trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
16.10.2007
David Van Biema
Sự khủng hoảng đức tin của Mẹ Teresa
Vy Huyền dịch
 
Chúa Jesus có một tình thương đặc biệt với cha. Nhưng với riêng tôi – Sự im lặng và trống rỗng quá lớn – đến nỗi tôi nhìn mà không thấy – lắng nghe mà không tỏ – Mẹ Teresa đã viết như vậy trong thư gởi đến Đức giám mục Michael Van Der Feet, tháng 9, 1979. 

                                                                                                        *

Ngày 11 tháng 12, 1979, Mẹ Teresa, “vị Thánh của những kẻ khốn cùng”, đến thành phố Oslo. Trong bộ áo choàng xari trắng viền xanh quen thuộc cùng với đôi sandal, dù cho bên ngoài trời lạnh dưới không độ C, Agnes Bojaxhiu (tên khai sinh của Mẹ Teresa) nhận giải thưởng được cả thế giới tôn vinh, giải Nobel Hoà bình. Trong bài diễn thuyết nhận giải, Mẹ Teresa, người sáng lập và biến dòng Thừa sai Bác ái từ ý nghĩ rồ dại của một người phụ nữ ở Calcutta năm 1948 thành ánh sáng toàn cầu về sự quên mình, đã đưa ra một thông điệp mà cả thế giới đều chờ đợi từ bà. “Thật không đủ nếu chúng ta nói rằng, ‘Tôi yêu mến Thiên chúa nhưng tôi không yêu thương những người xung quanh tôi’”, bà nói, vì khi chịu chết trên Thập giá, Thiên chúa đã “[tự trở thành] một người đói khát – người trần truồng – người không chốn nương thân.” Bà nói, sự đói của Chúa Jesus, là điều mà “bạn và tôi phải tìm” và xoa dịu. Bà lên án việc phá thai và than khóc cho những thanh niên nghiện ngập của phương Tây. Cuối cùng, bà đề nghị rằng mùa lễ Giáng sinh sắp đến nhắc nhở cả thế giới rằng “niềm vui lan toả là điều có thật” vì Chúa cứu thế ở khắp mọi nơi – “Chúa cứu thế ngự trong trái tim chúng ta, Chúa cứu thế ngự trong những người nghèo khó chúng ta gặp, Chúa cứu thế ở trong nụ cười chúng ta trao va trong nụ cười chúng ta đón nhận.”

Nhưng chỉ chưa đầy ba tháng trước đó, trong một lá thư gửi vị linh hướng, Đức giám mục Michael van der Peet, mà đến giờ này mới được công bố, bà đã viết với một sự hiểu biết mơ hồ về một Chúa cứu thế khác, không hề ngự trị trong lòng bà. “Chúa Jesus dành một tình yêu đặc biệt cho cha”, bà khẳng định với Van der Peet. “[Nhưng] với riêng tôi, sự im lặng và trống rỗng quá lớn, đến nỗi tôi nhìn mà không thấy – lắng nghe mà không tỏ - miệng lưỡi tôi theo [lời kinh] mà không phát thành lời… Tôi muốn cha cầu nguyện cho tôi – để Ngài có thể ngự đến trong tôi.”

Hai bản tuyên bố, chỉ cách nhau 11 tuần, quá mức mâu thuẫn. Tuyên bố thứ nhất là điển hình của một người phụ nữ mà những gì cả thế giới nghĩ mình biết về bà. Tuyên bố thứ hai nghe có vẻ như xuất phát từ đâu đó trong một vở kịch hiện sinh của những năm 1950. Cùng nhau, chúng đưa ra một hình ảnh đáng sửng sốt của sự mâu thuẫn cá nhân – một trong những hình tượng vĩ đại của nhân loại trong vòng 100 năm vừa qua, một con người mà các hành động phi thường của bà dường như liên kết tuyệt đối với sự gần gũi với Thiên chúa và là người thường được những chị em trong dòng, cũng như dưới ống kính truyền hình, thấy bà đang cầu nguyện trong thinh lặng và dường như trong yên bình, lại đã phải sống một đời sống tâm linh rất riêng biệt, trong một tình cảnh khô khan mà ở đó không có sự ngự trị của Thiên chúa.

Và sự thật, đó là điều đã xảy ra. Một cuốn sách mới, với tựa đề, Mother Teresa: Come Be My Light (Mẹ Teresa: Trở thành ánh sáng của ta - Double Day), nội dung chính gồm những quan hệ thư từ giữa Mẹ Teresa với những tu sĩ và những bề trên trong giai đoạn 66 năm, cho thấy những đối nghịch trong tâm hồn của một cuộc đời được biết đến đa số qua những công trình bà thực hiện. Những lá thư này, nhiều bức được lưu giữ, trái ngược với ước muốn của bà (bà đã yêu cầu rằng những bức thư này được huỷ đi nhưng giáo hội đã khước từ), tiết lộ rằng gần nửa thế kỷ cuối của cuộc đời bà, bà không hề nhận thấy sự hiện hữu của Thiên chúa – hay, như người đã soạn và biên thảo cuốn sách, Đức giám mục Brian Kolodiejchuk, viết “[Chúa] không hề ngự trong trái tim của bà hay trong thánh thể.”

