trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
27.7.2007
Hân Hương
Chợ đang mất
 
Lời toà soạn (tạp chí Người Đô thị): Câu chuyện về chợ của Người Đô thị bắt đầu từ thông báo của giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: chuyển 13 chợ của thủ đô như Hàng Da, Cửa Nam, 12/12, Hôm Đức Viên, Ngã Tử Sở, Mơ… thành trung tâm thương mại (TTTM). Rồi các chợ ở TPHCM cũng sẽ chuyển thành trung tâm thương mại hay siêu thị là: chợ Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Văn Thánh, cá Chánh Hưng. Cá Xóm Củi, sân cá 50 Phan Văn Khoẻ, 252 Trần Văn Kiều… Không chỉ là chuyện của hàng chục ngàn tiểu thương và các gia đình hết “sống được” nhờ chợ. Mà trên hết văn hoá “kẻ chợ” của một đất nước tiểu nông như chúng ta liệu rằng sẽ biến mất hay sẽ biến tướng tệ hại hơn ở những “chợ cóc”? Vấn đề còn là, chúng ta sẽ phải tổ chức không gian thương mại và chiều kích văn hoá chợ lại như thế nào cho phù hợp xu thế hiện đại?
Đến 1995 cả nước mới có 12 siêu thị và 2 TTTM, chỉ 12 năm sau (2007) đã có 250 siêu thị, 50 TTTM (chưa kể 27 siêu thị, 40 TTTM đang xây). Các “đại gia” ào ào nhảy vào lĩnh vực này vì họ tin rằng sẽ hái ra tiền nhờ tốc độ tăng tiêu dùng của người Việt Nam (7,7% /năm) hiện đã vượt cả người Thái Lan, Malaysia, Singapore. Rằng, chỉ 3 năm nữa (2010) bình quân thu nhập đầu người 650.000đ/tháng, họ sẽ mua sắm nhiều hơn. Rằng, tại các đô thị lớn, xu hướng mua hàng hoá giá trị cao, hàng hiệu… đang, sẽ tăng mạnh, đặc biệt là giới trẻ (quần áo thời trang tăng 5%/ năm, đồ nội thất 29%/ năm ở các cửa hàng chuyên doanh…) v.v và v.v… Các nhu cầu và dự báo nhu cầu tiêu dùng đó là có thật. Nó giải thích vì sao các nhà đầu tư “thi đua” quyết liệt để được đổ tiền ra xây dựng TTTM và siêu thị, nhất là nếu giành được những vị trí vàng tại trung tâm Hà Nội, TPHCM. Xin nhớ lại chỉ sau 6 tháng khánh thành TTTM Vincom (đường Bà Triệu – Hà Nội), chủ đầu tư đã cho thuê xong khu bán lẻ 17.000 m2, giá trung bình 30 USD/m2. Công ty này đang tiến vào TPHCM xây TTTM đường Lê Thánh Tôn và khu Eden với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Nhân tiện nói thêm, sở dĩ họ rút khỏi dự án TTTM Hôm-Đức Viên vì “đối thủ” chịu trả tiền thuê đất cao hơn 5 lần (1.879.000đ/m2), đóng góp cho thành phố Hà Nội nhiều hơn 11 lần (32 tỷ) và còn vài lý do khác….


Những nghiên cứu bị bỏ quên

Chúng ta sẽ không nói đến các cuộc “đối đầu” giữa các đại gia - bởi trong kinh doanh, mục đích tối thượng là lợi nhuận, ai dự báo đúng thị trường, nắm được “thời cơ” người đó thắng. Còn các TTTM hay siêu thị có thực sự phải mọc lên vì “Đại lễ 1000 năm Thăng Long” hay không, là điều sẽ còn phải bàn sau.

Nhưng trong khi chờ đợi, chúng tôi muốn điểm qua những công trình nghiên cứu của Bộ Xây dựng và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về chợ đô thị, bởi hầu hết các TTTM và siêu thị đã, sẽ xây dựng đều mọc lên trên đất chợ, nhằm thay thế chợ.

