trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
2.8.2008
Bùi Văn Phú
Xanh vỏ đỏ lòng
 
Đọc tựa bài chắc bạn đọc nghĩ đến chuyện cơm áo quốc gia, hồn ma cộng sản. Nhưng xin thưa là không phải vậy. Trong lòng người dân Mỹ ngày nay không còn có chuyện cộng sản, quốc gia đâu.

Mấy tuần trước tôi nhận được hai lá thư, gửi qua đường bưu điện, của hai ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ là Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Barack Obama. Xin trích dịch những đoạn quan trọng về chính sách.


1. Thư Thượng nghị sĩ Barack Obama, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Khẩu hiệu: Change we can believe in – Thay đổi chúng ta có thể tin vào.

Giống như một số ít nhân vật trong lịch sử Hoa Kỳ, Linh mục Joseph Lowery biết cần làm gì để thay đổi một quốc gia.

Ông đã từng đứng bên cạnh Tiến sĩ King trong những ngày đầu của cuộc tranh đấu dân quyền. Từ toà giảng trong giáo đường ra đến đường phố, ông đã thách thức người dân Mỹ hãy làm trọn lời hứa nguyên thủy của đất nước này về bình đẳng, công lý cho tất cả mọi người…

Đó cũng là lí do tôi ra tranh cử Tổng thống và hi vọng ông cũng sẽ đồng ý tham gia cuộc vận động này hôm nay. Bởi vì ông chia sẻ điều tôi tin, là để đối đầu với những thử thách của đất nước, thay đổi các đảng phái thì chưa đủ, chúng ta cần có cái gì mới hơn. Chúng ta cần lật qua một trang sử mới.

Những thay đổi chủ yếu - như một tinh thần mới chúng ta cần có, một tinh thần trách nhiệm và ngay thẳng, nghiêm chỉnh và hy sinh – bắt đầu với ông. Nó khởi đi bằng hàng triệu người dân ở California và trên toàn quốc cùng chung lòng đòi hỏi những điều tốt hơn…

Tôi sẽ không bao giờ quên được lí do đã cho tôi cơ hội vô cùng trọng đại để ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ, là vì có vài người nào đó, ở đâu đó đã bênh vực tôi khi mà làm điều đó là một sự nguy hiểm. Bênh vực tôi trong lúc khó khăn. Ủng hộ tôi khi mà việc đó bị coi như không mang tính quảng đại quần chúng. Nhưng vì có một số người đã ủng hộ, kéo thêm những người khác. Rồi con số từ vài nghìn người lên vài triệu người đã đứng lên. Đứng lên với lòng can đảm, với mục đích rõ ràng, bằng cách này họ đã làm thay đổi thế giới.

Hôm nay, chúng ta phải đứng dậy và nói lớn là chúng ta không chấp nhận những gì mà kẻ đa nghi đã nói là chúng ta phải chấp nhận. Trong cuộc bầu cử này, chúng ta đang vươn tới những gì chúng ta biết là có thể làm được - một dân tộc hàn gắn, một thế giới được chỉnh sửa và lấy lại niềm tin của quốc gia Hoa Kỳ.

Vì thế khi có những người khác muốn làm nản lòng và chia rẽ chúng ta – theo lối phân chia chủng tộc, sắc dân, vùng miền hay mức sống – chúng ta có thể để cho họ làm những điều đó. Chúng ta có thể chấp nhận một chính sách đẻ ra những chia rẽ, xung đột và đầy nghi ngờ như thế. Đó là một lựa chọn. Hay là một chọn lựa khác là trong thời điểm này, trong kì bầu cử này, chúng ta cùng đến với nhau và đồng thanh lên tiếng: “Không phải lúc này.”

Thời điểm này chúng ta muốn nói đến việc làm thế nào những hàng người trong phòng cấp cứu đủ mọi mầu da: da trắng, da đen, người nói tiếng Tây Ban Nha là những người không có bảo hiểm y tế; không có quyền lực để vượt qua được những nhóm vận động hành lang ở Washington. Nhưng ai sẽ là người có thể giúp những bệnh nhân này nếu chúng ta cùng làm việc đó.

Thời điểm này chúng ta muốn nói đến những nhà máy xay lúa đã đóng cửa, nơi một thời đã đem đến cuộc sống no đủ cho đàn ông, phụ nữ đủ mọi sắc dân, và những căn nhà đang rao bán đã một thời do những người Mỹ thuộc đủ mọi niềm tin làm chủ, ở mọi miền và từ mọi ngõ ngách của đời sống.

