trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.1.1990
Monique Wittig
Điển mẫu
Hà Vũ Trọng dịch
 
Dục vọng
Trong ngôn ngữ chính thức của luận đàm về tính dục mà khoa phân tâm học đã trở nên ngày hôm nay – dục vọng là “bản năng” khiến một người, bất kể hạng người nào, ham muốn cuộc giao hợp dị tính (heterosexual) như là sự thoả mãn tính dục duy nhất và là biểu hiện duy nhất cho tính chủ thể của mình. Cõi tưởng tượng, mộng mị, dục tình, ước muốn, bất kể khái niệm nào liên hệ tới tính chủ thể đều bị lọc qua cái sàng này và không còn sống sót. Những quan niệm khi được dị tính hoá này phục vụ như là những phương tiện đàn áp.

Là giới đồng tính nữ, chúng tôi có thể hỏi cặn kẽ xã hội dị tính: quý vị đã làm gì với dục vọng của chúng tôi? Với chính dục vọng? Ham muốn dương vật? Ham muốn con cái? Một bức biếm hoạ. Cái gì đó đối nghịch với lạc thú – hoàn toàn buồn tẻ. Quý vị muốn làm gì với dục vọng của chúng tôi? Làm cho nó vừa khớp ư? Những phẫu thuật thuỳ não, dùng trị liệu ép buộc. Ép nó thực hành dị tính ái. Giao hợp cưỡng bách. Sinh đẻ cưỡng bách. Nếu dục vọng có thể tự giải thoát, hẳn nó chẳng liên quan gì tới dấu hiệu sơ đẳng về giới tính.

Ðồng tính (homosexuality) là dục vọng hướng tới giới tính của mình. Nhưng đây cũng là dục vọng đối với điều gì khác không được bao hàm. Dục vọng đó chính là sự chống lại cái chuẩn mực (norm).

Dị biệt
Sự dị biệt nền tảng, bất cứ sự dị biệt nền tảng nào (bao gồm dị biệt tính dục) giữa các phạm trù của những cá thể, bất cứ dị biệt nào tạo nên những quan niệm đối nghịch, là một dị biệt thuộc về một trật tự mang tính chính trị, kinh tế, ý hệ. Tất cả những phạm trù nào giấu giếm và trá nguỵ cái trật tự mang tính chính trị, kinh tế, ý hệ đó đều phát xuất từ tư tưởng duy tâm, nó chấp nhận trong tự nhiên hoặc bằng thiên mệnh, những dị biệt đã có sự tiên nghiệm (a priori) ban sẵn, chúng đã có trước khi có bất cứ tính xã hội nào. Sự dị biệt giữa đàn ông và đàn bà lệ thuộc vào tư tưởng này. Sự dị biệt được thiết lập giữa dị tính và đồng tính cũng đều lệ thuộc vào đó, dù là sự dị biệt này không tự thể hiện đồng một cách (theo cùng một cách). Lập luận duy tâm làm cho dị tính thành một dạng tính dục “tự nhiên” và đồng tính là một dạng tính dục đối nghịch với “tự nhiên” (đem so với những nỗ lực nhầm lẫn của những người đồng tính nào đó tìm cách biện minh cho tính dục của họ là “tự nhiên” – Gide). Theo nghĩa này, sự dị biệt quả là một tiên nghiệm ban sẵn, như một dị biệt mang tính hình thành, bản thể luận. Một đàng, sự dị biệt này cũng che giấu những đối nghịch xã hội: mang tính chính trị, kinh tế, ý hệ. Ðàng khác, từ quan điểm của đồng tính, người ta chỉ có thể ghi nhận rằng dị tính là không “tự nhiên”, nó cũng không phải là loại tính dục duy nhất là phổ quát. Dị tính là một cấu trúc mang tính văn hoá được thiết kế để biện minh cho toàn thể hệ thống thống trị xã hội dựa trên chức năng sinh sản cưỡng bách người phụ nữ và sự chiếm đoạt việc sinh sản đó.