Sự trống vắng này dường như như xuất hiện chính vào thời điểm bà bắt đầu săn sóc những kẻ nghèo khó và kẻ liệt [1] ở Calcutta, và – ngoại trừ năm tuần nghỉ năm 1959 – chưa bao giờ bà bớt đi công việc này. Mặc dù luôn vui vẻ trước công chúng, Mẹ Teresa của những bức thư sống trong trạng thái với nỗi đau tâm hồn sâu kín và kéo dài. Trong hơn 40 cuộc trao đổi, mà đa số chưa hề được công bố trước đó, bà than khóc vì sự “khô khan”, “tối tăm”, “cô quạnh” và “tra tấn” mà bà phải trải qua. Bà so sánh những trải nghiệm này với hoả ngục và có lúc nó đã dẫn bà đến sự nghi ngờ về sự hiện hữu của thiên đàng và cả Thiên chúa. Bà nhận biết sâu sắc sự trái ngược giữa trạng thái tâm hồn và thái độ bên ngoài của bà. “Nụ cười”, bà viết, là “chiếc mặt nạ” hay “tấm phủ che lấp mọi sự.” Tương tự, bà tự hỏi rằng có phải bà đang dối trá trong lời nói hay không. “Tôi nói như thể trái tim tôi đang yêu mến Thiên chúa – một tình yêu dịu dàng, riêng tư,” bà viết như vậy tới một vị linh hướng. “Nếu như cha [ở đây], chắc cha sẽ nói rằng ‘Thật là đạo đức giả.’” Đức giám mục James Martin, chủ bút của tạp chí Jesuit America và là tác giả của cuốn My Life with the Saints (Cuộc đời tôi với những vị Thánh), một cuốn sách nói về những tin đồn ngắn ngủi ban đầu về sự nghi ngờ của Mẹ Teresa vào năm 2003: “Tôi chưa bao giờ đọc về cuộc đời của một vị thánh với sự tối tăm của tâm hồn dữ dội như vậy. Không ai biết rằng bà đã bị giày vò đến độ đó.” Kolodiejchuk, người biên thảo Come Be My Light nhớ lại: “Tôi đọc một lá thư cho những chị em [của dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa], và họ đều sửng sốt. Ðiều này sẽ đem đến một khía cạnh mới về cách mọi người biết về bà.”

Cuốn sách không phải là một báo cáo điều tra chống lại tôn giáo của những người muốn đi sâu tìm hiểu mớ thư từ của Mẹ Teresa. Kolodiejchuk, một tu sĩ thâm niên của dòng Thừa sai Bác ái, là người được giao trách nhiệm trong việc thỉnh cầu việc phong thánh cho bà và thu thập những chứng cứ bổ sung. (Đến nay, bà đã được phong chân phước, bước kế tiếp là phong hiển thánh). Những bức thư trong cuốn sách được thu thập như một phần của quá trình đó.

Giáo hội liệu trước những thời điểm trống vắng trong tinh thần. Quả vậy, vị thánh người Tây Ban Nha Gioan Thánh giá vào thế kỷ thứ 16 đặt dấu cho cụm từ “đêm đen” của linh hồn để giải thích trạng thái đặc biệt trong quá trình phát triển của một số những bậc thầy tôn giáo. Mẹ Teresa có thể là trường hợp bao quát nhất trong sử sách. (“Đêm đen” của thánh Phaolô Thánh giá vào thế kỷ thứ 18 kéo dài trong 45 năm; ông cuối cùng tìm lại được niềm tin.) Nhưng Kolodiejchuk coi tình trạng này trong ngữ cảnh của thánh Gioan, như là sự tối tăm trong đức tin. Mẹ Teresa đã tìm được cách, bắt đầu từ đầu những năm 1960, để sống với nó và không hề từ bỏ niềm tin hay công việc của mẹ. Kolodiejchuk đưa ra cuốn sách này như bằng chứng của sự bền bỉ trong đức tin, mà với ông, là hành động tinh thần dũng cảm nhất của bà.

Hai người Công giáo hoàn toàn khác nhau dự đoán rằng cuốn sách sẽ là một bước ngoặt. Đức giám mục Matthew Lamb, trưởng khoa thần học tại trường theo phái bảo thủ, Trường đại học Ave Maria ở Florida (Ave Maria University in Florida), nghĩ rằng Come Be My Light rồi sẽ được sắp ngang hàng với cuốn St. Augustine’s Confessions (Lời thú tội của Thánh Augustino) và cuốn The Seven Storey Mountain (Ngọn núi bảy tầng) của Thomas Merton, những cuốn tự truyện kể lại sự thăng hoa của tâm hồn. Martin của tờ America, một nhóm theo trường phái tự do hơn rất nhiều, gọi cuốn sách là “một tác vụ mới cho Mẹ Teresa, một tác vụ ghi lại đời sống nội tâm của bà”, và nói tiếp, “Nó có thể sẽ được nhớ đến cũng ngang bằng tác vụ của bà đối với những người nghèo khó. Đó là một tác vụ cho những người đã trải nghiệm những nghi ngờ, sự vắng bóng của Thiên chúa trong cuộc đời họ. Và bạn biết họ là ai? Tất cả mọi người. Người vô thần, người hồ nghi, người đang tìm kiếm niềm tin, những kẻ tin, mọi người.”

Không phải tất cả những người vô thần và những người hồ nghi sẽ đồng ý. Cả Kolodiejchuk và Martin đều cho rằng việc Mẹ Teresa không nhận thấy được Chúa cứu thế trong cuộc đời của bà không có nghĩa rằng Ngài không ở đó. Thật sự, họ thấy rằng sự thiếu vắng Thiên chúa là một phần của món quà thiêng liêng đã giúp cho bà làm nên những công trình vĩ đại. Nhưng với những người cốt cán của phe vô thần đang ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, lý lẽ này sẽ được cho là ngớ ngẩn. Họ sẽ coi hình ảnh Teresa trong cuốn sách này như người đàn bà trong những bản nhạc đồng quê miền Tây mẫu mực, người đàn bà cầm đuốc chờ chồng 30 năm sau ngày ông ta ra đi mua một gói thuốc và không bao giờ trở lại nữa. Christopher Hitchens, tác giả của cuốn The Missionary Position (Tư thế Truyền giáo), người đã luận chiến gay gắt về Mẹ Teresa, và gần đây hơn là trong tuyên ngôn của phái vô thần God Is Not Great (Chúa không hề vĩ đại), nói rằng: “Bà ta không là trường hợp ngoại lệ của việc nhận thức rằng tôn giáo là sự bịa đặt của con người hơn bất kỳ một người nào khác, và những cố gắng chữa trị của bà để chứng tỏ đức tin chỉ càng làm rộng thêm địa ngục mà bà đã tự tạo cho chính mình.” Trong khi đó, một số người quen thuộc với công cuộc vĩ đại của người mẹ tươi cười có thể chẩn đoán rằng tình trạng của bà không hẳn là một món quà của Thiên chúa, mà là cố gắng của tiềm thức ở mức căn bản nhất của lòng khiêm nhượng: bà hành hạ bản thân mình với những thất bại méo mó (về tinh thần) để cân bằng với những thành công vĩ đại của bà.

Come Be My Light là cuốn sách hiếm, một cuốn tự truyện xuất bản sau khi [người đó đã] chết có thể dẫn đến sự xét lại toàn bộ về hình ảnh một nhân vật lớn của công chúng – cách này hay cách khác. Nó đặt ra những câu hỏi về Thiên chúa và đức tin, động lực đằng sau những thành tựu vĩ đại, và sự bền vững của tình yêu, thiêng liêng và nhân bản. Rằng nó làm điều đó không phải theo một kiểu trật tự, chủ ý nào, mà là sự thu gộp của những lời ghi chép tuyệt vọng không nhằm công bố trước ánh sáng, điều đó càng thuyết phục người đọc hơn rằng chúng rất chân thực – và rằng chúng, ít nhiều gây sốc, thể hiện đời sống nội tâm thực của một vị thánh thời hiện đại.

Tiền khởi [Prequel]: Cận kề với trạng thái chia sẻ trong mê ly

[Jesus:] Sao ngươi nỡ từ chối điều này với ta? … Ngươi đã trở thành Người đồng hành [2] cho tình yêu của ta – người đến Ấn Độ vì Ta. Sự khát của tâm hồn đã đem ngươi đi thật xa. Ngươi có e ngại khi phải đi thêm một bước nữa vì Chồng ngươi – cho ta – cho những linh hồn? Có phải lòng bao dung của ngươi đã nên lạnh lẽo? Hay ta chỉ là thứ yếu với ngươi?

[Teresa:] Jesus, Jesus của riêng tôi – Tôi thuộc về Người – Tôi thật sự xuẩn ngốc – Tôi không biết phải nói điều gì nhưng xin hãy làm với tôi những gì Ngài muốn – như Ngài muốn – như ý Ngài muốn. [Nhưng] tại sao tôi không thể nên hoàn hảo như những Nữ tu Loreto – nơi đây – sao tôi không thể giống như những người khác.

[Jesus:] Ta muốn những Nữ tu Ấn Độ, dòng Thừa sai Bác ái, những người sẽ nên ngọn lửa tình yêu giữa những kẻ khó nghèo, bệnh hoạn, kẻ liệt và những trẻ nhỏ… Ta biết ngươi là kẻ kém tài nhất – yếu hèn và tội lỗi nhưng vì ngươi như vậy – Ta muốn dùng ngươi để vinh danh Ta. Ngươi sẽ không từ chối chứ?

Trong một đoạn cầu nguyện đối thoại được kể lại cho Tổng giám mục Ferdinand Perier, vào tháng 1 năm 1947.

Ngày 10 tháng 9, 1946, sau 17 năm làm giáo viên ở Calcutta cùng với những Chị em dòng Đức mẹ Loreto (một dòng tu mở, hướng về giáo dục, có trụ sở tại Ireland), Mẹ Mary Teresa, 36 tuổi, đi một đoạn đường dài 400 dặm bằng xe lửa đến Darjeeling. Bà đã làm việc đến nỗi sinh bệnh, và những bề trên của bà yêu cầu bà phải nghỉ ngơi trong thời gian nghỉ phép hàng năm tại vùng chân núi Hi Mã Lạp Sơn. Trên đường rời nơi này, bà kể lại rằng, Chúa đã nói với bà. Ngài gọi bà hãy bỏ việc dạy học và thay vào đó là làm việc ở “những khu ổ chuột” của thành phố, trực tiếp gần gũi với “những kẻ nghèo khó nhất của những kẻ nghèo” – những người bệnh tật, kẻ liệt, người ăn xin và những trẻ em hè phố. “Đến, hãy đến, đem Ta đến hang cùng của những người nghèo khó”, Chúa đã nói với bà như vậy. “Trở thành ánh sáng của Ta.” Mục đích gồm cả vật chất và Tin mừng – theo cách nói của Kolodiejchuk, “để giúp họ sống đời sống với phẩm cách [và nhờ vậy] gặp gỡ tình yêu vô biên của Thiên chúa, và đến để biết về Ngài, để yêu mến, thờ phượng để đáp lại lòng yêu thương của Ngài.”

Đó là một điều quá sức táo bạo – một cuộc thập chinh đơn lẻ, không được tài trợ (Mẹ Teresa nói rằng bà và những nữ tu khác sẽ chia sẻ những nghèo khó cùng nhau và khởi đầu không cần sự trợ giúp) để phục vụ những kẻ khốn cùng nhất trong một thành phố nghèo đã hết hy vọng bởi những cuộc phiến loạn. Tổng giám mục điạ phương, Ferdinand Périer, ban đầu tỏ ra ngờ vực. Nhưng những lá thư của bà gởi đến ông, còn được giữ lại, phác hoạ hai tính cách liên quan đến nhau – tính bền bỉ tột bực và một liên kết cá nhân sâu sắc với Chúa. Khi Périer còn do dự, Mẹ Teresa, trong khi tự gọi bản thân bà là “kẻ bé mọn”, liên tiếp áp lực ông với những thư đề nghị ông đưa câu hỏi này lên đến những bậc có thẩm quyền hơn – phái đoàn toà thánh địa phương, Mẹ Tổng bề trên, Giáo hoàng. Và khi bà cảm thấy rằng tất cả dường như đều đã thất bại, bà tiết lộ đỉnh điểm của tâm hồn: một đoạn đối thoại gây ấn tượng sâu sắc (tới mức thống thiết, thực vậy) với “Tiếng gọi” mà cuối cùng bà tiết lộ là của Chúa. Nó kết thúc với sự lặp lại nhấn mạnh tiếng gọi của Ngài đến bà: “Ta biết ngươi là kẻ kém tài nhất – yếu hèn và tội lỗi nhưng vì vậy – Ta muốn dùng người để vinh danh Ta. Ngươi sẽ không từ chối chứ?”

Mẹ Teresa có những viễn kiến, bao gồm cả việc kết hiệp với Chúa trên Thập giá. Vị linh mục giải tội cho bà, Cha Celeste Van Exem, hoàn toàn được thuyết phục rằng những trải nghiệm huyền bí của bà là chân thực. Ông nói rằng “Sự liên kết [của bà] với Chúa chúng ta liên tục và quá sâu sắc và mãnh liệt đến độ dường như không quá xa trạng thái si mê.” Mẹ Teresa sau này viết một cách đơn giản rằng “Chúa Jesus đã ban chính Ngài cho tôi.”

