trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
4.7.2007
Ngô Đức Thọ
Hồi âm về Tây Dương Gia Tô bí lục
 
1. Vài hồi đáp tiền khảo cứu

Hôm 22-06 vừa qua, tôi vào mạng, tình cờ lại đúng là hôm trên talawas bắt đầu cho đăng bản điện tử cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục (TDGTBL) do tôi dịch chú. Tôi chỉ mới xem được đến số thứ 5, nếu talawas đăng hết, ngoài bạn đọc cũ có thể xem lại, chắc cũng có người lâu nay tìm đọc nhưng không tiện có sách, nay có điều kiện để đọc cuốn sách kỳ lạ này.

Như biên tập đã ghi, tác phẩm đó xuất bản cách nay đã 26 năm. Lúc đó, sau khi sách xuất bản ít lâu cũng có một hai bài trong Nam nói đến sách này, nhưng tôi nghĩ rằng họ đăng trên báo của tổ chức Công giáo thì có lẽ là việc nội bộ mà mình thì đúng là người “ngoại đạo”, vì thế tôi chỉ làm độc giả mà không tham gia trả lời. Từ đó đến nay tôi cũng chưa đăng một bài nào về TDGTBL cả, mặc dầu việc tìm kiếm liên quan đến đề tài đó đối với tôi có thể nói là không ngưng nghỉ.

Nhân dịp bạn đọc có dịp đọc toàn văn bản dịch TDGTBL, tôi cũng muốn được trao đổi thêm một số vấn đề xung quanh tác phẩm này. Nói là “thêm” bởi vì tôi đã có bài giới thiệu ở đầu sách, mà talawas cũng đã đưa lên mạng rồi., cho nên chỉ xin bàn tiếp những gì chưa nói đến mà thôi.