Dị tính
Quan niệm về dị tính được tạo thành trong Pháp ngữ năm 1911. Nó tương ứng với nỗ lực nhằm chuẩn hoá dạng tính dục chủ đạo do ngành phân tâm học đặc trách, dù phân tâm học tự cho mình là một cuộc khoa học cách mạng. Quan niệm này là sự hợp lí hoá, nhằm trình ra như là một sự kiện thuộc sinh học, vật lí, bản năng, gắn liền với nhân tính, sự việc đàn ông nắm giữ việc sinh sản của người đàn bà và nhân thân họ (sự đổi chác đàn bà và hàng hoá). Dị tính khiến cho sự dị biệt giới tính không còn là dị biệt văn hoá mà là dị biệt tự nhiên. Dị tính chỉ thừa nhận tính dục là đúng chuẩn mực khi nó mang mục đích sinh sản. Mọi thứ khác là đồi bại (xem Ba Tiểu luận về Lí thuyết Tính dục của Freud để thấy khi nào cái hôn trở nên quái hoá – khi nó đi chệch với và không làm trọn chức năng như là màn mở đầu cho việc giao hợp). Cùng cuốn sách trên, hãy xem tất cả lập luận liên quan tới “các giai đoạn” tính dục của phụ nữ mà Freud chủ trương phụ nữ buộc phải bước qua để làm tròn “định mệnh” sinh sản. Ðặc biệt, xem huyền thoại về sự khoái lạc cực điểm của âm hộ, gần đây đã bị Ann Koedt tố giác).

Ðồng tính luyến ái nữ (Lesbianism)
Biểu hiện chính thức nhất của nền văn hoá đồng tính nữ xảy ra vào thế kỉ thứ 6 trước CN tại đảo Lesbos, từ đó nó mang tên (lesbian). Thật khó biết được biểu hiện này có được tạo ra để chống lại nền phụ quyền hay không, hoặc giả nó đã luôn hiện hữu như thế rồi. Những gì còn sót lại trong văn bản của Sappho và nhan đề của những văn bản đã bị thất lạc của những nữ thi sĩ khác ở đảo Lesbos không cung cấp chứng cứ cho rằng nền văn hoá đồng tính đã triển khai chống lại cái [nền văn hoá] phụ quyền kia, mà đúng hơn là ở bên ngoài và cùng sống chung với nó. Trong tầm mức mà nguồn gốc của nền văn hoá này được tìm thấy ở bên ngoài nền phụ quyền, thì ta có thể gọi đấy là một nền văn hoá phi-phụ quyền, phi-dị tính. Tôi biết rằng thật là mạo hiểm khi đùa với những giả thuyết liên hệ tới một thời kì quá đỗi xa xăm như thế. Tuy nhiên, nếu phân tích nghệ thuật của đảo Crete cùng thời, người ta có mọi lí do để tin tưởng rằng nền phụ quyền ở những vùng này không nhất thiết mang tính đại đồng (xem những bích hoạ ở Knossos [thuộc đảo Crete] thể hiện những nữ diễn viên nhào lộn với đàn bò mộng). Ðiều chắc chắn là giới nữ thượng võ amazon đã chiến đấu với nền phụ quyền mới manh nha. Phải chăng để vinh danh họ nên nữ thi sĩ đảo Lesbos là Damophyla đã viết bài Tụng ca nữ thần Artemis? Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được bởi tập sử thi này đã bị hoả thiêu ở thành Alexandria cùng thời với thơ của Sappho. Thế nhưng không thể hồ nghi gì về nền văn hoá đồng tính nữ đã bị đánh phá. Sự huỷ diệt một cách có hệ thống các văn bản của nền văn hoá này, cũng như sự chui lén mà nó đã lâm vào từ đó đã làm nhân chứng cho sự kiện này. Người ta phải nhìn nhận rằng nền văn hoá đồng tính nữ chắc hẳn phải đại diện cho một mối đe doạ trầm trọng để làm cớ cho một cuộc bách hại như thế, đó là một sự xoá tan toàn diện, sự vùi dập quy mô nhất trong lịch sử cùng với sự vùi dập giới nữ thượng võ amazon. Ngay từ thời kì đầu của Ðế quốc La mã, thi sĩ Ovid đã chỉnh đốn lại Sappho bằng cách biến bà trở thành vai chính của một câu chuyện diễm tình dị tính. Không có sự phản bội nào tồi tệ hơn bằng việc đồng hoá, cải biến chủ nghĩa Sappho thành cái xa lạ với nó hoàn toàn. Mối đe doạ thực sự tiêu biểu của giới đồng tính nữ là gì? Họ là bằng chứng sống động rằng người phụ nữ được sinh ra không phải với tư cách họ tự nhiên là đầy tớ (là đầy tớ tự nhiên)của đàn ông. Hơn nữa, họ đã chứng tỏ rằng họ có thể đẻ ra các xã hội phi dị tính và không có chuẩn mực nào cho việc thiết kế một xã hội cả. Cũng chỉ hợp lí thôi khi người phụ nữ đồng tính xem đảo Lesbos như là mô hình độc đáo của một nền văn hoá nữ giới không bị thống trị, một nền văn hoá ở ngoài vùng xã hội dị tính, ở đó những cá nhân thực thi tính chủ thể mà mục tiêu tuyệt nhiên không mang chức năng sinh con đẻ cái vẫn được coi là đặc biệt của người phụ nữ. Khoái lạc vị khoái lạc, như Baudelaire, nhà thơ lesbian, đã nêu rõ, đặc trưng cho tính chủ thể/tính dục này. Văn hoá đồng tính nữ còn rộng lớn hơn là đồng tính rất nhiều (khái niệm tương ứng với dị tính). Văn hoá đồng tính nữ còn rộng lớn hơn dục tính rất nhiều. Văn hoá đồng tính nữ mở ra một chiều thước khác về cõi người (trong tầm mức sự định nghĩa của nó không còn dựa trên sự “dị biệt” về những giới tính). Ngày nay những người đồng tính nữ đang khám phá ra chiều thước này ở bên ngoài những gì là nam tính và nữ tính.

