trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
30.7.2007
Mai Thảo
Chuyến tàu trên sông Hồng
(tập truyện ngắn)
 1   2   3 
 
Mục lục

  1. Chuyến tàu trên sông Hồng
  2. Vầng trăng thơ ấu
  3. Chấp một tay
  4. Người cha và người con
  5. Lên mười
  6. Người thầy học cũ
  7. Người điên dưới chân sườn Tam Đảo
  8. Những tấm hình của chị Thời
  9. Những vì sao thứ nhất


Chuyến tàu trên sông Hồng

Hình dung thấy một cái bến tỉnh lẻ. Buổi chiều mùa đông. Những trụ xi măng ướt sương. Ánh đèn dầu le lói hắt ra từ những quán lá thấp. Đám người ngồi chen vai trên những hàng ghế nối liền, xây lưng ra mặt bến. Những đứa con gái mặc quần đen, áo cánh trắng, ngoài khoác áo bông đột chỉ như bàn cờ tướng, áo len xanh đỏ đan hình quả trám, hình tổ ong, hình dây thừng, thoăn thoắt múc đồ ăn từ những chậu sành da hươu vàng đậm ra những cái đĩa quả đào. Thịt ba chỉ kho, nước thịt nâu đậm nhếch nhoáng, sao mỡ nổi dầy trên mặt, đậu nhồi lốm đốm những cuộn hành xanh non, món giả ba ba có ốc ang chuối chát và giềng mẻ quyền quyệt lổn nhổn, cá chép kho sắt từng khoanh mỏng, mỗi khoanh còn nguyên một thỏi trứng vàng. Mưa lất phất ngoài trời. Người mại bản Trung Hoa cởi trần ngồi trong một túp lều dựng ở đầu cầu đi xuống con tàu phì phà thở khói.

Và thẳng nhỏ đứng đó. Nó đội mũ trắng, quai mũ kéo căng xuống cằm. Quần trúc bâu sột soạt. Cái áo an-ba-ga quá khổ may dài đón tuổi thùng thình tới mắt cá chân, tay áo phải bện lên đến hai vòng, thả hết sẽ chùm kín ngón. Bữa cơm đầu ghế trong những quán lá thấp kia sao mà vui ấm ồn ào, sao mà ngon miệng ngon mắt đến thế. Đứa nhỏ muốn vào ngồi đó, gọi đồ ăn, cầm đũa cầm bát như người lớn. Nhưng mẹ nó đã gói sẵn cho nó một bữa ăn đêm đến trên tàu rồi. Một gói muối vừng rang mặn, mẹ ngồi xổm rang vừng trên cái bếp kiềng ba chân, trong căn nhà bếp sát vách chuồng trâu khói rơm kết đóng thành bồ hóng phủ kín như một lớp rêu đen nhẫy trên các đầu kèo, mẹ giã vừng trên cái nia tre nhỏ, rồi gói vào lá chuối tươi cùng với khoanh cơm nắm nhuyễn như bột mẹ nấu trong cái niêu đất nhỏ bằng gạo tám thơm để dành trong hũ sành đặt dưới gậm bàn thờ, bằng nước mưa mùa hè chảy xuống cái bể rêu có ống máng cau dẫn nước từ đầu trái xuống. Và đứa nhỏ ngoan ngoãn nuốt nước miếng quay đi, nghĩ rằng chuyến đi đầu tiên trong đời nó phải có cái bữa ăn dọc đường thanh đạm ấy. Nó đi thẩn thơ chờ giờ khởi hành. Ra khỏi bờ ao có bè rau muống thả dài dưới bóng cây sung, cây mít, có luống khoai ngứa lá to bản đỏ tía bờ ao bên kia, có cá chuối dưới chân cầu ao, cá bống mít vươn cái bụng trắng phau phau những buổi trưa nắng êm ả điểm từng tiếng động lộp bộp của trái rụng trong vườn, ra khỏi cái ngõ ruối những tinh sương xanh, nó cầm cái nỏ cao su gạc ổi chờ rình con chim chào mào sáng nào cũng đến đậu trên ngọn cây soan, ra khỏi căn nhà lá ba gian hai chái có bàn thờ ông bà ông vải kê chính giữa đằng sau bộ trường kỷ trên để một khay chén tống chén quân và một bình trà Ninh Thái chữ tầu đỏ chói, buổi chiều tuổi nhỏ ấy, đứa nhỏ đã vượt qua con đường tàu chìm khuất dưới đám cỏ bồng, đi qua vùng ngoại ô là xóm cô đầu ngày trước, tới chân bức tường thành cổ ngập ngụa lá sấu lá bàng, rồi là những con đường đầy than và những chuyến xe goòng, rồi là những ống khói của nhà máy dệt sau những bức tường màu xám cao ngất, và nó đã đứng đó, chờ đợi chuyến tàu thứ nhất trong đời ngược dòng chở nó vào cái thế giới hiện lên trong tưởng tượng ấu thơ như một chân trời cách trở nghìn trùng là Hà Nội.


*


Hình dung thấy một con tàu nằm sát kề mặt bến. Cái ống khói đen chũi, lầm lì thả ra những đợt khói trắng vật vờ trên miệng. Một con tàu già nua, ọp ẹp, nước sông rỉ rề lênh láng suốt ba khoang hầm tàu, bọn phu cởi trần đêm ngày thay phiên nhau múc nước đổ òm ọp ra sông, tát ra tới đâu nước vào tới đó. Một cái cầu mong mảnh vắt chênh vênh từ kè đá bến xuống cửa khoang tàu ướt nhẫy. Đứa nhỏ hoàn hồn thở ra khi đi hết cái cầu dập dình nguy hiểm, nó run chân, nó lạnh người, chỉ sợ bước hụt lộn nhào xuống lòng sông. Đám người xuôi ngược nằm ngồi ngổn ngang giữa đám hàng hóa chất đống. Muối bể đựng trong bao tải ướt nhẹp, mặt bao đánh dấu từng tên của hàng. Bao muối quật mạnh xuống sàn tàu vỡ toang, muối nhỏ hạt hồng hồng phù sa chảy ứa từng đống lớn. Gạo cám và ngô khoai toát ra mùi ẩm mốc ngai ngái. Trứng vịt trứng gà xếp đầy trong những cái dành đặt ở những xó góc riêng tránh xa những lối đi. Đòn gánh, quang thúng, vỉ buồm, tay nải thòi lòi từ những gậm ghế chạy dài suốt khắp hai mạn. Ánh đèn sáng trưng. Cái ống khói vượt khỏi hầm tàu chiếm một khoảng rộng chính giữa con tàu thở phì phà. Hơi nóng rừng rực choáng váng phả lên từ cái lò than vĩ đại dưới hầm. Đứa nhỏ lần bước về mũi tàu, chọn được một chỗ ngồi trên đống hàng hóa, len lén ngồi xuống. Gió sông ném mưa vào mặt nó, làm tỉnh táo hẳn cái trạng thái lạc lõng kỳ thú của cuộc phiêu lưu đầu đời. Cặp mắt con chim ra ràng mở thao láo, ngó nghiêng nghiêng, đựng đầy hình ảnh. Đống dây xích sắt quất nhiều vòng quanh cái trụ bóng loáng. Những cabin đánh số chiếm một khoảng riêng, người chủ tàu ngậm tẩu bệ vệ đi đi lại lại trên khoảng hành lang cách ngăn bằng một cánh cửa thấp. Rồi mặt sông mà bóng tối đã phủ xuống cùng mưa bay bỗng vang động những tiếng còi hú dài lanh lảnh. Tiếng lạt sạt của cái cầu gỗ được kéo lên. Dây thừng, cây cầu, được kéo lên. Dây cáp rời trụ buộc trên bến buông thả lõm bõm xuống mặt nước. Bốn người phu cởi trần gò mình chạy quanh trục neo, cái neo rút lên từ từ lẩn vào mũi tàu. Đứa nhỏ nghển cổ nhìn lại. Mặt bến xa dần, hẫng đi trong khoảng cách biệt bắt đầu. Những ngọn đèn vàng ệch. Những bóng người nhá nhem chuyển dịch trên cái bến trống thoáng chợt rộng hẳn vì con tàu đã thôi án ngữ. Tiếng nước chảy ngược gào réo hai mạn. Nghiêng đầu ngó ra mặt sông tối om thoang thoáng vệt nước trắng xóa. Con tàu ngược dòng sông Hồng, ra khỏi tỉnh và những bờ bãi hoang vu, những làng xóm im lìm bắt đầu.


