trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.1.1990
Đỗ Kh.
Giấc mơ người đàn bà vai ngang
 
Tôi (thỉnh thoảng) có một giấc mơ thầm kín.

Ðó là một người đàn bà cao lớn và lực lưỡng, lông lên đến tận chung quanh rốn, lông xuống đến tận hai bên trong đùi, lông xoăn trên gáy và trên hai đầu vú, vật ngã tôi ra và làm tình bằng dương vật giả nhưng mủ cao su thật mà nàng đeo. Mủ cao su, tôi cẩn thận, 100% latex và không gây dị ứng.

Trong mơ ước (chưa thành) này, đây là một phụ nữ, lông xoăn là trên đầu hai vú bự và cô dùng thì kích thước bé thôi. Chuyện thầm kín của tôi, tôi không kể nữa, nhưng sao thì nó là của tôi. Giờ, nếu có một nam nhân nào, thích đó lại là một anh vú lép và dương vật lớn bằng thịt, sao đó là chuyện hoàn toàn của nghỉ, của lủy, của anh ta. Phạm vi của luyến ái, nếu không thầm kín, cũng vẫn là riêng rẽ. Ðồng tính hay khác tính, chẳng có vấn đề gì, miễn có đồng... tình. Ở đây chỉ có vấn đề dị ứng, như tôi dị ứng (dương vật) thịt, tôi không dị ứng latex, có kẻ thế này và có kẻ thế kia (lại có kẻ lúc thế này lúc thế kia thì cũng chẳng hề sao – ui da – đau). Phức tạp là ở chỗ xã hội nói rộng và xã hội ta (Việt Nam) nói hẹp, vẫn cứ muốn tỏ thái độ, phê phán và xen vào giấc mơ riêng của những kẻ khác.

Cách đây vài năm, ở một tỉnh nhỏ Nam phần, có hai phụ nữ dẫn nhau ra phường làm thủ tục đăng ký kết hôn mà chính quyền địa phương không hề thấy có trở ngại gì hết. Thủ tục này hoàn tất, chuyện thế nào mới rùm beng vỡ lở lên đến Trung ương. Vậy là hò hét, và Việt Nam mới có luật về “văn hóa” hôn nhân, cấm hôn nhân giữa người đồng tính. Tôi giải thích chuyện này là Trung ương rất “Tây” và “văn hóa”, còn địa phương thì “Ta” và “quê mùa” nên hai cách hành xử khác nhau. Truyền thống bình dân, trước luyến ái đồng tính, không có phản ứng gay gắt cấm đoán mà nhẹ nhàng đồng hóa để chấp nhận. Từ “lại cái”, “lại trai”, phản ánh cái tâm lý lặt lẹo này, theo tôi thì còn tai hại hơn là sừng sỏ. Ðồng tính luyến ái không có cả danh xưng hay lý lịch. Anh uốn éo mê trai thì được gọi là “thằng cái”, cô vai ngang thích gái thì được gọi là “con đực”. Tính cách dễ dãi này cố hữu Á Ðông, không thấy vấn đề hay đọc trại vấn đề đi (kiểu kiêng tên húy) thì không có vấn đề nữa. Vậy còn những cô uốn éo đồng tính hay những anh vai ngang chỉ biết mê trai thì vị trí của họ ở đâu? Ðàn ông đồng tính không phải là một thứ con gái và đàn bà đồng tính không phải là một loại đàn ông. Nhưng trong tâm lý của bình dân truyền thống, họ không có tới cả hiện hữu. Nếu tôi da đen, hẳn tôi không thích chỉ được coi như là một loại người ăn nắng – ấy mà.

Một thành kiến cùng loại, nhưng còn ve vuốt hơn, là phân biệt (tức là kỳ thị) người đồng tính ở cái “văn nghệ” hay “nghệ thuật” nơi họ, nào đàn nào địch, nào hớt tóc, làm móng tay. Tôi nghĩ, đồng tính thì thô lỗ cũng có mà đồ tể cũng có, sát nhân hay bạo chúa, chẳng riêng gì danh họa hay là nhà thiết kế thời trang. Họ cũng như mọi người, có kệch và có khéo, có cả đốn mạt lẫn anh hùng (anh thư). Cái khác của thiểu số này, ở một chỗ quá sức là riêng tư chẳng đáng gì để mà thái độ, là những giấc mơ luyến ái.

Giấc mơ của tôi, như đã kể trên, là chuyện của tôi và của cái cô 1 mét tám không biết dùng dao cạo. Nếu có ai thấy lạ, cũng chẳng nên công phẫn mà tôi cũng đâu có bắt phải góp phần. Giờ, có ai 1 thước rưỡi và nhẵn nhụi, muốn chen vào tôi cũng có thể cân nhắc lại. Giấc mơ của tôi, tôi có cả quyền thay đổi.

Mới đây, tôi có đọc trên báo trong nước, một vị tiến sĩ hay bác sĩ của ngành thể thao quốc gia, giải thích rằng sở dĩ có nữ lực sĩ đồng tính là vì họ luyện tập nhiều nên đêm ngủ có hiện tượng mọc râu (đây là tôi diễn nôm ý của nhà khoa học này). Ở ngoài nước, tôi lại có đọc một định nghĩa rất là kế toán. Phải 5 lần thực hiện thì mới được phân loại rõ rệt, kiểu nhảy dù phải nhảy đủ 5 sô mới có bằng “Không gian vương dấu giày” (thơ Hà Huyền Chi) để đeo treo nắp túi áo. Tôi thấy, lãnh vực của luyến ái không phải là lãnh vực của kế toán hay khoa học, mỗi người tự phân định lớn bé, ranh giới, và sắc màu. Vậy thì còn gì để mà bàn cãi?

Ðây là câu tôi hỏi những ai còn quan tâm đến tiền đồ của phái tính hay thuần phong mỹ tục gì đó, và họ còn có hơi bị nhiều. Giấc mơ nào thì cũng ngang như nhau và nếu chuyện này có cần thiết phải đề cập đến chỉ là vì giấc mơ của mỗi người đều cần phải được bảo vệ. Ðốt sách rồi thì sẽ chôn học trò, “Nơi nào bắt đầu bằng thiêu sách, rồi sẽ đến thiêu người” (Thomas Mann). Ở đâu phê phán đồng tính, tôi thấy đều có phê phán cả luyến ái.

Giấc mơ của các bạn, tôi không cần biết có đã và đang thực hiện. Tôi nguyện, sẽ có ngày (thỉnh thoảng), đạt được giấc mơ của tôi.