trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đạiVăn họcThơ và Thơ TrẻVăn học nước ngoài
1.1.1990
Allen Ginsberg
Allen Ginsberg và Peter Orlovsky
Nguyễn Đăng Thường dịch và chú thích
 
Lời giới thiệu của nxb Gay Sunshine Press
Tường thuật hàng đầu về mối liên hệ giữa Allen Ginsberg và Peter Orlovsky đã do chính Ginsberg kể lại trong cuộc phỏng vấn ông của Allen Young trong năm 1972. Chúng tôi xin in lại bài phỏng vấn này để thay lời tựa cho các lá thư của ông. (Trích từ Gay Sunshine Interviews, tập I, Winston Leyland biên tập; nxb Gay Sunshine Press, San Francisco, 1978, trang 109-113.) Peter Orlovsky cũng có cho thấy khá đầy đủ về liên hệ này trong bài thơ “Tôi và Allen” của ông.

Lời thuật của Allen Ginsberg:

Chúng tôi [Peter và tôi] đã gặp nhau tại San Francisco. Ấy là năm 54, hắn đang sống với một họa sĩ tên Robert LaVigne. Tôi thì đang sống như một người hoàn toàn không đồng tính, tôi muốn thử nghiệm một cuộc sống như vậy, tôi làm cho một hãng quảng cáo, mặc đồ lớn, ngụ trong một căn nhà rộng rãi trong cao ốc trên đồi Nob Hill với Sheila, một ca sĩ nhạc jazz cũng trong ngành quảng cáo. Tuy nhiên mọi chuyện đã không êm thấm giữa chúng tôi. Chúng tôi có dùng peyote sơ sơ, nên chúng tôi cũng nhập luôn sân khấu tâm hoặc (scene psychedelic).

Một đêm, chúng tôi gây gổ với nhau, vì vậy tôi lang thang xuống một khu vực của San Francisco tôi chưa từng để ý, khu phố này lúc ấy còn được gọi Polk Gulch, bây giờ nó là một khu đồng tính rất nổi tiếng với vô số quán rượu đồng tính (gay bar). Vào thời ấy nó chỉ là nơi tụ tập của dân lãng tử, là một cái góc của hai con đường Sutter và Polk, với một cái Foster’s cafeteria. Tôi ghé vào quán lúc đã khá khuya. Tôi gặp Robert LaVigne ở đấy và dấn mình vào một cuộc đàm thoại lâu dài và hào hứng về nghệ thuật và các họa sĩ ở New York mà tôi được biết - Larry Rivers, de Kooning, và Kline. LaVigne là một họa sĩ tỉnh lẻ ở San Francisco, do vậy tôi là kẻ đã mang tới biết bao điều mới lạ về thơ và hội họa New York.

Anh đưa tôi về nhà để xem tranh và chỗ ở trên đường Gough Street, cách đấy chừng bốn dãy, một căn nhà trong cao ốc mà về sau chính tôi đã dọn về ở trong nhiều mùa và bây giờ tôi vẫn còn sử dụng. Tôi bước vào nhà và trước mặt tôi là một bức tranh vuông vức rất to, bảy foot trên bảy foot, tuyệt đẹp, trữ tình, vẽ một thiếu niên khoả thân cặp giò dang ra, vài củ hành nằm dưới chân, và một chiếc khăn thêu Hy-lạp trải trên cái ghế dài. Người thiếu niên có con cu sạch sẽ rất xinh, tóc vàng, khuôn mặt bé tí, với nét thành thật tuyệt đẹp như từ tấm tranh toát ra và nhìn thẳng vào tôi. Tôi nghe tim mình đập mạnh tức khắc. Vì vậy tôi đã hỏi ai đấy, và Robert nói, “Ồ, thằng Peter; nó hiện có mặt ở đây.” Và ngay lúc ấy Peter từ bên trong bước ra với nét mặt hệt trên tranh, chỉ bẽn lẽn tí thôi.

