trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
2.6.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Viết báo hay chăn trâu?
 
Sau một năm viết báo

Nghề nào cũng cái khổ của nó. Mỗi công việc nó có cái khó, cái bực mình và cái không thoả mãn, song song với những cái mình thích. Đây là điều Simone Weil nói đến về "tinh thần trong công việc" hay Joseph Cary phân biệt giữa "lao động" (labor) và "công việc" (work). Theo đó, thảm kịch của con người thời đại là phải lao động để sinh tồn bằng những việc làm mà mình không ưa thích. Đây là hiện tượng tha hoá của nhân loại bây giờ.

Trước tiên, tôi muốn tâm sự chuyện về công ăn, việc làm của riêng mình. Cả năm, tôi viết cho tờ Vtimes, một tờ báo Việt ngữ ở Mỹ. Mục thường xuyên mang tên tôi là "Từ phía trái". Ở vùng bắc California, người ta cứ cho tôi là "tả phái" cho nên tôi có cái mục như vậy. Viết báo có cái thú là mình được có cơ hội giải bày tâm tư với thiên hạ. Nhưng chưa chắc rứa là vui. Nhớ lại hồi năm 1981, vừa mới xong chương trình cao học từ đại học Texas, tôi được nhận về làm việc với thị xã Long Beach để phát triển thành phố. Một phần công việc của tôi là phân tích những vấn đề chính sách và ngân khoản cho công viên và bờ biển. Hằng ngày, tôi lái xe công vụ đi vào các công viên, viện bảo tàng, hay chạy dọc theo bờ biển để gặp gỡ nhân viên thị xã. Công việc thật nhàn nhã, trong một môi trường làm việc thoải mái, giữa một thành phố xinh đẹp. Tôi ở thuê trong một studio nhỏ trên đường Ocean Avenue, ngay sát bên bờ biển. Chiều nào, tôi cũng chạy bộ hay dạo mát theo bờ cát. Tuyệt vời. Nhưng rồi tôi cũng chán. Cái gì mà nhàn nhã quá rồi cũng trở thành nhàm. Thế là tôi đổi nghề. Sau đó, tôi đi làm cho Bộ Xã hội tiểu bang California. Trong vòng một năm, tuần nào cũng bay đi các thành phố để đánh giá và tham khảo về các chương trình định cư cho di dân. Rồi tôi cũng thấy không có gì là hay. Đi máy bay và lái xe nhiều cũng mệt. Tôi đổi qua đi học luật. Mấy năm sau, tôi thấy hành nghề luật sư nhiều lúc rất căng thẳng nên tôi trở lại trường đi học triết, xong rồi đi dạy học.

Những lớp học triết buổi chiều tối kéo dài ba tiếng đồng hồ. Sinh viên có em nói là thầy Liêm giảng triết "cao siêu" quá. Dĩ nhiên rồi, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị thì có ai hiểu được đâu mà không cao siêu! Nhiều lúc tôi giảng bài khan cả cổ, sinh viên cả lớp 50 em đủ chủng tộc ngồi đó cứ mở mắt ra nhìn mình chăm chăm, nhưng chắc gì các em đang lắng nghe mình. Về đến nhà lúc 10 giờ tối, tôi mệt nhoài và khan cả cổ, chỉ cần uống ly rượu chát lạnh, ăn qua loa và ngủ say cho đến hôm sau. Rứa mà chưa đủ, tôi lại còn nhận viết báo cho Vtimes hằng tuần nữa. Thế là đi đong hai ngày cuối tuần. Tôi phải lục đục suy nghĩ đề tài và phải vắt óc ra mà viết - cũng như khi đi dạy học là vắt hơi mà "bán cháo phổi" vậy. Viết báo không dễ đâu quý vị ạ. Nhiều lúc tôi viết 30 phút là xong một bài, nó vô thưởng, vô phạt, nói lên ý kiến của mình về một vấn đề gì đó. Nhưng có bài tôi phải tận lực viết suốt cả ngày. Nhiều lúc đang ngủ giữa khuya, chợt nghĩ ra một ý tưởng nào đó cho bài, tôi phải vùng dậy, mở đèn, viết vào chứ không sẽ quên đi. Xong rồi, trở lại giường, không ngủ được nữa, trằn trọc cho đến khi gà gáy sáng.


