trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
4.6.2007
Thepchai Yong
Các nhà đầu tư Thái tìm cách bám vào “ngôi sao đang lên” Việt Nam
Hoài Phi dịch
 
Các nhà doanh nghiệp Thái luôn đổ vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và buôn bán. Những năm gần đây, rất nhiều người trong số họ đã đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – hai trung tâm phát triển chính của đất nước cộng sản này – vì chỉ số tăng trưởng kinh tế 8% được ghi nhận cũng như địa vị “ngôi sao đang lên” ở Châu Á của Việt Nam đã thu hút họ.

Nhưng đến là một việc, đổ tiền vào các dự án đầu tư hoặc bỏ vốn vào các cơ hội buôn bán lại là một việc khác. Mặc dù các nhà doanh nghiệp Thái đã thành công trong những làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam hồi đầu, nhưng hiện nay họ có thái độ thận trọng hơn trước môi trường đầu tư ngày càng mang tính cạnh tranh này.

Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế vào năm 1988 và mở cửa cho đầu tư nước ngoài, các nhà kinh doanh Thái là một trong những đối tác đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường 85 triệu người này. Thái Lan đặc biệt thành công trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và các sản phẩm nông nghiệp. Một số hàng nhập khẩu từ Thái đã trở thành hết sức quen thuộc ở Việt Nam.

Việc bình thường hoá quan hệ thương mại với Mỹ, và việc Việt Nam gia nhập WTO đột nhiên đặt nước này vào tấm bản đồ cho các nhà đầu tư quốc tế. Và trong tất cả các trung tâm ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn, trở thành hấp dẫn nhất về mặt phát triển kinh tế và hiện đại hoá. Ðó là thành phố có nhiều giao dịch thương mại của Thái nhất.

Trong một cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư ở Việt Nam, tổ chức tại thủ đô của miền Nam trước đây, đã thu hút hàng loạt thương gia cũng như đại diện của các tổ hợp thương mại Thái; một số người tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh đã có của họ tại nơi này.

Chính phủ Việt Nam, phấn khởi với việc gia nhập WTO vào đầu năm nay, đã dùng cuộc hội thảo do the Asia News Network (Hệ thống Tin tức Châu Á) và Thông tấn xã Việt Nam đồng tổ chức này để quảng bá hoài bão biến Việt Nam thành một nước công nghiệp hoá vào năm 2020 bằng việc kết hợp cải cách kinh tế và tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài. Ðối với những người Thái có mặt ở đó, cuộc hội thảo này chỉ là một dịp lượn phố ngắm hàng (window-shopping). Phần lớn các dự án đầu tư được nhấn mạnh tại hội thảo – trong đó một số dự án vẫn ở dạng phác thảo - được thiết kế với mục đích nâng cấp hạ tầng cơ sở nghèo nàn của nước này, và rõ ràng chỉ nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia với những nguồn tài chính khổng lồ và công nghệ kỹ thuật tối tân.

Ðài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Singapore là những nhà đầu tư châu Á hàng đầu ở Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan thậm chí không lọt được vào danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất. Các thương gia Thái có mặt tại hội thảo thừa nhận rằng khi việc cạnh tranh môi trường đầu tư ở Việt Nam trở nên khốc liệt hơn thì những tập đoàn đa quốc gia lớn sẽ giành được hết mọi thuận lợi.

Rõ ràng là việc trợ lực của chính phủ họ đã giúp các tập đoàn này thiết lập quan hệ tốt với giới quan chức cao cấp Việt Nam. Thường thì quan hệ ngoại giao và các dự án do chính phủ (nước ngoài) tài trợ đóng vai trò chủ chốt cho thành công trong đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.

Hiện nay, một trong những vấn đề được hỏi nhiều nhất về phát triển kinh tế ở Việt Nam là liệu đất nước từng bị chiến tranh tàn phá một thời này có thể vượt qua Thái Lan về mặt kinh tế không. Và câu hỏi này cũng được nêu ra trong diễn đàn kinh tế tại hội thảo, trước sự có mặt của một số viên chức cao cấp trong chính phủ, những người dự định gây ấn tượng với đám quan khách ngoại quốc.

Mặc dù lãnh đạo chính phủ Việt Nam và các công chức rõ ràng rất phấn khởi với điạ vị kinh tế mới của nước này, họ đủ khiêm tốn để không miêu tả Việt Nam như một đối thủ cạnh tranh với Thái Lan, bất chấp thực tế là tăng trưởng kinh tế chóng mặt của họ đã trở thành mối lo ngại với nhiều người Thái. Trước công luận, Việt Nam thích nói về hợp tác hơn là cạnh tranh.

Trong khi đó, nhiều nhà doanh nghiệp kỳ cựu Thái ở Việt Nam tin rằng Việt Nam vừa cung cấp cơ hội, vừa là đối thủ cạnh tranh với Thái Lan, tuỳ thuộc vào việc Thái Lan sẽ phản ứng như thế nào trước nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam. Từ kinh nghiệm của họ, các nhà doanh nghiệp lạc quan hơn coi Việt Nam như một “thị trường mở rộng” cho Thái Lan. Việc hàng tiêu dùng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam khiến cho lý luận rằng Thái Lan không nên coi Việt Nam như “thị trường nước ngoài” trở nên nặng cân hơn.

Mặc dù những nhà đầu tư này tin rằng các tập đoàn lớn của Thái có thể làm nhiều hơn để đổ vốn vào thị trường Việt Nam, họ cũng muốn chính phủ Thái đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giúp cho đầu tư của Thái ở nước ngoài, đặc biệt tại những nước như Việt Nam, nơi rõ ràng đang sắp vượt Thái Lan về mặt kinh tế.

Nhưng quan trọng hơn, Thái Lan đang rất cần phải ổn định tình hình chính trị trong nước. Một lý do khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang Việt Nam là vì tình trạng tiếp tục bất ổn chính trị ở Thái Lan và việc nước này thiếu chính sách lâu dài. Vì vậy, vấn đề không nằm ở việc liệu Việt Nam có vượt qua Thái Lan không, mà ở việc liệu Thái Lan có để cho mình bị qua mặt không.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas