trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
22.8.2007
TÆ°Æ¡ng Lai
Nông thôn, nông dân và bài học Thái Bình
 1   2 
 
IV.

“Những phản ứng của làng” vừa thuần phác, vừa dữ dội, vì hình thái mà lịch sử đương đại đặt ra trong một bối cảnh hoàn toàn mới. Đó là khi mà thể chế chính trị này được xác định là của dân, do dân và vì dân. Mà trong khái niệm dân, nông dân chiếm đến gần ba phần tư. Việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân đang gắn liền với quá trình xây dựng xã hội dân sự, nhằm phát huy đến mức cao nhất tính tự quản của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động mà không nhất thiết ở các lĩnh vực đó nhà nước buộc phải trực tiếp nhúng ta vào. Bằng thực tiễn của đời sống nông thôn, nông nghiệp và nông dân, ngày càng thấy nổi bật lên một vấn đề bức xúc: tiến trình dân chủ hoá xã hội chỉ có thể tiến triển được một cách bền vững, khi gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, phát huy tính tự quản của người dân đảm đương những công việc mà Nhà nước không cần phải bao biện.

Ấy vậy mà, có một thực tế cần suy nghĩ, với tất cả khuyết tật vốn có, nhưng nền “dân chủ làng xã” xưa kia cũng đã nuôi dưỡng được phần nào tính “tự quản” đó. Tác giả của cuốn sách La commune anammite, P. Ory, đã từng lưu ý những nhà cai trị thực dân rằng: “làng của Việt Nam tự quản lấy chính nó. Nhà nước không nên can thiệp vào công việc của làng, trừ phi làng không thực hiện nghĩa vụ của mình là đóng thuế thân, thuế đầt, đi phu, đi lính” (Challamel-Paris. 1894. p.16).

Quả đúng như vậy. Các tổ chức tộc họ, phe giáp, phường hội… với những vai trò khác nhau phải lựa chọn cách ứng xử trước áp lực của lệ làng, của hương ước. Sự chế ước của dòng họ, nhân tố có khả năng trung hoà các quan hệ khác nhau, tạo nên đời sống tương đối ổn định của cái làng Việt Nam trong tính tự quản vốn có của nó. Những cái đó đã mất đi cùng với sự ra đời một cách tổ chức xã hội mới sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt là sau “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc.

Một mặt, cơ cấu xã hội ở nông thôn được hình thành trong quá trình hợp tác hoá đã đơn giản hoá đến mức tối đa. Diện mạo xã hội nông thôn chỉ còn lại một bên là người nông dân với các hộ gia đình xã viên và bên kia là Ban Chủ nhiệm hợp tác xã, Đảng uỷ, Ủy ban và các đoàn thể, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc đều đã được “nhà nước hoá”. Các hình thức tự quản vốn có hầu như bị xoá sạch. Không có một lực lượng xã hội nào được tồn tại có tính tự trị, tự quản tương đối độc lập nữa. Người ta đã không hiểu rằng, khi phá vỡ tính tự trị của làng xã thì cũng đồng thời xoá mất tính trung hoà do sự chế ước và dung hợp của những quan hệ cộng đồng tạo nên.

