trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
21.5.2007
Trần Ðức Anh
Vấn đề nghiện rượu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt
 
Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975, giai cấp tư sản là một trong những nhóm người đầu tiên rời bỏ Việt Nam vì họ có tiền và vị thế chính trị để cho phép họ ra đi bằng máy bay Mỹ. Họ đạt được trình độ giáo dục cao, hoà nhập vào văn hoá và lối sống Mỹ một cách khá dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, những người rời Việt Nam theo trường hợp tị nạn trong thập niên 1980 thì khác. Nhiều người đương đầu với sự nghèo nàn, sự tan rã giáo dục và chia rẽ của gia đình trong những năm đầu sống dưới chế độ cộng sản vào nửa cuối thập niên 1970. Những kinh nghiệm này dẫn đến việc họ không có khả năng thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ. Bình thường, rất dễ nhìn thấy họ tụ tập uống rượu nhiều lần một tuần, cười đùa và chuyện gẫu như một cách đối phó với những hoàn cảnh đã nêu trên. Việc uống rượu thường xuyên trở thành một thói quen và là hậu quả do địa vị kinh tế xã hội thấp của họ ở Mỹ. Nói tóm lại, đời sống bên lề (marginalized) dẫn đến tệ nạn nghiện rượu chiếm một tỉ lệ cao trong số những người đàn ông Việt Nam đến Mỹ trong giai đoạn cuối của thập niên 80.

Bài phóng sự này viết về một số đàn ông Mỹ gốc Việt sinh ra vào nửa sau thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970. Các cuộc phỏng vấn được chọn ngẫu nhiên trong những người tụ họp và uống rượu ở khu Lion Plaza (khu Thương xá Sư tử) tại San Jose, một vùng có nhiều người Việt tị nạn. Những câu hỏi đặt ra cho họ xoay quanh thời gian họ ở Hoa Kỳ, trình độ giáo dục, khả năng thu nhập, khả năng Anh ngữ, quá trình hút thuốc và đánh bạc, số lần bị phạt vì tội uống rượu lái xe, kinh nghiệm cá nhân (ngắn gọn) ở Việt Nam trước khi tới Mỹ, việc chứng kiến bạo lực trong thời gian chiến tranh, thời gian ở trong trại tị nạn… [1] Có bốn người sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của họ. Mười người được phỏng vấn nhưng chỉ có bốn người cảm thấy thoải mái với mọi câu hỏi. Sáu người khác từ chối hoặc kết thúc phỏng vấn sớm hơn dự định.

S. Trần cho biết ông sống ở Hoa Kỳ từ 19 năm nay. Cha ông là một người lính Mỹ chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam và ông mất liên lạc với người cha từ nhỏ. Ông được một cặp vợ chồng người Việt nhận làm con nuôi; kết quả là cha mẹ nuôi và gia đình của cha mẹ nuôi đều được nhận đến Mỹ cùng với ông. Công việc của S. Trần ở Mỹ là làm sàn nhà gỗ cứng ở Santa Rosa. Công việc này không liên tục trong năm. Mùa lạnh, việc khan hiếm vì nhiều khách hàng không thích thay thảm bằng sàn gỗ. Mức thu nhập của S. Trần dao động từ 10.000 tới 20.000 đô la một năm. S. Trần chỉ học tại một trường dành cho người lớn tại địa phương để học tiếng Anh. Kỹ năng tiếng Anh của ông đủ để nói chuyện bình thường, nhưng không đủ trôi chảy cho công việc bàn giấy. Ông hút thuốc và đánh bạc thường xuyên, nhưng chưa bao giờ bị phạt vì tội uống rượu lái xe. Thời thơ ấu của ông không ổn định và ông phải sớm học những mánh khoé xảo quyệt của cuộc sống trên đường phố. Hiện thời, ông có một vợ và hai con đang ở độ tuổi thiếu niên. Vợ ông lo toan hầu hết việc nhà.

