trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
9.2.2008
Hồ Bạch Thảo
Quỹ tín dụng của đất nước
 1   2 
 
Để tìm thêm đồng minh trong cuộc chiến, Tuần phủ Vân Nam chiêu dụ các nước Lão Qua, Bát Bách Tức phụ cùng các Tù trưởng nơi biên giới hợp đồng đánh chiếm nước ta, với lời hứa chiếm đến nơi nào được cai trị địa phương đó:

Ngày 23 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 16 [25/11/1537]

Tuần phủ Vân Nam bọn Uông Văn Thịnh tâu Thổ quan châu Quảng Lăng An Nam Đèo Lôi Chiêu, hiểu dụ bọn Tù trưởng Đèo Trinh ra hàng; xin được ban mũ, dây đai. Thổ xã Tuyên ủy ty Lão Qua Phạ Nhã nghe tin chinh thảo An Nam, hăng hái đầu tiên tình nguyện; vả lại nước này đất rộng người nhiều, An Nam sợ chúng, có thể cho đối địch riêng một phía. Mặt khác Thổ xã Bát Bách Tuyên ủy ty Đèo Lãm Na, Thổ xã Xa Lý Tuyên ủy ty Đèo Khảm gần với Lão qua; Thổ xã Mãnh Lương Đèo Giao tại thượng lưu Lão Qua đều nhiều lính, voi; sẵn sàng việc chinh thảo. Xin miễn việc tra khám, ra lệnh cho họ tề tựu tại địa phương; nên ra lệnh Lão Qua trú binh tại Mộc Châu để đợi tiến binh; bọn họ chiếm được địa phương nào, cho cai quản.

Chiếu thư ban: “ Có thể chấp nhận lời tâu.” [1]

Lúc này cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Phương Doanh cảm thấy không thể ngồi yên được nữa; bèn sai Sứ giả Phạm Chính Nghị dâng biểu xin hàng, xin được triều cống, riêng địa đồ thì nại cớ có thể tham khảo sách “Nhất thống Chế ” nên chưa chịu nạp. Vua Thế Tông sau khi tham khảo với bộ Binh, cho rằng mọi lực lượng tại ba tỉnh sát biên giới lúc này cần được thống nhất chỉ huy, nên ra lệnh Hàm Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng đốc việc quân, Thượng thư bộ Công Mao Bá Ôn giữ chức Tham tán:

Ngày 24 tháng 3 năm GiaTĩnh thứ 17 [22/4/1538]

Trước đây qua những lời tâu về Lê Ninh, nên tạm hoãn việc chinh phạt An Nam. Chiếu mệnh các Đốc Phủ Vân Nam, Lưỡng Quảng khám xét đích xác tình hình người Di, để xem nên chiêu dụ hay chinh phạtr. Nay Tuần phủ Vân Nam Đô ngự sử Uông Văn Thịnh truyền lệnh cho các Thổ quan, Hào mục An Nam nếu đến qui thuận trước, được ban cho chức tước truyền đời. Lệnh bọn Vũ Văn Uyên báo cựu thần nhà Lê, mọi người hưng binh phấn đấu. Lại dụ Mạc Đăng Dung tự trói mình qui thuận, nạp bản đồ cùng sổ hộ tịch, sẽ không bị tội chết. Lúc đó các Thổ quan, Hào mục An Nam như Trần Tông, Hoàng Công Cán, cùng các Thổ quan tại biên giới như Thủ lãnh Đào Tiên tại châu Thúy Vĩ và những người khác đều tình nguyện nội phụ. Vũ Văn Uyên đánh thắng Mạc Đăng Dung, chiếm được cửa quan ải cùng doanh trại. Lúc này con của Đăng Dung là Phương Doanh [Sử Việt ghi Đăng Doanh] đã lên thay thế Đăng Dung coi việc nước, mang binh đánh Văn Uyên nhưng không thắng. Thịnh cho rằng thác Liên Hoa thuộc huyện Mông Tự, đất này xung yếu, đường bộ đường thủy nối liền giữa Quảng Tây và An Nam nên đặt trại dựng doanh; đưa binh vào trong nội địa giặc để gây thanh thế cho những người qui chánh.

Phương Doanh sợ, bèn sai Đầu mục bọn Phạm Chính Nghi dâng biểu xin hàng, và gửi điệp văn cho các quan Phủ, Trấn như Mộc Triều Phụ, kể đầy đủ việc nhà Lê suy loạn, Trần Cảo phản nghịch, riêng cha con y có công nên được người trong nước theo. Lại nói rằng về địa đồ có thể xem trong Nhất thống Chế. Xin được tha tội, cho theo lệ vào triều cống, lại xin cống bù thêm những năm không đến triều. Nhân kể rằng Lê Ninh là con cháu dòng họ Nguyễn, mang ấn giả, không đủ làm bằng.

Bọn Triều Phụ dâng biểu văn xin tha cho Phương Doanh, cho làm phiên thần; không được gây hấn với Lê Ninh và Vũ Văn Uyên, trả lại đất ở biên giới đã xâm lấn trước kia. Lại xin rút quân ra khỏi thác Liên Hoa, thăng thưởng cho các quan quân có công tại đấy.

Cùng lúc Triều Phụ lại báo Lê Ninh đã nhận được hịch văn gửi trước đó, tường trình việc [họ Mạc] soán đoạt và giết vua; xa giá lánh nạn; cùng cung cấp tin tức về số binh mã thủy bộ, trình bày con đường tiến quân.

Chiếu thư phán đưa nội vụ xuống bộ Binh tập hợp phủ, bộ các quan hội bàn; rồi tâu rằng:

“Cha con Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, bạo ngược với dân, tội không tha được; nay xin hàng nhưng vẫn ở trong nước không chịu dâng bản đồ; giả bộ muốn xin tha, nhưng ý đồ mong hoãn binh. Những điều Triệu Phụ xin không nên vội hứa. Vả lại Đế Vương dẹp loạn, nhân nghĩa kiêm toàn; nêu đích đáng kẻ giặc với tội trạng rõ ràng, hợp với lòng mong muốn của dân chúng, khó khăn nào không vượt qua. Vả lại tuy là nước Di, nhưng há lại không có trung thần, cùng với Thổ quan của ta ở vùng phụ cận, ai mà không hăng hái ủng hộ điều phải. Uy trời đến nơi, cha con kẻ nghịch sẽ bị tiêu diệt!

