trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.1.1990
Đặng Hoàng Giang
Một nửa đàn ông là đàn bà
 
Gần đây, báo chí Việt Nam có vẻ chú ý hơn đến đề tài đồng tính luyến ái. Những bài viết này, phần thì đăng tin giật gân thỏa trí tò mò (“Vũ hội những nàng Pê đê”), phần là tiếng nói của đạo đức cảnh báo sự suy đồi xã hội (“Ðêm cuồng loạn tại disco New Century”). Lác đác có bài rời bỏ những vũ trường Sài Gòn hay những tụ điểm quý tộc Hà Nội để đến với “người thực việc thực” trong đời sống hàng ngày. Cách đây không lâu, tôi được đọc một phóng sự về cuộc sống của một đôi đồng tính luyến ái nữ đâu đó tại miền Ðông Nam bộ. Mở đầu bằng sự tò mò pha lẫn e ngại, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khổ của gia đình nọ, và cùng anh “chồng” uống mấy chén rượu, anh phóng viên kết thúc phóng sự vừa thương hại vừa trách móc, phân vân không biết nên kêu gọi giúp đỡ hay thẳng tay lên án. Cuối cùng, anh xếp họ vào dạng tương tự những người nghiện xì ke ma túy, tuy không nên hắt hủi nhưng dẫu sao cũng là một tệ nạn xã hội nguy hiểm.

Quan điểm của anh phóng viên không phải là hiếm. Dư luận Việt Nam, nếu không coi đồng tính luyến ái là căn bệnh giống như SIDA, không nên tiếp xúc gần, tránh lây lan, thì cũng coi đó là một biểu hiện hay kết quả của một lối sống “đồi trụy”. Theo một số liệu thống kê thì 82% người Việt nam lên án đồng tính luyến ái (92% lên án mại dâm và 94% lên án cướp giật).

Ðiều đáng lưu ý là lịch sử luật pháp Việt Nam chưa bao giờ đề cập cụ thể tới vấn đề này. Bộ luật Nhà Lê (1428-1787), cũng như bộ luật Nhà Nguyễn (1802-1945) dẫn giải chi tiết những hình phạt cho tội hiếp dâm, ngoại tình, hay loạn dâm, nhưng không nói đến đồng tính luyến ái. Những điều luật duy nhất có thể liên quan là luật cấm “đàn ông ăn mặc kỳ quặc”, cũng như cấm hoạn va tự hoạn. Trong một số trường hợp, người đồng tính luyến ái bị kết tội, nhưng dưới góc độ ngoại tình (do cả hai người đều đã có gia đình), chứ không dưới góc độ hai người cùng giới tính.

Luật hình sự đương đại Việt Nam, mặc dù cấm “mua và bán tình dục dưới mọi hình thức”, cũng không đề cập trực tiếp tới đồng tính luyến ái. Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập tới loạn dâm, hãm hiếp, mại dâm, lợi dụng tình dục, tảo hôn v.v... nhưng không hề có điều luật nào nói lên quan điểm của chính quyền cũng như định hướng cho dư luận xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, việc không có một điều luật cụ thể không có nghĩa các nhà chức trách không tìm được lý do để can thiệp nếu họ muốn. Cách đây mấy năm, lãnh đạo địa phương một xã ở Vĩnh Long ép một đôi đồng tính luyến ái nữ giải tán đám cưới của mình. Trong trường hợp trên, những điều luật tương đối mập mờ cấm những hành vi làm “ảnh hưởng tới đạo đức xã hội và trật tự công cộng” được áp dụng.

Ðồng tính luyến ái có lẽ được dịch ra bởi chữ homosexuality (chữ này bắt đầu được dùng tại phương Tây từ năm 1869), và xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 1930. Nó không có trong Hán Việt Từ Ðiển (1931) của Ðào Duy Anh, nhưng xuất hiện trong Pháp Việt Từ Ðiển (1936) của cùng tác giả. Danh từ này có lẽ được phổ biến cùng với sự nhập môn của ngành tâm lý học phương Tây tại Việt nam, và mang mầu sắc y khoa. Ái nam ái nữ xuất hiện muộn hơn, vào những năm 1940, và nay hay được dùng trong đời sống hơn. Tuy nhiên, nếu hiểu sát nghĩa thì “thích cả nam lẫn nữ” gần với bisexual trong tiếng Anh hơn là homosexual. Cũng có thể chữ này bắt nguồn từ á nam á nữ, “không phải gái cũng không phải trai”, sau đó bị đọc chệch đi. Một phiên bản ít phổ biến hơn là bán nam bán nữ, tức “nửa nam nửa nữ”, cũng không diễn tả đúng khuynh hướng thích người cùng giới.