1. Dự án “Quy hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới chợ Hà Nội đến 2020” do Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn chủ trì, PGS TS Tô Thị Minh Thông làm chủ nhiệm, UBNDTP Hà Nội là cơ quan chủ quản, Sở Thương mại quản lý dự án. Có thể nói đây là một công trình khoa học công phu (làm trong 2 năm) nhằm xác định các cơ sở - tiền đề để lập quy hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới chợ Hà Nội tới 2020. Các tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp: điều tra sâu, tiếp cận trực tiếp, khảo sát thực địa, phối hợp liên ngành… trong tổng số 135 chợ, 114 chợ đã được điều tra (73 chợ nội thành, 46 chợ ngoại thành). Chợ được phân loại theo 3 cấp (thành phố, quận hay khu phố và cấp liên phường) với các tiêu chí: quy mô, vị trí, kiến trúc, mặt hàng, số hộ kinh doanh, doanh thu…. trong đó 4 chợ: Đồng Xuân, Hôm-Đức Viên, Mơ, Ngã Tư Sở được xếp loại 1; chợ Hàng Da thuộc loại 2; chợ Châu Long, Cửa Nam thuộc loại 3. Các tác giả đã đưa ra những kiến nghị quan trọng với 4 chợ lọai 1, chủ yếu là: nâng cấp cải tạo (chứ không thay đổi chức năng thành TTTM hay siêu thị). Riêng với Đồng Xuân, cần hợp nhất với chợ Bắc Qua. Các chợ xây dựng lại là Ngã Tư Sở và Mơ. Các chỉ tiêu xây dựng: giao thông, bãi đỗ xe, cấp nước, nhà vệ sinh… đã được đề cập trong dự án. Không chỉ quy hoạch mạng lưới, dự án đã nêu phương cách “Tổ chức thực hiện và quản lí mạng lưới chợ Hà Nội”. Mục 3 phần kết luận, các tác giả khẳng định: “Dự án đã hệ thống cách nhìn tổng thể giữa chợ hiện nay và chợ trong tương lai phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thủ đô năm 2020 đã được chính phủ phê duyệt. Như vậy dự án đã giúp cho lãnh đạo các ban ngành có liên quan có được phương hướng rõ ràng để chỉ đạo thực hiện và tổ chức quản lí chợ một cách đồng bộ và có hiệu quả trong qua trình xây dựng thủ đô”.

2. Trong một nghiên cứu khác có tên “Quá trình chính thức hoá chợ đô thị, sự bất bình đẳng trong tiếp cận thị trường thực phẩm của người nghèo ở Hà Nội” của Nguyễn Đức Tuyến, Trương Thuý Hằng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tập trung vào chợ Hôm (có trước 1954, chủ yếu phục vụ gia đình các quân nhân người Pháp và dân cư lân cận, vào buổi chiều nên có tên chợ Hôm) và chợ Mơ (có từ 1960 của người sản xuất họp từ sáng sớm – tinh mơ). Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt xã hội của 2 chợ. Đối tượng phục vụ của chợ Hôm chủ yếu trung lưu lớp dưới đến lớp trên, trong khi chợ Mơ thuộc về trung lưu lớp dưới và người nghèo. Có thể thấy điều này qua cơ cấu mặt hàng và giá chợ Mơ thường rẻ hơn chợ Hôm từ 500 – 1.000đ cho mỗi kg hàng thực phẩm thông dụng, tính chất ven đô của chợ Mơ còn khá rõ. Các tác giả nhấn mạnh: “Sự hình thành của 2 chợ đều xuất phát từ các mạng lưới xã hội mở, bao gồm mọi tác nhân và nhân vật xã hội cùng tham gia. Các chợ đô thị đã đem lại cơ hội tiếp cận thị trường cho mọi nhóm xã hội bất kể thu nhập cao, trung bình hay thấp, là người sản xuất, tiêu dùng hay bán.” Điều quan trọng như một cảnh báo của các tác giả là nếu không duy trì, mở rộng hệ thống chợ chính (như Hôm và Mơ) sẽ “nảy sinh các chợ tạm, chợ cóc. Những tiểu thương sẽ phải tìm những vị trí không hợp thức trên vỉa hè, góc phố bán hàng rong… để tiếp tục tồn tại.”

Đưa ra vài nét rất sơ sài về 2 công trình nghiên cứu để chúng ra nhất trí rằng nó xứng đáng giúp những người hoạch định chính sách tham khảo khi ban hành một quyết định lớn như chuyển các chợ thành siêu thị hay TTTM.


Đừng lấy mất những gì thuộc về nhân dân

1. Trong quan hệ sử dụng đô thị có những không gian, diện tích, công trình công ích (sở hữu toàn dân thông qua nhà nước) phục vụ đông đảo cư dân đô thị như: bảo tàng, thư viện, công viên, quảng trường… Chợ cũng thuộc loại công trình đó. Không thể tư nhân hoá được.

2. Ảnh hưởng xã hội kinh tế của chợ đô thị rất rộng, hàng chục vạn hộ cá thể nuôi trồng thực phẩm, lương thực, sản xuất các vật dụng là “đầu vào” của nó. Đó là điểm khác biệt căn bản so với siêu thị, TTTM có “đầu vào” rất hẹp, hàng hoá chủ yếu do các hãng sản xuất cung cấp.

3. Tần suất tiêu dùng đối với người đi chợ là hằng ngày, trong khi siêu thị, TTTM là tuần, thậm chí tháng, năm. Do thế, xoá 1 chợ tại 1 địa điểm cụ thể, biến nó thành TTTM hay siêu thị sẽ tác động đến không chỉ hàng nghìn người buôn bán ở chợ, mà hàng nghìn người cung cấp “đầu vào” cho nó và hàng vạn người hằng ngày đi chợ.

