trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
22.8.2007
TÆ°Æ¡ng Lai
Nông thôn, nông dân và bài học Thái Bình
 1   2 
 

Nông dân và nông thôn là “đại vấn đề” của cả loài người. Còn “Bài học Thái Bình” là một lời cảnh báo của “nông thôn và nông dân” nước ta cách đây đúng 10 năm. Vì thế, trước khi đi vào vấn đề cụ thể của nông dân và nông thôn nước ta, có lẽ nên lướt qua đôi nét về những ý tưởng về “phát triển nông thôn” trong khoảng 5 thập kỷ vừa qua.

I.

Trước hết là cuộc “cách mạng xanh”, thành tựu của việc phát triển nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp, hướng mọi cố gắng vào phát triển công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng hợp lý tài nguyên của thập kỷ 60 của thế kỷ XX.

Bước sang thập kỷ 70, khi nông nghiệp phát triển không trực tiếp đem lại thu nhập và đời sống cao cho cư dân nông thôn, người ta tập trung chú ý đến việc làm và thu nhập, tăng trưởng và sự công bằng. Các chương trình phát triển nông thôn ra đời nhằm tăng năng suất nông nghiệp và tăng cường cung cấp nhu cầu cơ bản của con người, chú ý đến phân phối thu nhập, việc làm, thị trường, năng suất lao động, hệ thống nông trại, kinh tế hộ nông dân. Các phương pháp phát triển nông thôn trong giai đoạn này dựa nhiều vào sự can thiệp và chỉ đạo của các chính phủ. Phát triển nông thôn tiến sang cả lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế nói chung.

Thành công của chiến lược này làm xuất hiện một số nước công nghiệp mới, thành công nhất là ở Đông Á. Lúc này xuất hiện khái niệm phát triển nông thôn tổng hợp.

Sang thập kỷ 80, Ngân hàng thế giới và UNDP đưa ra chiến lược phát triển nông thôn nhằm cải thiện đời sống kinh tế xã hội của dân nghèo nông thôn. Nội dung phát triển nông thôn tập trung vào các hoạt động xoá đói giảm nghèo, giảm chênh lệch thu nhập và giàu nghèo, tăng khả năng tiếp cận hàng hoá và dịch vụ. Ở đây nổi lên sự tham gia và quyết định nhiều hơn của người dân và các tổ chức của họ.

Đáng chú ý là, tại các nền kinh tế công nghiệp phát triển như Nhật Bản, châu Âu,... người ta đề cao quan niệm phát triển nông thôn để xây dựng một nền nông nghiệp, phát triển nông thôn đa chức năng: nông thôn không chỉ còn là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được như: Bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên rừng, tài nguyên đất và nước, tài nguyên đa dạng sinh học, khoáng sản. Bảo vệ và phát triển môi trường, bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên, duy trì các cân bằng sinh thái. Bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc, của các địa phương. Gìn giữ và khai thác các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, các kiến thực bản địa, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người. Khai thác các giá trị, truyền thống lịch sử. Kết hợp với quá trình phi tập trung hoá công nghiệp hoá và đô thị hoá, quá trình gắn kết toàn cầu hoá với quá trình phát triển nông thôn. suốt trong hơn hai thập kỷ tiếp theo.

Đối với các nước đang phát triển, quan điểm phát triển nông thôn đa chức năng nhấn mạnh vào khía cạnh phát triển bền vững, phát triển tổng hợp cả kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, môi trường, nông thôn.

Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”, quan điểm ấy của “Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển ”(WCED), có liên hệ mật thiết đến vần đề nông thôn và nông dân. Chính từ cách nhìn nhận vấn đề như trên, có thể nói rằng, công nghiệp hoá, hịện đại hoá đất nước có thành công hay không, xét cho cùng, tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận và giải quyết bài toán về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đó là vấn đề không riêng gì của nước ta, nhưng đối với nước ta, thì chính là vấn đề của vấn đề.

Sẽ có nhiều lập luận như, không có sự hỗ trợ của công nghiệp và đô thị, chỉ độc lực nông dân và nông thôn cày sâu cuốc bẫm, “tấc đất tấc vàng”, “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” không sao giải quyết được vấn đề nông nghiệp. Không giải quyết được vấn đề nông nghiệp thì cũng không giải quyết được vấn đề nông thôn, và quan trọng nhất là, không giải quyết được vấn đề nông dân.