Nhưng đất này giáp với 3 tỉnh của ta, các quan Đốc, Trấn quyền ngang nhau, thế lực chia rẽ, ý kiến bất đồng không khỏi khiên chế lẫn nhau; cần tổng chỉ huy bởi quan văn võ, ngõ hầu thống nhất điều động, thành công mau chóng. Vậy xin suy cử Hàm ninh hầu Cừu Loan, Thượng thư bộ Công Đề đốc công trình Mao Bá Ôn nhận chức Tổng đốc Tham tán trông coi 6 quân, hứa được tiện nghi hành sự.”

Được chiếu chỉ phán:

“Chấp nhận thi hành theo lời bàn.” [2]

Tuy nhiên viên Đề đốc Lưỡng Quảng Thị lang bộ Binh Thái Kinh lại dâng lời tấu ước tính số quân cần dùng và lương thực tiền bạc quá nhiều, hơn nữa nội bộ trong triều đình không thống nhất; nên nhà vua quyết định đình hoãn, tạm thời giữ Cừu Loan và Mao Bá Ôn tại kinh đô:

Ngày 15 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 17 [13/5/1538]

Đề đốc Lưỡng Quảng Thị Lang bộ Binh Thái Kinh tâu:

“Có 6 đường thủy, bộ tiến quân từ Lưỡng Quảng vào An Nam; ước tính cần 30 vạn binh trong 1 năm. Tổng cộng lương thực cần 160 vạn thạch; đóng thuyền, mua ngựa, khao thưởng, khí giới, các phí tổn khoảng 70 vạn lạng bạc. Quân lính tại Lưỡng Quảng, không kể lính canh gác tại địa phương, tính cả Hán binh và Thổ binh cùng lính trưng mộ, không quá 12 vạn, chỉ đủ 1/3 nhu cầu. Lương thực, ngoài số phát hàng năm, số còn lại vận tải đến hoặc mua bán tại đây không quá 40 vạn thạch; chỉ đáp ứng ¼ nhu cầu.Tiền bạc lấy sạch từ các ngân khố được hơn 30 vạn lạng, chỉ bằng một nửa. Nếu trong thời gian đó việc binh chưa xong, thì sự phí tổn không dừng tại số đó.

Thần cho rằng dùng mưu với giặc, cần sử dụng gián điệp dò la. Các vùng như Bằng Tường, Long Châu, Qui Thuận, Khâm Châu, cùng Hải Bình, Tây Lộ đều sát với biên giới An Nam; nên đến gần tiếp xúc quan sát, có thể biết rõ hư thực của họ, dễ dàng cho việc chiêu dụ qui phụ. Thần đã ước lượng việc điều khiển quan binh, tích trữ lương thực vào những chỗ khẩn yếu, để chấn dương uy vũ, xem xét thời cơ thuận lợi. Nếu quả Lê Ninh còn sống, dân sẽ nhớ đến chúa cũ, nên xét trao cho y chức tước; để cổ võ khí thế tiêu trừ đảng gian. Ta cho cơ hội, họ sẽ gắng sức; không có giặc nào không bình được. Nếu không như vậy thì nhân tâm nước này đã tan rã không dễ để tụ lại, ta phải điều động đại quân qua biển sóng gió, nếu bị sấm sét đánh vào thì không khỏi tổn thấtr. Vậy nhọc nhằn hoặc nhàn dật, hai phương sách không thể không xét đến.”

Lâm Hy Nguyên Tri châu châu Liêm lại tâu thêm:

“Nhân tâm An Nam ly tán, cha con Đăng Dung thi hành chính sách hà khắc, số đông dân chúng từng theo muốn quay về con đường chính; rào dậu của chúng không còn vững nữa, binh có thể tiến. Vả lại Đăng Dung mới đây đánh Lê Ninh và Vũ Văn Uyên mà bị thua, vậy binh lực có thể biết được; thời không nên để mất, hãy sai gấp văn vũ Đại thần cầm quân thu phục đất đai phương nam.”

Các bản sớ được gửi xuống, Thượng thư bộ Binh Trương Tán xin được mời các phủ bộ hội nghị cùng bàn bạc việc binh đã đề nghị trước kia. Thiên tử không bằng lòng, nói rằng:

“Việc An nam cần người biết đường lối, hiểu vấn đề; Trẫm nghe rằng các Khanh sĩ Đại phu bàn bạc riêng với nhau là không cần đánh; bọn các ngươi có trách nhiệm cả nước mà không chủ trì, việc gì cũng ủy cho hội nghị, đều không hiệp lực để lo cho quốc sự. Thôi việc trước bỏ qua!”

Cừu Loan và Bá Ôn nay tại kinh để sử dụng riêng. [3]

Trong tình trạng các quan do dự không quả quyết, vua Thế Tông cần một người sang nước ta dò la, để nắm chắc sự việc. Lại nhân dịp vinh danh cho ông nội là Thượng hoàng Thiên thượng đế, vua Thế Tông cử Sứ giả sang báo cho An Nam biết. Cử ba, bốn lần; các bầy tôi sợ đều tìm cách từ chối, cuối cùng gọi được viên Tả Thị lang bộ Lễ Hoàng Oản đang đóng cửa chịu tang tại nhà, đến trình diện:

Ngày 28 tháng 1 năm Gia Tĩnh thứ 18 [16/2/1539]

Trước đây nhân lễ tôn vinh danh hiệu lớn Thượng hoàng Thiên Thượng đế cho ông nội vua, bộ Lễ tâu xin sai Sứ dụ Triều Tiên hay biết. Thiên tử phán:

“An Nam cũng được trời che chở, không nên vì nước này mấy năm loạn lạc mà không sai sứ cho biết. Nay hãy chọn trong đám đình thần người có tài hiểu biết văn học, thông hiểu thể chế quốc gia, mang chiếu dụ như xưa.”

Nhân đó ty chịu trách nhiệm, dâng người hợp khả năng; Thiên tử bèn ban mệnh, nhưng ba bốn lần từ chối, nên không sai đi được. Bèn mệnh nguyên Tả Thị lang bộ Lễ Hoàng Oản, thăng chức Thượng thư bộ này, sung Chánh sứ; Hữu Xuân phòng Hữu Dụ đức Trương Trị, thăng Hàn lâm viện Học sĩ sung Phó sứ, phung chiếu thi hành. Lúc bấy giờ Oản đang cư tang tại nhà, đến triều đình trực tiếp nhận mệnh từ Thiên tử để thi hành. [4]

Trước khi ra đi được thăng chức Thượng thư, nhưng Hoàng Oản cố tình đến kinh đô chậm trễ, lại đòi hỏi nhiều điểm, như:
  • Được cấp ấn “Quan Phương”, để tiết chế các trọng thần tại các tỉnh gần biên giới như Vân Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây.

