trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
10.8.2007
Edward Miller
Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Ðình Diệm, 1945-1954
Hoài Phi, Vy Huyền dịch
 1   2   3 
 

Bước lưu vong của Ngô Đình Diệm ở Mỹ, 1950-1953

Vào đầu năm 1950, không gian cho cuộc vận động chính trị của Ngô Đình Diệm giảm xuống trầm trọng do sự phát triển của tình hình ở cả Ðông Dương và nước ngoài. Vào tháng 2 năm đó, Việt Minh đã đạt được một đột phá về ngoại giao khi cả Trung Quốc và Liên Xô đều chính thức thừa nhận và ủng hộ Hồ Chí Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong khi đó, việc phê chuẩn Hiệp ước Elysée sau một thời gian trì hoãn dài dẫn đến việc Mỹ và Anh chính thức hậu thuẫn cho Quốc gia Việt Nam và Bảo Ðại. Những thay đổi trên trường quốc tế này báo trước các lập trường chính trị ở Ðông Dương trở nên cứng rắn hơn. Với việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giờ đây nghiêng về khối cộng sản, Hồ Chí Minh và các đồng sự không còn muốn nhượng bộ để đạt được sự hợp tác với các phe nhóm quốc gia không cộng sản như trước nữa. Cùng lúc đó, Bảo Ðại và người Pháp cũng chuyển hướng sự chú ý sang Washington và những hứa hẹn viện trợ quân sự, với hy vọng sẽ giành được thế trên trong trận chiến. Kết quả của những phát triển mới này là giảm thiểu lực đòn bẩy mà Ngô Đình Diệm đã từng có trước đây với vai trò trung lập về danh nghĩa trong cuộc xung đột. Sự giảm thiểu lực đòn bẩy này trở nên rõ rệt khủng khiếp vào đầu năm 1950 khi Ngô Đình Diệm được tin là Việt Minh đã ra lệnh ám sát ông. [1] Với Ngô Đình Diệm, đã đến lúc phải cân nhắc những chiến lược khác và tìm kiếm sự ủng hộ của những nơi khác. Tháng 8 năm 1950, Ngô Đình Diệm rời Ðông Dương trong một chuyến đi dự định chỉ một vài tháng; nhưng ông đã ở nước ngoài tới gần bốn năm.

Hẳn Ngô Đình Diệm rời Việt Nam mà không hề có một kế hoạch lớn hay chiến lược nào; dường như ông đang dò tìm một số cách khác nhau nhằm thu được sự hỗ trợ của nhiều phe nhóm và chính phủ nước ngoài. Ði cùng Giám mục Ngô Ðình Thục, người luôn nhiệt tình ủng hộ các mục tiêu chính trị của em trai mình, Ngô Đình Diệm sang Nhật trước tiên. Với sự giúp đỡ của một trong những ủng hộ viên “lý tưởng hoá” của ông thời Nhật chiếm đóng, lần đầu tiên ông đã gặp trực tiếp đồng minh trước đây của mình là hoàng tử Cường Ðể, khi đó sống ở Tokyo. Sau này Ngô Đình Diệm nhớ lại đó là một cuộc gặp gỡ dễ chịu, và có lẽ họ đã hồi tưởng khá nhiều về các sự kiện năm 1945, nhưng họ cũng bàn đến một sự hợp tác mới. [2] Trước khi rời Việt Nam, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục tỏ ra quan tâm đến một âm mưu trong đó Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Ðại sẽ được thay thế bằng con trai ông là Bảo Long, đang ở độ thiếu niên, và bằng cách đó mở đường cho Cường Ðể trở về Ðông Dương làm nhiếp chính cho vị thái tử trẻ. [3] Cường Ðể có thể đã quan tâm đến kế hoạch đó. Thực vậy, một vài tuần lễ trước khi gặp Ngô Đình Diệm, vị hoàng tử này đã thử đáp tàu thuỷ sang Ðông Dương, nhưng bị nhà cầm quyền Pháp từ chối không cho vào. Ðó cũng là cố gắng hồi hương cuối cùng của Cường Ðể; ông mất tại Tokyo vào ngày 6 tháng 4 năm 1951, sau 36 năm sống lưu vong. Nhiều năm sau, khi Ngô Đình Diệm đã trở thành lãnh đạo của miền Nam Việt Nam, ông sắp xếp đưa di hài của vị hoàng tử này về chôn tại quê ở Huế. [4]

Bây giờ xem xét lại, sự kiện quan trọng nhất trong thời gian Ngô Đình Diệm ở Nhật không phải là cuộc gặp gỡ với Cường Ðể, mà là việc quen được một nhà khoa học chính trị người Mỹ là Wesley Fishel. Tuy mới chỉ 31 tuổi, Fishel đã có tiếng là một chuyên gia về chính trị Ðông Á. Giống như nhiều nhà khoa học chính trị thế hệ ông, Fishel tiếp cận ngành mình bằng quan điểm nhìn từ trên xuống (top-down); cách tiếp cận này được thể hiện qua việc ông quan tâm đến giới tinh hoa chính trị Châu Á, đối tượng của phần lớn các nghiên cứu của ông. Fishel muốn nghiên cứu giới tinh hoa, nhưng ông ta cũng muốn làm cố vấn và gây ảnh hưởng tới họ. Như một đồng nghiệp của ông hồi tưởng lại, ngay từ khi mới bước vào nghề này, Fishel đã có thói quen gây dựng quan hệ cá nhân với các lãnh đạo Châu Á, những người, theo Fishel, có nhiều khả năng nắm quyền trong tương lai. [5] Fishel thấy Ngô Đình Diệm là một “nhân vật hết sức sắc sảo; Rõ ràng học giả người Mỹ này cũng gây ấn tượng nơi Ngô Đình Diệm, và cả hai đồng ý trao đổi thư tín. [6] Sau này, Fishel trở thành một trong những ủng hộ viên Mỹ nhiệt tình nhất của Ngô Đình Diệm, và Ngô Đình Diệm đã tận dụng tốt những quan hệ của Fishel trong giới học thuật và với chính phủ Mỹ trong và sau thời gian sống lưu vong.

Ngay cả trước khi gặp Fishel, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đã quyết định rằng điểm dừng kế tiếp trong chuyến đi của họ sẽ là Hoa Kỳ. Cũng như Ngô Đình Diệm cố gắng khai thác cảm tình của những người Nhật “lý tưởng hoá” để giành sự ủng hộ của Tokyo vào đầu thập niên 1940, giờ đây ông hy vọng chuyển những tình cảm chống thực dân của người Mỹ sang thế có lợi cho ông. Vào đầu tháng 9 năm 1950, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục vượt Thái Bình Dương sang Mỹ và đến Washington, nơi họ được tiếp đón ở Bộ Ngoại giao. Những quan chức gặp Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục quan tâm đến đề nghị sử dụng các chiến binh Công giáo làm nòng cốt cho một Quân đội Quốc gia Việt Nam mới. Nhưng Ngô Đình Diệm và khả năng ông trở thành một lãnh đạo không gây được mấy ấn tượng với người Mỹ; một quan chức tuyên bố sau cuộc gặp là Ngô Đình Diệm “quan tâm ngang bằng nếu không nói là hơn… đến việc thực hiện các tham vọng cá nhân, thay vì giải quyết những vấn đề phức tạp mà đất nước của ông đang đối mặt ngày hôm nay.” [7]

Thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục tiếp tục sang Châu Âu vào tháng 10 năm 1950. Sau này Ngô Đình Diệm kể lại là ông đã gặp Giáo hoàng ở Vatican; ông cũng sang Paris một thời gian ngắn, gặp gỡ các quan chức Việt và Pháp ở đó và gửi một thông điệp tới Bảo Ðại. Thông điệp này mang lời đề nghị làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam của Ngô Đình Diệm, với điều kiện là ông có đủ thẩm quyền để cai trị các cơ quan hành chính vùng miền trong Việt Nam. Ðề nghị này có vẻ là bước lui của Ngô Đình Diệm, vì trong đó không ghi yêu cầu trước đây của ông đòi quyền tự trị lãnh thổ thì ông mới đồng ý phục vụ trong chính phủ của Quốc gia Việt Nam. Nhưng Bảo Ðại không ấn tượng với khả năng mềm dẻo mới có này của Ngô Đình Diệm, và chỉ trả lời chung chung. [8]

Vào tháng 12 năm 1950, các cơ may của Ngô Đình Diệm xuống tới mức thấp nhất. Việc sang Nhật, Mỹ và châu Âu đều không mang lại cú tăng lực chính trị tức thì mà ông cần để hô hào ủng hộ cho một “Lực lượng thứ Ba”; nhưng nếu trở về Việt Nam, ông phải đối mặt với thế bị cô lập về chính trị và có thể bị ám sát. Vì vậy ông quyết định đổi hướng, cả về chiến lược và địa lý. Sau khi chia tay với Ngô Đình Thục vì đã đến lúc ông này phải quay lại Việt Nam, Ngô Đình Diệm lại vượt Ðại Tây Dương sang Mỹ; trong hai năm rưỡi sau đó, ông lặng lẽ tìm kiếm sự ủng hộ trong những cảm tình viên người Mỹ và đợi ngọn gió chính trị Ðông Dương đổi sang chiều có lợi cho ông. [9] Cũng như chuyến thăm lần đầu, không phải tất cả những người Mỹ gặp Ngô Đình Diệm trong thời gian ông sống lưu vong này đều có ấn tượng về ông. Các quan chức trong chính quyền Truman nói chung là thờ ơ, một phần vì họ có xu hướng tin rằng “giải pháp Bảo Ðại” là khả năng tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại; theo quan điểm của họ, thái độ chống Pháp của Ngô Đình Diệm thật ngây thơ và thậm chí còn nguy hiểm. Mặc dù Ngô Đình Diệm có một số cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm 1950 và 1951, các quan chức trong bộ hầu như không để ý gì đến các đề nghị của ông. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc thuyết phục ông giảm bớt quan điểm phê phán với các chính sách của Pháp. [10]

May mắn cho Ngô Đình Diệm là có một số người Mỹ khác có thiện cảm hơn với thái độ chống Pháp và niềm tin vào Lực lượng thứ Ba của ông, và Ngô Đình Diệm đặc biệt thành công trong việc tìm ra những người này. Danh sách những người Mỹ nổi tiếng đã gặp và thừa nhận sự ngưỡng mộ họ dành cho Ngô Đình Diệm vào đầu thập niên 1950 gồm có một Hồng y Công giáo La Mã, một Thẩm phán trong Toà án Tối cao Mỹ, và ít nhất là 6, 7 thành viên của Quốc hội, vô số các nhà báo, một số học giả quan trọng, và thậm chí cả William J. Donovan, người sáng lập đồng thời là tiền giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược OSS. [11] Rất khó để phân loại nhóm người Mỹ hâm mộ Ngô Đình Diệm này. Mặc dù nhiều người trong số họ theo Công giáo, một số lớn khác lại không phải; Chẳng hạn, Wesley Fishel là người Do Thái. Tương tự, sức thu hút của Ngô Đình Diệm không chỉ giới hạn trong giới bảo thủ hay cấp tiến. Ngoài việc lôi cuốn được sự chú ý của những nhân vật bảo thủ nổi tiếng như Donovan, Ngô Đình Diệm cũng gây ấn tượng được với giới cấp tiến chẳng hạn như Nghị sĩ Mike Mansfield và nhà báo Gouverneur Paulding. Thực vậy, bảng danh sách của những ủng hộ viên người Mỹ mà Ngô Đình Diệm tập hợp trong những năm đầu thập niên 1950 thật đáng kể vì nó bao gồm cả phe cấp tiến lẫn phe bảo thủ, cũng như những phẩm chất phổ quát và không phân biệt đảng phái của nó.

Ðiều gì giải thích cho khả năng thu hút sự ủng hộ từ một nhóm người Mỹ danh tiếng khác nhau như vậy của Ngô Đình Diệm? Theo hầu hết tất cả những bài viết về Ngô Đình Diệm, một phần sức hút của ông với người Mỹ là chủ nghĩa chống cộng kiên định. Thời gian ngắn ông ở Mỹ trùng hợp với cao điểm của chủ nghĩa McCarthy, một giai đoạn mà uỷ nhiệm thư chống cộng là bắt buộc với bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào muốn giành được sự ủng hộ của Mỹ cho sự nghiệp của mình. Nhưng nếu việc chống cộng cần thiết để cuộc vận động của Ngô Đình Diệm thu hút được sự ủng hộ của Mỹ vào đầu thập niên 1950, nó không đủ để bảo đảm cho cuộc vận động ấy thành công. Nếu chỉ chống cộng thôi thì Ngô Đình Diệm gần như không khác gì người Pháp và Bảo Ðại, những đồng minh chính thức của Mỹ.

Thay vì chống cộng, một số tác giả đã chỉ ra rằng căn cước Công giáo của Ngô Đình Diệm là nhân tố quyết định giúp ông thu hút những ủng hộ viên người Mỹ. Ðương nhiên là Ngô Đình Diệm dựa khá nhiều vào các mối quan hệ với Vatican của Ngô Đình Thục và các giám mục người Việt khác trong thời gian sống lưu vong; ông đã sử dụng những mối quan hệ này để giới thiệu ông với các nhân vật Mỹ nổi tiếng, và để ông trú ngụ tại các trường dòng Công giáo. Hơn nữa, ông không chống lại việc sử dụng danh tiếng lãnh đạo giới Công giáo người Việt của mình để giành sự ủng hộ của các đồng đạo người Mỹ. [12] Nhưng quan niệm cho rằng Công giáo là yếu tố chủ chốt giải thích cho khả năng giành được sự ủng hộ từ người Mỹ của Ngô Đình Diệm giỏi lắm cũng chỉ là phóng đại. [13] Mặc dù Ngô Đình Diệm bàn về các vấn đề tôn giáo trong thư tín và các cuộc trao đổi riêng tư, dường như ông không định thiết lập một quan hệ hợp tác Mỹ-Việt với tư cách một liên minh Cơ Ðốc giáo trong tương lai. Ngược lại, trong các cuộc trao đổi giữa ông và những người Mỹ không theo Công giáo, và đặc biệt trong những lời ông nhận xét trước công chúng trong thời gian lưu vong, Ngô Đình Diệm luôn tránh những tuyên bố và ngôn ngữ tôn giáo và ưu tiên những lý luận thế tục về một cam kết với hai mục tiêu chống cộng và chống thực dân. [14]