D. Nguyễn kể rằng ông đã vào Hoa Kỳ 18 năm về trước. Ông sống thời thơ ấu ở Việt Nam và đến đảo Phi Luật Tân nhập trại tị nạn. Theo ông mô tả, thời gian ở trại tị nạn rất thảnh thơi, nghèo nhưng vui. Hầu hết những người trong gia đình ông nhập cư tới Canada, trừ chú ông và ông nhập cư tới Mỹ. D. Nguyễn đã tốt nghiệp trường trung học Oakland và vào học tại trường cao đẳng cộng đồng (community college) Laney một năm, nhưng rồi bỏ ngang vì thiếu căn bản. Công việc chính của ông cũng là làm sàn nhà gỗ cứng. D. Nguyễn và S. Trần là đồng nghiệp và có cùng cùng mức thu nhập. Ông nói tiếng Anh kém và hay nhờ một người bạn dịch giùm. Ông không thích hút thuốc, nhưng thường xuyên cá độ thể thao. Năm 2004, ông bị buộc tội uống rượu lái xe và đang chờ ra toà do đã đụng xe rồi bỏ chạy. Ông có hai người con ở độ tuổi thanh thiếu niên; vợ ông chăm nom cho chúng.

H. Lê đến Mỹ cách đây 15 năm theo chương trình nhân đạo vì cha ông từng là một sĩ quan trong quân đội và có bằng trung học tại Mỹ. Ông làm vườn đã hơn 10 năm. H. Lê không thích công việc này, nhưng đây là phương tiện duy nhất để ông giúp đỡ gia đình. Thu nhập của ông cũng vào khoảng từ 10.000 tới 20.000 đô la một năm. Ông cho biết ông đọc và nói tiếng Anh đều thành thạo. Thỉnh thoảng ông có hút thuốc vì hầu hết bạn bè đều hút. Ông không thích đánh bạc, nhưng đôi khi cũng cá độ những cuộc thi đấu bóng rổ với bạn bè. Vợ ông thường lái xe thay vì ông đã phạm tội uống rượu lái xe và không dám mạo hiểm để bị bắt lại. Ông không vui với tình trạng kinh tế của mình, nhưng không biết làm gì khác để thay đổi. Ông có một con gái 3 tuổi. Vợ ông than phiền về việc ông uống rượu rất nhiều, nhưng ông thường lờ đi.

B. Em sống phần lớn thời thơ ấu ở nông thôn Việt Nam, vào Hoa Kỳ 18 năm trước và tốt nghiệp trung học tại Mỹ. Hiện thời ông làm cho công ty đệm Sealy. Thu nhập của ông vào khoảng từ 20.000 tới 30.000 đô la một năm. Tuy chưa bao giờ học trường cao đẳng, nhưng tiếng Anh của ông rất lưu loát. Ông hút thuốc nhiều, uống rượu và đánh bạc thường xuyên. Hậu quả của việc uống rượu đó là ông đã bị cảnh sát phạt về tội uống rượu lái xe. Cha ông là một người lính Mỹ và ông vẫn chưa tìm cách gặp lại cha mình. Ông nói rằng việc gặp lại cha mình sẽ không thể nào thay đổi được cuộc sống của ông. Hiện thời ông có một con gái 7 tuổi và vợ của ông đang nộp đơn xin ly dị.

Những người tham gia trả lời cuộc phỏng vấn này đều dùng rượu như một cách giải quyết những bế tắc của cuộc sống. Họ tụ lại một nhóm để có một sự gắn bó nhỏ nhoi. Họ nói rằng họ uống để quên quá khứ. Những người này sanh ra trong thập niên 60 và 70, thời thơ ấu của họ bị ảnh hưởng nhiều vì tình trạng xáo trộn chính trị. Sau khi chiến tranh đã qua, gia đình của họ phải chịu đựng những khó khăn do chiến tranh gây nên. Nhiều người có cha bị bắt đi trại cải tạo hay tù chính trị. Một số bị những người cha Mỹ bỏ rơi và được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Việc thiếu bóng dáng người cha trong thời thơ ấu đã làm tổn hại tới cảm giác về cá tính và trách nhiệm cá nhân của họ. Rượu trở thành một liều thuốc để họ giải quyết những vết thương hay những kí ức đau đớn của quá khứ, cũng như để quên đi những lo lắng trong hiện tại.

