trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
30.8.2008
Zbigniew Brzezinski
Phải đương đầu với nước Nga
Chu Việt dịch
 

Phương Tây phải chứng tỏ cho Moskva biết rằng mọi mưu đồ tái lập quyền lực trên nước Gruzia hay trên phần đất còn lại của Liên Xô trước đây sẽ không được phương Tây tha thứ.

Chiến tranh Lạnh chấm dứt lẽ ra phải đưa đến một thời kỳ mà các đại cường quốc không còn bức chế những nước láng giềng phải xử lý công việc nội bộ của họ ra sao. Việc Nga xâm lược Gruzia, vì thế, là một chuyện quá đỗi bi đát và có tiềm năng rất đáng quan ngại. Thế giới giờ đây đang canh chừng nước Nga: Liệu họ sẽ tiếp tục sử dụng cưỡng bách để đạt những mục đích đế quyền, hay họ sẽ chịu hoạt động trong khuôn khổ một thế giới đang hình thành với sự trọng thị hợp tác và đồng thuận?

Mưu đồ tàn bạo của Moskva để chế ngự, khuất phục và thống thuộc một nước dân chủ, độc lập nhỏ xíu như thế làm ta nhớ lại thời đại Stalin. Cuộc tấn công Gruzia giống như việc Nga Xô-viết dưới quyền Stalin xâm lấn Phần Lan năm 1939: trong cả hai trường hợp, Moskva đã sử dụng võ lực một cách độc đoán, tàn bạo, và vô trách nhiệm để áp đặt sự thống trị lên một quốc gia dân chủ láng giềng yếu sức hơn. Giờ đây vấn đề là liệu cộng đồng quốc tế có thể chứng minh cho điện Kremlin biết rằng có những cái giá phải trả cho việc ngang nhiên sử dụng võ lực nhân danh những mục tiêu đế quốc đã lỗi thời.

Cuộc xung đột này đã âm ỷ nhiều năm qua. Nước Nga đã cố tình khơi động sự chia cắt lãnh thố Gruzia. Moskva đã đẩy mạnh những hành động ly khai trong nhiều tỉnh thuộc Gruzia như Abkhazia, Ajaria, và dĩ nhiên Nam Ossetia. Nga đã đỡ đầu cho chính quyền ly khai trong những vùng lãnh thổ đó, trang bị vũ khí cho quân đội của họ và cấp cả quốc tịch Nga cho những kẻ ly khai. Nga đã tăng cường những nỗ lực đó từ khi ở Gruzia xuất hiện một chính phủ dân chủ thân phương Tây. Sự căm phẫn của Thủ tướng Vladimir Putin đối với Gruzia và vị Tổng thống của nước này là Mikheil Saakashvili, từng được giáo dục ở Mỹ, dường như đã trở thành một nỗi ám ảnh cá nhân.

Cộng đồng quốc tế đã không hành động đủ để chống trả. Thời gian gần đây, một loạt biến cố đã xảy ra dọc những biên lộ ngưng bắn mong manh cắt ngang lãnh thổ Gruzia đã khiến cho bạo động leo thang, gồm cả việc Gruzia thất bại trong nỗ lực xóa bỏ “chính quyền” Nam Ossetia, một miền đất nhỏ có chừng 70 ngàn dân. Hành động hấp tấp này có lẽ là thiếu khôn ngoan, nhưng việc Nga dùng quân đội để đáp ứng hiển nhiên đã cho thấy là Moskva đã chờ đợi một hành vi như vậy để lấy cớ sử dụng võ lực. Những đoàn quân lớn của Nga đã mau lẹ tràn vào Nam Ossetia rồi cả Gruzia, cho xe tăng tiến vào Gori và dội bom Gori và thủ đô Tbilisi.

Không nên coi hành vi xâm lăng của Nga đối với Gruzia là một biến cố đơn độc. Sự thật là Putin và cộng sự viên của ông ở Điện Kremlin không chấp nhận những thực tại hậu-Xô-viết. Putin đã tỏ ra thành thật khi cách đây ít lâu tuyên bố rằng theo ý ông, sự tan rã của Liên Xô là “một thảm họa địa-chính trị lớn nhất của thế kỷ [20].” Những quốc gia dân chủ độc lập như Gruzia và Ukraine, đối với chế độ Putin, không những là những dị biệt lịch sử mà còn biểu hiện một mối đe dọa trực tiếp.

Ukraine rất có thể là điểm nóng kế tiếp. Các nhà lãnh đạo nước Nga đã công khai đặt vấn đề cần hay không cần tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine. Họ cũng nhận xét rằng Crimea, một thành phần của Ukraine, phải được sáp nhập trở lại vào nước Nga. Cũng như vậy, áp lực của Nga đối với Moldova đã gây nên sự phân chia lãnh thổ thực sự của nước cựu cộng hòa Xô-viết nhỏ bé này. Moskva cũng tiếp tục cô lập kinh tế các láng giềng châu Á như Kazakhstan và Uzbekistan. Và những quốc gia miền Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia cũng đã là đối tượng đe dọa nhiều mặt của Nga, kể cả những trừng phạt kinh tế và những vụ làm rối loạn hệ thống tin-học của các nước này.

Tình thế thật là nguy hiểm. Trước sau gì thì nền độc lập của các nước hậu-Xô-viết cũng đang lâm nguy. Nước Nga dường như có ý niệm xác tín rằng phải có một thực thể siêu quốc gia gì đó do Kremlin cai quản để giám sát hầu như tất cả các lãnh thổ Xô-viết trước đây. Thái độ này phần nào phản ánh cái não trạng duy quốc gia mãnh liệt hiện nay đang thâm nhập giới lãnh đạo của nước Nga. Vladimir Putin, cựu Tổng thống và nay là Thủ tướng đang ngự trên cao trào quốc gia này. Ông đang khai thác nó về mặt chính trị và khuếch trương nó với công chúng nước Nga. Một số người lại còn bàn đến chuyện tái lập sự hiện diện của Nga tại Cuba như một hình thức trả đũa Mỹ đã ủng hộ nền độc lập của các nước hậu-Xô-viết.

Đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia đặt ra nhiều thách đố về tinh thần cũng như về địa-chiến lược. Chiều kích tinh thần thì đã mặc thị hiển nhiên: một quốc gia nhỏ bé mới giành được độc lập sau gần hai thế kỷ bị Nga thống trị xứng đáng được sự ủng hộ của quốc tế; sự ủng hộ này cần đi xa hơn những lời tuyên bố thiện cảm giản đơn. Rồi lại còn những vấn đề địa-chiến lược. Một Gruzia độc lập là thiết yếu cho sự vận chuyển dầu khí quốc tế. Hiện nay, một ống dẫn dầu thô chạy từ Baku thuộc Azerbaijan cạnh biển Caspian, qua Gruzia rồi tới bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kết nối này cho phép phương Tây tiếp cận với những nguồn năng lượng của miền Trung Á. Nếu sự tiếp cận này bị cắt đứt thì thế giới phương Tây sẽ mất đi một cơ hội quan trọng để đa phương hóa những nguồn năng lượng của mình.

Phương Tây cần ứng phó với cuộc xâm lược của Nga một cách rõ ràng và cương quyết. Điều này không có nghĩa là sử dụng võ lực. Và chúng ta cũng không nên lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh với Nga. Nhưng phương Tây, và đặc biệt là Hoa kỳ, cần phải tiếp tục động viên cộng đồng quốc tế lên án cách ứng xử của Nga. Các ứng cử viên Tổng thống Barack Obama và John McCain nên ưng chuẩn Tổng thống Bush trong những nỗ lực phản kháng hành động của Nga, và đề xuất một lập trường lưỡng đảng về vấn đề này. Điều bất hạnh là một số người ủng hộ các ứng cử viên đang ra sức chỉ trích lẫn nhau một cách vô bổ về những lời tuyên bố công khai về cuộc khủng hoảng ở Gruzia. Biến cố này quá quan trọng để hành xử như vậy.

Hãy còn quá sớm để chỉ ra những biện pháp chính xác nào mà phương Tây cần áp dụng. Nhưng phải làm cho Nga hiểu rõ rằng họ đang có nguy cơ bị thế giới tẩy chay. Đó là một vấn đề mà giới doanh thương cao cấp mới vô cùng quan tâm vì họ có thể ngày càng bị yếu thế vì áp lực tài chánh toàn cầu. Những đầu nậu quyền thế có hàng trăm tỷ đô la gửi trong các trương mục ngân hàng phương Tây. Trong trường hợp một tình trạng căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh rất có thể xẩy ra, ở một giai đoạn nào đó vì phương Tây đóng băng các trương mục, thì họ sẽ mất mát rất nhiều.

Vào một thời điểm nào đó, phương Tây nên cứu xét giải pháp Thế vận hội. Nếu vấn đề vẹn toàn lãnh thổ của Gruzia chưa được giải quyết thỏa đáng (ví dụ bằng cách bố trí một lực lượng an ninh quốc tế thật sự độc lập thay thế cho quân đội Nga ở Nam Ossetia và Abkhazia), thì Hoa Kỳ nên dự trù rút lui không tham dự Thế vận hội mùa Đông năm 2014 tổ chức tại thành phố Sochi của Nga ngay cạnh biên giới Gruzia đã bị vi phạm. Việc này đã có tiền lệ. Tôi là thành phần của chính phủ Carter trong lúc chúng tôi giương cao ngọn đuốc Thế vận như một vũ khí biểu tượng năm 1980, rút lui khỏi Thế vận hội mùa Đông tại Moskva sau khi Nga tiến chiếm Afghanistan. Liên Xô khi ấy đã có kế hoạch tổ chức một cuộc trình diễn gợi nhớ đến Thế vận hội năm 1936 của Hitler tại Berlin. Sự tẩy chay của Hoa Kỳ đã đánh một cú vào chân thân của Tổng thống Leonid Brezhnev và hệ thống cộng sản của ông, và đã không cho Moskva được hưởng một thắng lợi tầm cỡ toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng Gruzia là một trắc nghiệm thiết yếu đối với Nga. Nếu Putin giữ vững ý đồ chiếm đóng Gruzia như một chư hầu và truất phế vị Tổng thống đã được tự do bầu lên – một điều mà Ngoại trưởng của Putin đã rõ ràng đòi hỏi – thì sớm muộn gì Moskva cũng sẽ gây áp lực với Ukraine và các nước khác tuy độc lập nhưng yếu thế. Phương Tây phải đối phó một cách thận trọng nhưng với một tiêu điểm tinh thần và chiến lược. Mục tiêu của phương Tây phải là một nước Nga dân chủ, tham gia việc xây dựng một hệ thống toàn cầu trên căn bản tôn trọng chủ quyền quốc gia, pháp luật và dân chủ. Nhưng mục tiêu ấy chỉ có thể đạt được nếu thế giới nói rõ cho Moskva biết rằng một nước Nga cứ lớn tiếng chủ trương duy quốc gia sẽ không bao giớ thành công trong nỗ lực tạo dựng đươc một đế quốc mới trong thời đại hậu-đế quốc của chúng ta.

__________

Tác giả Brzezinski: nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Carter, là đồng tác giả với Brent Scowcroft của cuốn Hoa Kỳ và Thế giới sẽ xuất bản vào tháng 9 năm nay.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Tuần báo Time số ra ngày 25 tháng 8.2008