*


Hình dung thấy đứa nhỏ ngồi đó và nó nghĩ. Nghĩ đến cái thôn xóm hẻo lánh bên đường xe lửa nó vừa giã từ, đến cái tuổi nhỏ như một bông hoa đồng, một ngọn cỏ nội nó vừa bỏ lại. Những ngày mưa bão ở quê cũ, nước dềnh mặt ao, mấp mé đầu thềm, nó đầu đội mưa bắt cá lạc, nhặt trái rụng, cái mặt tái mét, quần áo dán chặt vào thân thể nhợt nhạt run rẩy nhưng tâm hồn mừng vui như mở hội. Đứa nhỏ yêu những ngày nước lụt, những ngày mưa bão như thế. Ban đêm nó tỉnh dậy khi nhạc mưa rào rào trên mái, khi gió quật đập dữ dội làm những kèo nhà cót két lay chuyển, khi những hàng xóm những tiếng í ới hò nhau chống nhà vang động trong mưa. Buổi sáng, nó nhảy cẫng xuống đất, chạy vội ra đầu chái nhìn lên. Mây hoang hoang đầy trời bão động. Mẹ nó kéo lết vào bắt mặc áo bắt đi guốc. Nó thoát khỏi tay mẹ, chạy ra lấy thau đồng hứng nước mưa từ đầu gianh trút xuống, ngồi thu lu. Nước chảy tràn lan khắp cùng ngõ trước sâu sau. Nước băng băng dồn đổ, đâu đâu cũng là nước, cái cảnh tượng ngập lụt của tuổi nhỏ ấy là sự mê thích sảng khoái rất tạo vật rất thiên nhiên mà đứa nhỏ đang hồi tưởng từ một chuyến tàu đang ngược dòng về thành phố lớn.


*


Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng dập cái tiếng dập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hút xoáy mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cũ. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có anh đom đóm lập lòe, có ánh trăng mướt chở tới những khoảng sân gạch Bát Tràng nồng ấm hương lúa đầu mùa. Tiếng quạt thóc, tiếng đập thóc rào rào. Màu lúa vàng diệp dưới ánh trăng nhễ nhại. Tiếng cười tiếng đùa ròn rã là âm thanh đầm ấm của những năm tháng được mùa thỏa thuê trong hạnh phúc quê mùa và yên vui đơn giản. Đứa nhỏ nhớ mãi cái cảm giác lạo xạo dưới lòng chân khi nó dang tay đi rê rê, miệng ngậm một cọng rơm tươi giữa đám thợ gặt từ những phương trời khác đeo hái tới làng, lại đeo hái lên đường tới những cánh đồng chưa gặt hái khác. Nó thấy người ta nói chuyện tiếu lâm, người ta tự tình, người ta yêu nhau. Và khi đám con trai lạ bỏ làng đi, nó cũng đứng tần ngần dưới chân đê nhìn theo cái hàng một dài tắp kéo dài trong ánh bình minh rồi nhỏ dần, nhỏ dần như một sợi chỉ và mất hút. Nhớ tiếng trống làng thùng thùng. Tiếng chuông chầu buổi tối. Tiếng mõ niệm buổi trưa. Tiếng gà gáy sớm. Tiếng chó sủa đêm. Nhớ những âm thanh mộc mạc nghìn đời của đất của đồng của hoa của cỏ. Nhớ tiếng ếch tiếng nhái ão uộp dưới ao bèo Nhật Bản, tiếng ve ran ran, tiếng sáo diều vi vu bất tận trên nền trời rộng, tiếng đòn gánh kẽo kẹt rập rình, tiếng chân đi nằng nặng của đám tuần vác mõ canh đêm, là những tiếng động cũ kỹ, thuần túy của xóm làng có ao sen đầu đình giếng đá đầu quán, có những chuyến xe buýt cà rịch cà tang thở khói khét lẹt trên mặt đê cao. Đứa nhỏ sống trong thứ thời gian rất thơ và rất xanh, của bốn mùa, thứ không gian tình cờ của mưa mưa nắng nắng, nó sống trong cái thế giới của chuồng trâu bếp lửa, của khói rạ lượn lờ trên mái tranh, của hương hoàng lan thoang thoảng trong cây, của hương bồ kết cay cay trong tóc. Nó nhớ lại tuổi nhỏ như một con chuồn chuồn ngất ngư trong biển nắng, cái tuổi nhỏ như say rượu, cái tuổi nhỏ nằm tròn thành một giọt sương mai giữa đất trời, cái tuổi nhỏ ru nó bằng nhịp võng đưa, cái tuổi nhỏ thật nhỏ, cũng thật hiền, thật non và cũng thật xanh, cái tuổi nhỏ của cái mũ trắng nó đang đội, của cái quần trúc bâu sột soạt nó đang mặc, của tóc mới đâm cứng như rễ tre, của da mới vỡ đầy vết lang ben, của tiếng nói khao khao như tiếng gà trống, cái tuổi nhỏ thật là tuổi hồng, cái tuổi nhỏ ở đồng chưa từng biết thế nào là ánh điện, là đường nhựa, là ngã tư, là phố phường.