Sự tích tụ những bất đồng, mâu thuẫn giữa hai khối lợi ích và quyền lực: một bên là đông đảo bà con nông dân, bên kia là tầng lớp lãnh đạo mới mà không còn yếu tố trung hoà nào nữa sẽ ươm mầm cho những bùng nổ xã hội. Đấy là chưa chưa nói đến một vấn đề nhức nhối khác là những hệ luỵ của những sai lầm trong “cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức” mà dù đã sửa sai cũng không sao hàn gắn lại được nguyên vẹn những đổ vỡ trong đạo lý truyền thống gia đình, làng họ, xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Những đấu tố, đặc biệt là “tố điêu” để diễn ra thảm cảnh con tố cha, vợ đấu chồng, con rể đặt chuyện tố mẹ vợ, con dâu vu oan giá hoạ cho bố chồng, họ hàng không nhìn mặt nhau, xóm giềng cảnh giác, giữ miếng nhau vì sợ là “cơ sở”, là “chuỗi” của “ông đội”v.v… Những chùa làng biến thành chuồng trâu, đình làng trở thành kho hợp tác, nhiều di tích văn hoá vật thể và phi vật thể bị huỷ hoại mà việc phục hồi trở lại chỉ được phần nào. Những vết thương chưa lành ấy, lúc “trái gió trở trời” có thể nhức nhối trở lại. Đây là điều không thể lẩn tránh, ngược lại, phải nhìn thẳng vào sự thật để chủ động tìm ra giải pháp. Mà giải pháp có thể “trị liệu” những chấn thương tinh thần trong đời sống gia đình và đời sống cộng đồng nông thôn lại đòi hỏi một tầm nhìn xa, thật trung thực và không câu nệ, đi liền với một tấm lòng nhân ái rộng mở để thấu hiểu được những hệ luỵ về đời sống tinh thần không thể chữa trị một cách giản đơn. Sự sòng phẳng với lịch sử là phương thuốc hay nhất cho việc xây dựng văn hoá, “nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” ở nông thôn.

Mặt khác, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, đảm bảo dân chủ, nâng cao dân trí, xã hội hiện đại cần đến một loạt các thiết chế xã hội để đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa con người trên căn bản tôn trọng cá nhân. Xã hội hiện đại còn là một sự hài hoà giữa lao động và sử dụng hợp lý thời gian nhàn rỗi, đặc biệt là khi có sự tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta đứng trước “hiện tượng Thái Bình”, một trong những tỉnh khá nhất của nông thôn Bắc Bộ, kinh tế có lên tuy chưa nhiều so với tiêu chuẩn hiện đại nhưng là khá cao so với trước năm 1945. Học vấn cũng vậy. Ấy thế mà việc tạo ra những điều kiện để sử dụng thời gian nhàn rỗi thì ở nhiều nơi là gần như con số không. Thanh niên sau khi được học hành đã không thể tìm được một cách giải trí tích cực nào ngoài việc giải trí thụ động là xem tivi. Trong khi đó tuổi kết hôn lại được nâng cao, đưa tới chuyện không mấy ai chú ý: thừa sinh lực. Một số khá lớn thanh niên, cũng không có chỗ để thực thi trình độ hiểu biết của mình do phải tuân thủ truyền thống "trọng xỉ" có tự bao đời. Lớp trẻ, dù cho đã có văn hoá, nhưng xem ra vẫn còn "trẻ quá" để thay thế các bậc cha chú, do vậy họ cũng chưa có chỗ để thi thố tài năng, sức lực. Trong các đám đập phá ở nông thôn Thái Bình dạo ấy, người ta quan sát thấy chủ yếu là thanh niên, với những “mô hình hiệp khách” được du nhập một cách bập bõm qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng là điều để chúng ta suy nghĩ kỹ hơn về nguyên nhân.

Ðối với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là phụ nữ, tình hình còn bi kịch hơn. Ruộng đất còn ít, nghề phụ không có, người ta không biết sử dụng lao động của mình làm gì. Những truyền thống và tập tục văn hoá ngày xưa thì phần lớn đã bị tiêu vùi trong những năm tháng trước đây. Việc phá đình chùa cuối cùng ở Thái Bình diễn ra vào những năm đầu thập kỷ 80. Một sự trống trải trên bình diện văn hoá tinh thần, cái dù sao đi chăng nữa cũng đào tạo cho con người ta một nhân cách, dù là nhân cách cam chịu. Sự trống trải đó sẽ dẫn tới những hệ luỵ mà không phải lúc nào người lãnh đạo cũng cảm nhận được. Chưa có cái gì để thay thế các vở chèo “sân đình” trong khi “văn hoá mới” được thể hiện trong lối sống đô thị tràn về đang hướng nhiều về vật chất, lại cao hơn mức mà kinh tế nông thôn Thái Bình cho phép.