Nhưng không giải quyết được nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì làm sao tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá được. Liệu có rơi vào cái vòng luẩn quẩn “cái trứng con gà” thuần tuý tư biện? Chính vì để thoát ra khỏi cài vòng luẩn quẩn đó mà trước khi đi vào vấn đề của ta, cần có một cái nhìn lướt nhanh rất khái quát đã dẫn ra ở trên, và rồi sau đó, vào ngay những con số rất chi là cụ thể.

Đôi khi, cái nhìn từ bên ngoài giúp người trong cuộc biết trân trọng hơn những giá trị mà mình đang có. Thì ra, đâu chỉ phải chúng ta trân trọng giữ gìn và tôn tạo các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc vốn từng được nuôi dưỡng, ấp ủ trong văn hoá làng của ta. Ở các nước công nghiệp phát triển, càng ngày người ta càng hiểu ra rằng “nông thôn không chỉ còn là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được”. Trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá tr văn hoá vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị, truyền thống lịch sử. Trực tiếp hơn nữa là môi trường sống, bảo vệ và phát triển môi trường, bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên, cân bằng sinh thái, với ta, đó là làng quê thuần phác, là “những con sông quê hương”.


II.

Trong sâu thẳm những kỷ niệm của chúng ta, sẽ bất hạnh cho những ai không có được sự quyến rũ đầy xúc động của những con sông quê hương. Chao ôi, “quê hương tôi có con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre, tâm hồn tôi là một buổi trưa hè, toả nắng xuống lòng sông lấp lánh” (Tế Hanh). “Dòng sông nắng cho bờ bến rộng”,Người ra đi bến sông nằm lặng. (Trịnh Công Sơn). Thế rồi, chúng ta đang đau đớn chứng kiến để tiễn đưa “những dòng sông sắp qua đời”! Những con sông xanh biếc của tuổi thơ êm đẹp đang ngả sang màu đen nâu và bốc mùi! Các dữ liệu mà báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa công bố, tập trung vào tình hình ba lưu vực Sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy ở phía bắc và lưu vực sông Đồng Nai ở phía nam, cho thấy rõ điều đó.

“Ai về bên kia sông Đuống, cho tôi gửi…”, vùng Kinh Bắc mộng mơ của “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, màu dân tộc cháy bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm) thì nay cần xót xa để biết cho rằng, hằng năm, lưu vực Sông Cầu đang tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hoá học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu! Có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1200 cơ sở y tế trong khu vực có mật độ dân số cao hơn hai lần mật độ dân số cả nước. Nước thải của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ giữa thành phố Thái Nguyên xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu mang theo các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng và độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép này cho tuôn chảy vào sông Cầu một lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm với những chất độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure. Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy với mật độ dân số 874 người/km2, gấp đôi lưu vực sông Cầu, bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông đang bốc mùi, trong đó Thủ đô “vinh dự” góp 54% lượng nước thải đó! Con sông Đáy thơ mộng với nước trong vắt, “soi tóc những hàng tre” của những vùng đầy ắp những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo, đền thờ, di tích lịch sử cùng với những con sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào từng tắm mát tâm hồn bao thế hệ cư dân Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hoà Bình, Ninh Bình thì nay đang chuyển màu, khô kiệt và hôi thối. Không khéo đến “ngựa đá” trong “lưỡng hồi lao thạch mã” từ bài thơ của ông vua anh hùng thời Trần lao ra, cũng đến chết chìm trong dòng sông ô nhiễm thời hiện đại đang lượn sát vùng đất thiêng Tức Mạc, nơi phát tích của khí phách Đông A..

Con sông Đồng Nai vang bóng một thời, Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”, đang bị đe doạ. Cả hệ thống những con sông trong lưu vực sông Đồng Nai này đang chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn, phần hạ lưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn đã chết và đang chết. Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì rất cao. Còn chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng thì đang xối vào huỷ hoại hệ thống sông Saì gòn. Riêng sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả-Đồng Nai đến khu công nghiệp Mỹ Xuân. Công nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thuỷ sản, càng được đẩy tới bao nhiêu thì chất thải từ đó càng đầu độc những dòng sông bấy nhiêu!

Liệu đã có ai thử đo đếm và tính toán xem, sản phẩm làm ra với giá trị gia tăng từ những hoạt động sản xuất đó có bù đắp nổi cái giá phải trả cho môi trường bị tàn phá? Theo nhận định có trách nhiệm của một nhà khoa học trong Hội thảo khoa học về “Phát triển nông thôn” vừa rồi, thì thực trạng về ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn có khía cạnh nặng nề hơn so với đô thị. Gánh nặng lại đổ lên đầu nông dân, nông thôn lại phải chịu thân phận là “bãi rác”, nơi chứa các chất phế thải của đô thị và công nghiệp.

