trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
14.4.2008
Đoàn Cầm Thi
Nhà phê bình không làm từ thiện
 
Thân mến gửi Nhỏ Thanh,

Cám ơn bạn đã nhận xét: “Theo dõi loạt bài của chị Đoàn Cầm Thi viết về mấy nhà thơ, trong đó có Đỗ Kh. và Đinh Linh, trong thời gian gần đây, em phát hiện được một điều là chị phát hiện được nhiều cái rất mới lạ, những điều mà nhiều người khác có nằm mơ cũng không thấy được”.

Nhưng bạn lại lo vì kiểu chơi chữ "chân” “khó có thể dịch sang các ngôn ngữ khác”, tôi thấy cần có mấy lời giải thích.

Nhỏ Thanh ạ, đó chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện” với một người làm nghề dịch thuật văn chương như tôi. Văn chương mà không chơi chữ thì chơi gì? Nếu quả như bạn nghĩ, thì ai dám dịch Truyện Kiều vì hai chữ "tài” và “tai” của thi hào họ Nguyễn (“Chữ tài liền với chữ tai một vần”)? Ấy thế mà tác phẩm này đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Nguyên tiếng Pháp đã có đến mấy bản khác nhau. Công chúng Pháp, dù "mù" chữ Việt, vẫn tấm tắc ngợi ca Nguyễn Du. Và đó là bằng chứng về thành công của bản dịch.

Bản dịch Pháp văn tuyển tập Thực đơn chủ nhật (NXB Actes Sud, 1997) của Phạm Thị Hoài là một trường hợp khá ly kỳ. Nó được Colette Kowalski dịch từ bản tiếng… Đức (theo yêu cầu của tác giả), và như vậy không phải second hand nữa mà cấp độ thứ ba. Nhưng chỉ cần đọc câu đầu của "Thực đơn chủ nhật" trong bản tiếng Pháp, tôi bị hút ngay bởi nhạc điệu rất riêng của Phạm Thị Hoài: "Le dimanche je rends visite à ma grand-mère dans sa mansarde sans fenêtre, il n’y a qu’un trou d’aération, une tuile qui manque au-dessus de l’autel de grand-père, afin que grand-père ait un peu d’air frais. Dehors les nuages passent comme sur un écran de télévision…" (Chủ nhật tôi đến thăm bà ngoại trên căn gác không cửa sổ chỉ có một lỗ thông hơi bằng viên gạch đục ra phía trên bàn thờ ông ngoại cho ông ngoại được chút khí trời. Những đám mây bên ngoài trôi qua chỗ ấy như trong tivi…).

Vậy nếu cần dịch đoạn về chữ "chân" trong bài nói về Đinh Linh và Đỗ Kh., tôi nghĩ có thể viết như sau: "En vietnamien, le mot ‘chân’ a un double sens: le pied mais aussi le vrai. Et c’est dans ces deux acceptions que puise la photo de Do Kh. (…) N’est-ce pas une façon pour le poète de dire que le vrai est le seul des trois critères - ‘le vrai, le bien et le beau’ - de l’enseignement classique qu’il respecte?". Hoặc gần gần như vậy. Đây chỉ là một trong những thao tác rất cơ bản của công việc chuyển ngữ.

Tôi đã từng dịch sang tiếng Pháp thơ của Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Dần, những tác giả mà câu chữ là chuyện tối trọng. Nếu Nhỏ Thanh muốn biết hai bài thơ "Đụ vỡ sọ" và "Những công dân toàn cầu…" của Nguyễn Quốc Chánh được đón nhận ra sao, mời bạn vào tạp chí Remue.Net [1] xem nhận định của ban biên tập.