4. Ảnh hưởng ghê gớm này còn bị nhấn mạnh bởi hàng hoá của siêu thị, TTTM (phải cõng nhiều chi phí) nên đắt hơn nhiều so với ở chợ, dù cùng loại mặt hàng. Có thể nói đối với nền kinh tế còn nghèo như Việt Nam, người dân còn đang “sống được” là nhờ hàng hoá ở mạng lưới thương nghiệp chợ tương đối rẻ. Mất chợ họ sẽ phải mua đắt là cái chắc.

5. Hàng tươi sống là chủ lực của các chợ, thích hợp với thói quen sử dụng truyền thống của người Việt. Trong khi ở siêu thị, TTTM, mặt hàng công nghiệp là chủ lực. Không còn chợ, trên mâm cơm của người đô thị đĩa tép rang khế hay mớ diếc kho tương… sẽ thành chuyện hiếm, món thông dụng hằng ngày thành đặc sản.

6. Không chỉ nền kinh tế thể hiện qua hoạt động chợ hoặc chợ thể hiện sự cố kết giữa nông dân ven đô (vốn đã bị mất hầu hết đất đai sản xuất) với cư dân thành thị - mà văn hoá cũng có mặt. Chợ bảo lưu các sản vật của mỗi địa phương, mỗi vùng với từng mẹt bánh dợm, chai mắm rươi…. Người ta đi chơi chợ là vì thế, vì đậu mơ ở chợ Mơ, cá sông Đà tươi rói về chợ Ngã Tư Sở…. Hàng hoá chợ có tiếng nói thổ nhưỡng, phong tục. Ta chưa làm thôi, chứ nhiều nước phát triển có những tour du lịch chợ rất thú vị. Hàng hoá ở siêu thị hay TTTM phần lớn là hàng hoá toàn cầu, hàng hoá công nghiệp đóng hộp do một hãng sản xuất bán cả ở Bangkok, TPHCM, Hà Nội…

7. Không ít tiểu thương có sạp hàng ở chợ đang tin rằng bỏ chợ xây TTTM hay siêu thị thì mình vẫn sẽ có một “chỗ ngồi” trong không gian sạch sẽ máy lạnh chạy ro ro. Chẳng dám nói niềm tin ấy quá ngây thơ, bởi sau khi Hà Nội chuyển Bách hoá Tổng hợp thành TTTM Plaza Tràng Tiền cũng là chuyển quyền sở hữu Nhà nước sang công ty cổ phần, thì hiện có bao nhiêu cán bộ, nhân viên bách hoá cũ còn được làm việc ở đó? Huống hồ hàng vạn tiểu thương ở các chợ đô thị phần lớn “nửa quê nửa tỉnh” có thể “hoá thành” những cô nhân viên xinh đẹp trong các siêu thị hay TTTM chăng? Ta đang có dự án dành 1 tỉ USD để đào tạo nghề, nhưng chắc chắn chẳng dùng đồng USD nào nâng cao trình độ chuyên môn cho giới tiểu thương ở các chợ Hà Nội hay TPHCM. Và thế là họ có cơ mất việc, gánh nặng này nhà nước có thể chia sẻ? Hay sau khi xoá chợ tập trung hàng loạt chợ tạm, chợ cóc lại bung ra khắp thành phố…?

Có thể còn nhiều mối nguy xoá chợ và các chức năng khác biệt giữa chợ với siêu thị, TTTM – nhưng tựu trung có thể nói rằng, nếu xoá chợ cũng chính là thủ tiêu nền kinh tế với sự tham gia của hàng triệu người đô thị.


Không phản đối siêu thị hay TTTM

Cần phải khẳng định điều này vì những điều viết ra ở trên có thể gây cho độc giả cảm tưởng người viết không ủng hộ các mô hình thương mại, hiện đại như siêu thị hay TTTM (có báo gọi đó là cuộc “chuyển mình”, “lên đời” hay “xã hội hoá chợ”). Thưa, chúng tôi cũng nhiệt liệt ủng hộ chủ trương đó của thành phố Hà Nội và TPHCM – nhưng cho rằng không được xoá chợ, lấy đất của chợ xây TTTM hay siêu thị. Các thành phố hãy tìm những miếng đất khác cho các chủ đầu tư xây các mô hình thương mại văn minh ấy. Vì sự tồn tại của chợ là cho nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội, không hề gây ảnh hưởng gì đến các mô hình thương mại khác.
Nguồn: Phần chính của bài viết đăng trên tạp chí Người Đô thị số 7 bá»™ má»›i ra ngày 25/7/2007. Bản đăng trên talawas là bản đầy đủ.