  • Bắt các quan tra cứu trong Minh Thực lục, sao chép những sử liệu liên quan đến An Nam, để nắm được đầu đuôi, đến nơi có tài liệu ứng đối.

  • Đòi hỏi một số quan phụ tá v.v..
Sự việc được ghi lại qua văn bản dưới đây:

Ngày 3 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 18 [20/5/1539]

Nguyên Tả Thị lang bộ Lễ Hoàng Oản bị triệu đến [hành tại] Từ Châu. Tuy nhiên trước đó sai người đến tâu vì bị tật nên không đi được, nên sai kỳ hạn. Thiên tử trách Oản không đến hành tại [5] gấp, còn thuyền đến kinh sư kéo dài trì hoãn, đối với mệnh vua thực bất kính. Bắt tự khai tội trạng, rồi tha cho. Oản tâu rằng:

“Thần phụng mệnh sứ An Nam, không dám không dốc hết lòng trung thành; nhưng nước này vốn nhiều ngụy trá, không trù hoạch đích đáng không thể được. Nếu khinh thường vào lãnh thổ, bị chúng kiềm chế, không những công việc liên quan có chỗ khó xử, mà lễ nghĩa giao dịch cũng khó định. Thần không đáng tiếc, nhưng quốc gia thì sao? Thần nguyện Bệ hạ ban cho trọng mệnh để thi hành. Vả lại các tỉnh Vân, Quí, Lưỡng Quảng đều có trọng thần cai quản; việc tại An Nam mỗi người cố chấp ý kiến riêng không ai nhường ai, thần được chỉ thị của triều đình, nhưng lời nói không bằng chứng, cần có sắc chỉ ra lệnh các địa phương quan chức lớn nhỏ đều chịu sự tiết chế của thần, lại cấp cho ấn “Quan phương” để tiện nghi hành sự.”

Thiên tử khen vì nước nhận trách nhiệm, và chấp nhận lời thỉnh cầu. Oản lại tâu:

“An Nam phản rồi phục tùng Trung Quốc, cùng việc nước này truyền đời hoặc, thay đổi họ nối ngôi, việc chinh thảo Lê Lợi bị thất bại; xin sắc cho Nội các khảo cứu các triều trong Thực lục [6] , phân tích những điểm giống và khác nhau; cùng sắc các nha môn chép đầu đuôi họ Lê thụ phong, cùng việc tình tội của Lê Lợi và Mạc Đăng Dung trước sau soán đoạt. Cũng chép về các Sứ thần lần lượt sai đi, tên tuổi các Quốc vương được thụ phong, cùng lai lịch duyên do các đời, có hoặc không được thụ phong. Tất cả biên chép thành sách, để thần dùng làm tham khảo ứng đối.”

Đưa việc này xuống bộ Lễ bàn.

Oản lại tâu: “Xưa Nhạc Dương đánh Trung sơn, thư đả kích việc này chất đầy tráp; Mã Viện đánh Giao Chỉ có lời bàn tán về tê giác, minh châu thu được. Hai người hiền này đều không miễn chê trách; nay thần cùng Học sĩ Trương Trị lo việc An Nam, cả hai đều chất phác cô lập; một lần bước ra khỏi cửa nhà vua hành trình vạn dặm, làm sao không khỏi có nhiều miệng dị nghị. Xin Bệ hạ thể tuất sai các quan Khoa đạo có tài, mỗi cơ quan một người giám sát thần làm việc. Lại xin mệnh 3 bộ Lại, Lễ, Binh chọn 2 người trong bộ có tài, biết tình hình xứ đó; giúp dò hỏi, ứng phó lúc khẩn cấp; lúc đến nơi, trường hợp có việc cơ mật, thần cần thảo tờ tấu; biết cách giữ gìn hồ sơ để sự việc không tiết lậu. Lại có lời rằng cháu của Vương An Nam Lê Ninh tâu xin quản lý việc nước; Mạc Đăng Dung có biểu xin hàng; Cả hai đều tâu rằng hiện giữ ấn tín của triều đình, chẳng lẽ 1 nước 2 ấn? Nước này thường dâng biểu văn hiện tàng trong nội phủ, xin giao cho thần để phân biệt ấn văn chỗ nào giống chỗ nào khác thì thất giả có thể biết rõ.”

Mệnh đưa xuống hai bộ Lễ, Binh họp bàn, rồi tâu lên. [7]

Khi mọi điều đã được thỏa mãn, Oản coi việc đến An Nam như đi vào cõi chết, nên xin tưởng thưởng cho cha mẹ, nếu có mệnh hệ nào thì con được tập ấm chức tước. Hết chịu nỗi với sự cố tình đặt điều tránh né công việc, vua Thế Tông giận dữ cách chức y:

Ngày 26 tháng 7 nhuần năm Gia Tĩnh thứ 18 [8/9/1539]

Bãi chức Thượng thư bộ Lễ, Hàn lâm viện Học sĩ Hoàng Oản. Trước đó Oản từ Tả Thị lang bộ Lễ được thăng chức Thượng thư, sung Chánh sứ sang dụ An Nam. Chưa đi, xin ban thưởng cho cha mẹ; lại xin con cháu được hưởng ân lệ quan chức thừa kế. Thiên tử giận phán rằng:

“ Oản nhân việc đi sứ An Nam, nhận được mệnh không tiến hành gấp, lúc đến thì kiếm nhiều lý do để từ chối. Y sợ hãi, quanh co; lại bày ra những thỉnh cầu khác. Nay cách chức, không dùng trở lại nữa…” [8]

Tình hình bang giao lúc này không cho phép nhà Mạc nói dây dưa kiểu Sứ giả Phạm Chính Nghị tâu trong năm trước, bằng cách yêu cầu nhà Minh tự tham khảo lấy trong sách Nhất thống Chế về bản đồ và dân số. Lần này Sứ giả Nguyễn Văn Thái phải nghiêm chỉnh kê khai rõ về nhân khẩu và đất đai:

Ngày 24 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 18 [14/3/1539]

Đầu mục An Nam Mạc Phương Doanh [9] sai Sứ thần Nguyễn Văn Thái dâng biểu đến trấn Nam Quan xin hàng, nhân hiến sổ hộ khẩu đất đai. Biểu văn như sau:

“Thần cúi đầu trước lòng nhân từ của Thánh nhân tha sự sai lầm, khoan hồng tội lỗi, sợ trời tuân mệnh là bổn phận của tiểu quốc. Thần trộm nghĩ bản quốc đất đai dân chúng đều là sở hữu của Thiên triều; kể từ họ Trần cho đến lúc tuyệt dòng, họ Lê nối theo đều tuân theo mệnh của Thiên triều. Trước đây Quốc vương trước của Thần là Lê Trừu [vua Lê Tương Dực] bị hại lại không có con, người trong nước đồng lòng suy cử cháu là Lê Huệ [vua Chiêu Tông] quyền coi việc nước, Lê Huệ bệnh chết không có con, người trong nước lại suy tôn em là Lê Quảng [Lê Cung Hoàng] coi quốc sự; Lê Quảng tuổi trẻ nhiếp chính trong vòng 6 năm, trong nước có loạn, đường sá ngăn trở, chưa kịp xin mệnh của triều đình. Rồi Lê Quảng bất hạnh vướng tật, không có con cháu nối dõi; cha thần Mạc Đăng Dung là cựu thần có chút công, nên được chiếu ủy quyền coi quốc sự. Cha thần trên nhận lời phó thác của họ Lê, dưới bị người trong nước thỉnh ép; trong lúc bối rối, tuân theo Di tục biết rằng đắc tội với Thiên triều, nhưng nếu tránh đi thì nước thần không có người thống nhiếp; cha Thần bất đắc dĩ cẩn thận giữ ấn mà Thiên triều đã ban cho, tập hợp phủ dụ thần dân, rồi giao cho thần. Thần lo rằng chủ cũ Lê Quảng chưa được phép triều đình mà giao cho cha thần; cha thần cũng chưa bẩm với triều đình mà nhận lấy từ Lê Quảng, rồi giao cho thần. Kẻ đưa người nhận đều sai trái. Cha con thần cam chịu tội chuyên quyền, nên mấy lần sai đầu mục nước này là Phạm Chính Nghị, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Độ tâu bày và trần tình tội lớn, nhưng Thiên triều quan ải thâm nghiêm, nhiều năm không có một sứ nào đến được. Cha con thần ngày đêm lo lắng, ăn không biết ngon, ngủ không yên chiếu; đành cam nhận tội chậm trễ. Tuy nhiên cửa Thánh cho phép sửa lỗi lầm, biết thú tội thì phép Vương sẽ khoan dung; nhờ Hoàng đế Bệ hạ bao quát vô tư đặc sai Trấn Phủ Lưỡng Quảng, Vân Nam tuyên dụ triều đình uy đức, tra khám sự tình bản quốc để cha con thần có chổ trần tình biện bạch. Thần kính cẩn tâu thực số đất đai nhân dân, kính mong triều đình phân xử, ban mệnh cho thần dân nước này, cùng khoan thứ cho tội lớn như gò núi của cha con thần; để cả nước thần được hàm ân công đức sinh thành giáo hóa; kính cẩn dâng biểu trần tình thú tội. Ngoài ra giới hạn bản quốc đất đai có 53 phủ, 176 huyện, 49 châu, 30 vạn hộ, 175 vạn nhân khẩu.”

Ngay lúc đó Trấn Tuần Lưỡng Quảng đem biểu xin hàng tấu gấp. Chiếu sai hai bộ Lễ, Binh họp bàn rồi tâu lên. [10]

Biểu xin hàng của Mạc Phương Doanh báo cho biết họ Mạc không có sức đề kháng đáng lo ngại, Minh Thế Tổ được sự nhất trí của đám quần thần, điều động Cừu Loan và Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng lo việc nam chinh:

Ngày 26 tháng 7 nhuần năm Gia Tĩnh thứ 18 [8/9/1539]


Bộ Binh họp đình thần lại, hội nghị rồi tâu rằng:

“Họ Lê vốn là thần dân, nghĩa không thể bỏ được, còn cha con bầy tôi Mạc Đăng Dung bức chúa chiếm lấy nước, tội đáng phải thảo phạt. Mới đây tuy sợ uy, hối cải sai lầm, dâng biểu xin hàng; nộp sổ ghi đất đai, nhân dân, cung kính xin phân xử; lời van xin cũng đáng thương. Nhưng dân Di phản phúc ngụy trá khó tin; xin ban sắc như trước đã định, mệnh Hàm ninh hầu Cừu Loan, Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng, Vân Nam điều động các xứ quan binh Hán Thổ; chiêu dụ Thổ quan An Nam qui thuận như Đèo Lôi, cùng bọn cựu thần họ Lê bọn Vũ Văn Uyên thao luyện tụ tập binh lương, đễ sẵn sàng việc chinh thảo. Nếu cha con Mạc Đăng Dung âm mưu thì tiến quân chinh phạt, chính pháp triều đình; nếu bó thân đợi mệnh, quả không có lòng dạ nào khác, thì ban hịch tức khắc rằng triều đình sẽ tha cho tội chết, cũng như mùa xuân vạn vật sinh, mùa thu chết, nhân nghĩa kiêm toàn, không phản với đạo trời.”

Thiên tử chấp nhận. Bèn mệnh Loan lãnh ấn Chinh Di Phó tướng quân, Mao Bá Ôn ấn Quan Phòng Tham tán quân vụ, phụng sắc Nam chinh. [11]

Một số quan lại như Tri châu châu Khâm không hiểu rõ ý định của vua Thế Tông chỉ thị uy lấy tiếng, nên đề nghị mở rộng xâm lăng. Những ý kiến này bị nhà vua chê là hàm hồ, không cho bàn thêm:

Ngày 6 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 19 11/5/1540

Tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên dâng biểu rằng:

“Thần nghe nói rằng Mạc Phương Doanh An Nam, xin hàng; đặc mệnh Đại thần tra khám. Kẻ hàng nạp sổ sách ghi đất đai, dân số để hiến; nay giết quân lính của ta, cướp chiến thuyền của ta, hàng mà như vậy ư? Nay gửi đại thần đến khám hỏi; vậy khám gì đây? Nếu khám xem nước đó, hoặc các phe phái hàng hay dối trá, thì thực tình không hay biết được. Khám về biên giới, thì các trọng thần nơi biên cương đã làm rồi; ai dám trả lời khác được. Thần nghĩ rằng muốn biết tình thật, bắt giao ước những điều sau đây: phải trả cho ta 4 động, lệnh không để Lê Ninh bị mất ngôi vị, lệnh để cựu thần nhà Lê như Trịnh Duy Liêu, Vũ Văn Uyên không mất chức tước và đất, tuân theo lịch chính sóc. Theo những điều của ta là hàng, không theo là ngụy trá. Nhân đó hưng binh hỏi tội, lại được sự trợ giúp của lực lượng thuận tòng, thì trận nào mà chẳng thắng.”

