trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: 240 năm sinh Nguyá»…n Du (1765-1820)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
7.12.2005
Đổng Văn Thành
So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam
3 kì
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3 
 
B. Nguyễn Du còn làm sâu thêm quan niệm số mệnh phong kiến

Ở tiểu thuyết nguyên tác, tư tưởng số mệnh vốn đã có, như “mệnh bạc như hoa đào”, “giai nhân bạc mệnh, hồng lỡ phấn thì”, nhất định những tình tiết hư ảo về “hội đoạn trường”, “giáo chủ đoạn trường”, “sổ đoạn trường” ngầm cho biết đời Thúy Kiều là cả một mệnh bạc duyên ôi. Khi lần đầu Thúy Kiều sa vào lầu xanh và toan tự tử không thành, hồn kỹ nữ Lưu Đạm Tiên hiện ra bảo: “Món nợ oan nghiệt chưa trang trải xong, vội thoát cõi trần sao được?”. Hồi 19 lại thông qua ni cô Giác Duyên để chuyển lời dự đoán về thân phận Thúy Kiều của đạo cô Tam Hợp “thông tỏ dữ lành”, “công đức lớn nên oan nghiệt tiêu trừ được, lại còn được kết mối tân duyên”. Rồi hồn Lưu Đạm Tiên lại hiện ra trong mộng của Thúy Kiều và cũng nói: “Vả trước đây từng nếm trải hết mùi cay đắng, ngày nay món nợ kiếp trước đã trả xong. Từ nay thân hưởng phúc lộc, tình duyên như ý. Hôm qua hội đoạn trường đã xóa tên chị, vậy thơ đoạn trường cũng xin trả lại”. Từ đầu chí cuối, lực lượng u minh đều giám sát và quyết định số mệnh của Thúy Kiều. Mặc dù những đoạn miêu tả này chỉ như mây mù nhẹ mỏng lan tỏa trên những đỉnh cao hiện thực được miêu tả trong toàn bộ nguyên tác nhưng dù sao vẫn có tác dụng tiêu cực là tuyên truyền cho tư tưởng định mệnh.

Dưới bút Nguyễn Du, những đoạn miêu tả đó được giữ nguyên. Chẳng những thế, ông còn cho thuyết định mệnh này thâm nhập vào ý thức tư tưởng của Vương Thúy Kiều ở những đoạn miêu tả có tính hiện thực cũng thấm đượm quan nhiệm mê tín về thuyết nhân quả định mệnh, làm mờ nhạt thêm ý nghĩa hiện thực xã hội của những xung đột bi kịch. Chẳng hạn, ông thường tả Thúy Kiều dùng thuyết định mệnh để giải thích số phận bi kịch của mình. Câu 1193:

Mầm thiện đời trước chưa trồng;
Túc trái đời nay nên trả.
Há từng đoái hoài bình vỡ,
Gạt bỏ thân này trả nợ, đặng đợi tử vong.


Câu 2345:

Ngày sau họa do tôi gây,
Lẽ trời báo ứng, ai dám gánh chịu.

Câu 1129:

Hóa nhi trêu cợt,
Vì có chút nhan sắc mà phải chịu.
Nghìn trùng ma chướng…

Câu 1765:

Nợ ngày nay chuộc kiếp trước,
Dù có hoa tàn ngọc nát cũng nói năng chi.

Câu 1886:

Lỡ thì vận xúi, tôi nén chịu số mệnh rủi may

Một loạt những miêu tả tâm lý trên đây đã được thay thế cho tinh thần bất bình, phản kháng của Vương Thúy Kiều đối với số phận bi kịch trong nguyên tác, từ đó sửa chữa một linh hồn luôn luôn tố cáo và phản kháng thành một con người tầm thường, đầy tính tôi đòi, luôn luôn chịu khuất phục sự chi phối của số phận.


C. Truyện thơ của Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết trong toàn bộ nguyên tác.

Ví dụ:

- Trong nguyên tác, Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong tiết Thanh minh, không bao lâu đã yêu nhau say đắm, cả lịch trình tình yêu đó xảy ra không quá nửa năm. Còn ở Nguyễn Du lại có thêm cảnh mùa đông xuất hiện trong lúc họ yêu nhau: “Đầu tường sương đậm tuyết dày “ (câu 367). Những câu thơ cho thấy đặc trưng của thời tiết còn có “Phất phơ tơ liễu phẩy mành” (câu 269), “Đầy sân hoa rụng” (câu 272); “Hồng thưa xanh nõn” (câu 370) v.v… Nhưng thời tiết được mô tả đó tự mâu thuẫn với nhau, phá hoại tính thống nhất và cảm giác chân thực về hoàn cảnh được miêu tả trong nguyên tác.