Ðộ một tuần sau Robert cho tôi hay rằng anh sắp sửa đi xa hay anh đã tuyệt giao với Peter, hoặc Peter đã đoạn tuyệt với anh. Anh hỏi tôi có quan tâm đến Peter không, vì anh có thể dàn xếp hộ tôi. Tôi nói, “U, anh đừng trêu tôi.” Tôi đã từ bỏ hết rồi. Tôi đã có một cuộc tình tuyệt vời và rùm beng với Neal Cassidy mười năm trước. Do vậy, lúc ấy tôi cũng tựa một tướng về hưu, đã bại trận trong tình trường, đã thôi ân ái, và vẫn chưa tìm được một bạn đường. Và năm ấy, 1955, tôi đã hai mươi chín tuổi rồi. Tôi không còn là một chàng trai hai mươi với những ý tưởng lãng mạn. Ðêm ấy chúng tôi ngồi trong tiệm rượu Vesuvio. Robert đàm đạo rất lâu với Peter, anh hỏi Peter có thích tôi không, anh muốn đóng vai shachun, đứng ra làm mai mối cho hai đứa tôi.

Rồi một đêm tôi trở về nhà. Tôi vào phòng Peter. Chúng sẽ tôi ngủ chung đêm đó trên tấm nệm mênh mông của hắn đặt trên sàn. Tôi cởi quần áo chui vào tấm nệm. Tôi ít ngủ bậy ngủ bạ với nhiều người. Tôi chẳng hề bộc lộ, không hoàn toàn cho hay nhận. Với Jack [Kerouac] hay với Neal, với những kẻ lúc đầu còn lưỡng tính và không hoàn toàn chấp nhận sự âu yếm được tình dục hóa của bọn đồng tính, tôi có cảm tưởng như mình đã ép buộc họ; bởi thế tôi hay rụt rè không mong họ đáp lễ, và họ cũng chẳng mấy khi bận tâm. Nhưng nếu được họ chiếu cố, thì chẳng khác gì nhận được phúc lành từ trời rơi xuống. Nếu ta nhập cuộc thì sẽ cảm thấy một thứ khoái lạc lẫn đớn đau, một thứ mất mát lẫn hy vọng tột cùng, rất ngộ nghĩnh. Nếu ta bú một người như vậy mà họ xuất tinh thì tuyệt trần đời! Và nếu họ rờ ta, dù chỉ một lần thôi, cũng đủ làm tan chảy cấu trúc của cuộc đời, của con tim, của bộ phận sinh dục và của trái đất. Và nó khiến cho ta phải bật khóc ngay.

Vậy thời... Lúc đó Peter xoay người về phía tôi (hắn khoác một chiếc áo Nhật-bản rộng), mở banh hai vạt áo choàng tắm ra - hắn trần truồng như nhộng - trùm áo lên người tôi và kéo tôi về phía hắn; chúng tôi thật khít nhau, bụng chạm bụng, mặt kề mặt. Hành động của hắn quá thành thật, quá tự do, quá táo bạo nên tôi nghĩ đó là một trong các lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thật cởi mở với một thằng con trai. Thế rồi, đánh bạo, tôi lấp đít Peter. Sau đó hắn khóc và tôi đâm hoảng, chẳng rõ mình đã làm điều gì khiến hắn phải khóc, nhưng tôi cũng hết sức xúc động bởi sự kiện hắn khóc vì nó chứng tỏ sự hệ lụy của hắn. Ðồng thời cái phần sa đích thích chế ngự trong tôi cũng đã được tâng bốc và kích thích thêm sự ham muốn dục tình.

Cái duyên do đã khiến cho Peter khóc là bởi hắn đã ý thức được mức độ của sự hiến dâng của hắn và mức độ của sự yêu cầu, đòi hỏi, và chiếm đoạt của tôi. Tôi nghĩ rằng hắn đã khóc vì khi nhìn vào tình trạng của mình lúc ấy hắn không thể hiểu tại sao mình đã lâm vào tình trạng ấy; hắn không cảm thấy nó như một điều quấy nhưng chắc hắn cũng phải ngạc nhiên về sự lạ kỳ của nó. Ấy là cái lý do tốt nhất để cho ta khóc.

Robert có thoáng nghe và trông rõ tình hình, bước vào tìm cách vỗ về an ủi Peter đôi chút. Tôi thì lại rất chiếm hữu nên đuổi Robert ra ngoài. Ðiều đó đã đưa đến sự nghi ngờ nhau khá buồn cười giữa Robert và tôi suốt cả một năm hay hai năm trời cho tới lúc cái nhân quả (karma) của chúng tôi tan biến. Lúc ấy Robert chợt ý thức được rằng anh sống một mình như vậy rất là thoải mái, mà tôi thì đã mắc vào cái vòng oan nghiệp (karma) của ái tình.