Thời điểm này chúng ta muốn nói lên một sự thực, là vấn đề có thực không phải một ai đó trông không giống bạn có thể lấy mất đi công việc của bạn, mà các công ti nơi bạn làm việc đã chuyển ra nước ngoài chỉ vì muốn kiếm lời nhiều hơn.

Thời điểm này chúng ta muốn nói đến những người đàn ông, những phụ nữ thuộc đủ mầu da, tôn giáo đang cùng nhau phục vụ đất nước, chiến đấu bên nhau, cùng đổ máu dưới ngọn cờ đáng kính. Chúng ta muốn bàn đến việc đưa họ trở về từ một cuộc chiến mà đáng lẽ đã không bao giờ được cho phép và đã không bao giờ được để cho xảy ra. Chúng ta sẽ chứng tỏ tinh thần yêu nước bằng cách chăm lo cho những cựu chiến binh, gia đình họ và cho họ hưởng những quyền lợi đáng được hưởng…


2. Thư Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà. Khẩu hiệu: Leadership we can believe in – Lãnh đạo chúng ta có thể tin vào.

Chọn lựa mà nước Mỹ sẽ phải quyết định vào tháng Mười Một thì rất rõ ràng.

Đó sẽ là chọn lựa giữa một chính quyền cấp tiến nhất trong lịch sử cận đại hay một Tổng thống sẽ duy trì những lí tưởng bảo thủ lâu đời với một chính quyền thu gọn, quốc phòng mạnh và nhiều tự do cá nhân.

Ông biết quan điểm của tôi như thế nào – đó là những gì đã ghi trong hồ sơ thành tích phục vụ của tôi.

Từ ngày vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ năm tôi 17 tuổi, đến những năm ở Việt Nam và trong thời gian tôi làm dân cử đại diện cho cư dân bang Arizona tại Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, tôi đã may mắn có cơ hội phục vụ. Đây thật là một vinh dự cho tôi được phục vụ tổ quốc và lí tưởng cao cả - là sự tự do - gần như cả đời tôi…

Ngay bây giờ tôi đang tham gia vào một cuộc chiến quan trọng nhất đời. Nếu tôi đã học được điều gì trong những tháng qua khi đi vận động và lắng nghe tiếng nói người dân của quốc gia vĩ đại của chúng ta, đó là:

Chiến thắng chỉ đến khi chúng ta cùng đoàn kết bên những lí tưởng cốt lõi về tự do cá nhân, chính quyền thu gọn và lòng can đảm hi sinh để bảo vệ tổ quốc là điều mà tôi tin, cũng như ông và hầu hết dân Mỹ đều tin như thế…

Từ trước đến giờ tôi đã nói rằng tôi không tranh cử để chỉ làm Tổng thống, mà là để thực hiện những gì tôi tin. Tôi tranh cử để gìn giữ nước Mỹ được an toàn, thịnh vượng và đáng hãnh diện. Tôi tranh cử để tái lập niềm tin của người dân Mỹ vào chính phủ. Tôi tranh cử để con cháu chúng ta sẽ có những cơ hội tốt đẹp hơn là những gì chúng ta đã được hưởng.

Tôi tranh cử để mỗi người dân của đất nước này, hôm nay cùng những thế hệ mai sau, sẽ biết được niềm hãnh diện đáng quí nhất và gia tài của đời tôi là: hãnh diện được làm công dân Hoa Kỳ…

Chưa bao giờ, trong khoảng thời gian còn nhớ được, đã có sự khác biệt sâu xa trong hướng đi mà những ứng viên muốn đưa nước Mỹ tiến đến.

Đảng của Thượng nghị sĩ Clinton và Obama sẽ đầu hàng Al Qaida ở Iraq và rút quân dựa theo một thời biểu tùy tiện.

Chủ trương của tôi là phải thắng cuộc chiến. Ở Iraq, quyền lợi an ninh quốc gia và những lí tưởng quốc gia là một. Iraq là nơi thử thách của một thế hệ, của Hoa Kỳ, về vai trò của chúng ta trên thế giới. Sự chuyển mình của Iraq và một nền dân chủ trong an ninh là một thúc đẩy cho sự tự do trong toàn vùng Trung Đông và là lời kêu gọi của thời đại chúng ta. Chúng ta cần phải làm, có thể làm được và sẽ thành công.

Đảng của Thượng nghị sĩ Clinton và Obama muốn gia tăng guồng máy hành chính liên bang.