Những tổ chức, thể chế xã hội được xây dựng nên trong những năm tháng đã qua như Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phụ lão v.v... dần dần rơi vào trạng thái phần nào “hữu danh vô thực”. Những tổ chức này có một thời đã đóng một vai trò rất tích cực, nhưng giờ đây hình như không còn sức hấp dẫn người dân nữa. Tất cả những thiết chế xã hội này đều vẫn đang hoạt động, nhưng có vẻ như nó đã không đáp ứng được mục tiêu: tạo một sự đồng cảm xã hội. Trong khi đó, những loại hình tổ chức khác bắt đầu được lập ra: các hội từ thiện, các tổ chức phi chính phủ v.v... lại cũng chưa phát huy được tác dụng bao nhiêu. Người ta dường như cũng cảm nhận rằng, những loại hình thức tổ chức đó cũng chẳng đáp ứng được gì cho nhu cầu tinh thần và giao tiếp xã hội của người dân vì vẫn là những con người cũ làm những việc đó. Do vậy, một mặt người dân tiêu chỗ tiền phụ trội ít ỏi có được của họ vào ma chay, cưới xin và những cái hủ tục khác nữa như uống rượu hoặc đánh số đề. Chao ôi số đề, khi chui lọt vào luỹ tre làng đã gây ra bao thảm cảnh. Mặt khác, tâm linh lại hướng mạnh về tôn giáo tín ngưỡng.

Có thể thấy ở nông thôn tất cả các bà, các chị từ 30 tuổi trở lên đều chăm chỉ tham gia lễ chùa hoặc đi nhà thờ đều đặn. Chỉ riêng quan sát ngôi chùa ở nông thôn thì có thể thấy thiết chế này trong bối cảnh hiện nay là trở nên rất hữu ích cho người dân nông thôn: thoả mãn phần nào nhu cầu văn hoá tinh thần, rèn luyện tình người cho con người. Hơn thế, nó còn là nơi cưu mang cho những cuộc đời bất trắc, cái mà ở thời nào cũng có. Cùng với ngôi chùa làng, nhiều nơi, nhà thờ Thiên chúa giáo cũng đang hoạt động tích cực như một lực lượng cứu rỗi linh hồn. Họ có đủ đức tin và nguồn tài chính để đi vào trong quần chúng. Ðặc biệt là với một nông thôn mà không có gia đình nào không có người phải nằm xuống trong cuộc chiến tranh thì vấn đề đời sống tâm linh thật sự là một nhu cầu sâu thẳm. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các ni sư giữ chùa làng là những người phụ nữ có số phận dở dang, trong số đó có nhiều người trở về sau những năm tháng chiến đấu trong trong hàng ngũ thanh niên xung phong, chống Mỹ cứu nước. Ðiều này thật đáng phải suy nghĩ.

Cần hiểu rằng, với Đổi mới, người nông dân trong các hộ tiểu nông có sự độc lập tương đối trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, không còn quá bị lệ thuộc vào Ban Chủ nhiệm HTX và Đảng uỷ và Ủy ban như trước. Rồi, bộ đội xuất ngũ, một số người đi đây đi đó chứ không chỉ bị ràng buộc bên trong luỹ tre làng, được tiếp nhận những thông tin mới, họ đã trở về sống ở làng. Họ không dễ tuân phục và cam chịu trước những hư hỏng của lớp “cường hào mới”, có khi vừa ngoi lên từ trong số họ.

Phải chăng vì thế, khi sự bạo động bùng lên thì các tổ chức Đảng ở các xã có chuyện xảy ra dường như tê liệt, nhiều đảng viên lẩn tránh hoặc đứng nhìn, hầu hết đoàn viên, hội viên không hề có phản ứng, đấy là chưa nói một bộ phận không ít đã tham gia vào các sự kiện. Khi mà tham nhũng, hệ luỵ của sự thoái hoá biến chất của người có chức, có quyền mà “trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào” (Phạm Văn Đồng) đang là nỗi bức xúc không chỉ ở nông thôn, thì những “người trở về” kia sẽ là ngòi nổ.