Peter bẩm sinh là người lưỡng tính và hắn sẽ luôn luôn như vậy. Tôi phỏng đoán rằng đã có một nguyên nhân khiến hắn bị cú sốc - sự nặng tay trong cách chiếm đoạt của tôi khi tôi lấp đít hắn. Ấy là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự có cơ hội lấp đít một người khác! Tôi nghĩ chắc điều đó đã làm tổn thương hắn và đã đem đến cho tôi chút rung động. Do vậy chúng tôi đã phải tìm cách vượt qua những trở ngại ấy trong liên hệ của chúng tôi trong nhiều, rất nhiều năm. Ðôi khi thật đau đớn.

Có thể chúng tôi đã làm tình thêm một lần nữa. Rồi tôi phải trở lên New York vào dịp Giáng–sinh để dự đám cưới thằng em. Tôi trở về và dọn tới ở trong căn nhà trong cao ốc nơi họ đang sống theo lời mời của họ. Và lúc ấy đã có một cuộc tình tay ba giữa Robert với tôi và Peter. Peter vẫn còn do dự chưa biết rõ hắn có muốn một liên hệ dài lâu với tôi hay không. Tôi thì đã dự tính một cuộc tình trọn kiếp với Peter; tôi đã hoàn toàn si tình và si mê Peter - tôi đã nghĩ hắn là người lý tưởng nhất cho tôi. Robert không dám chắc rằng anh đã không lầm lỗi, khi anh nhận thấy cái dòng sinh lực ngày càng dâng trong tôi và Peter. Và Peter đã bắt đầu vẽ tranh. Hắn bị mắc kẹt trong sự thù địch giữa tôi và Robert, và, cùng lúc ấy, đã có sự bất an của hắn đối với tôi và đối với sự liên hệ giữa hắn và tôi. Dẫu sao thì hắn vẫn thích con gái hơn, vậy thời việc gì hắn lại nằm đấy để cho tôi lấp đít?

Tôi rời Hotel Wently qua phía bên kia đường mướn một căn buồng. Tôi đang có việc làm tại một cơ quan nghiên cứu tìm tòi thị trường. Tôi bỗng nẩy cái sáng kiến tuyệt hay là công việc phân loại và nghiên cứu tìm tòi của tôi có thể cho rốc hết vào máy và như vậy tôi chẳng cần ngồi kẻ những cột chữ số nữa. Tôi trông coi việc thuyên chuyển vào máy cho hãng, và lúc hoàn chỉnh thì cũng chính là lúc tôi mất việc, ngon ơ trơn tru, không một tì vết. Và tôi được người ta cho lãnh số tiền bồi thường thất nghiệp.

Tôi đã được phân tâm tại Langley Porter Clinic, một chi ngánh ưu tú của U. C Berkeley Medical School. Ông ta là một bác sĩ giỏi, và tôi nói: “Như bác sĩ biết, tôi rất ngại làm những chuyện sâu xa với Peter, vì như vậy sẽ đến đâu. Có thể tôi sẽ chóng già và Peter sẽ không yêu tôi nữa - một cuộc tình tạm bợ thôi. Vả lại, có lẽ tôi cũng nên lưỡng tính chăng? Ông ta nói, “ Sao anh không làm các điều anh muốn. Anh muốn làm chuyện gì? Và tôi đáp, “Như thế này, tôi thích nhất là thuê một căn nhà trong cao ốc trên đường Montgomery Street, không làm việc cho ai nữa, chỉ sống chung với Peter và làm thơ. Ông ta nói, “Vậy thời sao anh không làm như vậy đi?” Do vậy tôi nói, “Chuyện gì sẽ xảy đến nếu tôi già hay sao đó?” Và ông ta nói, “Ô, anh là một người tốt, luôn luôn sẽ có người thích anh mà” - khiến tôi hết sức kinh ngạc. Bởi thế cho nên, nhìn từ góc cạnh nào đó, ông ta đã cho tôi được trọn quyền tự do, không cần phải đắn đo suy nghĩ về những hậu quả.