- Viết về Mã Giám Sinh, kẻ đến lừa mua Thúy Kiều, Nguyễn Du thoạt đầu nói ý là “viễn khách”, tiếp ngay sau lại nói: “Quê quán ở thị trấn Lâm Thanh không xa”. Vậy rốt cuộc y là người ở xa hay ở gần, thật là khó hiểu.

- Trong nguyên tác, Thúy Kiều phải trốn khỏi nhà Hoạn Thư vì Hoạn Thư bức bách từng bước một. Thúc Sinh tuy có tình với Thúy Kiều song không dám để cho Hoạn Thư thấy được, bất đắc dĩ đành khuyên Kiều đi trốn. Còn Nguyễn Du, ông lại để cho Thúc Sinh nói ra những lời tuyệt tình, hủy bỏ lời hứa trước. Câu 1554:

Duy bởi trung niên mà chưa có con trai
Lẽ đáng cùng nàng ly hôn.

Lời thề vàng đã thành chuyện cũ,
Trăm thân không chuộc chung quy lời hữa cũ khó theo.


Như thế là từ một thư sinh sợ vợ, Thúc Sinh đã trở thành anh chàng phụ tình. Nếu Thúc Sinh đã tuyệt tình phụ nghĩa mà sau này Thúy Kiều còn báo đáp anh ta như một vị ân nhân số một, chẳng hóa ra vô lý lắm sao? Những nét bút thêm chân cho rắn này chẳng những làm méo mó hình tượng nhân vật và mối quan hệ giữa nhân vật với nhau mà còn phá hoại sự hoàn chỉnh và thống nhất của tình tiết, do vậy rõ ràng là những nét bút thất bại.

Nguyên tác kể Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi thanh lâu để làm thiếp chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của Vệ Hoa Dương, một bạn chưa có vợ và rất có thế lực ở ngay tại địa phương ấy. Còn Nguyễn Du cho Thúc Sinh tự lo liệu lấy một mình chuyện đó.

Câu 1371:

Mượn điều trúc viện thừa lương,
Dẫn Thúy Kiều về lén giấu đi.
Chàng chuẩn bị lý lẽ với kỹ viện,
Cử người được việc đến dò la đối phương.
Cuối cùng thuyết phục được Tú Bà,
Cờ thua một nước, đành cho nàng tòng lương.

Nguyễn Du sửa như thế là làm biến dạng Thúc Sinh, một anh chàng yếu đuối, tầm thường, chẳng có tài cán gì dường như trong phút chốc biến thành một người thạo việc lại có khí phách, ngoài ra dưới tay còn có một người giúp việc. Điều này chẳng những mâu thuẫn với tính cách của Thúc Sinh mà còn mâu thuẫn với cả mặt phát triển của truyện.

Tóm lại, tuy những chi tiết Nguyễn Du đổi khác so với nguyên tác không nhiều song tuyệt đại đa số đều không được như mức độ tư tưởng và mức độ nghệ thuật của nguyên tác.


II. Nguyên nhân của sự dị đồng

Qua so sánh như thế có thể thấy Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam có khác nhau. Nguyên nhân của sự dị đồng đó là gì?

Nhìn chung, những chỗ tương đồng là do Nguyễn Du tán thưởng và thích thú với nguyên tác, nhất là nhân vật chính Vương Thúy Kiều. Nhân vật tài sắc hơn người nhưng lại trải qua cảnh ngộ đau thương ít có trong những khổ đau của con người, gợi lên cảm xúc sâu sắc nơi ông về thân thế của bản thân mình. Ông cất tiếng trách “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, tỏ niềm đồng tình sâu sắc với những bất hạnh của nàng và tán thưởng thái độ thanh cao, trong trắng, kiên trì của nàng. Do vậy, Nguyễn Du hầu như hoàn toàn bám sát nhân vật và cốt truyện của nguyên tác, về đại bản thể bảo tồn được hệ thống hoàn chỉnh của hình tượng và cốt truyện của nguyên tác. Còn nguyên nhân của những chỗ sai dị chủ yếu có ba điểm như sau:

1. Lập trường của một người dòng dõi cao sang như Nguyễn Du đã để lại dấu ấn giai cấp trong tác phẩm của mình, khác lạ với nguyên tác.