Thì chỉ muốn làm mới lại chính mình

Cái quan trọng là chúng ta phải làm mới lại chính mình khi cần thiết - kể cả việc thay đổi tư duy, nghề nghiệp, nơi ở, môi trường sống, giao thiệp, và ngay cả bạn hữu. Như thế thì cuộc sống mới không bị nhàm chán. Martin Heidegger cho rằng nhàm chán là cái bệnh của thời đại và Francis Fukuyama thì nói rằng nó có thể là nguyên nhân cho cuộc cách mạng tư sản kế tiếp. Nhưng phần lớn chúng ta đâu có tự do để chọn lựa cái mình muốn. Ta lao động vì cơm áo, vì nợ nần, vì gia đình, con cái - hay là vì thể diện nghề nghiệp và công danh. Ít ai làm việc trong tinh thần yêu thích những gì mình làm cả. Thế nhưng, nếu chúng ta hỏi ai đó là họ thích công việc không, thì ai cũng trả lời, vâng thích lắm. Họ xạo đấy. Ngoại trừ vài tỷ phú ở Mỹ như Donald Trump, Bill Gates hay Warren Buffet, họ làm không phải vì sinh nhai, mà vì yêu thích những thử thách trong công việc và quyền hành, còn đại đa số, từ giáo sư đến bác sĩ, đến thợ hồ hay chủ nhà hàng, - và ha, ha, nhất là các nhà báo - đều muốn giải phóng mình ra khỏi công ăn việc làm. Đây là giấc mơ chung của nhân loại.

Cái khó là chúng ta có đủ sáng tạo, can đảm để làm mới chính mình bằng công việc làm ăn khác hay không. Karl Marx, trong luận án triết học của ông, định nghĩa "thiên tài" là "người tạo công ăn việc làm cho mình". Hầu hết chúng ta sợ thay đổi, sợ phiêu lưu - chỉ muốn an phận theo ngày tháng với cái gì mình đang có. Vì thế, chúng ta chỉ thay đổi chỉ khi nào hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải bước ra khỏi cái ghế ngồi đã mòn và quá quen. Nói thế nhưng không phải là điều dễ dàng đâu. Cẩn trọng và chín chắn bao giờ cũng đúng hơn là thay đổi ẩu, liều mạng và không suy nghĩ mạch lạc. Mười năm qua, một số không nhỏ các anh chị gốc Việt ở California trong ngành kỹ thuật phải bỏ nghề để đi vào lãnh vực nhà hàng, bất động sản. Họ xoay xở nhiều và cũng lắm gian nan. Bao nhiêu người trăn trở, thức ngủ lo lắng, suy tư thâu đêm! Nay, thị trường bất động sản đang xuống quá thấp, tôi biết nhiều anh em đang trải qua thời gian "luyện hồn" vì lo lắng đến mấy căn nhà mà họ đầu tư ở Florida, Arizona, New Mexico, Las Vegas hay ở vùng Sacramento, Patterson.


Hay là về Việt Nam chăn trâu?

Thế hệ đầu của dân di cư - như là một đô thị lớn - họ không bao giờ ngủ cả. Người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ cũng thế. Trong vòng một năm qua, phong trào về Việt Nam làm ăn trong cộng đồng gốc Việt ở Mỹ đang lên như lửa - nhưng cháy ngầm. Bao nhiêu "đại gia" trong đủ mọi ngành đang âm thầm đi về Việt Nam đầu tư đất đai, nhà cửa, mở nhà hàng, cơ sở dịch vụ, xuất nhập cảng, dựng nhà máy sản xuất và mở trường dạy học. Nhiều lắm. Hình như ai cũng muốn về Việt Nam làm ăn trong lúc này. Họ không nói ra mà thôi. Nhiều người cứ tham khảo tôi về chuyện này - dù là bên ngoài công chúng thì họ cũng lên giọng "chống làm ăn với cộng sản" cho đến khi có dân chủ, nhân quyền "thực sự". Vì họ biết là chờ cho Việt Nam có dân chủ, nhân quyền "thực sự" thì ở đây họ đã không còn cơ hội. Thí dụ, chuyện cho Việt kiều mua nhà, ngay bây giờ, dân Việt ở San Jose đang về Sài Gòn mua nhà "rầm rầm" nhưng họ không đứng tên chính thức thôi. Và khi Việt Nam đã chính thức cho Việt kiều tự do mua nhà và đứng tên chủ nhân thì giá bất động sản ở Sài Gòn hay Nha Trang, Đà Lạt sẽ lên cao tới trời, không ai trong chúng ta ở đây còn mua nổi cả. Trong khi bây giờ, có khu chung cư bên bờ sông, giá bán chỉ có 50 ngàn đô nên ta còn mua nổi, nhưng đành phải nhờ bà con bên nớ đứng tên cho. Dự án Saigon Pearl ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, bên bờ sông,có mấy cái penthouses rộng trên 400 mét vuông rao bán với giá 700 ngàn đô, nay đã bán hết. Một chung cư cao cấp ở quận Một, ngay trên đường Nguyễn Huệ, giá bán từ 400.000 đô đến 2 triệu đô, chưa ra thị trường mà đã được bán sạch. Cái kẹt nữa là bên Việt Nam họ đòi tiền đặt cọc cao quá, thường là 50 phần trăm bằng tiền mặt. Thử hỏi, ai trong chúng ta có đủ 300 ngàn để mà đặt cọc cho một dự án cao cấp mà phải chờ hai năm nữa mới xong? Nhưng ở Việt Nam, số người giàu có như thế rất nhiều.

