trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.1.1990
Nguyễn Bá Trạc
Sống Thật: Người đồng tính Việt tại Mỹ
 
Hai năm rưỡi nay, một chương trình phát thanh khác lạ xuất hiện mỗi Chủ Nhật từ 7 đến 8 giờ tối trên băng tần AM 1500, một băng tần quen thuộc với các thính giả Việt Nam định cư trong Thung Lũng Ðiện Tử.
Không nhắm quảng cáo thương mại, tin kinh tế chính trị hay sinh hoạt tôn giáo như các chương trình Việt ngữ khác, Phát Thanh Sống Thật là tiếng nói của người Việt Ðồng Tính Luyến Ái, kêu gọi sự hiểu biết về ÐTLA.
Việc công khai hóa trạng thái đồng tính và những tiếng nói như thế chưa từng cất lên trên các phương tiện truyền thanh đại chúng từ trước đến nay ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại.
Xã hội Việt Nam phần đông không chấp nhận ÐTLA. Nhiều người cho đây là một căn bệnh có thể lây lan và cần phải chữa trị. Tại hải ngoại, một số báo chí Việt ngữ cũng từng đăng tải lại nguyên văn những bài báo ở trong nước, nói tình trạng ÐTLA ở Việt Nam “đang càng ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội.”
Với những cải tổ kinh tế làm cho xã hội Việt Nam tương đối cởi mở hơn trước, số người ÐTLA công khai ra mặt nhiều hơn, bài viết ấy báo động “những năm gần đây số đối tượng ÐTLA không những không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên và nguy hại hơn.”

Tại San Jose, chương trình Phát Thanh Sống Thật cũng gặp phải một số phản ứng cứng rắn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Một điện thư nói “Ðừng quên nguồn gốc tổ tiên, đừng sống theo bản năng thấp kém. Thật tủi hổ cho dòng giống Việt Nam... Ðừng làm băng hoại con người và tư cách cộng đồng Việt Nam.”
Một số thư khác nói “bệnh hoạn, cặn bã xã hội, trái luân thường đạo lý,” “đi xuống địa ngục,” yêu cầu “chấm dứt ngay, nếu không sẽ có biện pháp.”
Một lá thư còn đặt vấn đề “phải chăng đây là sản phẩm của cộng sản?”
Người điều hành chương trình Sống Thật, chị Nguyễn Thị Vương, 60 tuổi, yêu cầu “cứ gọi tôi bằng chị cho thân mật,” cho biết sau khoảng một năm, các phản ứng ấy đã hết, “có lẽ chửi mãi người ta cũng chán, hoặc là người ta đã bắt đầu hiểu được.”

Phải nói

Tại sao chấp nhận các áp lực để thực hiện chương trình phát thanh Sống Thật?
Chị Nguyễn Thị Vương, hiện là cán sự điện tử cho Trung Tâm Thí Nghiệm Vật Lý của Ðại Học Stanford, nói rằng “Xã hội Việt Nam chưa mấy người biết về vấn đề đồng tính. Từ khai thiên lập địa nước nào cũng có, dân tộc nào, mầu da nào cũng có một thiểu số người gay, họ bị áp bức, đè nén, không ai nói đến. Nó nằm đó, nhưng không ai nói. Còn người đồng tính thì sợ, vì áp lực xã hội. Ngày xưa bị tù tội, bị giết. Bây giờ chỉ gọi là an toàn hơn, nhưng vẫn sợ, vì nếu lộ quá thì những thành phần quá khích vẫn có thể hại họ, không biết lúc nào.”

Trước khi thực hiện chương trình Sống Thật, chị Nguyễn Thị Vương đã có kinh nghiệm của một biên tập viên làm việc 10 năm cho đài Tiếng Nói Tự Do tại Sài Gòn, đài này được Hoa Kỳ yểm trợ trước năm 1975.
“Thủa nhỏ, lúc 11, 12 tuổi,” chị nói “chỉ biết mình khác người, chứ không hay mình là người ÐTLA.”
“Nhà có bốn chị em gái, chỉ mình tôi đeo bông tai, học khâu, học thêu. Có thể bà mẹ nhậy cảm, bắt tôi phải học thêm nữ công gia chánh.... Nhưng tôi vẫn giống tính con trai nhiều hơn. Lớn lên chỉ thích tiếp bạn gái, bạn trai đến nhà thì đi mất tiêu.”
Chị nói “làm một người đồng tính không phải là một điều sung sướng gì hết trơn. Xã hội vùi dập mình từ lớn đến nhỏ.”