Lại bảo:

“ Chỗ dựa của Phương Doanh là Đô Trai, vùng này gần biển, bùn lầy hơn 10 dặm, thuyền không ghé được. Kế hoạch của chúng nếu kinh thành không giữ được thì chạy đến Đô Trai, Đô Trai không giữ được thì chạy ra biển. Nếu quân ta tại Đông Hoàn, Quỳnh Hải giúp Chiêm Thành đánh về phía Nam, thì giặc không chạy được. Lấy quân Phúc Kiến vượt biển từ cửa Chi Phong, quân Hồ Quảng xuất phát từ châu Khâm, hợp lại đánh Đô Trai, bọn chúng không còn sào huyệt. Quân Quảng Tây đánh từ Bằng Tường, quân Vân Nam, Quí Châu đánh từ Mông Tự; hai quân hợp lại đánh Long Biên, tức cội gốc bị nhổ, giặc họ Mạc có thể định được.”

Ngoài ra còn dâng 4 thư bàn về phương lược. Tuy nhiên lập luận này bị Ngự sử Tiền Ứng Dương chỉ trích như sau:

“Bí mật phương lược của Hy Nguyên chỉ nhặt lời bàn ngoài đường, không đáng nghe!”

Thiên tử phán:

“Việc An Nam đã sai trọng thần đến bàn định; các quan khác không được nói hàm hồ thêm nữa. [12]

Kế hoạch mà bọn Mao Bá Ôn và Cừu Loan vạch ra, tóm tắt cũng chỉ là “cây gậy” và “củ cà rốt”, mà người bấy giờ gọi đánh và chiêu phủ. Vua Thế Tông chấp nhận, nhưng nhấn mạnh ý đồ là phải “đạt thành công yên ổn cho cả Trung quốc và An Nam”:

Ngày 28 tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 19 [31/7/1540]

Hàm ninh hầu Cừu Loan và Thượng thư Mao Bá Ôn tâu:

“Mạc Phương Doanh phản nghịch theo pháp luật đáng tru diệt, nghe đồn nó đã chết, có thuyết nói bị sét đánh chết, tung tích ngụy trá bí mật. Nếu chúng không chịu phục tòng ngay; thì hai kế hoạch về đánh và chiêu phủ phải tiến hành. Cần dùng quan quân Hán, Thát cùng thủy quân tại Quảng Đông gồm 36.000 người; Thổ binh tại Quảng Tây gồm 75.000 người, 38 vạn thạch lương, 88 vạn lạng bạc, 60 vạn con ngựa. Cũng xin điều quân Thổ tại Vĩnh Thuận, Bảo Tĩnh Tuyên ủy ty thuộc tỉnh Hồ Quảng; thủy quân tại Chương Châu, Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Xin thỉnh cầu lưu dụng số tiền thuế lương thực, thuế mỏ bạc gồm 23.700 lượng, tiền thuế muối, sắt 107.000 lượng mà ty Bố chánh Quảng Đông chưa nạp về kinh. Các quan Lưỡng Quảng, Vân Nam đáng phải về triều như Hữu Bố chánh sứ Hồ Tông Minh, cùng các chánh quan tại các ty, phủ, châu, huyện, được miễn về chầu tại triều. Trương Nhạc Am nguyên Tri phủ châu Liêm, nay thăng Tham chính Chiết Giang, am hiểu tình hình bọn Di, nên cải điều về Quảng Đông giữ Hải Bắc để chuẩn bị việc tiến quân.”

Bộ Binh trình cho biết, Thiên tử đều chấp nhận và phán:

“Việc An Nam Trẫm đã giao cho hai quan Đại thần lo liệu, tội cha con Phương Doanh thần và người đều muốn giết, nếu y còn sống thì cũng bị chết. Vì rằng sinh linh phương xa từ lâu bị đày đọa, Thiên binh thảo phạt thì chưa đến nơi; khanh hãy truyền bảo hai Đại thần dốc tâm trù liệu, để đạt thành công yên ổn cả Trung Quốc và An Nam. Mọi lời tâu về lưu dụng hoặc điều dụng quan viên; cùng lưu giữ tiền thuế đều chấp nhận, theo lời xin mà thi hành. Từ nay trở về sau việc tâu quân tình tại An Nam đến các cơ quan trách nhiệm, tấu phúc không quá 3 ngày.”

Lại ban chiếu cho lưu tại ty Bố chánh Quảng đông tiền thuế lương thực, muối trong các năm Gia Tĩnh thứ 17, 18, để chuẩn bị lương và thực phẩm cho quân. [13]

Nhà Minh chưa ra quân, thì lại xẩy ra một cuộc khủng hoảng khác từ trong nội bộ. Hàm ninh hầu Cừu Loan bắt viên Trấn thủ Vân Nam Đề đốc Liễu Tuần mặc quân phục đến lạy trước hàng quân để nhận lệnh. Liễu Tuần gửi kháng thư đến triều đình, vua Thế Tông bèn gọi Cừu Loan về và cho Tuần thay thế. Một võ quan cấp bực lên đến tước Hầu như Cừu Loan, ắt phải hiểu lời dạy trong binh thư rằng “quân môn tức hòa môn[14] ; vậy bắt một viên Tư lệnh cánh quân Vân Nam phải quì lạy chỉ có thể hiểu được là hành động phá bĩnh; chắc Cừu Loan cho rằng cuộc chiến với An Nam nếu phải xẩy ra thì chỉ là món gân gà của Tào Tháo rất khó nuốt, nên tìm cách thoát ra khỏi vòng:

Ngày 21 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 19 [20/10/1540]

Khi Hàm ninh hầu Cừu Loan đến Quảng Tây, đeo ấn tín của triều đình ban cho, bèn ra lệnh cho Trấn Thủ Vân Nam Đề đốc Liễu Tuần mặc quân phục, đến quì trình diện trước hàng quân. Tuần không tuân, và đưa thư chỉ trích Loan, cùng làm đơn khiếu nại đến triều đình. Thượng thư bộ Binh không giải quyết được, bèn trình lên Thiên tử quyết định. Thiên tử khiển trách Loan không thể tin cậy được, tự cao với chức quyền, ra lệnh Loan trở về kinh đô. Tuần được lệnh giữ ấn Phó Chinh Di Tướng quân và cùng Mao Bá Ôn lo liệu về việc An Nam. [15]