Tác giả nguyên tác tuy không để lại họ tên thật nhưng từ khuynh hướng để lộ trong tác phẩm và sự ăn ý về tình cảm, hứng thú với Thiên Hoa Tàng chủ nhân là người cùng sáng tác tiểu thuyết thông tục mà xét thì Thanh Tâm Tài Nhan là văn sĩ tầng lớp dưới, có tài mà không gặp thời, vì vậy thái độ cơ bản của ông khi thuật chuyện, tả người là đồng tình sâu sắc với những người hèn kém, bất mãn, căm ghét kẻ thống trị. Còn Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình quý tộc nổi tiếng hiển hách nhiều đời ở Việt Nam, gia đình ông là một trong những cột trụ chống đỡ cho vương triều phong kiến họ Lê đang suy vi, thi lễ truyền gia, đầy nhà khoa giáp. Năm mười chín tuổi, Nguyễn Du đỗ tú tài, hai mươi bốn tuổi thừa hưởng phúc ấm của cha, giữ chức Hùng hậu quân hiệu Chánh Thủ hiệu tỉnh Thái Nguyên. Ông sinh vào thời loạn hồi cuối Lê, hai tập đoàn phong kiến thống trị hai miền Nam Bắc đánh nhau đến nửa thế kỷ, gây cho nhân dân biết bao tai nạn nặng nề, cuối cùng dẫn đến khởi nghĩa vũ trang của nông dân Tây Sơn. Quân khởi nghĩa lật đổ nhà Lê và cũng giáng những đòn nặng nề cho gia tộc họ Nguyễn. Nguyễn Du cùng hai người anh tích cực mưu đồ cần vương, ngoan cố chống lại khởi nghĩa nông dân song đều thất bại. Nguyễn Du còn là tù binh của họ trong một thời gian. Thất bại đó khiến Nguyễn Du trở thành di dân nước mất nhà tan của triều Lê trong 13 năm từ 1789 đến 1802, nếm đủ mọi khổ cực, nghèo túng, ốm đau, loạn ly, thất vọng, cô đơn. Sau đó vương triều Gia Long được thế lực thực dân Pháp vực dậy đã thay thế chính quyền nông dân, vời Nguyễn Du vào làm Đông các học sĩ, phong tước Du Đức hầu. Tuy quan cao bổng hậu nhưng ông luôn bị gièm pha, đả kích khiến ông chất chứa nhiều mâu thuẫn và đau khổ trong lòng. Ông rất tự hào vì được xuất thân trong gia tộc “trọng trung nghĩa, giỏi văn chương”’; trong tình hình bất đắc chí về chính trị, ông say mê với thơ, tự cho là có tài, đặc biệt là yêu thích thơ từ cổ điển của Trung Quốc và tác phẩm văn học thông tục [1] . Sự từng trải và địa vị đặc thù ấy để lại dấu ấn về bốn phương diện sau đây trong truyện thơ của ông: một là tô vẽ cho quý tộc dòng dõi thư hương danh tiếng; hai là, che đậy mâu thuẫn giai cấp; ba là, ác cảm với khởi nghĩa nông dân; bốn là, đặc biệt nhấn mạnh sự mê tín đối với thuyết nhân quả.

2. Ảnh hưởng tư tưởng văn học của Nguyễn Du đối với hình thức nghệ thuật của tác phẩm

Ảnh hưởng này biểu hiện ở bốn phương diện như sau:

