trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
18.3.2004
Nguyễn Tri Huân
Công tác xét giải thưởng văn học năm 2003
 
Sau loạt bà i về việc tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái không được xét duyệt và o Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2003 (talawas, 09.03.2004), chúng tôi xin giới thiệu bà i tổng kết của nhà văn Nguyễn Tri Huân, phó tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam và thà nh viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2003 về Giải thưởng nà y.
talawas
I. Quá trình hoạt động của Hội đồng giải thưởng, kết quả tuyển chọn của Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo và quyết định cuối cùng của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Trước hết, tôi xin khẳng định, kết quả Giải thưởng văn học năm 2003 đã được công bố không phản ánh thật đầy đủ thành quả của một năm sáng tạo văn học của các nhà văn Việt Nam. Bởi lẽ, rất nhiều tác phẩm văn xuôi, thuộc thể loại tiểu thuyết không tham dự Giải thưởng Văn học năm 2003 mà tham dự cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Thêm nữa, những tác phẩm văn học đã được Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng, cũng không nằm trong diện xét giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, kết quả của một năm sáng tạo văn học đã bị phân tán bởi cuộc thi tiểu thuyết, dự kiến sẽ tổng kết vào năm 2004, và giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vừa được công bố và trao giải thưởng.

Dĩ nhiên, chúng tôi nhận thức, giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là căn cứ chủ yếu khi đánh giá thành quả của một năm lao động sáng tạo của các nhà văn Việt Nam.

Cũng như những năm trước, bắt đầu từ tháng 2 năm 2003, Ban Tổ chức giải thưởng Văn học đã gửi công văn và trực tiếp cử cán bộ đến các nhà xuất bản, các cơ quan văn học trong cả nước đề nghị giới thiệu các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm hỗ trợ cho công tác tuyển chọn của Hội đồng giải thưởng.

150 tác phẩm kể trên được phân bổ về các ban sơ khảo là các Hội đồng và các Ban văn học. Riêng Hội đồng văn xuôi, nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Quang Sáng xin nghỉ không tham gia công tác xét tuyển vì lý do sức khỏe. Ban Văn học dân tộc và miền núi, do các thành viên ở xa, phân tán nên đã đề nghị được thành lập một Hội đồng sơ khảo mới. Các Hội đồng và các ban văn học khác làm việc bình thường theo phương thức: Các thành viên ở khu vực Hà Nội đọc sơ tuyển, sau đó chuyển tác phẩm đã qua vòng sơ tuyển tới các thành viên ở xa, yêu cầu đọc và bỏ phiếu bằng điện thoại hoặc văn bản qua các hệ thống bưu điện.

Cuối tháng 8 năm 2003, công tác sơ khảo đã được hoàn tất. Các Hội đồng và các Ban văn học lần lượt chuyển danh sách 18 tác phẩm được tuyển chọn lên Hội đồng chung khảo. Cũng trong tháng 9, Hội đồng chung khảo được thành lập gồm 11 thành viên do nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký làm Chủ tịch, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch. Các nhà văn: Ma Văn Kháng, Cao Tiến Lê, Y Phương, Nguyễn Kiên, Bằng Việt, Thuý Toàn, Lê Quang Trang, Trịnh Đình Khôi là uỷ viên.

Khi đã được giới thiệu vào chung khảo, 18 tác phẩm kể trên có giá trị như nhau, không còn mang dấu ấn riêng của các Hội đồng và các Ban văn học nữa.

Theo quy chế giải thưởng, tập thể Hội đồng chung khảo có quyền phát hiện, giới thiệu bổ sung những tác phẩm mà các ban sơ khảo không giới thiệu vào chung khảo. Trong phiên họp đầu tiên, một số thành viên của Hội đồng chung khảo đề nghị giới thiệu thêm 2 tác phẩm: Chuông chùa kêu trong mưa, tập thơ của Đồng Đức Bốn và Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, tập truyện của Đỗ Bích Thuý. Tập thể Hội đồng chung khảo đã xem xét và quyết định vào phiên họp cuối, không đưa hai tập sách kể trên vào danh sách chung khảo vì tập thơ của Đồng Đức Bốn đã được giải của Uỷ ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đối với tập truyện của Đỗ Bích Thuý, Hội đồng tôn trọng quyết định và đánh giá của Ban Văn học Quốc phòng và An ninh.