Người đồng tính nữ
Là những người đồng tính nữ, chúng tôi là sản phẩm của một nền văn hoá chui lén, nó đã luôn hiện hữu trong lịch sử. Cho đến thế kỉ vừa qua (XIX), Sappho vẫn là nhà văn nữ duy nhất thuộc nền văn chương của chúng tôi mà không phải chui lén. Ngày nay văn hoá đồng tính nữ vẫn cứ nửa lén lút nửa công khai, gì thì gì vẫn cứ là ngoài lề và hoàn toàn không được biết tới trong cái gọi là văn hoá này. Tuy vậy, nó lại là một nền văn hoá mang tính quốc tế với văn chương, hội hoạ, âm nhạc, mã ngôn ngữ, mã giao tế, mã trang phục riêng, những phương thức hành xử riêng của nó. Cũng vì họ không bị giới hạn bởi những biên giới quốc gia (quốc gia đồng tính nữ ở khắp mọi nơi), nên những người đồng tính phát sinh từ mọi tầng lớp xã hội. Bên ngoài khung cảnh tranh đấu nữ quyền, họ cũng đã thiết lập “một tập hợp phụ hay tầng lớp ‘hình sự’. Những cá nhân này đòi được sống ở bên ngoài “luật pháp” của hệ thống giai cấp của họ,” như Ti-Grace Atkinson đã từng viết trong Amazon Odyssey. Bên trong khung cảnh của trào lưu nữ quyền họ đã phát triển nên những mối liên kết quốc tế. Họ có mặt ở đấy, hiện diện trong trận địa xã hội đang trong những thời kì “bị chững” của trào lưu nữ quyền, bởi vì sự phát triển cho nền văn hoá của họ và chính sự hiện hữu cụ thể của họ là điều không thể đảo nghịch. Về mặt chính trị, nữ quyền, như là một hiện tượng lí thuyết và thực hành, bao gồm đồng tính nữ nhưng đồng thời bị nó vượt qua. Nếu không có nữ quyền, thì đồng tính nữ như một hiện tượng mang tính chính trị hẳn sẽ không hiện hữu. Nền văn hoá và xã hội đồng tính nữ hẳn vẫn còn bí mật như từ bao lâu nay. Trên bình diện lí thuyết, đồng tính nữ và nữ quyền vận dụng những vị thế của họ theo cung cách là cái này luôn chất vấn cái kia. Nữ quyền nhắc nhở giới đồng tính nữ phải coi sự bao gộp của mình trong tầng lớp phụ nữ. Ðồng tính nữ cảnh giác nữ quyền chống lại khuynh hướng coi những phạm trù đơn thuần thuộc thân xác như thể những yếu tính bất biến và quyết định. Chúng ta hãy dừng tại đây để tránh những khái quát hoá quá mức rộng, và hãy bằng lòng với cái căn bản tối thiểu này: Ðồng tính nữ là nền văn hoá qua đó người ta có thể chất vấn về mặt chính trị với xã hội dị tính về những phạm trù tính dục, về ý nghĩa của các định chế thống trị nói chung, và về ý nghĩa của định chế về sự lệ thuộc cá nhân trong hôn nhân đã áp đặt lên người phụ nữ nói riêng.