Thay vì nhấn mạnh vào tôn giáo, Ngô Đình Diệm quan tâm nhiều hơn đến việc thu hút những người Mỹ tin vào phát triển, hiện đại hoá và khả năng biến đổi (một xã hội) của nền công nghệ Mỹ. Ðặc biệt, ông tìm cách khai thác những quan tâm chính thức mới (của Mỹ) trong việc “hỗ trợ kỹ thuật” cho nước ngoài. Vào năm 1949, Tổng thống Harry Truman tuyên bố chương trình “Point Four” (Ðiểm Bốn), tăng cường đáng kể mức độ hỗ trợ phi quân sự mà Mỹ dành cho nước ngoài. Mặc dù Point Four là kế tục trực tiếp của Kế hoạch Marshal 1947 nhằm giúp tái thiết Tây Âu, nó có quy mô toàn cầu và bao gồm nhiều loại viện trợ rộng lớn hơn. Ngoài các chương trình tài trợ và trợ cấp ra, “hỗ trợ kỹ thuật” còn bao gồm cả việc cung cấp thiết bị, đào tạo và kiến thức chuyên môn. Như nhiều học giả đã chỉ ra, chương trình Point Four báo hiệu lòng tự tin mới của nước Mỹ về khả năng viện trợ và chuyên môn của Mỹ để định hướng cho những thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội khắp thế giới. Là một chiến trường then chốt của Chiến tranh Lạnh, đối với nhiều quan chức Mỹ, Việt Nam rất cần sự giúp đỡ mà chương trình Point Four được thiết kế để cung cấp. Vào thời điểm Ngô Đình Diệm đến Mỹ vào năm 1950, một chương trình trợ giúp kỹ thuật nhỏ của Mỹ đã được thực hiện ở Ðông Dương, và sự trợ giúp kỹ thuật của Mỹ dành cho các Quốc gia Liên hiệp (Ðông Dương) đều đặn tăng lên. [15]

Trong khi nỗ lực định hướng hình thức và nội dung sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ cho Việt Nam, Ngô Đình Diệm nhận được sự giúp đỡ quý giá từ người bạn của mình là Wesley Fishel. Fishel ở một cương vị rất thích hợp để giúp đỡ Ngô Đình Diệm trong vấn đề này, vì vào năm 1951, ông ta vào giảng dạy tại Michigan State College (không bao lâu sau đó, trường này đổi tên thành Michigan State University). Trong những năm 1950, dưới sự lãnh đạo đầy nhiệt tâm của Chủ tịch John Hannah, trường Michigan State quản lý những dự án giúp đỡ kỹ thuật do chính phủ tài trợ ở những nước như Brazil, Columbia và Nhật. [16] Không bao lâu sau khi vào trường, Fishel sắp xếp cho Ngô Đình Diệm làm việc ở đó như một cố vấn; việc này giúp Ngô Đình Diệm và Fishel có dịp hợp tác soạn thảo một dự án trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam. Lá thư năm 1952 mà Fishel đề đạt dự kiến lên trước US Mutual Security Agency (Cơ quan An ninh Hỗ tương Hoa Kỳ) mang ảnh hưởng của Fishel rất rõ, vì nó đưa ra hình dung một dự án tương tự như những dự án khác của Michigan State. Nhưng lá thư này cũng có những ý tưởng rõ ràng xuất phát từ Ngô Đình Diệm, chẳng hạn như điều kiện đòi chương trình này đặt căn cứ ở thành phố Huế quê ông. Phạm vi của dự án đề xuất - lớn hơn tất cả các chương trình hiện có ở Michigan States lúc đó – có vẻ cũng chủ yếu là do Ngô Đình Diệm hoạch định. Ông tuyên bố rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ trong nhiều lĩnh vực khác hẳn nhau như “khoa học cảnh sát”, “vấn đề ngoại thương” và thậm chí “nghiên cứu về việc chọn theo các thể chế dân chủ”. [17] Giờ đây nhìn lại, đề xuất này chứng minh khả năng tiên đoán phi thường của Ngô Đình Diệm trong việc tìm cách định hướng hình thức và nội dung của cái sau này trở thành nguồn viện trợ khổng lồ Mỹ đổ vào giúp chính phủ của ông. [18]

Khả năng giành được sự hậu thuẫn của những ủng hộ viên có thế lực người Mỹ được thể hiện rõ trong một bữa tiệc trưa tổ chức nhằm vinh danh ông ở Washington vào ngày 8 tháng 5 năm 1953. Bữa tiệc này do Thẩm phán Toà án Tối cao William O. Douglas chủ trì; Douglas sang thăm Ðông Dương một năm trước đó và tin rằng nơi này cần có một Lực lượng thứ Ba. Douglas tổ chức bữa tiệc trưa này để giới thiệu Ngô Đình Diệm với những người Mỹ khác có cùng suy nghĩ như ông; khách mời gồm có các nghị sĩ Mike Mansfield và John F. Kennedy; số mệnh đã định sẵn là hai người này sẽ đóng vai trò then chốt trong quan hệ của Ngô Đình Diệm với Mỹ. [19] Ngô Đình Diệm gây được ấn tượng với hai Nghị sĩ này và những khách mời khác; ông mạnh mẽ lên án Bảo Ðại và viễn cảnh độc lập cho Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, và đãi thính giả câu chuyện ông gặp Hồ Chí Minh vào năm 1946. Sau này nhớ lại, Mansfield nói rằng ông ta rời bữa tiệc “với cảm giác rằng nếu có người nào có thể nắm được miền Nam Việt Nam, phải là ai đó giống như Ngô Ðình Diệm.” [20]

Như nhiều sử gia đã chỉ rõ, khả năng quan hệ của Ngô Đình Diệm với những người Mỹ như Fishel, Mansfield và Kennedy cuối cùng đã có kết quả. Ðặc biệt là sau năm 1954, các quan hệ cá nhân ông thiết lập được trong thời gian sống lưu vong đã giúp giành được và củng cố sự ủng hộ chính thức của Washington dành cho ông và chính phủ của ông. Nhưng vào tháng 5 năm 1953, ông chưa ở vào vị thế có thể gặt hái những lợi tức chính trị này, và những người bạn Mỹ của ông cho đến khi đó mới chỉ ủng hộ ông bằng những lời động viên và ủng hộ tinh thần. Vì vậy, ông chuẩn bị tìm kiếm những phương tiện khác để đạt được mục tiêu. Tại bữa tiệc trưa ở Washington, Ngô Đình Diệm tuyên bố mình sắp sang Pháp, và ông hy vọng cuối cùng sẽ quay lại Việt Nam. [21] Dĩ nhiên là cả ông và tất cả những người khác có mặt trong buổi trưa hôm đó có thể đoán trước được những sự kiện sẽ diễn ra trong 12 tháng tiếp sau đó và đỉnh điểm là, gần như đúng vào cùng ngày đó một năm sau, quân đội Pháp đã đầu hàng Việt Minh ở Ðiện Biên Phủ. Dù sao đi nữa, ngay cả khi Ngô Đình Diệm không lường trước được những sự kiện đó, thì ông cũng ở một vị thế thuận tiện để có thể khai thác chúng. Vào mùa xuân năm 1953, ông đã đặt kế hoạch cho cuộc trở về chính trị của mình; sức đẩy quan trọng không phải từ những người hâm mộ mới ở Mỹ, mà từ những ủng hộ viên trung thành của ông ở Việt Nam.


Người giữ anh/em [22] : Sự nổi lên của Ngô Đình Nhu, 1950-1953

Đã từ lâu, người ta cho rằng, trong thời gian sống lưu vong, Ngô Đình Diệm không nắm được các sự kiện và tư tưởng tại Việt Nam; việc ông sống tại các chủng viện và các dòng tu Công giáo ở Hoa Kỳ và châu Âu được coi là dấu hiệu chứng tỏ ông muốn rút lui khỏi các vấn đề của thế giới nói chung, và vấn đề chính trị nói riêng. Ngay cả trước khi Ngô Đình Diệm kết thúc thời gian sống lưu vong, một số quan chức Hoa Kỳ đã chế giễu rằng ông như người “Yogi bí ẩn”, người vừa “thoát ra khỏi nhà dòng bước vào một thế giới lạnh lùng” và vì vậy, không sẵn sàng cho những nhiệm vụ chính trị dễ gây nản lòng đang chờ đợi ông phía trước. [23] Những người đã viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng thường đồng ý rằng ông bị cô lập trong thời gian sống lưu vong, và vì vậy họ thường tả ông đang bơi một cách vô vọng giữa biển cả của những mưu đồ sau khi ông trở về Sài Gòn vào đầu mùa hè năm 1954.