Chị kể lại một cặp đồng tính luyến ái đã hiếm hoi ra mặt ở Việt Nam vào thời 60, là kịch sĩ Kim Hoàng và nữ huấn luyện viên thể thao Như Mai, “ngày ấy vì đã biết mình là lesbian, nên tôi nhìn họ như thần tượng, nhưng thấy họ khổ sở lắm. Họ không nhìn thẳng bao giờ, họ sợ dư luận, vì báo chí ở Việt Nam khai thác, chửi họ quá trời. Gặp họ ở đài phát thanh, họ không dám cười, không dám nhìn ai. Họ lặng lẽ cúi mặt, thành phần lạc loài, outcast...”
“Cho nên phải đứng dậy mà nói cho người ta hiểu người đồng tính là ai? Người đồng tính là gì? Người đồng tính có khả năng nào? Có đời sống như thế nào? Người đồng tính biết thương, biết yêu, biết lo cho gia đình, biết giúp cho xã hội, có người tốt, có người xấu. Chúng tôi muốn nhắc cho xã hội biết là chung quanh họ có rất nhiều người đồng tính mà người ta không biết. Có thể chính người bố, người mẹ, người anh em của họ là người đồng tính. Họ sinh ra như vậy, nhưng họ bị rẻ rúng, bạc đãi, coi thường, “Phải nói ra để nhắc mọi người rằng: Người đồng tính cũng có một tâm hồn, một trái tim, một danh dự, cũng có niềm tự hào. Ðừng chà đạp chúng tôi.”

Anh Song Nam, tên hiệu của một cộng tác viên chương trình Sống Thật phát biểu thêm rằng “Vào thời buổi khi dân chúng hai thành phố lớn hàng đầu của thế giới là Paris và Berlin đã công khai bầu người đồng tính làm thị trưởng của họ, thế mà dư luận và báo chí Việt Nam vẫn miệt thị, gọi người đồng tính là ‘tệ nạn xã hội,’ thì phải có những người Việt – đồng tính hay dị tính – cất lên tiếng nói.”

Ra mặt

Số người Việt ÐTLA tại Mỹ là bao nhiêu? Không có số thống kê chính thức, và đại đa số vẫn còn che đậy “trong tủ kín,” anh Ðỗ Chí Thanh, 29 tuổi, cho biết.
Nhưng nói chung, tạp chí American Demographics tháng 11, 2001 tường thuật những cuộc nghiên cứu của giới học giả và chuyên viên tiếp thị cho biết số người ÐTLA chiếm từ 4 đến 8 phần trăm tổng dân số Hoa Kỳ, tức là tại Mỹ có khoảng 11 đến 23 triệu người ÐTLA. Những cuộc thăm dò bầu cử quốc hội do Lực Lượng Ðặc Nhiệm của Viện Chính Sách Ðồng Tính Luyến Ái Toàn Quốc Mỹ cho thấy số cử tri dưới 40 tuổi, tự kê khai là người ÐTLA chiếm 2 phần trăm trong năm 1990, tăng lên 6.4 phần trăm trong năm 1998. Con số của đảng Dân Chủ cũng ước lượng 5 phần trăm dân Mỹ là người ÐTLA, và tại các thành phố lớn, con số này lên đến 9 phần trăm.

Hiện đang theo học chương trình tiến sĩ, làm việc cho một ủy Ban Thiếu Nhi và Gia Ðình tại quận hạt Santa Clara, anh Ðỗ Chí Thanh, 29 tuổi, với cô em gái là Ðỗ Thị Ngọc Hạnh ngồi bên cạnh, cho biết Hội Ðồng Tính Việt Nam mà anh làm chủ tịch hiện có khoảng 400 hội viên tại cả hai vùng Nam, Bắc Ca Li. Ngoài ra con số những người đã ra mặt, thường đến tham dự các buổi sinh hoạt văn nghệ gây quỹ của giới ÐTLA Việt Nam, anh nói “ở Bắc Ca Li, khoảng 200, ở Nam Ca Li khoảng 600.”

Ra mặt là một là một trong những chủ điểm của chương trình Sống Thật. Chương trình này nói “Cuộc sống của người ÐTLA chỉ được vui, thoải mái và trọn vẹn khi người ÐTLA chấp nhận mình là người đồng tính, sống thật với bản chất đồng tính của mình.” Nhưng tại sao không giữ kín mà phải nói ra? “Vì một số người dị tính có sự quyết đoán rằng ai sinh ra cũng là người dị tính luyến ái. Sự quyết đoán đó sai và thiếu sót vì trong các khuynh hướng tính dục, ngoài dị tính luyến ái còn có song tính, hoán tính và ÐTLA. Không ra mặt, thì đều bị coi là dị tính, và như vậy sẽ đi đến ngộ nhận, hiểu lầm và khó xử cho người ÐTLA. Ngoài ra người ÐTLA cần ra mặt để cho xã hội nhìn thấy được nhiều mẫu người đồng tính khác nhau để người ta khỏi có cái nhìn phiến diện về người ÐTLA,” chương trình giải thích.

Tuy nhiên tiến trình ra mặt lại không phải là dễ dàng và giản dị, anh Lý Hoàng Lâm, người điều hợp chương trình Sống Thật, cho biết. Áp lực của người chung quanh, của gia đình, của bạn hữu làm cho việc “ra khỏi tủ” rất khó khăn.
Là một kỹ sư điện tử, năm nay 38 tuổi, anh Lâm cho biết đến năm 30 tuổi anh “mới chắc chắn mình là người gay. Trước đó thường bối rối, có lúc nghĩ mình là gay, có lúc nghĩ là straight. Cũng có giai đoạn có bạn gái, có cả quan hệ tình dục với bạn gái, nhưng lại có mặc cảm tội lỗi. Cứ tưởng có bạn gái thì dễ trở thành người ‘thẳng’, nhưng vẫn thấy thiếu sót, vẫn có sự thu hút với bạn trai.”
Trong giai đoạn không rõ rệt và ngay cả sau khi ý thức được khuynh hướng tính dục bẩm sinh của mình là ÐTLA, anh Lâm nói “khó khăn nhất là lo sợ, lúc nào cũng thấy sợ sệt không yên ổn, nhất là khi nghe đến những chuyện ÐTLA. Ðầu óc lúc nào cũng sợ nếu người ta biết mình là người ÐTLA, người ta còn muốn giao du với mình hay không? Nhiều khi phải nói láo, phải có bạn gái để che đậy, lúc nào cũng phải dắt theo bạn gái, cho đến khi mệt mỏi quá.”
Anh nói anh luôn luôn khổ tâm mỗi khi nhìn thấy những cuốn video Việt Nam thường đem người đồng tính ra chế diễu,” và “khi nghe người ta nói về người gay với giọng khinh thị, những lời tục tĩu... hoặc khi nghe người ta bình phẩm thì sợ, tim đập mạnh, phải kiếm cách lờ đi, bỏ đi chỗ khác, hoặc phải nói theo, phải nói láo.”

Trong buổi phỏng vấn của Việt Mercury tại trụ sở chương trình Sống Thật, hai thiếu nữ 22 và 23 tuổi cho biết cả hai đều là Công Giáo, ở chung với gia đình, cả hai gia đình đều biết quan hệ của họ, cha mẹ họ rất buồn khổ và vẫn hy vọng họ thay đổi. Nhưng hai thiếu nữ cho biết họ đang dự định dọn ra khỏi nhà cha mẹ, và cương quyết sẽ ở chung với nhau “forever,” (mãi mãi), một cô nói, “no doubt,” “definitely” (“chắc chắn,” “tuyệt đối là như thế,”) một cô nói thêm. Cả hai đều yêu cầu không nêu tên.
“Không riêng người Việt mà người đồng tính nói chung, trong cuộc sống hai mặt, phải chịu đè nén, số người bị depression (chứng trầm cảm) lên rất cao. Số trẻ ÐTLA vị thành niên tự vẫn rất cao, khoảng hai đến bốn lần cao hơn số trẻ vị thành niên dị tính,” bác sĩ Clayton Long Châu, phục vụ ở Trung Tâm Tâm Thần, Quận Cam, nói.
Cho biết bản thân cũng là một người ÐTLA, tốt nghiệp y khoa Ðại Học Minnesota năm 1994, thực tập khoa tâm thần tại trường UCLA, bác sĩ Châu nói “Ða số những người ÐTLA chưa công khai lộ diện, phải sống giả dối hai mặt, rất căng thẳng, nó ảnh hưởng đến tâm hồn, cách sinh hoạt và giao tiếp của họ.” Ông cho biết đối với những người ÐTLA đã lập gia đình với người khác phái, đã có con cái rồi, thì việc công khai ra mặt lại còn khó khăn hơn, “Tôi đã điều trị cho một số trường hợp những người dị tính mà khi chồng hoặc vợ của họ là ÐTLA công khai lộ diện ra, thì đối với họ, đó là một hành động phản bội, cả đời sống của họ đã ăn ở với một người giả dối.”
“Công bằng mà nói thì chứng trầm cảm và sự buồn khổ của những người dị tính trong những trường hợp này nặng hơn, vì tất cả những ước vọng xây dựng với người chồng, người vợ đều bị đổ vỡ, càng lớn tuổi thì càng nặng.”
Những người dị tính ấy cũng cần phải được nâng đỡ về tinh thần.