Ai kia ở chốn phồn hoa đô hội ồn ào, bụi bậm mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, đắm mình vào dòng sông quê hương từng tưới mát tuổi thơ ấy, nay đang thật sự bị thất vọng. Môi trường trong lành đang bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ mạnh ai nấy làm trong nuôi trồng thuỷ sản… và chất thải từ sự vô ý thức của con người tự huỷ hoại môi trường sống của chính mình và con cháu mình.

Phải dám nhìn thẳng và nói ra sự thật là, đôi khi, chính chúng ta tự huỷ hoại hoặc làm hư hỏng, giảm sút những giá trị, những “vàng ròng” mà ta có trong tay.

“Những con sông quê hương” đang đen kịt và bốc mùi, những cảnh quan thuần phác và thơ mộng của ngôi làng quê sâu đậm trong ký ức tuổi thơ đang mất dần. Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hoà với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hoá truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hoá, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hoá dân tộc?

Phải thấy cho ra trong mục tiêu công bằng mà ta hướng tới với một xã hội dân chủ văn minh, thì đây là một sự bất công lớn. Chẳng lẽ chúng ta đành bó tay trước quy luật nghiệt ngã, khốc hại của thời kỳ tích luỹ hoang dại, sơ khai để công nghiệp hoá, đô thị hoá xưa kia vốn được xây đắp trên cái nền của sự tàn phá và bần cùng hoá nông thôn? Thế kỷ XXI được mệnh danh là thế kỷ của bộ não, nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức chắc chắn phải tìm ra phương thuốc chữa trị cho căn bệnh hiểm nghèo của thời kỳ sơ khai, hoang dã đó chứ. Chẳng nhẽ chỉ đành “Nhìn nhau ôi cũng như mọi người. Có một dòng sông đã qua đời” (Trịnh Công Sơn).

Và, không chỉ có thế, một cái mất khác cần được báo động: mất cái không bao gờ còn sinh sôi ra được nữa: mất đất nông nghiệp. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá cũng là quá trình mất đất nông nghiệp diễn ra nhanh mà dường như khó hãm lại. Diện tích đất trồng lúa nước năm 2005 là 4.165.200 ha, giảm 302.500 ha so với năm 2000. Nhiều cánh đồng màu mỡ đã biến mất, thay vào đó là khu công nghiệp. Liệu có phải đây là chuyện chẳng đặng đừng không, hay là do thiếu một tầm nhìn xa và ý thức về trách nhiệm đối với nông dân trong cái gọi là “quy hoạch” các khu công nghệp và đô thị của một số nơi. Để chiều lòng các nhà đầu tư, thay vì dành những nơi đất bạc mầu, không thuận cho canh tác để quy hoạch các khu công nghiệp, nhằm tránh phải đi xa hơn một chút, người ta chào mời ngay những thửa ruộng trồng lúa bên vệ đường. Tốt quá còn gì, đỡ phải chi phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, đừng quên rằng, cứ ưu đãi nhà đầu tư kiểu ấy thành ra bạc đãi người nông dân.

Được đền bù, một khoản tiền mà xưa nay, người nông dân, từ đời ông, đời cha của họ chưa bao giờ mơ thấy. Nhưng không phải ai cũng biết cách làm cho đống tiền đó sinh sôi, nảy nở khi mà bao đời nay, họ chỉ biết kiếm sống từ đất. Và thế là, đối với không ít người, đất thì đã mất, đống tiền “đền bù” đã cạn dần vào những chi phí không hợp lý, nhiều gia đình nông dân trở nên điêu đứng, thất cơ lỡ vận.

Quá trình mất đất nông nghiệp ấy diễn ra rất nhanh. Vì, ngoài chuyện “quy hoạch ưu đãi và bạc đãi” nói trên, ở nhiều nơi, nhất là ở đồng bằng Sông Hồng, do chi phí sản xuất quá cao, nông dân phải bỏ ruộng. Nhìn chung, năng suất lúa cả 5 năm qua chững lại ở mức trên 5,4 tấn/ha, nhưng giá vật tư đầu vào và chi phí sản xuất cứ tiếp tục nâng cao. Đối với nhiều hộ nông dân, trồng lúa không kiếm sống được, người ta buộc phải cầm cố hoặc bán đứt mảnh ruộng vốn là khát vọng bao đời của họ để “ra tỉnh” tìm việc làm. Thế là, ruộng đất bị mất dần mà việc làm mới thì quá khó kiếm.