Một hình ảnh như vậy về Ngô Đình Diệm mở ra ít nhất hai điểm đáng tranh luận. Trước tiên, những diễn giải này đã không chú ý tới khả năng rằng, thời gian sống trong tu viện của ông có thể không bị cô lập như những gì mọi người thấy vào thời điểm đó, mà mang tính chiến lược nhiều hơn. Chúng ta biết rất ít về những hoạt động của Ngô Đình Diệm trong thời gian 1951-1954 khi ông sống tại các chủng viện và tu viện ở Hoa Kỳ và Bỉ, và giả thuyết rằng ông bị cô lập với thế giới bên ngoài trong thời gian ông sống ở những tu viện này là một giả thuyết không có bằng chứng. Trên thực tế, có nhiều khả năng các học viện này đã cung cấp cho ông những phương tiện khá an toàn để liên lạc với những đồng minh của mình ở Đông Dương, bởi vì chúng cho phép ông sử dụng mạng lưới quốc tế của Công giáo, những người có thể mang tin nhắn một cách an toàn mà không bị cảnh sát Pháp ngăn chặn. Ví dụ, ông Ngô Đình Diệm gặp nhà hoạt động Công giáo người Việt Trần Chánh Thành trong thời gian ông lưu lại một chủng viện ở Bỉ vào đầu năm 1954. Vì ông Thành là một phụ tá thân tín của Ngô Đình Nhu ít nhất là từ năm 1952, và vì ông Thành rốt cuộc trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ Ngô Đình Diệm, có vẻ hợp lý để kết luận rằng ông là người đưa tin tức cho Ngô Đình Diệm khi ông qua lại giữa châu Âu và Đông Dương trong suốt thời gian quan trọng này. [24]

Thứ hai, những lập luận Ngô Đình Diệm bị cô lập cũng bị phá vỡ bởi có những bằng chứng cho thấy rằng ông đã kết hợp những hoạt động trong thời gian lưu vong của mình với những nỗ lực của những người ủng hộ ông ở Đông Dương, những người đang chuẩn bị cho cuộc trở về của ông. Trong những giải thích hiện có về đường đến quyền lực của Ngô Đình Diệm, một trong những thiếu sót rõ ràng nhất liên quan tới những trợ giúp quan trọng của anh em ông. Bên cạnh những trợ giúp như đã nói ở trên của người anh lớn, Giám mục Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm cũng nhận được giúp đỡ của ba người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện. Tuy Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện đều đóng vai trò quan trọng trong những thành công sau này của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là người có những đóng góp quan trọng nhất.

Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện là hai người em út trong những anh em họ Ngô, và là hai người hoàn toàn khác biệt nhau. Ngô Đình Cẩn là người sống xa lánh, hay gắt gỏng và là người ít học nhất trong các anh em; ông chưa một lần đi nước ngoài, và gần như cả đời mình, ông chỉ sống ở Huế. Trái lại, Ngô Đình Luyện là một kỹ sư phong nhã, theo chủ nghĩa thế giới, đã từng du học ở châu Âu và nói được vài thứ tiếng. Không ngạc nhiên mấy, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện giúp đỡ Ngô Đình Diệm theo những cách khác nhau. Đầu những năm 1950, Ngô Đình Cẩn bắt đầu xây dựng một hệ thống bí mật những người ủng hộ ở miền Trung Việt Nam; ông sử dụng tổ chức này để xây dựng và củng cố sự ủng hộ cho Ngô Đình Diệm ở phần này của đất nước, và đồng thời cũng mở rộng những ảnh hưởng cá nhân của ông ở đây. Trong khi đó, Ngô Đình Luyện làm đại diện cho Ngô Đình Diệm ở châu Âu. Sau khi Ngô Đình Diệm rời Hoa Kỳ đến Pháp tháng 5, 1953, Ngô Đình Luyện trở thành cố vấn chính và là đại diện riêng của Ngô Đình Diệm trong những cuộc thương lượng với Bảo Đại và những nhà lãnh đạo Việt Nam khác. [25]

Gia đình họ Ngô không thiếu những cá nhân có cá tính lạ thường và khó hiểu; tuy nhiên, so với mọi người, ông Ngô Đình Nhu được coi là người bất thường và bí ẩn nhất. Là người thứ tư trong sáu anh em, người ta nói ông cẩn trọng, sâu sắc và kín đáo. Ông không quê mùa như Ngô Đình Cẩn hay tao nhã như Ngô Đình Luyện, ông cũng có vẻ không quan tâm đến việc triều chính, điều mà Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục và Ngô Đình Diệm đã quá bận tâm. Quả vậy, là một người đàn ông trẻ, ông Ngô Đình Nhu có vẻ ham sách vở hơn làm chính trị. Những năm 1930 ở Paris, trước tiên, ông dành nhiều thời gian học về văn chương rồi sau đó học về chữ cổ và ngành quản thư tại École des Charte nổi tiếng. Cuối những năm 1930, ông trở về Việt Nam và làm việc trong ngành lưu trữ; đến 1945 ông giữ chức vụ trụ cột tại nơi sau này là Thư viện Quốc gia ở Hà Nội. [26] Sau Cách mạng tháng Tám, ông Ngô Đình Nhu tham gia nhiều hơn vào chính trị, đặc biệt trong những cố gắng của các anh em ông để vận động sự ủng hộ của những người Việt Nam Công giáo. Tuy vậy, cho đến khi Ngô Đình Diệm rời Việt Nam, ông vẫn tương đối mờ nhạt. Với người vợ trẻ của ông, Trần Lệ Xuân – sau này được thế giới biết đến là “Madame Nhu” nhiều tiếng tăm và tai tiếng – trong năm 1950, Ngô Đình Nhu vẫn sống khá ẩn dật ở thành phố Đà Lạt, nơi ông theo đuổi thú vui trồng hoa lan. [27]

Giống như những anh em của mình, ông Ngô Đình Nhu là người sùng kính đạo Công giáo và trung thành với Nho giáo. Tuy nhiên, giống như việc học vấn và sự nghiệp ban đầu của ông khác với những anh em khác trong gia đình họ Ngô, sự phát triển về tư tưởng và chính trị của ông cũng theo một lối khác hẳn. Ở Pháp, Ngô Đình Nhu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Công giáo Emmanuel Mounier. Trong những cuốn sách và các trang viết trên tạp chí Esprit của mình, Mounier phản ứng lại thời Đại khủng hoảng [28] và những đau khổ mà nó gây bằng cách phát triển một lý thuyết phê bình chủ nghĩa tư bản tự do; ông đặc biệt chế nhạo thiên kiến tự do với chủ nghĩa cá nhân, tranh luận rằng điều đó chắc chắn dẫn đến sự cô lập, bất hoà và bóc lột. Nhưng, là một người Công giáo bảo thủ, Mounier không đồng tình với chủ nghĩa Marx vì tư tưởng duy vật của nó huỷ hoại những gì mà ông gọi là những chiều kích “tâm hồn” trong bản tính con người. Thay vì [chọn theo] chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản, Mounier hướng đến một trật tự xã hội hậu tư bản, ở đó, cả những nhu cầu về vật chất của cá nhân và sự thịnh vượng chung đều được hưởng lợi – nhưng một trong hai điều này không trở thành trọng tâm độc nhất trong chính sách của xã hội. Thay vào đó, Mounier đề nghị đặt trọng tâm vào việc phát triển một con người toàn diện (la personne), mà ông định nghĩa là gồm cả những nhu cầu về tinh thần và vật chất. Nhấn mạnh của Mounier vào “con người” như lối thoát cho “cá nhân” là đề tài chủ yếu trong những bài viết của ông, và vì vậy ông đặt cho tư tưởng của mình là “chủ nghĩa nhân vị”. [29]