Tính dục
Sự trỗi dậy của các phong trào phụ nữ cùng các phong trào đồng tính và những tranh đấu của họ đã đem tính dục vào trong phạm vi chính trị. Giống như các phong trào phụ nữ thì các phong trào đồng tính đòi quyền tự do xử trí thân xác (của con người sinh lí bị chiếm đoạt bởi những định chế chính trị từ các xã hội dị tính: chị sẽ là một người mẹ, anh sẽ là một người cha). Ðiều này giải thích tại sao đám đàn ông của Mặt trận đồng tính hành động cách mạng (Front homosexuel d’action révolutionaire) la lớn trên đường phố cùng với đám phụ nữ của Phong trào giải phóng phụ nữ (Mouvement de libération des femmes), rằng “tất cả bọn tôi đều đã triệt sản.” Những người đồng tính tranh đấu xem chính họ là đang chống lại cái chuẩn mực. Ðối với chúng tôi tính dục chỉ có một liên hệ xa với dị tính, vì dị tính bị chế ngự bởi lí tưởng cuối cùng là việc sinh sản, và bởi việc bắt buộc dụng hành tình dục dị tính, hoàn toàn không đặt mục tiêu mở rộng tính dục cho những cá nhân, mà lại đảm bảo một sự kiểm soát thân thể toàn diện những cá nhân ấy. Những người đồng tính có chung với phụ nữ cái sự kiện chỉ là “giới tính.” Những người đồng tính và phụ nữ đã bị gạt ra khỏi nhân loại.

Tuy nhiên, nếu sự thực hành tính dục mang ý nghĩa đối với xã hội là giao hợp dị tính, thì chúng tôi lại cách xa với tính dục. Chúng tôi đều như nhau, đều còn lâu mới hiểu được cái ý niệm khét tiếng kia về sự dị biệt tính dục mà từ đó sự đàn áp chúng tôi được thiết lập. Ðối với chúng tôi dường như không những chỉ có một hoặc hai giới tính mà có nhiều (xem Guattari/Deleuze), có bao nhiêu cá nhân thì có chừng ấy giới tính vậy. Cho dù họ có vây kín chúng tôi trong một cái ghetto tính dục, chúng tôi không đồng ý xem tính dục có cùng tầm quan trọng như những người dị tính. Tính dục đối với chúng tôi là một chiến trường không thể tránh khỏi chừng nào chúng tôi muốn bước ra khỏi tính chất của cơ quan sinh dục và của chế độ tính dục đã áp đặt lên chúng tôi bằng cái dị tính chủ đạo. Bởi tính dục đối với chúng tôi không phải là cứu cánh tách biệt với sự thực hành, trên hết nó phải là sự thực thi tính chủ thể liên can tới cuộc tìm kiếm khoái lạc và sự sáng tạo nên một con người độc đáo, không thể thay thế, tự túc, mà không có sự giảm trừ nào của dị tính có thể lí giải được. Mọi suy tư về tính dục đều mới mẻ và đều được đánh dấu một cách nhất quán trong lịch sử của chúng bởi những đối lập giai cấp (đàn ông/đàn bà). Những suy tư như vậy chỉ triển khai các đối lập kia để mà chuẩn hoá chúng, để biến cải chúng thành phổ quát, qua đó tạo ra một sự giảm trừ toàn thể lãnh vực tri thức. Cuộc luận đàm chính thức về tính dục ngày nay đơn thuần là luận đàm của phân tâm học xây dựng trên cái quan niệm tiên nghiệm và duy tâm về sự dị biệt tính dục, một quan niệm có đóng góp lịch sử vào cuộc luận đàm về thống trị nói chung.