Bởi thế cho nên lúc đó tôi đợi chờ Peter và Peter thì vẫn ở trên con đường Gough Street và đến trường học. Tôi đã thuê căn buồng ấy và đã bắt đầu viết thật nhiều và tiếp tục đợi chờ và đợi chờ Peter.Neal Cassidy thỉnh thoảng có ghé vài lần. Tôi làm tình với Neal. Tôi còn nhớ một trong những lần cuồng loạn cuối cùng, do tôi đã có được một căn buồng riêng và sự riêng tư. Neal nằm tồng ngồng trên giường, và tôi ngoài trên dương vật anh, tụt lên tụt xuống ráng làm cho anh ra.

Và tiếp tục đợi chờ và đợi chờ [Peter]. Chẳng có gì để cho tôi đeo đuổi, rượt đuổi, bởi tôi không muốn đòi hỏi bằng sức mạnh. Mọi việc đã khó khăn hơn tại chỗ ở của Peter, do vậy hắn phải thuê một căn buồng riêng tại [khách sạn] Wentley, phía bên kia đường đối diện chỗ tôi. Và đã có bối rối, lạnh lùng - vì không rõ vị trí mỗi đứa, và những gì hai đứa cần làm. Tôi chờ hắn chọn lựa một quyết định nào đó. Vài lần chúng tôi có uống chút đỉnh với nhau thử xem có thoát khỏi cơn xuống tinh thần đó không. Chúng tôi không ngủ với nhau, không, mặc dù tôi rất mong mỏi.

Thế rồi một hôm hắn nằm trên giường, và hắn lại thút thít. Hắn bảo, “Anh lại đây chơi em đi.” Tôi quá xúc động và hốt hoảng để có thể cương cứng. Tôi không biết phải nên xử sự như thế nào.Cả hai vẫn còn để nguyên quần áo. Tôi sợ hắn diễn dịch rằng tôi lại lấp đít hắn, chứ không phải hai đứa sẽ chia sẻ với nhau. Nhưng điều ấy chóng được giải quyết, và chúng tôi dọn về ở chung trong một căn nhà trong cao ốc tại North Beach. Chúng tôi đã tìm được một căn nhà, chỗ mới này có một buồng cho hắn, một buồng cho tôi, và một hành lang ở giữa hai căn buồng của chúng tôi; và một căn bếp chung. Như vậy chúng tôi đã có được chút riêng tư, và, đồng thời, chúng tôi vẫn có thể làm tình nếu muốn.

Hắn khi vui khi buồn rất bất thường, cũng có lúc hắn rất dịu dàng, âu yếm, tử tế và cởi mở. Nhưng cách một hai tháng hắn lại rơi vào một trạng thái đen tối rất Nga, rất Ðốt, và hắn khóa chặt cửa buồng nằm khóc hết ngày này qua ngày khác; để rồi lại bước ra ngoài vui vẻ và thân thiện. Sau một thời gian, tôi chiêm nghiệm rằng cách tốt nhất là đừng xen vào, đừng bám sát hắn như một con diều hâu, mà cứ để yên cho hắn xuyên qua các buổi luyện yoga của hắn.

Phần then chốt là khi chúng tôi bàn về các điều kiện trong cuộc hôn nhân của chúng tôi - chắc là lúc ở Foster’s cafeteria tại hạ thành khoảng ba giờ sáng. Chúng tôi ngồi cạnh nhau và nói với nhau về mỗi đứa, thử hình dung những chuyện hai đứa sẽ làm, đứa này là gì đối với đứa kia, và mỗi đứa mong đợi gì nơi đứa kia, tôi yêu hắn tới mức nào, và hắn yêu tôi tới mức nào. Chúng tôi đã đạt tới điều chúng tôi mong muốn.

Tôi đã được một thử nghiệm về thấu thị: một thính hữu (audition) có tiếng nói của Blake và một thứ thần cảm về vũ trụ. Hắn cũng đã được một thử nghiệm, khóc lóc và cô đơn, khi đi lên ngọn đồi để tới trường, và cảm thị về sự hiện hình của những thân cây cúi chào hắn. Hai đứa tôi như vậy đều đã có trong tim óc một thứ hình ảnh tâm hoặc, siêu việt, thần bí.