Mặt khác, một số hộ nông dân tuy đã năng động chuyển đổi ngành nghề, phát triển những hoạt động phi nông nhưng vẫn chưa thật vững tin vào cái nghề không là “nông vi bản” ấy nên vẫn không dám nhường ruộng cho người khác mà vẫn cứ giữ lấy cái nền tảng “nông vi bản” (!), tuy phải thuê người làm hay quảng canh không có năng suất và hết sức lãng phí quỹ đất nhỏ nhoi có trong tay. Đấy là chưa nói đến chuyện “quỹ đất nhỏ nhoi” của từng người sẽ thành không nhỏ đối với nhiều cái nhỏ nhoi góp lại. Và rồi, cái quỹ đất trôi nổi ấy sẽ tham gia vào thị trường đầu cơ. Nguyên do là vì thiếu biện pháp bảo vệ đất nông nghiệp. Một hệ luỵ khác nữa không thể không đề cập đến: những người thiếu việc làm ở nông thôn sẽ đến kiếm việc làm ở đô thị. Rồi điều không ai mong muốn đã xảy ra: sự dịch chuyển cái nghèo từ nông thôn ra đô thị do hiện tượng di dân nói trên. Theo ước tính, hiện nay có đến từ 9 -10 triệu lao động ở nông thôn thiếu việc làm, tức là gần ¼ lực lượng lao động, chủ yếu là thanh niên.

Thường nam giới ra đi trước. Khi đã kiếm được việc làm thì mới có thể đưa gia đình ra theo. Công việc đồng áng do phụ nữ đảm nhiệm. Có một điều cần lưu ý là, phụ nữ nông thôn trên 35 tuổi khó có cơ hội tìm việc làm ở đô thị, ở các khu công nghiệp. Đa số phụ nữ nông dân, vì vậy, buộc phải “đảm đang” công việc đồng áng nặng nhọc đó. Cái xu thế “nữ hoá nông nghiệp” này góp phần giảm sút phương thức thâm canh. Năng suất giảm sút sẽ làm cho cái nghèo tăng lên. Trong lúc đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề ở nông thôn còn quá chậm: tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ chỉ tăng từ 10.88% năm 1996 lên 17,35% năm 2004. Ấy thế mà, năm 2005 dân số cả nước là 83, 12 triệu người thì khu vực nông thôn chiếm đến 73,03%. Nông thôn cũng chiếm đến 75% tổng số 42,7 triệu lao động trong cả nước. Đó là những sự thật cần phải dám nhìn nhận một cách tỉnh táo.


III.

Sau vấn đề ruộng đất, vấn đề môi trường vừa dẫn ra là những nhân tố tác động dữ dội đến đời sống người nông dân ở nông thôn. Nhưng, cùng với những cái dó, trực tiếp hơn nữa, bức xúc hơn nữa, là gánh nặng đóng góp đang trĩu nặng trên đôi vai người nông dân mà vừa qua báo chí đã phản ánh: “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”, “Quỹ phí… đè nông dân”: tính bình quân mỗi hộ phải đóng góp từ 28-30 khoản, trong đó hơn 20 khoản phải đóng cho UBND xã và các tổ chức đoàn thể như các loại quỹ an ninh quốc phòng, xây dựng giao thông, hỗ trợ nông dân, xây dựng trường học… Ngoài ra từ 10-14 khoản phí dịch vụ do HTX thu, như tuỷ lợi phí, bảo vệ thực vật, bảo vệ đông điền… Đáng lưu ý hơn, quỹ phí đó “đè” trên tương lai của dân tộc: các học trò nghèo nông thôn, đang phải gánh chịu “Ma trận phí trên đường đến trường”: 20.000đ, 40.000đ, thậm chí 150.000đ là các khoản phí xây dựng trường mà các học sinh nông thôn vốn rất nghèo đang hải đóng mỗi năm ngoài học phí. Đấy là chưa kề hàng loạt chi phí khác như tiền điện, tiền nước, vệ sinh môi trường, khuyến học, tiền gửi xe…” (Nông thôn Ngày nay, 10 và 11.4.2007)