Làm dáng
Trước đây không lâu bất cứ hình thức tính dục nào không ở trong chuẩn mực đều bị gọi là suy đồi, và do đó mọi sức đề kháng chống lại xã hội dị tính đều bị giả thiết là chứng minh sự suy đồi của hệ thống xã hội (làm yếu “khí nam nhi,” – chí này được hiểu là những người đàn ông dị tính thống trị đàn bà). Vào cuối thời Ðế quốc La mã, sự trỗi dậy của các phong trào nữ quyền và sự xuất đầu lộ diện của giới đồng tính nữ bị coi là đã tiếp tay cho sự sụp đổ của nền đế quốc này bằng cách làm yếu sự đề kháng (nam nhi) trước sự xâm lăng của các rợ. Ðó là thứ ngôn ngữ phản động trắng trợn. Còn có một loại phản động thâm hiểm hơn nữa đối với nền văn hoá nữ quyền, hình thức này gồm việc chế giễu và xem nó như là sự làm dáng. Gần như, hễ là một người đồng tính nữ, là thời thượng, là xe xua. Colette cũng đã nói rồi. Người ta tìm thấy cũng cái phương pháp miệt thị này trên một bài báo ra tháng Năm 1977 trên tờ San Francisco Chronicle. Dường như trong đám nữ quyền có thói “thời thượng” là ai ít nhất cũng có một “kinh nghiệm” đồng tính nữ để mà được “giải phóng.” Và tác giả của bài báo ấy gọi là làm dáng. Dĩ nhiên, không ai nghĩ tới việc bảo một người đồng tính nam vì làm dáng. Trái lại, sự đồng tính của phái nam thì rất thường được coi như là đáng trọng. Thành Sodom vĩnh hằng và quyền uy, như Colette từng nói. Ðó là bởi chủ nhân say mê chủ nhân thì được biện minh và thậm chí là hợp lí, còn cái cách mà tại sao một chủ nhân say mê và thèm muốn một kẻ nô lệ thì không được rõ ràng cho lắm. Và, thực thế, nếu người ta xét qua những cách biểu hiện các “dục vọng” mà đàn ông dùng đối với đàn bà (như hãm hiếp, khiêu dâm, giết người, bạo động, và sỉ nhục một cách có hệ thống), thì ở đó không có dục vọng gì mà đúng ra là một sự hành xử thống trị. Vậy nên nếu nhìn dục vọng với quan điểm là chẳng có gì kém hiển nhiên hơn bằng dục vọng của một người đàn ông đối với một người đàn bà , thì dục vọng của một người đàn ông này đối với một người đàn ông khác sẽ không cần bất cứ một sự biện minh nào. Trái lại, nhìn từ quan điểm dị tính, hoàn toàn không thể hiểu được một người đàn bà này (vốn là một sinh vật bị thống trị) lại đi thèm muốn một người đàn bà khác (cũng là sinh vật bị thống trị). Cũng vậy, mặc dù lợi ích tối thiểu có thể cống hiến cho một người đàn bà bằng sự kết bạn, dục tình và sự hấp dẫn của một người đàn bà khác (thì làm sao cô ta có thể không cần đến chủ nhân, là những kẻ duy nhất có khả năng ban cho cô ta một hữu thể?) nếu không kể người đàn bà đó là người đồng tính, mà bởi vì cô muốn được chú ý, để gây cú sốc, để làm chuyện giựt gân. Nhưng chắc chắn không phải bởi vì cô ta muốn tự ban cho mình khoái lạc. Cô ta là một người làm dáng, vậy thôi. Những khí giới lợi hại nhất của dị tính: phủ nhận hiện tượng, sự phục hồi (trong khi đó lại mang tính gợi dục đối với đàn ông khi thấy hai người đàn bà cùng với nhau trong khuê phòng đồng tính nữ), sự chế diễu.