Sau bốn phiên họp, Hội đồng chung khảo đã chọn được 11 tác phẩm: 8 tác phẩm được đề nghị giải thưởng loại B và 2 tác phẩm được đề nghị tặng thưởng theo phương thức bỏ phiếu kín. Đó là các tác phẩm: Cơn giông của Lê Văn Thảo, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn, Mùa không gió của Lê Thành Nghị, Thơ lục bát của Trần Mạnh Hảo, Lễ tẩy trần tháng tư của Inrasara, Ảo giác của Tuyết Nga, Đàn hương hình bản dịch của Trần Đình Hiến được đề nghị tặng giải thưởng loại B. Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, Miền xa thẳm của Phạm Hoa và Đi hết đường mưa của Phạm Hải Anh được đề nghị tặng giải
thưởng.

Trong kỳ họp lần thứ X, nhiệm kỳ khoá 6 của ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 12 năm 2003, kết quả và đề nghị của Hội đồng chung khảo đã được thảo luận, trao đổi và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành bỏ phiếu kín. Cuối cùng, kết quả như đã được công bố. Đây là kì họp mà thời gian dành cho giải thưởng văn học năm 2003 chiếm một tỷ trọng lớn. Về cơ bản, những đánh giá của Ban chấp hành đồng nhất với đánh giá và kết quả của Hội đồng chung khảo. Riêng đối với tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái, Ban chấp hành quyết định không trao giải thưởng. Về tác phẩm này chúng tôi xin được đề cập lại ở phần sau của bản báo cáo.

Như vậy, quá trình xét giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đã được tiến hành dân chủ, đúng quy chế và công bằng. Mỗi giải thưởng văn học đều có tiêu chí riêng. Việc một tác phẩm không hội đủ số phiếu tín nhiệm và có những đánh giá khác xa nhau là chuyện thường xảy ra trong văn học. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khuyến khích và tôn trọng sự tìm tòi, nhưng vẫn phải tôn trọng hơn những tiêu chí, định hướng của công việc sáng tạo văn học đã được Đại hội đại biểu các nhà văn Việt Nam lần 6 thông qua.


II. Một số đánh giá của Ban chấp hành về chất lượng giải thưởng năm 2003 và những vấn đề đặt ra đối với công tác xét thưởng văn học năm 2004

Kỳ họp lần thứ X của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thống nhất nhận định và đánh giá những hoạt động sôi nổi, không mệt mỏi của một năm văn học. Nhìn vào danh sách những tác phẩm được trao giải thưởng chúng ta không khỏi băn khoăn bởi sự thiếu vắng của giải thưởng A, một giải thưởng nhằm tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, có sự bứt phá đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của thể loại, của văn học.

Như tôi đã trình bày ở phần trên, nếu như không có cuộc thi viết tiểu thuyết 2002 -2004, Giải thưởng Văn học năm 2003 chắc chắn sẽ đa dạng hơn, phong phú hơn, phản ánh đúng hơn một năm hoạt động sáng tạo văn học của các nhà văn Việt Nam. Nhưng cuộc thi tiểu thuyết vẫn còn là một ẩn số và tiểu thuyết cũng chỉ là một phần của công việc sáng tạo văn học.

Không có giải thưởng A, giải B về văn xuôi duy nhất chỉ có tiểu thuyết Cơn giông của nhà văn Lê Văn Thảo. Mặc dù viết về cuộc sống của những con người đương đại, nhưng cuốn sách vẫn gợi lại không khí khai mở một thời của cha ông chúng ta khi khám phá ra miền đất màu mỡ ở cực nam Tổ quốc.

Về văn xuôi, còn ba tác phẩm được tặng thưởng: Miền xa thẳm của Phạm Hoa; Đi hết đường mưa của Phạm Hải Anh và Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh.

Về thơ, có 4 tác phẩm được tặng thưởng loại B. Đó là các tập thơ: Mùa không gió của Lê Thành Nghị, Thơ lục bát của Trần Mạnh Hảo; Lễ tẩy trần tháng tư của Inrasara và Ảo giác của Tuyết Nga. Bốn tập thơ có không ít những bài thơ hay, những câu thơ hay phản ánh tình hình thơ đang chuyển động trong độ mở đối với xã hội, trong cảm hứng nhân thế và trong sự hoàn thiện nhân cách của con người. Một cố gắng rất đáng biểu dương của cả bốn tác giả là năng lực tự vượt lên trong mở rộng đề tài, diện mạo tâm hồn rõ hơn. Ý thức kế thừa các giá trị nguồn cội đã đem đến cho các tác giả những cảm xúc mới, những phong cách biểu hiện mới.