Rồi sau đó, ngày 6 tháng 1, 1948, Périer, sau khi thảo luận với Toà thánh Vatican, cuối cùng cho phép Mẹ Teresa dấn thân vào ơn gọi lần hai của bà. Và Chúa Jesus lần nữa lại đi khỏi cuộc đời.

Sự khởi đầu

Lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con là ai mà Ngài bỏ rơi con? Đứa con của Tình yêu thương của Ngài – và giờ đây trở thành đứa con bị ruồng rẫy nhất – đứa con – Ngài đã ruồng bỏ như không cần đến – như không hề yêu thương. Con kêu nài, con bám víu, con ước ao – và sao không Ai trả lời – không còn Ai để con níu lấy – không, không còn Ai – Đơn độc… Đức tin của con ở nơi đâu – dù tận sâu thẳm cũng đều trống không, chỉ là sự trống rỗng và tối tăm – Thiên chúa của con – thật có đau đớn nào hơn nỗi đau này không – Con không có đức tin – con không dám thốt ra những lời và những suy nghĩ đang tràn ngập tim con – và làm cho con phải chịu đựng sự thống khổ không kể xiết.

Quá nhiều những câu hỏi không được trả lời ở trong con mà con e sợ phải khám phá chúng – bởi vì sự báng bổ - Nếu như có Chúa – xin tha thứ cho con – Khi con muốn nâng tâm hồn con lên đến Thiên đường – có điều gì như sự trống rỗng giam giữ lại làm những suy nghĩ của con quay lại như những lưỡi dao nhọn và cứa vào đáy hồn con. Người ta bảo con rằng Thiên chúa yêu con – trong khi sự thật chỉ là sự tối tăm & lạnh lẽo & trống rỗng quá lớn đến nỗi không có gì chạm đến tâm hồn con – Có phải con đã lầm khi đã mù quáng buông xuôi trước Tiếng gọi của Thánh Tâm Chúa?

Lời ngỏ đến Chúa Jesus, theo lời gợi ý của vị linh mục giải tội, không rõ ngày tháng

Trong nửa đầu năm 1948, Mẹ Teresa học qua một lớp sơ cứu y khoa trước khi khởi sự công việc một mình trên đường phố Calcutta. Bà viết, “Tâm hồn tôi lúc này hoàn toàn yên bình và hân hoan.” Kolodiejchuk còn gồm cả những mô tả sống động của bà trong ngày đầu tiên của công việc: “Một người đàn ông lớn tuổi nằm trên hè phố - không ai đoái hoài đến – cô đơn, đau ốm và đang chờ chết – Tôi đưa cho ông carborsone và nước để uống và người đàn ông – biết ơn đến mức kinh ngạc… Rồi chúng tôi đến chợ Taltala, và ở đó có một người đàn bà rất nghèo, đang nằm chờ chết, mà tôi nghĩ là do đói hơn là vì bệnh lao phổi đang hành hạ… Tôi đưa cho bà một ít thuốc để giúp bà ngủ. – Tôi tự hỏi, không biết bà ta còn sống được bao lâu”. Nhưng hai tháng sau đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi bà thành công trong việc tìm được nơi làm trụ sở nhà dòng, những hồ sơ của Kolodiejchuk cho thấy bà gặp vấn đề. “Sự cô đơn đau đớn đến vậy sao”, bà viết. “Tôi tự hỏi trái tim tôi sẽ phải chịu đựng điều này đến bao giờ?” Những lời than thở này có thể được hiểu như những phản ứng ban đầu đối với sự cô đơn và những khó khăn, nếu như chúng không được nhắc đến trong những lá thư tiếp sau đó. Càng nhiều thành công Mẹ Teresa có được – và nửa năm sau đó có nhiều phụ nữ trẻ đã tham gia vào hội dòng của bà khiến bà cần phải di chuyển lần nữa – càng làm cho bà cảm thấy tồi tệ hơn. Vào tháng 3 năm 1953, bà viết cho Périer, “Xin hãy cầu nguyện đặc biệt cho tôi để tôi không làm hỏng công trình của Ngài và để Thiên chúa chúng ta có thể tỏ hiện – vì có điều gì đó thật tăm tối trong tôi, như thể mọi điều đã chết. Tôi cảm thấy như vậy khi ít, khi nhiều kể từ khi tôi bắt đầu ‘tác vụ’ này”.

Périer có thể đã không thấy được những lời lẽ thốt ra từ sự vô vọng. “Thiên chúa dẫn đường cho mẹ, thưa Mẹ”, ông kẻ cả trả lời. “Mẹ không sống trong tối tăm như mẹ nghĩ đâu… Mẹ có những thực tế bên ngoài để có thể thấy rằng Thiên chúa đang chúc phúc cho công việc của mẹ… Cảm giác đôi khi không cần thiết và thường có thể sai lạc.” Thế nhưng, cảm giác – hay đúng hơn là việc thiếu vắng cảm giác – trở thành nỗi thống khổ thầm kín của cuộc đời bà. Làm sao bạn có thể thừa nhận lửa tình yêu khi người yêu bạn không còn cho bạn nghe giọng nói, tiếp xúc, sự hiện diện của chính người? Vấn đề còn trầm trọng hơn nữa khi [bà] phải kiềm chế không thể thổ lộ ra. Mẹ Teresa có nói đến một đôi lần bà mời linh mục giải tội đến nhưng lại không thể nói thành lời. Cuối cùng, có vị đã khuyên bà nên viết những trăn trở này xuống và bà đã ghi lại. Bà viết cho Périer năm 1955, “Khi tôi càng muốn Chúa nhiều hơn – tôi càng cảm thấy như Chúa không hề muốn tôi”. Một năm sau đó bà càng sầu não, “Sự mong mỏi Thiên chúa sâu sắc đến như vậy – và … sự cự tuyệt – trống rỗng – không niềm tin – không tình yêu – không lòng sốt sắng – [Sự cứu rỗi] những Linh hồn không còn lôi cuốn – Thiên đàng không còn mang ý nghĩa gì nữa – xin cầu nguyện cho tôi để tôi tiếp tục mỉm cười với Ngài bất chấp tất cả mọi điều.”

Theo lời gợi ý của vị linh mục giải tội, bà đã viết lại những lời nguyện đau đớn ở phần trên của đoạn này; những dòng chữ đó cho thấy bà thăm dò những ngụ ý xấu nhất có thể được của thần học về trường hợp khó xử của bà. Lá thư đó và một bức thư khác viết năm 1959 (“Tôi làm việc cho cái gì? Nếu không có Thiên chúa – thì không có linh hồn – Nếu như không có Linh hồn thì Chúa Jesus – Ngài cũng không có thật”) là hai lá thư duy nhất ghi lại những nghi ngờ về sự tồn tại của Thiên chúa. Nhưng bà thường than khóc về sự bất lực trong việc cầu nguyện, “Tôi thốt ra những lời cầu nguyện chung – và cố gắng hết sức để cảm nhận được từng lời lẽ ngọt ngào của lời cầu nguyện – Nhưng không hề có sự hợp nhất trong lời cầu nguyện của tôi – Tôi không còn cầu nguyện nữa”.

Khi dòng Thừa sai Bác ái hưng thịnh và từng bước nhận được sự chú ý của giáo hội và của cả thế giới, Mẹ Teresa đi từ vị linh mục giải tội này đến vị linh mục giải tội khác như cách những bệnh nhân tìm đến những nhà phân tích tâm lý của họ. Van Exem giới thiệu bà với Périer, rồi Périer năm 1959 giới thiệu bà đến Đức giám mục (sau này là Đức hồng y) Lawrence Picachy, là người kế vị Đức giám mục Joseph Neuner năm 1961. Đến những năm 1980, chuỗi những vị này gồm có những nhân vật như Đức giám mục William Curlin của Charlotte, North Carolina. Với những vị giải tội này, bà đã bày tỏ đau khổ dưới dạng vắn tắt, được nói đến cách mộc mạc là “sự tăm tối của tôi” và nói về Chúa Jesus như “Đấng vắng mặt”. Có một quãng thời gian nỗi đau khổ của bà tạm ngưng. Tháng 10 năm 1958, Đức giáo hoàng Pius XII qua đời, và những Thánh lễ cầu hồn được tổ chức ở khắp các cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới. Mẹ Teresa đã cầu nguyện đến vị Giáo hoàng vừa qua đời để thấy được “dấu chỉ rằng Thiên chúa hài lòng với Hội dòng.” Và “ngay khi đó và tại đó”, bà hân hoan, vì “sự tăm tối dai dẳng giờ đây đã biến mất… sự đau đớn lạ lùng của 10 năm.” Bất hạnh thay, năm tuần sau đó, bà lại trở lại “hầm tối” thêm một lần nữa. Và mặc dù, như chúng ta sẽ thấy, bà tìm cách để chấp nhận sự trống vắng đó, nó luôn có ở đó. Năm năm sau ngày bà nhận giải Nobel, một linh mục dòng Tên ở Calcutta ghi lại rằng “Mẹ đến… để nói về đêm đen dày vò trong tâm hồn mẹ. Nó không phải chỉ là thoáng qua nhưng đã trải qua nhiều năm dài.” Lá thư năm 1995 nói về sự “khô héo tâm hồn” của bà. Bà qua đời năm 1997.

Những lời giải thích

Hãy nói cho tôi biết, thưa Cha, tại sao tâm hồn tôi quá nhiều đau đớn và tối tăm?

Thư gởi đến Giám mục Layrence Pacachy, tháng 8 1959.

Tại sao những đối thoại giữa Mẹ Teresa và Chúa Jesus, quá mạnh mẽ và đầy hoài vọng trong những tháng trước khi thành lập dòng Thừa sai, lại đột ngột tan biến như vậy? Thật thú vị, những giải thích thế tục và tôn giáo luôn song hành với nhau trong một thời gian. Cả hai đều ngầm hiểu (mặc dù chỉ có một bên ca ngợi) rằng việc nhận biết sự đau đớn dai dẳng mà Chúa Jesus phải chịu trên Thập giá, để cứu chuộc loài người, là điểm then chốt của tinh thần Thiên chúa giáo La Mã. Mẹ Teresa đã nói với những nữ tu dòng của bà rằng sự khó nghèo của thân xác bảo đảm sự thấu cảm trong việc “cho đi bản thân họ” đến với những người nghèo khốn và đạt được sự liên kết mạnh mẽ hơn với sự đau đớn mà Chúa Jesus cứu rỗi đã phải gánh chịu. Bà viết năm 1951 rằng Đường Thánh giá là khía cạnh duy nhất của cuộc đời Chúa Jesus mà bà muốn chia sẻ: “Tôi CHỈ [3] muốn… uống chén đắng của Ngài.” Và bà đã làm như vậy, dẫu rằng tất cả thư từ để lại cho thấy bà không nghĩ mình phải chịu đựng theo cách đó.

Kolodiejchuk tìm thấy mục đích thiêng liêng trong việc tâm hồn Mẹ Teresa trở nên chai đá khi bà vượt thắng sự lưỡng lự của hội thánh và đã nhìn thấy một con đường thành công để nhận ra tiếng gọi của Chúa Jesus dành cho bà. Ông thừa nhận rằng, “Bà có một cá tính rất mạnh mẽ”. “Và một cá tính mạnh mẽ cần sự tinh lọc mạnh mẽ hơn” như là liều thuốc giải khỏi sự kiêu căng. Như một minh chứng, ông dẫn lời của bà sau khi bà nhận một giải thưởng quan trọng tại Philippines vào những năm 1960: “Điều này vô nghĩa với tôi, vì tôi không có Thiên chúa.”