Cũng có thể lấy một vài thí dụ khác trong tuyển tập truyện ngắn Tầng trệt thiên đường do tôi dịch sang Pháp văn (NXB Philippe Picquier, 2005). Truyện "Môi xanh" của Nguyễn Bình Phương, ngay cái tựa tưởng chừng đơn giản, đã là một hiểm hóc. Trong tiếng Việt, từ "xanh" vừa có nghĩa là "xanh da trời", vừa có nghĩa là "xanh lá cây". Nhưng trong tiếng Pháp, không có một từ tương đương như vậy. Cho nên dịch giả là tôi phải tự quyết định. Cuối cùng tôi chọn: "Lèvres bleues" (có nghĩa là môi xanh… da trời!). Trong bài "Good morning Vietnam. Gặp gỡ thế hệ các nhà văn trẻ tại Hà Nội" (đã được dịch và đăng trên talawas) [2] , Thierry Leclère, phóng viên tạp chí Telerama, viết về tác phẩm này của Nguyễn Bình Phương: “Nguyễn Bình Phương là một trong những người tiên phong của cái thế hệ vừa ngạo đời vừa thầm kín này. Thế giới của anh mang tính điện ảnh, nhiều ảo ảnh, phân đôi, phản chiếu. Nó xa rời những qui tắc của nền hiện thực xã hội chủ nghĩa đến độ nhiều tiểu thuyết của anh đã gây chấn động. Trong Môi xanh, truyện ngắn do Đoàn Cầm Thi tuyển dịch, Nguyễn Bình Phương phác hoạ một gia đình mang trên mình dấu ấn như sắt nung đỏ của hãm hiếp và loạn luân". (Telerama, 12.02.2005)

Về truyện ngắn "Không có ai trói tôi" của Đỗ Kh., Natalie Levisalles trong “Việt Nam, Một thế hệ các nhà văn mới không vướng bận những đổ vỡ lý tưởng” đăng trên Libération ngày 3.3.2005 (đã được dịch và in trên Tiền Vệ [3] ) tâm đắc một câu lắt léo "rất Đỗ Kh.": “Là một tập thể gì thì cũng tiện, gì cũng có, hông to vú bự đùi tròn chân dài tay thon hay xương chậu hẹp vân vân vú xẹp, cái gì cũng có hết, nếu cả ba cộng lại”. Natalie Levisalles tỏ ra nhạy cảm với không khí đặc trưng của truyện ngắn Đỗ Kh.: "Một doanh nhân, nhân dịp ghé Băng Cốc, quan sát những phụ nữ nước ngoài. Nói là anh ta mê cuồng lên khi nhìn ngắm họ thì quả là hơi quá lời. Đúng hơn là anh ta mơ màng đôi chút. (…) Thúc đẩy bởi sự buồn chán hơn là viễn tưởng một đêm nồng cháy, anh ta hỏi: ‘Xin lỗi, các cô cần đàn ông kết bạn?’ ".

Bài điểm sách của Tâm Van Thi, trong Magazine littéraire số tháng Tư năm 2005 (đã được dịch và in trên Tiền Vệ [4] ), không ngần ngại bình luận về lối viết của các tác giả trong Tầng trệt thiên đường, đặc biệt của Ngô Tự Lập và Bùi Hoằng Vị. Xin lưu ý đây cũng là hai nhà thơ, với họ câu chữ là vấn đề hàng đầu: "Hình thức lại trở thành vấn đề có tính chất thời sự và cuộc săn đuổi nghệ thuật lại dấn sâu vào vùng đất màu mỡ của ngôn từ, điều này được thể hiện trung thành qua bản dịch tuyệt đẹp của Đoàn Cầm Thi. Các nhà văn trẻ dành cho kỳ lạ, bí ẩn và huyễn tưởng một ví trí xứng đáng. Trong "Thợ đào đá truyền kiếp" (Ngô Tự Lập), người đọc vừa đi vừa mò mẫm: trong một thế giới mờ ảo, một người đàn ông đào một cái hố nơi ông ta tin là đã chôn một đứa bé do chính ông ta giết chết. Cùng với cuộc kiếm bới bất thành, là một cuộc đi tìm văn chương đầy tế nhị và tinh vi. Hai mươi năm sau, nhà văn Việt từ bỏ những đổ vỡ lý tưởng và tìm lại phận sự đầu tiên của thi sĩ — ngợi ca cái đẹp thần thánh: ‘Sẽ chỉ còn lại một mình anh thôi, và thế cũng đủ để hoàn thành sứ mệnh làm chứng cho nỗi vô nghĩa bí ẩn và vĩnh cửu của tồn tại Thiên đường’…” (Bùi Hoằng Vị)".