*


Hình dung thấy chuyến đi đó, trên con tàu, trên Hồng Hà. Đêm trên sông lớn trải khắp bốn hướng mênh mông. Đứa nhỏ ríu mắt gục xuống cái mũ trắng trên đầu gối, thiếp đi. Bỗng nó bàng hoàng thức dậy. Con tàu ngược dòng như lãng đãng trườn đi trong khói sương và chiêm bao mơ hồ. Rồi là một hồi còi. Từ cái đỉnh ống khói, tiếng còi được ném lên vòm trời khởi sự là một thứ âm thanh đặc quánh hơn nước, tiếng còi vụt lên thật cao, còi rùng mình rồi phóng về hai phía, vẽ lên, bằng cái âm thanh ngân ngân vang vang kỳ lạ của nó tất cả những bờ bãi, những cuối mỏm, những đầu ghềnh, những khúc quanh, những ngã ba nhạt nhòa trong bóng tối. Tiếng còi vang động một vùng làng xóm ngủ thiếp, lọt vào những cánh cổng đóng kín, lan tới những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương, tự lòng sông chuyển cả không gian mịt mùng, chuyển cả thời gian thăm thẳm, chuyển những vì sao lạc, những ánh trăng suông, cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng vào những làng xóm, làng xóm trùm kín lấy, và lắng đọng bồi hồi mãi mãi. Con tàu đi vào một khúc sông khác. Nhưng tiếng còi đêm còn lại, vĩnh viễn, với Hồng Hà. Đứa nhỏ nghe tiếng còi và tiếng còi bao nhiêu tháng năm sau này, còn ám ảnh thần trí nó, kết tinh thành cái âm thanh của tuổi nhỏ mất dần từ một đêm bỏ làng ra phường phố. Lớn lên, đi qua một con sông nào, dừng lại ở một bến tàu nào, đứng ngắm một dòng nước nào, trong đầu óc đứa nhỏ lại nổi dậy cái âm thanh não nùng lê thê của tiếng còi trên dòng sông Hồng của một chuyến đi tuổi nhỏ. Cúi đầu xuống và nhắm mắt lại mà theo dõi cái âm thanh không bao giờ mất ấy trong dòng hồi tưởng, nó lại như thấy vẽ ra trước mắt con tàu cũ, cái bến xưa, và tất cả những hình ảnh của một tuổi nhỏ chới với như một cánh bướm ma ẩn ẩn hiện hiện trong sương mù quá khứ. Đó là đợt gió lùa vào tiềm thức. Tiếng nức nở của tuổi thơ. Tiếng thở dài của quá khứ khi hình hài và tâm hồn nó bây giờ đã đổi khác. Đó là âm thanh khởi đầu cho một trình tự hồi tưởng xa thẳm, khi nó muốn nhỏ lại như tuổi nào, để được ngậm một cọng rơm tươi, chạy miết trên những con đường đồng dẫn đưa vào thiên đường cũ.

Hồi tưởng lại một buổi sáng nhợt nhạt. Con tàu ghé bến Hà Nội rồi. Phường phố lớn chập chùng. Đứa nhỏ bàng hoàng đi lên. Và con sông Hồng, và tiếng còi và chuyến tàu đã bỏ lại sau lưng cùng tuổi nhỏ.


Vầng trăng thơ ấu

Chu đi xuống mặt đường, một mình. Một lần nữa cuộc đi chơi tay đôi đêm nay lại không thành. Hiền kêu mệt, xin lỗi, nhưng Chu biết Hiền nói dối. Mệt mỏi chỉ là một cớ để thoái thác của người đàn bà.

Buồng riêng của Hiền ở từng lầu thứ ba, giữa trung tâm thành phố. Cửa sổ trông xuống đại lộ. Căn nhà nhiều từng, vào bằng hành lang riêng, có thang máy đưa lên, cả một từng dưới ngăn chia thành những khu cửa hàng. Ban ngày màu sắc lộng lẫy trong những ô kính chạy dọc theo những hình đèn nêông. Ban đêm, bóng tối âm u lọt qua mấy tấm cửa sắt cứ đúng sáu giờ chiều là người gác cửa đã buông xuống. Chu đến giữa lúc tiếng sắt kêu trong im lặng. Người gác cửa mở cửa ngó ra. Y mệt mỏi nhìn Chu đang trả tiền xe.

“Tôi muốn lên thăm cô Hiền”.

“Giờ này cô ấy làm gì có nhà”.

Chu đi ra ngoài hè đường ngước mắt nhìn lên. Chàng mỉm cười nói với người gác già:

“Cửa sổ còn sáng đèn. Ông cứ để tôi lên”.

Gian buồng nhỏ của gia đình người gác cửa chìm thấp hơn mặt đường. Chiếc bình tích và những cái chén lăn lóc. Vợ người gác ngồi tựa lưng vào thành giường, yên lặng không biết thức hay ngủ. Dưới nền đá hoa, một đứa trẻ ngủ rất say trên chiếc chiếu cũ. Chu mỉm cười nhìn lại đứa trẻ đoạn đi vào hành lang tối. Manh chiếu và đứa trẻ nhỏ vừa gợi lại cho chàng hình ảnh một đầu mái hiên của một căn nhà cổ, ba gian hai chái. Ngày nhỏ, Chu nhớ có một đêm chàng đã đứng lại rất lâu ở cái đầu mái hiên ấy, ngắm Hiền ngủ bằn bặt dưới ánh trăng. Bây giờ, cuộc đời đổi thay với những khúc những nếp rối rắm, có rất nhiều khoảng ngõ cụt đứng chắn lối trở về dĩ vãng, Chu chỉ nhớ lại được vỏn vẹn có thế. Cái hành lang tối chàng đang đi vào không gợi nhớ. Người ta không nhớ nhung nhiều, giữa thành phố. Tình cảm chứa nén trong giới hạn nhất định của những bờ tường những mái nhà, khô lại như những bông hoa giấy. Đoạn đường ngắn dẫn đến trước thang máy không đủ không khí cần thiết cho những hình ảnh cũ được trở về. Hình như chúng ở đâu. Ngoài ngoại ô. Trong ngày xưa. Nhưng chúng đến được ở đây. Chu bấm nút điện mở cửa vào thang với một hình ảnh duy nhất: Hiền nằm ngủ êm đềm dưới ánh trăng. Hình ảnh cô đơn trải đi, lênh đênh, giống như một hòn đảo hoang giữa màu vàng rời rợi không bờ bến. Tự nhiên Chu thấy buồn lạ lùng. Chàng cúi đầu xuống. Khung thang hẹp như một cái hộp vùn vụt đưa chàng lên.

Buồng Hiền ở, Chu đi đi lại lại mấy lần mới tìm thấy số. Đến đây đã một vài lần, tuy vậy những căn buồng giống nhau vẫn làm chàng nhầm lẫn. Cửa sơn màu trắng sữa. Số buồng bằng đồng nổi. Chu đưa tay nắn lại cái nút cà vạt cũ.

Có tiếng chân bên trong, rồi Hiền mở cửa, hiện ra trên một nền ánh sáng xanh dịu. Nàng nhìn Chu ngạc nhiên:

“Kìa anh Chu, em lại tưởng ai. Anh đi đâu thế?”