Tôi thì muốn cắt giảm. Chi tiêu vô trách nhiệm ở Washington bằng tiền thuế của bạn là một sỉ nhục quốc gia. Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến đang diễn ra để chấm dứt tình trạng chi tiêu phí phạm bằng cách phủ quyết mọi đạo luật ngân sách có những đặc lợi đi kèm, sử dụng quyền phủ quyết từng mục chi và loại bỏ những khoản chi đặc biệt lan tràn đã dẫn đến nạn tham nhũng và thiếu trách nhiệm tài chánh. Tôi sẽ không cho phép gia tăng những đặc quyền, đặc lợi đang làm khánh kiệt chúng ta. Trái lại, tôi dự định sẽ cải tổ những chương trình này để chính phủ không còn thói quen hứa với dân những điều không thể làm được.

Đảng của Thượng nghị sĩ Clinton và Obama sẽ tăng thuế của chúng ta.

Tôi muốn cắt giảm thuế. Theo quan điểm của tôi, chính sách thuế cần đơn giản, công bình và thấp xuống đến mức có thể. Tôi sẽ làm việc để thu hồi lại đạo luật “Chọn lựa khác cho chính sách thuế tối thiểu” (Alternative Minimum Tax) mà 25 triệu gia đình trung lưu sẽ phải trả; cắt giảm vĩnh viễn thuế thu nhập và thuế đầu tư; soạn thảo luật tăng thuế với điều khoản khó hơn là nếu quốc hội muốn tăng thuế thì phải có đa số 3 phần 5.

Đảng của Thượng nghị sĩ Clinton và Obama sẽ đưa ra chính sách giải quyết bảo hiểm y tế làm nặng gánh chính phủ.

Cách giải quyết của tôi là cung cấp cho các gia đình với bảo hiểm y tế chất lượng bằng cách gắn nó vào với sức cạnh tranh của thị trường, trong khi cho người dân được tự do tối đa trong việc chọn lựa chương trình bảo hiểm y tế thích hợp. Tôi tin rằng việc chính phủ can dự vào không phải là đáp án cho vấn đề giá bảo hiểm y tế tăng. Chính việc chính phủ can dự vào mới là vấn đề.

Một Tổng thống của Đảng Dân chủ sẽ bổ nhiệm những thẩm phán liên bang có ý đồ thay đổi chính trị, những thẩm phán sẽ tự họ viết nên những chính sách quốc gia hay có những ý đồ chính trị. Tôi sẽ bổ nhiệm những thẩm phán với thành tích được chúng ta tin tưởng và có kiến thức trọn vẹn về tầm quan trọng của việc sử dụng hệ thống tư pháp để giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ và những luật lệ đã được viết ra - chứ không phải để viết ra những luật mới – và là những người chúng ta có thể tin được là sẽ tôn trọng giá trị của dân là những quyền, luật lệ và tài sản mà họ đã tuyên thệ bảo vệ.

Đây là một vài sự khác biệt sẽ quyết định cuộc bầu cử này. Đó là những khác biệt quan trọng, và tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ những giá trị bảo thủ và tiếp tục hết lòng làm việc để truyền đạt những lí tưởng và tầm nhìn cho tương lai Hoa Kỳ - một cách trong sáng và thực tâm.


3. Đảng, đoàn ở Mỹ

Các ứng viên Tổng thống gửi thư cho tôi, chẳng phải tôi là một VIP (Very Important Person, một nhân vật quan trọng) mà chỉ là một cử tri trong số trăm triệu cử tri Mỹ đang phân vân không biết sẽ bầu chọn ai làm người lãnh đạo vào tháng Mười Một sắp tới.

Khi những lá thư này đến tay tôi, nhiều triệu người Mỹ khác cũng nhận được vì đây là một cách vận động trong mùa bầu cử. Ngoài những tâm tình, những chính sách phác hoạ, những lá thư này còn mời gọi đóng góp tài chánh cho quĩ tranh cử của mỗi ứng viên, từ vài đô-la cho đến tối đa là 2.300 đô-la mà một cá nhân có thể đóng góp cho một ứng viên Tổng thống.

Trong sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ không chỉ có Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Đó là hai chính đảng. Ngoài ra còn nhiều đảng khác đăng kí hoạt động và có đưa người ra ứng cử là American Independent Party, Green Party, Libertarian Party và Peace and Freedom Party.