Thế nhưng, như Tiến sĩ Richard Gottlieb, giáo sư tại Học viện và Xã hội Phân tâm học New York (New York Psychoanalytic Society & Institute), người đã viết về giáo hội và đã được TIME cung cấp một bản của cuốn sách, nói rằng, “câu hỏi là, Ai đã xác định cảm giác bị ruồng bỏ mà bà đã trải nghiệm?” “Phải chăng bà đã tự bắt mình phải chịu đựng như vậy?” Những nhà tâm lý từ lâu đã nhận thấy rằng có những người, với một loại bản tánh nhất định, bị mâu thuẫn về những thành công to lớn của họ và tìm cách để tự trừng phạt bản thân. Gottlieb giải thích rằng những khát vọng về dòng tu của Mẹ Teresa rất to lớn. Cả ông và Kolodiejchuk đều bị mê hoặc bởi câu nói của bà, “Tôi muốn yêu mến Chúa Jesus như Ngài chưa bao giờ được yêu.” Vị linh mục lưu ý rằng, “Đó là một phát biểu táo bạo.” Nhưng những lá thư của bà đều chứa đầy những mâu thuẫn nội tâm về những thành tựu mà bà đã đạt được. Thay vì chỉ đơn giản tin vào Thiên chúa, Gottlieb nhận xét, bà luôn phải vật lộn rằng “nhận bất kỳ sự vẻ vang nào từ những thành công của bà – dù chỉ là trong thâm tâm – cũng là tội lỗi” và bởi vậy, có lẽ, cần phải được trả giá. Ông nói rằng, trường hợp khá tương tự bên thế tục có thể là một lãnh đạo phạm phải một lỗi xã hội trầm trọng đúng vào thời điểm được đề bạt vào một chức vụ quan yếu. Với mẹ Teresa, “một niềm vui nhỏ khởi đầu cho quá nhiều những đau đớn” và những thành công sau đó của bà làm cho bà dằn vặt mãi.

Gottlieb cũng cho rằng việc bà khởi sự dòng tu “có thể đã đặt một bước ngoặt trong mối liên hệ giữa bà và Chúa Jesus”, với những khẩn nài của Ngài mà bà cuối cùng đã ở trong vị thế để thực hiện. Ông suy đoán rằng, ở vai trò là người chủ động, có thể đã làm bà sợ hãi, và cuối cùng, cách duy nhất để đạt được những việc vĩ đại có thể là ở trong một vai trò bền vững và ít mạo hiểm hơn của một kẻ bị ruồng bỏ nhưng luôn luôn yêu mến [Chúa].

Vi trí của người vô thần đơn giản hơn. Theo Hitchens, năm 1948, Mẹ Teresa cuối cùng tỉnh thức, mặc dù bà không thể thừa nhận điều đó. Ông so sánh bà với những người cộng sản ngoan cố của phương Tây vào giai đoạn sau cùng của chiến tranh lạnh. Ông nói, “Có quá nhiều những nghịch lý trong ý nghĩ. Họ nghĩ rằng, ‘Chúa ơi, Liên bang Xô viết là một thất bại, [nhưng] tôi không được nghĩ như vậy. Nếu vậy thì cuộc đời tôi là vô nghĩa.’ Họ đã cách này hay cách khác tiếp tục sống, nhưng động cơ chính đã không còn nữa. Và tôi nghĩ rằng khi mà không còn động cơ, thì nó không thể hồi phục.” Ông nói, đó là Mẹ Teresa.

Phần lớn các độc giả có đạo sẽ phủ nhận lời giải thích đó, cũng như bất kỳ giải thích nào làm bà trở thành tác giả của sự đau đớn của riêng bà – hay ngay cả việc xác định nó như một sự đau đớn thực sự. Martin, đáp trả lại hình ảnh Mẹ Teresa như một bản tình ca buồn (torch-song), ngược lại đề xướng bà như một người phối ngẫu thuỷ chung anh hùng. “Giả sử rằng bạn kết hôn và bạn yêu và bạn tin với cả trái tim mình rằng hôn nhân là một bí tích. Lạy trời chuyện ấy đừng xảy ra nhưng nếu như vợ của bạn, bị một cơn đột quỵ và hôn mê. Và bạn sẽ không bao giờ nhận được tình yêu của cô ấy nữa. Nó giống như việc yêu thương và quan tâm cho một người nào đó trong 50 năm trường và thỉnh thoảng, bạn than phiền với người linh hướng của bạn, nhưng từ trong sâu thẳm, bạn biết rằng cô ấy yêu bạn mặc dù cô ta im lặng và rằng những gì bạn đang làm có ý nghĩa. Mẹ Teresa biết rằng những điều bà đang làm là có ý nghĩa.”

Sự hợp nhất

Tôi không thể diễn tả thành lời – tôi chịu ơn vì những ân cần cha đã dành cho tôi – lần đầu tiên sau … nhiều năm tháng – Tôi giờ đây biết yêu mến sự tối tăm – vì giờ đây tôi tin rằng nó là một phần rất, rất nhỏ của sự tối tăm và đau đớn của Chúa Jesus trên trần gian này. Cha đã dạy cho tôi biết chấp nhận nó [như] một ‘một khía cạnh tâm hồn của công trình của mẹ’ như cha đã viết – Hôm nay tôi cảm nhận được một niềm vui sướng sâu sắc – rằng Chúa Jesus không thể trải qua sự đau đớn nữa – nhưng Ngài muốn trải qua chúng trong tôi.

Gởi đến Neuner, Circa 1961.

Có hai loại phản ứng trước chấn thương: nắm giữ chấn thương qua tất cả những tính sống động của nó và tiếp tục bị nó cầm tù; hoặc dần dần hoà hợp nó vào cuộc sống mỗi ngày, mà không hẳn phải “chế ngự” nó. Sau hơn một thập kỷ với sự đau đớn chưa lành, Mẹ Teresa dường như bắt đầu tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn bà với sự giúp đỡ của một cố vấn nhận thức được sự việc. Giám mục Joseph Neuner, người mà bà đã gặp vào cuối những năm 1950 và giải bày với [ông] một thời gian sau đó, là một thần học gia nổi tiếng, và khi bà tìm đến ông với những sự “tối tăm” của bà, ông dường như nói với bà về ba điều mà bà cần lắng nghe: rằng không có một phương thuốc trần gian cho việc này (nghĩa là, bà không nên cảm thấy phải chịu trách nhiệm vì bị như vậy); rằng cảm nhận Chúa Jesus không phải là bằng chứng duy nhất cho sự hiện diện của Ngài, và chính lòng khao khát Thiên chúa là “dấu hiệu chắc chắn” rằng có “sự hiện diện kín đáo” của Ngài trong đời sống của bà; và rằng sự thiếu vắng đó chính là một phần của ‘khía cạnh tâm hồn’ của công trình của bà cho Chúa Jesus.