Về lý luận phê bình, Hội đồng chung khảo và Ban Chấp hành nhất trí trao tặng giải thưởng loại B cho tác phẩm Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn. Tập sách dựng lại chân dung các nhà văn quen thuộc với những cuộc đời riêng và những quan niệm của họ về đời về nghề. Đó là những bức chân dung được miêu tả đậm nét, sắc sảo bằng một cái nhìn khách quan, đôi khi hơi lạnh lùng. Thông thường, khi dựng chân dung văn học một tác giả nào đó thì có hai phần được người viết đề cập tới, đó là cuộc đời và văn nghiệp. Trong Cây bút đời người tác giả nghiêng về phần đời mà hơi nhẹ về phần nghiệp. Dẫu sao tập sách cũng đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin quý giá để có thể hiểu thêm về một tác giả, một tác phẩm văn học.

Trong những năm vừa qua, văn học dịch xuất hiện nhiều tên tuổi mới. Số lượng sách được chuyển ngữ nhiều, nhưng phổ biến nhất vẫn là văn học đương đại Trung Quốc. Mạc Ngôn với Báu vật của đờiĐàn hương hình đã có ảnh hưởng tích cực tới tư duy sáng tạo của các nhà văn Việt Nam. Giải thưởng loại B dành cho dịch giả Trần Đình Hiến với Đàn hương hình là một sự lựa chọn đúng của Hội đồng chung khảo và Ban chấp hành bởi nó đã đạt được cả hai tiêu chí: Khả năng chuyển ngữ và khuynh hướng của tác phẩm.

Cuối cùng, chúng tôi xin đề cập tới tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái. Cuốn sách này nhận được số phiếu quá bán của giai đoạn sơ khảo, chung khảo nhưng không đủ số phiếu cần thiết của Ban Chấp hành. Các thành viên trong Hội đồng giải thưởng đều nhất trí rằng, trong những năm vừa qua, nhà văn Hồ Anh Thái đã cố gắng tìm tòi một lối đi riêng trong phương pháp tiếp cận và phản ánh hiện thực. Nhà văn luôn không bằng lòng với cái mà mình đã có, đang có và anh đã cố gắng đi tìm, tìm triết lý nhân sinh trong giáo lý của đạo phật, nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết của các tác giả hiện đại trong và ngoài nước. Đó là một hướng đi đúng, cần thiết đối với một nhà văn. Nhưng, ở Cõi người rung chuông tận thế tác giả đã không đạt tới cái đích cần phải tới. Một cuốn sách mang nội dung hướng thiện, chối bỏ cái ác nhưng khi biểu đạt, anh lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý các mối quan hệ giữa cái thực và cái ảo. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của anh bạo liệt, không phù hợp với sự tiếp nhận của phần đông công chúng yêu văn học Việt Nam. Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã dành thời gian cân nhắc kỹ về tác phẩm của Hồ Anh Thái, ghi nhận những đóng góp của tác giả và chờ đợi những thể nghiệm chín hơn.

Bước sang năm 2004, năm cuối cùng của nhiệm kỳ khoá 6, bên cạnh công tác xét giải thưởng hàng năm, HộI Nhà văn sẽ tổng kết cuộc thi tiểu thuyết. Việc tổ chức một Hội đồng giải thưởng, phân chia tác phẩm về các ban sơ khảo rất cần được tổ chức khoa học và chặt chẽ. Có ý kiến của một số nhà văn đề nghị: Chỉ nên thành lập 4 hội đồng sơ khảo: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch thay vì 7 hội đồng sơ khảo như hiện nay. Các thành viên của các ban văn học sẽ bổ sung về bốn hội đồng kể trên. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận, hoan nghênh đề nghị này và sẽ nghiên cứu thực hiện nếu như nó phù hợp với quy chế và điều lệ của Hội.

Sẽ thật thiếu công bằng nếu như trong giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam thiếu vắng đi những đề tài lớn. Bởi cuộc sống không chỉ có những số phận đơn lẻ, thua thiệt mà đang vật vã chuyển động hướng tới một xã hội tốt đẹp với những tâm hồn lớn, tính cách lớn.

Chúng ta hy vọng cuộc thi tiểu thuyết cũng như Giải thưởng Văn học năm 2004 sẽ bù đắp được sự thiếu hụt đó…
Nguồn: Báo Văn nghệ số 6, ra ngày 07.02.2004