Khi Ngô Đình Nhu Nhu từ Pháp về lại Đông Dương, ông trở thành một người say mê chủ nghĩa nhân vị, tin tưởng rằng tín lý của Mounier có thể được áp dụng ở Việt Nam. [30] Đặc biệt sau năm 1945, chủ nghĩa Nhân vị có khả năng là “con đường thứ ba” cho việc phát triển xã hội là điều hết sức thu hút Ngô Đình Nhu. Với Ngô Đình Nhu, việc Mounier bác bỏ cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản trở nên thích hợp với vấn đề chính trị của Lực lượng thứ Ba mà Ngô Đình Diệm đang đề xướng. Ngô Đình Nhu cảm thấy ông anh lớn của mình đang lĩnh hội tư tưởng của ông qua việc những nhận xét và bài viết của Ngô Đình Diệm trong giai đoạn này nhắc đến những thuật ngữ của chủ nghĩa Nhân vị.

Sau năm 1950, Ngô Đình Nhu trở thành một trong những nhân vật đi đầu trong việc vận động những người Việt không theo cộng sản ủng hộ cho Ngô Đình Diệm. Đồng thời, ông cũng hăng hái trong việc đề xướng chủ nghĩa Nhân vị làm đường hướng cho việc phát triển chính trị và xã hội của Việt Nam. Tháng 4 năm 1952, Ngô Đình Nhu phác thảo quan điểm về chủ nghĩa Nhân vị trong bài nói chuyện tại trường Võ Bị Đà Lạt vừa thành lập. Ông thừa nhận rằng khái niệm nhân vị ban đầu là một tư tưởng Công giáo, nhưng nhấn mạnh rằng nó mang tính thích hợp và hữu dụng phổ quát, đặc biệt là cho một đất nước bị chiến tranh tàn phá như Việt Nam. Phát biểu với đa số những người không theo Công giáo tại buổi nói chuyện này, ông tuyên bố rằng “… ưu-tư của người Công-giáo cũng chỉ như một tiếng dội đáp lại những nỗi ưu-tư ở tâm-hồn bất-mãn của các ông vậy.” Ngô Đình Nhu lập luận rằng, tất cả người Việt Nam thuộc mọi phe phái chính trị và tôn giáo, đều phải cùng nhau có “một sự nhất trí bất thần và mãnh liệt” để bảo vệ nhân vị chống lại các thế lực đang đe doạ tiêu diệt nó. Những thế lực này bao gồm chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản, cả hai tư tưởng đều đem lại “sự giải phóng giả trá” và chiến tranh liên miên. [31]

Những thính giả hôm đó không biết điều này: bài diễn văn của ông Ngô Đình Nhu báo hiệu cho những việc sắp xảy đến. Ngoài việc dài dòng, rắc rối và trừu tượng – những phẩm chất ở ông mà, trong thập niên tiếp theo đó, nhiều người Việt Nam đã được làm quen và cảm thấy khó chịu – bài diễn văn này chuyên chở những đề tài then chốt, mô tả đặc điểm của những diễn văn và tuyên bố của cả ông và Ngô Đình Diệm sau này về ích lợi và giá trị của chủ nghĩa nhân vị. Những đề tài này không chỉ nói đến những nguy hiểm của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản, mà còn nói đến sự quan trọng của lợi ích “phần hồn” thay vì chỉ đơn thuần là lợi ích vật chất. Bên cạnh đó, bài diễn văn cũng làm nổi bật niềm tin chắc chắn của Nhu rằng Việt Nam cần một cuộc cách mạng toàn diện:

“Đó là những điều đại cương, rất vắn tắt của một cuộc cách mạng chính-trị kinh-tế, nhắm đích đặt con người vào trung tâm của triển vọng thế giới. Tôi nói: cách-mạng, bởi vì chúng ta sẽ làm một việc vô cùng phí công nếu chúng ta gắng gỏi tô chữa những đường nứt nẻ ở một cái nhà đã lung lay, lúc cần phải thay đổi cả cơ cấu nội bộ của toàn thể cái nhà ấy.” [32]

Như Ngô Đình Diệm, từ đầu những năm 1950, Ngô Đình Nhu hiểu rất rõ rằng việc tạo ra một Lực lượng thứ Ba ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều điều hơn là chỉ hứa suông trở về với những truyền thống, giá trị và thực hành cổ xưa. Để có thể thành công, một phong trào như vậy phải đề xướng chuyển đổi và cách mạng – mặc dù không theo đường hướng cộng sản. Ngô Đình Nhu tin rằng chủ nghĩa nhân vị có thể tạo nên nền tảng cho một tư tưởng phổ quát mới, thu hút mọi người Việt Nam, không Công giáo cũng như Công giáo.

Nếu Ngô Đình Nhu coi mình là một triết gia, ông cũng biết rằng phong trào mà ông đang mường tượng cần rất nhiều công sức để tổ chức; như những gì xảy ra cho thấy, tài năng thật sự của ông nằm ở vai trò tổ chức chứ không phải ở vai trò thành lập. Có lẽ ngay từ đầu những năm 1950, Ngô Đình Nhu đã thành lập nòng cốt cho một đảng chính trị mới, sau này được biết đến với tên gọi Đảng Cần lao Nhân vị;” nhưng thường được cả người Việt và người Mỹ gọi là “Cần Lao”. [33] Vào giai đoạn đầu, tổ chức Cần Lao dường như hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật, và chúng ta hầu như không biết gì về những năm đầu tồn tại của nó. Đảng hoạt động theo lối mạng lưới chi bộ, đa số đảng viên được tuyển mộ chỉ biết danh tính của một số ít các đảng viên khác. Sau năm 1954, sự tồn tại của đảng này được chính thức công nhận, nhưng đa số những hoạt động của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cuối cùng, đảng Cần Lao trở thành bộ phận quan trọng và nổi tiếng nhất trong bộ máy an ninh của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Nhưng trong những năm đầu của đảng, mục đích chính của Ngô Đình Nhu là vận động việc ủng hộ một phong trào đấu tranh chính trị dân tộc chủ nghĩa mới do Ngô Đình Diệm lãnh đạo.