Lời khuyên này rõ ràng đã cho bà cảm giác được giải thoát to lớn. Với tất cả những gì bà trông đợi và khao khát được chia sẻ cùng Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus, bà đã không đoán trước được rằng bà có thể thâu tóm lại cái khoảnh khắc đặc biệt trên Thập giá khi Chúa Jesus kêu lên “Lạy Chúa, Thiên chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Ý niệm rằng thay vì một khoảng không hư vô, cảm giác bị bỏ rơi của Chúa Jesus có thể là sự thử thách mà bà đã cầu mong, rằng sự bền gan của bà rõ ràng có thể làm vang vọng lòng trung thành của Chúa Jesus cho đến chết trên Thập giá, và quả thật nó có thể là một ơn huệ, đề cao hơn hiệu lực trong ơn gọi của bà, làm cho những đau khổ của bà trở nên có ý nghĩa. Neuner sau này đã viết, “Đó là trải nghiệm mà cuộc đời bà phải chuộc lại một khi bà nhận ra rằng đêm tối của con tim bà là một phần đặc biệt mà bà có được trong sự thương khó của Chúa Jesus.” Và bà cảm ơn Neuner vô cùng: “Tôi không thể diễn tả thành lời – tôi chịu ơn vì những ân cần cha đã dành cho tôi – lần đầu tiên sau … nhiều năm tháng – Tôi giờ đây biết yêu mến sự tối tăm.”

Không phải những điều đó không tiếp tục giày vò bà. Nhiều năm sau đó, giải thích niềm hân hoan nơi Chúa Jesus qua trải nghiệm của một số nữ tu trong dòng, bà nhận xét một cách khô khan với Neuner rằng, “Tôi chỉ có niềm hân hoan của việc không tin gì cả - ngay cả với thực tế về sự Hiện diện của Thiên chúa [trong bí tích Thánh thể].” Bà miêu tả tâm hồn bà như một “tảng băng.” Nhưng bà chấp nhận sự phân biệt quan trọng của Neuner, và viết rằng, “Tôi chấp nhận không phải trong cảm giác của mình – nhưng với ước muốn của chính tôi, và Thánh ý của Thiên chúa – tôi chấp nhận thánh ý của Ngài.” Mặc dù thỉnh thoảng bà vẫn lo lắng rằng bà có thể “trở thành Judas, phản bội Chúa Jesus, trong sự tăm tối đớn đau này,” qua nhiều năm tháng, sự thiếu vắng [niềm tin], thoạt đầu đe doạ có thể trở thành một quả bóng xì hơi, đã cứng thành viên đá nền vững chắc. Nhà phân tâm học Gottlieb nói, “Điều kỳ diệu là bà đã hoà hợp chúng theo cách cho phép bà biến nó thành tâm điểm cấu trúc nên bản tánh của bà, ánh sáng dẫn đường cho đời sống tâm linh của bà.” Chắc chắn rằng, bà hiểu được đó là điều cần thiết để phóng chiếu nó vào cuộc sống đời sau của bà. “Nếu có khi nào tôi nên Thánh – tôi chắc chắn sẽ là vị thánh của sự ‘tối tăm.’ Tôi sẽ tiếp tục xa rời Thiên đàng – để [thắp sáng] ngọn đèn của những ai còn ở trong sự tối tăm trên trần gian,” bà đã viết như vậy năm 1962. Theo thần học, thì điều này khá kỳ quặc vì như đa số Thiên chúa giáo chính thống đều định nghĩa thiên đàng là triều vĩnh cửu của Thiên chúa và bữa tiệc thiên đàng không dành cho những ai không thuộc về nơi ấy. Nhưng Kolodiejchuk cho rằng, đó là tuyên bố cảm động nhất của bà, vì sự hy sinh ở đây là vĩnh cửu. Ông kể, “Khi bà viết rằng, ‘Tôi chấp nhận chịu đựng… đời đời, nếu điều đó [là] có thể,’ thì tôi đã phải kêu lên, Wow [Trời].”

Ông cho rằng những lá thư này cho thấy bà thánh thiện hơn bất kỳ những gì mọi người từng biết về bà. Những cố gắng của bà nhân danh Chúa Jesus đáng khâm phục đến mức nào đi nữa, thì chúng càng đáng sửng sốt hơn một khi [ta] nhận ra rằng bà làm được chúng khi Thiên chúa không hề ở cùng bà – phần nào giống như một người tin rằng mình không thể đi được nhưng lại giành chiến thắng trong cuộc thi chạy 100 mét ở Thế vận hội. Kolodiejchuk còn đi xa hơn nữa. Những thần học gia Thiên chúa giáo La Mã thừa nhận rằng có hai loại “đêm đen”: dạng thứ nhất là chấp nhận, thanh tẩy bằng đời sống tu trì [để chuẩn bị] cho “sự kết hợp sau cùng” với Chúa Jesus; dạng thứ hai là “đền bồi,” và còn tiếp tục như vậy sau khi kết hợp với Thiên chúa, để họ có thể trở nên trong sạch gần với Chúa Jesus và Đức mẹ Maria, những người đã chịu khổ đau để cứu chuộc loài người mặc dù không hề vương tội lỗi. Sau cùng, Kolodiejchuk viết rằng, “với tất cả những dấu chỉ, đây là trường hợp của Mẹ Teresa.” Điều đó đặt bà vào trường hợp hiếm thấy.

Một Hội dòng mới

Nếu điều này mang lại vinh quang cho Cha – nếu những linh hồn được mang về với Cha – với tất cả lòng hân hoan, con chấp nhận tất cả cho đến cuối đời mình.

Viết cho Chúa Jesus, không rõ ngày tháng.

