trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
4.8.2008
C. Fred Bergsten
Tiến tới một khối mậu dịch thuần châu Á?
Trần Ngọc Cư dịch
 
Lời người dịch: Qua bài “Vai trò của Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế”, đăng trên talawas ngày 23-6-2008, người đọc có thể nắm bắt một số nét phát thảo về tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Xin trích: “Cho nên đến thế kỷ XXI, khi nước Trung Quốc vĩ đại trỗi dậy trên thế giới, nếu thực sự có ý chí trỗi dậy, thực sự có ý chí vượt ra khỏi Đông Á, tranh giành bá chủ toàn cầu với Mỹ, thì Trung Quốc cần phải có một đội ngũ các nước đồng minh giống như Liên Xô và Mỹ trước đây.” Một liên minh kinh tế thuần châu Á vì thế hoàn toàn nằm trong tầm nhắm của Trung Quốc. Trong bài viết nhan đề “Quan hệ đối tác của các cường quốc đồng đẳng” (A Partnership of Equals), đăng trên Foreign Affairs tháng Bảy/ tháng Tám 2008, C. Fred Bergsten có phân tích thực chất của liên minh giả định này trong tiểu đề “Toward an Asian Bloc?” mà chúng tôi xin trích dịch dưới đây. Bergsten là giám đốc của Viện Peterson chuyên về Kinh tế Quốc tế (the Peterson Institute for International Economies).
Về quan hệ mậu dịch, cho đến nay, trong khả năng tốt nhất Trung Quốc chỉ đóng một vai trò thụ động và trong khả năng xấu nhất Trung Quốc đóng vai phá hoại. Trung Quốc không hề che giấu khuynh hướng hiện nay của mình là cố dàn xếp để tạo được những quan hệ mậu dịch song phương trong vùng - những quan hệ thiếu thực chất và có động lực chính trị - hơn là theo đuổi tự do hoá mậu dịch đa phương thông qua WTO, một nỗ lực có ý nghĩa kinh tế và đòi hỏi nhiều điều kiện hơn. Vì Trung Quốc là một nước có mức xuất siêu lớn nhất và là nước có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn thứ nhì trên thế giới, việc này đặt ra hai thách đố nghiêm trọng cho chế độ toàn cầu hiện nay. Một là, việc Trung Quốc không chịu đóng góp tích cực cho Vòng đàm phán mậu dịch quốc tế Doha chắc chắn sẽ đưa các cuộc đàm phán này đến thất bại. Bắc Kinh từng tuyên bố là mình không có bất cứ nghĩa vụ nào hết về việc tự do hoá mậu dịch và đã phát minh ra một loại thành viên WTO kiểu mới (“những thành viên mới gia nhập”) để biện minh cho sự ngoan cố của mình. Một lập trường như thế từ một cường quốc thương mại chính trên thế giới chẳng khác nào là một phiếu trắng (abstention) và thực sự bảo đảm những cuộc đàm phán Doha sẽ không đi tới đâu. Và vì hệ thống mậu dịch toàn cầu không bao giờ đứng yên một chỗ, nhưng luôn đi tới hoặc thụt lùi, sự sụp đổ của Vòng đàm phán Doha sẽ có hậu quả khá nghiêm trọng: nó đại diện cho sự thất bại đầu tiên của một cuộc đàm phán thương mại đa phương chủ chốt vào thời kì hậu chiến và vì thế đặt toàn bộ hệ thống WTO vào tình trạng lâm nguy. Đương nhiên, Trung Quốc không phải là thủ phạm duy nhất. Cho đến nay, Hoa Kì và Liên hiệp châu Âu vẫn không chịu từ bỏ chính sách bảo hộ nông nghiệp của mình, các nền kinh tế đang trỗi dậy quan trọng khác vẫn không chịu mở cửa thị trường một cách có ý nghĩa, và một số nước nghèo vẫn không chịu góp sức vào một gói cải tổ mang tính toàn cầu (a global package of reforms). Nhưng Trung Quốc, với quyền lợi to lớn đặt ra trên chiếu bạc của một nền mậu dịch thông thoáng, đang phơi bày những tương phản sâu sắc giữa những lợi ích khách quan và chính sách được công bố của tất cả các tay chơi quan trọng. Hai là, việc Trung Quốc theo đuổi những hiệp ước thương mãi song phương trong vùng với các quốc gia láng giềng có ý nghĩa chính trị nhiều hơn kinh tế. “Thoả ước mậu dịch tự do” với Hiệp hội các nước Đông nam Á (ASEAN), chẳng hạn, chỉ nhắm vào một phần nhỏ mậu dịch với các nước liên hệ; thật ra đó chỉ là một nỗ lực nhằm trấn an nỗi sợ hãi của các nước trong vùng về nguy cơ bị nước láng giềng vĩ đại khuynh loát. Lại một lần nữa đúng là, Hoa Kì và các cường quốc thương mại khác cũng đưa nhiều yếu tố của chính sách ngoại giao vào việc lựa chọn những đối tác kinh tế trong các thương ước vùng và song phương của mình. Nhưng những cường quốc này cũng đòi cho được những chuẩn mực kinh tế phần lớn phù hợp với luật lệ của WTO. Trung Quốc có thể thoát khỏi ràng buột pháp lý bởi những luật lệ này bằng cách tuyên bố mình là “một nước đang phá triển” và bằng cách lợi dụng “sự đối xử đặc biệt và chênh lệch” [dành cho các nước đang phát triển]. Nhưng một cường quốc thương mại toàn cầu mà lại khai thác những kẽ hở như thế thì chỉ tạo ra những căng thẳng quốc tế rất đáng kể. Trung Quốc cũng đang làm tổn thương hệ thống mậu dịch toàn cầu bằng cách hậu thuẫn sự hình thành một khối mậu dịch châu Á lỏng lẻo nhưng có thực lực. Mạng lưới thương ước trong vùng, một hệ thống bắt đầu bằng thoả ước giữa Trung Quốc và ASEAN, đã triển khai không ngừng để bao gồm tất cả các dạng kết hợp khác có thể thực hiện giữa các nước châu Á: các thoả ước song phương Nhật-ASEAN và Nam Hàn-ASEAN; các quan hệ đối tác song phương khác nhau có lẽ phải kể đến Trung Quốc-Ấn Độ; một kết hợp “10 + 3” gộp 10 nước trong ASEAN với ba nước Đông bắc Á, và có thể một thương ước “10 + 6” có khả năng mở rộng nhóm này để gộp thêm Úc Đại Lợi, Ấn Độ, và Tân Tây Lan. Toàn bộ nỗ lực này rất có thể tạo ra, trong vòng thập niên tới, một khu mậu dịch tự do ở Đông Á do Trung Quốc lãnh đạo.