Dù có Cừu Loan hay không thì mọi việc vẫn được tiến hành dưới sự sắp xếp của Mao Bá Ôn. Trước hết Sứ giả của Mạc Đăng Dung đến gặp, được Bá Ôn chỉ cho biết những nghi thức về lễ xin hàng, cùng những điều kiện được hưởng. Đến ngày đã định, Mạc Đăng Dung cùng đám bầy tôi đến nơi làm đúng như lời chỉ bảo, dâng tờ biểu, rồi được tha tội. Gọi là hàng, nhưng thực chất quan quân nhà Minh không hề đặt chân đến nước ta để kiểm soát, mọi việc nội bộ do nhà Mạc toàn quyền quyết định. Với chủ trương thực dụng, vua Thế Tông và Mao Bá Ôn gạt phe Lê Ninh ra một bên, vì lực lượng phe này lúc bấy giờ chẳng có là bao; bào chữa việc làm này vua Thế Tông cho rằng họ Lê (Lê Quí Ly, Lê Lợi) không trung thành bằng họ Mạc. Nhìn qua các điều kiện về sự đầu hàng, thấy được quỹ “tín dụng” về truyền thống chống ngoại xâm của ta quá cao, nên nhà Minh tránh không dám mang quân vào gây hấn:

Ngày 4 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541]

Trước tiên Hàm ninh hầu Cừu Loan, Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn phụng mệnh, bàn kế hoạch đánh An Nam như sau:

“Từ Quảng Tây trưng điều quan binh Hán Thổ Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, Hồ Quảng. Gửi hịch đến Vân Nam lệnh tập hợp các quan ty bàn định kế hoạch. Phân chính binh làm 3 cánh, phân kỳ binh [16] làm 2 cánh, binh tại các xứ như núi Điểu Lôi làm thành cánh đường biển.”

Lại bàn:

“Binh Vân Nam tập hợp riêng, từ thác Liên Hoa chia làm 3 cánh; do Kiềm quốc công Mộc Triều Phụ, An Viễn hầu Liễu Tuần, Đề đốc quân vụ Thị lang Thái Kinh, Tuần phủ Đô ngự sử Uông Văn Thịnh xếp đặt. Lại truyền hịch cho thần dân An Nam biết chủ trương phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt của triều đình; chỉ đánh giặc là cha con Mạc Đăng Dung mà thôi, nếu ai mang quận huyện đến hàng sẽ được giao cho cai quản chính quận huyện đó; giết hoặc bắt cha con Mạc Đăng Dung đem đến hàng được thưởng 20.000 [lạng] vàng, quan cao, tên tuổi được ghi công hai ba lần. Dụ cha con Đăng Dung quả muốn trói tay chịu tội, nạp đủ số hộ tịch nhân dân, nạp cống, tuân theo mệnh, sẽ được tha tội chết. Bá Ôn trú quân gần biên giới, Đăng Dung nghe tin, sai Sứ đến cửa quân xin hàng, lời lẽ rất khiêm tốn. Bọn Bá Ôn đã được lệnh trước của triều đình, nên cho hẹn vào ngày 3 tháng Một năm Gia Tĩnh thứ 19 [1540] đến hàng. Lúc này con Đăng Dung là Phương Doanh đã chết, cháu là Phúc Hải ở lại trông coi nước; Đăng Dung và cháu là Văn Minh và Tù trưởng là bọn Nguyễn Như Quế hơn 40 người cầm thước, đeo dây lụa quanh cổ [17] , đi chân trần khúm núm đến nơi thiết triều nghi dâng biểu xin hàng; lại khúm núm đến cửa quân dâng sổ hộ tịch, đất đai, quân số, và xin được phân xử. Việc châu Khâm tâu rằng bị chiếm đất 4 động, tình nguyện đưa đất đó vào nội thuộc. Lại xin được ban lịch Chính Sóc và xin được giữ lại ấn cũ [18] để đợi sự định đoạt.

Ngay lúc đó Bá Ôn tuyên dụ uy đức của triều đình, rồi cho tạm thời trở về nước để đợi mệnh. Bá Ôn cùng các quan Thủ thần dâng sớ:

“An Nam sợ uy tự trói mình chịu tội; Lê Ninh kia tự xưng là dòng dõi nhà Lê, nhưng phổ hệ [19] không rõ ràng, không có gì để kê cứu. Xin tha cho Đăng Dung, bắt bỏ tước cũ, rồi xét để ban cho chức tước mới. Lại sai người đưa Văn Minh cùng các Tù trưởng đến kinh đô để dâng biểu xin hàng. Biểu như sau:

“Thần trộm tâu rằng chúa cũ họ Lê cuối đời gặp cảnh truân chiên, lần lượt mất. Đến Lê Quảng [vua Lê Cung Hoàng] trông coi nước chưa được bao lâu, lại bị bệnh nguy kịch. Lúc lâm chung thảng thốt cẩu thả theo thói tục Di trao chức cho thần, thần lại trao cho con là Phương Doanh; sự việc chưa kịp tâu lên, đành mắc tội chuyên quyền. Tuy rằng kinh khuyết xa vạn dặm khó đến để tâu xin, nhưng tội lớn tầy trời không thể che dấu trong sự tăm tối. Vào năm Gia Tĩnh thứ 16 [1538-1539] cha con thần cẩn thận sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng và xin được phân xử; nhưng lòng thành không đạt đến nơi, nên không xúc động được tấm lòng của Thánh Thiên tử; trong lòng ngày đêm buồn lo không chút yên ổn. Ngày 25 tháng Giêng năm Gia Tĩnh thứ 19, con thần là Doanh chẳng may mất sớm, người trong nước theo tục xưa muốn đưa con trưởng của Phương Doanh là Phúc Hải lên thay thế, để coi sóc dân chúng; thần nghĩ việc trao chức và nhận chức trước kia đã không ổn, nay nếu chiều theo lời xin của dân chúng thì tội càng nặng thêm, không có thể tự gỡ ra được; nên thần và cháu Phúc Hải chỉ biết đợi mệnh triều đình. Chẳng bao lâu Đại tướng mang trọng binh đến sát biên giới, thần như heo trong chuồng lấy gì mà chống cự, chỉ lo cho người trong nước bị nguy trong sớm tối. May mắn thấy hịch truyền ra từ cửa quân, kính cẩn nhận lời ban của Thiên tử từ ái vô biên, thần rơi nước mắt cảm động.

Thiết nghĩ rằng thần Đăng Dung có tội, còn dân đen vô can. Thiên tử không nỡ vì lỗi của riêng thần, mà chém giết dân chúng. Thần may mắn được vì dân chúng, nên không tiếc chút hơi tàn. Bởi vậy từ trong nước ngưỡng vọng núi Tung sơn nơi phương bắc, hô Tiểu mục Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Thực; kỳ lão Lê Thuyên, nhân sĩ Nguyễn Kinh Tế; vào ngày mồng 3 tháng Một năm Gia Tĩnh thứ 19 đeo giây vấn cổ, ra khỏi biên giới, rập đầu xin hàng.