Còn đi đâu nữa. Chu vừa nghĩ thầm vừa đi vào. Tấm gương lớn ở phía tủ áo hắt trả lại bóng Chu đứng ngỡ ngàng trước một căn phòng trang trí cũng lộng lẫy như sắc đẹp của người thiếu nữ. Bộ mặt thành phố chỉ thu nhỏ lại ở đây. Đại lộ chói sáng. Những đoàn xe nhiều màu trườn đi như những con rắn. Những bông hoa lớn bọc trên những thành ghế thấp. Đường lông mày của Hiền với những cái đuôi kẻ nhọn và dài vút như một lưỡi dao. Theo lời Hiền mời, Chu ngồi xuống một thành ghế. Chàng tự cảm thấy khó chịu vì chợt thấy mất hẳn bình tĩnh. Vì cần phải có một phút định thần. Vậy mà người đàn bà trước mặt chỉ là Hiền. Chỉ là người bạn thuở nhỏ đã ngủ thiếp dưới ánh trăng thôn quê. Chu nhớ được thêm: đêm ấy chàng đã đánh thức Hiền dậy. Trăng sáng xanh cắt vạch trên mặt sân gạch. Hai đứa trẻ dắt tay nhau trở về nhà Chu. Cũng lại một khoảng sân gạch thật rộng nữa. Những người tá điền đứng quây vào nhau đập lúa. Đêm mùa vui hơn ngày. Sớm mai lại là cánh đồng ướt sương với những thửa ruộng lúa chín mẩy hạt, điệu hò tiếng hát cất lên, bay đi, đậu xuống những thân lúa. Tiếng đập thóc rào rào. Đến lúc Chu đưa Hiền về, trăng vẫn sáng lắm. Những người tá điền vẫn đập lúa.

Chu nghĩ rằng giữa hai người tuy vậy vẫn chẳng có gì thay đổi và không ai cấm chàng có một câu nói một cử chỉ thân mật như ngày trước. Nhưng đến lúc chàng quay trở lại nhìn Hiền thì chàng lại biết ngay, hết sức rõ rệt, là cử chỉ ấy sẽ không được biểu tỏ, câu nói ấy sẽ không được nói ra. Gặp lại nhau, cuộc sống đã làm họ thành những người lớn. Với những vấn đề những tâm trạng của người lớn. Họ cùng ở giữa thành phố. Nhà Hiền gần đại lộ quá.

Còn mặc quần ngắn, nhưng Hiền đã trang điểm xong trước khi Chu đến. Hai gò má hồng đỏ, cặp mắt sâu hơn giữa những lông mi đã được đánh thẫm lại, Chu nhìn vào đã thấy thấp thoáng cái bóng dáng tưng bừng của những buổi dạ hội. Cuộc sống ở đây, khi đêm xuống. Bữa tiệc tiếp đón một nữ tài tử điện ảnh đến từ Hương Cảng, một nữ danh ca từ Phi Luật Tân, từ Đông Kinh vừa ghé xuống phi trường thành phố. Những dãy ghế kê thành hàng. Bữa tiệc ồn ồn ào ào với những nghi lễ phiền toái những lời chúc tụng kênh kiệu. Ánh lửa lòa sáng rồi lại mờ tối của một tiệm khiêu vũ. Sàn nhảy loang loáng, âm nhạc líu ríu. Không khí ngà ngà mê mê. Chu nghĩ đến tất cả những thứ đó. Một ánh trăng lạnh đọng lại trong óc. Chu đi lại về phía bàn phấn chống tay nhìn xuống. Chàng bắt đầu thấy hối hận về việc đã đến tìm Hiền mà nguyên nhân chỉ vì đêm nay thành phố có trăng thôi. Như thế một lúc lâu. Quay lại Hiền vẫn đứng ở chỗ cũ. Giọng nàng ngượng ngùng:

“Anh ngồi chơi chứ đứng đây ư? Lạ quá đi mất”.

“Hiền bận gì không?”

“Không anh ạ. Anh định rủ em đi đâu bây giờ”.

“Không, Chu trả lời”.

Chàng thấy mình không có gì hết. Không có một tí gì hết. Đêm trăng trên kia vô nghĩa và cách biệt với nơi này. Chàng đi ra cửa sổ nhìn xuống. Càng cảm thấy tất cả sự vô nghĩa đó. Những mảnh trăng mờ mờ gãy vỡ giữa những bóng lá. Ánh sáng vàng yếu tầm thường của nó chỉ có thể đoán thấy mà không nhìn thấy trên mặt đường. Bốn phía xung quanh, ngang từng cao của rừng cửa sổ, những ánh đèn trập trùng xa xa gần gần làm cho đêm thành phố có chiều sâu và những tầm cao thấp chồng chất hỗn loạn lên nhau. Chu khép cửa quay trở vào:

“Lúc đến đây anh định rủ Hiền xuống phố đi bộ một lát. Nhưng thôi để lúc khác vậy. Chắc em bận, anh đi về”.

Giọng nói của Hiền vui mừng không giấu được:

“Bận thì không bận, nhưng em mệt đang muốn nằm nghỉ một lát thì anh đến”.

Chu gật đầu:

“Thôi anh về”.

Những buổi dạ hội sáng chói. Những bữa tiệc ồn ào. Sàn nhảy của một tiệm khiêu vũ sóng sánh âm nhạc và những bước chân người đan chen quấn quít phía sau lưng:

“Ở ngoài trăng sáng lắm phải không anh Chu?”

Bàn tay Chu nằm nguyên trên thành cửa đã mở hé”.

“Em mở cửa sổ mà xem”.

Sau đó chàng tỏ dấu chào Hiền rồi đi khỏi. Hiền vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ. Tiếng thang máy ầm ầm chuyển động, khung thang đổ xuống như lao rồi đứng sững lại trước hành lang. Một lát sau Chu đã ở ngoài đường, như lúc chàng vào, một mình.


*


Chu bỏ đi khá lâu rồi Hiền vẫn đứng nguyên không cử động. Căn buồng rộng hẳn ra. Sự có mặt của Chu dù chỉ là chốc lát đã thay đổi cái không khí của nó. Đôi mắt anh ấy buồn lạ. Hiền nghĩ thầm như vậy và đi lại phía bàn phấn. Nàng ngồi xuống im lặng, tự ngắm mình một lúc lâu. Tấm gương hắt trả một đường môi đỏ. Hiền khẽ nhếch mép. Vết son động đậy, ánh ánh. Hiền thoa phấn lại một lần nữa, đứng dậy đi về phía tủ áo. Chiếc áo nàng đã chọn cho đêm nay, màu nó đỏ sẫm với những bông hoa thật lớn. Hiền mở sắc tay lấy ra tấm danh thiếp của Đoàn gởi đến từ chiều, đọc lại. Đoàn là một người bạn mới, nhà giàu, đã sang Pháp nhưng chỉ để đến những hộp đêm và phơi nắng ở những miền duyên hải, năm này qua năm khác tụ hội những đoàn du lịch đến nghỉ mát từ khắp các ngả thành phố lớn của thế giới. Đoàn về nước được sáu tháng. Danh thiếp ghi mấy hàng chữ viết vội:

“Mười một giờ anh sẽ đưa xe đến đón Hiền. Nhớ chứ, buổi họp mặt có khiêu vũ ở khách thính của Liễu? Chúng mình sẽ đến đó rồi liệu sau”.