Phụ huynh

Phụ huynh Việt Nam khi khám phá ra con em mình là ÐTLA, thường rất hoảng hốt.
Trong giới dị tính, bác sĩ tâm thần Lê Phương Thúy, tốt nghiệp Ðại học Y khoa The American University of the Caribbean và phân khoa tâm thần tại St Mary’s Hospital & Medical Center, San Francisco, cho biết họ thường hoang mang, lo sợ đến hỏi bà phải làm sao để “chữa trị” cho con em mình, “Tâm lý chung của các phụ huynh Việt Nam là thường tự hỏi họ có gì sai lầm trong việc dậy dỗ con cái không, để ‘đến nỗi’ như vậy, hoặc có phải tại nhà ‘thiếu phúc đức’ hay không. Tôi cứ thường phải nhấn mạnh là không.”
Bà phát biểu “Người Việt Nam đa số chưa biết nhiều về khuynh hướng đồng tính luyến ái. Mà không biết thì dễ có thành kiến. Các thành kiến mà tôi thường nghe được:
“Thứ nhất đây là một bệnh, do đó cần phải chữa trị, cần phải thay đổi. Nhưng ÐTLA không phải là một căn bệnh mà là một khuynh hướng tự nhiên của con người, không cần và không thể thay đổi.
“Thứ hai: khuynh hướng này có thể bị ‘lây,’ cha mẹ cấm không cho con cái chơi với những người này, sợ bị lây, sợ con bắt chước để trở thành đồng tính luyến ái. Nhưng thật ra khuynh hướng này có tính cách bẩm sinh, không truyền từ người này sang người khác, không thể do ảnh hưởng mà có.
“Thứ ba, có người hỏi tôi về cơ thể, những người đồng tính có khác lạ gì ở bộ phận sinh dục hay không? Hoàn toàn không. Về cơ thể, người ÐTLA và người dị tính luyến ái hoàn toàn không khác nhau. Không thể nhìn cơ thể mà biết được một người có khuynh hướng gì.
“Thứ tư, có người thở dài, cho rằng xã hội Tây phương văn minh quá nên làm hư con người. Nhưng khuynh hướng ÐTLA xẩy ra ở mọi xã hội và mọi nền văn hóa. Tuy nhiên văn hóa nào dễ dàng và cởi mở thì khuynh hướng này dễ được biểu lộ ra ngoài nhiều hơn.”

Ðối với các phụ huynh đang hoang mang hoảng hốt, bác sĩ Thúy nói rằng “Sự hiểu biết sẽ giúp giảm bớt hoang mang và lo sợ. Tôi thường dành thì giờ giải thích ÐTLA là gì, tại sao một người có khuynh hướng này thay vì dị tính luyến ái. Tôi khuyến khích họ nên đọc sách để tìm hiểu. Có rất nhiều sách bằng tiếng Anh nói rõ về ÐTLA rất dễ hiểu.”
Nhưng với những người Việt không quen đọc sách Anh ngữ, thì các tài liệu nghiêm chỉnh về ÐTLA bằng Việt ngữ lại hầu như không có.
Nhiều phụ huynh có con em ÐTLA đã biểu lộ sự thông cảm và nâng đỡ tinh thần con em mình, nhưng số người Việt lớn tuổi trong các trường hợp ấy vẫn chưa hoàn toàn thoải mái, vài người được liên lạc nhưng không nhận lời phát biểu cuộc phỏng vấn của Việt Mercury.

