trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
4.6.2002
Faith
Thời gian và lối nghĩ
 
Lại bàn về vấn đề ĐTLA ở Việt Nam, tôi thấy có một số ý kiến nói chưa chính xác. Bản thân là một người ĐTLA trẻ tuổi ở VN, tôi cảm nhận rõ nỗi đau của thế hệ ĐTLA trẻ Việt Nam. Cuộc sống của lớp trẻ VN bây giờ khác với thế hệ trước nhiều, họ có điều kiện để tiếp cận những thông tin mới nhất trên thế giới, họ đón nhận văn hoá phương Tây, họ có những hoài bão, họ biết họ muốn gì và cần làm gì, họ nghĩ cho bản thân, tuy nhiên họ không chỉ sống cho bản thân mà còn cho gia đình. Cho dù văn hóa phương Tây có thâm nhập cỡ nào vào xã hội VN thì lối nghĩ này vẫn sẽ không thay đổi. Nó dường như là bản chất của người VN nói riêng và của người châu Á nói chung.

Người Việt hay người châu Á sống luôn mang lòng biết ơn đối với bậc sinh thành và cố gắng sống sao để có thể trả đuợc ơn đó và tự đặt cho mình cái nghĩa vụ đó. Lối nghĩ của phương Tây thì lại khác, họ cho rằng cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc con cái và không coi đó là cái nợ phải trả, ngược lại họ rồi sẽ phải chăm sóc con cái của họ và như vậy là công bằng. Không có lối nghĩ nào là sai hay đúng, hay hay dở, cũng giống như trong thiên nhiên, mỗi loài có một cách đẻ con và nuôi con khác nhau.

Bắt nguồn từ sự khác biệt này, nó đã tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa văn hoá phương Tây và phương Đông. Cộng đồng người Việt hay người châu Á sống gắn bó với nhau, không chỉ bó buộc trong phạm vi gia đình họ hàng mà cho tới tình hàng xóm, xã hội, họ sống thường nghĩ cho người khác nhiều hơn, chấp nhận sống chịu đựng, hy sinh và chung thủy hơn so với người phương Tây. Đó là lý do tại sao phong trào đấu tranh cho nhân quyền người ĐTLA nói riêng và cho những vấn đề khác như quyền của phụ nữ… v.v.. ở VN cũng như các nước châu Á khác là chậm phát triển so với phương Tây. Bởi vì sự thay đổi bao giờ cũng bị phản kháng cho dù đó là tốt hay xấu, đây cũng là bản chất của mọi sinh vật cá thể. Tuy nhiên với lối nghĩ "ai làm gì mặc kệ, miễn đừng ảnh hưởng đến quyền lợi của ta thì thôi" của phương Tây làm cho xã hội linh động hơn, nên dễ thay đổi hơn. Còn đối với người châu Á, vì bản chất tính tình lối nghĩ làm cho xã hội có tính ì khá lớn, không được linh động như xã hội phương Tây. Ta cũng có thể thấy bản thân người ĐTLA Việt sống trong cộng đồng Việt ở nước ngoài cũng có nhiều khó khăn khi muốn công khai với gia đình.

Lại nói về lớp trẻ VN ngày nay, lối nghĩ của họ thoáng hơn ông cha, cái nhìn rộng hơn, nhưng vẫn mang trong người những giá trị đạo đức cơ bản. Chính vì vậy những người ĐTLA cảm thấy vô cùng khó khăn để bộc lộ với cha mẹ và người thân, những người mà họ yêu thương rằng mình là gay. Không phải vì họ sợ bị cha mẹ từ bỏ, đuổi ra khỏi nhà hay bị xã hội đánh đập mà chính nỗi đau của người cha người mẹ, hay người thân vì không hiểu đã dằn vặt họ, làm cho họ không thể nói ra. Nhìn rộng hơn, thái độ của xã hội VN đối với người ĐTLA cho dù là lên án, khinh miệt hay thương hại đối với người ĐTLA thì cũng hiếm có trường hợp dẫn đến bạo lực như trong xã hội phương Tây. Thật ra xã hội VN khá là bao dung, thái độ của nó đối với người ĐTLA thường là thương hại; cho dù điều này có nghĩa là phân biệt đối xử, nhưng nó thể hiện tính bao dung. Ở VN không phải không có người sống công khai là gay, họ đâu có bị sao, không bị chém giết hay hành hạ, cho dù có người ghét cũng như không ghét. Nhưng vì tính hy sinh cao, người ĐTLA thà chấp nhận sống trong che dấu còn hơn là công khai để mà làm thay đổi cái trật tự ổn định vốn đã có của gia đình và xã hội. Họ phải chịu khá nhiều dằn vặt giữa lựa chọn sống cho bản thân hay gia đình. Và thường là họ chọn sống cho gia đình.

Vậy thì câu trả lời cho vấn đề ĐTLA ở VN chỉ còn là thời gian để cho cái xã hội có tính ì khá lớn này có thể chuyển mình và thay đổi mà không gây nên bất cứ bi kịch nào vì sự va chạm với lối nghĩ và nền tảng đạo đức cơ bản của người Việt và châu Á nói chung. Thời gian qua đi, các thế hệ mới thay nhau nắm giữ xã hội, các nền tảng đạo đức cơ bản vẫn được giữ như lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ, hay như các cá thể trong cộng đồng sống gắn bó với nhau, nhưng lối nghĩ thì sẽ thoáng hơn, và hiểu biết rộng hơn thì xã hội sẽ trở nên chấp nhận những vấn đề như ĐTLA. Những người ĐTLA ở VN không phải là những người sợ đấu tranh, nhưng họ vẫn chờ cho đến lúc thích hợp, bởi vì họ vẫn yêu cái xã hội và những con người họ đang sống cùng, họ không muốn vì quyền lợi cá nhân mà khuấy động cái trật tự yên ổn của đại đa số kia khi họ biết xã hội chưa sẵn sàng chấp nhận.

Bản thân tôi cũng đã từng phải trải qua nhiều dằn vặt, đấu tranh trong chính bản thân, đi từ chỗ không hiểu cho đến tự tìm tòi để có sự hiểu biết chính xác, và rồi cần thời gian để di từ chỗ hiểu biết cho đến sự chấp nhận hoàn toàn chính mình và những người gay khác. Như vậy có thể thấy để cho một người thẳng ("straight") có được sự chấp nhận đối với giới ĐTLA là khó khăn như thế nào, và còn khó hơn rất rất nhiều để có được sự chấp nhận của cả một xã hội, của một ý thức hệ, không chỉ hiểu ĐTLA là đủ mà còn cần thời gian để thay đổi thói quen của lối nghĩ.