Tình trạng “Loạn thu phí và lệ phí ỏ nông thôn”, “Các khoản thu ngập đầu”, “Chạy trời không khỏi nắng” phổ biến và “đều khắp” cả nước. Hãy chịu khó đọc xấp biên lai thu tiền của một gia đình nông dân ấp Hiệp Hưng, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang: lao động công ích: 120.000đ, an ninh quốc phòng 24.000, kiên cố giao thông nông thôn: 500.000đ, xe gắn máy 150.000đ, phí sử dụng nguồn nước: 240.000đ, quỹ khuyến học 20.000đ, quỹ phòng chống thiên tai 6.000đ… Những năm trước, có năm, gia đình anh phải đóng phí thuỷ lợi 339.000đ, phí đê bao 598.000đ, thuế trồng cây hằng năm 336.000đ. Nhưng đó cũng chỉ mới là mức thu với chỉ có hai lao động chính với vài công đất ruộng. Với hộ có nhiều người trong độ tuổi lao động, có đất trong vùng quy hoạch làm đê bao vụ ba thì số tiền nộp hằng năm còn nhiều hơn: “Lúa ngoài đồng vừa trổ thì xã đã gửi giấy bắt đóng trong vòng năm ngày sau khi thu hoạch. Vừa gặt xong lo bán lúa ngay tại ruộng để có tiền nộp. Bằng không, xã cứ mời lên, mời xuống, khổ lắm”. (Tuổi Trẻ, 2 và 3.5.2007).

Sẽ là quá dài, nếu tiếp tục trích dẫn những khoản phí và lệ phí đang trĩu nặng trên đôi vai người nông dân trước hết là những đôi vai mảnh mai, gầy yếu của những người mẹ, người vợ nông dân đầu tắt mặt tối “hay lam hay làm, chân nam đá chân chiêu” từ đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, cho đến đồng bằng Sông Lửu Long, nông dân các dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng đều “chạy trời không khỏi nắng”! Điều cần lưu ý là, gánh nặng “các khoản thu ngập đầu” đó lại rút ra từ chiếc hầu bao lép kẹp của người nông dân.

Sau 20 năm Đổi mới, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp rất chậm. Về thuỷ sản có tăng chút đỉnh, song trồng trọt và chăn nuôi thì không. Nếu năng suất lao động toàn xã hội tăng lên khá thì nông nghiệp-nông thôn, nơi chiếm một tỷ lệ lao động rất cao chững lại: 2005 tăng 3,7%, 2006 chỉ còn 2,64%. Đấy là chưa nói đến sức tàn phá của sâu bệnh, dịch bệnh có chiều gia tăng vì nhiều lý do trực tiếp và gián tiếp, môi trường sống bị đe doạ càng làm cho gánh nặng càng trĩu nặng hơn trên đôi vai người nông dân, trong khi cơ hội học tập, có việc làm thì khó khăn hơn đô thị rất nhiều.

Nêu lên một vài con số, dăm ba hiện tượng, đôi điều so sánh chỉ để gợi ra một suy nghĩ: Những vấn đề này hoàn toàn không mới, những người nông dân được nói đến ở đây cũng không hề là “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” trong một thoáng hoài cổ của cụ Vũ Đình Liên. Họ là những con người “hiện đại” vì cùng thở hít khí trời của thời đại hội nhập! Mới mười năm trước đây thôi, nơi quê hương cả những “lá cờ đầu” của “chị Hai Năm Tấn quê ở Thái Bình”, đã bộc phát ra sự kiện Thái Bình 1997 hẳn nhiều người còn nhớ.

Để khỏi phải diễn giải dài dòng, xin chép ra đây nguyên văn một đoạn trích từ “Báo cáo sơ bộ về cuộc khảo sát xã hội tại Thái Bình cuối tháng sáu, đầu tháng bảy năm 1997” do Viện trưởng Viện Xã hội học hồi ấy chỉ đạo và tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8.8.1997, tiểu mục II của Báo cáo:


Sức dân bị khai thác quá mức, bị sử dụng lãng phí và bị tham nhũng quá mức:

Là một tỉnh nông nghiệp, mật độ dân số quá cao và có một thời tỉ lệ phát triển dân số quá lớn. Thái Bình cho đến nay [tức là 1997] vẫn chỉ trông chờ vào việc trồng lúa. 102.360 ha đất nông nghiệp của Thái Bình đã được thâm canh đến mức tối đa và nhìn chung năng suất cũng đã đạt đến mức tối đa: 10-15 tấn/ha 1 năm; tức là khoảng từ 2 cho đến 2,5 tạ/sào/vụ. Bình quân đất canh tác mỗi khẩu dao động từ 1 tới 1,5 sào/người. Ước tính năm 1997 trung bình mỗi người dân Thái Bình xuất khẩu không quá 15 đô la, trong đó một phần không nhỏ trông chờ vào xuất khẩu lúa. Ðược mùa nên giá lúa đã rơi mạnh; giá lúa trung bình tại các chợ là 1.200đ/kg thóc và sau vụ Ðông Xuân 1997 Thái Bình còn hàng chục vạn tấn chưa có thị trường tiêu thụ.