Những anh chị em của người ÐTLA Việt Nam ở lứa tuổi trẻ tỏ ra cởi mở hơn.
Em ruột của anh Ðỗ Chí Thanh, cô Ðỗ Thị Ngọc Hạnh, 26 tuổi, cho biết cô là người đầu tiên trong gia đình đã được người anh mời đi ăn để nói cho cô biết Thanh là người ÐTLA trước khi có đủ can đảm nói thật với thân phụ. Cô Hạnh nói “Người gay không có gì xấu,” cô hiểu tình trạng tinh thần khó khăn mà Thanh đã trải qua, cô thường xuyên nâng đỡ tinh thần anh.

Cởi mở

Nói chung thì “Người ÐTLA bản xứ đã giúp cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại cởi mở hơn, nhất là khi họ biết có nhiều tài tử điện ảnh, truyền hình, ca sĩ và thần tượng thể thao là đồng tính luyến ái,” bác sĩ Lê Phương Thúy phát biểu.

Sáu thập niên trước tại Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu từng viết bài “Tình Trai” để ca ngợi mối tình đồng tính giữa Rimbaud và Verlaine, nhưng ông không bao giờ công khai đề cập đến khuynh hướng đồng tính của mình.
Ngày nay tại hải ngoại, nhà văn Hồ Trường An vừa nổi tiếng với những tác phẩm văn chương miệt vườn, vừa nổi tiếng với sự nhìn nhận vui vẻ rằng mình là người đồng tính trong những bài viết và bài phỏng vấn ông.
Giới dị tính, cũng đã có những nhà văn, nhà báo như Vũ Ánh, Nguyễn Ðức Quang, đã bắt đầu viết bài để đưa cái nhìn đúng đắn về người ÐTLA.

Nhà văn Thấm Vân còn giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần cho một người em trai đồng tính là anh Lê Nghĩa Quang Tuấn, để xuất bản tờ Ðối Diện, tờ báo Việt ngữ đầu tiên của giới ÐTLA. Tạp chí không định kỳ này xuất bản được 4 số từ năm 1992 đến 1996 thì đình bản.
Thấm Vân phát biểu “Phải vượt qua những thành kiến, những lý luận dựa trên sự hẹp hòi, ích kỷ, nông cạn, thiếu phân tích, không có cơ sở, thậm chí là độc ác do lòng ghét bỏ hoặc sợ hãi hoặc hẹp hòi gây ra. Phải có sự vị tha. Phải chấp nhận sự dị biệt và tôn trọng quyền làm người của người khác.” Các ca sĩ Hương Lan, Thùy Dương, Khánh Ly cũng đã công khai phát biểu tinh thần cởi mở và thân thiện đối với người ÐTLA.

Hương Lan cho biết cô có những người bạn rất thân suốt từ hồi nhỏ là người ÐTLA. Cô nói họ là những người “khi làm gì cũng xuất sắc. Hương Lan dành rất nhiều tình cảm cho giới ÐTLA.”
Ca sĩ Thùy Dương, vì muốn chia xẻ với sự đau khổ của một người bạn ÐTLA từng có lần tự tử, đã phát hành một cuốn CD với chủ đề đồng tính luyến ái, nhan đề là “Tình Trai”.
Với phần phỏng vấn trên chương trình Sống Thật, ca sĩ Khánh Ly phát biểu “Thượng Ðế sinh ra như vậy. Là con người, dù trai dù gái, khi giữa hai người, không cần biết trai hay gái, nếu thật tình thương nhau thì đó cũng là do trời sinh ra. Tôi không có quyền phê phán. Tôi tôn trọng tự do yêu thương nhau của tất cả mọi người.”
Khánh Ly nói thêm “Tôi mong tình yêu thiêng liêng mà Thượng Ðế, Thiên Chúa, Trời, Phật tạo ra cho chúng ta, giữa những con người với con người sẽ càng ngày càng tốt đẹp hơn... Hãy cứ sống thật với lòng mình, tình yêu nào cũng thiêng liêng cả.”