Trước hết tôi muốn gửi một hồi đáp đến nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Thế Anh (mà tôi không biết tình hình tuổi tác và sức khỏe hiện tại của cụ thế nào) và nhà văn Võ Phiến về ý kiến của hai vị tôi đã đọc. Ông Võ không bàn riêng về TDGTBL, chỉ khi bàn chuyện số lượng sách văn học ở hai miền Nam Bắc in nhiều ít khác nhau, mà ở miền Bắc thì “sách báo là phương tiện tuyên truyền chủ nghĩa” v.v…, nhân đó ông viết: “Cuốn Chữ nôm của Đào Duy Anh in 5.200 bản…, cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính in 10.000 bản, mà cuốn Tây Dương Gia-tô bí lục in 20.500 bản, lẽ nào vì quần chúng ham đọc bí lục hơn xem thơ Nguyễn Công Trứ hay tìm hiểu chữ nôm!” [1] Cụ Nguyễn cũng nêu con số gọi là “lưu hành nội bộ” mà in nhiều như vậy: “sách đã được đưa in gấp rút ‘ngoài chỉ tiêu kế hoạch’. Phải chăng là để đáp ứng cho một nhu cầu cấp bách, nhu cầu chứng minh Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam là con đẻ của thực dân chủ nghĩa Tây phương, đế quốc đã biến nó thành công cụ xâm lược và thống trị nhân dân ta” [2] Đại ý thì các vị ý cho rằng phải là được lãnh đạo cấp cao khởi lên hoặc ít nhất bật đèn xanh để thực hiện một chủ trương chính trị nào đó thì cuốn sách mới được gấp rút “in ngoài kế hoạch” với số lượng nhiều như thế. Tôi không liên quan gì đên việc ấn cả. Tôi chỉ biết mấy thông tin có tính chất thụ động mà thôi, nhưng cũng xin viết vài dòng để thanh minh một lần cho thật rõ chuyện này: Vấn đề này rất đơn giản chứ không quá phức tạp như các ý nói trên: Thông thường hàng năm đều có cán bộ nhà xuất bản Khoa học Xã hội đến làm việc với các viện để tìm hiểu kế hoạch các bản thảo hoàn thành đến đâu. Tôi dịch chú cuốn này không có trong kế hoạch dự kiến của Viện Hán Nôm, nhưng bản thảo hoàn chỉnh cuốn sách đó tôi đã chuyển xin ý kiến của lãnh đạo Ban Hán Nôm (lúc đó còn là Ban, sau mới chuyển thành Viện). Cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi khi thảo luận kế hoạch xuất bản nói với cán bộ nhà xuất bản KHXH là có một cuốn về đề tài Thiên Chúa giáo như vậy do anh Ngô Đức Thọ đã làm xong, nhà xuất bản xem có thể xuất bản không, nhân đó cũng mời tôi vào hỏi luôn thể. Cán bộ Nhà xuất bản cầm về đưa lãnh đạo xem xét. Sau vài tuần trở lại, anh biên tập viên Nhà xuất bản báo cho biết sách có khả năng xuất bản đươc. Vài lần sau tiếp tục báo các tin: lãnh đạo Nhà xuất bản xem rồi, đồng ý đưa vào kế hoạch; lại báo tiếp, ý xuất bản vẫn thế, nhưng có thể không đưa vào kế hoạch I, mà phải để ở kế hoạch II. Những ai ở miền Bắc lúc đó thì biết khoảng thời gian đó việc xuất bản có nhiều khó khăn cho nên phải chia các dự định thành kế hoạch I, kế hoạch II v.v... Kế hoạch I thường là các sách về các đề tài đã xác định và bố trí thời gian, nhân lực thực hiện. Kế hoạch II thì chính tôi cũng không nhớ nội dung thế nào, hình như là vẫn như kế hoạch I nhưng tiền giấy in thì viện chuyên môn (hay nhà xuất bản) phải tự lo, nghĩa là không được cấp kinh phí tài chính. Đến khi sách gần xuất bản lại thấy anh bạn biên tập viên đó báo cho biết “sách của ông, nhà xuất bản đã bàn sẽ đưa vào Kế hoạch III”! Tôi thực cũng chẳng biết kế hoạch III là thế nào, chỉ biết sách có in ra là được. Sau mới biết rằng kế hoạch III (nhà xuất bản nào cũng thế) là sách do nhà xuất bản phải thực hiện như nay ta nói là tự kinh doanh, chứ không được bao cấp khâu phát hành. Bây giờ thì in phát hành sách đều một nguyên tắc như thế, nhưng lúc đó theo phương thức như cuốn TDGTBL cũng còn ít. Đến khi sách ra mới biết nhà xuất bản in với số lượng khá lớn như các vị đã nêu.

Tôi thấy cần ngắt ra một khúc để nói tiếp việc tôi đã dịch chú quyển sách ấy vào dịp nào.

Thực ra tôi không phải là người đầu tiên biết đến sách TDGTBL. Từ năm 1968 hai nhà nghiên cứu có danh tiếng là Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm đã có bài trên Nghiên cứu lịch sử giới thiệu TDGTBL [3] . Sau lại có bài của cụ Trần Văn Giáp – Tập 2 cuốn sách của cụ Trần sau này mới xuất bản, nhưng ở bản thảo Tập 2 năm 1972 mà tôi đã đọc cũng đã có bài giới thiệu thư tịch học về TDGTBL. Rồi đến lượt tôi: Số là tôi có nguời bạn làm việc ở Ty Văn hoá tỉnh Nam Hà, một lần lên Hà Nội anh ta tìm tôi và đặt vấn đề nhờ tôi dịch cho cuốn TDGTBL làm tài liệu tham khảo nội bộ. Tham khảo nội bộ đây tôi biết ngay rằng Trưởng ty Nam Hà là ông Chu Văn, nhà văn từng viết tiểu thuyết Bão biển trong đó viết về vùng có Thiên Chúa giáo, cán bộ nghiên cứu ở Nam Hà có yêu cầu tham khảo TDGTBL theo tôi là việc tự nhiên, vì thế tôi đã nhận lời và thực hiện xong việc dịch chú rất cẩn thận vào khoảng giữa năm 1977, truớc cả khi tôi về công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm một hai năm. Và tôi đã chuyển bản thảo cuốn ấy để xin ý kiến của lãnh đạo Viện như đã nói trên.

Tôi kể lại nguyên uỷ như trên để các vị và quý độc giả biết rõ rằng đây là chuyện cụ thể của việc dịch thuật xuất bản một cuốn sách trong kho tàng di sản Hán Nôm, không hề có chỉ thị hoặc gợi ý của một cấp hay cá nhân vị lãnh đạo cao cấp nào của Đảng hoặc Nhà nước cả, vị nào biết thì cũng chỉ là sau khi sách đó được in ra mà thôi. Còn như số lượng in nhiều thì đơn thuần là chuyện tính toán đầu vào đầu ra của nhà xuất bản. Các vị nhiều lịch lãm có thể hiểu được tình hình là các sách văn chương tiểu thuyết viết về hoặc có một phần viết về Thiên Chúa giáo thường nhiều người chú ý tìm đọc, có thể chỉ bởi vì đối với họ đề tài ấy có nhiều điều mới lạ, muốn xem cho biết, huống chi cuốn này với hai chữ “bí lục” đã gợi nhiều ý hiếu kỳ. Chỗ nhà xuất bản chắc thấy có thể có nhiều độc giả nên đã định cái số lượng in cao lên như vậy chứ hoàn toàn không có thâm ý gì cả. Còn như có thể ai đó nghĩ rằng Nhà nước không được phép cho xuất bản cuốn sách có nội dung như vậy thì tôi nghĩ có lẽ lại rơi vào một cực đoan khác chăng? Vấn đề như tôi đã trình bày trên, đây là tác phẩm của quá khứ hơn 200 năm về trước, chứ không phải của người miền Bắc hiện đại, cố linh mục Nguyễn Ngọc Lan trong một bức thư trước đây cũng nói đến khoảng cách khá xa đó (sic: “Tôi chỉ nói chuyện "mạo nhận" và không bắt buộc phải nghĩ rằng TDGTBL là do người thời nay "nguỵ tạo". Nhưng nguỵ tạo từ cuối thế kỷ thứ XVIII thì cũng thế thôi” [4] ) Làm sao mà chúng ta, thay vì nên đứng khách quan để quan sát một hiện tượng tranh chấp tôn giáo rất quyết liệt trong lịch sử lại có thể nhảy hẳn vào trong lịch sử ấy để xoá ngay cái quyền được trước thư lập ngôn để lại di sản văn hoá tinh thần của người xưa? Liên hệ gần nhất thì có thể dẫn việc mới đây, dù một số nước phản đối, nhưng cuốn Mật mã De Vinci vẫn được xuất bản ở không ít nước trên thế giới và cả ở nước ta. Như thế thì có thể hiểu rằng cả độc giả cũng như nguời nghiên cứu có thể coi đó là xem lại những trang ghi chép nào đó của quá khứ mà không lấy đó làm đầu mối để tiếp tục các cuộc tranh cãi về tín điều tôn giáo vốn đã có lịch sử hết sức lâu đời. Theo thiển kiến, tôi nghĩ TDGTBL và các vấn đề của nó cũng nên được đối xử một cách công bằng như thế. Hơn nữa cũng chỉ có như thế thì những vấn đề như phải chăng TDGTBL là một nguỵ thư hay là sách kiếm hiệp của Tàu, những vấn đề về tác giả và văn bản của tác phẩm ấy thực chất ra sao v.v… mới có thể có người hỏi người đáp một cách chân tình thoả đáng trên tinh thần học thuật mới một cách văn minh và công bằng.

Nói tóm lại, đoạn bài viết trên đây tôi kể sự việc để khẳng định một sự thật là việc đặt kế hoạch và số lượng in là vấn đề thuần tuý nghiệp vụ xuất bản, hoàn toàn không có chuyện theo chỉ thị của cấp nào đó phải in cho nhanh (ngoài kế hoạch) cho nhiều cuốn TDGTBL để chống ai cả. Bây giờ xã hội cởi mở, chúng ta ôn cố tri tân thì cũng mong quý vị thuận biết cho việc ấy, ngõ hầu tránh đi được một hiểu lầm suy diễn. Xin nói thêm một chút: Hồi ấy chưa có chế độ tính nhuận bút theo số lượng, sách in nhiều hay ít thường chỉ được tham khảo để xếp loại nhuận bút đếm chữ cho tác giả, mà chênh lệch các loại cũng chẳng bao nhiêu. Còn con số 2 vạn thì vào khoảng ấy đúng là số lượng in cao, nhưng trước chưa có chiến tranh thì sách in với số lượng 2-3 vạn cũng là chuyện thường (vì thế mới chia thang nhuận bút làm ba loại: dưới 1 vạn bản, loại 2 vạn bản, loại 3 vạn bản).

Còn chuyện mấy chữ “Lưu hành nội bộ” thì cũng có chút vấn đề như các vị đã nêu. Ai ở miền Bắc hồi ấy đều biết rõ: Do cần có một phạm vi riêng để cho các cán bộ nghiên cứu các ngành có thể tham khảo một số sách dịch hoặc sách lý luận nuớc ngoài v.v… (cả phim ảnh nữa), cho nên một số cuốn nào có dính dáng không nhiều lắm đến những vấn đề quan điểm lập trường v.v… có thể chấp nhận xuất bản được thì cho vào diện “lưu hành nội bộ”, mục đích để hạn chế vào phạm vi hẹp như nói trên. Vì vậy khi sách chuẩn bị in bìa thì ai đó sáng kiến in vào bìa trong mấy chữ đó. Chúng tôi khi nhận được sách thì cũng cáu kỉnh bảo nhau: “Ông in 2 vạn bản mà bảo là lưu hành nội bộ!”. Ý các bạn bên nhà xuất bản thì giải thích rằng mấy chữ ấy tỏ ý sách để đọc tham khảo chứ không nên tuyên truyền quảng cáo rầm rộ trên báo chí! Như vậy bốn chữ ấy với con số 20.500 tất không biện minh gì được, nhưng thực cũng có hoàn cảnh cụ thể như thế.

Bây giờ đến chuyện 5 trang “Lời nói đầu” bị xé đi. Tôi có thể chụp gửi cho talawas nguyên văn 5 trang, nhưng các bạn đã tìm được rồi. Bài ấy của ông giám đốc nhà xuất bản, nếu cẩn trọng thì anh bạn biên tập nên chuyển trước để tôi xem. Nhưng anh ấy đem đến quá muộn, lại trên đường dự định đưa sang nhà in, ghé tìm tôi để xem qua cho biết thôi. Đứng dưới gốc cây xem qua một lượt tôi cũng nhận thấy bài ấy viết hơi dài, ý không cô đọng mấy, mà có phần hơi cứng nhắc. Nhưng tôi nghĩ, giá muốn bảo ông sửa chưa chắc ông đã nghe, với cương vị giám đốc nhà xuất bản ông ấy cũng có quyền viết như thế. Đến khi sách in ra thì quả nhiên là có vấn đề ở bài nói đầu ấy. Tôi không rõ đường đi của ý kiến phản ứng đó, nhưng thế tất là phải có ý kiến thế nào đó của lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Xã hội, như tôi nghe nói lại thì vấn đề nằm ở câu: “Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện chủ nghĩa vô thần khoa học Mác–Lênin trong thực tế của điều kiện lịch sử-cụ thể của Việt Nam hiên nay bằng chính sách tự do tín ngưỡng của mình. Nghĩa là, mỗi công dân Việt Nam đều có quyền tin theo một tín ngưỡng nào đó. Họ lại cũng có quyền đầy đủ nếu như họ muốn vạch trần mọi điều phản khoa học, mọi sự dối trá, lừa bịp của bất kỳ một thứ tôn giáo nào. Họ có quyền bài xích tôn giáo đó nếu như họ muốn. (in nghiêng trong nguyên văn)…”

Là người đã viết giới thiệu văn bản của cuốn này, tôi cân nhắc rất nhiều các liên hệ dẫn dụng. Vì đã thâm nhập đề tài như thế, cho nên đọc mấy trang tôi thấy bài của ông giám đốc có phần cứng nhắc, trong khi thích hợp hơn đáng lẽ cần uyển chuyển và tế nhị nhiều. Về lý thì hoàn toàn có thể nói quyền tự do ngôn luận, một ai đó cũng có thể “bài xích tôn giáo”, không ai ngăn cấm được. Nhưng trong bài viết có trách nhiệm không nhất thiết và không cần thiết phải chì chiết ra như vậy. Người ta có thể hiểu rằng, đáng lẽ anh cần phải coi đó là sự bài xích nhau (TDGTBL tất cũng có nội dung ấy), nhưng đó là chuyện trong quá khứ, chứ không phải là chuyện hiện nay đi bài xích lẫn nhau. Đại khái là như vậy, cuối cùng thì ông giám đốc nhận ra vấn đề và đề nghị cho rút bỏ - tức là xé mấy tờ đầu đi. Vấn đề như vậy, nghĩa là tác giả “Lời nói đầu” tự quyết định bỏ mấy trang đó đi rồi, thì theo tôi nghĩ phải chăng dư luận cũng nên coi nó như chưa có. Đã thấy cần bỏ đi, tất là có những câu đoạn mà nếu như chúng ta theo mặt bằng của trình độ chính trị, xã hội và học thuật ngày nay sẽ nhận ra là không nên có. Nói rộng ra thì cả những vấn đề chính trị xã hội lớn trong hơn một phần tư thế kỷ qua chúng ta cũng từng phải đi từ cứng nhắc đến uyển chuyển, vậy thì có lẽ cũng không nên quá nhấn mạnh mấy cái ý cứng nhắc trong bài “Lời nói đầu” ấy – hơn nữa tác giả đã tự cho xé bỏ rồi. Nhưng có lẽ chính vì sự xé bỏ mấy trang đó (tuy trong các sách phát hành cũng còn một số cuốn còn nguyên) mà người ta thêm nghi ngờ, biết đâu trong 5 trang ấy lại có một “bí lục” gì khác nữa! Thực tình nội dung vấn đề chỉ có như vậy thôi, người xưa nói “Độc thư bất cầu thậm giải”, không biết có thích hợp với trường hợp này hay không.

Bài này của tôi đến đây cũng đã dài. Những điểm cụ thể như tại sao trong TDGTBL lại có địa danh Gia Định v.v… tôi đã có nghiên cứu toàn diện về văn bản và tác giả TDGTBL có thể gửi đăng để quý bạn đọc tham khảo và cho ý kiến. Có điều tất cả tôi sẽ viết chặt chẽ trên tinh thần khảo cứu học thuật mà không kèm theo bất cứ ý kiến bài bác khen chê chủ quan võ đoán nào, nếu ban biên tập talawas thấy hữu ích xin cho hồi âm, tôi sẽ hoàn chỉnh và gửi đến trong một ít ngày tới. Đầu đề các phần tiếp theo của tôi: 2.TDGTBL là kiếm hiệp, nguỵ thư? 3. Đi tìm tác giả TDGTBL [và các vấn đề tiếp theo].

Cám ơn quý độc giả dành chút thì giờ đọc giúp.

Hà Nội, 01-07-2007

© 2007 talawas



[1]Võ Phiến. Văn học miền Nam: Tổng quan các yếu tố sinh hoạt văn học. http://www.tienve.org/ home/ literature/viewLiterature. do?action=viewArtwork&artworkId=3078
[2]Nguyễn Thế Anh. “Tây Dương Gia Tô bí lục - Một tài liệu lịch sử?” Đường Mới, (Paris) số 2 (1/ 1984) trang 188-192. Bản điện tử do talawas thực hiện trên cơ sở bản chụp bản gốc do tác giả gửi đến toà soạn.
[3]Chu Thiên-Đinh Xuân Lâm: "Tây Dương Gia Tô bí lục -một tài lệu có giá trị". Nghiên cứu lịch sử số 107 năm 1968. Tr. 56-62.
[4]Xem bức thư của Nguyễn Ngọc Lan hiện cũng đang có trên mạng của talawas.