Nhìn từ góc độ hộ gia đình, tình hình lúa ít sáng sủa hơn. Theo nhiều người đánh giá, nếu cần mua 200đ thuốc lào cũng phải bán lúa và 5 cân mới mua nổi 1 bao Vinataba (Thời báo Kinh tế, 16/7/1997). Những nguồn thu nhập khác ngoài lúa như chăn nuôi là thấp và ít ỏi. Chúng tôi dẫn ra đây trường hợp một nông dân đã từng tham gia biểu tình ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Gia đình anh ta 5 người với 7,5 sào ruộng có thể có thu nhập tối đa là:

7,5 sào X 4 tạ = 30 tạ = 3 tấn = 3.600.000đ
2 tạ lợn X 10.000đ/kg = 2.000.000đ
Các khoản khác: = 2.000.000đ
Tổng cộng: = 7.600.000đ

Với các khoản chi phí chủ yếu là:

7,5 sào X 1 tạ = 7,5 tạ = 1.000.000đ
2 tạ lợn X 5.000đ/kg = 1.000.000đ
Tổng cộng: = 2.000.000đ

Các khoản đóng góp cho chính quyền:
Vụ đông : 71,1 tạ = 850.000đ
Vụ mùa : 5,7 tạ = 680.000đ
Cộng: = 1.530.000đ
Tổng cộng: = 4.100.000đ

Thu nhập bình quân 800.000đ/người/năm

Có lẽ đây là một trường hợp không mấy cá biệt, mà có thể xem như khá phổ biến đối với Thái Bình.

Đây là câu chuyện mười năm trước và là một trong những nguyên nhân đẩy tới “Sự kiện Thái Bình 1997” chúng tôi sẽ phân tích thêm ở dưới.

Nhưng xin hãy đọc tiếp những thông tin của mười năm sau sự kiện đó, năm 2007, do Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) đưa ra:

Nếu liệt kê ra các “đầu khoản” mà nông dân có thể phải đóng, thì lên tới hơn 40 khoản. Trong khi đó thu nhập từ trồng lúa lại rất thấp. Chẳng hạn, theo khảo sát tại Thái Bình và Hà Nam, mỗi hộ nông dân được giao khoảng 5-6 sào (trên 2.000 m2 ruộng). Nếu chỉ cấy 2 vụ lúa thì giá trị sản lượng đạt khoảng 4,5 triệu đồng /năm. Trong đó, chi phí sản xuất đã chiếm 2,3 triệu đồng (hơn 50%). Thu nhập còn lại của mỗi hộ chỉ là 2,2 triệu đồng, tức chỉ đạt khoảng 183.000 đồng /tháng. Nếu trừ đi các khoản phải nộp cho xã và các tổ chức thì mức thu mỗi hộ trồng lúa chỉ còn 170.000 đ /tháng”! (Nông thôn Ngày nay, 9.4.2007)

Tiếp theo, xin đọc một đoạn phóng sự điều tra của Quỳnh Thuận đăng cùng số báo trên:

Trong túp nhà lè tè ông Hoàng V (xã Trung Lộc) - một người mang di chứng chất độc da cam - ngồi co ro rồi chỉ lắc đầu khi nói về các khoản quỹ, phí. Nhà ông có 5 lao động với 6 sào ruộng nhưng sau khi trừ chi phí chỉ còn 2 triệu đồng /năm. Ngần ấy tiền trang trải cho cả gia đình sống trong 12 tháng, rồi cả lo chuyện ốm đau, học hành của con cái. Bà Nguyễn Thị N - người gầy quắt, khắc khổ, khi được phóng viên NTNN hỏi đã tuôn luôn: Một lô những khoản quỹ, phí mà ruộng lúa 5 sào nhà mình "gánh" phải: Thuỷ lợi phí là 125 kg thóc; Công ích là 250 ngàn; Kiến thiết là 250 ngàn đồng". Nhiều bà con nông dân xã Trung Lộc cho hay, trong các cuộc họp đã nhiều lần đề xuất, ý kiến về việc giảm bớt quỹ, phí cho nông dân, nhưng... Họ cũng đưa ra lập luận đáng đau đầu: Đất canh tác thu hẹp dần mà giá nông sản không tăng; Lương cán bộ, công chức tăng, giá cả leo thang mà thu nhập từ ruộng đồng lại ngày càng giảm xuống vì các loại quỹ, phí địa phương "đè".

Xã Đồng Lộc (Can Lộc) là xã từng được cả nước biết đến về một thời bom đạn cày xới và chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Mong muốn tìm hiểu thêm sự khó khăn của đời sống bà con nông dân do lắm phí, nhiều quỹ, chúng tôi tìm gặp ông Phan Khương - Chủ tịch Hội Nông dân xã. Đáng tiếc, ông từ chối khéo: "Những khoản phí và đóng góp của người dân tôi nắm đây cả nhưng không thể cung cấp cho nhà báo được vì mình là cấp dưới, dễ bị quở trách. Anh hãy đến gặp Chủ tịch xã".

Thì ra, nông thôn “truyền thống” đã khởi động cho Đổi mới với “khoán”, để tác động đẩy tới sự chuyển động của đô thị và công nghiệp “hiện đại”! Đúng là, nói theo ngôn từ bóng đá, chính cái “truyền thống” đã cứu cho cái “hiện đại” một bàn thua trông thấy! Thế rồi, thành quả của Đổi mới thì đô thị thụ hưởng phần lớn, dường như nông thôn chẳng được bao nhiêu. Sau mười năm “sự kiện Thái Bình 1997”, một tình hình mới đáng lưu ý: “Quá trình công nghiệp hoá làm 45% nông dân Thái Bình phải bỏ nhà đi làm ăn xa. Nông dân sống gần ngay khu công nghiệp nhưng không có việc làm. 6408 hộ nông dân ở 101 xã bỏ ruộng do giá trị lao động quá thấp” (Nông thôn Ngày nay, 13.4.2007).

Để cụ thể hoá điều này, xin gợi lên cận cảnh vài nét phác thảo nhanh tại một xã: Bước trên đường làng, không phải khó khăn gì để tìm thấy những nét mới đập ngay vào mắt: những ngôi nhà gạch khang trang, một tầng có hai tầng, ba tầng có nằm sát cạnh những mái nhà tranh quen thuộc. Hỏi ai là chủ nhân của những ngôi nhà đó. Được cho biết: chủ nhân là những người có con em “xuất khẩu” lao động, ra nước ngoài hoặc làm ăn ở đô thị trong nước, gửi tiền về để gia đình xây nhà. Và cùng với những gia đình có người “xuất khẩu” lao động gửi tiền về xây nhà đó, là nhà của các quan chức xã và người nhà của họ.

Những ngôi nhà tranh quen thuộc thì vẫn như bao đời nay. Những gia đình thuần nông, sống bằng nghề trồng lúa, có chen vào hoa màu, song vẫn là “nông vi bản”, thì không có bao nhiêu thay đổi. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Cũng có nghĩa là, quá trình “phát triển nông thôn” trong “giai đoạn mới” chưa giúp người nông dân trồng lúa thoát được nghèo. Có thể có những hộ khấm khá lên nhờ nuôi tôm, nhưng khi tôm bệnh chết hàng loạt thì phá sản. Lại phải nai lưng ra lấp hồ nuôi tôm mà trước đấy phải đầu tư bao công của nay phải trở lại trồng lúa. Song không phải cứ muốn phục hồi lại đất trồng lúa là ai đã trót biến ruộng cấy lúa thành hồ nuôi tôm cũng đủ sức làm được. Cũng vì vậy, đã có nhiều hộ bỏ ruộng, xoay xở kiếm sống cách khác, mà phổ biến là những lao động chính tìm cách kiếm việc tại đô thị. Không chỉ lên Hà Nội, có người vào tận thành phố Hồ Chí Minh, có người ra Quảng Ninh, có người đi Tây Nguyên. Thế là những khấm khá có được dễ thấy nhất, chắc ăn nhất, là nhờ sự hỗ trợ từ đô thị và công nghiệp một cách rất thô sơ và “truyền thống”: đồng tiền kiếm được từ nơi xa gửi về.

Và sự khấm khá thứ hai mà lý do thật khó nói, hoặc không tiện nói ra, đó là… tham nhũng? Đồng lương của cán bộ, thu hoạch từ lao động sản xuất hoặc kiếm thêm bằng nghề phụ của họ thì dân quá rành, làm sao đủ tiền xây nhà như vậy, ăn tiêu như vậy. Người nông dân có thể kể vanh vách nhà này nhà nọ vì sao mà “phất lên”, của ai, đứng tên ai, nhờ ai đứng tên. Có người “ăn vụng chùi mép sạch”, nhưng khối kẻ ăn vụng một cách đường hoàng và công khai, vì “không ăn cũng thiệt”. Nhiệm kỳ có niên hạn, không tranh thủ “xơi” ngay thì “nhỡ thời cơ”.