Không thể không lưu ý rằng, cộng đồng nông thôn từ xa xưa sống gắn bó với nhau, quá rành rẽ về nhau, đầu làng có ai vừa đến, cuối làng đã hay, thậm chí bữa cơm bên nhà hàng xóm có món gì xem ra bên này thông rõ tỏ tường hết, huống hồ lại tự nhiên giàu vọt lên, của ăn của để thì giấu sao được con mắt của bà con, chòm xóm. Đứng trước tình hình “nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hoá, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường” mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã cảnh báo trong bài viết cuối cùng, sự phẫn nộ bùng lên vì có sự khơi ngòi đó.

Bài học về Thái Bình là bài học về sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ở nông thôn. Bài học đó liệu có còn nguyên vẹn không? Liệu đó có phải chỉ là bài học riêng cho Thái Bình hôm nay, cho nông thôn đồng bằng Sông Hồng, nơi đất chật người đông, hay cũng là bài học đặt ra với nông thôn của cả nước?

Xem ra, người nông dân của cụ Đồ Chiểu “Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó… việc cuốc, việc cày, việc bừa việc cấy, tay vốn quen làm” hình như cũng không khác mấy với anh nông dân ở ấp Hiệp Hưng, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã nói ở trên, cũng lâm vào tình huống như người nông dân Thái Bình về các khoản đóng góp. Rồi Hà Tĩnh mà trong “Khúc tâm tình” thiết tha sâu lắng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tỉnh, Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam…” cũng đang oằn lưng về các khoản đóng góp vốn được xếp thứ hai trong cuộc khảo sát do Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) đưa ra như đã dẫn ở trên.

Đã đến lúc, phải dám phân tích kỹ lưỡng và đầy đủ về các khoản đóng góp, về sự hà lạm của những con người và tổ chức đặt ra và quy định những khoản đóng góp đó, cái gì là đúng, cái gì là phạm pháp, cùng với những nguyên nhân đẩy tới sự tuỳ tiện thái quá của người cầm quyền ở cơ sở, nơi mà cuộc vận động “dân chủ cơ sở” đang được nói đến rất nhiều.

Tháng 1.2007, trong chuyến về thăm lại địa bàn khảo sát năm 1997 mà hằng năm chúng tôi vẫn tiến hành, chúng tôi đã gặp một đồng chí cán bộ lâu năm của Thái Bình. Đồng chí cho biết: “Tôi vừa định viết một bài báo: Đừng quên bài học Thái Bình năm 1997’. Có nhiều trao đổi khó có thể đưa lên mặt báo. Nếu trước đây vấn đề ‘điện, đường, trường, trạm’ đã huy động quá mức sức dân và những khuất tất trong việc xây dựng giúp cho một số người phất lên, thì nay vấn đề lại diễn ra ở bình diện khác, tinh vi hơn, kín nhẹm hơn có, mà lộ liễu hơn cũng có. Song lộ liễu hay kín nhẹm đều có ‘đường dây thông suốt’ từ trên xuống, từ dưới lên, không dễ gì ‘đưa nhau ra toà’ được. ‘Không đưa ra toà’ được, nhưng những tồn đọng âm ỉ thì vẫn đang tích tụ, nếu không được giải quyết thì đó sẽ chính là nguyên nhân ‘đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường’ đã được cảnh báo.” Chỉ tiếc bài viết có tính cảnh báo của người trong cuộc đó đã không đưa lên báo được. Và chắc chắn rằng, không chỉ có một trường hợp của bài viết không thành ấy.

Gặp một đồng chí nguyên là lãnh đạo của một tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long, qua trao đổi về chủ đề nhạy cảm nói trên, thật đáng suy nghĩ, khi sự khác biệt về sự thoáng đạt của thiên nhiên Nam bộ với ngút ngàn kênh rạch và định kỳ của những mùa nước nổi so với những khoảnh ruộng “tấc đất tấc vàng” nằm bên trong hệ thống đê Sông Hồng đã trường tồn mấy ngàn năm nay, nơi người nông dân Bắc bộ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra thóc gạo “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” đã đều cùng những vấn đề bức xúc như nhau được đặt ra: Nông dân, nông thôn!