Việc Ngô Đình Nhu chọn tên cho đảng chính trị của ông bộc lộ nhiều điều. Đặc biệt, việc dùng chữ cần lao phản ánh quan tâm đặc biệt của Ngô Đình Nhu đến khả năng chính trị tiềm tàng của người dân lao động Việt Nam. Ngược lại với giả định của một số nhà quan sát, sự quan tâm đến việc tổ chức lao động (lao động ở đây được hiểu bao gồm cả công nhân và những tá điền nghèo khổ) không bắt nguồn từ việc ông thán phục những thực hành tổ chức kiểu Lê-nin, mà chúng liên quan đến một số tư tưởng của phong trào công đoàn Pháp. Đặc biệt, ông ủng hộ khái niệm công đoàn, trong đó, công nhân được tổ chức thành từng nhóm như nghiệp đoàn hay hiệp hội để bảo đảm rằng quyền lợi của họ không lệ thuộc vào quyền lợi của tư bản. Mặc dù Ngô Đình Nhu, trong những bài thuyết trình kín và công khai, thường hướng tới những yếu tố triết lý Nhân vị, nhưng cung cách và bản chất những nỗ lực tổ chức của ông bị những nguyên tắc của phong trào công đoàn ảnh hưởng sâu sắc. [34]

Ngoài những hoạt động bí mật của đảng Cần Lao, Ngô Đình Nhu còn có những tổ chức khác công khai hơn. Những đề xướng này bao gồm việc thành lập liên minh với nhà hoạt động công đoàn Trần Quốc Bửu, một người tổ chức kỳ cựu, đã nhiều thời kỳ có quan hệ với nhóm Cao Đài và Việt Minh. Vào cuối những năm 1940, sau khi vỡ mộng với chủ nghĩa cộng sản, Trần Quốc Bửu theo một người tổ chức nghiệp đoàn lao động của Pháp; ông này đã chỉ cho ông những tư tưởng và những sách lược của phong trào công đoàn mậu dịch Dân chủ Thiên Chúa Giáo. Sau một chuyến đi ngắn đến châu Âu, Trần Quốc Bửu trở về Việt Nam năm 1949 và bắt đầu tổ chức công đoàn cho những công nhân thành phố và nông thôn một cách bất hợp pháp. Năm 1952, những thay đổi về luật lao động của Quốc gia Việt Nam cho phép ông Bửu hợp pháp hoá liên minh những công đoàn của ông dưới tên gọi “Liên minh Công nhân Thiên Chúa giáo Việt Nam” và là thành viên của Liên minh Công đoàn Mậu dịch Thiên Chúa giáo Thế giới có trụ sở tại Brussel. [35] Không rõ hai người này bắt đầu hợp tác với nhau khi nào và ra sao, nhưng vào năm 1953, Ngô Đình Nhu có những liên hệ thân thiết với Liên minh của Trần Quốc Bửu. Tháng Hai năm đó, Ngô Đình Nhu và các đồng minh của ông bắt đầu xuất bản tạp chí Xã hội ở Sài Gòn, mạnh mẽ ủng hộ Trần Quốc Bửu và liên minh của ông. Ngoài việc công khai ủng hộ chủ nghĩa công đoàn, tạp chí này cũng mạnh mẽ ủng hộ việc thành lập những tổ chức hợp tác công nhân và nông dân – một lập trường báo trước chính sách mà Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu sẽ thi hành một khi đã trở thành những lãnh đạo của miền Nam Việt Nam. [36]

Như những sự kiện cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 cho thấy, nỗ lực của Ngô Đình Nhu nhằm xây dựng sự ủng hộ rộng rãi của công nhân và nông dân Việt Nam cho mục đích cách mạng của ông sẽ bị thất bại về lâu về dài. Tuy nhiên, thất bại sau cùng không loại trừ khả năng của những thắng lợi tạm thời; việc anh em họ Ngô bị lật đổ sau này không có nghĩa rằng tư tưởng và dự định của họ đều luôn luôn không có hiệu quả, hay thất bại từ khi mới bắt đầu. Thật vậy, trong một thế giới chính trị bè phái và chia rẽ như ở Đông Dương vào những năm 1950, khả năng nắm quyền hành qua những tổ chức quần chúng và những mạng lưới bí mật của Ngô Đình Nhu là một công cụ hiệu nghiệm. Ngô Đình Diệm dường như hiểu điều này, và trong suốt thời gian sống lưu vong, ông trông cậy vào Ngô Đình Nhu để đặt nền móng chính trị cho cuộc trở về của ông. Như đã thấy, niềm tin Ngô Đình Diệm đặt vào người em trai của mình là hoàn toàn đúng; đến mùa hè năm 1953, Ngô Đình Nhu đã soạn ra những chiến thuật và chiến lược để đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền.

(Còn tiếp 1 kì)