Thông tin “mới” nhất mà chúng tôi thu nhận được là một chiều cạnh của vấn đề an toàn xã hội ở nông thôn. Câu chuyện được mở đầu như sau: “nhà nước đang hô hào chống cúm gia cầm, còn chúng em thì đang phải ngủ với gia cầm đấy ạ”. Hỏi tại sao. Được trả lời: “tối đi ngủ, phải bắt gà, vịt, ngan, ngỗng nhốt vào lồng, để dưới gậm giường vì để ngoài chuồng thì chúng bắt ngay”. Hỏi ai bắt, trộm trong xã hay ở ngoài vào?”. Trả lời: “Ngoài vào thế nào được. Chỉ trong xã. Mà chúng tôi biết rõ những ai trộm. Toàn cánh hút chích ma tuý cả. Chúng ngang nhiên nói rõ: chúng tao chỉ lấy cắp gà, chẳng làm gì nên tội. Giết người như con bí thư xã, mà cũng chỉ đi tù vài năm đã trở về, trộm cắp vặt thì có là cái thớ gì”. Công an xã biết, nhưng cũng lờ đi cho đỡ “rách việc”. Thế là dân chúng tôi phải tự bảo vệ lấy mình. Nhà tôi có 3 mặt con trai, đủ gậy gộc, chúng không dám làm gì vào đêm hôm. Nhưng nhà neo đơn, toàn đàn bà trẻ con thì hãi lắm”. Lẽ nào, sau 62 năm xây dựng chính quyền “của dân, do dân và vì dân” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nơi đây, tại quê hương mình, người dân vẫn: “phải cần con trai để có lực lượng tự bảo vệ”! Phải cần đến sức mạnh cơ bắp và quan hệ huyết thống để tự bảo vệ, thì rồi cái gì sẽ diễn ra đây? Cá biệt chăng? Hy vọng như thế!

Vậy thì trong một cá biệt này, luật pháp, bộ máy cầm quyền, lực lượng công an xã, các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phu nữ, hội nông dân… góp gì vào vấn đề an toàn xã hội? Và nếu vậy thì khẩu hiệu “gia đình chỉ có từ một đến hai con”, con trai con gái đều như nhau, có sức thuyết phục để đảm bảo chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như thế nào đây? Cũng để khỏi phải dài dòng phân tích, lại xin trích ra đây một đoạn trong “Báo cáo Khảo sát Thái Bình năm 1997”:

Cái cơ cấu làng họ lâu nay tưởng như chìm sâu trong ký ức giờ đây lại sống lại và trở thành chỗ dựa mạnh mẽ cho đời sống thôn xã. Hình ảnh những cán bộ xã Mỹ Lộc (Thái Thuỵ) phải co cụm trên nóc nhà mình với sự bảo vệ của những người trong gia tộc và thôn xóm, phải chăng là điều cảnh báo cho sự bất lực của bộ máy quản lý mà lâu nay chúng ta cứ ngỡ như là vững chãi và sự nhắc nhở quá trình phục hồi sức mạnh hệ thống thân tộc, làng họ cổ truyền. Sự khôi phục những sinh hoạt gia tộc và làng xã truyền thống trong những năm gần đây có mối liên hệ gì không với những sự biến này? Năm 1993, các đảng viên thuộc hai chi bộ ở xã Thuỵ Hải (Thái Thuỵ) đã tổ chức dân 2 thôn cầm vũ khí đánh nhau vì tranh chấp đất. Người ta cũng rất tích cực trong việc đòi tách hợp tác xã và đòi chia lại ruộng đất giữa các thôn. Những câu chuyện về "chi bộ họ ta", về sự kế nghiệp các bí thư và chủ tịch đã nghỉ quản lý bằng con, cháu của họ vốn không chỉ xảy ra gần đây mà nó đã tiềm tàng từ lâu trong cộng đồng làng xã khi đi vào hợp tác hoá để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Việc khôi phục các quan hệ và sinh hoạt văn hoá truyền thống ấy chính là cái giá đỡ có hiệu quả cho quá trình chính trị hoá đời sống nông thôn hiện nay. Nó có thể có ích cho công cuộc Đổi mới, nếu nó được hướng theo những mục tiêu chung của đất nước và thời đại. Trong tình thế ngược lại nó sẽ là lực cản to lớn cho việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân và sự đi lên của đất nước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cần lưu ý rằng: "làng là tế bào của xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt trồng trọt. Hiểu được làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu xã hội Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hoá của nó, cả trong những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó” (Nguyễn Từ Chi).

Chúng ta đang chứng kiến "những phản ứng của làng " trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó.

(Còn 1 kì)
Nguồn: Bài đã đăng nhiều kì trên tuần báo Văn nghệ, các số 23, 24, 25 ra ngày 9, 16, 23 tháng 6, 2007