Không được quên nông thôn, nông dân trong chương trình nghị sự đang đặt ra hàng ngày của nhà lãnh đạo, nhà khoa học, người làm chiến lược cũng như người làm quy hoạch, người đăng đàn diễn thuyết cao đàm khoát luận, cũng như người âm thầm tìm tòi giống cây, con giống, lai tạo, chiết ghép trong phòng thí nghiệm. Nông dân của chúng ta, bà con ở nông thôn chúng ta, chiếm gần ba phần tư dân số hiện đang còn khổ quá.

Sự chênh lệch mức sống, chất lượng sống về vật chất, nhất là về văn hoá giữa đô thị và nông thôn ngày càng kéo xa ra. Theo Niên giám Thống kê 2005, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng tính theo giá thực tế thì: Năm 1999, bình quân cả nước là 295.000đ, đô thị là 516.700đ, thì nông thôn là 225.000đ. Năm 2002, bình quân cả nước là 356.1000đ, đô thị là 622.100đ, nông thôn là 275.100đ. Năm 2004, bình quân cả nước là 484.400đ, đô thị là 815.400đ, nông thôn là 378.100đ. Có thể thấy, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ở khu vực nông thôn tăng lên cả về số lượng tuyệt đối và về tỷ trọng song vẫn rất thấp, chỉ bằng 43,55% so với đô thị năm 1999, 44,22% năm 2002 và 46,37% năm 2004.

Mặt khác, khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất đang tăng lên, năm 2002 sự chênh lệch này là 8,15 lần, năm 2004 là 8,25 lần. Nguồn thu từ nông lâm thuỷ sản của nhóm trung bình, khá và giàu tăng đáng kể, nhưng nhóm nghèo thì tỷ lệ chỉ 1,13%.

Về chi tiêu bình quân hộ: của cả nước là 1.5412,34 nghìn đồng, chênh lệch về tổng chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất tăng lên từ 4,12 lần năm 2002 lên 4,17 lần năm 2004. Sự chênh lệch giữa chi tiêu bình quân của hộ khu vực đô thị đạt 26496,8 nghìn đồng, cao gấp khoảng 2,2 lần so với hộ nông thôn. Trong đó, tỷ trọng chi cho lương thực, thực phẩm chiếm nhiều nhất: 45,83%, chi cho y tế và giáo dục chỉ chiếm 5,07% và 5,31%!

Đem những con số nói trên đặt cạnh những con số về “phí” và “quỹ” mà người nông dân phải đóng góp mới thấy tính bức xúc của vấn đề. Đây chính là một biểu hiện dễ thấy về tính bền vững của sự phát triển đang diễn ra trong thực tế như thế nào.

Mục tiêu công bằng và dân chủ của xã hội văn minh mà ta hướng tới không cho phép kéo dài tình trạng đó. Đương nhiên, sốt ruột, muốn đốt cháy giai đoạn bằng chủ nghĩa bình quân đã từng là thảm hoạ của phát triển. Không ai ngu dại gì lại chui đầu vào cái ngõ cụt của chủ nghĩa duy ý chí! Bài học về chủ nghĩa bình quân chỉ có thể chia đều sự nghèo đói chứ không sao có phát triển luôn nhắc nhở chúng ta. Nhưng duy trì một mức sống quá thấp của 70% dân số sẽ làm triệt tiêu dần động lực cho phát triển. Cần phải dứt khoát chấm dứt tình trạng “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”.