Rồi liệu sau. Tất cả lối sống của Đoàn, của những người bạn mới Hiền vẫn gặp, vẫn đi chơi với họ, cái lối sống tự hủy hoại không suy nghĩ và chẳng có một vấn đề nào đặt ra là thế. Rồi liệu sau. Hiền đã ngã vào, ngã thật sâu vào lối sống đó. Rồi liệu sau. Nghĩa là rồi lại đến khách thính khác, đi xuống những sàn nhảy, tới những buổi dạ hội những bữa tiệc, nhập vào những cuộc du lịch, tất cả cuộc sống vo tròn lại, ném vào cái không khí ồn ào những chuỗi cười lớn, lộng lẫy màu sắc nhức mắt.

Theo lời khuyên của Đoàn, Hiền đã bán căn nhà ở ngoại ô và thuê căn gác này ở giữa thành phố. Cũng đã được 4, 5 tháng. Cuộc sống mới đẩy nàng đi xa nếp sống cũ cùng những kỷ niệm với những người bạn cũ. Trong số những người này có Chu. Chưa một lần nào Chu nói hoặc có những cử chỉ nói Chu yêu nàng. Nhưng Hiền đã cảm thấy, nhờ linh khiếu đặc biệt của người đàn bà về vấn đề này, tình cảm Chu đối với nàng không đứng lại trong giới hạn cũ nữa. Hiền cũng không hỏi. Đúng hơn không muốn hỏi. Nếp sống xa hoa thay đổi tâm tính, đến cả những nhận xét quan niệm chung của người đàn bà về tương lai và cuộc đời. Hiền sợ tình yêu, thứ tình yêu trang nghiêm, đứng đắn của Chu. Nàng tránh nghĩ đến bất cứ những cái gì bền chặt, có tính chất quyết định. Thấy là mình đã trở nên tầm thường. Thích có một cái buồng ngủ thật đẹp chẳng hạn. Thích có một cái tủ đựng tất cả các thứ hàng áo mới nhập cảng. Thích được sống lộng lẫy. Và thực hiện bằng được tất cả những ý thích đó. Điều này chính là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến Hiền tự ý xa Chu tuy thâm tâm vẫn không xa hẳn. Những người như Chu có thể khuất bóng hàng năm, xa cách hàng nghìn cây số, đi trên một con đường khác, nhưng Hiền vẫn không quên được. Một tâm trạng trái ngược mâu thuẫn: nhiều khi thử so sánh với những người bạn mới, Hiền thấy Chu thua kém họ nhiều thứ nhưng Chu đứng riêng một phía. Không thể so sánh được Chu với bất cứ một người nào. Chu đứng một mình, cái hình ảnh cô đơn ấy thật lạnh và thật đẹp. Sự kiêu hãnh của Hiền lại chính là nguyên nhân làm hổ thẹn mỗi khi chợt nghĩ đến Chu. Như bây giờ. Chu đi rồi. Câu nói cuối cùng của Chu vẫn còn lại:

“Hiền mở cửa mà xem”.

Hiền mở cửa. Đêm xuống lâu, những đợt lạnh dần dần dâng lên trong không khí. Trăng đậu thật xa, phía bên kia, trên một ngọn cây. Khuôn trăng thành phố tròn và phúc hậu từ khuôn mặt của người nhà quê mới ra tỉnh. Hiền mỉm cười về sự so sánh ngộ nghĩnh. Nàng nghĩ lại giọng nói khuôn mặt Chu ban nãy lúc Chu trang nghiêm bỏ đi.

Nhưng rồi nghĩ đến mình, buồn lại đến. Những đêm thật lộng lẫy vậy mà mấy mươi thứ ánh sáng cộng lại vẫn không sáng hết được tâm hồn. Hoang tối nhiều khoảng vẫn còn như những ngả phố vắng không có ai đi qua. Trước đây mấy năm, nhớ là thời kỳ cuối cùng hai người vẫn gặp nhau. Chu vẫn nói thành thật, Chu bao giờ cũng thành thật trong lời nói – tâm hồn Hiền sáng như một đêm trăng sáng. Tự soi ngắm lại, nhận xét ấy không còn đúng nữa. Nó đã đổi khác. Tâm hồn chỉ còn sáng cái ánh sáng lúc vụt tắt của một ngọn điện treo ngang cột đèn. Chao đèn hướng ánh sáng xuống những khoảng thấp ở dưới. Chẳng có gì đáng nhìn. Hiền ngước mắt. Cái nhìn đi từ những ngọn cây lên cao hơn, tới những đám mây màu trắng và sau cùng nó bắt gặp một vầng trăng thật tròn. Vẫn vầng trăng ban nãy, của chiều hôm trước, nhưng Hiền đã thấy nó khác hẳn. Giống như khuôn mặt người đi đường nhìn thờ ơ không chú ý đến lúc ngó kỹ lại mới chợt nhận ra một người thân. Ánh trăng Chu đến với nàng từ trên ấy, vẫn từ trên ấy. Nhưng Hiền đã không lên được tới đó, không lên được tới đó.


*


Đoàn vào mà Hiền vẫn không biết. Đoàn để tay lên vai làm Hiền giật mình quay lại.

“Cô bé áo đỏ”.

Đoàn cười rồi lùi lại châm thuốc lá hút. Đoàn nói kiểu cách:

“Anh nghĩ rằng Liễu đã làm một việc rất dại dột khi nhắc anh chiều nay thế nào cũng phải đưa em tới. Chắc Liễu sẽ hối hận, nhưng bọn đàn ông thì bằng lòng. Anh không biết anh có nên đưa Hiền đến cái chỗ có trăm mắt đổ dồn vào đó không. Chắc anh sẽ phải chống đỡ trên hàng trăm mặt trận một lúc.

“Em không đi đâu”.

Đoàn mở to mắt rồi cười phá lên.

“Nói đùa đấy, thôi đi. Đến giờ rồi. Chúng mình không nên làm cho thiên hạ đợi.

Tiếng Hiền nhắc lại:

“Anh Đoàn, em không đi thật mà”.

Bấy giờ Đoàn mới ngạc nhiên thật. Điếu thuốc lá đưa gần tới môi, sự ngạc nhiên làm Đoàn quên là phải hút hoặc phải hạ tay xuống.

Hiền thong thả đi lại trước mặt Đoàn.