Bản tiếng Việt: © 2007 talawas


[1]Người Pháp đã dò tìm được lệnh ám sát này và thông báo với Diệm rằng họ không thể bảo vệ ông được. Xem Ðiện của Heath gửi Acheson, 28 July 1950, United States National Archives II, Record Group 59, State Department Decimal File 751G.00/7-2850. Phần tham khảo cho tư liệu USNA 2 là từ nhóm này và sẽ được trích dẫn với số Decimal File.
[2]Bản dịch Thư tín, Ngô Ðình Diệm gửi Wesley Fishel, 3 June 1951, Michigan State University Archives, Wesley R. Fishel papers, Box 1184, Folder 33. Bức thư không gửi đích danh cho Fishel, nhưng nội dung và ngày tháng trong thư cho thấy rất nhiều khả năng là Diệm viết cho Fishel.
[3]Ðiện báo, Gullion to Sec. State, 24 Jan 1951, FRUS, 1951, vol.6 (Washington: GPO, 1977), trang 359-361; cũng xem điện tín, Heath to Sec. State, 28 July 1950, USNÀ, 751G.00/7-2850. Theo Gullion, người lúc đó là Ðại biện (Chargé d’Affairs) tại toà Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1950 và có biết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục, âm mưu Bảo Long được dự định với việc Cường Ðể và Hoàng hậu Nam Phương đồng làm nhiếp chính; Nam Phương – không như chồng bà – theo Công giáo.
[4]Ðể biết thêm về những nỗ lực cuối cùng của Cường Ðể nhằm chấm dứt cuộc sống lưu vong, xem Hammer, Struggle for Indochina, trang 275. Ðể biết thêm về việc Cường Ðể thừa nhận mình và Ngô Đình Diệm đã bàn bạc về việc Cường Ðể có thể đóng một vai trò chính trị ở Ðông Dương như thế nào, xem Memorandum of Conversation, Dallas Coors, 8 Jan 1951, USNA 2, 794.00/1-851. Việc đưa hài cốt ông về nước vào năm 1956 được đăng trên The Times of VN Weekly, 21 April 1956, trang 8.
[5]Phỏng vấn Giáo sư Ralph Smuckle, Washington DC, Hune 2001.
[6]Fishel kể lại việc gặp Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục ở Tokyo trong “Memorandum on Ngo Dinh Diem”, 28 Aug 1950, được đính kèm trong Báo cáo của Spinks gửi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2 tháng 9 năm 1950, USNA 2, 751G.00/9-250. (Cảm ơn Joseph Morgan đã cung cấp cho tôi một bản sao của tài liệu này.) Bản bị vong lục không có chữ ký, nhưng các văn bản khác của Bộ Ngoại giao cho thấy rõ Fishel là tác giả; xem bị vong lục tháng 1 năm 1951 trong chú thích 26. Người Nhật giúp tổ chức tất cả các cuộc gặp gỡ ở Tokyo giữa Ngô Đình Diệm, Cường Ðể và Fishel trong mùa hè năm 1950 là một nhà văn cấp tiến và phiêu lưu tên Komatsu Kiyoshi; xem bị vong lục của Fishel đã trích dẫn, và Demaree Bess, “Bright spot in Asia” trong Saturday Evening Post, 15 Sept 1956, trang 130.
[7]Ðiện tín, Quyền Ngoại trưởng Mỹ gửi Toà Ðại sứ ở Sài Gòn, 28 Sept. 1950, FRUS 1950, vol 6 (Washington: GPO, 1976) trang 884-886.
[8]Ðiện tín, Acheson gửi Sài Gòn, 16 Jan 1951, FRUS, 1951, vol.6, trang 348. Một tường thuật hơi khác về cuộc trao đổi này giữa Ngô Đình Diệm và đại diện của Bảo Ðại được ghi lại trong Memorandum of Conversation, William O’Sullivan, 15 Jan 1951, USNA 2, 751G.00/1-1551.
[9]Cuối thập niên 1950, Ngô Đình Diệm giải thích tại sao ông quay trở lại Mỹ trong D.M.Coors, “Conversation with Mr. Ngo Dinh Diem, prominent Vietnamese Catholic leader,” 26 July 1951, USNA 2, 751 G.00/7-2651.
[10]Như trên; cũng xem điện tín ngày 28 tháng 9 năm 1950 đã trích dẫn trong chú thích 29.
[11]Joseph Morgan, The Vietnam lobby: The American Friends of Vietnam, 1955-1975 (Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press, 1997) trang 1-14.
[12]Ví dụ, trong một bị vong lục năm 1951 Ngô Đình Diệm viết cho một thành viên người Công giáo trong Quốc hội, ông tả về giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu ở miền bắc Việt Nam như một “vùng Lực lượng thứ Ba”, nơi dân chúng “hiểu những giá trị thật của phương Tây” và “không chống phương Tây mà chống thực dân”; Ngô Ðình Diệm, “Indo China” bị vong lục tháng 7 năm 1951, đi kèm trong thư của dân biểu Edna Kelly gửi Nghị sĩ Mike Mansfield, 20 tháng 7 năm 1951, University of Montana Mansfield Library, Mike Mansfield Archives, Series IV, Box 221, Folder 14. (Tôi cảm ơn Don Oberdorfer đã cung cấp cho tôi bản sao của bị vong lục này.)
[13]Vào những năm 1960, người ta cho rằng sự ủng hộ Mỹ dành cho Ngô Đình Diệm chủ yếu là nhờ vị Hồng y nhiều thế lực Francis Spellman ở New York; Robert Scheer, How the United States got involved in Vietnam (Santa Barbara, CA: Center for the Study of Democratic Institution, 1965), trang 20-25. Những biện luận gần đây hơn theo hướng này ít cố tình gán ép hơn, nhưng vẫn duy trì quan điểm tôn giáo là cốt lõi sức hút của Ngô Đình Diệm với Mỹ; ví dụ, xem Seth Jacobs, “‘Sink or swim with Ngo Dinh Diem’: Religion, Orientalism and United States intervention in Vietnam, 1950-1957” (luận án Tiến sĩ, Northwestern University, 2000).
[14]Ví dụ, trong hai bài phát biểu của Ngô Đình Diệm vào khoảng cuối thời gian ở Mỹ, Diệm chỉ nói thoáng qua một lần về đạo Cơ Ðốc; Ngô Ðình Diệm, “Recent development in Indochina” (Ðọc tại Hội nghị Thường niên lần thứ 5 của Hiệp hội Viễn Ðông, Cleveland, Ohio, 1 April 1953) và “Talk by Mr. Ngo Dinh Diem before Southeast Asia Seminar, Cornell University” (20 Feb.1953). Bản sao của cả hai diễn văn này đều có trong Thư viện Kroch của Ðại học Cornell.
[15]Ðể biết bản tóm tắt của chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ cho các Quốc gia Liên hiệp, xem pamphlet của Mutual Security Agency có tên “US technical and economic assistance to the Far East: A part of the Mutual Security program for 1952-1953” (Washington: MSA, March 1952). (Bản sao của pamphlet này có trong USNA 2, RG59, US State Department Lot Files, Box 1, Entry 1393.) Xem tường thuật kinh điển về chương trình Point Four và hậu quả của nó trong Robert Packenham, Liberal America and the Third World: Political development ideas in foreign aid and social science (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1973).
[16]Paul L. Dressel, College to university: The Hannah years at Michigan State, 1935-1969 (East Lansing, MI: Michigan State University Press, 1987) trang 276-277.
[17]Thư, Wesley Fishel gửi MacDonald Salter, 14 March 1952, MSUA, Fishel Papers, Box 1184, Folder 14.
[18]Thư của Fishel mô tả đề xuất này hình như không giành được mấy quan tâm của Mutual Security Agency vào năm 1952; nhưng ý tưởng mà Ngô Đình Diệm và Fishel phác thảo cuối cùng đã được thực hiện qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật mà trường Michigan States thực hiện ở miền Nam Việt Nam sau khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền vào năm 1954. Xem John Ernst, Forging a fateful alliance: Michigan State University and the Vietnam War (East Lansing, MI: Michigan State University Press, 1998).
[19]William O. Douglas, North from Malaya: Adventure on five fronts (Garden City, NY: Doubleday, 1953), trang 147-210; xem trang 180-181 để biết bức tranh cảm thông mà Douglas dựng lên về Ngô Đình Diệm như một khả năng “trung thực và độc lập” thay cho người Pháp. Giống Douglas, Mansfield và Kennedy cũng sang Ðông Dương và chuyển hướng ủng hộ cho mục tiêu thành lập Lực lượng thứ Ba. Những người Mỹ khác tham dự bữa tiệc trưa đó gồm có: Bill Costello, một phóng viên cho đài truyền hình CBS; Ray Newton, một quan chức trong the American Friends Service Committee (Uỷ ban Trợ giúp Những người bạn của Mỹ); Edmund S. Gullion, trong Phòng Kế hoạch Chính sách (Policy Planning Staff) của Bộ Ngoại giao, người đã gặp Diệm trước đây khi ông ta là Ðại biện toà Công sứ Mỹ ở Sài Gòn; và Gene Gregory, người cũng đã từng làm ở toà Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn, và là người đã giới thiệu Ngô Đình Diệm với Douglas sau khi Douglas đi Ðông Dương về. Tham dự bữa tiệc còn có Hoàng Văn Ðoàn, Giám mục vùng Bắc Ninh ở miền bắc Việt Nam. Tác giả có được thông tin này qua cuộc phỏng vấn Gene Gregory, thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2002 và qua thư Douglas gửi cho Ngô Đình Diệm vào ngày 8 tháng 5 năm 1953, có tại Library of Congress Manuscript Division (Phòng Bản thảo Thư viện Quốc hội Mỹ), William O. Douglas Papers, Box 1716.