Chúng tôi phát nguyện với nhau rằng tôi có thể thuộc về hắn, trí óc tôi và mọi điều tôi biết, và thân xác tôi, và tôi có thể sở hữu chủ hắn và mọi điều hắn biết và trọn thể xác hắn; và chúng tôi sẽ trao cho nhau chính chúng tôi, để đứa này có thể sở hữu chủ đứa kia như một bất động sản, và làm mọi điều chúng tôi muốn làm, tình dục hay trí tuệ, nghĩa là bằng một cách nào đó thám hiểm nhau cho tới lúc chúng tôi cùng nhau đạt tới điểm “X” thần bí, rồi trồi lên như hai linh hồn đã trộn lẫn. Chúng tôi đã có được sự hiểu biết rằng khi dục vọng của chúng (dục vọng đặc biệt của) tôi rốt cuộc đã được thoảa mãn no nê (thay vì bị khước từ), thì có lẽ sẽ có được sự giảm dục, không còn tham lam, bám giữ, khao khát và quyến luyến; và cuối cùng có lẽ chúng tôi đều sẽ được giải thoát trên thiên đường. Và do vậy lời phát nguyện của chúng tôi là mỗi đứa sẽ không lên thiên đường nếu không kéo theo được đứa kia - tựa một lời phát nguyện Bồ Tát hỗ tương.

Bởi đó chính là lời phát nguyện của Bồ Tát - “Chúng sinh có thất tình thì muôn nghìn trùng, ta nguyện soi sáng tất cả. Mê đắm thì vô lượng, ta nguyện nén hết, diệt hết. Bản tính cái pháp thì muôn ngả, ta nguyện bước qua hết. Ðạo của Phật thì cao thấp bất tận - ta nguyện đi tới cùng - Ðạo của Phật thì vô tận, vô biên, ta nguyện đi tới cùng.” Chúng sinh có thất tình thì vô cùng, vô vàn, vô kể, phát nguyện đếm từng người, soi sáng từng người. Ấy là phát nguyện căn bản được tái sinh làm mọi người, từng người một liên tiếp, từng hòn đá, từng chiếc lá, phát nguyện được làm mọi cá thể mọi thành phần của vũ trụ ở thời điểm này hay ở thời điểm khác, và chấp nhận cái phận nhỏ đó, có thể nói như vậy.

Ờ, thì cũng có thể coi cái sau [phát nguyện của chúng tôi] như bản ngắn hơn của cái trước [phát nguyện của Bồ Tát], gần như do trực giác, lời phát nguyện rằng chúng tôi sẽ ổ bên nhau cho tới bất cứ ý thức vĩnh cửu nào: hắn với những thân cây cúi chào, tôi với linh thị vĩnh cửu về Blake. Tôi trí tuệ hơn, nên tôi hiến dâng trí óc, trí năng; hắn lực lưỡng và vật chất hơn và hắn hiến dâng thể xác. Vì vậy chúng tôi cầm tay nhau, thề thốt: Tôi hứa, tôi hứa, hứa chứ? Vâng ạ, tôi hứa. Vào lúc ấy chúng tôi nhìn vào mắt nhau và dường như có một thứ lửa trời lướt qua trên chúng tôi và bừng cháy và soi sáng cả cái cafeteria và biến nó thành một nơi vĩnh hằng.

Tôi đã tìm được một người chấp nhận sự tận tụy của tôi, và hắn đã tìm được một người chấp nhận sự tận tụy của hắn và tận tình với hắn. Thật ra đó là sự thực hiện được một huyễn mộng, đến mức mộng và thực cuối cùng đã hòa lẫn. Dục vọng đã làm sáng rực cả căn buồng, bởi đó là sự thực hiện được tất cả những huyễn mộng tôi ấp ủ từ năm lên chín, khi tôi bắt đầu có những huyễn mộng về dục tình. Và lời phát nguyện ấy đã gắn liền vào trọng tâm mối liên hệ của chúng tôi. Ấy là ý thức hỗ tương; ấy là một dân nguyện ký kết trên thiên đường, có hiệu lực vì nó thể hiện ước muốn vào lúc ấy, và có thể thực hiện được. Thật ra, ấy là mối liên hệ căn bản giữa hai con người - hiến thân cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau và không lên thiên đường nếu không có nhau.

