ÐTLA thậm chí còn chưa được biết đến nơi đến chốn: bẩm sinh hay giáo dục và định hướng? Bẩm sinh hay do kinh nghiệm tình dục đầu tiên?

ÐTLA, có lẽ sẽ chỉ là ÐTLA, ngay cả khi nó chỉ có một nghĩa duy nhất là tình dục đồng giới, tức là những quan hệ tình dục qua lại giữa hai cá thể đồng giới tính. Cho tới lúc này, nó chưa tạo nên một vấn đề đạo đức xã hội nghiêm trọng nào cả, ngoại trừ các cảm giác mơ hồ về đúng và sai trong quan hệ tình dục. Có lẽ nó chỉ trở thành một vấn đề xã hội gây nhiều tranh cãi nhất khi ÐTLA vượt lên trên khỏi ý nghĩa sinh lý thông thường, đó là khi nó động chạm tới khái niệm hôn nhân và gia đình: khi hai cá thể có một mong muốn xã hội hoá quan hệ của mình, dựa trên các qui ước đạo đức truyền thống về hôn nhân-gia đình và xã hội. Giữa hành vi tính giao đồng giới của động vật trong thiên nhiên và của con người, có một điểm khác biệt cơ bản nhất: đó là ước nguyện gây dựng gia đình, con cái, dựa trên nền tảng là các qui ước đạo đức truyền thống khác. Cái gì nếu không phải những qui ước này giới hạn các hôn nhân gần huyết thống, các ràng buộc và vai trò xã hội của các cá nhân xung quanh khái niệm gia đình?

Những nhu cầu hợp pháp hoá (trên phương diện nhận thức của xã hội) hôn nhân đồng giới đe doạ phá vỡ cấu trúc và quan niệm truyền thống về gia đình, đòi hỏi một sự thay đổi triệt để nhận thức của xã hội về các khái niệm này. Có lẽ đó mới chính là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự bài bác, kì thị ÐTLA, như một hình thức phòng ngừa của hệ thống giá trị đạo đức xã hội truyền thống.

Gia đình, trong các xã hội truyền thống là tế bào sinh sản của xã hội, cũng có thể giả định đó là các tế bào truyền và lưu giữ thông tin, ký ức của xã hội. Gia đình, là bệ phóng ổn định và an toàn nhất cho một thành viên vào xã hội. Có nhiều lý do để tin rằng, trình độ sản xuất và tổ chức của xã hội, với các nhu cầu duy trì khả năng sinh sản và truyền giống của gia đình có một mối liên quan mật thiết. Nhân quyền, đi đôi với nó là các cố gắng hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới, có thể phản ánh một khía cạnh quan trọng là vai trò của gia đình trong đời sống xã hội đang giảm đi (hay suy yếu, tùy theo quan điểm tiếp cận) bên cạnh nguyên nhân là sự tăng cao ý thức độc lập xã hội của một cá nhân và vai trò của xã hội trong việc đảm bảo an toàn cho các thành viên. Nếu như điều đó là đúng thì hợp thức hoá hôn nhân đồng giới sẽ là khởi điểm cho các biến đổi sâu rộng hơn về cấu trúc xã hội, nhận thức về cấu trúc và vai trò của gia đình trong xã hội. Ðó có thể mới là nguyên nhân sâu kín một cách vô thức cho các thái độ kì thị ÐTLA, chứ không phải là thành kiến, hay bệnh tật đạo đức của loài người từ thời cổ đại, đặc biệt là trong các xã hội có trình độ sản xuất và tổ chức thấp kém. Như vậy không phải ÐTLA đã bị kì thị, đúng hơn phải là hôn nhân đồng giới bị kì thị.

Kỹ nghệ y sinh sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề cho một cá nhân muốn chuyển giới tính, trong trường hợp này, không có một xáo trộn nào xảy ra đối với các giá trị gia đình truyền thống. Nam vẫn là nam, nữ vẫn là nữ. Vấn đề có thể sẽ khác hoàn toàn trong một gia đình hôn nhân nam-nam, nữ-nữ khi các thành viên có thể một tuần muốn làm chồng, một tuần làm vợ, một tuần làm cha, và tuần sau làm mẹ. Những xáo trộn này và các hệ quả xã hội đi kèm có thể làm chấn động những quan niệm cổ điển và truyền thống về gia đình-xã hội.

Một bản Mèo trong rừng Tây bắc Việt Nam có thể sẽ đuổi một cá thể mắc bệnh lạ ra rừng, cách ly với dân bản hay tệ hơn, để chết đơn độc. Ðó có phải là một hành xử dã man hay là một kinh nghiệm tồn tại cho một xã hội lạc hậu? Liệu một xã hội lạc hậu có thể mạo hiểm theo đuổi những tiêu chuẩn phát sinh từ một xã hội có mức phát triển về nhận thức xã hội và kinh tế cao hơn để biến thành một trung tâm thỏa mãn tình dục đồng giới cho khách du lịch nước ngoài? Bởi lẽ tính hiện đại của xã hội trong cụm từ xã hội hiện đại là một tính từ không có cùng mức độ đối với các phần khác nhau của trái đất. Với trình độ tổ chức và ý thức xã hội thấp, cám dỗ kinh tế cao, một xã hội phải xử sự như thế nào đối với vấn đề ÐTLA, khi các sức ép trên lĩnh vực thông tin ngày càng cao và đi trước khả năng tổ chức xã hội? Ðiều đó khó khăn và phức tạp hơn là việc biểu lộ sự thông cảm và chia sẻ với một cá nhân dị loạn giới tính.