“Anh xin lỗi chị Liễu và các anh ấy hộ em. Và nói hộ để hôm khác em sẽ đến cùng với anh”.

“Tại sao như vậy”, Đoàn hỏi bực tức. “Đến phút cuối cùng mới thay đổi ý kiến, đàn bà các em lạ thật”.

Hiền buồn cười:

“Đàn bà chẳng có gì lạ lùng cả đâu, anh cũng đừng hỏi em tại sao. Chính em cũng không hiểu. Có lẽ tại trong em vẫn còn một người con gái quê mùa. Người con gái quê mùa ấy anh không nên biết thì hơn. Anh vẫn tốt với em lắm xin anh đừng hỏi gì nữa và đi đi kẻo muộn. Em ở nhà một mình được rồi. Anh xem em đã mặc áo hoa đỏ này vì biết trước sẽ rất nổi bên cạnh màu tím của anh. Em vẫn định đi với anh đấy chứ. Tự nhiên không muốn đi nữa, có thế thôi anh Đoàn ạ”.

Người đàn ông nhún vai lắc đầu đi ra phía trước.

“Anh Đoàn”.

Y quay trở lại. Giọng Hiền mơ màng. Hiền nói một câu mà Đoàn không hiểu được riêng chỉ có nàng hiểu:

“Đừng giận em nhé, để hôm khác em sẽ lại đi chơi với anh. Nhưng anh đừng đến đón vào những đêm có trăng. Anh nhớ đừng đến đón vào những đêm có trăng”.


*


Tiếng cửa sập mạnh, người đàn ông bỏ đi rồi, Hiền quay trở lại phía trước tủ áo yên lặng ngắm bóng mình trong gương. Rồi nàng từ từ tháo hết hàng khuy áo, tháo khỏi tay chiếc áo màu đỏ chói để mặc nó rớt xuống mặt đất. Nàng với tay mở tủ. Dãy áo nhiều màu xếp sát nhau trong khoang tủ rộng hiện ra. Hiền với tay chọn một chiếc áo khác. Mắt nhìn mơ màng. Cuối cùng nàng chọn tấm áo lụa trơn màu xanh nhạt từ từ mặc vào. Trở lại bàn phấn, lấy khăn lau hết sáp môi, cất cái sắc tay vào ngăn kéo. Hiền đi tay không ra cửa, tắt đèn, đóng cửa lại, đi về phía thang máy. Thang máy đưa nàng xuống từng dưới. Hiền lần theo hành lang tối đi ra phía cửa. Người gác già còn thức. Y vừa hạ cái lưới sắt xuống.

“Kìa cô Hiền. Ông Đoàn vừa đến đón, cô không đi với ông ấy sao? Ông ấy vừa ở đây ra thôi”.

Hiền mỉm cười trước đôi mắt ngạc nhiên của người gác già. Nàng nói dịu dàng:

“Không, tôi không đi với ông Đoàn. Nhưng bây giờ nhờ ông mở hộ cửa cho tôi ra ngoài”.

Tấm lưới sắt lại kéo lên.

“Thế cô có về ngay không để tôi chờ, người gác hỏi”.

Hiền nhìn ra ngoài. Đã khuya lắm nhưng trăng đêm nay sẽ sáng trọn đêm. Nàng lắc đầu:

“Ông cứ đi ngủ. Chưa biết lúc nào tôi về, có lẽ còn lâu lắm. Tôi về tôi sẽ gọi ông dậy, không sao đâu”.

Ra đến ngoài đường, Hiền đứng lại nhìn lên. Đôi mắt nhìn trăng không phải để tìm một ánh sáng đẹp, còn như muốn dò hỏi một lối đi. Đoạn nàng tiến bước. Vừa đi Hiền vừa nghĩ: Phải rồi anh ấy chỉ có thể ở những nơi đó. Thành phố cả thảy có bốn vườn hoa. Bốn khoảng rộng với những chiếc ghế đá những con đường lát sỏi tráng, ánh trăng đang chiếu xuống đó, mênh mông và đầy. Hiền bước nhanh nhưng cũng không thấy vội vã lắm. Trăng sáng bây giờ trên thành phố, nó tròn nó cao thế kia, nó còn đậu ở đỉnh trời thật lâu. Đi trên bờ hè dưới bóng cây những mái hiên, mà Hiền có cảm tưởng như đang đi về một khoảng sân gạch nào, tới một đầu thềm một ngôi nhà cổ nào. Chỗ nằm ngủ cũ. Khoảng sân rộng, trắng xóa. Tiếng đập lúa đêm đầu mùa. Bóng những người tá điền đổ xuống. Trăng trải chan hòa trên những bờ vai bờ lưng, những cánh tay để trần.

Tấm áo lụa của Hiền mỏng nhẹ một vạt dài bay múa trên đường khuya. Hiền bắt đầu đi về lối vườn hoa thứ nhất. Chắc Chu đang nằm ngửa trên một tấm ghế đá, nhìn lên. Hiền sẽ đứng lại ở đầu lối vào vườn hoa. Nàng sẽ đi thong thả lại bên Chu. Gần chàng, như hồi nhỏ. Nàng sẽ nói với chàng dịu dàng:

“Anh Chu, anh ngồi dậy. Em sẽ nằm gối đầu lên cánh tay anh và em sẽ ngủ thiếp đi như ngày nào dưới ánh trăng kia cho anh xem”.


Chấp một tay

Bấy giờ tôi còn ở đường Ký Con gần khu Cầu Ông Lãnh. Cạnh nhà tôi ở là một cái ngõ hẻm. Trong đáy cùng của cái ngõ bẩn thỉu mọc lên như một cây nấm dại tiều tụy, hèn mọn, ở ngoài vùng tráng lệ của thành phố, có một túp lều. Túp lều ấy chỉ vừa đủ chỗ cho một cái ghế bố gãy chân nằm chỏng chơ.

Trong túp lều có một người đàn bà tàn tật: chị Năm Chừng. Và chị Năm Chừng có một đứa con trai trên là thằng Tám Cục Đất.

Chị Năm Chừng trước kia làm phụ ở một xưởng máy bên vùng Khánh Hội. Một buổi, chị Năm đứng lớ ngớ thế nào để cho máy tiện cán đứt lìa một cánh tay. Từ đó, thất nghiệp, rơi ngã xuống đến tận đáy của khốn cùng, chị Năm Chừng chỉ còn là một thứ người-vật, nửa sống nửa chết trong cái ngõ hẻm hằng đêm chỉ có lũ chó mèo hoang lai vãng.

Ngày tôi dọn đến Ký Con, chị Năm Chừng dắt thằng nhỏ đen nhẻm, trán dồ như bướu, mắt thao láo, sang nhà tôi ngỏ ý xin cho chị quét dọn nhà cửa mỗi buổi sáng sau khi tôi thức dậy. Nhớ buổi sáng hôm đó, nhìn thằng nhỏ dĩnh ngộ, cái dĩnh ngộ dữ dằn và ngỗ ngược của bầy trẻ lấy hè đường, cống rãnh và những gốc cây làm thế giới tuổi nhỏ, tôi xoa đầu Tám Cục Đất và hỏi nó:

“Mày thích gì, Tám?”