Như huyền thoại về Arjun, trong bộ kinh Bhagavad Gita, khi hắn bước tới cửa thiên đường. Hắn có mang theo một con chó nhỏ và nơi cổng vào họ bảo, anh có thể vào nhưng anh không được mang theo con chó. Và hắn đáp, như vậy không được đâu, nếu không cho tôi vào với con chó thì tôi không vào. Và họ bảo, Ồ, sao vậy, anh có thể vào, chỉ cần bỏ con chó lại thôi, nó chỉ là một con chó mà. Và hắn đáp, không được, tôi yêu con chó của tôi, và tôi đặt niềm tin trên tình yêu đó, và nếu tôi không thể mang theo niềm tin đó vào, thì thiên đường này là cái gì? Và lần thứ ba hắn lại bảo, không được, không được, không được, Tôi sẽ ở ngoài và đẩy con chó vào thiên đường nhưng tôi sẽ không vào nếu không có nó. Tôi đã nặng thề với nó rồi, tôi không thể bỏ nó một mình được. Và như vậy, cuối cùng, sau lần thứ ba, té ra con chó lại chính là đấng Krishna, vị chúa tể tối cao của vũ trụ mà cũng chính là thiên đường. Hắn chỉ muốn cố sức mang thiên đường vào thiên đường Và bản năng hắn đã đúng. Và bản năng của chúng tôi đã đúng. Như vậy cũng khá đủ để chúng tôi vượt qua được những giai đoạn khó khăn - xuyên qua được sự thay đổi địa vị, thế hệ beat và tiếng tăm, và sự biến đổi con người xã hội do bởi tiếng tăm.

Mối liên hệ của chúng tôi vẫn tồn tại sau năm 1954. Có rất nhiều biến đổi trong các điều kiện. Peter đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, và có khi chúng tôi xa nhau cả năm. Nhưng luôn luôn trở lại với nhau. Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn trong đó chúng tôi đã ngủ chung với người khác, đã tham dự chung những buổi giao hoan tập thể, hay chỉ làm tình tay đôi với nhau thôi. Hiện giờ Peter ngủ với một cô. Tôi chẳng mấy khi ngủ với hắn nữa. Nhưng nguồn gốc của liên hệ giữa chúng tôi là tình thương mến. Tôi không muốn lên thiên đường và bỏ Peter lại một mình dưới thế; và hắn sẽ không để tôi bơ vơ nếu tôi nằm trên giường bệnh, hấp hối, đầu bạc, mềm rũ như giun, đau khớp xương. Hắn sẽ xót xa cho tôi. Chúng tôi đã giữ gìn mối liên hệ quá lâu bền nên vào thời điểm này chúng tôi có thể sống xa nhau mà chẳng hề hấn gì. Tôi nghĩ rằng cái nhân quả (karma) đã tự tiêu mòn, theo một nghĩa nào đó.

Cái tiên đề là mỗi đứa có được nhau và chiếm hữu nhau cho tới lúc cái nhân quả (karma) tự tiêu mòn, cho tới lúc dục vọng, sự quyến luyến cuồng điên được thỏa thuê hết mức. Và đã có thỏa thuê, thất vọng, điên loạn, bởi trong một thời gian dài giữa thập niên 60 chúng tôi đã trải qua một cơn say ma túy tâm tốc ngông cuồng (speed freakery) đưa đến tình trạng căng thẳng. Chúng tôi đã có những lúc chửi mắng nhau thậm tệ của những cuộc hôn nhân đồng tính hay lưỡng tính tồi tệ nhất, khi đôi bên mang ý định giết nhau trong lòng. Chúng tôi đã thiêu hủy khá bộn bàng những tình cảm giả của thời trẻ tuổi, và những tham lam không thực tế, khao khát, và quyến luyến và lệ thuộc. Do vậy bây giờ hắn đã độc lập, và tôi cũng độc lập. Tuy nhiên, vẫn còn một sự tò mò độc lập đối với nhau giữa hai chúng tôi.