a. Chú trọng học tập hình thức nghệ thuật dân ca của nước mình, vận dụng ca dao thể lục bát riêng có ở Việt Nam. Thể thơ này bắt nguồn từ ca dao dân ca Việt Nam, sau đó được văn nhân vận dụng, trở thành hình thức phổ biến của thơ tự sự trường thiên Việt Nam và cũng là hình thức thơ ca độc đáo ở Việt Nam. Hình thức này còn được gọi là “điền từ Việt Nam” [2] . Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đạt tới thành tựu cao nhất của những sáng tác văn học vận dụng đề tài này, từng được khen là: “Hữu Minh nhất đại vô song kỹ - Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” [3] . Cấu trúc thể thơ của hình thức này là: mỗi hàng thơ gồm hai câu, câu trên sáu chữ, câu thứ sáu của câu trên hiệp vần với chữ thứ sáu của câu dưới; chữ thứ tám của câu dưới hiệp vần với chữ thứ sáu của câu trên hàng tiếp theo, cứ theo thứ tự như thế mà tuần hoàn đến hết thì thôi. Hình thức này có thể phối hợp với nhạc diễn xướng, cũng có thể ngâm ca, rất được nhân dân Việt Nam hoan nghênh. Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du cả thảy 3254 hàng thơ, đầu cuối quán xuyến thông suốt, một hơi có thể làm thành, là tác phẩm mẫu mực hoàn chỉnh lớn lao nhất, trau chuốt nhất và làm cảm động người đọc nhất trong thơ ca thể lục bát của Việt Nam. Việc sử dụng hình thức này khiến cho truyện thơ ấy có đặc sắc dân tộc Việt Nam. Đồng thời về ngôn ngữ, Nguyễn Du còn sử dụng xen kẽ tục ngữ, ngạn ngữ, khẩu ngữ dân gian Việt Nam làm cho ngôn ngữ sinh động, hoạt bát. Chẳng hạn, “Đào tiên giống quý không ai biết – Chẳng chuộng đào tiên chuộng cam quýt” (câu 833). Câu ngạn ngữ Việt Nam này hình dung con người ta không phân biệt được thật giả, lầm tưởng thật là giả. Nguyễn Du mượn câu này để miêu tả tâm lý của tên buôn người Mã Giám Sinh bịp bợm cho rằng dễ lừa được người đời.

b. Khuynh hướng trữ tình chủ quan của nhà thơ biểu hiện mạnh mẽ. Trữ tình là khí chất nghệ thuật của Nguyễn Du vì ông là một nhà thơ chứ không phải là nhà tiểu thuyết. Truyện Kiều của ông không có nhân vật và câu chuyện sáng tạo thêm mà chỉ mượn nhân vật và cốt truyện có sẵn để trữ tình, khiến cho câu chuyện tăng thêm một tầng thái trữ tình nồng đậm nữa, làm cho truyện được thi hóa. Về phương diện này, ông đạt được thành công rất lớn. Điều đó biểu hiện trước hết ở tính cách của nhân vật chính Vương Thúy Kiều được tăng thêm khí chất một nhà thơ trữ tình. Ông thường dùng ngôn ngữ trữ tình rất đẹp đẽ để tô đậm hoạt động tư tưởng nội tâm và tình cảm phức tạp phong phú của nàng. Chẳng hạn lần đầu tiên Thúy Kiều sa vào nhà chứa, sau khi nàng tự tử và được cứu sống, có một đoạn khắc họa tâm lý đậm tính trữ tình tinh tế và cảm động.

Câu 1033:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân.
Trăng gần, núi xa cùng trong sáng.
Trông bốn bề chân trời xa tắp,
Cồn đất vàng, dặm bụi hồng, cảnh hoang lương.
Mây sớm đèn khuya thẹn thùng vô hạn,
Lòng tan nát, nửa vì cảnh vật, nửa vì đa tình.
Nhớ năm xưa chung chén dưới trăng,
Tin sương hoán cải, tin tức vô bằng.
Chân trời góc biển một mình bơ vơ,
Ngày nào mới rửa sạch được ô danh.
Phụ người tựa cổng,
Hỏi ai là người thay thăm hỏi ấm lạnh?
Mặc áo lão là múa, biết đến năm nao,
Cây du tử trước cửa hẳn đã lớn vừa một ôm.

Đoạn thơ này đã gộp đoạn miêu tả tâm lý ngắn gọn cùng nội dung than thở cho thân thế trong tổ khúc “Thập bất hài” và trong bài thơ luật của Thúy Kiều ở nguyên tác vào làm một nên tình cảm biểu lộ ra thật là cảm động, là mẫu mực điển hình cho thành công về cải biên của Nguyễn Du. Những đoạn trữ tình viết rất hay tương tự như trên còn có nữa, như đoạn khắc họa tâm lý Thúy Kiều tiễn chồng là Thúc Sinh về quê và đoạn miêu tả tình cảm của nàng lần đầu yêu Kim Trọng v.v… Đây là tâm trạng của Kiều sau khi gặp và yêu Kim Trọng.

Câu 169:

Nước suối trong núi chảy ra trong veo.
Bên cầu, bóng tơ liễu phân minh.
Nàng trở về nơi gác thêu rèm vẽ.
Mặt trời lặn khuất núi, lầu thành vừa báo sơ canh.
Trăng sáng nhòm người,
Nước gợn sóng vàng, sân lồng bóng cây.
Hải đường phất nhẹ lâu dài,
Trong sương gió nhè nhẹ đu đưa.
Tĩnh mịch đêm khuya trăng sáng,
Nghĩ xa nghĩ gần, mối sầu khó gạt bỏ.

Trong lúc trữ tình, nhà thơ gửi gắm vào đó cả thể nghiệm cuộc đời của mình nên những đoạn đó chân thực tha thiết, làm cảm động lòng người. Nhưng đồng thời, có lúc nhà thơ mải mê gửi gắm tình cảm chủ quan của mình nên đã làm tổn hại đến sự hoàn chỉnh và thống nhất của hình tượng nhân vật. Chẳng hạn, tình cảm khi chia tay của Thúy Kiều thì bất kể là Kim Trọng, Thúc Sinh hay Từ Hải, đều nặng lòng như nhau. Nhìn riêng rẽ, mỗi lần trữ tình là một lần làm người đọc cảm động, nhưng nếu liên hệ lại mà xét thì người đọc sẽ thấy Thúy Kiều lấy người nào thì yêu người đó và như thế thì mâu thuẫn với số phận bất hạnh của nàng về mặt hôn nhân. Xét những đoạn miêu tả trong nguyên tác, Thúy Kiều chỉ thực sự yêu có một mình Kim Trọng, còn đối với Thúc Sinh và Từ Hải thì chủ yếu chỉ cảm ơn chuộc mình ra khỏi lầu xanh của họ; tuy cũng có tình nhưng tính chất và mức độ có khác. Có như thế mới đúng là bản sắc của “nòi tình”.

c. Nguyễn Du rất yêu mến văn học Trung Quốc, lại có tu dưỡng cao về văn học Hán ngữ, tự mình đã viết ba tập thơ chữ Hán. Trong Truyện Kim Vân Kiều cải biên, ông đã vay mượn hoặc vận dụng biến hóa rất nhiều câu nổi tiếng trong thơ và từ của Trung Quốc. Cách viết đó làm giàu rất nhiều cho ngữ vựng Nôm của tiếng Việt, tăng cường sức biểu hiện của nó, có cống hiến quan trọng cho sự phát triển ngữ văn dân tộc của Việt Nam. Vì vậy, Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam là Hoài Thanh [4] cho rằng Nguyễn Du “về lời, về chữ thì chưa có một nhà văn, nhà thơ nào khác sánh kịp trong lịch sử văn học Việt Nam”. Sáng tạo đặc sắc đó khiến mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc càng thêm mật thiết.

d. Nguyễn Du cũng chịu ảnh hưởng của phong cách thơ ca hình thức chủ nghĩa và phỏng cổ chủ nghĩa phổ biến ở Trung Quốc thời bấy giờ nên trong thơ của ông bắt gặp những chỗ khoe khoang kiến thức văn hóa và thơ từ Trung Quốc của mình, vay mượn một số lượng lớn những câu có sẵn trong thơ Đường và từ Tống, sử dụng rất nhiều điển cố Trung Quốc. Mặt thành công của ông như trên đã nói. Có điều, do mải mê theo đuổi quá mức về mặt này nên cũng thường mắc sai lầm là chồng chất, gượng ép, thậm chí vận dụng không đúng, gây tổn hại cho nội dung. Có thể nói những dẫn chứng về mặt này nhặt đâu cũng có. Chẳng hạn:

Ở quyển số 3, Nguyễn Du dùng “mây lầu Tần khóa kín rèm khuê rủ” để miêu tả nỗi tương tư của chàng Kim Trọng mới yêu đối với cô thiếu nữ Vương Thúy Kiều trong khuê các. Nguyễn Du đã dùng lầm lầu Tần chỉ nhà chứa để chỉ khuê phòng của Thúy Kiều; dùng “mai sau mận chịu tội thay đào, kết thành vợ chồng” trong lời Kiều nhờ em gái thay mình lấy Kim Trọng thì rõ ràng thành ngữ “mận chịu vạ thay đào” đã mâu thuẫn với tình cảm của Kiều đối với Kim Trọng. Bởi theo Thúy Kiều, lấy được Kim Trọng là mối nhân duyên hạnh phúc lý tưởng chứ tuyệt nhiên không phải là chịu vạ thay cho người khác.