Việc gia nhập một đảng hay rút lui, đổi đảng ở Mỹ thật dễ, không cần phải có sự giới thiệu, không cần có thời gian làm đối tượng. Chỉ cần ghé ngang qua những cơ quan nhà nước như sở lưu thông hay bưu điện lấy tờ đơn ghi danh tham gia bầu cử, rồi muốn vào đảng hay đổi đảng chỉ cần điền vào chỗ thích hợp, gửi đi. Thế là xong.

Tháng trước là thành viên Đảng Cộng hoà, vài tháng sau thành Dân chủ, ít lâu sau lại theo Đảng Xanh thì cũng chẳng sao, tự mình chọn lựa, chẳng ai biết, chẳng phải tham gia hội họp, chẳng phải đóng tiền đảng viên. Chán không muốn vào đảng nào thì điền ô “Decline to State” (DTS, có nghĩa là từ chối không nêu đảng).

Mấy chục năm trước, phải là thành viên của một đảng thì cử tri mới được đề cử ứng viên đảng đó tranh cử trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Ngày nay tại nhiều bang, Đảng Dân chủ đã cho phép cử tri không theo đảng nào được quyền bầu cho ứng viên dân chủ, trong khi Đảng Cộng hoà vẫn còn giới hạn cho đảng viên của mình.

Trong lịch sử sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ, có cố Tổng thống Ronald Reagan đã đổi đảng từ Dân chủ sang Cộng hoà, có đại sứ Mỹ ở Liên hiệp quốc là bà Jeanne Kirkpatrick cũng đổi đảng như Tổng thống Reagan. Gần đây có Thượng nghị sĩ Jim Webb từ bang Virginia, trước kia là người của Đảng Cộng hoà, khi ra ứng cử thì là đảng viên Dân chủ. Bang Connecticut có Thượng nghị sĩ Joe Lieberman làm phó cho ứng viên Tổng thống Al Gore trong kì bầu cử năm 2000, sau đó không được cử tri Đảng Dân chủ đề cử tái ứng cử thượng viện nên ông đã đổi sang tư cách một ứng viên nghị sĩ độc lập và tái đắc cử.


4. Xanh hay đỏ

Năm nay, trong thời gian tranh cử sơ bộ của Đảng Dân chủ đã có hai ứng viên sáng giá là Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Barack Obama đánh nhau tơi bời trong nhiều tháng. Thượng nghị sĩ Obama đến nay coi như sẽ được Đảng Dân chủ chính thức tiến cử vào cuối tháng này.

Khi Thượng nghị sĩ Barack Obama, người da đen, đạt được số phiếu đại biểu nhiều hơn nữ nghị sĩ Hillary Clinton, đã có những cử tri trung thành với bà cho biết là họ sẽ nhảy thuyền, qua ủng hộ ứng viên đảng đối lập là Thượng nghị sĩ John McCain. Cách đây ít lâu, một đại biểu của Thượng nghị sĩ Clinton đã nói với truyền thông là nếu Đảng Dân chủ chọn Thượng nghị sĩ Obama, bà ta sẽ bỏ phiếu cho ứng viên John McCain. Tức thì ban lãnh đạo Đảng Dân chủ đã rút lại vai trò đại biểu của bà.

Hiện nay, theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận quần chúng thì ứng viên Dân chủ Barack Obama hơn điểm ứng viên Cộng hoà John McCain. Nếu với đà này, ứng viên Obama sẽ tiến thẳng đến Bạch Cung vào tháng 11 tới đây.

Nhưng giới quan sát cũng lo ngại tình trạng xanh vỏ đỏ lòng của cử tri.

Đảng Dân chủ Mỹ chọn con lừa làm biểu tượng, trong khi Cộng hoà chọn con voi. Về mầu sắc, mầu đỏ tượng trưng cho Cộng hoà, mầu xanh (như mầu trong cờ Mỹ) là mầu Dân chủ.

Trong ngày bầu cử, cử tri sẽ tự do lựa chọn theo ý nguyện của mình. Mọi chuyện có thể đổi trắng, hay thay đen trong phòng bỏ phiếu. Cộng hoà bầu cho Dân chủ là đỏ vỏ xanh lòng, còn Dân chủ mà bỏ phiếu cho Cộng hoà thì đúng là xanh vỏ đỏ lòng.

Chuyện đó chẳng có liên quan gì đến quốc gia hay cộng sản mà là quyền tự do chọn người lãnh đạo cho mình. Một quyền bình đẳng giữa tất cả mọi người, từ Tổng thống xuống đến người dân thường vì mỗi người chỉ có một lá phiếu.

© 2008 talawas