Văn hóa

Sau thời gian gần ba thập niên định cư tại Hoa Kỳ, những thay đổi về mặt văn hóa xã hội của cộng đồng Việt Nam là điều không tránh khỏi.
Tại Thung Lũng Ðiện Tử, người ÐTLA Việt Nam tuy không có những phòng trà, câu lạc bộ để gặp gỡ như người ÐTLA thuộc các sắc tộc khác tại Mỹ (ngoại trừ quán Asia nay đã đóng cửa), nhưng người ÐTLA Việt Nam ra mặt thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ trong những buổi văn nghệ, khiêu vũ như Ðêm Hạ Vàng, Ðêm Sống Thật.. để gây quỹ, ngoài ra cũng tham gia các buổi diễn hành của giới ÐTLA Mỹ, và tổ chức các hiệp hội ÐTLA Việt Nam để sinh hoạt.
Họ cũng tận dụng các tiến bộ tin học để liên lạc chuyện trò với những người ÐTLA Việt Nam khắp thế giới. Trên các mạng lưới Internet, người ta đọc được thư từ, ý kiến, văn thơ của nhiều người đồng tính Việt Nam tại cả những xứ xa xôi như Na Uy, Thụy Ðiển, những nơi định cư tản mát mà họ khó tìm ra những người Việt cùng khuynh hướng tính dục như họ. Số người ÐTLA tại Việt Nam giao dịch trên các mạng lưới này cũng không ít.

Tuy sống trong môi trường văn hóa mới, sử dụng các tiện nghi mới, nhưng cô Minh Thư (tên hiệu của một người ÐTLA nữ) nói rằng giới ÐTLA Việt Nam vẫn đang còn phải tìm kiếm bản sắc mình. Cô nói họ cũng vẫn còn phấn đấu để duy trì và thỏa hiệp với những giá trị của cộng đồng dị tính Việt Nam, “Người ÐTLA Việt Nam lớn lên trong thế giới dị tính Việt Nam, với những giá trị văn hóa của thế giới ấy, cho nên cộng đồng ÐTLA Việt Nam tại Mỹ vẫn đang vừa tìm hiểu vừa xây dựng văn hóa của họ.”
Với nền văn hóa Việt Nam mà tư tưởng Khổng Mạnh bắt rễ nhiều ngàn năm, Minh Thư cho biết chẳng hạn một trong những giá trị cổ truyền mà giới ÐTLA Việt Nam muốn duy trì là sự chung thủy. Chị Vương hiện đang ăn ở với một người bạn gái đã bảy năm nay. Anh Nguyễn Nam Long, người phụ trách kỹ thuật của chương trình Sống Thật, đã ăn ở với một người bạn trai trong 10 năm nay. Tuy nhiên định chế hôn nhân vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho người ÐTLA. Hiện ở Hoa Kỳ mới chỉ có tiểu bang Vermont, và trên thế giới mới chỉ có nước Hòa Lan, là hoàn toàn hợp pháp hóa những cuộc kết hôn của người đồng tính.
Là giám thị một chương trình phòng ngừa bệnh tật cho phụ nữ tại San Francisco, cô Minh Thư đã quyết định “ra khỏi tủ kín” từ 5, 6 năm nay. Cô nói “Cộng đồng ÐTLA Việt Nam đến Hoa Kỳ đã thừa hưởng được nhiều kết quả tranh đấu của người ÐTLA Âu Mỹ trong việc chống lại những suy nghĩ cổ hủ và đối đãi bất công của người dị tính, nhưng cộng đồng ÐTLA Việt Nam vẫn đang còn học hỏi.”

Vì đã phải chịu nhiều áp lực, đi đến bùng nổ “người ÐTLA Âu Mỹ đôi khi đã biểu lộ ra một số phản ứng mạnh mẽ để nói lên cái thông điệp ‘Xin đừng đánh giá tôi qua cách ăn mặc của tôi, qua giới tính của tôi, qua khuynh hướng tính dục của tôi, xin hãy đánh giá tôi qua những yếu tố khác’,” Minh Thư phát biểu.
Nhưng cô nói các phản ứng của giới ÐTLA Âu Mỹ “đôi khi cũng đi quá trớn, một số phản ứng ấy cần được điều chỉnh để tránh bị backfire – có thể tạo ra những kết quả trái ngược.”

Chân thành cảm ơn Việt Mercury và tác giả đã cho phép đăng lại bài này.
Nguồn: Việt Mercury, số 176, ra ngày thứ Sáu, 07.06.2002, phát hành tại San Jose, Hoa Kỳ.