Nguyễn Du thường vay mượn những khuôn sáo quen thuộc đã được khái niệm hóa, loại hình hóa vẻ mặt trong tiểu thuyết thông tục của Trung Quốc để miêu tả nhận vật khiến cho nhân vật đã được bản sắc văn hóa trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân trở thành người nào cũng cùng một vẻ mặt. Chẳng hạn khi miêu tả Thúy Vân, Thanh Tâm Tài Nhân dùng “thiên kiều tuyệt thuyến, tính cam ninh đạm” (vẻ kiều diễm trời cho xinh đẹp tuyệt vời, tính ôn hòa, điềm đạm), “tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan chính, biệt hữu phong thái” (tinh thần điềm tĩnh ngay thẳng, dung mạo đoan trang, riêng một phong thái). Bằng ngọn bút truyền thần ông đã vẽ nên tính cách hướng nội, vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc thanh tân của một thiếu nữ nhàn tĩnh văn nhã. Nguyễn Du thì lại mượn “ngọa tàm mi” (mày tằm nằm) mà Tam quốc diễn nghĩa dùng để miêu tả Quan Vũ trang nam nhi cao lớn, uy vũ, khoáng đạt, lắp vào khuôn mặt cô thiếu nữ mười phần xinh đẹp đó. Nếu khuôn mặt thiếu nữ xinh tươi mơn mởn lại mọc ra một đôi lông mày võ sĩ vừa đen rậm, vừa thẳng cứng thì cái điều kệch cỡm nghiêm trọng ấy há chẳng phải phá hoại cả vẻ đẹp của cô thiếu nữ đó sao? Cũng như vậy, khi miêu tả thiếu nữ Thúy Kiều con nhà trung lưu, Nguyễn Du lại mượn những khuôn sáo mà tiểu thuyết thông tục Trung Quốc dùng để tả những cậu ấm quý tộc có bộ mặt đầy đặn núc ních, nên mới tả nàng có khuôn mặt như trăng tròn. Còn tả tướng mạo của tướng giặc biển Từ Hải thì Nguyễn Du lại mượn cả lông mày của Quan Vũ lẫn cằm và râu của Trương Phi để gắn lên mặt Từ Hải, đó là “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Về phương diện này, không thấy những từ vựng do chính tác giả sáng tạo nên, do vậy cảm thấy cũ kĩ, cứng nhắc không có chút sinh khí nào.

Về việc mượn những danh cú trong thi từ cổ, ở Nguyễn Du cũng có nhiều chỗ vận dụng không được thỏa đáng. Chẳng hạn để khen một câu thơ hết sức bình thường của Thúy Kiều đề trên bức tranh phong cảnh của Kim Trọng, Nguyễn Du đã mượn câu thơ có sẵn của Đỗ Phủ tự khen tài thơ của mình khi ông đã về già là câu “Bút lạc kinh phong vũ” (Tay tiên gió táp mưa sa – N.D.); khen nét chữ Thúy Kiều thì viết “Tinh khéo như thiếp tựa Lan Đình” (So vào với thiếp Lan Đình nào thua – N.D.), khen tài thơ Thúy Kiều thì viết: “Quán quân trên thi đàn đâu nhường cho ai” (Thì treo giải nhất chi nhường cho ai, N.D.), “Ban Siêu, nàng Tạ, chẳng nhường cho ai” (Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này – N.D.). Khen ngợi quá mức ngược lại đã làm mất tính chân thực.