Nó lùi bật về đằng sau, đứng dạng hai chân chắc nịch, hai bàn tay chặt thành hai trái phật thủ khuỳnh khuỳnh, đáp như dao chém đá:

“Đánh nhau”.

Chị Năm Chừng cau mặt nhìn con, cười hiền hòa:

“Cháu nó hư lắm ạ! Đánh nhau tối ngày”.

Tôi mỉm cười nhìn Tám, nghĩ đến cái luật yếu mạnh tàn nhẫn của lề đường, và cho rằng Tám Cục Đất đánh nhau chỉ là để biểu tỏ sự có mặt của nó và dành một chỗ đứng dưới mặt trời. Tôi vẫn yêu những đứa nhỏ ngỗ ngược. Uốn nắn chúng cho khéo, dễ trở thành những người lớn khá lắm đấy nhé!

Thế là từ đó, chị Năm Chừng sáng sáng cầm chổi, một mảnh bao bố, theo sau là Tám Cục Đất lễ mễ bưng một thùng nước, hai mẹ con lúi húi lau chùi nền đá hoa căn buồng ngủ của tôi cho đến khi nhẵn như gương.

Tôi rất có cảm tình với Tám Cục Đất. Nó giúp mẹ nó như một người lớn vậy. Đôi khi lại còn ra cái điều dạy mẹ, khiến chị Năm Chừng lại cau mặt nhìn tôi cười và nói: “Cháu nó hư lắm!”. Nhưng tôi biết Tám Cục Đất thương mẹ nó lạ thường. Nó thương cái lối thương đặc biệt của nó. Trợn mắt lên. Lầm lầm lì lì chẳng thưa chẳng gửi. Nhưng mà thương.

Từ ngày gặp nhau, chị Năm đau yếu luôn. Chị ho thúng thắng, đầu tóc lúc nào cũng trùm kín dưới một tấm khăn bông lớn. Mấy tháng đầu, sáng nào cũng đủ mặt hai mẹ con. Rồi mấy tháng sau, tôi mở cửa không thấy chị Năm bước vào nữa, mà chỉ còn một mình Tám Cục Đất sang làm thay cho mẹ.

Càng ngày, biết nó rõ hơn, tôi càng thấy phát hiện ở Tám Cục Đất một đức tính quý và hiếm như vàng trong cái xã hội nghèo khổ đầu đường xó chợ. Đó là sự thật thà. Tiền tôi để trên mặt bàn viết, trong túi quần vắt trên thành ghế, những lúc mở cửa cho Tám vào rồi bỏ nhà sang ngã tư bên kia đường ăn sáng, trở về tiền để đâu vẫn còn nguyên đó, không mất một đồng nào.

Tám đã không ăn cắp, tôi còn nhờ Tám không đến nỗi bị mất cắp một mẻ lớn nữa. Chả là một đêm đi chơi uống rượu say về quên khóa cửa, tôi ngã vật xuống giường ngủ thiếp đi, nửa đêm bỗng giật mình thức dậy vì một tiếng kêu vỡ tai, tiếng kêu của Tám Cục Đất ở ngoài đường:

“Ăn cắp! Ông ơi! Nó ăn cắp của ông”.

Bóng đen chạy từ giường tôi chạy vụt ra, hốt hoảng ném trả lại cái quần. Trong túi quần, có hai chục ngàn đồng buổi chiều tôi vừa lấy ở nhà phát hành Thống Nhất về. May quá, Tám vừa đi qua cửa đúng lúc nó nhìn thấy thằng trộm lẻn vào. Trộm chạy rồi, Tám còn rượt theo như một mũi tên, vừa đuổi về la đến tận đầu phố. Sáng hôm sau, tôi gọi Tám sang cám ơn nó và thưởng cho nó năm trăm. Nó nhận nhưng không tiêu một đồng nào mà đưa hết cho mẹ. Cử chỉ đó của trẻ con tưởng người lớn nào cũng phải ngạc nhiên và mến phục.

Tám Cục Đất chỉ có một cái tội: nó hiếu chiến vô tả. Tôi không trông thấy nó gây sự với một đứa nhỏ nào bao giờ, nhưng lạ thay, Tám đến đâu là có võ đài lộ thiên dựng ngay tại đó. Đứa nào trêu, nó đánh liền không oong đơ gì. Máu nóng, máu anh hùng tứ chiếng chảy thao thao và chảy thật đầy trong cái thân thể chuột nhắt và đen cháy của Tám Cục Đất.

Tôi chính mắt thấy nó sáp trận nhiều lần. Nhanh như cắt vậy. Và đã lao vào kẻ thù là lao vào bằng những đòn chí tử. Cho nên lần nào nó cũng đánh thắng.

Kẻ thù nguy hiểm và ghê gớm nhất của Tám là bọn ba anh em thằng Tàu lai ở cuối phố. Ba anh em này, đứa nhỏ nhất thấp hơn Tam một đầu, đứa lớn nhất lại cao hơn Tám cũng đúng một đầu. Cuộc tỷ thí chừng đã diễn ra nhiều lần lắm. Đánh với từng đứa một, Tám thắng dễ dàng không khó nhọc. Nó chỉ cần bình tĩnh vung một quả đấm thôi sơn tay phải của nó là kẻ thù đã lăn cù ra. Nhưng phải xem Tám Cục Đất đơn thương độc mã đấu với cả ba như một chàng Triệu Tử Long tí hon, mới thật sướng mắt. Mới thấy sự gan dạ liều lĩnh của nó, so với những đứa nhỏ cùng tuổi, ghê gớm đến thế nào. Có phải dân tay chơi gọi đó là đòn ất giáp, thứ đòn hội chợ phải không? Sáp trận, khi phải đương đầu với ba anh em kẻ thù hợp lại thành một thế tam giác gườm gườm, tôi nhận thấy, lần nào cũng vậy, Tám gan dạ xông pha vút ngang vào giữa. Nó tả xung hữu đột, tay này thoi, chân kia đá, quay tròn như cơn lốc, quyền cước phát ra liên chỉ hồi điệp, và chỉ một loáng mắt ba anh em kẻ thù kia đã sững sờ thất kinh và kéo nhau chạy tan tác về nhiều ngả phố.

Một buổi sáng, chờ cho Tám Cục Đất lau nhà xong, tôi giữ nó lại:

“Cháu đánh nhau như thế không sợ mẹ buồn ư?”

“Chúng nó trêu tức cháu. Chúng nó gọi mẹ cháu là con mẹ què”.

“Nhịn đi có được không?”

Tám Cục Đất mở lớn đôi mắt thao láo nhìn tôi, hình như cái đầu óc trẻ thơ của nó từ phút ra đời không hề hiểu chữ “nhịn” là cái lý cố gì. Nó đứng lên, lẳng lặng xách thùng ra đi, không thèm nói chuyện với tôi nữa.