___________________________________

Ghi chú

1) sân khấu tâm hoặc với nghĩa như sân khấu chính trị, sân khấu quốc tế.
2) tâm hoặc (psychedelic): trạng thái tâm thần khi dùng LSD. Do các nhà văn nhà thơ “beatniks” chủ xướng trong thập niên 60. Giáo trưởng về sân khấu này là giáo sư tiến sĩ Timothy Leary, với khẩu hiệu nổi tiếng “Tune in and drop out” (nhập vào và bước ra). Nhập vào sân khấu. Bước ra ngoài mọi trói buộc xã hội. Sự nồng nhiệt của giới sinh viên, mà trung tâm là Ðại học Berkeley ở California, đã khiến họ thoạt tiên là “beatniks” (những kẻ cực lạc), đã trở thành “peaceniks” (những kẻ hiếu hòa), đưa đến phong trào phản chiến [tranh Việt Nam] rầm rộ, với sự đóng góp của các ca sĩ / nhạc sĩ / tài tử điện ảnh, như Bob Dylan, Joan Baez, Jane Fonda, và nhóm Beatles với những buổi “love-in” (nằm trần truồng trên giường đắp tấm ra để “biểu tình” cổ động cho hòa bình) của John Lennon-Yoko Ono. Chất LSD giải tỏa tâm thần, gây trạng thái bay bổng, siêu nhân. Ngũ quan thêm nhạy bén, tạo ảo giác với những âm thanh hình ảnh mới lạ, dồn dập, quay cuồng, màu cầu vòng ngũ sắc, như ta đang ở miền cực lạc, nếu cực lạc là như vậy. Trạng thái này thường kéo dài ít nhất sáu tiếng. Nhưng nếu một người đang ở trạng thái lo âu mà chơi LSD thì có thể bị một cơn mộng du xấu (bad trip). LSD là chất ma túy ít gây thiệt hại nhất, nếu dùng độ lượng. Nó không gây tình trạng nghiện thuốc như amphetamine, cocaine, heroine... Ngày nay nó được thông dụng trong giới đồng tính.
3) 1954 và 1955: chắc đã có lẫn lộn từ phía Ginsberg. Vì mọi chuyện ông kể đều xảy ra trong năm 1954. Ở thời điểm này, đồng tính luyến ái còn được / bị xem như cấm kỵ hay trọng tội, có thể mất việc làm, bị tù. Do vậy, Allen Ginsberg và Peter Orlovsky đã có mặt cảm tội lỗi. Ở Nga, các người đồng tính bị nhốt vào các “bệnh viện tâm thần”, nghĩa là bị bỏ tù và bị tẩy nào. Dưới các chế độ độc tài thời đó (và có thể bây giờ), văn nghệ sĩ không khuất phục thường bị vu khống là đồng tính và bị giam giữ vô thời hạn. Thời phát-xít, những người đồng tính (không cần phải Do-thái) bị đưa vào trại tập trung và lò sát sinh như người Do-thái. Ðể phân biệt họ với những người “bình thường”, người Do-thái phải đeo trước ngực một ngôi sao vải sáu cánh màu vàng (hai hình tam giác đồng cạnh chập lại) và người đồng tính một tam giác vải hồng. Khoảng 50 ngàn người Ðức đồng tính đã bỏ mình trong trại tập trung. Trong khi các cuốn phim tuyên truyền của Leni Riefenstahl huyền thoại hóa vẻ đẹp cường tráng của thân hình người đàn ông Aryan (tóc vàng, mắt xanh), tạo một mâu thuẫn. Vì chúng như một khuyến khích đồng tính ngầm dù không cố ý, đưa đến những khát khao và hoạt động đồng tính lén lút trong hàng ngũ SS gồm toàn những đàn ông đẹp tựa “thiên thần”, đội quân ưu tú và biểu trưng cho vẻ đẹp “siêu nhân” của “giống Aryan”, với sĩ quan và binh sĩ được tuyển chọn theo đúng các “tiêu chuẩn Aryan”. Hình như Sài Gòn bây giờ cũng rất tiến bộ, đã có một, hai cái “gay bar”. Ở một vài quốc gia Âu-châu thì hình như đã có những cuộc hôn nhân đồng tính được pháp luật bảo vệ.
4) speed: trí não trong trạng thái “thần tốc” do hậu quả của các dược phẩm kích thích như “amphetamine”. Người sử dụng không thấy đói, không buồn ngủ, v.v...
5) cafeteria: một thứ “quán cơm” bình dân. Foster có thể là một công ty có nhiều quán ăn dây chuyền ở khắp nơi trên đất Mỹ trong thập niên 50.