Khi miêu tả Thúy Kiều lần đầu tiên gảy Hồ cầm cho người yêu Kim Trọng nghe, Thanh Tâm Tài Nhân dùng thủ pháp phỏng thanh tả ý, ý cảnh hàm súc, để lại một khoảng cách cho bạn đọc đủ tưởng tượng, khiến người ta cảm thấy tiếng đàn như tình yêu của nàng, nồng đượm như rượu ngon, làm ý trung nhân của nàng say đắm. Nguyễn Du không hiểu được điều tuyệt diệu của việc tả ý đó, lại kể tên bốn khúc nhạc cổ điển là Sở Hán tương tranh, Phụng cầu hoàng, Quảng Lăng tán, Chiêu Quân oán mà trong số đó không một khúc nào có nội dung biểu hiện được nỗi lòng người thiếu nữ đang yêu say đắm. Khúc thì tiếng sát phạt vật lộn trên chiến trường thời cổ, khúc thì tả hiệp sĩ thời xưa giết kẻ thù trừ bạo ngược, hoặc nếu không là niềm u oán bị buộc phải gả cho người ngoại tộc thì cũng là lòng hâm mộ của tài tử đối với giai nhân. Lối tả thực này tuy về hình thức ngợi khen tài đàn tinh diệu của Thúy Kiều nhưng về thực chất thì sự việc ngược với ý định, người ta chỉ cảm thấy chẳng qua Thúy Kiều biết gảy thành thạo một số ca khúc xưa mà thường ngày từng luyện tập, chứ không thể dùng đàn để kí thác tư tưởng tình cảm một cách tùy ý. Cái ngón đàn vừa nhập môn ấy thật không tương xứng chút nào với lời khen đi khen lại trong truyện, đủ thấy đó chỉ là kết quả của việc Nguyễn Du khoe khoang kiến thức về âm nhạc của mình.

Trong thời gian Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh, ngoài trường phái phỏng cổ chủ nghĩa ra, văn đàn Trung Quốc còn có phái tính linh và các nhà thơ chủ trương phong cách thơ hiện thực chủ nghĩa chống lại những tác phong đáng ngán nói trên. Nguyễn Du không chịu học những phái tiến bộ đó mà lại chọn con đường đỡ mất công sức là phỏng cổ, phục cổ, chẳng những bê nguyên xi nhân vật và cốt truyện có sẵn mà về mặt ngôn ngữ cũng viện dẫn hầu khắp, lắp ghép tùy tiện nên rất ít có sáng tạo mới độc đáo về nghệ thuật. Điều này là có liên quan với địa vị chính trị và thế giới quan của ông.

Ngoài ra, những chỗ hổng về kiến thức cũng dẫn Nguyễn Du tới những sai lầm về ngôn ngữ và chi tiết. Đó là:

Mặc dù Nguyễn Du là một nhà thơ của Việt Nam tinh thông văn học Hán nhưng rốt cuộc không thể sánh với bậc thông nho của Trung Quốc được. Là một người thông hiểu Trung Quốc ở nước ngoài, làm thơ bằng phương pháp vay mượn của thi phái khảo cứu, nhặt nhạnh tài liệu ngôn ngữ trong biển tư liệu văn hóa Trung Quốc mênh mông quả là không tránh khỏi có chút quá khó đối với Nguyễn Du. Vì thế, trong khi vận dụng cụ thể câu chữ trong thi, từ và thành ngữ, điển cố Trung Quốc, ông khó tránh khỏi bộc lộ những nhược điểm, những chỗ sửa lầm, vận dụng lầm, chứng tỏ ông chưa thông hiểu hoàn toàn. Chẳng hạn, dùng lầm “lầu Tần” (kỹ viện) để chỉ buồng the, “đồng môn” thay cho “đồng song” trong nguyên tác; sửa lầm cách gọi mẹ dởm Mã Tú Ma trong nhà chứa thành “Mã Tú Bà”, thậm chí còn gọi là mụ mối. Đó đều là những hiểu lầm do không nắm được cách dùng một số từ ngữ có liên quan của Trung Quốc mà ra.

Còn như những lầm lẫn về mặt vay mượn thơ, từ cổ điển của Trung Quốc lại càng nhiều, chẳng hạn:

Để tỏ ra ngôn ngữ của Kim Trọng cao nhã, Nguyễn Du đã cho chàng ăn nói sặc mùi sách vở, để cho chàng ví hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân với “hai Kiều khóa xuân đài Đồng Tước”. Rõ ràng Nguyễn Du vay mượn câu tuyệt cú “Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” trong bài “Xích Bích” của Đỗ Mục nhằm khoe khoang học vấn của mình. Nhưng sự khoe khoang chỉ làm lộ tẩy sự bất thông – câu này trong thơ Đỗ Mục là một câu giả định. “Đông phong bất chữ Chu Lang tiện – Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” có nghĩa là nếu như trong trận Xích Bích, Chu Du không gặp được điều kiện có lợi cho hỏa công là gió đông nam nổi lên thì Đông Ngô ắt bị mất về tay Tào Tháo. Dùng một ý thơ như thế để ví hai thiếu nữ chốn phòng the mà mình yêu mến, chẳng hóa ra râu ông nọ cắm cằm bà kia hay sao?