Nhưng với đa số, vị trí của Mẹ Teresa giữa những vị thánh Thiên chúa giáo La Mã khác có thể kém quan trọng hơn ngụ ý chung của Come Be My Light: rằng nếu bà có thể tiếp tục sứ vụ trong nửa thế kỷ không hề có Chúa trong tâm trí bà, thì có lẽ những người khác kém thánh thiện hơn có thể cũng chịu đựng được những vấn nạn ít khắc nghiệt hơn như vậy. Một ví dụ mạnh mẽ của trường hợp này có thể xảy ra từ rất sớm. Năm 1968, văn sĩ sau trở thành nhà làm phim, Malcolm Muggeridge đến thăm Mẹ Teresa. Muggeridge trước đây vẫn là người thẳng thắn theo thuyết “bất khả tri” (agnostic), nhưng đến khi đến Calcutta cùng với đoàn làm phim, ông ta đang trong trạng thái tìm kiếm tâm linh. Ngoài việc gây ấn tượng với ông bằng những công trình và sự thánh thiện của bà, sau đó Mẹ Teresa đã viết thư cho ông năm 1970 và trả lời những nghi ngờ của ông. Bà viết, “Sự mong chờ Thiên chúa của ông quá sâu xa, thế nhưng Ngài vẫn xa lánh ông. Ngài hẳn phải buộc mình làm như vậy – bởi vì Ngài yêu ông quá đỗi – tình yêu của Chúa Jesus dành riêng cho ông là vô hạn – Khó khăn nhỏ mà ông đang chịu liên quan đến Giáo hội của Ngài là hữu hạn - Hãy vượt qua cái hữu hạn này với cái vô hạn.” Muggeridge hiển nhiên đã làm như vậy. Ông trở thành một người lớn tiếng biện hộ cho đạo Thiên chúa và trở thành một tín đồ Thiên chúa giáo La Mã năm 1982. Cuốn phim 1969 của ông, Something Beautiful for God [Ðiều gì đó tuyệt đẹp cho Thiên chúa], và sau đó là một cuốn sách cùng tên năm 1971, làm cả thế giới xúc động về Mẹ Teresa.

Thời điểm đó, Muggeridge là một trường hợp độc đáo. Xuất thân từ một tuổi thơ được nhiều ưu đãi, rồi trở thành một nhân vật khá nổi tiếng, ông không phải là đối tượng của Mẹ Teresa. Giờ đây, với sự xuất bản của Come Be My Light, tất cả chúng ta đều có thể trở thành Muggeridge. Kolodiejchuk nghĩ rằng cuốn sách có thể là thuốc giải cho một vấn đề văn hoá. Ông nói, “Xu hướng trong đời sống tâm linh của chúng ta cũng như trong thái độ chung của chúng ta với tình yêu thường là cảm giác của chúng ta là tất cả những gì đang xảy ra.” “Và vì vậy với chúng ta, sự toàn vẹn của tình yêu là những gì chúng ta cảm thấy. Nhưng để thật sự yêu một ai đó cần sự ràng buộc, lòng trung thành và sự yếu đuối. Mẹ Teresa không ‘cảm nhận’ tình yêu của Chúa Jesus, và bà đã có thể đã bỏ cuộc. Nhưng không, bà đã thức dậy từ 4:30 mỗi sáng cho Chúa Jesus, và vẫn còn viết cho Ngài, ‘Niềm vui của Ngài là tất cả những gì con mong muốn.’ Đó là một ví dụ mạnh mẽ, thậm chí ngay cả khi bạn không bàn đến điều này trong giới hạn tôn giáo.”

Còn Martin của tạp chí America muốn nói đến chính trong giới hạn tôn giáo. “Tất cả những gì bà trải qua là những gì những người tín hữu bình thường phần lớn trải qua trong đời sống tâm linh của họ. Tôi đã biết những người, họ cảm thấy bị Thiên chúa bỏ rơi và nghi ngờ vào sự tồn tại của Thiên chúa. Và cuốn sách này diễn giải điều đó một cách tuyệt vời, nhưng đồng thời chứng tỏ niềm tin hoàn toàn trọn vẹn của bà.” Ông nói tiếp, “Có ai nghĩ rằng một con người được cho là người đàn bà ngoan đạo nhất thế giới lại phải vật lộn như vậy với đức tin của mình?” “Và có ai nghĩ rằng một con người được cho là có niềm tin mãnh liệt nhất lại có thể là vị thánh của những người hoài nghi?” Martin đã từ lâu dùng Mẹ Teresa như một ví dụ của một tình yêu quên mình khi ông nói với các tín hữu. Giờ đây, ông nói rằng, ông sẽ dùng niềm tin lạ thường khi đối mặt với sự im lặng vô cùng để làm sáng tỏ rằng sự nghi ngờ là một phần tự nhiên của cuộc sống mỗi người, cho dù đó là một tín hữu bình thường hay một vị thánh nổi tiếng thế giới.

Xuất hiện trước Ánh sáng của ban ngày

Xin hãy huỷ tất cả những thư từ và những gì tôi đã viết.
Gởi cho Picachy, tháng 4 1959.

Kiên định trong việc chiến đấu chống lại lòng kiêu hãnh, lý do cơ bản của Mẹ Teresa về việc giữ lại (huỷ) những quan hệ thư từ của riêng bà là vì “Tôi muốn những việc làm này là của Ngài.” Nếu những thư từ được mọi người biết đến, bà giải thích với Picachy rằng, “mọi người sẽ nghĩ nhiều về tôi – hơn là Chúa Jesus”.

Người thánh thiện đặc biệt cũng không khác gì chúng ta khi phán xét sai lầm quá trình của lịch sử - hay là, ý định của Thiên chúa. Mẹ Teresa coi việc nhận thấy sự thiếu vắng Thiên chúa trong đời sống của mình là bí mật đáng xấu hổ nhất, nhưng cuối cùng bà đã nhận ra rằng nó có thể được coi như một ân sủng tiếp tay cho ơn gọi của bà. Nếu những lo lắng của về việc công bố chúng cũng là điều không đúng – nếu một cuốn sách với những ghi chép đầy những trăn trở và [có vẻ] khinh suất có thể làm con đường của hàng ngàn tín hữu trở nên thanh thản, thì không có gì phải xấu hổ vì đã sai lầm – nhưng là sai lầm vui mừng, thậm chí tuyệt vời - thêm lần nữa.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Người bệnh nặng, sắp qua đời. (ND)
[2]Spouse.
[3]Nhấn mạnh của Mẹ Teresa.