Ðồng cô hay dùng để chỉ người đồng tính luyến ái nam ăn mặc và hành vi điệu bộ như nữ, điều mà thường được coi là biểu hiện của một tài năng đặc biệt nào đó, hoặc về tâm linh (sự gần gũi ngôn ngữ với lên đồng), hoặc trong đời thường, ví dụ “bánh cuốn đồng cô”. Lại cái mô tả một cách sống động sự “nữ giới hóa” của một số, tuy không phải của tất cả đồng tính luyến ái nam. Tương tự như chữ lại gạo trong bánh chưng, lại cái có thể nói lên sự quay trở lại với cội nguồn, với “gốc nữ” của những người này. Pê đê, phiên âm từ chữ Pháp pederaste có lẽ được thông dụng nhất ở thành thị Việt Nam. Gần đây người ta bắt đầu dùng chữ gay lấy thẳng từ tiếng Anh ra (ví dụ như “dân gay”). Ngoài những tiếng lóng rất hình tượng như bánh mỳ (ám chỉ mại dâm nam) và bánh bao (ám chỉ mại dâm nữ) mà chỉ người trong giới mới hiểu, thì đĩ đực (hay được dùng gộp cho nam giới bán mình cho đàn ông cũng như bán mình cho đàn bà) là một từ khác, rõ ràng mang mầu sắc miệt thị.

Với khoảng trống trong luật pháp và kỳ thị của xã hội, cuộc sống của người đồng tính luyến ái tại Việt Nam không phải là dễ dàng. Thêm vào đó, phần lớn những người trong cuộc cũng thiếu hiểu biết cơ bản và có những quan niệm lệch lạc. Một đồng tính luyến ái nam thổ lộ qua Internet “Tôi sinh ra trong một gia đình mẫu mực, luôn sống trong hòa thuận và hạnh phúc, tôi được cha mẹ dạy điều hay lẽ phải...”, dường như muốn tin rằng về mặt logic thì “căn bệnh” này chỉ có thể xẩy ra trong những gia đình “có vấn đề” mà thôi.

Ở châu Á, thái độ kỳ thị của xã hội Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thậm chí tới năm 1996, bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan còn đề nghị lập một trung tâm giáo dục dành riêng cho người đồng tính luyến ái, những người mà ông ta cho rằng “bị bệnh cả về tâm lý lẫn thể xác”. Ðiểm khác nhau là, tại Việt Nam, với cấu trúc chính trị hiện nay và với sự non nớt của xã hội công dân (civil society), những người đồng tính luyến ái không tự tổ chức được mình, Trong khi đó, cộng đồng đồng tính luyến ái tại những nước khác như Malaysia hay Phillipines đã từ lâu có những tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ, không chỉ hài lòng với sự không cấm đoán của xã hội mà đòi hỏi được chấp nhận như những công dân bình đẳng.

Tại châu Âu, Ðức quốc xã coi người đồng tính luyến ái không những là thuộc đẳng cấp thấp, mà còn là bệnh dịch của nhân dân. Họ bị truy đuổi và tàn sát có hệ thống tại các trại tập trung. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, những bước tiến trong chính sách cho người đồng tính luyến ái cũng chỉ xảy ra hết sức chậm chạp. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, các nước phương Tây, đi đầu là những nước Bắc Âu, đã nới lỏng những hạn chế trong luật pháp và mở rộng luật hôn nhân cho người đồng tính luyến ái. Tháng trước, bộ trưởng Bộ Tài chính Na Uy đã trao nhẫn cưới cho bạn trai mình (giám đốc một công ty viễn thông) trước sự hiện diện đông đủ của báo chí truyền hình. Một ví dụ khác: vào đầu tháng 6 hàng năm, thành phố Vienna tổ chức Ngày hội cầu vồng – một cuộc diễu hành khổng lồ của những người đồng tính luyến ái, đi qua những đại lộ và quảng trường quan trọng nhất của thành phố. Ðứng đầu là những đại biểu quốc hội, nhà văn, chính trị gia, và sau đó là hàng nghìn cặp đồng tính luyến ái, già trẻ trai gái, người đưa thư, sinh viên, nhân viên phòng thuế, cô nuôi dạy trẻ... Ngày hội cầu vồng, cùng với liên hoan nhạc cổ điển, liên hoan phim v.v... đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu được của thành phố.

Mặc dù đã đạt được một chỗ đứng đáng kể, ngay tại phương Tây, con đường của người đồng tính luyến ái để đạt được bình đẳng, cũng như sự tự tin vào chính mình, còn rất dài (có bao nhiêu người sau khi tham gia Ngày hội cầu vồng, hôm sau tại công sở dám tuyên bố mình là gay?) Kể cả với sự che chở phần nào của pháp luật, những định kiến của xã hội và bản thân người trong gia đình còn lớn tới mức không phải người đồng tính luyến ái nào cũng có đủ dũng cảm để coming out, để công bố với mọi người xung quanh bản sắc thật của mình. Cách đây không lâu, trên diễn đàn Talawas này, chúng ta đối thoại về thế nào là văn minh. Tôi cho rằng, một trong những thước đo văn minh của một xã hội là sự đối xử của xã hội đó với những thành viên của mình, đặc biệt với những thành viên mà trên một khía cạnh nào đó (tôn giáo, chính trị, hay khuynh hướng tình dục), họ không phải là đa số.