Một nhà văn có chữ nghĩa không kém điêu luyện mà tôi chọn dịch nữa là Thuận. Thử xem Natalie Levisalles đọc Thuận như thế nào nhé: ’What do you like for your breakfast?" của Thuận (…) là một tiểu tuyệt tác vừa hài hước vừa luyến tiếc. “What do you like for your breakfast? Coffee and bread and butter” trở đi trở lại như điệp khúc một bài hát mà từng khổ sẽ là một cuộc bỏ trốn gần như ảo tưởng, danh sách đi chợ của một thiếu phụ, giấc mơ về một cuộc đời khác được cụ thể hoá qua phương pháp học tiếng Anh Stream Line, và cuối cùng là một khoảnh khắc hạnh phúc với một đồng nghiệp nam: ‘Cô đinh ninh giữa khúc bánh mì không thể có gì khác ngoài một lát bơ mỏng. Nhưng mỏng thế nào thì cả anh lẫn cô đều không biết đích xác’” (Libération 3.3.2005).

Nhỏ Thanh có thể vào tạp chí Eurasie.net [5] xem Emmanuel Deslouis hào hứng với văn phong của Thuận. Nhận xét của Emmanuel Deslouis về các tác phẩm của tập Tầng trệt thiên đường cũng thiên về nghệ thuật: “Các tác giả tung hứng chữ và các dạng thái một cách kỳ tài…”.

Tóm lại, việc Nhỏ Thanh lo là có cơ sở. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng vượt qua được những khó khăn trong chuyển dịch không phải là không khả thi.


*


Cuối cùng, khi Nhỏ Thanh cho rằng: “những phát hiện mới mẻ của chị Đoàn Cầm Thi đối với thơ của Đỗ Kh. tưởng như rất tốt cho ảnh, hoá ra lại có tác dụng ngược lại”, tôi muốn nói vài lời với bạn về công việc phê bình.

Tôi không cho rằng nhà phê bình là người làm từ thiện. Sự chọn lựa nghiên cứu văn học đương đại của tôi xuất phát từ hai nguyên nhân: nghề nghiệp đã đành nhưng đó còn là một nhu cầu cá nhân. Đọc, viết, dịch những người cùng thời là một hạnh phúc với tôi. Qua tác phẩm của họ, tôi tìm cách hình dung thế hệ và thời đại của mình. Và điều đó tôi tìm thấy không chỉ ở các nhà văn Việt mà trong mọi nền văn hoá.

Cho nên, các bài phê bình hay dịch thuật của tôi không có mục đích làm điều “tốt” cho các tác giả. Vả lại, Nhỏ Thanh thử nhìn mà xem, một bài, hay bốn bài của tôi đi chăng nữa, có thay đổi gì cho văn nghiệp của một tác giả như Phạm Thị Hoài? Trước khi xuất hiện trong tuyển tập Tầng trệt thiên đường, Đỗ Kh., Trần Vũ, Phan Thị Vàng Anh, Ngô Tự Lập, đã được dịch và giới thiệu ra nhiều thứ tiếng. Còn Đinh Linh, Thuận, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Hằng Vị, Nguyễn Hữu Hồng Minh… thì bạn thấy đó, họ đâu có đợi tôi để “nổi tiếng”?

Tôi nghĩ rằng, một nhà văn đích thực không cần đến sự hỗ trợ của dịch giả hay nhà phê bình. Trần Dần là một ví dụ. Nếu quả như cái án 50 năm “nằm” là bi kịch của đời ông, thì Trần Dần, bằng khả năng sáng tạo phi thường, đã vượt qua được bi kịch ấy. Sự kiện gần đây về tập Trần Dần – Thơ chứng tỏ hơn mười năm sau sự ra đi của ông, di cảo Trần Dần vẫn được người đọc và giới nghiên cứu mong mỏi đón chờ.

Trường hợp (đương nhiên là cực đoan) của Trần Dần, chứng minh rằng sáng tác và phê bình là hai lĩnh vực có thể độc lập. Cá nhân mình, tôi luôn nghĩ rằng các nhà văn mang lại cho tôi nhiều hơn là tôi mang lại cho họ.

Paris 13 tháng 4 năm 2008

© 2008 talawas



[1]http://remue.net/spip.php?article1355
[2]http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3857&rb=0102
[3]http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?
action=viewArtwork&artworkId=3542

[4]http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?
action=viewArtwork&artworkId=3542

[5]http://www.eurasie.net/webzine/Au-rez-de-chaussee-du-Paradis.html