Thần Đăng Dung muốn được đến kinh đô chiêm bái và xin chịu tội chết, nhưng thân già không thể lom khom tới nơi, cháu nội thần Phúc Hải đang chịu đại tang không thể đi xa; thần chỉ biết sai cháu là Mạc Văn Minh, cùng với quan cựu thần triều cũ là Hứa Tam Tĩnh, Nguyễn Giản Thanh [20] ; tiểu thần Nguyễn Giá Tộ đến kinh khuyết chịu tội. Cúi mong Thánh triều thương xót tha tội, cho tự đổi mới, đất đai đều là của Thiên triều [21] , chỉ xin được theo ý nguyện của dân Di, tùy nghi mà khu xử; được nội thuộc, mãi mãi xưng phiên thần; cùng xin theo lệ phiên thuộc được ban lịch Đại Minh Nhất Thống để in ra, truyền bá trong nước cùng phụng sự lịch Chính Sóc thì thật là may mắn to lớn. Tuy tại nước thần các họ Đinh, họ Trần, họ Lê kế tục xưng hiệu và kỷ nguyên, riêng thần đã nghiêm lệnh người trong nước bỏ đi, để đợi mệnh; đâu dám dẫm vào sự sai lầm cũ, để hứng lấy sự trừng phạt của Thiên triều.

Mới đây thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông Lâm Hy Nguyên xưng rằng các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy thần xin vâng lời. Nước thần trước đây khiếm khuyết việc triều cống, từ các năm sau xin chia ra để cống bù vào lệ cống phương vật hàng năm. Thần không dám nói cẩu thả, vì đương chịu tội, cầu miễn tội chết mà còn chưa được! Nhưng thần và người trong nước muốn theo lệ triều trước, hiến người vàng người bạc thay thế, sợ bị tội đường đột nên tâu lên để được chỉ giáo. Còn ấn Thiên triều ban cho Quốc vương trước kia, thần Đăng Dung chỉ dám cẩn thận giữ, không dám tự tiện dùng.”

Ngoài ra Di mục Nguyễn Như Quế tâu thêm vào sớ:

“Đăng Dung thực được Quảng phó thác; vì đường sá cách trở nên chưa tâu lên triều đình được. Nay họ Lê đã tuyệt tự không có người nối dõi, xin tha thứ cho Đăng Dung tội, để được cai quản dân chúng, hầu miễn được sự loạn lạc khác.”

Chiếu ban xuống cho đình thần bàn, rồi tâu lên rằng:

“ Nên theo lời xin của Bá Ôn và xin đặt quan chức, ban lịch chính sóc, định thể thức cống, cấp ấn tín, lấy lại 4 động, nhận sự đầu hàng, khoản đãi sứ Di, khám về việc Lê Ninh, tra xét về binh mã v.v..”

Thiên tử phán:

“An Nam thời xưa thuộc Trung Hoa, đời Tống được ban tước Vương nên bắt đầu chìm đắm vào Di tục; đến cuối đời Trần lại biết mộ điều phải nạp cống, được vua Thái Tổ ta khen thưởng, dặn con cháu không đánh nước này. Lòng nhân của Đế Vương đối với nước này hậu lắm thay! Chỉ nhân việc viên quan nước này là Lê Quí Ly giết vua Trần Nhật Côn, lại giết cả người cháu là Trần Thiêm Bình, đại nghịch bất đạo vị Văn Tổ [vua Thái Tông] giận dữ, sai tướng bình định chia làm quận huyện, để đưa người Giao Chỉ ra khỏi nước lửa. Không ngờ Lê Lợi lại quấy mưu gian, lừa dân chúng làm loạn, rồi dùng lời lẽ bất chính xin phong tước. Hoàng đế Tuyên Tông ta muốn quân được nghĩ ngơi, lại nhớ đến lời của vua Thái Tổ xưa, vì họ Trần mà thương xót dân Giao Chỉ, nên bỏ qua không hỏi đến. Qua mấy triều đại, đến khi ta lên ngôi đã lâu mà không thấy họ Lê triều cống, bèn sắp sai người phạt tội, nhưng rồi sự việc được tra khám, tâu lên mới biết rằng có cha con Mạc Đăng Dung chiếm nước. Nhân tội trạng chưa rõ ràng, lại sợ đánh giết sẽ phạm vào người dân vô tội, nên tạm sai văn võ Đại thần tùy theo tình trạng mà chiêu phủ hay tiễu trừ.

Nay Mạc Đăng Dung tự trói đến cửa quân xin chịu tội, khác với hai họ Lê kia [chỉ Lê Quí Ly, Lê Lợi] hung hãn. Xem biểu xin hàng, cùng người trong nước thay thế trần tình, xin được tha thứ để lo cho dân Giao, xin bỏ tước Vương, không gọi là nước để miễn loạn tặc tiếp tục làm phản. Lại nói rằng họ Lê không có người nối dõi, và từ lâu người Giao đã qui phụ Đăng Dung; xin chuẩn cho nhận chức, ban ấn, được phụng thờ lịch Chính Sóc, triều cống và xin được đặt quan chức tại địa phương để cai trị dân. Triều đình không mưu lợi đối với dân này, đất này; bộ Binh, Hộ, Lễ hãy triệu tập đình thần họp bàn rồi tâu lên.”

Sau khi bàn bạc rồi phúc tấu, Thiên tử mệnh:

“Giáng nước An Nam làm An Nam Đô thống sứ ty, cho Mạc Đăng Dung làm quan An Nam Đô thống sứ Tòng Nhị phẩm, con cháu thế tập, được cấp ấn bạc. Tất cả các hệ thống trộm thiết lập trước kia đều bị hủy bỏ; đặt ra Tuyên phủ ty cho 13 lộ như Hải Dương, Sơn Nam vv..mỗi nơi đặt môt viên Tuyên ủy Đồng tri Phó sứ Thiêm sự. Đăng Dung được quyền thăng, giáng, chuyển đổi, hoặc cho thế tập. Ty Phiên Quảng Tây mỗi năm cấp lịch Đại Thống để phụng theo Chính Sóc, vẫn ra lệnh 3 năm cống một lần, hoàn lại 4 động đã xâm chiếm cho châu Khâm, lệnh Phủ thần Lưỡng Quảng gia tăng thưởng tuất. Không cần phải phúc trình về số lượng tiền, ngũ cốc, binh giáp. Lệnh Thủ thần khám hỏi về việc Lê Ninh, nếu là con cháu họ Lê thì cấp cho 4 quận đang chiếm giữ để nối dõi, nếu không thì bị truấtr. Mạc Văn Minh và các Sứ thần khác của Di và những người bạn tống đều được ban thưởng... [22]

Biểu tóm tắt các điều kiện đầu hàng

Danh
Thực
Giáng từ nước An Nam xuống Đô thống sứ ty An Nam.
Giáng từ tước Vương xuống Đô thống Tòng Nhị phẩm.
Đổi 13 lộ thành 13 Tuyên phủ Ty.
Bỏ ấn vàng cấp ấn bạc.