Tả Kim Trọng tỏ nỗi tương tư của mình với Thúy Kiều, Nguyễn Du đã cho nhân vật này nói câu thành ngữ: “Lòng này chăm chăm, đâu dám từ bỏ ý nghĩ ngây dại là ôm cây đợi thỏ” (câu 328 – N.D.). Mượn truyện ngụ ngôn về một anh chàng ngốc ôm cây chờ đợi thỏ đâm đâu vào cây chết cho mình bắt, để ví với tình cảm nhớ thương chờ đợi người thiếu nữ mình yêu, thật là đường đột quá mức.

Thơ, từ Trung Quốc thường dùng tóc mai bạc trắng để tả nỗi sầu nhưng Nguyễn Du lại dùng cách viết này để tả nỗi sầu vì tình cảm của chàng trai cô gái nên đã để cho thư sinh trẻ tuổi Kim Trọng bộc bạch tình yêu với Thúy Kiều như sau: “Vì nàng, thêm sầu chất hận – Đến nỗi tóc mai như sương” (câu 383 – 384, N.D.). Nói như thế thật là làm bộ mặt giả mạo hết mức, chẳng khác gì một công tử trăng hoa gặp dịp vui, làm tổn hại đến tính cách đa tình nhưng trung hậu của Kim Trọng.

Do còn xa lạ với đề tài tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, xa lạ với hoàn cảnh địa lý, tập tục sinh hoạt được miêu tả trong sách nên Nguyễn Du thường nhầm lẫn, thậm chí gây tức cười. Tuy tác phẩm văn học là nghệ thuật được phép hư cấu nhưng khi miêu tả hoàn cảnh địa lý chân thực, có thực thì không nên miêu tả quá xa sự thực khách quan, nếu không sẽ gây ấn tượng giả dối trong bạn đọc, làm hỏng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm. Sau đây là một vài dẫn chứng như thế về hoàn cảnh địa lý:

Dưới bút Nguyễn Du, Lâm Truy của Sơn Đông và Vô Tích của Giang Tây là hai thành phố duyên hải đều cách biển 150 dặm, lại được ông chuyển ngay đến cạnh biển. Miêu tả như thế là do không nắm vững hoàn cảnh địa lý vùng duyên hải của Trung Quốc, phá hoại tính chân thực của chi tiết.

Đặc biệt là khi miêu tả chi tiết Thúy Kiều nhảy xuống sông tự tử, những vi phạm về thường thức địa lý của Nguyễn Du càng điển hình. Ông viết:

Câu 2619:

Bỗng nghe thủy triều ào dâng.
Biết thân đã đến Tiền Đường…

Câu 2636:

Xa trông biển không giới hạn.
Buông mình nhảy xuống Trường Giang
Thổ quan hay tin vội đến cứu.
Sớm đã châu tìm đáy sông, một dải mênh mang.

Như thế là lẫn lộn Tiền Đường với Trường Giang [5] . Một loạt những mâu thuẫn như trên đã làm hỏng hầu hết tính chân thực của chi tiết, còn gì để nói đến tính chân thực nghệ thuật nữa?



[1]Tên gọi chung cho tiểu thuyết Minh – Thanh, kể cả Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử
[2]Có nghĩa là lối lắp từ ngữ của Việt Nam. Có lẽ là “vần điệu” (P.T.C).
[3]Có nghĩa: Một đời nhà Minh không có nàng ca kỹ thứ hai – Nghìn năm Đại Việt là bài thơ tuyệt diệu nhất.
[4]Tác giả bài viết nhầm là Hoài Tố. Ở đây chữa lại cho đúng.
[5]Người phê bình hiểu lầm “trường giang” (con sông dài rộng) danh từ chung thành “Trường Giang” danh từ riêng.
Nguồn: Nguyên văn tiếng Trung đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987). Bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu in trong 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Ná»™i 2005