V.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn dừng lại ở hình ảnh một đồng chí Bí thư Huyện uỷ trẻ, có bản lĩnh và trí tụê, vốn đã được học hành nghiêm chỉnh và được đào tạo có bài bản, từng giữ cương vị lãnh đạo ở một số lĩnh vực kinh tế trước khi về nhận chức bí thư huyện uỷ. Anh say sưa trình bày những ý tưởng táo bạo trong việc đưa nông nghiệp, nông thôn đi lên trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Kết luận anh rút ra là: nếu được chấp nhận những ý tưởng đó, chỉ trong vòng một nhiệm kỳ, huyện của anh sẽ có chuyển biến thật sự. Trong những ý tưởng táo bạo đó có vấn đề làm thế nào để xoá bỏ tình trạng manh mún, tản mạn của ruộng đất hiện nay. “Không tập trung được ruộng đất, không sao chuyển đổi được cơ cấu lao động, ngành nghề, áp dụng khoa học và kỹ thuật mới”. Trả lời cho câu hỏi làm sao tập trung ruộng đất, anh cười dí dỏm: “trước hết là phải thay đổi cách nghĩ quen thuộc về“người cày có ruộng”như là một cứu cánh của lập trường cách mạng. Có lẽ phải biết và dám “tập trung ruộng đất để đưa nông thôn vào sản xuất hiện đại ở trong đầu” đã, rồi từ đó mới thực thi được trên đồng ruộng. Mà chúng tôi ở huyện, nếu không được cái đầu của tỉnh gật thì chỉ mới đưa ra ý tưởng đã bị “phạt đền 11 mét” rồi, làm sao dám thực thi? Mà cái đầu của tỉnh thì lại phải chờ đợi từ cái đầu của trung ương có thuận không đã. Và cứ thế, sự chờ đợi kéo dài, và nông thôn cũng mòn mỏi kéo dài ì ạch theo bước chân trâu”.

Đương nhiên, tập trung ruộng đất để có điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sản xuất ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, thực hiện từng bước quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn không đơn giản chút nào. Mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hoá và sự làm ăn, kiếm sống của các hộ nông dân nghèo đang vất vả trên chính mảnh ruộng năng suất thấp của mình, cần phải có sự xem xét thoả đáng. Cũng đừng quên rằng, không phải không có tình huống là bản thân việc “dồn điền, đổi thửa” chưa thuyết phục được từng hộ nông dân thấy được nhu cầu của chính họ, thay vì sự hăng hái của không ít những cán bộ một số nơi nhắm vào động cơ việc “dồn điền, đổi thửa” sẽ tạo ra những lô đất lớn để “đấu thầu”, tăng thu cho ngân sách, đồng thời cũng tiện cho chuyện “quy hoạch” đất công nghiệp. Đấy là chưa nói những động cơ vụ lợi riêng tư mà người dân cảnh giác. Những nghịch lý của phát triển luôn là bài toán hóc búa.

Song để phát triển, cần phải tìm ra những lời giải thoả đáng. Lời giải đó cũng không thể tìm ở đâu khác từ những cái đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những tư tưởng và việc làm của mình trên chính mảnh đất dưới chân mình. Mảnh đất quê hương.

Những cán bộ cỡ bí thư huyện uỷ như vậy không nhiều song không là quá hiếm trên cả nước ta, từ khắp nông thôn đồng bằng Sông Hồng, suốt dọc duyên hải miền Trung, vượt lên vùng núi phía Bắc, quành về Tây Nguyên, cho đến ngút ngàn nông thôn đồng bằng Sông Cửu Long. Những cái đầu biết suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng vào cuộc, bứt lên. Hiện nay, những cái đầu dám nghĩ và dám làm, dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình để xây dựng nông thôn mới ấy đang cần được cổ vũ, tạo điều kiện để phát huy. Đó chính là cái vốn vô giá của sự nghiệp “phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay”. “Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm của mọi cải cách ở khu vực nông thôn”, đó là kết luận nổi bật được nêu lên trong “Hội nghị phát triển nông thôn giai đoạn hiện nay” vừa rồi. Mà muốn thế, phải biết “khoan thư sức dân”, đó chính là “kế sâu rễ, bền gốc” được vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh mới, khi mà “Bài học của sự kiện Thái Bình 1997” vẫn còn tươi rói.

Khoan thư sức dân, mà “dân”, trước hết là nông dân, đó chính là “kế sâu rễ, bền gốc” mà ông cha ta truyền dạy. Trong trường kỳ dựng nước và giữ nước, triều đại nào làm được điều đó thì thịnh, duy trì được quyền lực. Ngược lại, thì bị dân phế bỏ vì “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.

Mấy nghìn năm lịch sử nước nhà, đặc biệt là từ thế kỷ X, xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ và thống nhất, từng trang sử đều thấm đẫm bài học ấy.
Nguồn: Bài đã đăng nhiều kì trên tuần báo Văn nghệ, các số 23, 24, 25 ra ngày 9, 16, 23 tháng 6, 2007