Ðàn bà
Ðàn bà, người nữ, là những từ ngữ chỉ định về mặt ngữ nghĩa là phân nửa số con người bị gạt ra khỏi nhân loại. Ðàn bà/kẻ nô lệ, đàn bà/sinh vật bị thống trị, đàn bà/kẻ sinh đẻ vì nghĩa vụ (đàn bà/người mẹ), “đàn bà” như người “nô lệ” là một từ, một khái niệm không thể vãn hồi. Thực tại người “đàn bà” phải tan biến đi hệt như thực tại người “nô lệ” sau sự bãi bỏ chế độ nô lệ, hệt như thực tại “giới vô sản” sau sự bãi bỏ giai cấp và bãi bỏ lao động cưỡng bách.

Khi cái hư tượng "đàn bà" còn trở thành hiện thực cho một cá nhân chỉ trong tương quan với một cá nhân thuộc đẳng cấp đối lập – đàn ông – và đặc biệt là qua kết hôn, thì giới nữ đồng tính, bởi vì họ không thuộc phạm trù này, không phải là “đàn bà.” Ngoài ra, không phải với tư cách “đàn bà” mà người đồng tính nữ bị đàn áp, mà đúng hơn với tư cách không phải là “đàn bà.” (Họ, dĩ nhiên, cũng không phải là “đàn ông” nữa). Và những người đồng tính nữ yêu đương và ham muốn không phải nhằm những người đàn bà (nạn nhân của dị tính) mà là những người đồng tính (tức những cá nhân không phải là con vật cái của đàn ông). Và thật là một “ngộ nhận” hoang đường (có liên hệ tới sự bất lương trong chính trị) khi trách móc vì họ “từ khước nữ tính của mình” – giống như trách móc các nhà nữ quyền chỉ nghĩ tới việc chiếm chỗ đàn ông.

Chỉ danh “đàn bà”, cũng như chỉ danh “đàn ông”, chắc chắn sẽ tan biến cùng với sự đàn áp/bóc lột phụ nữ với tư cách một đẳng cấp bởi nam giới với tư cách một đẳng cấp. Loài người phải tìm ra một danh xưng khác cho chính nó và một hệ ngữ pháp khác để trừ khử giới tính, chỉ dấu ngữ học của các đối nghịch chính trị.

Hà Vũ Trọng (Toronto) dịch tặng Trân Sa và Ý Nhi
Nguyên văn: “Paradigm”, rút từ cuốn Homosexualities and French Literature – Cultural contexts/Critical texts, do George Stambolian & Elaine Marks chủ biên, Ấn quán Ðại học Cornell, 1979.

___________________________________

Monique Wittig (sinh năm 1935) Tiến sĩ Ðại học Sorbonne, Giáo sư môn Nữ Học (Women’s Studies) và Pháp ngữ tại Ðại học Arizona, là một tác giả lừng danh thế giới của mấy cuốn “tiểu thuyết” gồm cả Corps Lesbien / The Lesbian Body (Thân xác Ðồng tính), nhiều kịch bản, phê bình văn học, và luận văn, lí thuyết gồm cả tập Pensee Straight / The Straight Mind (Tinh thần Chân chỉ). Tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và bà đã được trao tặng giải thưởng văn học quốc gia uy tín của Pháp là Giải Médicis (năm 1964) cho tác phẩm đầu tay. Xử dụng một lối xúc tiến theo chủ nghĩa nữ quyền duy vật (materialist feminism) bà đã kết hợp hoạt động chính trị với tra vấn triết lí, phê bình văn hoá cùng với tính sáng tạo để tiêu hủy chỉ dấu về giới tính. Năm 1978, bà tuyên bố quyết liệt: “Tôi là một người đồng tính nữ, không phải là một người đàn bà.” Ðối với Wittig, giới tính trong ngôn ngữ là tính dục giả tạo.