Nhiều anh em mà tôi biết cũng về nước làm ăn và đã thành công lớn. Họ làm ra tiền, trả rất ít thuế, và sống "như đế vương". Nhưng cũng có một số khác thì lận đận, mang tật mất tiền, nợ nần, tai tiếng đủ mọi điều, và sau năm, mười năm phiêu lưu ở Việt Nam đành phải trở lại Mỹ để bắt đầu lại. Có người tâm sự là họ đã phí bỏ 10 năm qua chạy theo ảo ảnh ở Việt Nam - dù rất vui nhộn và đầy chuyện đáng nhớ. Thành ra, tôi nghĩ là bạn hãy cẩn thận nếu bạn đang muốn bỏ hết để về Việt Nam kinh doanh. Bạn phải biết là mình muốn gì, làm được gì, và phải thực tế. Nếu ở đây, ví dụ, bạn là nhân viên địa ốc và đang gặp khó khăn mua bán, trong túi chỉ có vài ngàn đô, nợ nhà chưa trả nổi, con cái sắp vào đại học, thì đừng có lấy equity loan (nợ thế chấp) từ nhà hay là lấy tiền mặt từ thẻ tín dụng ra mà về Việt Nam làm ăn. Bạn sẽ chết đứng ngay trong vòng nửa năm thôi.

Sáng tạo, can đảm - vâng, nhưng phải hợp lý, khi bạn muốn về Việt Nam để "làm lại cuộc đời". Hãy thận trọng bạn ơi. Di cư ngược bao giờ cũng khó cả. Ngày xưa khi vượt biển, chúng ta không còn gì để mất và có tất cả để hy vọng. Còn bây chừ thì khác. Kinh tế Việt Nam như là một khu rừng non, có nhiều cơ hội, nhưng hiểm nguy, rủi ro cũng nhiều gấp bội. Rừng nào có cọp đó và quy luật cũng khác. Bạn có gan thì làm giàu - nhưng bạn đừng ngây thơ và ảo tưởng, mà phải liệu thân thế. Nhiều anh em còn trẻ về bên đó, mang mác Việt kiều, lên mặt ta đây và làm nhiều điều xằng bậy, kể cả lường gạt về tình tiền. Nhiều người bên đó họ cũng muốn thoát ly ra khỏi đời sống khắc nghiệt, khó khăn - nhất là các em gái thôn quê ngây thơ mới lên tỉnh. Tôi muốn nhắn với các tay Việt kiều trẻ ưa quậy rằng, các bạn ơi, hãy cẩn trọng và đừng đùa giỡn chuyện tình cảm hay lường gạt người ta, tội lắm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất đông các Việt kiều từ Mỹ về bị dân trong nước gạt tình, lừa tiền đến nỗi phải cay đắng mà bỏ chạy về Mỹ khi không còn đồng xu dính túi.

Về lại Việt Nam - Phần lớn chúng ta ai cũng có khi nghĩ đến điều này trong một điều kiện hay hoàn cảnh khách quan nào đó. Nhưng bạn đã sẵn sàng cho chuyến viễn du này chưa? Chuyện gia đình ở Mỹ bạn đã lo cho vững chắc chưa? Nếu bạn về bên đó một năm, ai trả tiền nhà, xe, bảo hiểm cho bạn bên Mỹ? Be real! Muốn bắc cây cầu qua sông thì móng cả hai bên bờ phải vững chắc trước đã.


