trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
30.6.2007
Nguyễn Ngọc Lan
Tây Dương Gia Tô bí lục
 
Thành phố Hồ Chí Minh, 6.9.1982

Kính gửi: Ủy ban Khoa học Xã hội – Hà Nội
và Viện Khoa học Xã hội – Tp Hồ Chí Minh


V/v Tây Dương Gia Tô bí lục

Kính thưa Quí ông,

Tôi xin trân trọng đệ lên quí ông mấy dòng sau đây chỉ vì một chuyện liên quan đến quí Ủy ban và Viện. Tôi muốn nói đến một cuốn truyện Tàu – nôm na gọi là truyện chưởng – mang tựa đề là Tây Dương Gia Tô bí lục.

Trước tiên tôi xin thưa ngay để quí ông yên tâm về mặt tinh thần đoàn kết đồng bào lương giáo của quí ông. Cuốn truyện tuyệt nhiên không làm cho chúng tôi, trong tư cách là tín hữu Công giáo, phải buồn phiền chút nào. Tôi vừa viết "chúng tôi" vì dám nghĩ rằng hầu hết đồng bào Công giáo của mình đều như thế cả, ngoại trừ một số bà già, trẻ thơ yếu bóng vía thôi. Từ Celsus cho tới Voltaire, rồi họ hàng nhà Mao đã sản xuất ra không biết bao nhiêu thứ văn chương bài Kitô giáo, nếu người Kitô hữu chúng tôi còn đợi đến món tả pí lù là Tây Dương Gia Tô bí lục này để phải chột dạ thì e rằng chúng tôi đã đạt kỷ lục về sự lẩm cẩm cũng như Tây Dương Gia Tô bí lục có thể đạt kỷ lục về cái sự lố bịch.

Sở dĩ chúng tôi có mấy dòng này chỉ vì còn nghĩ tới chút nào uy tín của Ủy ban và Viện Khoa học Xã hội. Đành rằng riêng tôi không việc gì phải lo cho uy tín ấy lắm, sau khi đã tận mắt kiểm lại một trích dẫn vàng ngọc trong cuốn Lịch sử Việt Nam, tập 1, trang 304 (chú thích 2): câu được trích dẫn tuyệt nhiên không đào đâu ra được trong toàn bộ cuốn sách được trích dẫn. Hay đã đọc và chỉ có sức đọc nổi 3 trong 4 chú thích của một bài được giới thiệu rất ư là "trân trọng" trong Tạp chí Văn học, số 4/1978, tr. 15 và 16. Nhưng dẫu sao cái gì cũng có giới hạn của nó, và không ai có thể coi nhẹ uy tín của Ủy ban Khoa học Xã hội tới mức ngây thơ không thấy rằng mấy từ "Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội" trên bìa cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục chỉ là sự mạo nhận.

Có thể nói rằng là từ trang đầu đến trang cuối cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục đều bắt buộc người ta phải nghĩ như vậy. Tôi chỉ xin ghi ra đây một vài nhận xét thô sơ nhất, nhìn từ vỏ vào trong ruột cuốn truyện.


1.

Cuốn sách có đề ở trang 2 mấy từ "lưu hành nội bộ" nhưng ở trang cuối thì lại ghi rõ là "in 20.500 bản". 20.500 bản cũng là số lượng in cuốn Thành ngữ tiếng Việt chẳng hạn, mà theo sự hiểu biết bình thường, Thành ngữ tiếng Việt đâu phải là một tự điển tiếng lóng riêng của một nội bộ nào. Kỳ cục thêm một mức nữa là vẫn trang cuối kia còn ghi: “Sách in ngoài chỉ tiêu kế hoạch". Ai cũng biết là ta đang thiếu giấy. Ngay cả sách giáo khoa cần cho con em chúng ta cũng không in được như ý muốn. "In ngoài chỉ tiêu kế hoạch" những tài liệu thật quan trọng và trong những hoàn cảnh bất ngờ như bạch thư về bọn bành trướng Bắc Kinh trong những năm 1979 thì dễ hiểu thôi. Còn xài tới 320 x 20.500 / 32 x 500 ram giấy 84 x 56 cm để "in ngoài chỉ tiêu kế hoạch" cái thứ truyện Tàu đó, không lẽ Ủy ban lại đi làm cái chuyện phải nói là rửng mỡ như thế và khi đã làm lại thêm chuyện như ăn vụng mà còn chùi mép không sạch ru?


2.

Bản Tây Dương Gia Tô bí lục tôi đang có thì lại thiếu mấy tr. 5 – 10. Vết xé còn đó. Người ta bảo các bản mua được trong này đều như vậy cả. Người ta còn bảo mấy trang bị xé mất đi vốn là những trang in một lời nói đầu trân trọng của chính Nhà xuất bản KHXH. Toàn là những điều khó tin được.

Không lẽ Nhà xuất bản KHXH lại đi tiếc rẻ mấy trang lời nói đầu (tuy 13kg x 6 x 20.500/ 32 x 500: khoảng 100 kg giấy vụn, giá hiện giờ cũng chỉ khoảng 2.000 đ), nếu đã không tiếc trên 400 ram giấy? Cho nên cái "nếu" sau này cần phải được vứt đi thôi.


3.