Một quần thể mậu dịch theo vùng như thế [nếu thành hình] nhất định sẽ kích động một phản ứng trả đủa gay gắt từ Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, cũng như từ nhiều nước đang phát triển, mà nguyên nhân chính là sự phân biệt đối xử mới mẻ mà nhóm châu Á này nhắm vào họ. Nghiêm trọng hơn thế nữa, quần thể này sẽ tạo ra một chế độ kinh tế toàn cầu ba cực (tripolar) -- một phối trí có thể đe doạ những cơ cấu toàn cầu và sự cộng tác đa phương đang hiện hữu.

Những thách đố Trung Quốc đặt ra cho hệ thống mậu dịch toàn cầu biểu hiện rõ nét nhất trong việc Trung Quốc chống lại đề nghị mà Hoa Kỳ đưa ra tại diễn đàn APEC (Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) năm 2006 nhằm kêu gọi thành lập khu mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến APEC này là một nỗ lực nhằm chặn đứng sự đối đầu đang lù lù xuất hiện giữa một bên là khối mậu dịch thuần châu Á và bên kia là Hoa Kì, một cuộc đối đầu có khả năng rạch một lằn ranh ngay giữa Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên thuộc loại đàn em trong diễn đàn APEC đã nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Hoa Kì vì họ thực tình muốn đề phòng sự xung đột mậu dịch giữa hai siêu cường trong APEC. Sáng kiến này nhiên hậu sẽ củng cố nhiều thương ước mang tính ưu đãi (preferential pacts) trong vùng châu Á-Thái Bình Dương và cung ứng một Phương án Trừ bị (Plan B) có ý nghĩa kinh tế nhằm khuyến khích việc tự do hoá mậu dịch trên diện rộng phòng khi Vòng đàm phán Doha rõ ràng thất bại. Trung Quốc là ngọn cờ đầu phản đối lại sáng kiến này, chứng tỏ quyết tâm dành ưu tiên cho các thoả ước song phương hơn là ra sức bảo vệ cái trật tự mậu dịch rộng lớn hơn như hiện nay.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas