trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
23.7.2007
Grant McCool
Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng tình dục "thầm lặng"
Lã Việt dịch
 
Một cô gái trẻ sống với bạn trai nhưng giấu gia đình, những thiếu nữ viết blog về quan hệ tình yêu và những đôi tình nhân tìm kiếm sự riêng tư âu yếm nhau trong các công viên khi đêm về.

Một cuộc cách mạng tình dục "thầm lặng" đang diễn ra tại Việt Nam, một xã hội mang nặng giá trị gia đình với những truyền thống lâu đời về việc phụ nữ lập gia đình vào độ tuổi hai mươi và sinh con cái.

Huyền, một giám đốc về quan hệ công chúng 30 tuổi, rời Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc hai năm trước. Sau khi ở chung với người dì, cô bí mật dọn vào căn hộ của bạn trai mình.

"Tôi không nói cho dì biết", cô bảo, "Việc sống chung thì rất phổ biến. Bên cạnh đó, Sài Gòn thì rộng lớn và rất nhiều cặp từ những tỉnh khác về đây sống chung với nhau."

Lớp trẻ quan hệ tình cảm nhiều hơn trước khi cưới hỏi, quan hệ tình dục tiền hôn nhân, và có nhiều phương tiện qua internet để thảo luận về những niềm vui hoặc những trở ngại trong quan hệ lứa đôi nhiều hơn những thế hệ trước.

Những công viên trong cái thành phố vẫn được gọi là Sài Gòn vào ban đêm thì rất được ưa chuộng trong số những đôi lứa đang âu yếm nhau, với họ sự riêng tư được đưa lên hàng đầu. Mặc dù sự phát triển kinh tế đã làm thay đổi cái mô hình ba thế hệ sống chung một nhà, nó vẫn còn là kiểu mẫu chung cho đa số.

Ngồi trên những chiếc xe gắn máy, quay lưng về mặt đường và không để ý đến những gì chung quanh, những cặp đôi này thường vào lứa tuổi 20, nhóm tuổi chiếm trên phân nửa dân số 85 triệu người của Việt Nam.

Ở trung tâm của thủ đô Hà Nội, có một con đường rợp bóng cây với cái tên rất thích hợp là Đường Thanh Niên, chạy dọc giữa hai hồ nước và còn được gọi là "ngõ tình nhân" vì những cuộc hẹn hò tình tứ. Những đôi lứa đang vuốt ve hôn hít trên những chiếc xe hai bánh dưới những tàng cây hoặc trên những chiếc thuyền đạp nước hình thiên nga.


Tắt đèn

Tập tục này xảy ra vào đầu những năm 1980 khi quan hệ yêu đương phải được ngầm chấp thuận bởi những nhà cầm quyền cứng nhắc, nhà xã hội học Lê Bạch Dương nhớ lại.

"Tôi vẫn còn nhớ là họ tắt hết đèn ở Đường Thanh Niên vào 7:30 hay 8 giờ tối như một thoả thuận ngầm giữa sở điện và các thanh niên", bà Dương, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nói.

"Vào nửa đêm, họ bật đèn lên lại."

Ngày nay, những ngọn đèn luôn toả sáng.

Nó là một phần của việc chuyển hoá về xã hội-kinh tế trong đất nước cộng sản chỉ 15 năm trước đây hầu như bị cô lập sau hàng chục năm chiến tranh và thất bại kinh tế.

"Có người bảo đây là thời điểm của cuộc cách mạng tình dục ở Việt Nam nhưng nó hơi thầm lặng hơn thế, hơn là những gì đã xảy ra ở Mỹ trong những năm 60 và 70, nhưng nó đang phát triển”, nhà tâm lý học Khuất Thu Hồng nói.

"Khó mà giải thích được một sự thay đổi quá nhanh chóng như thế."

Những thay đổi xảy ra đặc biệt nhanh đối với những phụ nữ độc thân, những người mà cơ hội và tính năng động đã ngang bằng của nam giới trong những năm gần đây với nền kinh tế phát triển vượt trội và thu nhập tăng trưởng khi một Việt Nam nông nghiệp đang trên đường công nghiệp hoá.

Nơi ăn chốn ở cũng đang thay đổi, đặc biệt đối với những dân nhập cư rời bỏ làng quê để theo học tại các trường đại học hay làm việc trong các văn phòng và những nhà máy chung quanh khu công nghiệp phía nam của Thành phố Hồ Chí Minh.

Những chat room trên mạng, những trang web, blog và những bài viết đăng trên những "phương tiện thông tin đại chúng" do nhà nước quản lí đã trở thành những diễn đàn cho giới trẻ thảo luận về tình yêu, tình dục và khuynh hướng tình dục.

Người Việt cho rằng quan niệm về tình dục và quan hệ nam nữ đã được cởi mở hơn rất nhiều. Mặc dù thế, đa số họ vẫn muốn giấu tên thật của mình khi được phỏng vấn, một dấu hiệu cho thấy truyền thống về giá trị gia đình vẫn đang thống trị.

Một thiếu nữ bày tỏ quan điểm công khai là Như Khuê, một cô gái 30 tuổi nhỏ nhắn tự viết blog về mình và là một thành viên năng động trong trang web dành cho nữ giới: www.traicasau.com/forum.

"Ở Việt Nam, những người lớn tuổi vẫn muốn con gái giữ trinh tiết nhưng thời thế đã thay đổi", cô bảo.

Khuê và những người khác nói rằng có quan niệm rằng chỉ có những phụ nữ Việt quan hệ với đàn ông ngoại quốc mới có tình dục tiền hôn nhân.


Quan hệ ngoài giá thú

Nhìn chung, những người phương Tây sống tại Việt Nam nhìn người Việt như không thay đổi với những nguyên tắc truyền thống, nhưng nó không hẳn là một xã hội tỏ vẻ đạo đức.

"Ăn cơm sáu ngày và ăn phở ngày thứ bảy", là câu nói của người Việt để ám chỉ những quan hệ ngoài hôn nhân hoặc với gái mãi dâm.

Tiếng chuông reo ngắn hoặc chế độ rung trên điện thoại di động của một người đàn ông có gia đình có thể bị châm chọc là do "mèo" đang gọi.

Nghiên cứu về thanh niên từ những tổ chức khác nhau chỉ ra rằng giới trẻ quan hệ tình dục ở cùng độ tuổi của cha mẹ họ trước đây, nhưng điều khác biệt là cha mẹ họ lúc ấy đã lập gia đình và họ thì chưa.

Những điều này và những hiện tượng khác chứng tỏ rằng tình dục không còn được xem là chỉ để sanh con đẻ cái hoặc để có hậu tự để giúp đỡ công việc đồng áng, mà còn hơn thế nữa, các chuyên gia cho biết.

"Qua những cuộc tư vấn chúng tôi nghe rất nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ, nói về khoái cảm của họ", theo Hoàng Tú Anh, bác sĩ y tế của Công ty Tư vấn Đầu tư Y tế, một tổ chức phi chính phủ.

"Trong vòng hai hoặc ba năm trở lại, đã có một cơn bộc phát về những truyện ngắn và tiểu thuyết của các cây viết nữ về tình dục của nữ giới", Tú Anh nói.

Tổ chức này điều hành trang web www.tamsubantre.com [1] cung cấp một diễn đàn dưới sự điều phối của một điều hành viên để mọi người trao đổi về hôn nhân, quan hệ nam nữ và thông tin y tế về sinh sản và tình dục.

Những mạnh thường quân như Quĩ Dân số Liên hiệp quốc và các tổ chức khác bảo trợ một chuyên mục hỏi đáp vào tối Chủ nhật có tên là "Cửa sổ tình yêu" từ đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, một diễn đàn cho mọi lứa tuổi.

"Điều nổi bật là ít nhất về bên ngoài, tất cả những thay đổi trên không gây ra việc phá vỡ mối liên hệ xã hội", Ian Howie, đại diện cho Quĩ Dân số Liên hiệp quốc ở Việt Nam nói. "Sự thay đổi nhanh chóng có vẻ đã được thích nghi."


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Bài viết của Reuters có thể nhầm lẫn về địa chỉ trang web, địa chỉ đúng là www.tamsubantre.org (talawas)