Ôi còn chuyện bảo lãnh, đoàn tụ gia đình nữa

Ở Bắc California, người Việt chắc đã có nghe câu quảng cáo quen thuộc của dịch vụ di trú Mullins International rằng, "Bảo lãnh để cải tiến thế hệ tương lai". Vâng, phần lớn là đúng. Nhưng càng ngày, giới sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam càng ngày càng có nhiều cơ hội hơn các em ở đây. Nền kinh tế của Mỹ đang về tuổi xế chiều. Công ăn việc làm đang di cư về Á châu nhiều lắm. Tôi biết có nhiều sinh viên điện toán ở Sài Gòn chưa ra trường nhưng đã có job offers từ nhiều công ty ngoại quốc với lương rất cao theo tiêu chuẩn Việt Nam. Cơ hội kinh doanh, buôn bán cũng dễ dàng hơn ở Sài Gòn, so với San Jose. Tôi biết có bà nọ, Việt kiều từ Pháp, về Sài Gòn mở tiệm ăn tây, quán lúc nào cũng đông người. Trong vòng hai năm, bà ta đã lấy lại vốn, và trên đường trở thành đại gia lớn. Thế nên, có nhiều người có cơ hội đi Mỹ nhưng họ đã không đi vì họ biết qua Mỹ thì khổ hơn ở Việt Nam nhiều. Dĩ nhiên, cái gì cũng mang tính tương đối và tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh cá nhân.

Về luật di trú Hoa Kỳ thì Quốc hội Mỹ và Tổng thống Bush trước sau cũng sẽ có cải tổ lớn. Diện đoàn tụ gia đình sẽ giới hạn nhiều. Dự luật đang bàn cãi sẽ chỉ cho phép đoàn tụ cho con ruột dưới 21 tuối, hôn phu và cha mẹ mà thôi. Anh em, chú bác sẽ không còn là lý do bảo lãnh đến Mỹ nữa. Còn như hiện nay, một cô gái ở Đồng Tháp, chẳng hạn, chỉ cần lấy một Việt kiều có quốc tịch Mỹ là cái "dây chuyền di cư" (chain immigration) được bắt đầu. Dần dần, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, hai ba giòng, hai ba đời, từ từ đều không sớm thì muộn được qua Mỹ cả.

Ai cũng biết chuyện "di cư dây chuyền" thì cứu được vô vàn người. Nhưng chính nó cũng tạo ra bao nhiêu cay đắng, khổ đau cho các gia đình phải đứng ra bảo lãnh cho người thân ở Việt Nam. Ai đã đi qua cầu đó mới biết. Thực ra, nhiều gia đình không muốn bảo lãnh, nhưng vì sợ mang tiếng ích kỷ, "qua sông chặt cầu", mà họ phải lo cho người thân qua Mỹ. Rốt cuộc, hai bên đều khổ, nếu họ không thông cảm nhau. Một số thân nhân ở Việt Nam khi được anh chị em làm hồ sơ đoàn tụ, dù hồ sơ sẽ không hoàn tất ít nhất trong 10 năm, nhưng họ vẫn mang tâm lý "Việt kiều hồi hộp" sắp xuất ngoại. Họ bỏ dở công việc, suốt ngày vẽ ước mơ trên mây, sống nhờ tiền viện trợ của bà con ở Mỹ gởi về và chỉ ăn uống, nhậu nhẹt, chờ ngày đi Mỹ, ngay cả nhà dột, nhiều khi họ cũng không thèm sửa chữa.

Thành ra, chế độ di trú rộng rãi của Mỹ nhiều lúc làm phiền đến thân nhân ở Mỹ nhiều lắm, chỉ vì luật pháp cho bà con đoàn tụ thì họ phải lo làm giấy tờ ấy thôi. Có người đã trên 40 tuổi, ở Việt Nam thì nhà cửa, công ăn việc làm đã ổn định, tự nhiên qua đây, họ phải làm lại từ đầu, kể cả ngôn ngữ, khó khăn vô vàn. Nếu Mỹ giới hạn di trú kiểu "dây chuyền" như hiện nay thì đó cũng là điều phải thôi. Nó sẽ cho một chàng gốc Việt ở Mỹ có lý do chính đáng để nói với bà chị lớn tuổi ở Việt Nam rằng, "Ôi, em và bà xã cũng muốn chị qua Mỹ sống với bọn em lắm. Có khoai ăn khoai, có rau ăn rau chị ạ. Nhưng bây giờ cái thằng Bush nó không cho cái diện chị em đoàn tụ như trước nữa chị ơi. Dạ, trăm tội cứ đổ lên đầu thằng Bush, còn chị em mình thì cứ vui vẻ như xưa thôi".

© 2007 talawas