Gia đình ly tán và sự đứt đoạn giáo dục sau chiến tranh khiến những người này thiếu sự trang bị cho một cuộc sống mới trong xã hội Mỹ. Những giáo dục thời nhỏ mà họ nhận được ở Việt Nam và tại các trại tị nạn không giúp họ đạt được nền giáo dục cao hơn tại đại học ở Hoa Kỳ. Kết quả là những người đàn ông này chỉ có khả năng hoàn thành trung học và chương trình ESL (English as a Second Language: Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai) trên nước Mỹ. Với khả năng đọc và viết hạn chế, họ bắt buộc phải làm những công việc tay chân với mức thu nhập tối thiểu. Mặc dù cảm thấy may mắn được sống ở Mỹ, họ chưa bao giờ tự hào thấy mình như một người Mỹ. Định nghĩa về một cuộc sống hạnh phúc của họ là sống trong hiện tại và không phải lo lắng về tương lai. Ngoài ra, việc buôn bán tràn lan rượu, thuốc lá và cá độ thể thao cũng làm gia tăng mức tiêu thụ rượu trong nhóm người này. Vì không đủ khả năng mua nhà, họ phải sống trong các khu nhà thuê. Bất cứ khi nào tụ tập, họ chỉ cần lái xe vài khu phố là tới một tiệm rượu. Rượu và bia luôn luôn có trong tủ lạnh; nhiều khi họ uống sau bữa ăn tối cho dù không có bạn bè qua thăm. Họ hút thuốc để tập trung hơn vào công việc, và để thư giãn. Bởi vậy, hút thuốc và uống rượu trở thành món cocktail hoàn hảo, mang đến niềm vui cho cuộc sống bên lề của họ. Một trong những lý do khiến những người này tập hợp lại là để cùng nhau coi bóng đá, bóng rổ hay túc cầu. Hầu hết thời gian, họ đánh cuộc cho đội banh họ ưa thích vì điều này mang lại sự phấn khích và nhiều tiếng cười. Cá độ thể thao tạo thêm một cái cổng vào cho việc tiêu thụ rượu, vì cá độ mà không uống rượu thì không còn vui. Họ không thể vui lên để ủng hộ đội của họ nếu thiếu vắng những cú nâng bia với bạn bè. Bởi vậy, hút thuốc và đánh bạc thường đi kèm với uống rượu.

Một cách để giúp đỡ họ là giúp họ cảm thấy được liên hệ với những người trong nhóm tuổi của họ. Sự hoà hợp xã hội có thể là một giải pháp thực tiễn để giúp đỡ những người đàn ông này cảm thấy mình là một phần của xã hội Mỹ. Nếu họ yêu môn túc cầu, bóng rổ hay bóng chuyền, cộng đồng địa phương có thể giúp đỡ họ tổ chức thành những đội và thi đấu với nhau vào dịp cuối tuần. Có lẽ thành tích và lòng tự hào cá nhân từ một trận đấu túc cầu sẽ cho phép họ vui vẻ thư giãn mà không cần lo lắng đến uống rượu lái xe. Việc yêu thể thao sẽ giúp họ có cuộc sống điều độ, khỏe mạnh và mang lại một cảm giác hạnh phúc tinh thần cho cá nhân.

Một giải pháp khác là giúp họ liên hệ với những người khác trong cộng đồng bằng cách giúp họ tham dự vào những công tác địa phương hay những dự án công việc cuối tuần của cộng đồng. Bằng việc cho phép họ có trách nhiệm cá nhân nào đó, họ sẽ cảm thấy tốt về bản thân mình. Hiệu ứng sau đó là họ chú ý hơn tới những người xung quanh họ và dành nhiều thời gian hơn cho con cái và vợ. Điều này sẽ mang đến lối thoát cho họ, để họ có thể hưởng thụ cuộc sống với những người thân yêu mà không cần đến rượu.

Khi những người này không có khả năng đến AA (Alcoholics Anonymous: chương trình giúp cai rượu) vì trình độ tiếng Anh thấp, sự có mặt của những dịch vụ khuyên bảo và chương trình cộng đồng bằng tiếng Việt sẽ giúp họ cai rượu dễ dàng hơn. Nhưng những người này phải ý thức được rằng việc nghiện rượu có hại cho hạnh phúc gia đình và sức khỏe của riêng mình. Nhiều người tin rằng uống rượu vang có tác dụng bảo vệ cho hệ tim mạch, nhưng tiêu thụ rượu thường xuyên sẽ dẫn tới những phức tạp có hại cho sức khỏe. Một điều quan trọng ta cũng cần chú ý rằng phần lớn những người này không có bảo hiểm sức khỏe. Cộng đồng cần nhắc nhở họ rằng lạm dụng rượu không những gây ảnh hưởng xấu cho cuộc sống của họ, mà còn nguy hiểm hơn khi họ không đủ khả năng trả tiền cho thuốc men và y tế.

© 2007 talawas


[1]Những người này không được trả tiền khi trả lời phỏng vấn; một số hơi miễn cưỡng; các cuộc trò chuyện diễn ra bằng tiếng Việt và không câu nệ hình thức. Những người tham gia đồng ý được ghi âm.