trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
21.4.2007
Thanh Thảo
Khi bạo lực đến từ… sư
 
“Sư” đây là “thầy, cô giáo”, không phải “sư ông sư bà” của Phật giáo. Nếu tính đủ trong vài ba tháng nay, từ ngày Bộ Giáo dục phát động phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”, đã xuất hiện hàng loạt các vụ bạo lực trong nhà trường mà nạn nhân là các em học sinh nhỏ (tiểu học, trung học cơ sở) và thủ phạm, đau xót thay, lại chính là các thầy cô giáo của các em. Tuần trước, người trong cả nước đã kinh hoàng khi nghe tin có một thầy giáo ở Quảng Bình đã vô cớ (có lẽ do tác dụng của men rượu) đánh một em học sinh gái nhỏ bé chấn thương sọ não. Trước đó mấy ngày, là chuyện em bé Trâm ở một trường PTCS thuộc tỉnh Đồng Tháp - một em bé gái ngoan, học giỏi đã bị nhà trường phối hợp với… công an xã bức cung đến nỗi phải chấn thương tâm lý, phát bệnh tâm thần, nằm bệnh viện và có lúc đã không nhận ra được mẹ đẻ của mình. Tôi đã đọc trên blog của nhạc sĩ Tuấn Khanh những dòng phẫn nộ trước những hành động bạo lực khó tưởng tượng này trong ngành giáo dục. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, do quá bức xúc, đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục nên từ chức, do đã để xảy ra trong môi trường giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học, những việc đau lòng đến như vậy!

Có thể trao đổi với nhạc sĩ Tuấn Khanh về phản ứng chính đáng này, nhưng tôi nghĩ, vấn đề bây giờ với Bộ trưởng Giáo dục không phải là từ chức hay không trước những vụ việc như vậy, mà phải có ngay những hành động cụ thể, ra ngay những quyết định cụ thể, và kiên quyết ngay để từ giờ về sau chấm dứt cho bằng được những hành xử bạo lực trong nhà trường. Chúng ta đã từng phẫn nộ trước hành động đánh thầy, cô giáo, thậm chí gây thương tích cho thầy cô giáo của một vài học sinh cá biệt. Những hành động vừa bạo lực vừa vô đạo như thế là không thể tha thứ. Nhưng với những trường hợp một số “sư” (thầy cô giáo) đánh chửi, truy bức, thậm chí phối hợp với công an để bức cung học trò vì những lỗi mà các em không phạm phải, thì dư luận xã hội phản ứng như thế nào?

Tôi không đồng ý với nhận định của bà thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai sau khi vào khảo sát tại Đồng Tháp là những hành vi bạo lực của giáo viên và hiệu trưởng với em bé Trâm là những “hành xử chưa chuẩn”. Cũng như tôi chưa thể nhất trí với hình thức kỷ luật “nghiêm khắc phê bình” của Sở Giáo dục Quảng Ngãi với hiệu trưởng trường PTTH Sơn Hà về chủ trương “xén tóc, xén dép” học trò ngay tại lớp. Không chỉ đánh đập, mà cả những hành động làm nhục học trò, như vừa rồi khiến một em bé gái lớp 7 phải tự tử (may mà cứu được) đều phải bị coi là những hành động bạo lực xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân phẩm con người, và đều có thể là đối tượng của luật hình sự. Ngành giáo dục ở ta sở dĩ phát ra những “ung nhọt” như thế này không phải do “thời tiết” hay là kết quả của những hành xử “vô ý thức” từ một số giáo chức trong ngành. Nó là kết quả sau quá nhiều năm “mưng mủ” trong cơ thể một nền giáo dục tồn tại quá nhiều bất cập, nhiều “chuyện buồn không thể tin được”. Nếu bây giờ, như nhạc sĩ Tuấn Khanh, đòi cho được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phải từ chức, trong khi ông cựu Bộ trưởng Giáo dục sau rất nhiều phản ứng của công luận lại tiếp tục ngồi ở một ghế quan trọng trong “Hội đồng Giáo dục Quốc gia” thì theo tôi, cũng chưa thể giải quyết rốt ráo được vấn đề. Bây giờ, phải là lúc nhìn thẳng vào sự thật, không dùng một giải pháp này “đè lên” nhằm giải quyết một vấn nạn khác, như bỏ thi đại học cho “đỡ tốn tiền dân” và thay vào đó là một kỳ thi tốt nghiệp trung học mà ai cũng biết là “đầy rẫy tiêu cực”.

Với hiện tượng bạo lực trong nhà trường, không thể coi đó là những “hành xử thiếu chuẩn và cá biệt” rồi đưa ra vài hình thức kỷ luật là xong. Phải nhìn sâu vào cách dạy và học từ bao năm nay, xem nó có những sai lầm gì, và từ những sai lầm ấy có thể nảy sinh những tiêu cực, những hành động phản giáo dục như thế nào, thì mới có thể đưa ra đúng những “bài thuốc” có khả năng “ trị bệnh từ gốc”. Phải “tái cấu trúc nền giáo dục” nước nhà bắt đầu từ những quan niệm, những triết lý giáo dục được cả thế giới công nhận và áp dụng, trong đó, mỗi thành viên của nền giáo dục, từ một học sinh tiểu học trở đi, đều phải được thật sự tôn trọng như những con người bình đẳng và có đủ quyền lợi trong học đường.

Tất cả phải bắt đầu từ chữ “Nhân”, và chữ “Thiện”, thưa Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân!

© 2007 talawas