Con cháu được thế tập nối dõi.
Phải đưa nạp cho Trung Quốc 4 động.
Không phải trình báo về tiền, lương thực, binh giáp.
Được quyền tuyển đổi, thăng giáng, thế tập quan chức.
Không có quan quân Minh trong nước.


Trong số người tham dự cuộc đầu hàng có hai khoa bảng nổi tiếng triều Lê là Nguyễn Giản Thanh, tức Trạng Me và Hứa Tam Tĩnh, tức Trạng Ngọt; tên tuổi hai vị này đều được khắc trên bia đá tại nhà Văn Miếu, Hà Nội; riêng Nguyễn Giản Thanh còn để lại tác phẩm như Thương Côn Châu Ngọc Tập, và Phụng Thành Xuân Sắc Phú. Trong hoàn cảnh không quá bức bách, lúc này (1481 ? ) Nguyễn Giản Thanh đã đã 60 tuổi, Hứa Tam Tĩnh chắc cũng tuổi tương tự, hai người có thể lấy cớ già yếu để khỏi lặn lội đến ải Nam Quan, khúm núm làm lễ qui hàng. Nhưng hai người này đều có mặt! Việc làm của hai kẻ sĩ này khó giải thích, phải chăng các vị đã dựa vào câu nói của thầy Mạnh Tử Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh để hành xử?

Xét thời cuộc lúc bấy giờ đất nước chia rẽ “năm phe, bảy phái”; để quân Minh tràn vào lúc đó là một thảm họa, nên đành chọn giải pháp đầu hàng có tính cánh hình thức để dân được yên chăng? Gọi là hình thức vì trong nước vẫn còn vua nhà Mạc là Phúc Hải cầm quyền, nếu trong trường hợp bị phản bội còn có thể xoay xở được; còn điều kiện đầu hàng, như trong biểu tóm tắt ghi, thì không có một tên lính hoặc quan lại nhà Minh có mặt tại nước ta.

Xét về phương diện xã tắc ta mất 4 động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng, được gọi là đất cũ của châu Khâm; phần mất mát đó không đến nỗi quá lớn.

Còn về quân vi khinh, thì hãy trích những lời trong tờ biểu của Mạc Đăng Dung:

“Thiết nghĩ rằng thần Đăng Dung có tội, còn dân đen vô can. Thiên tử không nỡ vì lỗi của riêng thần, mà chém giết dân chúng. Thần may mắn được vì dân chúng, nên không tiếc chút hơi tàn.”

Phải chăng trong chặng đường cùng, người đứng đầu nước là Mạc Đăng Dung và cả kẻ sĩ như Nguyễn Giản Thanh, Hứa Tam Tĩnh đã chọn dân làm ý thức hệ để nương dựa?

15/7/2007



[1]Minh Thực lục v. 80, tr.4282 4283; Thế Tông q. 205, 4b 5a.
[2]Minh Thực lục v. 80, tr. 4341-4343; Thế Tông q. 210, tr.4a 5a.
[3]Minh Thực lục v. 80, tr. 4350-4352; Thế Tông q. 211, tr. 2b 3b.
[4]Minh Thực lục v. 80, tr. 4549-4550; Thế Tông q.220, tr. 9a 9b.
[5]Hành tại là nơi vua trú khi đi ra khỏi kinh đô.
[6]Chỉ Minh Thực lục.
[7]Minh Thực lục v. 81, tr.4647-4649; Thế Tông q. 224, tr. 4a 5a.
[8]Minh Thực lục v. 81, tr.4647-4649; Thế Tông q. 224, tr. 4a 5a.
[9]Theo sử nước ta gọi Mạc Phương Doanh là Mạc Đăng Doanh.
[10]Minh Thực lục v. 81, t, 4593-4595; Thế Tông q. 221, tr.16a 17a.
[11]Minh Thực lục v. 81, tr. 4719-4721; Thế Tông q.227, tr. 8a 9a.
[12]Minh Thực lục v. 81, 4815-4817; Thế Tông q.236, tr. 2a 3a.
[13]Minh Thực lục v. 81, tr. 4849-4850; Thế Tông q.238, tr.8a 8b.
[14]Quân môn tức hòa môn: ý nói trong quân nội bộ phải hòa thuận.
[15]Minh Thực lục v. 81, tr. 4880; Thế Tông q.241, tr. 4b.
[16]Kỳ binh: loại quân đặc biệt dùng để tập kích.
[17]Đeo dây biểu thị tự trói mình, cầm thước tượng roi biểu thị tự nhận hình phạt.
[18]Ấn cũ: ấn trước kia ban cho vua Lê.
[19]Phổ hệ: gia phả ghi từng đời trong họ nhà vua. Theo Toàn thư Lê Ninh tức vua Trang Tông là con vua Chiêu Tông. Khi Mạc Đăng Dung tiếm hiệu cướp ngôi, vua tránh về Thanh Hóa. Thái sư Hưng quốc công Nguyễn kim cho người dò tìm, đón vua sang nước Ai Lao tôn lập.
[20]Hứa Tam Tĩnh và Nguyễn Giản Thanh là hai vị khoa bảng triều Lê, cùng dự một khoa thi Hội. Nguyễn Giản Thanh đậu nhất giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên) năm Đoan Khánh thứ 4 [1508], khoa đó trong kỳ thi hội bài của Hứa Tam Tĩnh hay hơn bài của Nguyễn Giản Thanh, nhưng khi vào thi Đình thì bài phú Phụng Thành Xuân Sắc của Nguyễn Giản Thanh hay hơn, nên được lấy đỗ Trạng nguyên cao hơn Hứa Tam Tĩnh. Người địa phương có câu Trạng Me đè Trạng Ngọt vì làng Me là tên làng quê của Nguyễn Giản Thanh, làng Ngọt là tên Nôm làng của Hứa Tam Tỉnh. (theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, q. 2, mục 292.)
[21]Câu này lấy từ lời nói sáo xưa Phổ thiên chi địa mạc vi vương thổ (đất đai khắp cõi trời này, không chỗ nào mà không thuộc về Thiên tử); chứ không phải thực sự dâng hết đất đai cho Trung Quốc.
[22]Minh Thực lục, v. 82, trang 4966-4973; Thế Tông q. 248, tr. 1b 5a.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và phát triển – Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, các số 3(62) (tr. 109-122) & 4(63) (tr. 106-117), 2007