Còn lại "Lời giới thiệu" gọi là của ông Ngô Đức Thọ. Đọc một lời giới thiệu như thế, không ai dám nghĩ rằng ông Ngô Đức Thọ là một nhà "nghiên kíu" thuộc Ủy ban KHXH. Nếu thuộc Ủy ban KHXH thì ít ra ông đã phải biết là tuyệt đối không hề có một cái sự gì gọi là "giám mục" người Việt Nam trước những năm 30 thuộc thế kỷ 20 này. Trừ phi hai "giám mục" Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hoà Đường nào đó lại là người… Tàu thì tôi miễn xin có ý kiến và xin tha thứ cho cái tội đã quên bẵng đi mất rằng đây là một cuốn truyện Tàu. Và ít nữa là 10 năm sau khi cuốn Lịch sử Việt Nam được xuất bản, ông đã phải có điều kiện để được biết có còn nên "dẫn theo" như đã dẫn ở trang 22 hay không. Nếu không đụng được trực tiếp cuốn Divers voyages et missions… của Alexandre Rhodes thì ít ra ông cũng có thể tìm thẳng câu đó trong một bản tiếng Việt mà Ủy ban KHXH đã có từ những năm 1976 – 1977 xem sao. Tóm lại, thêm một trò giấu đầu hở đuôi chứng tỏ cái ông Ngô Đức Thọ nào đó không thể là người của Ủy ban KHXH được.


4.

Cuối cùng về chính nội dung của Tây Dương Gia Tô bí lục, tôi xin miễn khỏi tự hành hạ mình và làm mất thì giờ vàng ngọc của quí ông bằng việc phân tích sâu suốt. Tôi vốn không ham và không có thì giờ đọc truyện Tàu, truyện chưởng. Nhưng nếu chỉ nhằm "mua vui cũng được một vài trống canh", thì thú thật tôi không tiếc thì giờ để đọc "Quyển V": “Nhờ viện quân Lâm Bô, Jêsu hoá phép sinh yêu. Trúng mưu kế nữ thần, quân Jêsu đành thua trận". Ai gặp phải cơn nhức đầu hay đau dạ dày, đọc mấy chục trang đó làm gì cũng phá lên cười vui vẻ mà hết cơn đau.

Tôi viết mấy dòng này không ngoài mục đích là để lưu ý quí ông về một trò mạo nhận – còn được ghi một cách văn vẻ là "treo đầu dê, bán thịt chó" (Thành ngữ tiếng Việt tr. 382) - thật tai hại cho uy tín Ủy ban KHXH. Kẻ bày trò mạo nhận này hẳn còn muốn lợi dụng danh nghĩa của Ủy ban để bôi nhọ Kitô giáo một cách "nặng kí" hơn. Nhưng một lần nữa, tôi xin khẳng định là về mặt này họ đã làm trò nhẹ dạ và lố bịch không phiền hà gì đến các tín hữu Kitô giáo đâu.

Nếu chính quí ông đã thấy rõ cái trò "mạo nhận" [1] này, thì ngoài những biện pháp mà quí ông hẳn đã có thừa để bảo tồn uy tín cho Ủy ban KHXH, tôi chỉ xin mạo muội đề nghị một chuyện phụ: Ủy ban KHXH nên đứng ra xuất bản một tập truyện chưởng cũ nào đó để ít ra chứng minh được rằng khi Ủy ban KHXH thứ thiệt thì tối thiểu người ta cũng phải biết lựa chọn thứ truyện chưởng nào có đầu có đuôi hơn và lý thú hơn Tây Dương Gia Tô bí lục và nhất là người ta chỉ bán truyện chưởng như là truyện chưởng chứ không phải như là tài liệu lịch sử văn học có giá trị này nọ…

Nay kính.



[1]Tôi chỉ nói chuyện "mạo nhận" và không bắt buộc phải nghĩ rằng TDGTBL là do người thời nay "nguỵ tạo". Nhưng nguỵ tạo từ cuối thế kỷ thứ XVIII thì cũng thế thôi (hai ông "giám mục" nào đó bảo là căn cứ vào một "tập tài liệu mật của Giáo hội", cùng nhau ôn trí nhớ, ghi lại nội dung cuốn sách đã được đọc trong điện Giáo hoàng v.v...). Nói cho ngay thì chưa hẳn "cũng thế thôi", nhưng còn đáng kinh ngạc và đáng tiếc hơn, khi thời nay lại giới thiệu một sản phẩm của sự cuồng tín, ngu dốt và gian lận của người xưa là "những tài liệu khoa học quí, có giá trị", "có sự lý giải, thuyết phục, bóc trần mạnh mẽ". Với nào là "tính chất đáng tin cậy", nào là "tính chất thật của sách cũng chính là tính khoa học của nó nữa, khiến người đọc, người tham khảo nó tâm đắc, thú vị, sảng khoái biết bao". Chưa đủ! "Còn phải nói thêm rằng đây là lần đầu tiên có một cuốn sách đi thẳng vào mặt bản chất, những vấn đề cơ bản của Thiên Chúa giáo…" ("Vài lời nói đầu" tr. 5-9 mà cuối cùng tôi đã đọc). "Rất may mắn" cho "các chiến sĩ đấu tranh vì chủ nghĩa vô thần khoa học" lắm ru?
Nguồn: Nguyá»…n Ngọc Lan, Hẹn thắp lên - Lời chứng hai mÆ°Æ¡i lăm năm 1975-2000, trang 42-45, Trình bày xuất bản, Strassboug – Salt Lake City, 2000. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.