Bỗng một hôm, tôi xem xinê về đến xế cửa, lúc đó đêm đã khuya lắm, hè đường yên tĩnh và tôi lại trông thấy bốn cái bóng nhỏ thó huỳnh huỵch quần thảo dưới một gốc cây. Tám Cục Đất lại phải đương đầu với ba anh em kẻ thù của nó. Nhưng lần này, một điều chưa từng xảy ra bao giờ cho Tám đã xảy ra khiến tôi giật mình: Tám thua. Nó trúng đòn như mưa vào mặt mũi, ngã vật xuống một bờ tường.

Tôi thấy Tám vùng đứng dậy, lại loạng choạng lao vào vòng chiến để liền đó lại bị đánh văng vào một gốc cây. Lần ngã này xem chừng nặng lắm. Tám nằm lìm không ngóc được đầu dậy nữa. Khi tôi chạy đến và cúi xuống đỡ nó lên cho tựa lưng vào thân cây, nỗi ngạc nhiên của tôi về sự bại trận khó hiểu của Tám Cục Đất mới được cắt nghĩa: cánh tay trái của Tam buộc chặt vào quần bằng một sợi dây. Thì ra nó chỉ sử dụng có độc một nắm đấm tay phải mà thôi. Nó đã chấp kẻ thù một tay và cột chặt cái tay đó lại.

Tôi nhăn mặt kêu lên:

“Sao cháu dại thế. Một đánh ba còn chấp một tay”.

Khuôn mặt Tám sưng húp. Nó mím môi nhìn đi chỗ khác, nín thinh. Tôi phải gặng hỏi mãi, nó mới chịu nói, tiếng nói còn hổn hển vì đau đớn:

“Chúng nó nói tức, cháu chấp chúng nó”.

“Nói tức mà chấp liền? Chết thật. Lần sau thôi nhé!”

Tám nhổ một đống nước miếng có lẫn máu xuống đất, rồi ngước nhìn lên cao, nó lắc đầu.

“Cháu đã hứa chấp chúng nó, chỉ đánh bằng một tay, cho đến khi nào được, chúng nó phải thôi không dám gọi mẹ cháu là con mẹ què nữa”.

Tôi ngao ngán lắc đầu thở dài, biết nó đã định là làm, nó anh hùng như thế đó và trời cũng không thay đổi được.

Mấy tuần sau, ngày nào Tám Cục Đất cũng giao chiến với những kẻ thù làm nhục mẹ bằng cách trói lại một cánh tay. Cố nhiên lần nào nó cũng thua. Tôi không được chứng kiến nhưng cứ nhìn thấy nó, buổi sáng sang lau nhà, môi vều lên, mắt sưng húp là đủ để đoán được rằng Tám lại thảm bại. Tôi khuyên nhủ thế nào nó cũng khăng khăng không chịu nghe theo. Khối óc trẻ thơ mà dũng cảm như Tám Cục Đất nếu đã không chịu hiểu nghĩa chữ “nhịn” là gì, giờ tôi còn biết thêm là không chịu hiểu nghĩa chữ “lùi” là gì nữa.

Tám còn chấp một tay thì còn thua nữa, thua mãi. Làm thế nào? Tôi cố moi óc tìm cách giúp nó, như giúp anh chàng tiểu Vô Kỵ liều lĩnh và bướng bỉnh của cái hạt ngọc nơi trang trọng là truyện Cô gái đồ long vậy. Nhưng nghĩ mãi mà diệu kế không chịu nẩy ra.

Mãi đến một hôm, đi ngang qua rạp chớp bóng Casino, nhìn lên một tấm áp phích có tên tài tử cao bồi Randoph Scott, một tia sáng vụt lóe trong đầu tôi. Phải rồi, diệu kế đã tìm thấy bởi tôi vừa nhớ lại một bộ phim của của Scott. Đó là một phim đấm đá và trả thù rất dã man. Trong lúc ngất đi, Scott bị kẻ thù kéo lết đến một bờ suối, đặt tay lên một tảng đá và dùng giầy đinh giẫm nát.

Nhưng rồi, tỉnh dậy Scott đã đánh ngã gục kẻ thù sau đó. Không bằng tay vì hai bàn tay đã nát nhừ. Mà bằng cách liều lĩnh lao đầu như một con tê giác điên cuồng xung phong vào đối thủ.

Về đến nhà, tôi liền gọi Tám Cục Đất sang và mách cho nó cái thế đánh chí mạng của Scott.

Tôi cắt nghĩa cho nó về cái tác dụng tâm lý của cú đánh chí mạng:

“Cháu trói một tay lại, nhưng vẫn phải đánh bằng tay kia nên vẫn chưa đủ làm chúng khiếp sợ. Cháu thử liều chấp chúng hơn nữa, bằng cách cho chúng trói cả hai tay xem sao. Húc bằng đầu. Húc một cái thôi. Và chọn húc chính thằng lớn nhất”.

Tám Cục Đất nhìn tôi đăm đăm. Nó ngẫm nghĩ, nín thinh không nói gì và bỏ đi.

Sáng hôm sau, nó xách thùng nước sang lau nhà. Tôi vùng dậy.

“Sao Tám?”

Nó mỉm miệng cười gật đầu, hai tay thu cả về sau lưng làm hiệu như bị trói. Đoạn nó cúi xuống thản nhiên lau nhà. Tám đã nghe lời tôi và nó đã thắng. Từ hôm đó, tôi không còn thấy ba anh em thằng Tàu lai lảng vảng đến con phố này của Tám Cục Đất nữa. Tám đã sử dụng cái đòn chí mạng của Randolph Scott. Và nó đã làm khiếp vía kẻ thù, không còn đứa trẻ nào dám riễu mẹ nó là con mụ què nữa.

Từ hồi tôi bỏ Ký Con đi ở phố khác đến nay đã ba năm. Năm ngoái đi qua phố cũ chơi, nhớ đến mẹ con Tám Cục Đất, tôi vào thăm chị Năm Chừng. Người trong ngõ cho biết chị Năm đã chết ở nhà thương thí, và Tám Cục Đất cũng đã bỏ khu Cầu Ông Lãnh đi đâu mất tích.

Tôi nghĩ: Tám Cục Đất chỉ còn một thân một mình, nhưng nó ở đâu đó chứ không mất tích đâu. Nó có mặt ở trong đời sống gai lửa, nhưng ở đâu thì nó cũng không sợ, nó cũng san bằng trở lực và đánh thắng kẻ thù. Đánh thắng, vì lòng ngay thẳng và sự dũng cảm của nó, mà tôi đã nhìn thấy những bằng chứng chói lòa, ngay từ tuổi thơ.
Nguồn: Mai Thảo. Chuyến tàu trên sông Hồng. Tuổi Ngọc xuất bản, 1969. Bìa của hoạ sÄ© Duy Thanh. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.