[20]Don Oberdorfer phỏng vấn Mike Mansfield, 28 tháng 8 năm 1998. (Tôi cảm ơn ông Oberdorfer đã cho phép tôi sử dụng trích dẫn này ở đây). Mansfield có lẽ định nói “Việt Nam” thì đúng hơn là “miền Nam Việt Nam”, vì vào tháng 5 năm 1953, miền Nam chưa tồn tại như một thực thể chính trị độc lập. Về bữa tiệc này, xem Memorandum of Conversation, Edmund S. Gullion, 8 May 1953, FRUS 1952-1954, vol 13, trang 553-554. Tài liệu này (trong cả bản được in và bản gốc trong Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ) ghi là vào ngày 7 tháng 5 năm 1953. Nhưng dựa vào những tài liệu khác cùng thời gian đó, tôi tin rằng bữa tiệc này thực sự đã diễn ra vào ngày 8 tháng 5; xem thư Douglas gửi Ngô Đình Diệm, trích dẫn trong chú thích 41, có ghi rõ cuộc gặp vào ngày 8. Cũng xem phần tài liệu kèm theo trong Thư, Kennedy gửi Dulles, 7 May 1953, USNA 2, 751G.00/5-753; thư này cho biết là vào sáng ngày 8 tháng 5, văn phòng Kennedy khẩn thiết đề nghị Bộ Ngoại giao trả lời tức khắc những câu hỏi về chính sách hiện thời của Mỹ ở Ðông Dương.
[21]Xem Memorandum of Conversation trích dẫn trong chú thích 42.
[22]Nguyên văn: “brother’s keeper”, trong Kinh thánh, Sách Sáng thế (Genesis) 4:9.
[23]Xem Telegram, Dillon to State Dept., 24 May 1954, FRUS, 1952–1954, vol. 13, pp. 1608–9.
[24]Xem Times of Viet Nam Weekly, 17 Mar. 1956, trang 7; Georges Chaffard, Indochine: Dix ans d’indépendance (Paris: Calmann-Lévy, 1964), trang 30.
[25]Như trên, trang 27–30; và ‘Ngo Dinh Luyen’, tóm tắt tiểu sử, không rõ ngày tháng, MAE, série VLC, sous-série Sud-Viêtnam, dossier 22. Về Ngô Đình Cẩn, xem Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, 1940–1965 (Saigon: Trí Dũng, 1972), trang 180–9.
[26]“Ngô Ðình Nhu”, trong Souverains et notabilités d’Indochine (Hanoi: Éditions du Gouvernement Généralde l’Indochine, IDEO, 1943), trang 62; “Curriculum Vitae of Mr. Ngo Dinh Nhu”, không rõ ngày tháng, Texas Tech University, The Vietnam Archive, John Donnell collection, Box 2, Folder 22, Box 2 [hereafter ‘Donnell papers’]. Ngô Đình Nhu dường như vẫn giữ công việc của mình tại Thư viện Quốc gia trong suốt quãng thời gian Hà Nội nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh; xem “Lịch sử đầy đủ về gia đình Cụ Ngô-Đ.-Diệm”, Saigon Mới, 23 tháng 6 1954.
[27]Tác giả phỏng vấn Gene Gregory, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3, 2002. Một trong những phụ tá của Ngô Đình Nhu sau này nhớ lại đã tháp tùng ông, thay mặt Ngô Đình Diệm đi thăm một vùng Công giáo ở gần biên giáo Lào năm 1946; A. J. Langguth, Our Vietnam: The war, 1954–1975 (New York: Simon and Schuster, 2000), trang 87. Một nguồn tin Công giáo viết rằng Ngô Đình Nhu buộc phải trốn khỏi Hà Nội bằng đường biển đến giáo phận Phát Diệm khi chiến tranh nổ ra vào tháng 12, 1946 và từ đó đi đường bộ vào Huế; Ðoàn Độc Thư and Xuân Huy, Giám mục Lê Hữu Từ, trang 116.
[28]Đây là thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng, bắt đầu bằng việc thị trường chứng khoáng rớt giá ngày 24 tháng 10, 1929. Trước tiên, khủng hoảng xảy ra ở Hoa Kỳ rồi nhanh chóng lan rộng ra các nước châu Âu và mọi nơi trên thế giới. – ND.
[29]Xem Emmanuel Mounier, Personalism, tr. Philip Mairet (London: Routledge and Paul, 1952), trang 17-19 (personalism) và 103-5 (social order). Cái nhìn của Mounier và những người Pháp theo chủ nghĩa Nhân vị có thể được phân biệt với chủ nghĩa Nhân vị Hoa Kỳ, phát triển ở Boston vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới quyền lãnh đạo trí thức của Borden Parker Bowne. Mặc dù cả hai nhánh của chủ nghĩa Nhân vị đều lấy cảm hứng từ thần học Công giáo La Mã. Những người Mỹ theo chủ nghĩa Nhân vị thường là những nhà tư tưởng vững vàng hơn là những người Pháp, là những người chấp nhận sự tồn tại độc lập của thực tế vật chất mặc dù họ tranh luận rằng nó không nên được nhấn mạnh quá mức. Xem “Personalism” trong The enclyclopedia of philosophy, ed. Paul Edwards, vol. VI (New York: Macmillan, 1967), 106-0, và “Personalism” trong The Cambridge dictionary of philosophy, ed. Robert Audi (Cambridge: Cambridge University Press, 1995), trang 575.
[30]Việc dịch Personalism là nhân vị, Ngô Đình Nhu theo cách của Cha Bửu Dương, một linh mục Công giáo và là một học giả, người đã đặt ra cụm từ này trong những bài giảng của ông những năm 1940. Xem Nguyen Trai, “The government of men in the Republic of Vietnam”, (bản thảo chưa xuất bản, 1962), trang 139; một bản sao của tài liệu này nằm ở Widener Library, Harvard University. Không rõ ông Ngô Đình Nhu có học với Mounier ở Pháp hay không; một số những phụ tá người Việt của ông cho rằng ông đã từng học với Mounier, nhưng ít nhất là một lần, Ngô Đình Nhu đã phủ nhận việc này. Xem “Nhu and Personalism”, một ghi chú không rõ ngày tháng, Donnell paper, Box 3, Folder 14.
[31]Xem Ngô Đình Nhu, “Sự góp sức của người Công giáo vào hoà bình ở Việt Nam” (bài diễn văn ngày 18 tháng 4, 1952 tại Trường Võ Bị Đà Lạt), được in lại trong Xã hội, tháng 2, 1953, trang 5, 14, 18-22.
[32]Như trên, trang 21.
[33]Thời gian và hoàn cảnh chính xác của việc thành lập đảng Cần Lao vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng dường như, chắc chắn nó được thành lập trước ngày Ngô Đình Diệm trở về vào năm 1954 sau thời gian sống lưu vong; ông nói với Wesley Fishel năm 1955 rằng nó được lập ra vào khoảng năm 1952. Xem Memorandum, Fishel gởi đến Collins, 7 tháng 3, 1955, FRUS, 1955-1957, vol. 1 (Washington: GPO, 1985), trang 111.
[34]Khuynh hướng theo chủ nghĩa công đoàn của đảng Cần Lao và những người sáng lập sau này được các quan chức của đảng này thừa nhận: “Chương trình của Cần Lao Nhân Vị đi theo con đường của chủ nghĩa công đoàn, ủng hộ việc đồng quản lý công nghiệp quốc gia bởi đại diện của giới tư bản và lao động và sự tham dự của công nhân vào lợi nhuận và phát triển kỹ thuật của những ngành công nghiệp. Đảng đã nắm một vị thế mạnh trong việc ủng hộ cải cách điền địa cũng vì lý do này, là quyền sở hữu là quyền lợi của người công nhân”; Times of Vietnam Weekly, 25 tháng 2, 1956, trang 9.
[35]Xem Edmund S. Wehrle, ‘“No more pressing task than organization in Southeast Asia”: The AFL-CIO approaches the Vietnam War, 1947–1964’, Labor History, 42, 3 (2001): 277–95; Times of Vietnam Magazine, 4 Mar. 1962, trang 18–19. Đáng chú ý là, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không đả động đến việc họ liên kết với Thiên Chúa giáo; điều này rõ ràng phản ánh quyết tâm của ông Bửu trong việc thu hút những công nhân không theo Thiên Chúa giáo cũng như những người Thiên Chúa giáo, và việc bản thân ông cũng là một người Phật giáo.
[36]Xem “Tổng liên đoàn Lao động V.N”, XH, tháng 2, 1953 trang 31, 34; “Bản kiến nghị của Liên-hiệp Nghiệp đoàn Trung Việt gởi Tổng liên đoàn Lao động V.N.”, XH, tháng 7 1953, trang 16; Dân Sinh, “Tìm hiểu tổ chức hợp tác xã”, XH, 15 tháng 9, 1953, trang 23; Dân Sinh, “Mục đích và phương pháp huấn luyện”, XH, ngày 10 tháng 11, 1953, 33-4 và Dân Sinh, “Màu sắc tổ chức hợp tác xã các nước”, trong cùng số, 28-9.

Nguồn: Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3), October 2004